cheer up!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-Ai cũng từng có một tuổi thanh xuân như thế-

Hồi tôi mười tám tuổi, cuộc sống đơn giản biết bao. Hàng ngày công việc chỉ có đi học, rồi ăn, rồi ngủ, tất nhiên là có cả làm việc nhà nữa. Nhưng lúc đấy vẫn được bố mẹ chăm bẵm chẳng khác gì đứa trẻ con. Mà công nhận, mười tám tuổi vẫn là đứa trẻ con to xác. Ai mà chẳng vậy.

Vì cuộc sống lúc đó đơn giản quá, nên những lúc gặp những chuyện nhỏ nhặt như con kiến cũng khiến tôi than thở suốt ngày. "Ôi sao mình không được ngủ thêm một tẹo nữa? Hôm nào mình cũng đi học rõ sớm mà", "Sao hôm nay không được nghỉ học gì cả, trời mưa to khiếp, xe đạp điện của mình ngập nước rồi kìa, hỏng mất thôi", "Học môn này khó ngấm quá đi, đau đầu quá",... Hình như chỉ xoay quanh vấn đề đấy...

Vì cuộc sống lúc đó đơn giản quá, nên hình như việc hít thở cũng dễ dàng quá. Hàng ngày đi học, rảnh rang thì tụ tập mấy đứa bạn thân. Không la cà quán xá thì cũng vào nhà một đứa nào đó. Cả lũ cùng ăn kem, cùng nói chuyện, cùng cười đùa đến khi chảy hết nước mắt, muộn rồi cũng chẳng muốn tạm biệt ra về.

Vì cuộc sống lúc đó đơn giản quá, nên mọi thứ ngọt ngào dành cho bản thân mình tôi đều coi là điều dĩ nhiên, tất yếu mình phải có. Tôi có mấy đứa bạn thân, rất tốt, rất hiểu tôi. Chơi với nhau từ rất lâu rồi, chưa hề có cãi cọ hay giận dỗi. Ngày nào cũng phải dính với nhau. Tại vì chẳng có một chút rắc rối nào cả, ngoại trừ tính tình vụng về làm mất bằng tốt nghiệp cấp 2 ra, lúc nào tôi cũng vui phơi phới, lúc nào cũng cười nói như thế nếu dừng mồm lại thì sẽ mọc da non dính chặt hai môi với nhau.

Thêm chút nữa, khi tôi mười chín tuổi. Mười chín tuổi tôi bắt đầu học cách không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ nữa. Tôi tìm cho mình một công việc làm thêm. Thật ra không phải vất vả tìm kiếm khó khăn lắm, vì mọi thứ đã được vẽ sẵn ra trước mặt rồi. Cuộc sống vẫn đơn giản, chỉ phức tạp lên một chút, một chút thôi. Lịch học của tôi khi đó rơi vào buổi chiều nên tôi dành hết buổi sáng để đi làm. Lần đầu tiên phải tự lực lao động để kiếm tiền, tôi bắt đầu than thở về việc này. "Sáng phải dậy sớm mệt quá đi", "Xe bus sáng sớm đông kinh khủng", "Mình chưa kịp ăn sáng, hạ đường huyết mất rồi", "Kiếm tiền là thế này đây à? Mệt mỏi ức chế quá đi mất",... Thế nhưng vẫn phải nhẫn nại, vì mình phải học cách sống một mình đi là vừa. Tháng lương đầu tiên, tôi hào hứng mua cho em gái lớn đôi giày có giá 370.000vnđ, em gái nhỏ cái váy (chẳng nhớ bao nhiêu tiền nữa), đưa cho mẹ một nửa số tiền lương nhưng mẹ không lấy, thế là tôi đành giữ để mua sách đọc. Công việc của tôi nhẹ nhàng đến ngỡ ngàng, chỉ ngồi gõ máy tính, tổng hợp sổ sách, bận hơn thì lái xe máy khắp thành phố dưới trời nắng (hoặc mưa, thỉnh thoảng thời tiết mới xấu thôi),... Nhưng tuổi trẻ mà cứ bảo ngồi một chỗ nhìn vào mấy con số chán ngắt, trả lời điện thoại mấy người lớn tuổi hơn mình suốt ngày hoặc là được ngồi đếm một đống tiền mà toàn tiền của người ta,...thì khó chịu lắm. Nhưng tôi vẫn nhẫn nhịn, vì cuối tháng sẽ được nhận lương.

Bận học bận cả đi làm, dần dần việc tụ tập mấy đứa bạn là điều bất khả thi, rất khó. Lời nói dành cho nhau cũng dần thưa thớt nhưng không vì thế mà tình bạn có bất cứ trục trặc nào cả. Tôi lại thấy bản thân thật may mắn khi đến tận lúc đấy vẫn có rất nhiều người ở bên mình. Tiền lương hàng tháng tôi đều tích góp lại để chi tiêu cho bản thân. Mua quần áo, mua được cả điện thoại, mua những thứ mình cần, và luôn có một số tiền nhất định để xả hơi.

Tôi bắt đầu gặp trục trặc với công việc. Phần vì gò bó, cảm thấy bản thân không hợp, phần vì không thể điều hòa nổi nhịp sống nên một năm sau khi đi làm, tôi xin nghỉ. Bỗng dưng mất đi một khoản tiền hàng tháng, bản thân thấy hơi khó chịu. Tôi bắt đầu lại than thở về tiền. "Hết tiền rồi", "Mình muốn mua cái kia mà không đủ tiền", "Mình muốn ăn cái này mà không đủ tiền", "Mình muốn đi xem phim",... Than thở vậy thôi, tôi chẳng bao giờ xin tiền tiêu vặt cả.

Một tháng sau ngày nghỉ việc, cuộc sống của tôi bắt đầu xảy ra rất nhiều biến cố. Vẫn là tuổi mười chín, nhưng là nửa năm trước và nửa năm sau. Mọi thứ đảo lộn hoàn toàn. Vẫn biết là cuộc sống ai cũng có rắc rối, và tồi tệ hơn nữa là bản thân phải tự đương đầu một mình. Lần đầu tiên tôi có cảm giác bị mọi người bỏ lại phía sau. Mọi người lảng tránh an ủi, lảng tránh nói chuyện, vì chẳng biết có nên hay không. Trong lòng mỗi người đều luôn có một người hiểu mình đủ để mình bỏ lại mọi muộn phiền mà gục vào rồi khóc. Tôi cũng có một người như vậy. Người đấy hiểu tôi một cách lạ lùng, hiểu cả những điều tôi chưa kịp thể hiện. Hoặc do cuộc sống của chúng tôi quá giống nhau, rất giống nhau. Từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, tất cả đều có nét tương đồng, một vài chuyện thì y chang từng chi tiết. Có một lần tôi ngồi khóc trong giờ làm việc vì lén lút nhân lúc rảnh rỗi mà ngồi nhắn tin tâm sự với người đấy, được người đấy kể cho vài chuyện cũ. Thật là biết cách lấy nước mắt người khác. Và, sau này, nửa năm sau đó, tất cả những chuyện đấy xảy đến với tôi. Tất nhiên người mà tôi tìm đến không phải là ai khác. Tôi có hỏi, tôi có thắc mắc, có cả cười nữa nhưng là cười gượng, vì tại sao tôi lại phải trải qua những điều kinh khủng như thế?

Nửa năm sau của tuổi mười chín, tôi bị ép phải trưởng thành. Tôi dần dần chẳng cười đùa nhiều như trước, nói chuyện cũng ít hơn trước. Có những khi nghĩ rằng mồm mình đã bị da non phủ kín rồi. Cũng chỉ là có mỗi người đấy khiến tôi cười được.

Tôi tìm đến mấy đứa bạn thân. Cái con người lúc nào cũng tỏ ra kiêu hãnh như tôi, chẳng bao giờ khóc trước mặt ai mà bây giờ đứng giữa đường khóc. Mọi người nhìn thì mặc kệ, tôi chẳng quan tâm nữa. Một buổi tối nọ, tôi nằm dài trên cái giường của con bạn thân, bên cạnh là mấy đứa đang ngồi sơn móng chân cho nhau. Tôi giấu mặt sau cái điện thoại rồi kể lể bằng thứ giọng cố tỏ ra vững vàng. Chúng nó vẫn hiểu tôi, vẫn vì tôi, thế nên tôi khóc. Nghĩ lại, thấy bản thân vẫn hạnh phúc quá.

Khoảng thời gian ấy, tôi thôi không than thở nữa. Những thứ đã qua, những điều tôi đã than thở, nghĩ lại sao mà thấy trẻ con quá đỗi.

Những ngày cuối cùng của tuổi mười chín, tôi nghĩ mình đã lại dần sống lại.

Hai mươi tuổi, tôi nghĩ bản thân đã chết đi nhiều phần. Tôi lại bắt đầu than thở, nhưng với phạm vi rộng hơn nhiều. "Sao con người bây giờ khó có thể đặt lòng tin thế?", "Sao con người bây giờ nhẫn tâm thế?", "Mình đâu có làm gì sai đâu",... Có một vài người biết những điều tôi đang phải trải qua một mình. Đôi khi tôi có kể cho họ một vài điều. Nhưng cho đến tận giờ phút này, khi mà đang ngồi gõ những dòng này thì tôi chắc chắn một điều là những điều tôi từng kể chưa bao giờ là toàn bộ câu chuyện. Dù có kể chi tiết đến đâu thì lúc nào tôi cũng giữ lấy một phần cho mình và chỉ mình biết mà thôi. Vì họ không phải là người hiểu tôi một cách hoàn hảo nhất.

Tôi bắt đầu ra sức "xây" cho mình một căn nhà rồi trốn tịt vào trong đó. Không cởi mở nữa, không phải lúc để cười đùa nữa. Thỉnh thoảng, tôi cố tỏ ra bản lĩnh, nhưng chỉ là "lớp sơn" mới quét của "căn nhà". Cuối cùng vẫn chỉ có người đấy là nhận ra và bóc toạc lớp sơn đấy.

Hai mươi tuổi, bị ép trưởng thành còn kinh khủng hơn mười chín tuổi.

Nhưng tôi nhẫn nại hơn khi tôi mười tám tuổi.

Hai mươi tuổi và quá trình đấu tranh đi tìm hạnh phúc, khó mà dễ, đơn giản mà phức tạp. Nếu là khi mười tám tuổi, tôi sẽ chẳng bao giờ đủ nhẫn nại để đợi chuyến xe tiếp theo nếu có lỡ để nhỡ mất một chuyến xe trước mặt, nhưng giờ thì có. Nếu là khi mười tám tuổi, tôi sẽ chẳng bao giờ đủ nhẫn nại để đợi một đứa bạn trả lời lại một tin nhắn hỏi thời khóa biểu, nhưng giờ thì tôi sẽ gọi cho nó. Nếu là khi mười tám tuổi, tôi sẽ chẳng bao giờ chạy theo bất cứ cái gì bất cứ ai vì mọi lí do, nhưng giờ thì tôi sẽ đi tìm nếu thứ đấy và ai đấy làm tôi hạnh phúc. Nếu là khi mười tám tuổi, gặp trời mưa thì tôi sẽ về nhà, nhưng giờ thì tôi sẽ đợi tạnh mưa rồi tiếp tục đi - giống như tôi đã từng làm, cùng một người, vào một ngày mưa mùa hạ, mưa to.

Hai mươi tuổi và bài học về sự nhẫn nại. Cứ chờ đợi rồi sẽ nhận được một câu trả lời thỏa đáng...

Ai cũng từng có một tuổi thanh xuân như thế. Dù thế nào thì nó vẫn luôn đẹp. Như tuổi trẻ của chúng ta vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net