Chương 6-1: Cố nhân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Vọng Hương lâu nằm ở chỗ đắc địa trong thành Thăng Long. Từ quán rượu ấy, bước vài bước sẽ ra đến chợ Cửa Đông, còn ngồi trên lầu lại nhìn thấy rõ một khúc sông Tô nhộn nhịp thuyền bè, xung quanh thì lố nhố khách điếm cho đủ loại người. Lẽ cố nhiên, với đám thương buôn đã tìm đến Kẻ Chợ làm ăn, chốn đấy thành chỗ hay tuyệt để nhâm nhi cơm rượu lại tiện thể nghe ngóng tin này tin kia với nhau. Chủ ông vốn có gốc từ đất Ngô, gặp lúc loạn lạc mới chạy đến phương nam lánh thân, rồi mở ra Vọng Hương lâu. Khách đến ăn uống đều ưa tính xởi lởi của lão, thấy lão hay tươi cười hớn hở thì đùa vui, gọi lão là Tiếu Ông. Lâu dần thành quen, ai cũng gọi thế mà lão cũng thích cái tên này, cho đến giờ chẳng còn mấy người nhớ tên thật của lão nữa. Tiếu Ông giỏi nhất chuyện nhận mặt người. Khách khứa ghé lâu, chỉ cần một lần, lão cũng nhớ mặt. Chẳng những thế, họ thích gì, ghét gì, ăn gì, uống gì, ưa nằm gian nào... lão đều nhẩm được vanh vách trong đầu mà dặn dò người làm.

"Ối chà, là ông đấy à?" Vừa thấy người thanh niên nai nịt gọn gàng bước vào quán, Tiếu Ông đứng sau quầy hàng vội dừng tay gẩy bàn tính mà đon đả. "Dễ đến nửa năm không thấy ông ghé quán."

"Chủ ông hẵng còn nhận ra tôi cơ đấy!" Người khách hơi ngạc nhiên thốt lên.

"Nhớ, nhớ chứ. Ông là ông Nhữ Dương, buôn tơ với bình, liễn. Tháng Chạp năm ngoái neo thuyền buôn ngoài bến sông Tô, có ghé nghỉ lại trong lâu hai đêm. Lão quên thế nào được." Tiếu Ông cười khà khà. Anh chàng này là tay phóng khoáng, trả tiền trọ lẫn tiền cơm đều trả dư đến mấy đồng. Trong số khách ghé lâu, không nhiều người rộng rãi được thế. "Ông Nhữ Dương chuyến này lại sắp dong buồm xuôi xuống Chiêm hay đi bạc dịch trường đấy?"

"Chủ ông thế mà cũng nhớ dai nhỉ." Chàng cố niềm nở, nhưng nét mặt không giấu được vẻ phiền muộn. "Lần này lên kinh có việc, chưa tính đến chuyện bán buôn. Chủ ông còn phòng thì cho tôi trọ lại."

Tiếu Ông cũng đoán được khách gặp chuyện không vui, lão không gợi chuyện thêm, vội báo lại hẵng còn phòng. Người khách gật đầu, lấy trong tay nải ra mấy đồng tiền, tỏ ý chưa định được phải ở đến bao giờ. Chủ ông cũng không phải kẻ quá chi li, thấy khách ngần ngừ tính ngày, ông xua tay, luôn miệng nói để sau, chớ lo. Nhữ Dương cảm tạ Tiếu Ông, chàng toan bước theo chân đứa người làm lên phòng trọ trên lầu, nhưng mới được nửa bước lại hạ giọng hỏi chủ ông mấy câu. Những chuyện chàng hỏi đều không can hệ gì đến bán buôn, mà phần nhiều chỉ về cửa quan. Nhất là về hoàng thái tử Mục Huyền. Tiếu Ông có còn mắt tinh đời, nghe qua đã đoán được mấy phần chàng ủ rũ như thế ắt dính vạ đến cửa quan.

"Tôi hỏi thật ông, cớ gì lại dò chuyện cửa quan kỹ thế?" Ông lão thẳng tuột. Chẳng gì, ông cũng nổi danh là tay nghe ngóng được lắm chuyện nhất chợ Cửa Đông, muốn hay chuyện này chuyện kia phải tỏ tượng ý người ta mới biết đường nói cho vừa.

"Chẳng giấu gì chủ ông, anh cả nhà tôi vừa nhậm chức chưa được mấy ngày, chả biết tai bay vạ gió thế nào lại bị gô cổ tống vào ngục." Nhữ Dương thở dài, đoạn thành thật. Dân buôn với nhau, chàng thừa hiểu những chuyện thế này nghe phong thanh từ chỗ chủ ông là nhanh nhất. Muốn thế, phải nói rõ đầu đuôi. "Tôi nhờ người quen nghe ngóng, tính toán ngược xuôi, chỉ có đi kêu cầu chỗ hoàng thái tử được thôi. May ra ngài ấy còn chịu đọc tờ biểu cho."

Tiếu Ông nghe thế gật đầu liên hồi. Lời Nhữ Dương nói quả thật chẳng sai một li. Dân ở kinh thành này, có ai lại không biết đến uy danh của Duệ Văn vương? Muốn kêu cầu, kiện cáo oan tình gì cứ đến cung Long Đức mà đánh trống xin gặp ngài ấy. Nhưng ông lão chợt nhớ ra, cách đấy hiện giờ chưa chắc đã thỏa, hoàng thái tử đổ bệnh cũng già nửa tuần trăng. Nhè đúng lúc này mà đánh trống, khéo lại xôi hỏng bỏng không. Tiều Ông ngẫm nghĩ hồi lâu, chợt nhớ đến cậu ấm phủ Đông Chính hầu. Cậu ta là khách quen, hay lui đến cơm rượu ở Vọng Hương lâu. Nghe mấy anh lính rỉ tai, trong đám con em hoàng thất, chỉ mình cậu ta có đi lại giao tình với cung Long Đức để nhờ vả được.

"Nhưng làm sao mà có lời với cậu ấy được? Tôi chỉ là dân buôn, e đến ghé mắt nhìn qua một cái người ta còn chả buồn nhìn." Chàng khách buôn ảo não.

"Ông đừng có bàn lùi thế. Nể tình ông, cứ để lão đây sắp xếp. Cơ mà sự thành hay không, còn phải trông vào tài ăn nói của ông, chứ lão đây chả biết gì đâu đấy." Tiếu Ông cười khà khà, cặp mắt hấp háy bỗng dưng nom lại tinh quái như đứa trẻ con.

Nhữ Dương nghe xong hệt kẻ ăn mày lại gặp chiếu manh, chàng vội vã lấy trong tay nải ra mấy xâu tiền, đem giao cả cho Tiếu Ông. Tiền ăn ở chỉ mất chưa đến năm đồng, nhưng chàng vẫn giục chủ ông cứ cầm hết từng đấy, xem như tấm lòng của chàng chịu cái ơn giúp đỡ lúc hoạn nạn.

Cái sự sắp xếp của Tiếu Ông đúng thật là của một chủ ông phương Bắc, nhanh nhẹn mà khéo léo đến mức Nhữ Dương dẫu đã quen xuôi ngược buôn bán cũng phải ngỡ ngàng. Chỉ độ hai ngày sau, ông lão gõ cửa phòng trọ của chàng lúc sẩm tối, dặn dò kỹ càng từng đường đi nước bước để bắt chuyện với cậu ấm phủ Đông Chính hầu. Cứ theo đúng lời Tiếu Ông, sáng ngày kế tiếp, Nhữ Dương mua cần trúc, thuê thêm một con thuyền tam bản. Chàng đến hồ Lãng Bạc buông cần ngồi đợi. Cậu Huy Vũ mê câu cá có tiếng, cứ vài ngày sẽ lại ra hồ một lần. Nhữ Dương chẳng cần phải đợi lâu, cần vừa buông chưa đầy một canh giờ, chàng đã thấy có thêm con thuyền nữa trôi nhè nhẹ từ bờ cỏ ra. Trên thuyền chỉ thấy lão chèo thuyền với người thanh niên độ đôi mươi, mặt mũi trẻ măng, ăn vận quần là áo lượt, nhàn nhã vừa thả cần vừa nhai trầu. Dẫu trong lòng đã đoán mười mươi ra người thanh niên ấy đúng thật là con trai Đông Chính hầu, nhưng chàng thương buôn chưa vội bắt quen. Chàng vẫn ngồi đợi cá cắn câu. Quê của Nhữ Dương ở Bố Hải Khẩu, sông lớn sông bé, ao to ao nhỏ, đến cả bể rộng cũng đều có đủ, thế nên hễ chàng cầm cần trúc thì khắc sẽ thành tay sát cá. Trời như cũng muốn giúp cho Nhữ Dương, cứ chốc chốc đầu ngọn trúc lại bị giật xuống nước, chàng kéo lên hết cá bé cá to, còn thêm được cả con chép mình dài ngang ba bốn gang tay làm người chèo thuyền cũng buộc miệng trầm trồ.

"Này." Huy Vũ ngồi trên thuyền, nhìn thấy phía đối diện người ta kéo lên được con cá chép to thì đâm hiếu kỳ. Chàng gọi với sang bắt chuyện. Thấy người kia ngơ ngác, chàng nói thêm. "Gọi nhà anh đấy."

Nhữ Dương cả mừng trong lòng, nhưng vẫn phải vờ như không nghe rõ. Chàng điềm nhiên gỡ kim ra khỏi miệng cá. Phía bên này, Huy Vũ không thấy chàng đáp lại, lấy làm bực. Cậu ấm lệnh cho người chèo thuyền áp sát con thuyền của người kia. Mãi đến lúc hai con thuyền chỉ còn cách nhau vài trượng, Nhữ Dương mới như "nhìn thấy" Huy Vũ. Chàng tỏ ra sốt sắng, đứng ngồi không yên.

"Cậu là..." Chàng hỏi.

"Cái nhà anh này như điếc dở ấy nhỉ. Ta gọi nãy giờ không thưa." Huy Vũ khó chịu, nhưng nói ra lại thấy không phải phép nên dịu giọng đi. "Con chép anh vừa câu lên, có bán hay không?"
Huy Vũ nhìn con cá mà Nhữ Dương đang xách trên tay, rồi lén đưa mắt sang đống mồi còn thừa gói trong bọc lá chuối ở lòng thuyền. Chàng không báu bở gì con cá, nhưng thích ngón buông cần của người này, nên đành hỏi mua cá để bắt chuyện.

"Cậu thứ cho, cá này tôi không bán." Nhữ Dương đáp.

"Thế còn cá trong giỏ?" Huy Vũ hỏi.

"Cũng thế. Chẳng giấu gì cậu, tôi là thương buôn, nhân lúc rỗi rãi mà thả cần cho vui. Mấy con cá nhép này, câu rồi cũng thả đi thôi." Nhữ Dương nói rồi tiện tay thảy luôn con cá xuống nước.

"Phí của giời." Thấy thế, Huy Vũ giãy nảy. Cậu ấm nhìn theo cái đuôi ngoe nguẩy lặn dần xuống nước mà chẹp miệng tiếc rẻ. "Anh câu được nhiều thế kia, kể cũng là tay sát cá."

"Ở quê tôi thì chả thấm vào đâu. Cậu không biết đấy thôi, cứ học theo dân chài rải thính thơm, chọn đúng chỗ buông cần, rồi ắt cá tự kéo đến." Chàng thương buôn cười, vẻ như buột miệng nói một hơi. "Tôi trông cậu cũng sành sỏi lắm."

"Hôm nay chả biết thế nào, đợi từ sáng đến giờ công cốc cả." Huy Vũ thở dài. Câu cá cho vui thật, nhưng ngồi lênh đênh nửa ngày không được con rô con diếc cũng làm chàng sinh bực.

"Hay là do mồi? Cậu đưa đây tôi xem nào." Nghe cậu ấm nói, Nhữ Dương sốt sắng. Chỉ chờ có thế, Huy Vũ cầm bọc mồi, nhảy sang bên thuyền của chàng.

Giờ mảnh lá chuối ra, Nhữ Dương nhìn một lượt những viên thính rang thơm. Đoạn, chàng thở dài, ném hết xuống hồ. Huy Vũ giật mình, vội thốt lên một tiếng, trách chàng là đồ vụng về.

"Thính này không câu được chép đâu. Đây, tôi cho cậu, độ chưa hết nửa tuần hương nữa, có mà giật cần không kịp." Chàng thương buôn cười, lấy trong cái rổ tre ra một bọc vải, thảy về phía cậu ấm. "Dân Bố Hải Khẩu chúng tôi không thạo ngón này thì chả còn ai hơn được."

Huy Vũ bắt bọc vải, mở ra thấy bên trong là thính nhưng từ màu đến mùi đều khác xa thính chàng hay dùng. Chàng chặc lưỡi bốc một nhúm thả xuống nước. Bộ dạng của người ngồi bên thuyền kia nom vênh váo như thế, nếu thính này không nhạy, chàng đã nghĩ sẵn trong đầu mấy câu mỉa thật ngoa. Nhưng Huy Vũ không có cớ móc mỉa gã thương buôn. Thính gã đưa quả là nhạy, chỉ suýt soát nửa tuần hương, chàng câu được đến ba con chép to ngang cẳng tay người lớn. Cần trúc giật liên hồi, cậu ấm vui ra mặt, miệng cười ngoác suốt buổi. Từ dè dặt, không ưa gã thương buôn, dần lại thân thiết hơn. Sang gần cuối giờ Tỵ, trời bỗng làm mây, nổi dông. Mưa lất phất rải xuống ướt tóc. Cả hai người cho thuyền chèo về bờ.

Huy Vũ nhìn mấy con cá tự tay chàng câu được, trong lòng khấp khởi mừng. Mớ này đem về Vọng Hương Lâu, giao cho đám khách nấu nướng, lại chẳng được cả một mâm cơm rượu ê hề. Chàng khoác tay ra hiệu cho đứa hầu đứng trông ngựa xách thay mình xâu cá, đoạn trèo lên yên. Dây cương còn chưa kịp siết chặt, chàng nghe thấy tiếng bước chân chạy lạch bạch của anh chàng lái buôn. Cái tay sát cá, Huy Vũ nghĩ trong đầu. Chàng thích ngón buông cần của gã, nhất là bài thính chép nhạy vô cùng. Duyên bèo nước gặp nhau, chẳng biết sau này còn gặp lại gã không nữa để mà lân la dò cho được bài thính ấy. Nghĩ thế, cậu ấm nhà Đông Chính hầu buột miệng gọi với theo.

"Này, anh kia. Đứng lại tôi bảo cái này." Chàng ghì cương. Người kia nghe gọi cũng đứng khựng, nhíu mày nhìn. "Sẵn mẻ cá, có muốn làm mấy chén cho ấm người không?"

Nhữ Dương nấn ná một lúc, đoạn dắt ngựa đi đến chỗ Huy Vũ.

"Tôi trọ ở Vọng Hương Lâu, gần chợ cửa Đông. Xa chỗ này lắm, không dám la cà chè chén thêm..." Chàng lái buôn phân bua.

Vừa nghe đến ba chữ Vọng Hương Lâu, hai mắt Huy Vũ sáng cả lên.

"Ta cũng đang muốn đem mớ cá về đấy cho họ nấu. Anh không trốn được bữa rượu này đâu." Huy Vũ cười lớn.


*
* *


Cỗ xe ngựa đi chậm lại khi qua chợ. Khanh vén tấm mành tre lên, nàng nhìn ra phía ngoài. Trời mới lúc nãy còn hửng nắng, giờ đã u ám như muốn đổ mưa. Người đi lại, hàng quán dọc hai bên đường cũng theo đấy mà đều hối hả hơn.

"Sắp mưa đến nơi rồi." Nàng nói.

"Vâng ạ, để qua hết khúc này, rồi em giục phu xe đi nhanh." Đứa thư nhi tên Mộc mà phu nhân Thuần Đức sai theo hầu nàng nhanh nhảu.

"Mọi năm, em cũng theo phu nhân đến thái ấp à?" Khanh không rời mắt khỏi dãy nhà cửa đang chầm chậm trôi ngược ngoài khung cửa. Lúc trước, nàng theo Thận đi từ bến sông về cung Long Đức, cũng là ngồi trên xe ngựa như thế này. Hiềm nỗi, lúc đấy trong lòng ngổn ngang những âu lo nên chẳng còn thời gian ngắm nghía kinh thành, chỉ nghĩ chốn này đông đúc, tấp nập hơn đất quê mùa của nàng nhiều lắm. Giờ, nhìn kỹ hơn, nàng lại thấy chẳng những đông mà ở đây ai cũng một vẻ sấp ngửa. Cũng phải thôi, nàng tự nhủ, đây là chốn kinh kỳ.

"Vâng ạ. Năm nào đi thăm thái ấp, phu nhân đều cho em theo hầu." Mộc bọc thêm một lần giấy nữa quanh thỏi mực con con, đoạn buộc tay nải vải lại. Trong đấy có sổ sách, bút lông với nghiên đá, toàn thứ quý giá với đứa nô như nó.

"Thế ra ngoài thành, còn đi bao xa nữa là đến thái ấp?" Khanh vẫn nhìn ra ngoài, xe ngựa đi qua chợ Cửa Đông, nàng thấy những hàng xây lên thành lầu, phía dưới bán vải, phía trên bán chè, cũng có hàng khác lại thơm mùi rượu thịt, người ra người vào nườm nượp. Chỗ này cách bến sông Tô không xa, chẳng trách đông dân khách, dân Chiêm, lại có cả người thượng đến thế. Họ ăn mặc lạ mắt, vóc dáng cũng khác hẳn, nàng không cần nghe đến tiếng chuyện trò líu ríu cũng đoán được không phải người mình. "Chỗ này nhiều người xứ khác quá."

"Bẩm phu nhân, ra ngoài thành đi thêm mươi dặm nữa là đến." Mộc rụt rè ngó ra. Con bé à lên một tiếng. Nó nhanh nhảu chỉ vào từng hàng, ríu rít mách cho nàng nghe chuyện bán buôn. Hàng này bán vải, có tí dây dưa với nhà chồng của công chúa Diệu Hoa, hàng kia bán rượu, điện hạ hay sai người đến mua. Phu nhân ốm nghén, thích ăn mơ chua bán ở góc gần chợ. Nằm ở chỗ đẹp nhất, bề thế nhất thì là Vọng Hương Lâu của một lão người Tàu. Ông Huy Vũ mê đồ ăn ở đấy.

Khanh thả mành, nàng nhìn Mộc. Con bé làm nàng nhớ đến Cầm. Hai đứa trạc tuổi nhau, đến cả cái nết nói năng liến thoắng, biết hết chuyện trên trời dưới đất cũng không khác nhau là mấy. Khanh hơi nhếch môi cười nhẹ. Có Mộc đi theo, nàng đỡ buồn hơn hẳn.

"Thái ấp của điện hạ có lớn lắm không hả Mộc?" Khanh hỏi. Nàng đã nghe phu nhân dặn dò, nhưng vẫn chưa nắm rõ được chỗ đấy ra làm sao.

"Bẩm bà, tính ra cũng được ngót ba trăm mẫu đất đấy ạ. Mọi năm mưa thuận gió hòa, cứ một mẫu thượng đẳng sẽ nộp lên triều đình sáu thạch tám mươi cân, còn lại đều là bổng lộc cho cung Long Đức." Mộc hồn nhiên. Con bé vẫn còn nhớ mỗi lần đến thái ấp đều phải đi mỏi chân mới hết được ruộng.

Khanh trầm ngâm. Năm nay thủy tai nặng như thế, không biết dân ở đấy có nộp đủ tô hay không.

"Cũng còn lâu nữa mới đến nơi, hay là em đọc qua sổ sách một lượt cho ta nghe." Nàng nói với đứa thư nhi, vừa lúc mưa bắt đầu rơi lộp độp bên ngoài.

Cơn vân vũ ngày hôm ấy thế mà lại chỉ chớp nhá hai canh giờ rồi thôi. Khanh và đám người dưới đến thái ấp vừa lúc đầu chiều. Trong hương cắt cử mấy cao niên ra tận cổng lớn đón nàng. Họ ăn vận tươm tất, mang theo cả lọng che với võng. Vừa thấy Mộc dìu tay nàng bước xuống xe, một người trong số họ tiến lên trước cung kính vái chào. Ông cụ trạc ngoài lục tuần, râu tóc đã bạc phơ, nhưng nét mặt hẵng còn hồng hào, vóc người đứng thẳng thớm khang kiện. Người trong thái ấp quen gọi là ông cụ Thước. Mộc đã quen với ông cụ, con bé cũng vái chào, đoạn nhanh miệng hỏi thăm rồi lễ phép cho ông hay lần này nó theo hầu ai. Khanh không được ban hiệu, thế nên con bé gọi nàng là phu nhân.

"Chúng tôi nhờ ơn điện hạ, bà cần sai bảo gì cứ để cô Mộc chuyển nhời, già trẻ chúng tôi không dám thoái thác." Ông cụ Thước nhã nhặn.

"Kìa, cụ... tôi... Không dám." Khanh lúng túng, nàng thấy ông cụ toan quỳ lạy theo lễ thì trong lòng gượng gạo không quen.

"Tôi thấy bà đi đường vất vả, chẳng bằng vào tạm đình phía trong nghỉ ngơi." Cụ Thước vẫn rất mực cung kính với nàng.

"Cụ này, ta vâng lời lệnh bà và điện hạ đến thăm thú thái ấp. Hay là cụ cứ để ta đi một vòng xem thế nào cái đã." Nàng đáp, trong lời nói bỗng có uy.

Biết ý nàng đã quyết, cụ Thước cũng không nài thêm. Ông cùng các cao niên khác vâng dạ, đoạn đưa nàng đi xem ruộng lẫn nhà cửa trong hương. Khanh đi đến đâu đều nhắc Mộc giở sổ sách xem lại, cho người đo kỹ mỗi thửa đất, tính toán số tô từng nhà. Vừa qua một trận thủy tai lớn, cảnh vật tiêu điều. Trong làng có người bị nước cuốn đi, tiếng than khóc vẫn còn nghe lác đác. Lúc hỏi đến chuyện thu tô năm nay, cụ Thước ngần ngừ mãi mới chịu nói thật, cả hương đang định tìm đến cung Long Đức xin được khất sang vụ sau.

"Lụt mấy ngày, lúa úng nước, thối cả rễ. Chúng tôi sợ năm nay ăn chả đủ no. Xin cậy bà về có lời với điện hạ và phu nhân, nói đỡ cho chúng tôi khất lại..." Ông cụ rầu rĩ.

Khanh thở dài. Nàng cũng không định đoạt được chuyện hệ trọng như thế này, đành ậm ừ hẹn sẽ về thưa lên với điện hạ và phu nhân. Đến cuối buổi chiều, người trong hương thỉnh nàng về dinh trong, vốn là phủ đệ dựng lên làm chỗ nghỉ ngơi cho hoàng thái tử. So với hành cung còn kém xa, nhưng nhà cửa đến cảnh trí cũng ngang ngửa phủ quan. Cụ Thước sai người chuẩn bị võng kiệu cho Khanh, phu khuân đều là dân đinh trong làng. Nàng nhìn qua một lượt rồi lắc đầu từ chối, phần vì không quen phần lại sợ điều tiếng. Chủ tớ hơn chục người đều đi bộ về dinh. Quãng đường dẫu không xa, nhưng mưa bão, lũ lụt làm hỏng hết lối đi, nước vẫn còn đọng thành vũng to, có đoạn lại nhoe nhoét bùn đất. Ngày ở quê, Khanh cũng không lạ gì cảnh này, nàng đi nhẹ bước, cố không để bùn bắn cao. Nhìn sang Mộc, nàng thấy con bé loạng choạng không vững, tay vẫn ôm chặt lấy bọc sổ sách.

"Đường khó đi thế này, phu nhân không ngồi kiệu cho đỡ khổ thân." Mộc lẩm bẩm. Phía sau nó, mấy anh lính cũng phải lựa bước dè dặt.

"Ta chỉ là phủ thiếp, ngồi kiệu võng không hợp lễ." Nàng nói, đưa tay sửa lại quai nón. "Với lại luận tuổi tác, ta cũng chỉ ngang hàng con cháu của họ, làm thế ta không quen."

"Nhưng mà phu nhân là cung nhân, ngồi kiệu che lọng có gì không phải." Con bé vẫn lý sự.

Khanh cười xòa. Mấy tháng sống trong cung nàng chẳng còn ham gì võng lọng ấy. Nàng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ dì Miên với con Cầm. Bước trên bờ đất, để chân trần chạm vào bùn, vào cỏ, nàng lại thấy quen và dễ chịu hơn đi hài. Trời về chiều, bóng ác tà nghiêng ngả đằng tây, những đồng ruộng xơ xác sau trận lụt, có chỗ chỉ còn trơ lại thân lúa đổ rạp. Dân ở thái ấp vụ này khéo là trắng tay. Trên dọc đường về dinh, thỉnh thoảng nàng gặp người đi làm đồng về, nom ai cũng bơ phờ. Chỉ có đám trẻ con là vẫn cười đùa vô lo vô nghĩ. Chúng thấy nàng lạ mặt, lại ăn vận đẹp mà đi chân đất, dắt theo cả lính tráng thì tròn xoe mắt. Mấy đứa bạo gan chạy theo nàng một đoạn nhưng rồi đi hết cánh đồng, về đến con đường lát đá xanh dẫn vào dinh, chúng không dám dấn bước thêm nữa. Đêm ấy, Khanh nghỉ lại ở thái ấp.

Giờ Tý, trong làng chợt có tiếng kẻng, tiếng hô hoán lẫn với tiếng chó sủa ầm ĩ, Khanh bị đánh thức. Nàng sai Mộc và mấy nữ tì coi sóc dinh ra xem có chuyện gì.

"Bẩm phu nhân, họ bắt trộm đấy ạ." Mộc quay lại, con bé cố kìm cái ngáp chảy cả nước mắt. Nó thuật cho nàng nghe có người bắt trộm cá dưới ao, làng biết nên mới gọi nhau đi bắt tại trận. "Nhưng mà khổ thân, đứa đấy đói quá mới phải làm liều."

"Là người trong làng à?" Tay đang xốc chăn đắp của Khanh khựng lại.

"Bẩm phu nhân, em nghe họ kháo nhau là dân trại." Mộc vừa dứt lời, bên ngoài có tiếng khóc, tiếng đấm đá túi bụi vọng vào. Con bé rụt cả cổ vì sợ.

Khanh thở dài, đặt mình xuống giường bụng bảo dạ đi ngủ. Nhưng nàng vừa nằm thì đã nghe thấy tiếng quát tháo to hơn, lòng bứt rứt không yên, nàng lại ngồi dậy sai Mộc ra điệu đứa ăn cắp kia vào.

Đêm khuya, nữ tì thắp mấy bó đuốc ngoài sân. Khanh vấn lại tóc, nàng khoác xiêm áo rồi đi ra thềm. Nhìn xuống sân, nàng thấy một đứa con gái gầy gò, tóc tai rũ rượu đang quỳ sụp. Cả người nó run lên lập cập. Mộc đứng bên, con bé quát đứa ăn cắp hành lễ với nàng. Lúc đứa con gái ấy ngẩng lên, nàng nhận ra nó đường nét khuôn mặt của nó khang khác. Mắt sâu, mày rậm, quả mũi to, môi dày... cũng có mấy phần giống với đám khách buôn ngoại bang nàng thấy ban sáng ở gần chợ Cửa Đông. Dẫu nàng không cất lời, nhưng Mộc đã kịp hỏi han đứa con gái mấy câu. Nó ú ớ, thỉnh thoảng ngọng nghịu vài câu, hoặc không thì gật đầu lắc đầu.

"Bẩm phu nhân, nó là người Chiêm Thành đấy ạ." Chợt Mộc thưa với nàng. Tựa hồ con bé vừa mới nghĩ ra. "Mấy năm trước, thánh thượng thắng trận, có đưa về kinh nhiều người Chiêm Thành lắm. Gần thái ấp cũng có một làng..."

"Này, mày nói được tiếng của chúng ta hay không?" Khanh hiếu kỳ, nàng bước đến trước mặt đứa con gái, hai tay chắp sau lưng mà hỏi.

Đứa con gái gật rồi lại lắc.

"Thế là nói được một ít phỏng?" Nàng hỏi tiếp.

Lần này đứa con gái gật đầu quả quyết.

"Giờ mà ta đuổi mày đi thì dân làng người ta sẽ đánh cho chết. Ta cứ giữ mày lại, đợi sáng mai hồi cung, ta sẽ xin phu nhân để mày vào đấy làm nô hầu tao. Mày có thuận không?" Khanh nói với đứa con gái, nói thật chậm vì sợ nó không hiểu được.

Cặp mắt sâu hoắm của đứa con gái nhìn nàng chằm chặp, một lúc sau như nghe

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net