p3 - tu mot tiet day tuy hung - mot mua he dang nho

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ một tiết dạy tùy hứng

(Kính tặng thầy Vũ Văn Tản với lòng biết ơn sâu sắc)

TT - Năm lớp 7, tôi học văn do thầy Vũ Văn Tản dạy. Thời đó, ở quê tôi (Tiền Giang) một số giáo viên có bằng tú tài 2 là dạy lớp 6, 7. Thầy Tản lúc ấy hình như đang là sinh viên văn khoa. Chất tài tử của thầy bộc lộ rõ ở những tiết dạy phóng khoáng, không gò bó theo chương trình khiến học sinh rất thích.

Giảng bài xong, thầy ngâm thơ cho chúng tôi nghe. Thầy còn cho chép những bài thơ hay của Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, T.T.K.H.... Thầy truyền kiến thức cho chúng tôi với niềm say mê vô hạn. Tôi thuộc lòng những bài thơ thầy cho chép, còn sưu tầm thêm thơ hay trong VN thi nhân tiền chiến, chép vào quyển sổ riêng. Tôi bắt chước thầy ngâm thơ.

Giọng tôi trầm, buồn, được khen là có tâm hồn nên ngâm thơ có phần truyền cảm. Khi dạy học những năm đầu mới ra trường, tôi cũng có ngâm thơ cho học sinh nghe. Dạy bài thơ Nghe em vào đại học của nhà thơ Giang Nam, tôi ngâm một đoạn trước khi giảng.

Tuần sau, khi kiểm tra bài cũ, một học sinh nữ xin trả bài bằng cách ngâm thơ. Sau khi ngâm xong, em làm động tác cúi chào như một nghệ sĩ. Cả lớp cười rần và vỗ tay nhiệt liệt. Tiết học bắt đầu trong sự vui vẻ của cô giáo và sự thích thú của học sinh. Tuy nhiên, tôi chỉ ngâm thơ được trong năm học ấy (1976).

Từ đó về sau, không có phút giây nào rảnh để thầy trò có thể thư giãn đôi chút. Chương trình mới quá nhiều bài, bài dài không kịp giảng trong 45 phút, rồi hội giảng, dự giờ, thanh tra... không ai dám thoát ly giáo án dù chỉ là năm mười phút. Những giờ dạy văn mất đi sự thoải mái, thong thả xưa kia.

Tôi còn nhớ, nhờ một lần thầy Tản dạy tùy hứng không theo chương trình quy định mà tôi thi đậu vào trường sư phạm. Trong giờ dạy văn lớp 7, không hiểu sao thầy dạy Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự trong khi đúng ra truyện này chỉ được dạy ở chương trình lớp đệ nhị.

Thầy cho chép một đoạn thơ khoảng 20 câu và giảng nhưng chúng tôi không hiểu vì lời thơ cổ xưa khó nhớ. Dĩ nhiên, về nhà nhiều học sinh không học bài vì nghĩ rằng thầy không trả bài. Tuần sau, thầy gọi trả bài, bốn học sinh không thuộc. Thầy gọi tôi, tôi đọc vanh vách hết bài. Đoạn thơ ấy tôi phải học ba buổi chiều mới thuộc. Và tôi được thầy cho điểm tối đa.

Đỗ tú tài 2 xong, không có tiền học tiếp đại học, tôi phải nghỉ. Bạn bè tôi đua nhau lên Sài Gòn học. Riêng tôi lủi thủi ở nhà ra vào sau trước với ba tôi. Nhà không ruộng vườn, các anh chị đã có vợ có chồng ở riêng cả. Mơ ước được vào đại học đối với tôi là quá xa vời, hơn nữa đi học xa thì ba sống với ai? Tuy nghỉ học nhưng lòng tôi luôn nuôi khát vọng cháy bỏng được vào đại học.

May mắn cho tôi, hai năm sau, năm 1972, tỉnh nhà mở trường đại học sư phạm đầu tiên. Một cô bạn cũ cùng học lớp 12 đi hơn 10km xuống nhà cho tôi hay. Tôi hăm hở nộp đơn thi. Từ lúc nộp hồ sơ đến ngày thi chỉ còn 20 ngày. Tôi khẩn trương học ngày học đêm. Tài liệu học thi chỉ là những bài giảng của thầy cô chép trong tập từ lớp 6 đến lớp 12. Tôi học không bỏ sót một bài giảng nào. Tôi chia thời gian để ôn tuần tự từ lớp thấp đến lớp cao.

Khi ôn chương trình lớp 7, đến Truyện Hoa Tiên, dù thầy dạy có một tiết, tôi cũng học kỹ và xem thêm Truyện Hoa Tiên để bổ sung. Không ngờ năm ấy đề thi cho ngay Truyện Hoa Tiên. Tôi đỗ hạng nhì. Quả thật, nếu không được biết qua về Truyện Hoa Tiên ở năm lớp 7 thì chắc chắn tôi không thể nào thi đỗ.

Sau hai năm học đầy khó khăn về tài chính, tôi ra trường trở thành giáo viên dạy văn. Và tôi đã gắn bó với nghề đến khi về hưu.

Tôi luôn cảm ơn thầy tôi - thầy Vũ Văn Tản - với những tiết dạy linh động ngoài giáo án, đã giúp tôi thi đỗ vào sư phạm, có nghề nghiệp ổn định; tôi biết ngâm thơ, biết rung động với những bài thơ hay, tâm hồn thêm phong phú. Tôi nhận ra rằng những kiến thức mà thầy cô truyền thụ cho ta, dù nằm trong hay ngoài chương trình, cũng đều bổ ích cả. Vì thế, tôi luôn ước mong các thầy cô sau này được dạy một chương trình nhẹ nhàng thoải mái, để có thêm những tiết dạy sinh động mà học sinh yêu thích.

NGỌC TÂN (Tiền Giang)

Đừng như nước mắt chảy xuôi

TT - Cố tôi là con gái của ông giáo làng. Ngày cố mười tám, nhan sắc mặn mà lại đảm đang nên nhiều nhà trong vùng tới hỏi cho con. Cố tôi yêu văn thơ rồi yêu luôn người đàn ông nghèo hay chữ thường viết thư cho mình, chấp nhận những ngày tháng khó khăn lênh đênh sông nước sắp tới.

Rồi cố có mang ngoại. Người đàn ông cố tin yêu bảo bỏ đi, cuộc sống rày đây mai đó, chưa có con được. Ông nói sẽ cố kiếm tiền, lên bờ sống, rồi sẽ có thật nhiều con. Cố tôi không chịu. Năn nỉ không chịu. Cự cãi không chịu. Đe dọa cũng không chịu. Nói mãi không được, người đàn ông thay đổi tính tình, trở nên cộc cằn dữ tợn hơn. Ngồi trên ghe ông nhậu rượu, chẻ đôi từng cây diêm cho cố nhúm lò nấu cơm.

Gió sông lồng lộng, nhúm mãi lửa không cháy, ông ngà ngà rượu, lấy mái chèo đập vào đầu cố. Ghe cập bờ, cố ôm con bỏ trốn. Sau đó cố biết thêm người đàn ông bà từng yêu thương nửa chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng lại có sức đánh cá rất khỏe, mấy lời thơ văn ong bướm ngày nào là do ông đổi từng con cá đi thuê người ta viết. Chua chát, cố chỉ nói thế!

Khi ngoại lớn được một chút, có người tới hỏi, vậy là cố đi lấy chồng khác. Người ta không nuôi ngoại, cố đành gửi ngoại cho người bà con.Vì khát khao một gia đình, cần một người đàn ông che chở cho đời mình, hận thù người đàn ông cũ hay vì tất cả lý do đó? Ngoại sau này hỏi, cố chỉ im. Lúc đem con đi cho, cố có khóc như ngày xưa người đàn ông kêu cố bỏ con không?

Từ ngày không có cố, ngoại lại bắt đầu một cuộc sống khác. Họ hàng không nuôi nữa, sáu tuổi ngoại đi ở đợ. Còn bé nên ngoại được giao giữ em, ẵm thằng bé mập xệ cả vai. Người ta ăn xong, ngoại được chén cơm và một con tép. Bê ra góc nhà ngồi ăn, để dành con tép ăn cuối cùng, sẩy tay rớt, con mực chạy tới tha đi mất.

Ngoại ăn cơm không nhưng vẫn kể với tôi là “ngon lắm con à”! Cố tôi một năm tới thăm ngoại một lần, mua cho ngoại hai bộ đồ mới. Ngoại khóc đòi về ở với cố, không cần áo quần mới làm gì. Sau đó cố không ghé lại nữa, chắc cố sợ khó kềm lòng khi thấy ngoại khóc. Chỉ có ngoại chiều chiều ngồi nhìn nhà người ta quây quần, nhớ cố!

Một ngày, ngoại ẵm thằng bé ra ngoài, nhìn con nít hàng xóm chơi đuổi bắt, thế nào đó lại để ngã em. Ngoại bị ăn đòn một trận và không ẵm em nữa mà gánh bánh bèo đi bán. Rồi ngoại gặp và thương ông ngoại, nhưng gia đình ông chê ngoại không có cha mẹ, lại nghèo. Ông đi lấy vợ.

Ngoại sắp làm đám cưới với người khác lại từ hôn để lấy ông ngoại sau khi vợ ông mất. Rồi các dì và mẹ tôi ra đời. Bên ông ngoại nhất quyết không nhận dâu, nhận cháu. Ông ngoại lại yếu, viết báo một thời gian rồi thất nghiệp, ngoại là trụ cột. Nhà nghèo nhưng các dì và cậu tôi đều được ăn no mặc lành, được đến trường. Đi bán có hôm tận 10 giờ tối ngoại mới về, tay cầm một vỏ hộp thuốc lá đựng đầy dế: “Má bắt cho tụi bay chơi”.

Các dì và cậu lớn lên, lập gia đình rồi bỏ ngoại mà đi xa lập nghiệp. Bố tôi đi làm ăn xa, mẹ ở lại với ngoại, rồi lục đục, cái võng duy nhất cho tôi bị ngoại lấy dao băm ra. Tám giờ tối, mẹ pha cho tôi bình nước gạo rồi bế trên tay, xách toàn bộ gia tài là cái giỏ quần áo đi. Bố mẹ tôi mướn được cái chuồng heo bỏ hoang, kê được mỗi cái giường. Tôi nằm trên đó, nước ngập sát mép, lợn cợn rác bẩn.

Rồi ông ngoại mất, ngoại càng trở nên cô độc.

Cố giờ cũng cao tuổi nên bố mẹ tôi rước cố về nuôi. Riêng ngoại, ngoại kêu để ngoại sống một mình. Bố tôi đạp xe ba gác chở xà bần thuê, mẹ tôi bán bánh mì. Cố ở nhà dạy tôi cái này cái nọ cho khôn ra. Được một năm thì các dì bàn bạc và đem cố về bên ngoại. Còn bé, tôi chỉ nghe mẹ cự cãi rằng mẹ không trông vào tiền của cố. Tôi nghe mà không hiểu người lớn đang nói gì, chỉ biết mình lại mất mát điều gì đó thân thuộc lắm.

Ngoại rước cố về nuôi, cho ăn ngày ba bữa đầy đủ, nhưng chưa bao giờ ngoại thôi nhiếc móc cố về chuyện ngày xưa. Cố lẫn rồi. Có những ngày cố xách cái giỏ đệm, ngoắc xích lô, kêu bay chở tao về nhà tao hồi xưa. “Bà già, không có tiền mà đi đâu?!”. Tha thẩn, đi bộ hết buổi trưa khét nắng, cố lại trở về với ngoại.

Có lần tôi thấy, lắc tay mẹ: “Cố kìa mẹ, đón cố về ở với con lại đi”. Mẹ gạt đi, người nào rước đi thì phải có một lời với mẹ. Có những thứ tôi không ngừng thắc mắc, sự phẫn nộ khiến người ta trở nên lạnh lùng và dửng dưng sao? Ngoại, rồi cả mẹ?

Rồi cố cũng mất, ngoại vẫn sống một mình, trở nên độc đoán lại hay nghi kị. Ngoại cứ nghĩ ai cũng đang rình mò gia sản mà ngoại gầy dựng, đôi khi lại nói những điều khiến các con mâu thuẫn nhau. Con cháu ít ra vô nhà ngoại.Tôi giờ lớn, thỉnh thoảng ghé qua ngoại, nhìn một người già vừa sợ lại vừa thương.

Tính tình ngoại thay đổi nhưng sự cô độc hằn lên trong mắt. Trải qua một thời gian dài khó khăn, có được một số tiền trong tay ngoại lo sợ lại mất đi giống ngày xưa sẩy mất con tép. Ngày giỗ cố, thỉnh thoảng tôi thấy ngoại gạt nước mắt, đốt cho cố bộ quần áo.

Điều con người cần cuối cùng vẫn chỉ là tình người, không phải là gì khác. Tôi chỉ mong mình sống, đừng như giọt nước mắt chỉ chảy xuôi. Đừng để một ngày nọ điều mình làm chỉ còn có thể là đốt một bộ quần áo gửi đi cho người đã mất và khóc...

MỘT BẠN ĐỌC 

(đề nghị không nêu tên)

Bỏ cả cuộc đời trong nồi mắm kho

TT - Ba tôi sinh năm Canh Tý. Người ta nói tuổi này sẽ có cuộc sống an nhàn nhưng sao cuộc đời ba chỉ toàn lận đận.

Lúc nhỏ ba sống với ông bà nội vốn là phú nông ở miệt Châu Thành (Long An), nhưng khi ba thi xong tú tài thì gia đình sa sút, ruộng vườn bị người ta chia chác hết. Ba phải lưu lạc lên tận Long Thành ở với người dì, vừa đi làm rẫy vừa học trung cấp đo đạc bản đồ. Học xong, ông trở về làm công chức ở một cơ quan của tỉnh nhà. Má tôi kể lúc ba má cưới nhau, tài sản lớn nhất hai người có là chiếc xe đạp đòn dông và mấy cái quần xà lỏn.

Đến bây giờ xa nhà lên thành phố học ba năm, ăn cơm bụi sinh viên miết nhiều lúc tôi thấy thèm tô mắm kho của ba nấu quá đi thôi. Ở nhà ít khi ba làm thức ăn mà chỉ nấu độc món mắm kho thôi. Mắm kho ba nấu có cái ngọt của đậu bắp, cái dìu dịu của cà tím xen lẫn với một chút đắng của khổ qua, chút cay của ớt sừng trâu...

Hình như trong nồi mắm đang bốc khói thơm lừng, ông bỏ cả cuộc đời mình vô đó. Đó là vị mặn của giọt nước mắt nuốt vội trong lòng khi nhìn người anh từng nuôi mình ăn học lịm dần trên giường bệnh vì không có tiền mua thuốc. Là những đắng cay của cuộc đời công chức “trên đe dưới búa”.

Trong cái thế giới tưởng chừng như êm ả, bạn bè hay đối thủ chỉ trong tích tắc... Một cái giơ tay, vài lời nói gay gắt có thể biến người đồng nghiệp mà mình quý mến trở nên xa lạ. Nhiều khi nhìn mấy người dân quê chầu chực ở cổng cơ quan, nhớ ra người bạn có nhiệm vụ giải quyết công việc cho bà con đang ngồi nhậu ở quán Sông Quê hay Chân Quê gì đó, ba lại thấy nhói ran, rã rời...

Ừ, thì đời làm thằng đàn ông nhiều khi cũng phải mượn thứ nước đó để quên, để vui, để buồn... nhưng làm ơn đừng nhậu luôn nỗi lo của những người dân đã lặn lội mấy chục cây số lên đây kiếm mình như vậy, “Thất đức lắm con ơi!”.

Nhớ năm ấy dành dụm được chút tiền, ba má quyết định xây nhà cho ông bà nội vì căn nhà tranh vách lá của ông bà đã xập xệ lắm rồi. Hỡi ôi! Nhà nội vừa xây xong, chưa kịp vui thì xảy ra chuyện. Ông dượng Sáu không hiểu sao phát bệnh điên, từ quê lên nhà nội dưỡng bệnh nổi cơn giết cô Sáu tôi rồi rượt chém ông nội thương tích đầy mình. Bà nội chứng kiến tất cả mà chỉ biết nằm khóc vì bà bị bán thân bất toại lâu rồi. Một tay ba đưa ông nội đi bệnh viện, tay kia lo chôn cất em mình. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.

Nhiều người nhìn vô cảnh nhà tôi lúc ấy đều lắc đầu thở dài, có lẽ từ việc họ thấy bà nội tôi bị liệt nửa người nằm một chỗ trên giường; thấy ba đứa con của cô Sáu tôi không ai nuôi dạy; thấy ông nội tôi nằm bệnh viện và thấy cả nhà bốn người chúng tôi chen chúc trong căn phòng tập thể 20m2. Má sinh thêm em trai, vì nghỉ làm nhiều quá nên bị cơ quan giảm biên chế, từ đây ba phải gánh vác để nuôi cả nhà. Thương ba vất vả, má xin vô xí nghiệp hạt điều. Làm được vài ngày hai bàn tay má sưng tấy. Ba bắt má nghỉ, một tay ba gánh vác tất cả...

Nhiều lần tôi hỏi ba sao mình có tới hai cô út lận. Ba nhìn tôi như ứa nước mắt, không trả lời. Lớn lên tôi mới biết mình có hai bà nội. Nghe má kể hồi đó ông nội đi trốn lính, xuống tới miệt Bến Tre thì quen bà nội hai rồi lấy nhau, sinh con, rồi dắt nhau về nhà làm bà nội tôi đau buồn đến nỗi ngã xuống nằm bất động cho tới lúc chết. Ba tôi cũng từ đó mang một nỗi hận trong lòng không thể nói ra.

Mỗi lần chở tôi về thăm bà nội, tôi thấy ba ngồi hàng giờ trước giường bà, hai má con giờ chỉ nói chuyện được với nhau bằng mắt. Dù tết năm nào ông cũng đánh xe về tận xứ biển ấy để thăm cô út hai, nhưng tôi để ý hình như chưa lần nào ba cắm nén nhang trên bàn thờ bà nội hai...

Hồi tôi còn nhỏ, có bữa ba đi nhậu xỉn về đuổi hai má con tôi ra khỏi nhà khóa cửa lại. Tôi khóc lớn rồi la làng “cướp, cướp”, hàng xóm đổ tới. Ba mở cửa với gương mặt đỏ gay (không biết vì rượu hay vì xấu hổ). Từ đó ba bỏ rượu, đám tiệc gì cũng xin bình nước trà thay rượu để cụng ly cho khỏi thất lễ với các chú các bác trong bàn.

ĐINH QUANG DUY

Hột vịt lộn của má

TT - Tôi đã bao nhiêu lần định viết ra chuyện về má tôi, định nói thật nhiều với tất cả niềm thương yêu và kính trọng nhưng chắc là không bao giờ đủ. Hôm nay tôi muốn kể về hột vịt lộn của má.

Lúc tôi mới bắt đầu biết đọc, biết viết thì gia đình tôi từ trước đó đã quá nghèo nếu như không muốn nói là thiếu ăn. Ba tôi bị bệnh đau bao tử hành hạ triền miên từ lúc nào tôi chẳng biết nữa. Trước đây ông nguyên là dân quân tự vệ chế độ cũ, không giúp gì nhiều cho kinh tế gia đình, sau ngày giải phóng lại đeo theo bên mình cái ách bệnh tật. Một tay má tôi lo cho bảy anh em chúng tôi ăn học. Má bán gà vịt dạo trong nội thị cách nhà tôi khoảng 6km, hằng ngày má phải cuốc bộ vài chục cây số đi về, vậy mà tôi chưa hề nghe má than thở một lời.

Đến bữa ăn, anh em chúng tôi hết đứa này đến đứa khác chán ăn, bỏ bữa làm reo với má. Bởi thức ăn thường là khoai mì độn cơm (khác với cơm độn khoai mì như những nhà nghèo khác) và một chén mắm kho quẹt hoặc khá hơn thì một chén xì dầu dầm với quả trứng gà hoặc vịt tình cờ đẻ rớt mà má để dành không bán...

Đã vậy chúng tôi còn tranh nhau xin tiền má để được đóng trước các loại tiền từ nhà trường. Những lúc như vậy má thường im lặng nhìn chúng tôi mà rưng rưng... Ăn uống thiếu thốn nên anh em chúng tôi đứa nào cũng ốm nhách và xanh lè, nhưng ơn trời chúng tôi rất ít bệnh tật và ham học. Cứ tối đến, đứa lớn dạy đứa nhỏ học xong mới đến lượt mình học. Những lúc quây quần như vậy tôi thấy ánh mắt má vui lạ thường. Vui, má cũng rưng rưng... Má hay ao ước “ngày mai trúng mánh bán được nhiều gà má sẽ mua mấy lạng thịt kho cho bây ăn”. Nhưng tội nghiệp má tôi, cái “ngày mai” của má quá ít khi xảy ra...

Một buổi tối sau giờ học má kêu tôi xuống bếp khóa trái cửa và xòe ra một hột vịt lộn nóng hổi:

- Má cho con, đừng để mấy anh chị biết.

Tôi như muốn hét lên vì sung sướng, má bụm miệng tôi:

- Con ốm yếu nhất nhà, má bồi dưỡng, con ăn xong rồi hãy lên nhà trên.

Tôi hạnh phúc vì nghĩ mình được má thương nhất nhà! Bẵng đi vài tháng sau, một bữa Cu Ty, em út, chạy lại bàn học của chúng tôi và xòe tay ra khoe một hột vịt lộn!

- Má thương em nhất, vì em ốm yếu nhất nhà!

Mấy anh em nhìn nhau, rồi quay sang nhìn má, má lặng đi rưng rưng:

- Má thương các con hết, thương bằng nhau hết nhưng má không thể mua cùng một lúc bảy quả trứng cho các con được.

Bây giờ chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi xa quê hương lập nghiệp, con cái đề huề ít có dịp gặp nhau nhưng nhắc đến hột vịt lộn của má ai cũng ngậm ngùi nhớ má, nhớ cái thời thơ ấu gian khổ mà nhiều cảm xúc.

LE KINH TAI

Chị dâu tấm lòng như mẹ

TT - Chị dâu tôi năm nay đã 95 tuổi mà vẫn còn minh mẫn. Nhiều người bảo chị ăn ở nhân từ đức độ, nên Trời Phật sẽ cho chị sống tròn trăm tuổi hoặc còn lâu hơn nữa.

Mỗi lần tôi ghé thăm, chị nhắc lại chuyện xưa rồi hai chị em ngồi khóc.

Năm 17 tuổi chị về làm dâu trưởng cha mẹ tôi, mãi đến năm 21 tuổi vẫn chưa có con. Lúc ấy, một tai họa khủng khiếp ập đến nhà chồng. Mẹ đẻ, cha đau, do không tiền thang thuốc, cùng qua đời trong một ngày vào mùa đông năm ấy, bỏ lại đàn con hai gái năm trai, còn thêm ông nội ngoài tám mươi già yếu. Giờ chỉ còn anh chị phải lo gánh vác.

Nhà nghèo, đất ruộng không, trâu bò chẳng có, quanh năm chỉ gặt mướn cấy thuê, mò tôm bắt ốc, nuôi sống cả nhà tám miệng ăn đâu có dễ. Chồng lo bươn chải mưu sinh, chị ở nhà quản lý đàn em nhỏ dại. Bữa cháo bữa rau mà chị không một lời kêu ca, chưa một lần roi vọt, cứ âu yếm nâng niu các em như mẹ hiền.

Mùa đông giá rét thiếu chăn, chị xin bao tời cho các em, tối đút chân vào ngủ cho ấm. Áo quần rách, chị vá víu túm khâu cho các em mặc tạm. Tối nào chị cũng quạt trã lửa để dưới giường sưởi ấm cho ông nội. Nếu sắn khoai không đủ, chị đi bắt ốc mò tôm, bảo các em đi cắt rau đắng về nấu ăn trừ bữa. Có lần đi mua gạo chịu của bà trùm T., do nợ cũ chưa trả nên bà không bán mà còn mắng chửi, chị đành xách mủng về không rồi ngồi khóc.

Khổ nhất là chuyện nuôi đứa em út, năm tháng tuổi phải chịu mồ côi cha lẫn mẹ. Mỗi lần nó thèm sữa khóc la, mấy chị em thay nhau bồng đi xin bú thép từ làng trên đến xóm dưới. Nhưng đâu có dễ gì ngày nào cũng có sữa để xin, chị phải nhai sắn bón cho em ăn tạm. Có lần nửa đêm nó gào khóc dữ dội làm thức giấc cả nhà. Chị đặt nó xuống võng lại bế lên ầu ơ hát ru khàn cả giọng. Ông nội tưởng chị chưa quen nuôi con mọn nên giành bế, nó càng khóc to hơn. Chị khóc, cả nhà cũng khóc theo em.

Đến khi chúng tôi khôn lớn tự bươn chải kiếm sống, anh chị lại tiếp tục nuôi đàn con dại một gái, bốn trai. Con gái đầu của chị độ tuổi trăng tròn biết đỡ đần cho cha mẹ thì bị Tây đi càn bắn chết năm 1952. Chồng chị quá đau buồn nên lâm bệnh nặng rồi cũng qua đời theo con sau ba tháng.

Người chị như điên dại có lúc cũng muốn theo chồng cho trọn đạo, nhưng vành khăn chế trên đầu như nhắc nhủ còn bốn giọt máu của chồng để lại, bỏ côi cút cho ai. Chị phải gạt nước mắt gắng gượng sống để nuôi con. Năm 1954, chúng tôi đi tập kết thì mẹ con chị dìu dắt nhau ra che tạm mái chòi bên cạnh bờ đông sông Hàn, Đà Nẵng. Hằng ngày chị làm thuê, gánh đất, đội than, đội muối để kiếm tiền mua gạo nuôi con. Rồi chị xin vào đội bốc vác bến tàu sông Hàn.

Thân hình gầy gò ốm yếu mà chị phải vác những bao gạo, ximăng trọng lượng nặng hơn mình, lên xuống cầu tàu cả bốn mùa mưa nắng. Có lúc chị mệt hụt hơi muốn té nhào trên cầu, nhưng vì thương các con phải gắng vượt. Đến khi các con biết nhận bánh mì, nhận kem đi bán kiếm tiền giúp mẹ thì chị mới đỡ vất vả một phần.

Nay chị sống với các con cũng còn nghèo nhưng biết giữ đạo lý nên chị cũng được phụng dưỡng ấm no. Mỗi lần nhớ lại chuỗi ngày cơ cực của thời con gái là chị khóc.

Năm ngoái chị bệnh nặng, tưởng không qua khỏi. May mắn sao, chị bình phục được. Tôi muốn qua bài viết này, thay mặt anh chị em tỏ lòng biết ơn chị dâu, người chị đã chăm sóc nuôi dưỡng chúng tôi với tấm lòng từ mẫu.

LÊ THỊ CHÂN (thị xã Hội An, Quảng Nam)

Hai ngôi mộ trong vườn nhà tôi

TT - Gia đình ông nội tôi sinh được bốn người con, ba trai một gái. Cô tôi lấy chồng cũng gần nhà, chú tôi đi làm rồi lấy vợ ở luôn thành phố, chỉ còn bố tôi và bác ở nhà.

Khi lập gia đình, bố tôi được phân một sào đất ở gần nhà nội. Trong khu vườn nhà tôi có hai ngôi mộ của dòng họ P. đã bao năm nằm đấy. Vào các dịp lễ tết chúng tôi thường thắp nén nhang cho các phần mộ trong vườn.

Cuộc sống bao năm vẫn bình yên nếu như không có việc ông M. trong họ tộc đó đi xem bói về và bảo trong họ nếu muốn con cháu ăn nên làm ra thì phải xây dựng hai ngôi mộ thật khang trang, to đẹp. Thế là cả họ đóng góp công sức tiền của, chỉ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net