Phần 1 - C4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Chương 4

Lê Thái Tông băng hà.

Tin tức như mọc cánh, trong một đêm đã lan khắp từng ngóc ngách, tầng lớp cao tầng dù ở biên cương hay đang đi sứ cũng không còn ai là không biết.

Trong cung không lập hoàng hậu, Thần phi Nguyễn Thị Anh, mẹ của thái tử Lê Bang Cơ, hợp tình hợp lý đứng lên tổ chức tang lễ, sắp xếp mọi việc lớn nhỏ trong cung. Thế mà đang lúc công việc bộn bề, người đáng lẽ phải bận tối mắt tối mũi – Thần phi Nguyễn Thị Anh – lại thần thần bí bí đóng cửa cung đã nửa ngày trời. Bên ngoài thì truyền ra "Thần phi thương tâm quá độ, cơ thể luôn không tốt nay bệnh cũ tái phát, đã ngất xỉu..." nhưng người sáng suốt đều biết chẳng qua là phe cánh thái tử đang tổ chức "họp kín" mà thôi.

Thường thì tục cha truyền con nối sẽ truyền ngôi cho con trưởng, nhưng vua Lê Thái Tông sủng ái thái tử Lê Bang Cơ đến nỗi người mù cũng thấy được, mới 6 tháng tuổi đã được phong làm trữ vương. Bên kia đại hoàng tử Lê Nghi Dân mặc dù là con trưởng, cũng từng làm thái tử nhưng thế lực nhà mẹ đẻ mấy năm nay giảm sút nhiều, bản thân mẹ đẻ của ngài cũng đã bị giáng làm thứ dân từ lâu. Nhìn thì rõ ràng thế cục nghiêng về thái tử Lê Bang Cơ nhưng thực tế thì thế lực nhà mẹ đẻ của Thần phi cũng không phải quá sâu rộng, lại ngặt một nỗi hiện giờ thái tử mới 3 tuổi, thái tử lên ngôi đồng nghĩa với việc Thần phi sẽ buông rèm nhiếp chính, cũng có nghĩa là thế lực của gia tộc Thần phi sẽ nhận được nhiều "ưu ái" hơn, đây chính là điều các đại thần trung lập lo lắng. Họ có thể lí trí chọn ra vị Vua tốt nhất cho giang sơn xã tắc, nhưng họ cũng phải lo lắng cho cả quyền lực trong tay mình nữa.

Một cái ngai vàng, hai người tranh giành, trăm người lo lắng, vạn người phó mặc.

Vốn Thần phi đã có kế hoạch từ từ dần dần để Bang Cơ vững chắc lên ngôi nhưng ai mà ngờ Thái Tông lại kém cỏi như vậy như vậy, ra ngoài vài ngày, khi về thì xác đã lạnh, lại còn là trúng độc mà chết, thật lãng xẹt. Nhưng cũng không sao, trong cái rủi có cái may, nàng có thể nhân cơ hội này trừ khử luôn vài cái gai trong mắt nàng, đỡ cho sau này lại ngóc đầu dậy trêu ngươi nàng.

Xẩm tối Thần phi mới ra khỏi tẩm cung, người dìu người đỡ, một đoàn người mặc đồ trắng ủ dột tiến về nơi đang tổ chức tang lễ, trông Thần phi thật sự ra dáng một góa phụ trẻ đang đi tiễn người chồng mình yêu thương nhất. Mặc dù lưng vẫn ưỡn thẳng tiêu chuẩn, khuôn mặt xinh đẹp lại đờ đẫn vô hồn, không son không phấn lại còn vài vệt nước mắt chưa kịp khô, mỹ nhân rơi lệ khiến lòng người thương cảm, "liễu rũ trong ao, sen tàn trước gió" xem ra cũng chỉ đẹp đến bậc này được thôi.

Thần phi tiến vào điện, quỳ trước linh cữu một hồi lâu không nói gì, người hậu kẻ hạ xung quanh vốn có ấn tượng rất tốt với vị chủ nhân này, nhất thời cảm thấy nương nương nhà mình thật đáng thương. Nhìn mà xem, đau khổ đến mức chai lỳ không còn một phản ứng gì cơ mà...

Trời mới biết trong lòng Thần phi lúc này đang tính toán nên chụp cái tội danh ám sát vua lên đầu Nguyễn Trãi như thế nào cho triệt để.

Ôm danh hiệu sủng phi gây ganh ghét như thế mà vẫn sống an lành được trong cung thì Thần phi tất nhiên không phải là đèn cạn dầu chỉ biết dựa vào ân sủng của hoàng đế, nàng thừa biết Nguyễn Trãi ở ẩn chỉ là một cái cớ, làm gì có chuyện đang ở trung tâm quyền lực mà lại muốn rút lui? Có lẽ ông ta đã có một giao dịch gì đó với nhà vua, ví dụ như là ông ta sẽ bí mật bảo vệ "người kia", đổi lại vài cái lợi ích chính trị cho con cháu chẳng hạn... Giết Nguyễn Trãi thì dễ nhưng mà căn cơ của Nguyễn Trãi đã bắt đầu từ đời Lê Thái Tổ, sâu không lường được, làm không tốt lỡ sau này bị con cháu ông trả thù thì chẳng khác gì tự bê đá đập chân mình. Cách duy nhất là diệt cỏ diệt tận gốc, miễn cho hậu họa về sau.

Nguyễn Trãi đã theo di thể về cung, giờ một nhà của ông ta ở Côn Sơn hình như là không có ai chống đỡ...

Ánh sáng lóe lên trong đôi mắt phượng xinh đẹp của Thần phi nhưng giọng nàng thì lại run rẩy chực khóc ra lệnh cho người hầu lui ra, nàng nói nàng muốn ở riêng với bệ hạ, chỉ một khắc thôi. Người hầu vừa đóng cửa, một người mặc đồ đen đi ra từ bóng tối không một tiếng động tiến đến hành lễ với Thần phi. Thần phi nhỏ giọng ra lệnh:

- Đến Côn Sơn bắt cả nhà Nguyễn Trãi mang tới giấu ở biệt viện ngoại thành, trông coi cẩn thận, không được để lộ cho ai biết.

Người mặc đồ đen kính cẩn nhận lệnh, lại không một tiếng động rời đi, người không thấy quỷ không hay.

Thần phi thoáng qua thần sắc vui vẻ, rất nhanh lại điều chỉnh tâm trạng, bắt đầu gào khóc thảm thiết.

"Hoàng thượng, người đã hứa sẽ cùng ta đến Chiêm thành cơ mà? Người đừng ngủ quên nữa, mau dậy đi, chúng ta tới Chiêm thành!"

"Hoàng thượng, Bang Cơ còn nhỏ như vậy, người bỏ lại một đôi mẫu tử chúng ta cô đơn lẻ bóng biết phải làm sao?"

"Hoàng thượng, thần thiếp nhất định sẽ điều tra rõ chuyện này, thề rằng người không yên nghỉ thì ta cũng không thể yên giấc!"

Người hầu kẻ hạ bên ngoài loáng thoáng nghe thấy tiếng khóc tê tâm liệt phế của Thần phi, trong lòng lại càng thương cảm cho chủ nhân của mình, lại càng kiên định căm ghét kẻ hạ độc nhà vua, cảm thấy những kẻ táng tận lương tâm đó phải chết một nghìn lần mới đủ hết tội.

Con người bản năng thương xót kẻ yếu thế, lại chính vì bản năng đó mà dễ bị giật dây như một con rối. Cái người mà ngươi cho là kẻ yếu lại tính toán lợi dụng ngươi, xem ngươi chẳng khác gì một quân tốt, vậy rốt cuộc ai mới là người đáng thương đây?

***

Nguyễn Trãi nhận được mật báo là nhà vua thực sự qua đời vì trúng độc, lâu lắm rồi trong lòng ông mới dâng lên cảm giác lo lắng đến toát mồ hôi lạnh.

Ông biết Thần phi kia không ưa gì ông, trước đó ông đã công khai bênh vực Nguyên phi Ngô Thị Ngọc Dao, lại còn tự tay sắp sắp Nguyên phi – lúc đó đã bị biếm làm thứ dân – đang mang long thai một đường về quê an toàn, còn hạ sinh được hoàng tử bình an, mẹ tròn con vuông. Điều đó thực sự đã khiến Thần phi coi ông thuộc về phe cánh của địch. Lúc trước ông cũng không để ý lắm, dù sao thì một sủng phi 'giả' liệu có thể lăn lộn được bao lâu, nhưng ai mà ngờ Lê Thái Tông lại ra đi nhanh như vậy, người chết không đối chứng, Bang Cơ thì vẫn yên vị thái tử, nếu bây giờ vị Thần phi này mà muốn đổ tội lên đầu ông thì thực sự là hung hiểm trăm đường.

Thật ra Thần phi đoán không sai, Nguyễn Trãi không tự nhiên mà lui về ở ẩn và ông thực sự có một giao kèo bí mật với nhà vua, với cả hai đời vua nhà họ Lê.

Nguyễn Trãi là công thần khai quốc số một, tài năng, đức hạnh và uy vọng của ông không thua kiếm gì vị chủ soái Lê Lợi lúc bấy giờ, nếu Nguyễn Trãi tìm bừa một cớ muốn lật đổ vua Lê thì cũng không phải là không có khả năng thành công. Lại thêm Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi thực sự đã có vài hành động không được, chèn ép công thần khiến lòng người nguội lạnh. Tuy nhiên Lê Lợi cũng không ngốc, ông nhạy bén nhận biết được tâm tư của Nguyễn Trãi, bản thân ông cũng cảm thấy mấy đứa con của mình đấu không lại Nguyễn Trãi, để giang sơn dùng máu lấy về không phải đổi họ, ông nhanh chóng làm một giao kèo với vị công thần khai quốc số một kia.

Nguyễn Trãi nhắm mắt, ông vẫn nhớ đó là một đêm không trăng không sao, hầu cận của Lê Thái Tổ lặng lẽ đưa ông vào cung bằng lối nhỏ, khi ông bước chân vào căn phòng vàng son thì Lê Thái Tổ đã ngồi chờ từ lâu.

Dù các câu chuyện hư cấu về ngoại hình như hổ như thần của Lê Thái Tổ để chiêu mộ lòng dân đều do một tay Nguyễn Trãi viết ra nhưng bản thân ông cũng không thể không công nhận ở Lê Thái Tổ có cái gì đó thật khác với người thường. Gió tanh mưa máu làm con người ấy tôi luyện không chỉ một thân hình vạm vỡ mà còn có một khí thế bức người, không như những võ tướng cùng người vào sinh ra tử sinh ra một thân lệ khí, khí thế của Lê Thái Tổ ngoại trừ khiến người ta vô thức thần phục như một kẻ yếu quỳ rạp trước kẻ mạnh, còn khiến người ta nảy sinh suy nghĩ "người này chắc chắn sẽ không sai".

Và dù thời gian đó Lê Thái Tổ ngập ngụa trong một mớ hỗn độn về ngoại bang, nội loạn, triều thần phản phúc, công thần sinh kiêu, con, cháu, thiên tai, quân đội... và dù khuôn mặt người đã mệt mỏi đến độ nói chuyện dường như cũng là một việc tốn sức, thì đôi mắt người vẫn sáng quắc như một con đại bàng. Ai bắt gặp ánh mắt ấy sẽ cảm thấy hít thở không thông, dường như cả linh hồn đều bị soi xét.

- Nguyễn ái khanh dạo này có ổn không? – Lê Thái Tổ mắt vẫn không rời khỏi án thư, không lập tức bình thân mà hỏi một câu thăm hỏi nhẹ nhàng như bạn cũ lâu ngày không gặp.

- Muôn tâu bệ hạ, thần nay cũng đã có tuổi, đã không còn được như trước nữa rồi. – Nguyễn Trãi nhanh nhẹn đoán ý nói hùa, quả nhiên Lê Thái Tổ đã hài lòng, lúc này mới ra hiệu bình thân.

- Nửa đêm còn làm phiền giấc ngủ của ngươi, ngươi không trách ta chứ? – Lê Thái Tổ không mặn không nhạt hỏi tiếp.

- Vi thần không dám. – Nguyễn Trãi lại cúi gập người.

- Đều từng ăn chung ngủ chung với nhau cả, ở đây lại không có người ngoài, lấy đâu ra nhiều quy tắc thế. Ngồi xuống đi. – Lê Thái Tổ dời mắt khỏi án thư, giọng nói nhẹ nhàng hẳn, lại như một người bạn cũ lâu ngày không gặp – dạo gần đây ta nghe được một chuyện rất thú vị...

...

Đêm đó Nguyễn Trãi trở về nhà với một chiếc hộp gỗ nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong là một chiếc kim bài miễn tử có sức nặng bằng cả chục năm vào sinh ra tử. Khác với kim bài bình thường khác ở chỗ, cái kim bài này còn là tượng trưng cho một cuộc giao dịch của ông với đáng cửu ngũ chí tôn. Nguyễn Trãi cảm thấy khá hài lòng, dù sao Lê Lợi cũng là người đứng ra trực tiếp lãnh đạo ba quân giành lại giang sơn, nếu bây giờ ông phất cờ cướp ngôi thì sẽ không được lòng dân. Nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền, quyền lực tối cao thì ai cũng muốn nhưng mà giành được mà không giữ được thì là mất cả chì lẫn chài.

Cho đến hôm nay thì giao ước đó cũng đã được thực hiện hơn chục năm, ông vẫn thực hiện đúng giao ước, trung thành với vua Lê, nghe theo phân phó của Lê Thái Tông từ chức làm một lá bài chưa lật của hoàng thất, lại cũng nghe theo phân phó bất chấp đối nghịch với phe cánh Thần Phi để bảo vệ Nguyên phi. Bây giờ Lê Thái Tông đột ngột băng hà, người chết không đối chứng, Thần phi thì vẫn đang được đứng trên đỉnh cao của quyền lực trong cung, Nguyễn Trãi quả thật là đang lâm vào hoàn cảnh hung hiểm trăm đường.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net