Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

hương 4.1

Chị Hòe lấy chồng đột ngột. Và ra đi vội vã. Gần như chị không từ giã ai.

Dĩ nhiên con gái phải theo chồng nhưng cách chị đi như chạy trốn làm tôi thấy có điều gì đó bất nhẫn. Tôi đoán là chị chạy trốn miệng lưỡi người đời.

Người đời thực ra không độc ác gì nhưng cứ thích bình phẩm chuyện thiên hạ, tự xem mình có quyền phán xét mọi thứ, bất chấp những phát ngôn của mình có làm cho người khác tổn thương hay không. Vì vậy, không ác mà thành ác.

Một tuần sau ngày chị Hòe lên xe hoa, ông Cứ hớt tóc dạo thình lình qua đời. Ông sống một mình trên Dốc Sỏi, không vợ không con. Người ta bảo ông say rượu, nửa đêm ra sau hè đi tiểu trong lúc trời mưa rả rích nên bị trúng gió đột quỵ.

Ông Cứ không có thân thích ở thị trấn. Cũng không ai rõ ông từ đâu trôi.

Khi tôi bắt đầu có hiểu biết, đã thấy ông lang thang trên các ngả đường với chiếc thùng gỗ trên tay và vệt trầu trên miệng. Một cái tông đơ, một cái quan tài cất trong nhà, dặn hàng xóm nếu chẳng may ông có bề gì thì lo hậu sự giùm.

Cái chết của ông Cứ vô tình chia đôi thị trấn. Các phụ huỵn mặt mũi rầu rĩ lo lắng vì không biết ngày mai ai sẽ cắt tỉa tóc tai cho bọn trẻ, trong khi lũ con trai nhóc tì nhảy cẫng lên, mặt mày tươi hơn hớn như vừa nhận được quà tết.

Tôi không thuộc đám hội hè đó, vì tôi đã lớn. Đã lâu tôi không còn là đối tượng hù doạ của ông Cứ. Chưa kể chính ông là người đã vớt tôi lên từ dưới Bàu Hà Kiều.

Trước những sự kiện đó, tôi bắt gặp mình buồn vui lẫn lộn. Có lẽ buồn nhiều hơn. Từ bé đến lớn, tôi đã quá quen thuộc gần gũi với những gương mặt chung quanh mình, dù đó là những gương mặt tôi yêu hay là những gương mặt tôi ghét. Nhưng vượt lên trên mọi yêu ghét thông thường, trong sâu thẳm của lòng mình tôi tự nhiên xem những gương mặt đó là một phần của cuộc đời tôi. Là một cái gì đó vô cùng gắn bó. Tất cả đã in dấu trong trí não tôi, đã làm nên cuộc sống tinh thần của một đứa con trai mới lớn. Khi thầy hiệu trưởng trường tiểu học chuyển đi nơi khác, khi anh Thắng cô Sa nhỏ Ngọc và bây giờ đến lượt chị Hòe bỏ vào Sài Gòn, rồi cả ông Cứ chết đi, tôi cảm thấy đời tôi đang dần trở nên trống trải. Có cảm giác những ngày tháng đang trôi qua mặt tôi đang thiếu vắng điều gì. Nó không còn đầy đủ nữa, vì vậy cũng không còn vui tươi như khi tôi còn bé.

Tôi hình dung được một ngày kia nhỏ Thắm bỏ đi luôn thì cuộc sống của tôi sẽ như thế nào. Hẳn lúc đó nó không còn giống như bây giờ. Chắc nó giống thị trấn sau một trận bão lớn, những gì tươi đẹp và bình yên nhất đều bị gió cuốn đi.

Trong rất nhiều ngày tôi cố ép mình đừng nghĩ đến nhỏ Thắm nhưng câu chuyện của nó cứ bám chặt tâm trí tôi, như không phải đó là câu chuyện đến từ bên ngoài mà tự nó âm thầm mọc ra từ một kẽ nứt nào đó dưới lớp võ não khiến ngày nào tôi cũng bắt quả tang mình thở đều trên nỗi giận hơn phiền muộn.

Sau lần ghé nhà tôi để vặn vẹo tra hỏi về chuyện tờ giấy, nhỏ Thắm không gặp tôi thêm lần nào nữa. Hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy nó trên trường, vẫn thấy nó đi lại cười nói nhưng hình ảnh nó trước mắt tôi luôn chập chờn như thế tôi đang nhìn nó qua một màn sương mờ ảo.

Một hôm chú tiểu Khôi hỏi tôi:

- Đăng có muôn biết đứa nào là chồng tương lai của nhỏ Thắm không?

Câu hỏi bất ngờ của chú tiểu khiến tôi ngẩn ra mất mấy giây. Tôi định gật đầu nói muốn nhưng một cơn phẫn nộ bất thần chặn họng tôi lại. Tôi mím môi giọng bất cần:

- Không.

Chú tiểu Khôi nhướn mắt:

- Đăng không muốn biết thật hả?

- Kh...không...ng...- Tôi lặp lại, đã kém quả quyết hơn.

Chú tiểu Khôi mỉm cười:

- Đăng không muốn biết thì thôi.

Tôi không thích nụ cười của chú tiểu Khôi chút xíu nào. Nó giống như là "Thí chủ đừng chọc cười bần tăn nữa". Tôi định phớt tỉnh nhưng sự tò mò trong lòng tôi đã thắng thế.

- Chú biết thằng đó à? - Tôi liếm môi hỏi.

- Tôi không biết. Nhưng muốn điều tra xem nó là ai thì vẫn có cách.

- Dò hỏi xem đứa nào trong lớp có ba từng học ở Huế.

Chú tiểu Khôi làm tôi phục lăn. Tôi nhớ tôi từng kể cho chú nghe ba nhỏ Thắm và bạn của ba nó trước đây trọ chung ở Huế. Theo lời nhỏ Thắm, hồi đó ông nội nó làm thư kí cho một hãng buôn ở An Cựu, đem ba nó theo. Lúc đầu bạn của ba nó ở chỗ khác, về sau chơi thân với nhau ba nó rủ về ở chung nhà. Cái chi tiết cỏn con đó, lúc nghe tôi chẳng để tâm lắm, càng không có ý định khai thác để truy lùng tung tích chồng tương lai của nhỏ Thắm, dù tôi đã ngốn cả đống truyện trinh thám của thầy Vỹ. Chú tiểu Khôi từ bé đến lớn chắc chỉ đọc kinh sách, vậy mà xem ra chú có máu thám tử hơn tôi.

Tôi tặc lưỡi xuýt xoa:

- Chú tài thật đấy! Chuyện vậy mà chú cũng nghĩ ra.

- Không phải tôi - Chú tiểu Khôi thật thà thú nhận - Bạn Phan nghĩ ra đó.

Lại thằng Phan tà đạo". Thằng này thật lắm trò. Nhưng tôi phải công nhận nhờ nó nghĩ ra chuyện viết khẩu hiệu bậy bạ hôm nọ, tôi mới biết nhỏ Thắm chẳng xem tình cảm của tôi ra gì.

Tôi đi tìm gặp Phan, chưa kịp nói gì nó đã hất đầu:

- Mày nghe chú tiểu Khôi trình bày kế hoạch của tao chưa?

- Rôi.

- Vậy là hiểu rồi ha!

- Hiểu cái con khỉ! - Cái kiểu nói như thể luôn luôn đúng của nó khiến tôi nổi điên - Nếu tìm ra được thằng chồng của nhỏ Thắm thì tụi mình làm gì?

Phan ngớ ra:

- Ờ há! Tao cũng chẳng biết!

Nó đưa tay sờ cầm một hồi rồi nhe răng phán một câu khiến tôi méo xệch miệng:

- Hay tụi mình lôi nó ra đập cho một trận!

o O o

Chương 4.2

Rốt cuộc dẫu không biết truy ra thằng nhãi sắp trở thành chồng của nhỏ Thắm để làm gì, tôi, thằng Phan và chú tiểu Khôi vẫn tích cực dò xét.

Hễ tới trường là bọn tôi xáp lại đám bạn trong lớp. Chỉ để hỏi mỗi một câu:

- Ê, hồi xưa ba mày học ở đâu hả mày?

- Học ở trường chứ ở đâu?

- Trường nào?

- Thì trường mình đang học đây nè.

Trong suốt hai ngày, bọn tôi nhận được những câu trả lời có nội dung na ná nhau, do đó chán ngắt như nhau.

Cũng có đứa bực mình.

- Sao mày hỏi vậy? Mày không tin ba tao hồi nhỏ có đi học hả?

Tệ hơn, thằng Định nghiến răng nói như gây gổ:

- Ý mày bảo ba tao thất học phải không?

Sau này tình cờ nghe thằng Trí kể, tôi mới biết ba thằng Định hoá ra chưa từng đến lớp lấy một ngày thật. Ông không biết chữ. Dạo ông còn làm thợ hồ, mỗi khi đám thợ chia nhau tiền công ông luôn phản đối. Ông bảo Tao không biết chữ, tụi mày chia tiền ăn gian làm sao tao biết". Ông bắt phải đổi tất cả ra tờ bạc có mệnh giá thấp nhất, sau đó cả đám ngồi vòng tròn rồi chia đều từng tờ như con bạc chia bài. Chia lòng vòng như vậy cho đến khi hết mớ tiền. Có vậy ông mới yên tâm mình không bị lừa. Chuyện buồn cười của ba thằng Định mãi đến khi thằng Trí nói ra bọn tôi mới biết.

Nhưng bữa đó Định lại tưởng bọn tôi đem ba nó ra chế giễu nên nó gầm gừ rất ghê.

Rút kinh nghiệm, dò hỏi đứa tiếp theo bọn tôi phải đổi mẫu câu:

- Hồi trước ba mày có học ở Huế không?

- Không. Ba tao từ nhỏ đến lớn chưa biết Huế là gì!

Tới ngày thứ ba, thằng Phan kết luận chồng tương lai của nhỏ Thắm không học chung lớp với bọn tôi.

Tôi nhíu mày:

- Chẳng lẽ nó không đi học?

Phan gật gù:

- Có thể nó học các lớp dưới.

Chú tiểu Khôi há hốc miệng:

- Nó ít tuổi hơn nhỏ Thắm à?

- Có sao đâu! - Phan gẩy tay - Biết đâu thằng đó năm nay mới mười hai tuổi. Ông bà chẳng nói gái hơn hai, trai hơn một là gì!

Thấy tôi nhăn mặt, nó nhe răng cười:

- Ờ, mà cũng có thể thằng đó không đi học thật. Hoặc gia đình nó không sống ở thị trấn này. Tôi không biết điều thằng Phan nói đúng được bao nhiêu phần trăm. Nhưng suy đoán bi quan của nó kết thúc luôn sự nghiệp thám tử ngắn ngủi của bọn tôi.

Tôi lại quay về với những ngày lặng lẽ như trước đây. Thời gian này, trời đang đi dần vào tiết lập xuân, những cơn mưa đã ngớt hạt, chuẩn bị tạnh hẳn.

Đám mây xám như pha chì lâu nay vẫn vần vũ trên nóc chùa Giác Nguyên đã chuyển sang màu trắng nõn, giống như ai vừa thả từng chùm bông gòn lên trời. Lũ chim nấp mưa suốt mùa đông dưới các mái ngói và trong các hốc cây lũ lượt kéo ra rủ nhau chơi trò chuyền cành và líu lo thi hót. Bọn học trò thi xong học kỳ một, đang nôn nao chờ tết đến.

Có lần tôi đi tha thẩn vào con suối xóm Trong hi vọng sẽ gặp nhỏ Thắm ở đó như lần trước. Nhưng không có gì giống như tôi nghĩ. Tôi ngồi bên bờ suối gần suốt buổi chiều chẳng thấy nó đâu. Chỉ có vạt cải cuối mùa còn sót vài vệt hoa vàng lốm đốm ven suối ngẩn ngơ nhìn tôi, như thắc mắc thằng nhóc kia là ai, đến đây làm gì nó mà mặt trông âu sầu đến vậy.

Đôi khi tôi vào, hoa đồng tiền và hoa hồng quế dại bén gió xuân nở rộ dọc đường như chào đón tôi nhưng lòng tôi chẳng thấy vui. Vì cũng như lần trước, tôi chẳng gặp được cây chuối non của tôi.

Đôi khi tôi lẩn thẩn tự hỏi không hiểu tại sao một tình bạn thân thiết như tôi và nhỏ Thắm lại tan vỡ dễ dàng như thế. Có phải do có kẻ thứ ba chen vào giữa hai đứa tôi như các mối tình ngang trái trong truyện Quỳnh Dao? Tôi nghĩ rất lâu rồi tôi lắc đầu: Chắc là không phải! Tôi và nhỏ Thắm còn quá nhỏ để có thể là bản sao của các nhân vật trong sách.

Dĩ nhiên tôi biết tôi thích nhỏ Thắm nhiều hơn bất kì một đứa con gái nào khác. Nhưng thích hẳn là khác với yêu. Tôi đọc trong sách, thấy người ta bảo "Thích một người nào đó, ta muốn kết bạn với họ. Còn yêu ta muốn kết hôn".

Tôi chưa bao giờ bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lớn lên sẽ lấy nhỏ Thắm làm vợ mặc dù khi không có nó bên cạnh, tôi cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt.

Chuyện vợ chồng, chỉ nghĩ thôi tôi đã thấy buồn cười. Thấy giống như mình cố nhón chân lên để với tay đánh cắp những thứ người lớn cất trên đầu tủ - những thứ không dành cho trẻ con. Nhưng đó là tâm trạng của tôi, còn nhỏ Thắm nghĩ gì trong đầu làm sao tôi biết được. Bà nội tôi vẫn bảo con gái trưởng thành sớm hơn con trai đó thôi. Hôm ngồi cạnh tôi bên bờ suối xóm Trong, quả là mắt nhỏ Thắm có ươn ướt. Nhưng suốt cuộc trò chuyện, nó chưa lần nào bảo nó ghét cuộc hôn nhân mà ba nó sắp đặt. Ờ, nó chẳng nói gì về chuyện đó hết. Nó chỉ kể cho tôi nghe, rồi khoe mũ khoe áo khoe giày rồi về. Như thể đó là chuyện của người khác. Càng nghĩ tôi càng tức.

Đã thế, chị Hoài cứ vài ba ngày lại hỏi tôi Con Thắm sao rồi em? khiến tôi nhức cả đầu.

Lần gần đây nhất, tôi sầm mặt:

- Nó chết rồi.

- Cái gì? - Chị Hoài sửng sốt.

- Với em thì nó chết rồi.

- Chà, em học cái giọng này của ai vậy?

- Cuộc đời dạy em.

Chị Hoài trố mắt nhìn tôi. Chắc chị tưởng tôi vừa ở nhà thương điên sổng ra. Chị không biết tôi nhiễm lối ăn nói văn vẻ của các nhân vật trong truyện nữ sĩ Đài Loan.

Tôi quan sát nét mặt chị, biết thế nào sau khi hoàn hồn chị cũng sẽ gặng hỏi tôi về chuyện nhỏ Thắm, liền nhanh chân vọt ra khỏi nhà.

o O o

Chương 4.3

Tôi lại xuống nhà nội tôi. Lại chạy qua nhà ông Hoạch.

Chị em nhỏ Lan thấy tôi ghé chơi, mặt bừng lên như thắp nến. Từ ngày tôi không xuống nhà nó, nhỏ Lan cũng ít lên nhà tôi. Làm như tôi không chơi với nó thì ba nội tôi không thèm gửi bánh trái cho chị Hoài:

Nhỏ Phượng hồn nhiên nắm tay tôi:

- Lâu nay sao anh không ghé nhà em?

- Anh bận học bài. - Tôi nói dối.

- Anh đem tập xuống nhà nội anh ngồi học cũng được mà. Rồi khi nào rảnh rỗi anh chạy qua chơi với em.

Tôi đưa mắt nhìn lên cây khế cạnh hàng rào, thấy trái chín không người hái nằm im lìm trong bóng lá giống như đang thiu thiu ngủ. Dưới gốc cây, trái héo rụng đầy trên cỏ khiến lòng tôi bất giác nao nao.

Nhỏ Lan bâng quơ:

- Dạo này có người bận rộn.

Tôi biết nó trách khéo tôi nhưng khi tôi nhìn sang thì nó đỏ mặt bỏ chạy xuống bếp.

Từ hôm đó, tôi thường xuyên đến chơi với chị em nhỏ Lan. Tôi mặc kệ lệnh cấm của nhỏ Thắm.

Nó sắp lấy chồng rồi, có thèm chơi với tôi nữa đâu mà tôi phải nghe lời nó. Tôi đâu có ngu. Tôi biết nhỏ Lan mến tôi. Nhưng mến kiểu gì thì tôi không biết. Ngay cả nhỏ Lan chắc cũng không biết. Nó chỉ biết bẽn lẽn và lặng lẽ nấu chè đãi tôi mỗi khi tôi ghé chơi.

Khác với chị nó, nhỏ Phượng không giấu giếm tình cảm của mình, có lẽ nó không biết cách giấu giếm. Nó rất thích nắm tay tôi. Chỉ để lắc qua lắc lại, chu miệng vòi vĩnh:

- Anh bắt dế cho em chơi đi! Tối qua em nghe có tiếng dế rúc chỗ bụi dâm bụt đằng sau hè nhà em.

- Con gái ai lại chơi đá dế.

- Sao không chơi được! Anh một con em một con bữa nào đá thì xem ai thắng.

Hôm nó nằng nặc:

- Gần tết rồi, anh và em làm hạt dưa đi. Mình làm được. Tết mình khỏi mua.

- Anh đâu có biết cách làm.

- Em biết. Bữa nào anh em mình ra chợ, tới sạp bán dưa hấu xin hạt về làm.

- Em đừng có nằm mơ. - Tôi gặt ngang - Sạp dưa hấu làm gì có hạt. Người ta mua dưa đem về nhà chứ đâu có ai đứng ăn tại chỗ.

- Dễ mà! Mình rình xem ai mua dưa thì mình đi theo.

Tôi nheo mắt:

- Rồi chờ họ ăn xong mình hỏi xin hạt?

- Vậy chứ sao! Dễ mà anh!

Với đầu óc ngây thơ của nhỏ Phượng, trên đời không có chuyện gì khó.

Tôi phì cười:

- Tức là mình phải lẽo đẽo đi theo cả trăm người mới gom được một bịch hạt dưa nhỏ xíu không đủ cho một người ăn?

Càng ngày tôi càng mến tính cách của nhỏ Phượng. Mười ba tuổi rồi mà sao nó không chịu lớn. À không về thể xác thì nó đã ra dáng một thiếu nữ.

Nhưng tâm hồn nó cứ như đứa con gái bé thơ. Nhiều lúc tôi bâng khuâng nhận ra nhỏ Phượng chính là hình ảnh của nhỏ Thắm năm nào. Nhỏ Thắm của thời cùng tôi đi moi đất sét ở mép bàu, cùng rơi xuống nước, cùng được người ta vớt lên và cùng nằm sưởi ấm trong nhà thương như hai con chim non bị rét. Nhỏ Thắm cũng thích cầm tay tôi lắc lắc như nhỏ Phượng, nhiều

khi chỉ để hỏi đi hỏi lại mỗi một câu rồi toét miệng ra cười khi nghe tôi trả lời đúng ý nó.

Lên lớp Chín, chỉ sau một mùa hè. Nhỏ Thắm hòn nhiên nhí nhảnh đó đột ngột biến mất. Cứ như thể cuộc đời đã đánh cắp nhỏ bạn thân thiết của tôi và tráo vào đó một nhỏ Thắm hoàn toàn xa lạ.

Nhưng bây giờ nhỏ Thắm đã trở về với tôi trong hình hài của nhỏ Phượng.

Ý nghĩ đó khiến lòng tôi được an ủi rất nhiều. Tự nhiên tôi mong nhỏ Phượng đừng bao giờ lớn lên. Khi một đứa con gái lớn lên, tính tình đứa con gái sẽthay đổi, nhiều rắc rối sẽ gặp đủ thứ phiền phức. Ờ, đừng bao giờ lớn lên nữa nghe nhỏ Phượng! Tôi nghe tôi nhủ thầm và tự hỏi không biết nhỏ Phượng có nghe được mong ước của tôi không.

Thấy tôi gần như ngày nào cũng lân la ở nhà ông Hoạch, chú tiểu Khôi có vẻ không hài lòng.

Chú không dám nói thẳng với tôi. Chỉ bóng gió:

- Dạo này Đăng siêng xuống chơi nhà bà nội quá há!

Tôi thừa biết chú tiểu Khôi nghĩ gì. Đây không phải là lần đầu chú trách tôi thay lòng đổi dạ".

Tôi nghiêm mặt.

- Nếu chú có bà nội, chú cũng sẽ thường xuyên ghé chơi với bà chú giống như tôi, trừ khi chú không yêu bà.

Chú tiểu Khôi khác thằng Phan.Chú không giỏi mồm mép. Cái kiểu nói như giăng bẫy của tôi làm chú bối rối. Mặc dù biết tôi cố tình lảng tránh đề tài chính nhưng chú không biết phản ứng như thế nào, mặc nghệt ra đến tội.

o O o

Chương 4.4

Nhỏ Thắm dường như cũng biết dạo này tôi hay ghé chơi nhà ông Hoạch.

Nó biết tôi không thèm nghe lời nó. Nhưng nó không chặn đường tôi để khuyến cáo như lần trước. Trên lớp thỉnh thoảng tôi thấy nó đưa mắt nhìn tôi rồi quay sang nhìn nhỏ Lan đầy ngụ ý.

Trong khi nhỏ Thắm quan sát tôi và nhỏ Lan, chú tiểu Khôi âm thầm quan sát cả ba đứa tôi.

- Sao chú và nhỏ Thắm không nói chuyện với nhau nữa? - Có lần không nén được, chú hỏi thẳng.

Tôi hừ mũi:

- Nó có chịu nói trước đâu.

- Đăng là con trai, Đăng phải làm lành trước.

- Làm lành? - Tôi nhếch môi - Chú không nói tiếng Ấn Độ đó chứ? Tại sao tôi phải làm lành khi mà hôm trước chính nó vặn vẹo trách móc điều tra tôi đủ thứ?

Chú tiểu Khôi hạ giọng:

- Ờ thì nhỏ Thắm có lỗi. Nhưng Đăng phải mở miệng trước thì nó mới có cơ hội làm lành với Đăng.

Chú hiến kế:

- Hôm nào Đăng vờ bước lại chỗ nó hỏi mượn tập hay mượn com-pa là nói chuyện được ngay chứ khó gì đâu.

Tôi biết chú tiểu Khôi có ý tốt. Từ hồi lớp Năm, chú đã chơi thân với tôi và nhỏ Thắm. Chú không muốn chứng kiến tình bạn giữa hai đứa tôi đổ vỡ.

Nhưng sáng kiến của chú làm tôi nổi nóng:

- Tôi với nó chơi thân nhau từ hồi nhỏ, tại sao bây giờ tôi phải tìm cách làm quen nó lại từ đầu?

- Ờ...ờ...

Chú tiểu Khôi giống như người bị dồn vào chân tường. Lý lẽ của tôi khiến chú lúng túng. Chú ờ, ờ vài tiếng rồi lảng sang chuyện khác.

- Trưa nay Đăng qua ăn cơm với tôi không?

Tôi sực nhớ hôm nay là ngày rằm. Từ khi ba tôi cất nhà cạnh trường Bồ Đề, cứ đến ngày rằm là tôi chạy qua chùa Giac Nguyên ăn cơm. Nhà chùa những ngày đó rất đông Phật tử đến lễ Phật và làm công quả. Rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và rằm tháng mười, cảnh chùa ngày càng tấp nập hơn nữa, người đi lễ như trẩy hội. Trong khi các thầy giảng pháp ở đằng trước, bà nội tôi cùng vài người khác phụ việc bếp núc nhưng mỗi khi nghe tiếng niệm Phật ở chánh điện vẳng râ từ chiếc loa treo lên cột nhà, bà tôi và các người khác đều lẩm bẩm niệm theo.

Bữa chay chỉ có chè xôi, rau đậu chấm với nước tương mà sao tôi thấy ngon miệng vô cùng.

Chú tiểu Khôi nhắc làm tôi nuốt nước bọt:

- Qua chứ! Tụi mình leo lên gác chuông ngồi ăn ha?

- Ngày rằm gác chuông thường có người lên xuống, tụi mình không ăn trên đó được đâu.

Tôi gãi gãy:

- Vậy vô phòng chú ngồi ăn!

Phòng của chú tiểu Khôi trưa đó hóa ra không chỉ có tôi và chú. Khi tôi đẩy cửa bước vào đã thấy thằng Phan và nhỏ Thắm ngồi sẵn ở đó rồi.

Tôi hơi khựng lại một chút chỗ ngách cửa vì bất ngờ. Nhác thấy tôi, nhỏ Thắm ngượng ngập quay mặt đi. Chỉ có thằng Phan bô bô:

- Nếu nhà tao gần đây, ngày nào tao cũng chạy qua chùa ăn cơm cho đỡ tốn gạo!

Câu pha trò của Phan giúp bầu không khí tự nhiên hơn một chút. Chỉ một chút thôi. Vì chốc sau đây lại vào đấy.

Cả bọn đều biết tôi đang giận nhỏ Thắm nên câu chuyện quanh mâm cơm đâm ra sượng sùng. Tôi đoán chú tiểu Khôi rủ nhỏ Thắm lên chùa ăn cơm là để giảng hòa hai đứa tôi. Nhưng thiện ý của chú rõ ràng không mang được tôi và nhỏ Thắm ra khỏi những rắc rối của mình.

Bữa trưa hôm đó chúng tôi ăn bằng những chiếc đũa thường chứ không phải những chiếc đũa thần để mà khi chạm vào đĩa rau xào là tôi và nhỏ Thắm có thể lập tức toét miệng ra cười được ngay. Suốt bữa ăn chúng tôi vẫn chuyện trò, vì không thể ngồi nhai trong thinh lặng. Nhưng chỉ có Phan nói với tôi, tôi nói với chú tiểu Khôi, chú tiểu Khôi nói với nhỏ Thắm, nhỏ Thắm nói với Phan. Riêng giữa tôi với nhỏ Thắm không ai nói với ai câu nào. Tất nhiên tôi ghét sự im lặng giữa tôi và nhỏ Thắm. Nó kéo dài quá lâu đến nỗi bây giờ trò chuyện với nhau cũng trở nên khó khăn. Nó dựng lên giữa tôi và nhỏ Thắm một bức tường vô hình, còn khó phá vỡ gấp trăm lần bức tường xây bằng gạch đá. Hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy nhỏ Thắm trên lớp nhưng có cảm giác đã lâu hai đứa không gặp nhau. Ngay cả bây giờ, ngồi cách nhau một mâm cơm mà tôi tưởng hai đứa đang ngồi ở hai bờ đại dương và tôi vô cùng đau lòng nhận ra tình bạn gắn bó ngày nào đã thành lỏng lẻo mất rồi.

Ý nghĩ đó khiến tôi không nhai nổi cơm. Tôi buông đũa đúng dậy, giả vờ đi toa lét và lặng lẽ bỏ về nhà.

o O o

Chương 4.5

Ghé chùa Giác Nguyên ăn cơm, nhỏ Thắm mặc váy xanh, đội nón xanh.

Tôi nhận thấy điều đó ngay từ khi đặt chân vào phòng chú tiểu Khôi và tôi không thể dối lòng rằng tôi không cảm động. Thằng Phan và chú tiểu Khôi dĩ nhiên không biết màu xanh kia có ý nghĩa gì, chỉ nghĩ đó là sở thích thông thường. Chỉ có tôi biết nhỏ Thắm muốn biến thành cây chuối non trong mắt tôi, vì nó luôn tin rằng màu xanh lá cây là màu tôi thích nhất.

Tôi nhớ hồi học lớp Năm, một hôm trời vừa bảnh mắt nó đã chạy lên nhà tôi kêu ầm ĩ:

- Đăng ơi, Đăng! Dậy đi học!

Thấy tôi mở cửa sổ ngó ra, nó lật đật chum chân khoe:

- Đăng có thấy gì đây không?

- Ra là mày có giày mới?

- Giày mới của mình

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#teenfic