đoạn kết mới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện có rất nhiều yếu tố lịch sử, các nhân vật hư cấu không có thật. Bất cứ sai sót nào xin hãy cmt cho mình biết để sửa lại kịp thời.

Năm nhân vật Hân, Trí, Lân, Tuệ và Nhân đều là năm thành viên NewJeans.

Oneshot dài hơn 25k chữ, nếu làm ngốn nhiều thời gian của bạn thì xin cực kỳ cân nhắc trước khi đọc =))))), vì mình ngồi đọc lại để check chính tả cũng muốn bở hơi tai.


1.

Mùi ớt cay nồng xộc lên mũi.

Sài Gòn dạo này bụi bặm gớm, không phải bụi do người Sài Gòn, tôi đã không còn thấy người Sài Gòn chính gốc xuất hiện trên phố nhiều như trước.

Xóm tôi, khu xóm Gà, một cái xóm nhỏ chen chúc giữa hàng trăm xóm khác trong lòng thành phố, nghèo nàn và xập xệ. Thực ra khu nào cũng thế, dưới chính quyền mục rữa và thối nát này thì đành chịu, nhà nào mà phất lên cho nổi. Thỉnh thoảng mới lòi ra được vài ba hộ gia đình làm cho sở Mỹ, làm cho chính quyền Sài Gòn, rồi cút theo bọn Mỹ luôn. Chúng nó giàu nhờ vào tiền Mỹ, cái bọn chó đẻ, tôi vẫn hay nghe mấy cô mấy chú mấy dì quanh khu tôi ở chửi đổng mỗi khi trong xóm có đàn bà con gái dọn theo lấy mấy thằng Mỹ.

- Đồ trắc nết! Mỹ nó qua cướp nước mình, giờ đu theo chẳng khác gì làm cái máy đẻ cho nó.

Đó là khi tôi nghe người lớn truyền tai nhau rì rầm sau lưng chị Thuý, sống sát bên nhà tôi.

Chị Thuý trước có ba làm cán bộ, giờ ba mất thành ra mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tưởng chị cứ thế lấy chồng rồi lo lót chăm cái bàn thờ quanh năm nhan khói, nhưng hôm nọ, tôi và tụi con Tuệ thấy chị đi theo sau một thằng Mỹ đen. Tôi lo sốt vó, con Nhân xám ngoét cả mặt, nó trờ tới, níu áo chị nhè nhẹ:

- Chị bị bắt rồi há?

Chị sững sờ, chưa kịp trả lời thì con Nhân đã bị bà Ba kéo tay lại:

- Tụi bay đi vô trong! Hạng đàn bà con gái như nó không đáng để tụi mày hỏi. Biến, biến vô! Đừng có xớ rớ ở đây.

Tôi chỉ nhớ thoáng qua. Thằng Mỹ đen nán lại trừng mắt nhìn bà Ba, bà khựng lại hằm hè liếc nó. Thằng Mỹ hỏi chị Thuý gì đó, tiếng tây tiếng u gì ai mà biết, chị cười cười gật đầu, sau đó bỏ đi một nước, chẳng thèm chấp nhặt chuyện bà Ba hạnh hoẹ mình.

Trước khi đi, tôi nhác thấy gương mặt chị như mớ lọ nghẹ dưới cái đít xoong của má, như bầu trời u ám ngày mưa. Chị cười với bọn trẻ chúng tôi, khi ấy vẫn là đám lóc chóc chẳng kịp hiểu chuyện.

Lớn lên một chút, nghe người lớn nhắc lại về chuyện những người con gái như chị Thuý, tôi mới vỡ lẽ một nỗi thất vọng to lớn. Ba chị trước là cán bộ, vì dân vì nước mà bỏ mạng oanh liệt nơi chiến trường, giờ chị rước thằng Mỹ đen bự thù lù về nuôi, không biết ba chị trên bàn thờ thấy sao. Những lúc ấy, khi đang học trung học, tôi thường nghĩ về chị rồi thở dài với con Tuệ:

- Buồn quá mày ơi, trước chị Thuý đâu có như vầy.

Tuệ cầm chai xá xị con cọp của nó cụng vào miệng chai thuỷ tinh của tôi, tạo ra âm thanh leng keng:

- Giàu vậy ai mà chả khoái? Ờ mà có tao là không, ai chứ giàu nhờ mấy thằng Mỹ thì có cho tao cũng không thèm!

Nó đinh ninh, tay vỗ bôm bốp vào đùi. Tôi huých vai nó trêu:

- Ai cho mà đòi hả mậy?

Chị Thuý trước từng làm cho một cái xưởng giày tuốt bên Củ Chi, chỉ đủ để nuôi sống qua ngày. Bỗng từ dạo cái hôm chị nghỉ làm ở xưởng, tôi cứ thấy chị lảng vảng quanh tửu lầu Á Đông, khi thì đi với mấy cô mặc sườn xám xẻ sâu, khi thì đi với Mỹ trắng Mỹ đen. Rồi đùng một cái, chị rước thằng Mỹ về nhà, không một ai thèm bắt chuyện với chị nữa, và có lẽ chị cũng chả cần họ, bọn nó đủ nuôi cái miệng chị và thằng chồng Mỹ của chị rồi.

Chị Thuý từng nán lại vài tiếng đồng hồ chỉ để kể về lịch sử hình thành Đảng Cộng sản cho con nít trong xóm nghe. Hồi ấy chị theo chân ba đi làm nông, cuốc đất, gặt lúa, ba chị cứ đỡ đần được cái tay cái chân là hoạt động bằng cái miệng. Nhìn cái cách kể chuyện với đôi mắt lấp lánh của chị, ba chị yêu nước, yêu bác Hồ lắm.

- Sau này tao mà chết vì súng đạn thì mày cũng phải chết vì súng đạn, nghe con?

Ba chị dặn thế, sau này, chị lấy thằng Mỹ, nhưng chết vì cái gì thì chưa biết, vì chị chưa có chết, chị vẫn sống sờ sờ ở đây, vẫn sống dưới sự cay nghiệt và cạnh khoé của bà con chòm xóm.

Tôi thương chị Thuý, thương vì tình yêu nước lớn lao mà chị được ba truyền lại. Rồi thằng Mỹ về, tôi hết thương, nhưng không đâm ra ghét bỏ như bà con. Tôi chỉ giữ lại một dấu chấm hỏi lớn về chị, sau đó thôi không chuyện trò với chị nữa. Trước kia chị còn hay kể về Đảng, về cách mạng, con nít nghe, tụi nó khoái chí cũng đòi sau này làm cán bộ. Giờ tôi mà nán lại thì nghe được gì ngoài những tiếng thở dài sầu não và cả những lời than thân trách phận đây?

Người chị tin, con nhỏ Hân lóc chóc, chính là tôi đây. Tôi cũng bỏ chị, chị đâm chán nản, nản vì sự đối đãi bạc bẽo mà bà con dành cho chị, vì thế mà chị dứt áo đi, dẫu cho cái xóm nhỏ này gắn bó cùng chị hơn hàng chục năm trời. Giờ lòi ra một thằng Mỹ đen, hộ dân cư nuôi giấu cán bộ quanh vùng mà bị chính quyền phát hiện, chỉ có nước ra đảo sớm. Con Trí chắc mẩm như thế, chị không muốn hại cán bộ nên mới chuyển nhà lên khu xóm trên, chứ tôi chẳng là cái thá gì trong mắt chị.

- Nói cứ như chỉ ghét tao lắm.

- Chỉ ghét cả cái xóm mình chứ riêng gì mày đâu mà mày làm màu quá.

Trí càm ràm khi tôi nhắc về chị, có lẽ nó chán chị Thuý lắm rồi. Cũng như dân quanh đây, nó chỉ muốn chị đi cho khuất mắt nó, đi cho khuất mắt đồng bào, theo tiếng gọi tư sản.

- Người Sài Gòn chánh cống như tao với mày mà sao khó sống ở đây ghê, cứ trốn chui trốn nhủi như chuột.

Trí lại than.

Lại nói về chuyện nuôi giấu cán bộ, hồi ấy có bà con người quen của ba tôi lên trao đổi chuyện giấy tờ, xin ba tôi nhận nuôi giùm mấy thằng nhỏ ở dưới tỉnh. Ngày chú mang cả đám lên, gia đình tôi mới tá hoả, hoá ra mấy thằng nhỏ mà chú nói đều gần trạc tuổi ba tôi, nhìn là biết cán bộ liền. Thì bởi, ba tôi đến giờ vẫn theo hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi, nay gặp hai ông chú từ trên trời rơi xuống thì chưa đợi mẹ tôi đồng ý đã sốt sắng nhận người thân. Chú Sáu, chú Dân, mỗi người đều có việc riêng, người thì đi bán cơm, người đi bán cà rem dạo,...

Chú Sáu kể, chú đẩy xe cà rem dạo trước trường tiểu học Bình Tây, một đồng một cây cà rem dừa. Bảo bán thế thôi chứ thực chất chú đi kiếm tin tình báo. Hôm đó mà kiếm đủ tin để về báo cáo là chú phát hết cà rem cho tụi học trò luôn, đẩy cái xe con không đi về. Nghe chú kể, tôi, con Trí, con Lân trách:

- Kì quá hé, dư cà rem mà không đem về cho tụi con.

Chú cười khì, bảo để hôm khác.

Mấy lần tụi cảnh sát chìm của chính quyền đánh hơi được, mò theo má tôi dò hỏi. Má về, không quên kể cho mấy chú nghe, còn dặn tôi cẩn thận:

- Sau này ai mà hỏi thì nói mấy chú là anh em của ba, con của thím Tư, biết chưa?

Tôi chỉ đành gật đầu vâng dạ.

Nhà nhỏ xíu, nuôi thêm hai cái miệng ăn cũng là một vấn đề lớn. Mấy chú lấy tin tình báo rồi lo đi suốt ngày, chỉ thấy mặt trong giờ cơm. Cái vườn phía sau nhà, ba tôi cố ý đào hố thật to, cất giữ vũ khí, mấy khẩu thompson trộm được từ quân Sài Gòn. Chôn thật kín, sau đó ai nấy đều tự mình khoác lớp áo của dân thường, tiếp tục hoạt động.

Ba dặn không được kể ai, nhưng bí mật quá đỗi to lớn ấy không thể nào được giữ bởi một đứa con nít, tôi rỉ vào tai bọn con Tuệ, tụi nó trầm trồ:

- Ghê quá hén, mốt cầm khẩu súng ra nã bọn Mỹ đi mày.

- Mày vừa rớ vô là tụi Mỹ chặt đứt tay liền, bày đặt làm bộ làm tịch hả?

Tụi tôi lại nhao nhao cười ầm.

Sài Gòn mà tôi từng biết, à khi tôi chào đời đã là như vậy. Người Sài Gòn, người con Sài Gòn, đẻ ra trên đất Sài Gòn, sống trên đất Sài Gòn thật khép nép và tù túng. Tôi tự thấy trời cao vời vợi cứ như một cái lồng chim bằng tre, nhốt chúng tôi vào trong. Bí bách quá, dẫu cho có đang đạp xe vi vu ngoài phố phường, tôi vẫn thấy thật khó thở.

Tự dưng tôi ghét cái nơi tôi sống quá, nhưng cũng thương quá.

- Ê đứng lại!

Một thằng cha người Tàu, đầu tóc xoăn tít, da dẻ ngăm đen ngoắt xe tôi lại. Tôi lịch sự thắng xe, nghe một cái kít:

- Ngộ đang bận, chuyện gì không?

Đây là một kiểu chào hàng rong quá đỗi quen thuộc với dân thành thị. Thằng chả cầm cái mẹt đựng mấy bao thuốc lá ra đứng dang dang trước xe tôi, nếu là như mọi khi thì tôi giả điếc lướt qua, nhưng sực nhớ tới mấy bao thuốc rỗng ở nhà của chú Dân, tôi thò tay vào túi:

- Bao nhiêu một gói?

- Ruby 15 đồng.

Tôi chưng hửng:

- Mắc quá! Ngộ mua của cái sạp kế nhà có 13 đồng. Vậy thôi ngộ dông hà!

Tôi trèo lên lại yên xe, định nhấn bàn đạp, ổng níu cái ghi đông xe đã bong tróc sơn:

- Hầy da! Nị thương ngộ với, sáng giờ bán chác được mấy đồng đâu, thôi 13 đồng đó.

Nghe có thế, tôi hí hửng nhét tiền vào tay ông già, nhón tay lấy gói Ruby cho vào túi. Thực ra sạp kế nhà tôi bán tới 14 đồng, lời được một đồng cũng vui rồi.

Một Sài Gòn.

Tôi tạt qua Chợ Lớn, định bụng mua cái gì đó lót dạ rồi mới về. Sẵn tạt qua hàng bánh cóng thơm điếc lỗ mũi, tôi dừng lại mua vài ba cái, rồi lại lông bông té sang sạp nước ép, nước mía của bà Tám, rồi lại quay đầu xe về hàng cà phê rang mua cho ba.

Đột nhiên tôi muốn sống lại những ngày tiểu học, dù giờ tôi đã là cô sinh viên.

Thuở bé, mưa mùa hè, dù Sài Gòn chỉ có hai mùa khô và mùa mưa, nhưng tôi cứ thích gọi mỹ miều là mùa hè, cho nó oách. Tôi thường lén ba mẹ trốn ngủ trưa, cùng đám thằng Gù, thằng Đực sang bờ ruộng để xúc cá, mò ốc. Tôi không rủ đám con gái đi vì biết thế nào tụi nó cũng sợ dơ quần áo, đứng phía trên bắt đám con trai nai lưng mò cá lòng tong cho tụi nó. Bắt được chừng lưng lưng cái lon sữa đặc, cá nhảy liên hồi là tôi toàn bỏ về trước.

- Hân, con ếch nè mậy.

- Hay à, để tao đem về hù tụi con Nhân chơi.

Thằng Đực nghe thế, giựt con ếch lại:

- Thôi, mày đụng vô là hư chuyện hết, ếch đem về nấu cháo hổng phải ngon hơn sao?

- Chí phải!

Tụi con trai đồng thanh, tôi xí một tiếng, ôm lon sữa chất đầy cá chạy về.

Những hôm mò được quá chừng cá lòng tong ở dưới ruộng, tôi tranh thủ kéo quần với đôi dép lê sứt sẹo chạy về thật nhanh, cho miếng mỡ miếng mắm làm một chảo mắm kho quẹt thiệt kẹo, sót chút tóp mỡ thừa thì cho hết cả vào trong, rồi cắt hành, ớt thật nhuyễn. Vậy là xong một bữa cơm. Chỉ vậy thôi mà nồi cơm hôm nào cũng sạch bách, không còn một hột sót lại.

Con Tuệ lâu lâu lườm liếc tôi:

- Mày ngon quá hé?

- Ngon gì kệ tao.

- Trốn ngủ trưa mà còn dám mò theo thằng Đực hả?

Con Tuệ không ưa thằng Đực, chỉ vì thằng Đực khoái nó. Ờ, tôi cũng không hiểu.

- Mày thích nó thấy mồ mà bày đặt.

Nó vỗ đầu tôi:

- Thích cái đầu mày, báo cha báo mẹ, cái thằng cả tuần không thèm tắm, người ở dơ hôi rình mà mày xui tao khoái hả?

Tôi cười hí hí:

- Tưởng mày khoái mùi nước mắm chớ?

- Thằng quỷ sứ đó thúi như mắm thiu, thấy mà ghê. Nít nôi bày đặt yêu với đương.

Con Tuệ lúc nào cũng nói về Đực một cách chua ngoa. Tôi kể lại cho Đực, thằng nhỏ thở dài:

- Ai mượn mày nói tao thích nó vậy?

- Tao nói hồi nào, tính ra nó nói tao mới biết luôn ấy chớ cha?

- Ủa? Sao nó biết hay vậy cà?

Đực không biết, cách con nít thích thầm nhau thật lộ liễu, điển hình là nó. Nó thích con Tuệ mà muốn cả làng đều biết, nó đẩy đưa, liếc mắt tình tứ với con Tuệ hoài mà con nhỏ thì cứ chăm chăm vào đâu. Tuệ bảo, nhìn thằng Đực là nó đã buồn ói rồi.

Tôi buồn cười nhìn Đực rờ cằm, miệng chửi:

- Tại mày ngu.

Tuổi thơ của tôi, của chúng tôi gắn liền với rất nhiều những câu chuyện về người lính, về cán bộ, về chiến sĩ cách mạng.

Một phần là chị Thuý kể, phần còn lại là con Lân kể.

Hầu như ba đứa nào cũng làm cán bộ, người thì hoạt động ngoài Bắc Kì, người thì đi đưa tin tình báo. Nhưng chấn động nhất, có lẽ là cái ngày mà ba con Lân bị chính quyền bắt.

Hôm đó gió thổi nhẹ, mấy cây bông giấy hồng tím trước cửa nhà tôi cứ xào xạc, tôi nghe tiếng đập cửa:

- Ông Hai đâu?

Một đám người, mặt mày hầm hầm sát khí đập cửa nhà con Lân. Hai má con nó trong nhà nghe tiếng quát, mò ra bằng cửa sau qua nhà tôi, ba nó ra tiếp:

- Mấy ông kiếm tôi có chuyện chi đây?

Tiếp đó, tôi không còn nghe thấy gì nữa, tiếng chửi bới, tiếng ông Hai gào toáng lên, tức ba con Lân dần chìm vào hư không. Đám lính Sài Gòn của hai thằng Mỹ - Diệm còn xét thêm vài nhà nữa mới bỏ đi. Mẹ con nó ôm nhau ngồi bệt dưới nền nhà khóc tu tu.

Ba nó bị bắt, hai ông tướng cán bộ nhà tôi cũng giật thon thót, ba tôi vẫn bình chân như vại, đủ bình tĩnh dưới sự tra khảo của chúng. Nghe đâu đó bảo ông Hai bị đày tuốt ra ngoài Côn Đảo, mỗi lần nhắc đến nhà tù Côn Đảo là ai cũng lạnh sống lưng, sợ toát mồ hôi.

Con Lân kì đó khóc đến sưng đỏ mắt. Tới giờ khi cả bọn đã là sinh viên đại học, vẫn chưa biết ba nó sống chết ra sao.

Tôi nghĩ vẩn vơ dưới hàng phượng đỏ rực một mùa hạ dài thăm thẳm. Chiếc xe của tôi lướt bon bon qua mấy hàng cây, nắng chiếu chếch lên từng quầy bán bún nước bên lề đường.

Lâu rồi tôi chưa sà xuống ngồi húp lấy húp để một tô bún, tô mỳ hay món ăn nước lèo nào đó. Tôi nhớ mùi sa tế, mùi tàu vị yểu ở những tiệm nước, mùi bánh bao nhân thịt, mùi mấy ổ bánh mì mới cáu nóng hổi. Tôi còn nhớ mùi sữa đậu nành thơm nức, mùi cà phê sữa đậm vị đọng lại ở đầu lưỡi.

Tôi nhớ Sài Gòn, dù tôi đang đạp xe giữa lòng Sài Gòn.

- Hân!

Trí từ đâu hì hục đạp xe vọt lên, tôi réo:

- Đi đâu đây mậy?

Nó vỗ vào túi đeo chéo:

- Mới học ca sáng về, cực chết mồ mày ơi. Nắng chói thấy mẹ, cháy da hết.

- Ghé qua sạp bà Lan không?

Bà Lan là cái sạp nhỏ đầu phố bán rau má đậu xanh. Nghe thế, mắt nó sáng rỡ:

- Dữ ta? Nay bày đặt bao uống nước nữa à?

- Xời, ly rau má mấy đồng bạc hổng lẽ tao ki bo với mày sao?

Tôi cười giòn:

- Chừng nào tao dắt mày vô tửu lầu ăn bể cái bụng bia mới làm Mạnh Thường Quân.

Nó cười ngặt nghẽo, hai đứa tôi đạp song song nhau. Đoạn đường về khu xóm sao lại dài quá chừng, rồi nó lại quay sang cười với tôi một cái, nhún người cong lưng vọt lên trước.

Con nhỏ này, sinh viên đại học tới nơi mà cứ như mấy đứa con nít, tôi mặc kệ nó muốn ăn thua đủ, đạp chầm chậm hưởng thụ Sài Gòn những dịp mưa về. Một Sài Gòn ảm đạm nhưng cũng không kém phần rực rỡ, sắc nắng ngả đầu lên vai tôi nhẹ hều, tựa làn khí mỏng.

Và dù Mẫn Trí có kề bên, tôi vẫn thấy nó thật xa xôi.






2.

Trí là đứa thân nhất với tôi, hơn cả con Lân dù con Lân gần nhà tôi hơn là nó, hồi bé mỗi lần Trí muốn sang nhà rủ tôi đi chơi thì nó phải đi ngược một vòng xóm, nhiều lúc tôi thấy tôi và nó cứ như hai miền cực Bắc và cực Nam của địa cầu, không chỉ về mặt địa lý mà cả về mặt tính cách lẫn ngoại hình.

Dù bây giờ đều là sinh viên, đều đã qua tuổi trưởng thành, người lớn chỗ tôi hay gọi nôm na là tuổi khọm, họ mặc định qua cái ngưỡng mười tám thì đều đã đủ nhận thức về xã hội, mà đã vậy thì ắt hẳn phải già lọm khọm rồi. Đang rửa mấy rổ rau sau hè, tôi nghe tiếng Trí gọi loáng thoáng:

- Hân!

- Đi đâu đây mậy?

Nó xách mấy giỏ đan bằng sợi mây đi tìm tôi, áo thun màu cháo lòng, cái quần cộc dài tới đầu gối. Dáng dấp đã là cô sinh viên nhưng tính cách trẻ thơ của nó cứ làm tôi liên tưởng đến Trí của những năm tiểu học, của những năm chạy lông nhông khắp trường Bình Tây.

Nhác thấy tôi lò dò bước ra hiên nhà, nó ôm mấy thanh sắt ngay hàng rào nhà tôi, la ỏm tỏi:

- Ra đồng bắt cá lòng tong. Sài Gòn dạo này mưa dữ quá, thiếu điều muốn cuốn phăng cả cái mái tôn nhà ông Bứ luôn kìa.

Vừa nói, nó giơ hai tay che che ngang đầu, làm điệu bộ mưa dột thủng mái khiến tôi phì cười. Tôi lật đật trở vô trong lấy cái áo gió mặc cho đỡ lạnh, nói trỏng với má:

- Con đi nghe má.

- Từ từ, đi đâu đó? Sắp giờ cơm tới nơi rồi, kêu con Trí nữa.

Tôi xỏ chân vào quai dép:

- Tụi con đi lát về liền, nay đi xúc cá về kho quẹt ăn.

Trời ủ dột âm u, tiếng đôi dép kêu lệch xệch dưới chân, một tay cầm giỏ đan mây, tay kia được Trí kéo đi xăm xăm qua mấy con phố nghèo gần đó. Phải tới thiệt nhanh, thiệt lẹ vì khéo mấy con cá lòng tong nhỏ xíu mà mập ú bị tụi con nít xóm Hằm xúc hết thì mắc toi. Cho dù ở nhà đã có sẵn đĩa tép rang và mấy con cá khô queo khô đét, bọn tôi vẫn quyết ghé qua mấy bụi nhỏ gần đó hái rau nhót về xào ăn cho đỡ ghiền. Khỏi cần nêm mắm muối bột ngọt nhiều nhặn gì, nhiều khi má chỉ xào với một chút mỡ heo cũng thơm nức cả khu, mỗi lần mâm cơm có rau nhót xào là mấy cu em tôi bu vào ăn lấy ăn để, tôi và Trí chỉ đành cười trừ nhường bát rau của mình cho hai chú và ba má.

Đôi dép sứt quai của Trí cứ chệch lên chệch xuống, mấy lần nó suýt đâm đầu rớt xuống mé mương, làm tôi cản lại không kịp. Tôi phải đỡ bớt một cái giỏ mây được giắt bên lưng quần, không ngớt miệng trách:

- Đầu óc để đâu mà đi xuống ruộng miết.

Nó cãi ngang:

- Mắt đâu có rớt? Chắc tại nay thiếu hơi cháo lòng nên nhức nhức cái đầu.

- Thôi mày ơi, đòi tao bao thì nói mẹ đi bày đặt bóng gió.

Trí cười khì. Đó là một xe bán cháo lòng, cháo huyết, dầu cháo quẩy chiên vàng giòn bóng lưỡng túc trực ngay bên lề đường cách trường cấp hai của tôi vài chục mét. Tôi hay rủ Nhân, Tuệ ra đây ăn lén Trí và Lân vì hai con nhỏ đó mỗi lần sà xuống sạp cháo là gần như muốn vác cả nồi húp sì sụp. Sợ không đủ tiền trả cho dù một tô đầy ú ụ chỉ khoảng năm đồng, tôi vẫn hay bao Nhân ăn một tô bự tổ chảng vì nó đòi, và cũng vì con nhỏ còi nhất đám chúng tôi nên nó xứng đáng được ăn nhiều.

Trí bất mãn về vụ ba đứa tôi, Nhân, Tuệ hay lén đi ăn riêng, nó trề môi:

- Mày với hai con quỷ kia bỏ tao với con Lân đi ăn quài, cãi dẻo quẹo cái mỏ chứ có bao giờ rủ tụi tao đi ăn đâu?

- Mày với con Lân ăn nhiều như con Đụt nhà tao, sao sánh được với hai đứa kia?

Đụt là con chó cưng của ba tôi, tính nó thấy người quen thì hiền như bụt chứ còn gặp mấy thằng cha cảnh sát chìm là sủa muốn đứt gân cổ. Đụt ăn rất nhiều, lắm khi nó còn ăn sang phần cám của mấy con heo ngay chuồng sau nhà. Nghe tôi so sánh nó với cái bao tử rộng mênh mông của con Đụt, nó nhảy dựng:

- Không có chửi chữ à nghen! Nghĩ sao mà kêu tao giống chó hả?

- Bậy! Tao bảo mày giống chó hồi nào?

- Chứ Đụt là mèo hả?

- Ý của tao là cái miệng lẫn cái dạ dày của mày hoạt động còn năng suất hơn cả chó nữa kìa.

Tôi cười khì khì, sợ bị nó thộp cổ được nên vọt chân chạy lên đằng trước. Trí ở phía sau cố bắt lấy tôi nên lắm lần bị hụt chân, té nhoài người xuống ruộng.

Rốt cuộc chiều đó, ngoài xúc cá, hái rau, hai đứa sinh viên lớn tồng ngồng là tôi và nó còn ngồi ngẩn ngơ mặc kệ giờ cơm để ngắm diều bay phấp phới trên trời của lũ mục đồng.

Nó hắt hơi vài ba cái, quần áo lấm lem bùn đất, gương mặt khó chịu lạ thường.

- Xắn ống quần lên mày ơi, lát cái quần mày mà luộm thuộm là dì Tám la tao chết.

Dì Tám, chú Tám là ba và má tôi. Tuy đã lớn nhưng ba má vẫn quan niệm rằng tôi cần được chăm sóc và suốt ngày dặn Trí phải canh tôi cẩn thận. Lắm lúc tôi tức mình thoát khỏi gông kìm của hai bậc phụ huynh, nó cười mỉa:

- Con gái con đứa mà chẳng nết na đoan trang gì hết.

Những lần như thế, tôi lại gõ vào đầu nó lốc cốc mấy cái cho có lệ.

Xắn quần lên theo lời nó, tôi bám thật chặt vào cánh tay của Trí, hai chân dò dẫm đi xuống làn nước đục ngầu ngay các khe hở. Trong khi tôi chưa kịp định thần, Trí đã cúi lưng xuống dội nước ào ào:

- Lẹ lẹ, mấy con cá bơi đi hết!

Nhìn dáng vẻ mải mê đuổi theo đuôi cá nhỏ của nó, bất chợt tôi thấy lòng mình vừa lạnh lẽo lại vừa ấm áp.

Ở Trí có một điều gì đó khó hiểu tồn đọng sâu bên trong tâm hồn nó, bởi vậy nên đôi khi tôi thấy Trí trưởng thành hơn nhiều so với bọn con Tuệ, con Nhân.

Ngay từ bé, nó đã khác biệt so với bọn trẻ con cùng thời. Nó xinh như một đoá nhài, tóc đen nhánh suôn mượt, cao hơn tôi nửa cái đầu nhưng không ốm đói như bọn trẻ chúng tôi, nó trắng như trứng gà bóc và có da có thịt hơn bọn tôi nhiều. Chưa kể nó còn rất lanh, tụi tôi lanh một thì nó lanh tới mười, chuyện gì khó cũng toàn cái miệng nó vọt

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net