Chương 2 Kết bạn được không?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ân lớn lên cùng tình yêu thương của bà nội, trong sự đỡ đần của bác hai. Cuộc sống ngày ngày trôi qua vô cùng giản dị. Ân còn có một người chị đi làm ở tận thành phố, lâu lâu lại về thăm còn dí vào túi chút tiền quà bánh. Mọi người luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho Ân, dù còn nhỏ nhưng Ân là đứa hiểu chuyện, không bao giờ đòi hỏi hoặc so sánh gia cảnh với những người khác. Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà Ân đều tươm tất trước sau; thấy bà nội vì cậu mà còng lưng nấu nướng, Ân cũng bắt chước đứng bên cạnh học lỏm bà nội nêm nếm thế nào; Ân còn theo bà nội học cách đi chợ, xách giỏ cho bà nội, có khi bà nội thấy Ân đứng tần ngần một lúc ở hàng bánh bò trưng ra bộ mặt khao khát, biết ý cho nên lúc nào nội cũng mua cho Ân túi bánh bò đủ màu sắc làm Ân vui mừng ríu rít, chân sáo quấn quýt bên nội không ngừng.

Đa số thời gian Ân chỉ có ở nhà, hoặc đi học, còn không thì lại mượn xe đạp của bác hai mò xuống nhà Thiên giải trí, làm trò giết thời gian. Ít khi thấy Ân giao du với đám trẻ cùng trang lứa trong xóm, càng có thể nói Ân khá là ít bạn bè thân thiết, quanh đi quảnh lại chỉ thấy Ân vui vẻ dành thời gian phụ giúp công việc ở nhà, lúc không phải đi học thì Ân ra sạp ngoài chợ phụ bác hai trông sạp tạp hóa nhỏ. Thỉnh thoảng Ân vừa phải đi học lại ba chân bốn cẳng có mặt ngoài sạp giúp bác một tay, được lúc đông khách phải đến tối mịch hai bác cháu mới về đến nhà.

"Mấy nay đi học sao rồi Ân?" - Bác hai hỏi.

Bình thường Ân không bao giờ kể lể về chuyện đi học của mình. Ân cảm thấy như bản thân đang tạo ra thêm vất vả cho bà nội và bác hai, cho nên Ân chỉ cố gắng tự học, tận dụng mọi thứ mình có để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Ân càng không đua theo chúng bạn học đòi thi đua điểm số, Ân một mực không muốn bà nội, bác hai phải bận tâm thêm chuyện học hành ở trường của mình. Vì thế suốt quãng thời gian đi học từ cấp 1 chưa bao giờ có thầy cô nào phàn nàn Ân khó dạy.

"Dạ, cũng bình thường à bác hai." - Ân đáp.

Thấy Ân đang thu dọn kệ sạp, sắp xếp hàng hóa trên kệ, người thì đầm đìa mồ hôi, trong lòng bác hai cũng có chút chua xót. Bác hai thương Ân vì không được bằng bạn bằng bè, lại sớm chịu cảnh vắt vả, mà được cái lại ngoan ngoãn, không làm phiền lòng ai, đến cả việc đi học cũng phải tự mình chu tất mọi việc. Bác hai thấy tội Ân, ba mẹ bỏ nhau, ai cũng đi biệt tăm không ai về thăm, bác hai thương đem về ở chung với bà nội, thương như con của mình.

"Rồi sách vở gì mua đủ chưa?" - Bác hai dò hỏi.

"Vở thì con mua rồi, còn sách thì con xin mấy anh chị khóa trên dùng lại, khỏi tốn kém." - Ân đáp.

"Thôi cầm chút tiền có cần mua gì thì mua." - Bác hái ở bên cạnh sẵn tay nhét tiền vào túi Ân.

Ân tính móc ra trả lại, liền bị bác hai cản.

"Bác hai cho thì lấy đi, để dành mài xài." - Bác hai nằng nặc bắt Ân bỏ túi.

Ân lấy lòng e ngại, thấy bác hai đầu tắt mặc tối, làm lụng vất vả, còn phải chăm sóc cho bà nội, chưa từng thấy bác hai nghĩ đến hạnh phúc riêng cho mình. Ân thật sự không nỡ dùng tiền bác hai một cách phung phí.

Thấy Ân trầm ngâm, tay nắm chặt túi quần, bác hai biết Ân có chút suy tư, dù sao Ân cũng là đứa hiểu chuyện. Có điều bác hai không muốn ở tuổi của Ân lại phải lo lắng quá nhiều, làm nét trẻ thơ trên gương mặt Ân khác lạ hơn những đứa trẻ khác. Trong đôi mắt Ân luôn lộ vẻ buồn rầu, dù vẫn thường thấy khóe miệng Ân tươi cười tinh nghịch. Có lần vô tình bác hai còn ngó thấy Ân ngồi thơ thẫn ngoài sân, ngó trời ngó mấy, nhìn xa xăm vô định, nhưng chẳng buồn mà nói, cũng không ai dám khơi lại điều ai cũng biết Ân đang nghĩ, đặc biệt là bà nội. Chẳng ai muốn rơi vào hoàn cảnh khốn cùng nào cả, nhưng đôi khi hạnh phúc cần phải chờ đợi thời điểm thích hợp.

"Tựu trường năm nay có nhiều bạn mới không Ân?" - Bác hai hỏi han.

Trong đầu Ân bắt đầu lục lại ký ức vừa mới đây thôi: "Dạ cũng có nhiều bạn mới."

Ân nhẩm lại một số cái tên, hình dung kèm theo gương mặt xem xem có phải cùng một người. Ngoài những bạn cùng tổ, bạn học cùng bàn... Ân đặc biệt nhớ đến Phúc, tiểu đội trưởng đội 6, người tận hai lần giúp đỡ Ân trong một ngày, Ân vỏn vẹn chỉ có một lần đáp lại. Vậy có nghĩa là Ân còn nợ Phúc một lần ân huệ. Nhớ không lầm thì Phúc ngồi cách Ân tận hai dãy bàn, Ân ngồi bàn ba sát vách trong cùng lớp, bàn ba từ trên đếm xuống. Còn Phúc thì ngồi sát vách lối ra vào lớp, bàn thứ hai từ dưới đếm lên. Ân cũng không biết tại sao lại nhớ rõ nét đến vậy, dù Thiên đại loại ngồi đâu đó giữa lớp Ân cũng không màng đến.

Sáng nay có tiết học bồi dưỡng, Ân thức dậy từ sớm, chuẩn bị tươm tất trong ngoài, mua đồ ăn sáng cho bà nội rồi thưa: "Thưa bà nội con đi học."

Bà nội chuẩn lòn tay vào túi tính cho Ân tiền ăn sáng, chưa kịp gọi tên thì Ân đã khuất bóng ngoài cửa. Bà nội chỉ còn biết nhìn theo đứa cháu nhỏ dạy.

Ân luôn thích tận hưởng những buổi trời sáng mùa thu thế này. Bầu trời sáng bừng từng ngóc ngách, người ngoài phố cũng dần tấp nập. Tiết trời mùa thu làm người ta khoan khoái. Từng vạt mây trên nền trời thu như cây kẹo bông gòn mềm mại Ân thường thấy trước cổng trường, đâu cũng vì mùa thu biết chiều lòng người, biết khơi lên những hoài niệm cũ kỹ, những hồi ức tươi đẹp. Ân không nghĩ mùa thu có chút buồn nào như lời thơ Ân vô từng, có chăng mùa thu gắn liền với ký ức buồn của người viết, nhưng lại hóa mơ mộng trong mắt kẻ mộng mơ. Còn trong mắt Ân mỗi khi mùa thu đến lại mang đến niềm hăng hái, cứ như thể mọi điều tốt đẹp lại bắt đầu từ mua thu.

Đối với Ân, việc mỗi ngày được đến trường lòng luôn ngập tràn niềm vui, dù đôi khi trong một khoảnh khắc nào đó liền ánh trên mắt Ân chút tư lự. Nhiều lúc Ân cũng tự hỏi bến bờ nào chờ đợi cậu ở phía trước, con đường nào Ân cần phải đi. Ân chỉ biết lắc đầu gạt bỏ mọi suy nghĩ, cứ lạc quan mà sống trước đã, mọi chuyện sẽ được an bài.

Từ nhà Ân đi bộ đến trường tầm mười lăm phút. Lúc đi bộ, Ân thường quan sát mọi người xung quanh dọc hai bên vỉa hè, thong dong ngắm nhìn mảnh đất thân thuộc đường đi lối về rồi lòng chợt nghĩ vài năm nữa thôi không biết cậu còn được ở lại đây.

Lúc đi qua khúc cua, ngang qua tiệm cơm tấm nằm ngoài lộ lớn hướng đến trường cấp 3 của Ân, xe từ phía sau lưng Ân liên tục ùa về phía trước, bất giác Ân nhìn thấy dáng người Phúc vừa vượt qua mình. Đúng là tình cờ thật, nhưng mà Ân không có ý định giữa lúc giao thông đang tấp nập thế này lại truy hô Phúc như mình cần sự ưu ái. Ân để Phúc lướt qua cho kịp giờ đến lớp. Còn bình thường thì nếu mà may mắn thì có lẽ Thiên đã đi ngang mà cho Phúc đi nhờ, tuy nhiên Thiên chỉ đến đúng giờ, tuyệt nhiên siêng năng là từ ghép không có trong từ điển của Thiên.

Trước khi vào lớp, Ân sẽ ghé mua bánh mì. Đúng lúc này, Phúc cũng đang đứng nhìn đám học sinh chen nhau mua đồ ăn sáng.

Ân đứng phía sau, dùng ngón trỏ khều khều bã vai Phúc: "Cậu cũng mua bánh mì hả?"

Phúc cảm thấy có giọng nói đứng phía sau lưng, còn gọi cả tên liền quay người lại xem xem là ai: "À, tiểu đội trưởng tổ 5, tớ mua bánh mì ăn sáng, còn cậu?"

Tiểu đổi trưởng tổ 5, Ân vừa nghe tâm tình có chút cách xa, Ân cảm thấy Phúc thật là chẳng có chút để tâm gì đến bạn học cùng lớp: "Ừ, Ân cũng mua bánh mì ăn sáng, mà đông quá!"

Phúc ngó nghiên, cảm thấy sắp đến lượt mình, nên dò hỏi ý Ân: "Tổ 5 muốn ăn gì, sẵn tớ mua giúp luôn cho?"

Tổ 5, thật là không biết Phúc vô tình hay cố ý, nhưng mà Ân lại cho rằng Phúc cố ý kêu như vậy, nghe có vẻ lạ tai, giống như học khác lớp không bằng. Đương nhiên Ân sẽ đồng ý sự giúp đỡ này bằng con mắt không mấy thân thiện cho lắm: "Vậy phiền Phúc mua một ổ bánh mì trứng không cay nha." - Ân nói với theo.

Lúc này, Phúc đã đối mặt với cô chủ quán, bỏ Ân lại phía sau cùng dòng người chen chúc ồ ạt. Thật ra Phúc có nghe loáng thoáng là "trứng", nhưng không chắc có nghe là "cay" hay "không cay" nên đành tạm đoán là "cay": "Cô ơi, bán cho con hai ổ bánh mì trứng cay nha cô!" - Phúc phát ra âm thanh có phần cao hơn giọng nói bình thường.

Sau khi mua bánh mì xong, Phúc còn ghé qua mua thêm hai ly nước mát, sau đó đi lại chỗ Ân đang đứng đợi.

Phúc lon ton chạy về phía Ân ở góc cây gần cổng trường học, cậu đứng trước mặt Ân, một tay giơ cao, hai ổ bánh mì nằm kế nhau liền đung đưa theo nhịp cổ tay Phúc. Sau đó, cậu bắt đầu phân chia khẩu phần ăn cho cả hai, trước tiên là đưa nước, rồi đưa thêm một ổ bánh mì trứng có "cay" cho Ân: "Hay là qua ghế đá ngồi ăn đi, giờ cũng còn sớm!"

Ân chưa kịp trả lời trả vốn, cũng không hiểu cớ vì sao lại mua cả nước cho cậu. Phúc dút câu đã cất bước về băng ghế đá đối diện sân thể dục. Ân không chút ca thán liền đi theo sau.

Phúc ngồi xuống trước, lấy tay vỗ vỗ vào mặt ghế ý bảo Ân ngồi kế bên: "Ngồi ở đây đi tổ 5."

"Mà sau này, cậu cứ gọi Ân thôi. Gọi tiểu đội trưởng tổ 5 nghe thật chói tai." - Ân đáp.

Phúc cười cười: "Ăn nhanh đi, trống đánh bây giờ."

Được Phúc nhắc nhở, Ân cũng tranh thủ thời gian ăn sáng, cậu đặt ly nước kế bên ly nước của Phúc, hai tay giữ thân bánh mì không cho nhiễu nhão. Lúc cắn vào chóp bánh mì, Ân cảm thấy có vị béo của bơ, trứng hòa quyện cùng bánh mì, thật biết tạo cảm giác thèm ăn của Ân. Còn người ngồi cạnh Ân, cũng chẳng kém gì thánh ăn điệu nghệ, rất nhanh đã ăn được một phần hai ổ bánh mì, lại vừa hít hà vừa uống nước. Trong khi phía bên này Ân rất nhã nhặn bón từng mẫu bánh mì vừa vặn, thì đột nhiên, trong khoảnh khắc bánh mì hòa quyện cùng bơ, trứng và các gia vị mặn, ngọt, chua, Ân phát giác có thêm vị "cay" và "the" đang phát ra từ đầu lưỡi dần bị tê liệt. Ân có chút nghi ngờ, liền mở ổ bánh mì trên tay xem ruột bên trong. Ân tá hỏa khi nhìn thấy hàng ớt từng miếng mỏng đỏ rực xếp thành hàng thẳng tấp trên nền trứng trắng tinh khiết.

Ân quay sang Phúc với ánh mắt đỏ lửa, cùng đôi môi đỏ gắt đang khao khát được tưới nước: "Tôi bảo ông mua bánh mì không "cay" cơ mà?"

Dù đang ăn đến những mẫu bánh mì cuối cùng, nhưng Phúc cũng đành dừng lại chốc lát: "Nhưng tôi tưởng đâu ông bảo "cay", tôi còn nhìn thấy ông tròn môi hô "cay" rất tròn trĩnh."

Thì ra lúc ban nãy, trong lúc chen chúc mua đồ ăn sáng cùng với những gương mặt xưng hùng tranh bá khác vì vội vội vàng vàng cộng thêm tiếng ồn ào hối thúc, khi Phúc nhìn lại chỉ thấy khẩu hình miệng tròn trĩnh của Ân, thay vì nghe hết toàn bộ lời nhắn nhủ thì vội kết luận bánh mì "cay", đương nhiên "cay" là phải có ớt.

Nhìn cô bán bánh mì bỏ từng lát "cay" hòa quyện cùng trứng, bơ trong thật đầy đủ chất dinh dưỡng và màu sắc; thâm tâm Phúc không khỏi e ngại liệu có quá nhiều so với sức của một thiếu niên chưa nếm trải hết đắng cay ngọt bùi. Cho nên Phúc có nảy ra ý định mua thêm nước mát bù lại chỉ vì nhìn thao tác nhanh nhảu, thanh thoát của cô, làm Phúc gợi lên chút lo lắng.

Ân không ngừng đưa tay phẩy phẩy khuông miệng của mình, dù thật sự thì không có ích gì cho cam: "Cay quá, cay quá."

Phúc thấy Ân có vẻ không phải là dũng sĩ ăn cay, chỉ còn cách giúp cậu dập "cay" mà thôi: "Tôi không có cố ý, chắc tại tôi nghe không rõ. Ông ngậm cục đá đi cho đỡ."

Từ trên ghế đá, Ân cầm ly nước mát ban nãy, định bụng ăn rồi mới uống mà ngờ đâu tại họa ập đến, Ân một hơi đã hút sạch ruột nước trong ly, sau đó lại cho từng viên đá bi vào miệng làm mát: "Ớt gì không biết mà cay quá trời quá đất."

"Hình như ớt sừng đỏ thì phải." - Phúc đáp.

Ân không thốt lên lời nào nữa, chỉ biết nhìn Phúc nghiến răng, tạo ra âm thanh cắn nước đá trong miệng.

Nhìn khí tiết phát ra từ Ân trong có vẻ không được ổn cho lắm, Phúc nhanh tay cầm hẳn phần bánh mì còn lại được Ân đặt ngay ngắn trên bục ghế, tỉ mỉ lễ từng lát ớt đỏ chói ra ngoài: "Hết ớt rồi nè!"

Đương nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, Ân cũng sẽ không bỏ phí thức ăn bừa bãi. Bà nội có dạy Ân là: "May mắn lắm mới có đồ ăn mà ăn, không phải ai cũng được ăn uống đàng hoàng, đừng có phung phí nha con."

Nhìn phần bánh mì còn lại trên tay Phúc, Ân có chút giận dỗi, chỉ là không nói thành lời mà thôi. Đúng ra lúc đó không nên bỏ ớt, trường hợp thiếu còn có thể bù được đằng này ớt nhiều đến mức chia được cho hai ổ liền vừa ăn.

Thật tình mà xét thấy cũng chẳng phải đỗ lỗi gì cho Phúc, nhưng nhìn Ân trông cứ ngồ ngộ làm người khác buồn cười, môi cứ kiểu dày thêm vài cen-ti-mét.

Vừa ăn nốt mẫu bánh mì còn lại, Ân hồi ức lại câu chuyện có liên quan đến tiểu đội trưởng đội 6. Hai người vừa gặp nhau cách đây không lâu, ấn tượng mơ hồ nhưng mà cảm giác lại chân chân thật thật. Lúc đó Ân cho rằng gương mặt Phúc có vài nét đáng để tin cậy, còn bây giờ liền bị giảm vài phần. Không biết Phúc có ý trêu ghẹo gì Ân hay không. Đến nút bánh mì cũng không còn cảm thấy vị trứng béo ngậy đâu nữa, dư âm "cay" khè cứ đâu đó động lại trên thành lưỡi.

Đến lúc ăn chóp bánh mì cuối cùng, Ân tự hỏi không biết vị béo của trứng, vị thơm của bơ đã biến đi đâu mất. Duy chỉ có Phúc chưa biến mất, cậu vẫn ung dung tận hưởng khí trời khoan khoái; thư thái thưởng thức thứ nước mát ngọt lịm.

"Ông xong chưa." - Phúc hỏi.

"Tôi xong rồi." - Ân đáp.

Hai người đứng dậy, dọn dẹp chỗ mình ngồi. Phúc tranh phần hơn, sẵn tay gom luôn rác cho Ân. Lúc hai người bỏ rác xong, vừa hay tiếng trống báo hiệu vào lớp vang lên.

"Cắc, cắc, cắc ...

Tùng... tùng... tùng."

Tất cả học sinh các khối, từ cổng trường đến đang ở căn-tin ồ ạt chạy về phòng học; lát đát còn vài học sinh ung dung vừa tán dốc vừa đi vào lớp. Tiết học nhanh chóng bắt đầu.

Ân và Phúc đi vào lớp cũng không nói với nhau câu nào cả. Ai về chỗ nấy, cách xa nhau cả hai dãy bàn đặt ở giữa. Trong một khắc nào đó, Ân chợt nhớ ra chưa trả lại tiền bánh mì trứng "cay" và ly nước mát không nhờ mua cho Phúc. Ân liếc nhẹ Phúc một cái, cũng đúng lúc Phúc hướng ánh mắt mình về Ân. Thấy Ân nhìn mình, Phúc nhướng mài liên tục hai cái, Ân quay đầu hướng lên bảng xem như chưa thấy gì.

Giờ ra chơi, Ân đường đường chính chính bước qua lãnh địa của Phúc: "Trả ông tiền ăn sáng lúc nãy."

Phúc chăm chăm nhìn sấp tiền ngay ngắn trước mặt mình, lúc này Phúc đưa tay lấy đi một nữa bằng với giá trị ổ bánh mì trứng "cay": "Tôi lấy lại tiền bánh mì thôi, còn ly nước mát tôi khao ông, coi như đền bù."

Điều Phúc làm đi ngược lại với quy tắc của Ân. Bấy lâu nay Ân luôn tôn thờ quan điểm cho và nhận - "của cho là của nợ", "của nhận là của lo". Dù thật ra Ân không có suy nghĩ ác ý nào cả, nhưng Ân một mực giữ lấy quan điểm của mình: "Thôi, ông nhận đi, tụi mình sòng phẳng."

Nói xong Ân bỏ về chỗ Thiên, gục đầu xuống bàn nghe Thiên vẽ vời chuyện trăng sao, oai oai tự đắc trên thông thiên văn dưới tường địa lý.

"Đúng là đồ xạo ke." - Ân thầm nghĩ.

Phúc cũng không còn cách nào khác, chỉ biết nhìn theo bóng lưng Ân từ bàn của mình. Chốt hạ một câu trong lòng: "Người gì khó hiểu."

Hôm nay lớp của Ân học bồi dưỡng bốn tiết, nhưng mà vì giáo viên bộ môn bận lịch họp đột xuất nên cho cả lớp về sớm. Thiên chớp lấy cơ hội ngàn năm có một, không ngừng bày trò lôi kéo Ân đi chơi cùng mình. Nào là đưa rước tận nơi, mua nước ngọt, bánh con cua... nghe đến bánh con cua Ân liền gật đầu đồng ý.

Lúc Thiên chở Ân qua con lộ mới đang thi công, Thiên bất ngờ rống to: "Phúc...."

Thì ra Thiên bắt gặp Phúc chạy xe phía trước. Từ đạp xe chậm rãi chuyển thành tư thế phi xe, Ân cứ tưởng có cái công tắc điều khiển nào gắn sau lưng Thiên, đùng một cái vận tốc xe đạp hai bánh trở thành động cơ phân khối lớn.

"Ê Phúc, còn sớm đi chơi game chung không?" - Thiên hỏi.

Phúc phỏng chừng chỉ nghe loáng thoáng được vài chữ nhưng lại đoán được đại ý cả câu, trông Thiên cứ như bị hụt hơi do vừa chạy thi tiếp sức ở đâu đó: "Chơi ở đâu?"

"Cũng gần trường thôi, đi chung cho vui!" - Thiên đáp.

Vận tốc hai xe có phần chậm rãi hơn, thoáng thấy Phúc có chút do dự: "Cũng được."

Ân ngồi phía sau, được dịp đánh giá sơ bộ tiểu đội trưởng tổ 6. Nhìn bề ngoài thì có vẻ con ngoan trò giỏi, dù trong ánh mắt có vài phần ương bướng. Trong lớp lại ít phát biểu, lạnh lùng, cũng chưa thấy có gì nổi bật hoặc là còn quá sớm để đánh giá là có gì đó nỗi bật.

"Ê Thiên, bộ mày chơi chung với thằng Phúc hả" - Ân tò mò hỏi.

Thiên đợi lúc vượt mặt Phúc, vươn lên dẫn đường rồi mới đáp lại sự tò mò của Ân: "Hồi cấp 2 học chung trường, ba mẹ nó quen với ba mẹ tao, nhà đối diện con lộ bên đường."

"Mà mày nói xem thằng Phúc là người thế nào?" - Ân hỏi.

"cũng không phải dạng bình thường đâu." Thiên tiếp lời, "lúc trước nó học trường cấp 3 gần nhà, mà ở đó toàn học sinh cá biệt thôi. Nó cũng tụ tập theo mấy đứa đó lo đi chơi tối ngày, không chịu học hành gì cả. Ba mẹ nó sợ nó hư, đợi hết học kỳ 1 năm lớp mười, mới xin chuyển nó lên đây. Mày gọi nó là đại ca là vừa, nó búng tay một cái đàn em nó xếp hàng từ đây ra tới nhà mày. Lúc biết tin tao với nó học chung, ba mẹ nó có nhờ tao làm mật vụ xem chừng nó trên này học hành thế nào. Đôi lúc tao cứ sợ sợ nó phát hiện ra rồi đấm vào mặt tao tù tì mấy cái."

"Vậy mà mày còn rủ nó đi chơi điện tử chung nữa hả?" - Ân gằn giọng.

"Có sao đâu, việc nào ra việc nấy, tao đâu có nhỏ mọn như vậy." - Thiên cười.

Quả thật lời Thiên có chút phóng đại. Ân nghe mười phần thì tin được ba phần, bảy phần còn lại là nói phét. Nhưng mà ngẫm lại Ân thấy, trông Phúc cũng không có dáng vẻ anh chị hơn thua người khác, lần đầu tiên tiếp xúc lại cho Ân cảm giác tin tưởng. Thay vì tin vào lời Thiên nói, Ân đại loại tin vào trực giác của mình hơn, Ân tin vào sự nhạy cảm và con mắt nhìn người của mình lẫn đạo mạo tuấn tú, khí chất hơn người của Phúc. Chứ không phải như Thiên đã nói nhiều lại hay làm trò, càng so sánh Thiên, Ân càng nhận thấy Thiên thật nhiều khuyết điểm, chỉ được cái bụng tốt, thánh thiện gỡ gạt.

Dù sao cũng Ân cũng không đánh giá người khác qua lời nói nghe được, phải tận mắt nhìn nhận và cảm nhận thì mới chân chân thật thật cho ra kết luận. Ân cũng nghĩ thật sự thì không có ai là người hoàn hảo, cũng không ai xấu hoàn toàn. Mỗi người luôn có cho mình lý do để thực hiện hành vi và che dấu bản thân mình, xét cho cùng bản chất tốt đẹp của mỗi người đều là viên ngọc sáng cần được mài dũa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net