Chương 4: Đồ Thừa (1) - Vốn Không Nên Tồn Tại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lưu ý: Chương này được viết bởi tác giả _LacNien_ với vai trò tác giả hỗ trợ.

________________________________
Sau khi Lăng Vân rời khỏi căn phòng, Kình Lạc mới từ từ đặt cốc sữa lên chiếc tủ đầu giường. Cô không thích sữa, đúng hơn là mỗi khi uống sữa cô thường bị đau bụng, thậm chí là nôn mửa. Ban nãy vì muốn Lăng Vân yên lòng cô đã uống một chút nên giờ đã cảm nhận được cơn đau đang tới rồi.

Kình Lạc dùng tay xoa xoa bụng mình. Tựa lưng vào thành giường, cô ngẫm lại những chuyện xảy ra vào mấy ngày gần đây. Bị cha mình đưa vào cô nhi viện, bị các nhân viên ở viện ép ăn đồ thiêu, được nhận nuôi,... Cô đưa tay còn lại của mình lên xoa đầu.

Cả cơn ác mộng kia nữa. Sao đột nhiên cô lại nhớ đến những chuyện đó chứ? Sao đột nhiên lại nhớ đến bà?

Càng nghĩ, đầu của Kình Lạc lại càng đau. Đây không phải là nơi ở trước kia, nên cô không biết thuốc giảm đau trong nhà ở đâu. Liệu dì có có để thuốc giảm đau trong nhà không? Dì là một bác sĩ, chắc không để thuốc linh tinh trong nhà.

Kình Lạc nghĩ đến vài ngày nữa sẽ phải tới trường, lúc đó tranh thủ lẻn đi mua ít cũng được. Nhưng cô không có tiền, hồi trước vì phải đi chợ nên cô mới giấu được ít tiền cho riêng mình, đủ để mua vài vỉ thuốc giảm đau và bông băng thuốc đỏ.

Cô suy nghĩ đến đi làm thêm, nhưng chắc chắn dì Lăng Vân sẽ không cho phép. Lén lút, giấu giếm thì cũng bị phát hiện thôi. Lỡ như khiến dì tức giận rồi cô lại bị bỏ rơi lần nữa…

Kình Lạc quyết định không nghĩ đến nữa. Cô nhắm mắt, nhưng không tài nào ngủ được. Căn phòng quá lạ lẫm, cô không có cảm giác an toàn. Mùi của sơn mới vẫn còn vương lại trong phòng, cả chăn và đệm cũng còn hơi cứng, khả năng cao là mới mua gần đây. Chỉ vì một đứa trẻ xa lạ mà Lăng Vân lại hao tâm tổn sức như thế này càng khiến Kình Lạc cảm thấy bản thân là mối phiền phức của người khác. Giống như lời mẹ kế từng nói với cô trước đây: "Ngay từ đầu sự xuất hiện của mày là sai trái."

Ngay từ khi sinh ra pháp luật đã không công nhận cô là một đứa trẻ bình thường, huống chi là người khác nghĩ xấu về cô. Chó, mèo, chuột hay muỗi sinh ra đều có một trách nhiệm và ý nghĩ của riêng nó, cớ sao chỉ có cô vô dụng như vậy. Sinh ra là kẻ không ai cần, mẹ vừa sinh ra cô đã bỏ đi biệt xứ, bà vì xấu hổ nên không cho cô ra đường. Những chuyện trước kia cô nghĩ hoài vẫn không hiểu, nghĩ nhiều đến mức mất ngủ.

Cho đến gần bốn giờ sáng Kình Lạc mới thiếp đi được một chút, nhưng đến gần năm giờ sáng lại thức dậy vì đồng hồ sinh học. Cô đứng dậy kéo rèm ra nhìn một chút. Bình minh vẫn còn chưa lên, Kình Lạc ngồi xổm xuống dưới ô cửa. Giờ đây cô cảm thấy vô cùng tủi thân.

Dì Lăng Vân không bắt cô thức dậy sớm đi chợ hay làm việc nhà, lại còn cho cô một chỗ ngủ tốt. Trên đời này có chuyện tốt vậy sao? Có người tốt với một đứa trẻ xa lạ vô điều kiện vậy sao?

Kình Lạc vô thức so sánh gia đình của mình và một người cô quen chưa được một tuần. Một trời một vực…

Năm đó mẹ cô vừa lên thành phố kiếm việc, chưa được hai năm liền vác cái bụng bầu sắp sinh về quê. Bà ngoại cô tức đến xém đột quỵ, hơn bảy tháng rồi muốn bỏ cũng khó, nhưng giữ lại thì mang tiếng gái chưa chồng mà chửa.

Bà gặng hỏi mẹ cha của đứa trẻ trong bụng là ai, mẹ cô một lời cũng không nói. Đến khi sinh cô ra rồi bỏ đi, để đứa con vừa chào đời lại cho bà nó chăm.

Từ bé Kình Lạc đã sống trong sự cay nghiệt của bà, cô không được ra ngoài chơi vì bà sợ hàng xóm lại rỉ tai nhau rằng bà không biết dạy con. Nỗi sợ bị soi mói đó cực đoan đến mức bà không cho cô nhìn ngắm những thứ ở ngoài kia, quanh năm suốt tháng chỉ lủi thủi trong căn nhà xập xệ do anh trai bà khi còn sống để lại.

– Đây là tội nghiệt do mẹ mày tạo ra.

Đó là câu nói ám ảnh xuất hiện trong từng cơn ác mộng của cô.

Năm đó Kình Lạc vừa tròn sáu tuổi. Buổi chiều hôm ấy cô đang ngồi đan giỏ cùng bà, bỗng nhiên có một đám người ăn mặc rất sang trọng tiến vào. Bọn họ không nói không rằng liền xông vào kéo Kình Lạc ra khỏi cửa. Bà ngoại cô cũng ú ớ theo vì chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra. Một người trong số bọn họ hất mạnh cô xuống đất.

– Mày là con của con điếm đó đúng không?

Tiếng nói của cô ta thu hút sự chú ý của mọi người. Kình Lạc cũng hoảng vì chẳng hiểu cô ta đang nói gì.

– Chị Lưu, đừng hỏi nó làm gì, dù sao nó cũng chỉ là một đứa trẻ. – Người có vẻ trẻ nhất trong số bọn họ nói.

– Nó không biết thì bà già này biết! – Cô ta quay ngoắt về phía bà ngoại cô.

– Kình Ý đâu? Con điếm quyến rũ chồng người khác đó trốn đâu rồi? Hả?

Nhìn cô ta điên cuồng truy hỏi giống như sắp phát điên. Kình Lạc chuyển từ hoang mang chuyển sang hoảng sợ. Sợ những ánh mắt đang dán lên mình, sợ cả người phụ nữ gào thét chói tai kia.

Người trong xóm nhỏ đều biết chuyện Kình Ý không chồng mà chửa, nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy con của cô nên hiếu kì đến xem. Nhiều người còn chép miệng bảo nhau rằng Kình Ý không phải yêu đương lung tung mạng họa về mà là giựt chồng người khác nên mới phải bỏ lại mẹ già con thơ mà đi.

Đây là lần đầu tiên trái tim bé nhỏ của Kình Lạc đập nhanh đến vậy. Sợ hãi. Không giống như những lần bị bà mắng hay nói đổng. Cảm giác như chỉ một phút nữa thôi cô sẽ bị đám người này xé xác ra.

Sự việc ồn ào này cuối cùng cũng được giải quyết khi ông trưởng thôn xuống can ngăn. Những ai liên quan đến vụ việc này đều phải đến nhà ông giải trình. Lúc đó Kình Lạc rất mơ hồ, giống như đã bị nỗi sợ ăn mất một, hai phần hồn. Thứ duy nhất khiến cô còn ấn tượng về vụ việc năm đó là những cơn ác mộng dai dẳng tới bây giờ.

Một vùng quê thanh bình như ở đây lại diễn ra một chuyện rùm beng như thế này, khó tránh khỏi lời bàn tán xôn xao, nhiều người còn đánh bạo hơn khi đến thẳng nhà hỏi bà cô ngọn ngành câu chuyện.

Kình Lạc giống như một đóa bồ công anh mọc dại ven đường bị cuốn đi bởi những cơn gió lạnh mà chẳng thể nào phản kháng.

Bà cô - Tống Thừa - gần như nằm lì trên cái giường gỗ mục nát sau bếp chẳng thèm đoái hoài gì đến xung quanh. Kình Lạc chỉ có thể lặng lẽ ăn cơm trắng qua ngày, lúc này cô cảm thấy thật may mắn vì nhà còn gạo.

Đêm đó, Kình Lạc vẫn như thường lệ, nằm cuộn mình ở tấm đệm cũ để ngủ, cô quay mặt vào tường để bà không nhìn thấy mặt cô khi bất chợt thức dậy vào nửa đêm. Đột nhiên cô có cảm giác ớn lạnh. Chỉ là theo bản năng trở mình lại để xem, nào ngờ khoảnh khắc đó biến thành nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất trong tuổi thơ cô.

Tống Thừa cầm trên tay con dao phay, bà ta giơ nó cao lên. Rồi bà ta tiến gần đến chỗ Kình Lạc.

Không biết cơ thể nhỏ bé của cô trong bóng tối sẽ trông như thế nào. Nhưng bà cô trong bóng tối thì lại rất rõ. Dáng người gù, đi còn không vững, chỉ cao ngang cái bàn đặt trước nhà. Gương mặt méo mó, còn nở nụ cười để lộ ra hàm răng vàng mọc không đều, đôi mắt trắng dã trừng to ra, tay cầm dao lững thững đi đến gần cô cháu gái nhỏ.

Giống như nhân vật phim kinh dị sau này cô được xem trên tivi.

– Bà… bà… – Kình Lạc run rẩy mấp máy môi gọi.

Không đợi Kình Lạc nói hết câu, Tống Thừa đã lao lên bóp chặt miệng của đứa trẻ đang sợ hãi ấy. Vẻ mặt đáng sợ của bà áp sát lại, càng gần, cô càng sợ. Kình Lạc giãy giụa không ngừng, nhưng đột nhiên có một vệt sáng lóe lên. Cô hoảng hồn. Xém chút quên mất con dao phay.

Cô ngồi im lìm tại đó. Kình Lạc còn quá nhỏ để hiểu hết ý đồ của bà mình. Nhưng cô biết vật sắc nhọn ấy không biết đùa.

Kình Lạc không dám thở mạnh, cô dùng đôi bàn tay bé nhỏ của mình đặt lên tay Tống Thừa với hy vọng bà sẽ nhẹ tay hơn. Mà chắc cô đã lầm rồi.

Tống Thừa giống như một con thú đói trêu đùa con mồi của mình cho đến khi con mồi ấy kiệt quệ. Một bà lão gần đất xa trời như bà ấy vậy mà đột nhiên có một sức mạnh đáng kinh ngạc, giống như biến thành một con người khác.

Kình Lạc theo bản năng của một đứa trẻ mà hành động, khi thấy khó chịu thì sẽ vùng ra chứ chẳng ở yên được lâu. Mỗi lần vùng vẫy thì con dao ấy sẽ đến gần hơn một chút. Một chút đó cũng khiến cô cảm thấy sợ.

– Nếu mày không có trên đời thì tốt biết mấy… tao sẽ không bị ai nói ra nói vào, con gái tao sẽ không bỏ xứ mà đi… nếu mày không có trên đời thì tốt biết mấy… – Tống Thừa liên tục làu bàu. Vừa nói, vừa đưa con dao đến gần Kình Lạc.

Hai tay Kình Lạc quờ quạng khắp nơi, cố tìm cái gì đó để phản kháng. Trong góc nhà thì làm gì có mấy thứ cứng cáp như gạch đá hay khúc gỗ. Cô sắp nghẹt thở đến chết rồi nên không nghĩ ngợi gì nhiều mà trực tiếp nắm lấy con dao phay. Một tay cô cầm lấy lưỡi dao, còn tay kia thì giữ tay bà lại. Từng giọt máu đỏ nóng rỏ xuống, cơn đau từ lòng bàn tay khiến cho đứa trẻ non nớt ấy vội rút tay lại.

Tống Thừa hơi ngơ ra chút, bàn tay đang siết chặt miệng đứa cháu nhỏ của mình cũng nới lỏng hơn. Chắc có lẽ bà không dám ngờ gan Kình Lạc lại lớn đến vậy. Dám nắm lấy lưỡi dao để kiếm cơ hội trốn thoát khỏi thế kìm hãm.

Khi bà kịp phản ứng lại thì Kình Lạc đã trốn ở đâu mất rồi.

– Mày trốn ở đâu rồi? – Bà ta gào lên trong sự căm phẫn.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net