BC conguoi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bản chất con người. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể; giữa cá nhân và xã hội. I- Bản chất con người Trước Mác, các nhà triết học coi bản chất con người hoặc là ở nguồn gốc thần thánh của nó (chủ nghĩa duy tâm tôn giáo) hoặc là một bộ phận và là sự thể hiện cao nhất của giới tự nhiên (chủ nghĩa duy vật siêu hình). Ngược lại, triết học Mác coi "bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội" và bản chất đó cũng biến đổi cùng với sự phát triển của xã hội. - Khi khẳng định bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội, triết học Mác không tuyệt đối hoá mặt xã hội trong con người, mà cho rằng con người là thực thể thống nhất của cái sinh vật và cái xã hội. - Cái sinh vật là toàn bộ các quá trình sinh vật diễn ra trong con người và cả cấu tạo giải phẫu của nó. Còn cái xã hội là các phẩm chất xã hội của con người do các quan hệ xã hội tạo ra như biết lao động, có ngôn ngữ, ý thức và tư duy. + Cơ sở để xem xét sự thống nhất giữa cái sinh vật và cái xã hội là học thuyết của Ăngghen về các hình thức vận động cơ bản của vật chất. Theo học thuyết nay, các hình thức vận động của vật chất khác nhau về chất, nên không thể quy hình thức cao vào hình thức thấp, và ngược lại. Trong những hệ thống vật chất phức tạp như cơ thể sống chẳng hạn, hình thức vận động cao (sinh vật) quyết định các hình thức thấp (hoá học và vật lý), còn các hình thức thấp cùng tồn tại với hình thức cao, nhưng bị "lọc vỏ" bởi hình thức cao. + Với cơ sở như vậy, trong con người, cái sinh vật là tiền đề, điều kiện của cái xã hội. Thiếu cái sinh vật, cái xã hội không thể tồn tại và biểu hiện ra được. Song, cái sinh vật trong con người bị biến đổi bởi các xã hội và mang tính xã hội. Ngược lại, khi ra đời, cái xã hội có vai trò quyết định, chế ước cái sinh vật và quy định bản chất xã hội của con người. - Với quan điểm nhất nguyên luận coi con người là một thực thể sinh vật - xã hội, triết học Mác đã khắc phục cả hai quan điểm sai lầm trong vấn đề con người: hoặc là tự nhiên hoá (sinh vật hoá) con người, tức là tuyệt đối hoá cái sinh vật, không thấy vai trò quyết định là cái xã hội; hoặc là xã hội hoá giản đơn con người, tức là tuyệt đối hoá cái xã hội, không thấy được tiền đề tự nhiên, sinh vật trong con người. II- Quan hệ giữa cá nhân và tập thể 1. Cá nhân - cá thể người với tính cách là sản phẩm của sự phát triển xã hội, là chủ thể của lao động, của mọi quan hệ xã hội và của nhận thức. Cá nhân là một con người hoàn chỉnh trong sự thống nhất giữa khả năng riêng có của người đó với chức năng xã hội do người đó thực hiện. Trong mối quan hệ với tập thể, cá nhân như là "bộ phận" của cái toàn thể, thể hiện bản sắc của mình thông qua tập thể nhưng không "hoà tan" vào tập thể. 2. Tập thể là hình thức liên hệ các cá nhân thành từng nhóm có tính chất xã hội xuất phát từ lợi ích, nhu cầu về kinh tế, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, quan điểm khoa học, tư tưởng, nghề nghiệp v.v.. Do đó, trong xã hội có nhiều tập thể khác nhau. 3. Quan hệ giữa cá nhân và tập thể là mối quan hệ biện chứng có mâu thuẫn. - Bản chất của quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ lợi ích - cái móc nối, liên kết hoặc chia rẽ các thành viên. Trong tập thể có bao nhiêu thành viên (cá nhân) là bấy nhiêu lợi ích. Lợi ích lại được thể hiện ở nhu cầu - nhu cầu vật chất và văn hoá tinh thần. Nhu cầu của mỗi cá nhân trong tập thể là không hoàn toàn như nhau. Mặt khác, khả năng của tập thể thoả mãn nhu cầu cá nhân thường thấp hơn yêu cầu về nhu cầu của mỗi cá nhân xét về số lượng, chất lượng và tính đa dạng của nó. Bản chất của mỗi cá nhân lại không thể tồn tại và phát triển một cách cô lập, độc lập hoàn toàn với những cá nhân khác và với tập thể. Đó là cơ sở hình thành tính tập thể, tính cộng đồng, tính nhân đạo của nhân cách. - Tuỳ theo tính chất của mâu thuẫn và khả năng giải quyết những mâu thuẫn đó, mà quan hệ giữa tập thể và cá nhân có thể được duy trì, phát triển hoặc tan rã. - Những tập thể bảo đảm sự ổn định về tổ chức và phát triển của cá nhân thì tập thể đó sẽ được củng cố và phát triển. Tập thể bền vững là tập thể được xây dựng trên nguyên tắc: Kết hợp hài hoà lợi ích, nhu cầu cá nhân với lợi ích, nhu cầu tập thể; sự tương trợ theo tinh thần hữu ái; hiểu rõ và thực hiện nghĩa vụ đối với tập thể; bình đẳng trong tập thể; tôn trọng tập thể và các quyết định của tập thể, có ý thức trách nhiệm trước tập thể về hành vi của mình; tập thể luôn luôn quan tâm đến cá nhân, đến việc thoả mãn lợi ích và nhu cầu chính đáng của cá nhân, đến sự phát triển tài năng và phẩm chất của cá nhân v.v.. Xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa cá nhân và tập thể cần phải chống hai khuynh hướng: tuyệt đối hoá tập thể, bắt cá nhân phải hy sinh một chiều; và khuynh hướng tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân một cách cực đoan theo chủ nghĩa cá nhân. III. Quan hệ giữa cá nhân và xã hội 1. Xã hội là sản phẩm của mối quan hệ giữa người với người và nó được xác định trên bình diện rộng, hẹp khác nhau. Nghĩa rộng là xã hội loài người (toàn nhân loại); nghĩa hẹp là những hệ thống xã hội như quốc gia, dân tộc, giai cấp, chủng tộc v.v... 2. Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là mối quan hệ biện chứng, mà nền tảng của mối quan hệ này là quan hệ lợi ích. Xã hội là điều kiện, là môi trường, là phương thức để lợi ích cá nhân được thực hiện. Xã hội càng phát triển thì mỗi cá nhân tiếp nhận được ngày càng nhiều những giá trị vật chất và tinh thần do xã hội đó đáp ứng. Thoả mãn nhu cầu chính đáng của cá nhân là động lực liên kết mọi thành viên xã hội và là mục đích của sự liên kết đó. Đồng thời, mỗi cá nhân trong xã hội càng phát triển về thể lực và tài năng thì càng có điều kiện góp phần mình thúc đẩy xã hội phát triển. Vai trò của cá nhân ảnh hưởng tới xã hội tuỳ thuộc vào trình độ phát triển nhân cách. Những cá nhân có nhân cách lớn, nhiều tài năng, có trách nhiệm cao với xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với xã hội thì có tác dụng tích cực đến xã hội. Những cá nhân bị thoái hoá, biến chất về nhân cách thì gây hậu quả xấu đến xã hội, trở thành một gánh nặng cho xã hội. Cá nhân là vĩ nhân thì sự tác động đối với xã hội rất to lớn. 3. Mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, có mặt khách quan và chủ quan. Mặt khách quan biểu hiện ở trình độ của nền sản xuất xã hội, ở mức độ tăng năng suất lao động xã hội, cho phép đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mỗi thành viên xã hội. Mặt chủ quan thể hiện ở khả năng nhận thức và vận dụng quy luật về sự kết hợp giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. 4. Bảo đảm công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi công dân; chống đặc quyền, đặc lợi; phát huy nhân tố con người và lấy việc phục vụ lợi ích con người là mục đích cao cả của mọi hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội là một nhiệm vụ quan trọng và là yêu cầu bức thiết trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở nước ta hiện nay, tạo điều kiện cho xã hội ta tồn tại và không ngừng phát triển theo sự tiến bộ xã hội.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#lyrics