3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lý Tương Hách năm vừa tròn 20 tuổi đỗ Thám Hoa. Ngày Lý Thám Hoa đứng giữa đại điện hành lễ bái kiến Hoàng Thượng đã vô tình lọt vào mắt của con trai Trịnh Thượng thư, người mà khi đó đã là Võ quan ngũ phẩm. Trịnh Chí Huân năm đó thân mặc hắc y, tóc cài bạch ngọc oai oai phong phong giữa triều vừa là niềm hãnh diện của Trịnh Thượng thư lại vừa là tâm phúc của Hoàng Thượng.

Thế nhưng thuận mắt nhìn người là một chuyện, còn đời này quan lộ lại chẳng có nhau. Với Lý Thám Hoa mà nói đường làm quan vô cùng tăm tối chỉ bởi vì là người quá ngay thẳng, mấy chuyện luồn cúi tự khắc nhìn không quen lại càng không thể làm. Thám hoa rời quan trường chuyển ra sống ở một gia trang nhỏ ngoài thành trở thành thương buôn ngày ngày hiếu kính với lão mẫu thân. Trịnh Tướng quân lại mải mê chuyện thao trường, điều binh khiển tướng nên rồi cũng dần mang cất đi chuyện thân tâm đã từng rộn ràng vì một người.

Nhiều năm sau đó khi Lý Tương Hách đã trở thành thương buôn lụa có tiếng ở Cửa Nam kinh thành thì Trịnh Chí Huân cũng đã là Tướng quân Tam phẩm. Cả hai gặp lại nhau ở Tây Vực trong một tình huống tệ đến chẳng ai ngờ.

Trịnh Tướng quân trọng thương giữa đêm tối chạy vào lều của đội buôn lụa Lý gia nương náu rồi ngất luôn ở đấy mấy ngày. Sau khi cho đội buôn quay về trước, Lý Tương Hách mấy ngày đó đều là một mình tự tay chăm sóc cho Trịnh tướng quân. Đợi đến lúc tướng quân tỉnh dậy, Lý Tương Hách lại chăm sóc người cho đến khi Tướng quân tay nâng được thương, chân tấn thành bộ mới chịu buông người ra.

Năm đó trước khi chia tay nhau để một người quay về sa trường đánh cho giặc cỏ một trận tan tác, người hồi kinh lo chuyện buôn bán của bản thân. Tướng quân đã nhớ ra người trước mắt là người mà mình từng mơ tưởng giữa sân triều năm cũ.

Chỉ là, "lòng ta tơ tưởng có chắc đâu người cũng mộng về ta", nên rồi vẫn giấu riêng trong lòng.

Chỉ là vào phút biệt ly buột miệng, Tướng Quân nói một câu không biết mấy phần là đùa, mấy phần là thật.

"Ơn cứu mạng đợi khi ta thắng trận trở về sẽ tìm ngươi báo đáp."

"Tướng quân định báo đáp thế nào?"

"Lấy thân báo đáp."

"Được! Người dám gả, ta dám cưới!"

"Nhất định."

Lý Tương Hách năm đó có lẽ chỉ tưởng đó là một câu đùa. Trịnh Tướng quân lại tâm tâm niệm niệm toàn thắng hồi kinh. Vậy là người lại xa người thêm nửa năm. Đoạn tình khi đó dường như chỉ có một bên nắm giữ thì phải?

Ngày có tin Trịnh Tướng quân đại thắng Tây Vực hồi kinh nhận sắc phong, người trong thành xếp hàng dài chờ đợi từ ngoài thành đợi đến tận cổng Cấm Cung. Biết đâu chừng trong đám đông đó cũng có thương buôn Lý Tương Hách. Chỉ là đợi từ giờ Mão đến quá giờ Ngọ, đợi tận đến giờ Thân vẫn không thấy đoàn người của Tướng quân vào thành.

Có người nói, Tướng quân hồi kinh bằng đường khác. Người vào từ cổng Nam không đi lối Đông chính môn.

Lý Tương Hách thở dài, biết vậy ở yên trong gia trang thì chắc đã nhìn thấy Tướng quân cưỡi chiến mã, tay cầm thương oai phong, lẫm liệt ngang qua cửa nhà.

Có người lại nói, Tướng quân không quay về. Mọi cửa vào thành đều vắng lặng vô cùng.

Lý Tương Hách từ con đường dẫn vào cung quay về Cửa Nam đã tự cười bản thân.

"Người ta là Tam phẩm Tướng Quân thật sự nghĩ người ta sẽ tìm ngươi báo đáp sao? Ngu ngốc!"

Lại thêm hai năm trôi qua, Lý thương ngày càng bận rộn với những chuyến đi của mình mặc định rằng chuyện Tướng quân năm xưa chỉ còn là hồi ức. Bản thân cũng tự gõ đầu mấy lần cố quên đi câu nói nửa thật nửa đùa ở Tây Vực. Chỉ là mãi không quên được mùi Cửu Ly Hương phảng phất trên người Trịnh Tướng quân ngày đó. Cuối cùng vô thức mà thành tương tư, khắp gia trang chỉ trồng mỗi Cửu ly hương mà thôi. Cửu ly hương lại trớ trêu, mỗi khi đêm xuống là quẩn quanh bên cạnh Lý Tương Hách, hương gây mùi nhớ.

Đến một ngày Lý Tương Hách cùng đội buôn quay về nhà sau mấy tháng ròng rã đã thấy toàn bộ gia sản của bản thân nằm trong tay kẻ khác. Lý lão phu nhân vì thương người, tin người cuối cùng là bị người ta lừa mất hết mọi thứ, mất cả gia trang, lại tự tay tặng thêm cho con trai một chồng cáo nợ. Bà phẫn uất đến độ phát bệnh rồi qua đời không lâu sau đó để lại mỗi Lý Tương Hách thay áo lụa bằng áo vải, cơ cực sống trong tạp viện cũ nát. Cái tạp viện mà ngày gió thì như không vách, ngày mưa lại như không mái, đông thì hạt tuyết hạ tận chân giường. Nhưng ngay cửa vẫn cố chấp trồng một cây Cửu ly hương. Cửu ly hương ở tạp viện không quấn quýt Lý Tương Hách nữa, họa hoằng mới nở được vài hoa dưới trăng mờ, hương nhàn nhạt.

Bấy giờ, chuyện Trịnh tướng quân cũng chỉ còn là hạt bụi vương bên tóc mai của người mà thôi. Muốn phủi nhưng lòng có chút không đành, tay cũng không nỡ. Có lẽ, những lúc tận cùng như thế này, người ta luôn cần có thứ gì đó hoàn mỹ để bấu víu dù có là xa vời, ảo mộng, như Lý Tương Hách đang bám riết mùi Cửu ly hương trên giáp tướng quân.

Tháng ba hoa lê nở trắng xóa. Gió lay khiến cánh hoa rơi lả tả như mưa sa bảo đẹp thì không có lời nào kể hết. Bảo buồn thì buồn cũng dày đến mấy lớp trong tâm can. Huống gì, nơi tạp viện xập xệ đó trông ra biết bao phần man mác.

Lý Tương Hách kéo chiếc xe gỗ cũ xộc xệch bên trên chất đầy mấy bao lúa vào thành mang cánh hoa lê vương trên vai áo. Người cơ cực chứ nụ cười vẫn rực rỡ lắm. Hết kệ nệ vác mấy bao lúa vào cửa tiệm cho người ta, lại khuân ra mấy bao gạo lớn chắc là sắp mang đến cho nhà quan nhân nào đó. Lưng oằn cong xuống, chân lại rất đều, tay cầm lấy khăn đang vắt qua cổ mà lau mồ hôi trên trán, đôi mắt cong cong theo điệu cười giòn vang lọt vào mắt một kẻ đang trốn sau tấm rèm che ở gác cao.

Sớm đã đến tiết Thanh Minh, Lý Tương Hách xách một giỏ đan đơn giản. Bên trong có con gà luộc cùng ít nhang đèn đến viếng mộ Lý lão phu nhân. Bất ngờ thay đã thấy có nhóm người nhỏ đến đó từ bao giờ thay nhau dọn dẹp, quét tước. Lại có gia nô kéo đến từng tảng đá lớn, họ thay nhau đục đẽo. Ngạc nhiên chưa hết Vương bà bà đã đến vỗ vai Lý Tương Hách.

"Ân sủng nhà họ Trịnh nên biết thân mà nhận lấy."

Vương bà bà cũng không đợi thêm. Bà lôi Lý Tương Hách trong đầu chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra một mạch quay về tạp viện rồi ở đó tự tay rót cho mình một chung trà nguội nhăn nhó uống vào sắc thái chê bai.

Nuốt trà nhạt rồi thở một hơi dài, Vương bà bà cầm khăn lụa kiểu cách lau mồ hôi trên trán rồi mới cất cái giọng có chút chua ngoa của mình lên mà nói.

"Nhà họ Trịnh tự nguyện cải mộ phần cho mẹ cậu. Lại sẽ đồng ý thay cậu trả hết khoản nợ lớn kia."

Lý Tương Hách ngơ ngác, ở đời đâu ra người tốt thế cơ chứ?

"Nhưng... tại sao?"

"Họ cần người chịu gả vào cửa."

"Nhà tôi đơn độc. Không có đại tỷ lại cũng không có tiểu muội thì lấy đâu ra người để gả vào nhà họ cơ chứ?"

"Người họ điểm là cậu.'

"Bà có nhầm không? Tôi là nam nhân có cưới không có gả."

Vương bà bà lại tự tiện rót một chung trà nguội mà uống.

"Đến trà cũng nhạt nhẽo."

"Để tôi đi nấu nước."

Vương bà bà xua tay, "Thôi đi".

"Ta nói cho cậu nghe, cái vị kia nhà họ kỳ kỳ quái quái chẳng đoán được. Ta được giao nhiệm vụ mối mai thì làm đúng trách nhiệm mà thôi. Nhà họ chỉ cậu thì tôi tìm cậu, bản thân cũng không dám hỏi nhiều. Tóm lại, ta vẫn muốn yên ổn mà làm ăn."

"Tôi hiểu. Nhưng phiền bà chuyển lời giúp nói tôi không chấp nhận."

Vương bà bà lúc nghe đến đây cũng rất nhanh nhẹn mà gật đầu đồng ý với Lý Tương Hách. Nhanh chóng rời khỏi tạp viện mà đi mất. Cũng đúng mà, suốt cả đời làm cái nghề mai mối này, chuyện bị xua đuổi cũng là lẽ thường nhưng chưa lần nào bà bỏ cuộc nhanh vậy. Chỉ là vì lần này người được định làm tân nương lại là nam nhân. Có chút ghê sợ. Đời bà chưa kinh qua bao giờ.

Vậy nhưng cũng chẳng được mấy hôm. Vương bà bà lại ghé đến tạp viện vào một buổi chiều muộn. Hôm ấy Lý Tương Hách vừa về đến tạp viện, người còn ướt mồ hôi đang hì hục nhóm bếp nấu chút cháo lót dạ thì Vương bà bà đặt lên chiếc bàn ọp ẹp một làn thức ăn thơm nóng.

"Nhà họ Trịnh bảo ta mang đến. Nợ họ trả xong rồi. Cậu gả hay không gả thì tùy."

"Đây chẳng phải là ép người sao?"

"Không ép. Chỉ là mộ phần Lý lão phu nhân đã sắp xong. Bên ngoài dựng bằng đá kiên cố. Nợ cũng đã giải quyết. Còn lại cậu tự định. Không gả họ cũng không đòi lại."

Không không có người thay mình xây mộ cho mẫu thân lại thay mình trả nợ rồi bảo mình đừng để ý đến thì chỉ có người lòng dạ tham lam, toan tính thấy lợi cho thân mới có thể chấp nhận dễ dàng chứ với Lý Tương Hách thì không. Người nhà họ Trịnh quả nhiên hiểu rõ tính khí này của Lý Tương Hách nên thẳng một đường theo cách này mà lấn tới, một phen cùng nhau chơi bài ngửa. Rốt cuộc, vẫn là người ngay thẳng thua.

Thân cũng tự nghĩ chuyện này vốn cũng chẳng tốt lành gì. Mang tiếng làm hỷ sự chứ biết đâu lại là bán thân vào làm lao dịch mà thôi. Nhưng thời khắc này có muốn chối cũng không chối được. Lý Tương Hách bị động rồi. Không có gì để trả cho nhà họ Trịnh thì trả bằng thân vậy. Ít nhất cũng thấy bản thân đã hiếu kính với mẫu thân quá cố, an ủi bà suốt mấy năm rồi oan ức dưới mộ đất đơn sơ. Lý Tương Hách đã dỗ dành mình như thế.

"Chừng nào sang đón người?"

Vương bà bà nghe Lý Tương Hách hỏi thế thì biết người trước mắt ít nhất cũng đã miễn cưỡng thuận lòng. Bà xuề xòa.

"Ba hôm nữa. Trời vừa tối thì liền đến đón tân nương."

"Buổi tối?"

Vương bà bà gật đầu rồi đi mất để lại Lý Tương Hách đứng giữa tạp viện cũ nát cùng chiếc làn đầy các món ăn thượng hạng hoàn toàn đối lập mà tự hỏi bản thân, "lẽ nào là minh hôn như chuyện người ta hay kể?"

--

Hỷ phục đỏ thêu loan phụng được gấp gọn, đôi giày đỏ mũi giày thêu đóa mẫu đơn lớn, phượng quan được trang trí cầu kỳ bằng cườm và ngọc trai, đôi mắt chim phượng trên mão được đính hai viên hồng ngọc, tất cả được đặt trên những mâm gỗ đào sáng bóng. Nhìn qua một lượt Lý Tương Hách biết bao nhiêu đó thôi thì cũng đủ để tính bằng lượng vàng rồi chứ đừng nói đến sinh lễ, chiêu đãi. Chỉ mất có ba ngày nhà họ Trịnh đã chuẩn bị được ngần ấy món đồ đắt đỏ. Ngược lại, ở hoàn cảnh này có làm cả đời Lý Tương Hách cũng không đủ tiền sắm một phần tư lễ nghi. Lòng có chút tủi thân.

Vương bà bà tay gõ lên bàn lộc cộc lôi đôi mắt đang dán trên phượng quan lấp lánh kia quay về thực tại nơi tạp viện vương bụi.

"Người hầu, kiệu lớn, nhạc đoàn lại cả hồi môn đều đã ở trước ngõ. Mau thay y phục còn kịp về phủ đúng giờ đã định."

Lý Tương Hách kể từ ngày mẫu thân qua đời đến hiện tại, lâu lắm bản thân mới cảm thấy trong lòng uất ức đến như thế. Thân vốn là nam tử hán cuối cùng lại phải xỏ tay vào giá y loan phượng, đội mão tân nương. Đôi mắt liền ngấn lệ.

Trường bào này, giày cưới này, mọi thứ là người ta mang đến mà lại như được chính tài phùng sư có tiếng nhất thành may riêng cho Lý Tương Hách. Hồng y mặc lên người vừa khéo không thiếu cũng chẳng thừa. Vương bà bà thay lão phu nhân chải lại tóc cho tân nương trước khi về nhà chồng. Bà chia tóc thành hai phần, một nửa vấn thành búi nhỏ, một nửa buông dài đến ngang lưng. Tóc nam nhân chưa từng thả dài như thế. Lý Tương Hách nhìn mình qua gương đồng nghe có chút ngậm ngùi và chua xót.

Phượng quan đặt lên đầu. Vương bà bà cẩn thận chạm đến vài lần đảm bảo mão vừa với khuôn mặt nhỏ của tân nương, lại muốn chắc chắn mão không quá chật mà khiến tân nương đau đầu. Sau đó lại dùng chiếc lược bằng ngà voi mang từ Trịnh phủ sang mà chải tóc tân nương. Lược ngà đi từ phần tóc lộ ra dưới phượng quan chải dài đến ngọn, vừa chải vừa ngân nga bài đồng dao quen thuộc:

"Một chải, chải đến đuôi.

Hai chải răng long đầu bạc.
Ba chải con cháu..."

Vương bà bà đột nhiên bỏ lửng câu hát. Bà đưa mắt nhìn tân nương cũng đang nhìn bà qua gương. Vương bà bà thở dài, lắc đầu, khiên cưỡng hoàn thành.

"... con cháu đầy đàn."

Lược vừa buông xuống, Vương bà bà lại mang đến trước mặt Lý tân nương một chén chè trôi nước bảo người ăn lấy một viên. Lý Tương Hách thuận tình nghe theo, múc lấy một viên cho vào miệng. Bột gạo vừa mềm vừa dẻo có vị ngon ngót của nước đường bên ngoài lại rất thơm vị gừng. Cắn vào bên trong là viên đường nhỏ. Độ ngọt lan tràn trong khuôn miệng khiến Lý Tương Hách có chút nhăn mặt. Vương bà là lại gần như đã quá quen với việc này, bà nhanh nhảu, "bánh trôi nhân đường, hôn sự tương lai ngọt ngào, suôn sẻ."

Thế nhưng cũng rất nhanh, Vương bà bà quay đi không nhìn tân nương nữa. Lý Tương Hách cũng hoàn toàn né tránh ánh mắt của bà lúc này. Cái gì gọi là ngọt ngào, suôn sẻ?

Vương bà bà cầm lấy khăn che giũ xuống một cái vừa định đội lên cho tân nương thì liền dừng lại. Bà xoay tròn tìm kiếm thứ gì đó. Trong đời làm nghề mối mai của bà, đây là đám mà bà vất vả nhất từ lúc nhận đến lúc đưa tân nương về nhà chồng. Bởi lời của của người Thượng thư phủ truyền ra bà không dám không tuân, nhận rồi mới biết tân nương được định là nam nhân. Khó khăn muôn phần. Đến cả lúc đến rước vì để giấu kín thân phận tân nương chỉ có mỗi bà được vào trong tạp viện, đám người theo cùng phải đứng tít ngoài lộ nhỏ. Một mình bà với tân nương xoay vòng, lóng ngóng, bỡ ngỡ lại có thêm vụng về, non nớt.

"Cuối cùng cũng tìm thấy."

Vương bà bà cầm lấy chiếc khăn tay lụa đỏ đưa cho Lý Tương Hách bảo cầm lấy. Lý Tương Hách lắc đầu nguầy nguậy.

"Nam nhân không cầm khăn tay."

Vương bà bà thở dài, "Không tô móng cũng không cầm khăn là muốn tôi mất mạng có phải không?"

Lý Tương Hách bùi ngùi, "Tôi cũng đã nhận lời gả vào Trịnh phủ bà còn lo gì? Chỉ là cái chuyện yểu điệu này... tôi không làm được."

Vương bà bà hết cách, lách người nhìn ra ngoài trời. Bên ngoài mặt trời đã lặn hẳn mà trăng còn non lắm nên chung quanh chỉ thấy mịt mờ rồi tự an ủi bản thân rằng tối thế này chắc chẳng ai nhận ra tân nương này là nam nhân mà thành, lại là nam nhân rất thanh tú. Cũng phải thôi, dẫu gì người ta cũng đã từng là con nhà gia giáo, từng đỗ Thám hoa, cũng từng là thương lái có tiếng, lại cũng đã từng rất giàu sang cơ mà.

"Khởi điệu!"

Kiệu sáu người khiêng mang tân nương dưới bóng trăng non rời khỏi tạp viện cũ kỹ. Ngọn đèn trong tạp viện còn đang đốt dở chẳng mấy chốc bị gió làm tắt ngóm. Tân nương trên kiệu liệu ân ân ái ái có sớm tàn như tim đèn kia?


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net