BVS 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiến tranh! Hai tiếng thể hiện một phát minh thất bại nhất của loài người. Chính nó đã lấy đi ra bao nhiêu nước mắt của thượng đế, của mẹ thiên nhiên và của cả chúng ta - những con người đáng thương mãi không quên được hậu quả của chiến tranh. Nhưng một phần nào đó, nó lại cho ta cơ hội để thể hiện sự bất khuất suốt bốn nghìn năm của một đất nước, chứng minh sự vĩnh cửu của một tình cảm tên gọi là gia đình. Chính những hậu quả của chiến tranh đã là nguồn cảm hứng cho tác giả Nguyễn Quang Sáng viết nên câu chuyện về tình phụ tử cảm động, đoạn trích đắc giá nhất trong tập truyện ngắn là "Chiếc lược ngà", chắp bút và hoàn thành vào một ngày một đêm năm 1966. Trong đó, tác giả đã xuất sắc nêu bật tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu, họ cũng là đại diện của những gia đình Việt Nam trong thời kì kháng chiến mà ở đó "lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành".

Năm 1946, năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Sáu cũng như bao người nông dân Việt Nam khác, ông phải đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, làm những chàng trai áo nâu lần đầu mặc áo lính lên đường ra trận. Ai nấy đều đành nguyện ý tạm gác những gì thân thương nhất của đời mình lại để dành trọn công sức cống hiến cho nơi đất mẹ đang đau đáu mùi bom, mùi máu. Họ đều biết bảo vệ được đất nước cũng chính là bảo vệ được quê hương, nhà cửa, gia đình và tình yêu của họ. Ông Sáu đã đi đầu quân cho bộ đội miền Nam khi đứa con gái tên Thu của ông chưa tròn một tuổi, suốt gần tám năm trời sau đó, ông không trở về nhà. Nỗi nhớ da diết của ông dành cho gia đình mình chính là nguồn động lực to lớn nhất thúc giục ông chiến đấu kiên cường. Cuối cùng ông đợi được đến lúc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cũng là lúc ông được hưởng ba ngày nghỉ phép đầu tiên sau những năm đi dưới mưa đạn mà trong lòng khóc nỗi nhớ nhà. Nhà ông Sáu ở gần vàm kinh nhỏ đổ ra con sông Cửu Long, về tới nhà ông phải đi một đoạn thuyền. Lúc còn cách nhà không xa, ông Sáu thấy được đứa bé gái độ chừng 8 tuổi, đoán biết là con, ông Sáu nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra làm người đồng đội - bác Ba trên xuồng bị chới với. Ông dang hai tay ra khom người bước tới, miệng gọi những tiếng mong mỏi: "Ba đây con!... Ba đây con!". Nhưng hình như ông cũng quên nỗi đau mà vết sẹo dài đỏ ửng trên mặt mang tới, đó là cái vết sẹo bọn Tây làm ra. Ai cũng không ngờ được bé Thu lại cứ thế lùi lại rồi bỏ chạy, thét toáng lên gọi má. Ông Sáu cứ như trúng rét, 'đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy'. Suốt ba ngày nghỉ phép, ông quyết chỉ ở nhà để gần gũi hơn với con, ai biết được anh sẽ còn mấy lần gặp con và gia đình đâu. Thế nhưng những ngày này, cái tiếng 'ba' từ miệng bé Thu mà ông mong mỏi nào có được thốt ra. Mẹ nó và bác Ba cũng đã khuyên giải hết lời, nhưng dường như sự cố chấp của con bé lớn tới nỗi khiễn nó bướng bỉnh. Cái bướng bỉnh khiến ông Sáu đau hơn cả những vết thương đẫm máu. Có lần chị Sáu sai bé Thu kêu ba nó vào ăn cơm, nó lại vùng vằng nói trổng: "Vô ăn cơm!", "Cơm chín rồi!". Những tiếng gọi ấy còn xa lạ hơn cả một người bạn mới quen, có lẽ nó cũng giận lắm cái người mà nó nghĩ là 'giả' ba nó. Ông Sáu nhìn đứa con gái ông đứt ruột yêu thương, rồi lại khe khẽ lắc đầu. Ông cũng có cười, nhưng không ai không hiểu, đó là vì ông khổ tâm đến nỗi không khóc được, nước mắt đối với người lính là xa xỉ. Ở trong quân doanh nhiều năm, nỗi nhớ nhà chồng chất, cứ nghĩ ông bình thản mà đối diện với thái độ lạnh lùng ấy, chỉ có ông mới biết, trong lòng ông một ngọn núi vững vàng đang sụt lún. Bữa sau bé Thu lại gặp tình huống trắc trở khi canh nồi cơm sôi, mẹ nó đi chợ rồi! Muốn chắc nước cho cơm khỏi nhão, ấy thế mà ai giúp nó được bây giờ - ông Sáu? Nó lại cất cao giọng nói trổng, cứ như là nó ra lệnh cho ông Sáu: "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!". Cái giọng con nít miền Tây lanh lảnh của nó lúc này lại hoá sắc bén đến rùng mình, tựa một cây dao găm đâm sau vào tim ông Sáu từng tấc một. Bác ba đứng đó, nhìn đồng đội mình im thin thít, đành mở lời cho bé Thu gọi tiếng 'ba'. Tiếng thở của ông Sáu như nhỏ dần rồi mất hẳn, chắc ông nghĩ giữa cái thế bí này, con bé sẽ phải cất tiếng với ông thôi, ông nín thở để nghe rõ từng âm một trong tiếng gọi của bé Thu. Nhưng ai cũng lầm, con bé chỉ nhăn nhó như muốn khóc, ông Sáu nhìn thấy được thì tâm cũng không muốn cương với nó nữa, thì ra làm khó con mình đau đến như vậy, ông tính đứng lên giúp. Vậy mà 'nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ', phải chăng nó bảo thầm rằng: "Ba ơi, ba đâu rồi? Con tủi thân lắm, má không có ở đây, ba giúp con đi." Chỉ tiếc rằng, nó không nói ra để cho ông Sáu hay ai nghe thấy, nếu không thì có lẽ câu chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác rồi. Đến tác giả còn phải thốt lên: "Con bé đáo để thật". Đúng, con bé lại còn cương quyết, bảo thủ đến sợ, nhưng đây cũng là thái độ của một đứa bé nên có khi nó nhận định điều gì đó không phải dành cho nó thôi. Sau này cũng nhờ cá tính mạnh mẽ này, bé Thu đã đi theo con đường cách mạng yêu nước - con đường cha nó chọn - trở thành một cô giao liên dũng cảm. Ai có giận thì cũng làm sao mà trách được, vì con bé đáng thương nhiều hơn. Đáng thương ở chỗ thuỷ chung ở tiếng gọi 'ba' thiêng liêng, tiếng gọi mà con bé chỉ muốn dành riêng cho người ba 'thật' của nó, nên nó giữ gìn suốt gần 8 năm nay. Trong bữa cơm đó, ông Sáu ăn nồi cơm đứa con gái tự tay trông mà lòng đau đáu, thế nên ông gắp cái trứng cá to vàng để vào chén bé Thu. Con bé liền lấy đũa xoi vào chén, hất luôn cái trứng cá ngon lành ra làm cơm văng tung toé. Cũng vào lúc ấy, ngọn núi kiên nhẫn cao vời vợi trong lòng ông Sáu chính thức sụp đổ, ông nóng quá vơ tay đánh ngay vào mông nó rồi quát:
- Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?
Ôi cái đánh này là cái đánh dạy dỗ đầu tiên cũng như duy nhất mà ông dạy cho bé Thu con ông - đứa con ông không có cơ hội dẫn dắt nó từng bước nên người. Nỗi đau đánh con còn lớn hơn cả nỗi đau con không nhận ra cha, bởi vì đánh con tức là phủ nhận tất cả niềm yêu thương mà ông đã dành cho con mình. Con bé nín thin, không khóc hay rơi giọt nước mắt nào, nó cầm đũa gắp lại cái trứng cá để vào chén. Cứ tưởng đây là một tình huống bất ngờ được giảm nhẹ, nhưng không, đây mới là đỉnh điểm của sự bất đồng từ bé Thu. Có thể con bé cũng tiếc cái trứng cá vàng ngon như vậy, nhưng nó thà gắp từ dưới đất lên, còn hơn để ông Sáu thương cảm nó. Khi nãy ông Sáu không thèm để ý tới đã khiến nó thật sự xây lên thêm một tầng băng đẩy ông ra xa, bây giờ lại muốn thân thiết, đương nhiên nó sẽ phản ứng mạnh mẽ tới như vậy. Con bé không khóc vì dường như nó tin tưởng cũng sẽ không ai dỗ hay xót xa cho nó, khóc nấc lên khiến ông Sáu thương cảm nó, lại càng khiễn nó khó chịu thôi. Bé Thu đứng dậy, lặng lẽ bước ra khỏi nhà xuống bến, nó mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, bỏ sang nhà ngoại khóc ở bên đấy. Cuối cùng ngoại nó mới là người hỏi nó cho ra nhẽ, thì ra là vì vết sẹo trên mặt ông Sáu khiến ông trông khác với bức hình mà mẹ nó chụp chung cùng với ba. Suốt 8 năm trời dài đằng đẳng thiếu vắng tình thương của ba, nó cũng chỉ biết khoả lấp niềm tủi niềm nhớ bằng cách ngắm suốt bức hình cũ kỹ ấy. Nhìn mãi thành quen, trong tìm thức, người cha nó phải mang khuôn mặt hiền lành chứ không phải người mang vết sẹo lớn kia. Sau khi nghe ngoại giải thích rõ mọi chuyện, 'nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn'. Cả buổi tối đêm đó đối với một đứa trẻ 8 tuổi như bé Thu có lẽ rất khó khăn. Cái cảm giác luyến tiếc cứ như đi giữa xa mạc khát khô, chỉ cần kiên trì chút nữa sẽ thấy được ốc đảo xanh đầy nước, nhưng nó lại bỏ cuộc mà quay về, sau khi gần như chết khát giữa đường về, mới biết mình đã bỏ lỡ điều gì. Cả một đêm dài cũng đủ thời gian cho nó tự dằn vặt bản thân mình, thật đáng thương. Sáng hôm sau ngoại đưa nó về, cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về quân doanh nhận nhiệm vụ. Sau khi bắt tay chào tạm biệt dòng họ đến thăm xong hết một lượt, ông mới dám để mắt mình lướt đi tìm hình ảnh đứa con gái nhỏ nhắn đáng yêu của ông. Nỗi đau như cứa từng tấc da thịt khiến ông không dám nhớ về đứa con gái, nhưng giờ phút chia ly, ai cũng tham lam muốn một điều kì diệu xảy ra. Và cuối cùng ông cũng tìm thấy đôi mắt đã không còn vẻ bướng bỉnh của bé Thu, nó đâm chiêu như suy nghĩ điều gì sâu xa lắm. Ông Sáu muốn ôm nó, nhưng sợ nó lại giẫy bỏ chạy nên thôi, chỉ nhìn nó với đôi mắt trìu mến, nói:
- Thôi! Ba đi nghe con!
Lúc này, chính tiếng thét: " Ba... a... a... ba!" của bé Thu đã khiến mọi định luật thời gian như vỡ vụn. Tiếng gọi ấy như kéo dài đến như vô tận, thế giới này không còn gì mãnh liệt hơn nó được nữa. Bởi vì 'đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay', con bé chạy nhanh như một con sóc, dang hai tay ôm lấy cổ và hai chân bấu chặt vào người ba nó. Nó hôn cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa. Bấy giờ, lời cầu xin ba nó đừng đi không còn là lời nói trổng bướng bỉnh nữa, mà đã hoá thành sợi dây vô hình chắc chắn nhất nối liền tâm hồn của nó với ba. Nhưng rồi ông Sáu cũng phải ra đi với lời hứa mang về một chiếc lược ngà cho bé Thu. Ở chiến trường khốc liệt, khi nhặt được một khúc ngà ông Sáu đã 'hớn hở như một đứa trẻ được quà'. Ông tỉ mỉ mài từng chiếc răng lược, khéo như người thợ bạc, chính nỗi thương nhớ đã khiến đôi tay cầm súng chai sần hoá đôi tay chứa một tình yêu vĩ đại. Trên sống lưng lược, ông Sáu tẩn mẩn khắc: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Mỗi khi rỗi ông lại lấy lược ra mài lên tóc cho nó thêm bóng, thêm mượt, để khi con chải lên tóc cũng không bị đau. Cây lược ngà chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó gỡ rối được phần nào nỗi hối hận khi xưa đã đámh con. Một ngày cuối năm năm mươi tám, ông Sáu bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực - nguỵ khi chưa kịp trao tới đứa con gái bé bỏng chiếc lược chất chứa yêu thương. Trong những khoảnh khắc cuối của cuộc đời, con người thường sẽ tự nhắc nhớ bản thân lại những gì quan trọng nhất, thân thương nhất, và đó cũng chính là bé Thu - con gái ông. Ông Sáu đưa tay vào túi và móc ra cây lược đưa cho bác Ba, cứ thế nhìn người đồng đội đồng sinh cộng tử của mình một hồi lâu. Cái ánh nhìn ấy khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cũng phải ám ảnh, một ánh mắt chất chứa trong đó là mong mỏi, tiếc nuối với phần thương nhớ gia đình và con gái chưa được lấp đầy, một cái nhìn xa xăm khi chưa thể hoàn thành tròn trọng trách đưa đất nước tới được ngày thống nhất. Giờ thì người ta mới rõ, bom đạn của chiến tranh có thể làm một con người ngưng thở, nhưng không thể làm máu mộy người lính thôi chảy về cội nguồn, càng không thể khiến tình phụ tử thôi vĩ đại và thiêng liêng.

Truyện "Chiếc lược ngà" đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Chiến tranh tàn khốc, gây ra các cuộc sinh ly tử biệt, vợ xa chồng, cha xa con, con xa nhà. Nghịch cảnh này là một trong muôn ngàn nghịch cảnh khác, đây cũng là một sự thật đau lòng của nước Việt Nam ta trong những năm kháng chiếnchống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bằng một sự cảm nhận chân thực về tình cảm gia đình trong chiến tranh, ông đã gợi lên một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng, đẹp đẽ, và trên thực tế còn rất nhiều tình cảm khác mà ta cần phải trân trọng và giữ gìn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tlv