Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm Hà Nội không trăng không sao, tối ghê gớm như cái tối của một ngàn đêm cô đặc lại. Mưa rả rích. Trời rét căm căm.

Anh Chiến nghiêng đầu, cố viết cho xong bản báo cáo cho buổi họp khẩn ngay sớm mai với Trung đoàn bộ. Mực đen theo đường bút thấm vào lớp giấy ngà ngà, để lại hàng chữ nắn nót như in của người chính trị viên trẻ tuổi. Cuộc chiến đấu đã đến hồi ác liệt nhất. Gió khẽ cào vào bức phên trước mặt, mang lại một thoáng giật mình, nhắc anh về những ngày đầu nổ súng.

Những ngày đầu của tuổi thơ anh.

Hạ, 1960...

Bom! Bom! Thằng Mỹ nó thả bom rồi! Tiếng gầm của động cơ máy bay xé rách từng cuộn mây, để lại phía sau nền trời đỏ ối như màu đồng. Đất dưới chân bị hun nóng như lửa Hỏa Diệm Sơn. Hai đứa trẻ vội vã nhặt mấy thứ đồ chơi nằm la liệt dưới đất, nắm chặt tay nhau, gắng sức chạy thật nhanh về hầm trú ẩn.

Đứa nhỏ hơn gục đầu lên vai đứa lớn, tay vẫn chưa buông con búp bê cỏ được mấy anh bộ đội trú nhờ tết cho. Nghiến răng kèn kẹt, nó quát:

"Tiên sư mấy thằng mũi lõ! Thù này không trả được thì tên em không phải Trần Văn Bác!"

Đứa lớn nắm tay em chặt hơn, ánh mắt kiên định nhìn thẳng về phía trước.

"Nhất định phải trả."

Đứa bé tên Bác hai tay bó gối, và trong cái giọng nói ngây ngô con nít kia bắt đầu đâm chồi một cái gì đó già dặn, một cái gì đó như là khát vọng lớn nhất cuộc đời nó.

"Anh Chiến, em muốn đi đánh Tây."

Chiến trả lời, mắt vẫn xa xăm:

"Nhưng mà thằng Tây nó to lắm, em nhỏ như vậy làm sao đánh chúng nó được?"

"Rồi em sẽ lớn lên, sẽ mạnh hơn cả chúng nó, sẽ đánh cho đến khi chúng nó khóc gọi mẹ thì mới thôi."

"Ừ đúng rồi, Bác là giỏi nhất."

Rúc vào lòng anh Chiến, Bác nghiêng đầu hỏi:

"Anh Chiến, anh có muốn gì không? Em thực hiện giúp anh."

Chiến quay đầu nhìn em, nhìn dáng vẻ gầy gò ốm yếu của em, gương mặt hốc hác vì đói ăn của em, và cả ánh mắt sáng bừng cái niềm tin trong trẻo của em nữa. Anh có ước muốn gì không? Có chứ. Có bao nhiêu? Nhiều lắm, nhiều đến mức anh cũng không kể hết, và liệu rằng đôi vai em có đủ sức để thực hiện được cái điều nhỏ nhoi mà anh sắp nói ngay đây, chỉ một điều thôi?

"Anh muốn bầu trời ngoài kia thôi đỏ."

Từ nhỏ anh đã ghét màu đỏ. Màu đỏ của máy, của lửa bom đạn, của chiến tranh, của mồ hôi nước mắt, của bầu trời. Anh thích màu xanh hơn. Màu xanh yên bình hơn, mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn. Anh muốn bầu trời ngoài kia thôi đỏ. Anh muốn hòa bình, anh muốn độc lập, anh muốn tự do. Em có làm được không, em ơi?

Em Bác ôm anh chặt hơn, khúc khích cười:

"Vậy thì em sẽ làm phi công! Lái máy bay lượn trên trời như chim chóc, lái máy bay bắn chết cha ba thằng Tây. Nghe thích quá phải không?"

Ngày ấy, em đòi làm phi công vì muốn mang bầu trời xanh kia về cho anh.

Đông, 1965...

Sáng chủ nhật. Cả ngôi làng xơ xác chổng kềnh mấy cái lán tre đã sụp mất một nửa. Bếp núc lạnh tanh. Không thấy tiếng kêu của một con lợn, con gà. Sương mù thưa loãng dần. Những tia nắng sớm màu bạc xuyên thủng lớp sương mù, trải dài trên những con đường đất đỏ gập ghềnh những hố bom.

Gió vẫn lạnh cắt da cắt thịt.

Trên đài quan sát phía Tây ngôi làng do một tổ dân binh phụ trách, tiếng kẻng báo động máy bay bỗng dồn dập vang lên. Chỉ mấy phút sau, cả vùng trời Hà Nội chìm ngập trong tiếng bom, tiếng súng.

Buổi sáng thanh bình của ngôi làng đã kết thúc trong lửa máu, với hàng chục xác chết của đồng bào, cán bộ, bộ đội bị bom càn quét.

Anh Chiến quăng bút, nhỏm dậy khỏi cái chõng tre kê trước mái hiên, vọt ra phía hầm trú ẩn.

"Anh ơi, bên này, bên này!"

Văn Bác đưa một bàn tay lên khỏi hầm trú ẩn, vẫy lấy vẫy để: "Anh ơi nhanh lên!"

Anh Chiến lao xuống hầm trú ẩn. Cái lửa của bom của đạn hun nóng cả vùng trời đông Hà Nội.

"Mẹ cha chúng nó chứ! Em đang làm bên xưởng, chúng nó nã bom xuống như mưa. Một nửa xưởng sụp hết. Không biết có anh chị công nhân nào trong ấy không chạy kịp không..."

Văn Bác vừa nói vừa quệt mu bàn tay bóng những dầu qua gò má. Em vừa tròn mười ba tuổi, cái tuổi đáng lí ra phải được chơi đùa, được cắp sách đến trường, được tận hưởng những niềm vui của một đứa trẻ. Nhưng em trưởng thành sớm quá. Mười tuổi, em đã vào làm trong xưởng nguội. Đôi bàn tay con nít nhỏ bé của em đã có chai, có sạn, đôi bàn tay của những người phải làm quần quật cả ngày lẫn đêm, cầm cái búa, cái giũa, cái đục, hun mình trong cái nóng như đổ lửa của lò đúc, lò rèn.

Và cái ý định đi bộ đội của em càng to lớn, càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Anh Chiến đã mười chín. Anh không đi lính. Anh không nhập ngũ. Anh ở lại với xóm làng, với mẹ già, với con trâu gầy và cánh đồng lúa. Đọc sách trong ánh đèn dầu tù mù nhiều năm khiến anh không nhìn rõ, người ta bảo anh bị cận thị nặng, không nhận anh vào quân đội.

Đôi mắt của anh đẹp, nhưng nó lại là thứ duy nhất ngăn cản giữa anh và công cuộc giải cứu Tổ quốc.

Em Bác vẫn ngồi dáng hai tay bó gối quen thuộc, lặng lẽ nhìn anh Chiến bước những bước nhanh và dài trong hầm trú ẩn. Em không dám hỏi anh điều gì. Mảnh bom lạc đêm qua đã găm trúng người chú ruột anh ở làng bên. Chú chết, để lại hai đứa nhỏ nheo nhóc nhờ cậy anh và mẹ trông nom. Một đứa mười tuổi, một đứa mới lên năm...

Sớm nay, hai đứa nhỏ chạy ra đầu xóm đánh đáo với mấy thằng bạn, tới giờ chưa về. Tây lại đang càn...

"Anh, ngồi xuống đã. Dứt đợt bom rồi mình đi tìm..." Giọng em ngắt quãng, khổ sở như đang van lơn: "Ngoài kia nguy hiểm quá, anh đừng ra..."

Anh Chiến nhíu mày, bước chân càng dồn dập hơn. Giá như sáng nay anh không để hai đứa nhỏ đi chơi một mình, giá như khi nãy anh không xuống ngay hầm trú ẩn, giá như anh đã đi tìm chúng, thì giờ...

"Hai đứa nó tháo vát, chắc không sao đâu anh."

Văn Bác gục đầu vào hai bàn tay. Em nhớ một câu nói mà hôm trước, ông giáo làng đã đọc cho u em nghe.

Chiến tranh. Nó cướp đi những mạng sống.

Một cơn buốt dâng lên tận óc. Vì sợ. Vì căm hận.

Loạt đạn dứt. Những chiếc máy bay nối đuôi nhau bay về hướng Nam, để lại sau lưng màu trời đỏ ối.

Màu đỏ của máu.

Anh Chiến nhảy lên khỏi hầm trú ẩn, em Bác nhảy theo sau. Khói bụi mù mịt. Cát bay như bão. Đâu đó những quả bom nổ lẻ tẻ, xới tung con đường đất vốn đã lở loét như người bị bệnh hắc lào.

"Mừng ơi! Quỳnh ơi!"

"Hai đứa ở đâu, Mừng ơi, Quỳnh ơi!"

Hai anh em gọi, la hét, giẫm chân lên từng đống gạch vụn, rơm rạ, đất đá. Loáng thoáng một hai xác người, bụng mở phanh, hoặc bị vỏ bom phạt cụt tay cụt chân. Mắt hai người vụt đỏ kè như hai con kì nhông sắp cắn nhau.

"Mả cha mấy thằng Tây!"

Em Bác chửi như vậy. Và em nhìn lên bầu trời. Đỏ ối.

"Mai em sẽ làm phi công, em sẽ lái máy bay bắn chết cha chúng nó!"

Anh Chiến đang cắm đầu chạy, không nghe thấy rõ lời em nói. Nhưng anh chợt đứng sững, chết trân như có ai vừa dùng bùa hóa anh thành tượng đá.

Trước mặt anh là hai xác trẻ con nằm sõng soài trong cái vũng lầy nhầy máu trộn với bùn đất, bốc mùi tanh tưởi đến phát sợ. Hai gương mặt con nít xanh xao, gầy còm những xương gò má. Thằng Mừng. Và thằng Quỳnh. Hai đứa em mà anh đã tiễn ra cửa hồi sáng, nhỏ giọng dặn dò đi chơi nhớ giờ về ăn cơm. Hai đứa em mà ông chú đã mất của anh nhờ cậy trông nom trong phút lâm chung. Hai đứa em của anh. Hai đứa con của chú anh. Hai đứa trẻ vô tội mà chiến tranh đã cướp đi mạng sống.

Một giọt nước mắt đặc quánh lặng lẽ chảy xuống khóe mắt anh. Bất lực. Căm giận. Và khổ sở.

Trong một phút, anh đã ước mình có thể chết thay cho hai đứa trẻ.

Em Bác đỡ vai anh, dìu anh lùi lại. Em không muốn nhìn xác thằng Mừng, thằng Quỳnh thêm nữa. Nó làm em sởn gai ốc khi nhớ lại lời của ông giáo làng.

Em đưa anh Chiến rời xa chỗ hai cái xác, đến gần một ngôi nhà còn nguyên vẹn nằm ở cuối làng. Em sẽ quay lại chôn hai thằng sau, nhưng không phải lúc này. Lúc này anh Chiến cần phải bình tĩnh lại.

"Anh..."

"Nếu sáng nay anh không để chúng nó đi chơi... Nếu như anh quay lại tìm chúng nó... Lỗi tại anh hết, tại anh hết!"

Anh Chiến gục mặt vào hai bàn tay, đúng như cái cách mà em Bác đã làm cách đây vỏn vẹn chục phút. Đôi vai anh run lên trong sự tức giận và bất lực. Nhưng rồi anh chợt bật nhỏm dậy, hốt hoảng:

"Chết rồi, u anh! U anh sang làng bên mua vải, không biết liệu có..."

Em Bác đưa tay muốn níu, nhưng với một sức mạnh không ngờ, anh Chiến nắm chặt cổ tay em, và kéo em đi nhanh như chạy.

Em sải chân theo anh, đầu vẩn vơ nghĩ về câu nói của ông giáo làng.

Chiến tranh, nó cướp đi những mạng sống.

Hạ, 1968...

"Không, em không được đi."

"Nhưng mà anh ơi, Tổ quốc đang gọi."

Da đầu Chiến đau như bị kim chích:

"Kêu gọi kháng chiến, nhưng nào có phải bắt buộc? Ai cũng đi thì các bà, các u, các em ai lo, ruộng ai cấy, trâu ai chăn?"

"Chiến, anh quên rồi à? Em đã hứa sẽ đi đánh Tây rồi, không bỏ được."

Chiến hất tay em ra, đôi mắt trong veo như mắt con bồ câu chẳng còn ôn hòa như mọi khi:

"Ừ tôi quên rồi đấy, tôi ích kỷ đấy, tôi hèn nhát đấy, tôi sợ lũ mắt xanh ấy đấy. Cậu khinh tôi rồi chứ gì?"

Em Bác níu vạt áo sơ mi đã sờn của Chiến, dịu giọng:

"Anh ơi."

Chiến làm bộ không nghe thấy, cầm ấm lên rót cho mình một chén chè. Nước chè xanh nhàn nhạt, đắng nghét.

"Chú Năm, cô Diên, anh Lực, chị Bảy, thằng Mừng, thằng Quỳnh đều chết dưới đạn của chúng nó, cậu không nhớ sao?"

Văn Bác không trả lời, mặt đanh lại.

"Cứ coi như cậu quên rồi đi. Còn thầy u của tôi, thầy của cậu chết ra làm sao, cậu cũng quên luôn rồi à? Chiến trường như cái hố lửa lúc nào cũng ngùn ngụt cháy, cái hố ấy thiêu chết bao nhiêu người rồi? Người ta tránh còn không được, còn cậu lại khăng khăng đòi đâm đầu vào, cậu điên đấy à?"

Văn Bác đứng thẳng dậy, đau đáu nhìn vào mắt anh:

"Chiến, anh sai rồi."

Cái chén trong tay anh Chiến rơi xuống đất, vỡ nát.

"Tôi sai? Ồ, cậu thì giỏi rồi, cậu thì đúng, còn tôi thì sai. Cậu thích làm gì thì đi mà làm, tôi không quản nữa."

Mắt anh Chiến trợn tròn, viền mắt đỏ ửng. Cánh mũi phập phồng, cặp môi run run. Nước mắt chực chờ rơi xuống, vỡ tan như bong bóng mùa hè. Em Bác giật nảy mình, cuống quýt vỗ vỗ lưng anh.

"Anh ơi em sai rồi, em xin lỗi."

"Anh ơi em không đi nữa, em ở nhà với anh."

"Anh ơi đừng giận em mà."

Chiến vẫn im lặng, mắt hoe hoe đỏ. Trải qua quá nhiều mất mát, Chiến không muốn mất cả em nữa. Mất đi mùa xuân cuối cùng. Mất đi bến đỗ dịu dàng duy nhất giữa chốn trần gian đầy đắng cay.

Anh vẫn còn nhớ in cái ngày đông năm sáu lăm. Ngày thằng Quỳnh, thằng Mừng chết vì bom. Ngày anh không tìm được u, vì bà ngã xuống hố bom và rồi chết sau một ngày một đêm nằm dưới đó. Ngày anh nhận giấy báo tử của thầy anh từ chiến trường. Ngày mọi nỗi đau thương đổ ụp lên đầu anh như ông trời đột ngột trút xuống một cơn đại hồng thủy. Anh chìm trong vô vọng, chìm trong đau thương, chìm trong mất mát chiến tranh. Và anh không muốn viễn cảnh ấy lặp lại thêm bất cứ lần nào nữa.

Cho anh ích kỉ với em, ích kỉ với bản thân, ích kỉ với đất nước một lần thôi được không?

Còn Văn Bác, em không cãi lại anh, nhưng cái ý của em thì nhất định, dù có chết, em cũng phải hoàn thành cho bằng được. Làm phi công. Mang về bầu trời xanh cho người em thương.

Em đã từng thấy anh Chiến lẳng lặng khóc thầm trước mộ của thằng Mừng, thằng Quỳnh, của u anh. Em đã từng thấy anh nghiến răng căm giận khi nắm chặt trong tay tờ giấy báo tử của thầy. Em đã từng thấy người nhà anh mất, thấy những người anh yêu thương lần lượt ra đi, rời khỏi anh, về một thế giới khác. Em biết anh sợ, anh sợ rằng rồi mai kia em cũng sẽ như thế, em biết anh không hề ích kỉ, anh chỉ là đang lo lắng quá độ mà thôi. Và em sẽ đi. Em đi trả thù cho thầy em, cho người thân của anh, trả thù cho Tổ quốc và những người lính đã ngã xuống.

Em đi. Và em sẽ trở về. Trở về với lời hứa được hoàn thành trọn vẹn.

Trăng sáng. Gió đêm lành lạnh len qua khe cửa, lùa vào căn nhà bé tẹo. Đèn dầu có vặn to cỡ nào cũng chẳng đủ sáng in bóng mờ mờ trên vách nhà tranh. Mùi mực hăng hăng. Đầu bút gai gai sột soạt trên tờ giấy đã ngả vàng. Vài ba câu chữ viết vội. Yêu thương, nhớ nhung, xót xa chẳng thể đong đếm nổi. Đêm dài.

Văn Bác xếp gọn vài ba bộ quần áo vào balo con cóc, nặng nề thở dài một hơi.

"U ơi, con đi đây."

"Mày sang chào thằng Chiến một câu rồi hẵng đi."

Em lắc lắc đầu, mớ tóc đen lòa xòa trước trán.

"Con bảo này, mai u sang mẹ đưa cái này cho anh Chiến giúp con nhá."

Bà Tí hai tay chống nạnh, mặt nhăn tít lại.

"Tao chả bảo. Mày tự sang mà đưa. Anh em chơi với nhau từ thời còn cởi chuồng tắm mưa mà mày lại giấu nó thế à? Mày ác lắm con ạ."

Văn Bác dúi lá thư vào tay mẹ, rồi ôm chặt lấy bà, hôn lên má bà mấy cái.

"U ở nhà mạnh giỏi, con đi đây. U nhớ đưa thư cho anh Chiến hộ con đấy nhá."

Bà Tí nhìn theo bóng con. Thằng bé lớn thật rồi. Mười sáu tuổi, Bác đã cao gần bằng thầy nó ngày xưa. Bắp tay, bắp chân rắn rỏi với nước da màu nắng. Chẳng phải mỗi làn da, cả mắt, mũi, môi, cái trán, cái cằm, bàn tay, cặp đùi, bàn chân của nó đều như được nung trong cái chói lòa của mặt trời ban trưa. Thằng bé đẹp, lại giỏi. Con gái trong làng mê nó như điếu đổ. Thế mà nó chả chịu để cô nào vào mắt, lúc nào cũng quấn lấy thằng Chiến nhà bên, ríu ra ríu rít với nhau như đôi chim sẻ. Lạ thật, hai đứa nó chênh nhau tận sáu tuổi mà thân thiết hơn cả anh em ruột thịt. Sợi dây gắn kết giữa hai đứa đã vượt qua tình anh em bằng hữu từ lâu. Nó là một cái gì đó thiêng liêng hơn, mạnh mẽ hơn, sâu xa hơn biết bao nhiêu lần. Một cái gì đó khó gọi tên. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net