Hoàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


01/ảnh xưa

Ông nội qua đời vào đúng độ vào đông, gần giáp Tết Nguyên Đán. Mất vì suy tim. Cơ thể già yếu không chịu nổi cái lạnh của gió đông năm này.

Chuyện hậu sự của ông được ba giao hết cả cho tôi. Ba đã bước qua tuổi ngũ tuần, tâm cạn sức kiệt, không thể lo xuể lễ tang của ông nội. Hoặc cũng có thể là vì từ rất lâu về trước, ba trở nên bất hoà với ông.

Di vật của ông nội để lại trong viện dưỡng lão rất đơn giản, vài ba bộ áo Tôn Trung Sơn bạc chỉ sờn vai, áo quần tôi mua cho, vật dụng hàng ngày, và kính lão cùng kính lúp dùng khi đọc sách. Tôi chỉ biết tên của ông là Tăng Tử Phồn, còn như từng học ở đâu, biết quen người nào, cuộc dài nông sâu hay hạn hẹp thì hoàn toàn chẳng rõ. Còn ba tôi, có lẽ cả đời cũng không kể cho tôi hay.

Lúc thu dọn di vật, gấp lại những bộ quần áo đã cũ, tôi bỗng dưng thấy hoài niệm. Nhưng cũng chỉ là chút giây phút thoáng qua, sau đó lại dẹp buồn rầu sang một bên. Khi vuốt phẳng chiếc áo có cái túi sứt chỉ thì lại tình cờ mò thấy cái gì như là giấy cứng. Di ngôn? Là ý nghĩ nảy lên trong đầu tôi khi ấy. Tôi hy vọng ông sẽ để lại chút gì đó, vì bởi tôi biết thứ ấy nhất định là dành cho tôi.

Tôi hiếu kỳ lấy mảnh giấy cứng kia ra, nhưng lại ngoài dự liệu, đấy không phải là di ngôn như đã tưởng. Mà là hai bức ảnh đen trắng ố vàng, trước đó tôi chưa bao giờ thấy qua.

Một bức ảnh chụp một nhóm thanh niên trẻ, hẳn là từ rất rất lâu về trước, trong ảnh có người mặc áo dài có người vận tây trang. Bọn họ cùng đứng trước một cánh cổng, mặt mày rạng rỡ, nhưng đã sớm bị thời gian làm mai một lu mờ. Một bức ảnh khác thì chỉ chụp ba người đàn ông, vận áo sơ mi, miệng cười tươi tắn. Lật ra mặt sau bức ảnh, một hàng chữ đen đen cong cong làm tôi ngạc nhiên vô cùng: "Kẻ chốn góc biển xa xôi, người nơi chân trời cách biệt, sống chẳng hẹn ngày sau tương ngộ, chết chẳng mộng hồn cũ tương phùng." Từng chữ nắn nót thanh mảnh, đích xác là chữ viết của ông nội.

Những người này, là ai?

Ông nội là người lặng lẽ ít lời, khoẻ mạnh dẻo dai, ăn học đến nơi đến chốn, có chữ viết rất đẹp. Bởi vì ba mẹ tôi là công nhân viên chức, nên khi còn bé, đa số thời gian tôi được gửi cho ông nội chăm sóc. Những khi ở bên ông nội, ông thường dạy tôi viết chữ. Ông rất ít nói, lại luôn im lặng, nhưng lúc nào cũng nhìn tôi cười ấm áp... ấn tượng tuổi thơ về ông chỉ có vậy. Và còn cả cái bàn gỗ ghế đá ở dưới tán hoa quế um tùm suốt ngày đưa hương trong mảnh sân vắng.

Lúc học cấp hai, ba tôi làm ăn phất lên, dọn nhà rời quê, tới thành phố lớn. Thời gian sau đó, tôi không mấy nhớ rõ, tựu chung chỉ là những tháng ngày ba mẹ cãi nhau hết đòi ly hôn lại tái hôn. Càng lúc tôi càng quen với nhịp sống đô thành. Khi bắt đầu quên hết kí ức về quê cũ thì ông nội lại một lần nữa xuất hiện trong cuộc đời tôi. Ban đầu, tôi thật không dám tin ông cụ đầu tóc bạc phơ rối bời, gầy trơ xương đó, lại là ông nội tôi. Tuy bình thường ông đều luôn rất gầy, nhưng chưa bao giờ lại giống như khi ấy, trông tưởng chừng như chỉ còn mỗi tấm xương tàn.

Dưới quê tuy không có con cháu, nhưng những năm này xóm giềng vẫn luôn chiếu cố ông. Thế nhưng thời gian đổ lại đây, người ông kiệm lời nhưng ấm áp ấy lại bắt đầu uống rượu, chẳng bao giờ rớ đũa tới cơm cháo gì. Sức khoẻ của ông nhanh chóng xuống dốc, gầy đến chỉ còn mỗi lớp da bọc bên ngoài. Cho dù mọi người có can ngăn thế nào, ông vẫn cứ làm theo ý mình. Hàng xóm e chẳng thể đảm đương nổi, đành gọi báo cho ba tôi hay.

Tôi không rõ bắt đầu từ khi nào ba trở nên gay gắt với ông nội, nhưng tới cùng vẫn rước ông lên thành phố. Ông dưới sự càm ràm của ba, bắt đầu ăn uống trở lại. Trước đây ông vẫn hay nhìn tôi mỉm cười hòa ái, thế nhưng bây giờ, tôi thấy rõ mắt ông đã mờ. Ba tái hôn, gia đình mới hạnh phúc, tôi không hợp tính ba, ông nội ốm đau. Thế là hai ông cháu tôi nhanh chóng dọn khỏi nhà, tôi vào kí túc xá trường, còn ông thì vào viện dưỡng lão.

Chẳng biết có phải là do di truyền nhà họ Tăng hay không, mà từ sau khi mẹ tôi bỏ đi, gia đình chúng tôi cũng càng ngày càng trở nên lạnh lùng xa cách. Quan hệ giữa tôi và ba cũng đạm bạc như ba với ông nội, âm thầm trở mặt lặng lẽ bất hoà. Nhiều lúc tôi thấy ba và đứa con riêng của người mẹ kế mới giống cha con máu chảy ruột mềm. Vì vậy, phần lớn thời gian tôi đến ở với ông. Cả hai thường im lặng ngồi đọc sách, khẽ khàng vượt qua những buổi trưa nóng nực dài đằng đẵng.

Lúc thi lên nghiên cứu sinh, tôi công khai chuyện mình là đồng tính với ba. Chẳng phải vì đã có tri kỉ suốt đời tâm giao hay người yêu tâm đầu ý hợp, đơn giản là không muốn che giấu hay lừa dối gì. Ba vốn luôn là người hiểu lý lẽ đúng sai, thế như lần đó lại vô cùng tức giận, quay lưng trở mặt đoạn tuyệt quan hệ. Còn tôi vẫn bình chân như vại, nghĩ bụng cắt đứt thì cắt đứt vậy, căn bản chúng tôi cũng chẳng giống cha con một nhà. Sau đó, lúc ba đã bình tĩnh hơn, thì không nhắc gì tới chuyện đó nữa. Nhưng tình cảm đôi bên thì càng lúc càng nhạt dần.

Đôi khi tôi rất muốn hỏi ông nội, vì sao ba đời nhà chúng tôi lại thành nông nổi này? Nhưng tôi lại không muốn ông phải lo lắng. Có một vài câu nói tốt hơn hết là nên giữ lại. Tỷ như ông nội cũng chưa bao giờ hỏi tôi, tại sao ba lại không bao giờ tới thăm ông?

Hay tin tôi làm trợ giảng cho giáo sư đại học, ông nội vui lắm, bảo rằng gia đình mình đều là một mạch thư hương. Tôi không biết nhà họ Tăng là như thế nào, không một ai kể cho tôi hay. Tới năm thứ hai làm trợ giảng, thì ông nội mất.

Lúc biết tin ông qua đời, tôi không hề thấy buồn khổ gì. Còn nhớ hồi học tiểu học, ông ngoại mất, vừa nghe chuyện tôi liền khóc như mưa, tưởng chừng nước mắt đều cạn. Thế nhưng khi ông nội ra đi, tôi chỉ thấy mình như rơi xuống một cái giếng khô sâu hun hút. Quan hệ giữa tôi và ông nội vốn bình lặng như nước, không bao giờ có cảm xúc gì mạnh mẽ, vui quá hay buồn quá. Ngay cả lúc tôi đến viện dưỡng lão lấy di vật, tâm trạng cũng phẳng lặng như tờ, chẳng chút bi ai sầu muộn.

Nhưng rồi tối hôm ấy, tôi đã mơ thấy một giấc mộng. Quay trở về mảnh sân đìu hiu buồn tẻ ở quê cũ, đứng dưới tàng cây hoa quế, ông nội mỉm cười mà nói, "Tùng Viễn, ông phải đi rồi." Khi tỉnh lại, nước mắt cứ tuôn như vòi nước hỏng van, cảm giác lạc lõng mất mát ngày nào bỗng chốc hóa thành đau thương buồn tủi.

Ông nội của tôi, đã qua đời.

Sáng hôm ấy nhận được điện thoại của ba, bảo tôi toàn quyền lo liệu tang lễ. Mộ phần của dòng họ vốn ở quê cũ phía Nam, đồng nghĩa với chuyện tôi phải ôm tro cốt của ông hồi hương, quay về thị trấn đã xa rời mấy mươi năm. May là trường học đang trong dịp nghỉ, và trong thời gian này, có lẽ chỉ có mình tôi đón Tết cùng ông. Bình tro lạnh nằm trong tay như có lớp gai bao bọc, đâm vào lòng tôi đau rát.

Ông nội tôi, là người như thế nào? Có một cuộc đời ra sao? Tôi phải chọn di ảnh nào, khắc ghi lời gì lên bia mộ? Ông cho đến chết vẫn cất trong người hai bức ảnh cũ, liệu có câu chuyện nào đằng sau đó không?

Bỗng nhiên tôi khao khát mình có thể hiểu hơn về ông. Ngày thường mỗi lúc ở cạnh nhau, chúng tôi chẳng mấy khi nhắc tới chuyện cũ. Nhưng đến khi ông đi rồi, tôi lại muốn được biết nhiều hơn. Vì một già một trẻ chúng tôi đã cùng nhau đi qua mười năm cô đơn bạc bẽo.

02/quê cũ

Cố hương nằm ở phía Nam, là một thành phố núi. Mùa đông thành phố núi gió lạnh thấu xương.

Tôi mang tro cốt cùng di vật của ông nội về lại mảnh sân lạnh lẽo vắng teo. Cây hoa quế mùa nay lá rụng hết. Bàn gỗ ghế đá cũng tiêu điều lạnh giá.

Ngôi nhà cùng mảnh sân con này là tài sản duy nhất ông nội để lại, ngoài viện dưỡng lão thì đây chính là chỗ tôi và ông đã sống cùng với nhau. Thế nhưng khoảng sân be bé lưu giữ vài ba hồi ức tuổi thơ này rất nhanh sẽ không còn nữa, đã có thông báo phá bỏ và di dời dán ngoài cổng. Ba nhất định sẽ không quan tâm mà quay trở lại đây. Vì thế trước lúc rời đi, tôi sắp xếp lại hết đồ đạc của ông, mang về nơi tôi ở.

Tuy rằng đã về tới cố hương, nhưng quê tổ Tăng gia và nhà của ông nội không cùng trong một thị trấn, mà toạ lạc tại cổ trấn cách phố lớn mấy mươi cây số. Tôi chưa bao giờ đến đó, chỉ mới được nghe ông nội nhắc tới vài lần, là vùng hoa quế đỏ bốn mùa đưa hương thơm ngát, ba bề giáp với núi non xóm giềng. Nơi ấy từng là trạm dịch biên thuỳ, đồng thời cũng là xứ sinh ra biết bao vị tao nhân mặc khách cũ. Có lẽ ngày xưa khi ông bảo gia đình tôi vốn một mạch thư hương cũng chính vì thế. Nghĩ vậy bất giác tôi lại cười một tiếng.

Bởi vì cổ trấn vẫn còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hoá và là nơi sinh sống của nhiều cư dân bản địa, có đông khách du lịch nên một ngày đến tận mười mấy lượt xe đò lên xuống. Sáng hôm ấy tôi mua vé xe, đi đến quê tổ của ông nội, và cũng là của cả tôi nữa.

Còn mấy ngày nữa mới đến Tết, du khách cũng vãng đi nhiều, trên xe đa phần là người làm ăn trên thị trấn. Ngồi bên cạnh tôi là một thanh niên trẻ tuổi, sự nhã nhặn của cậu ta làm tôi chú ý nhiều. Đối phương nhìn không giống du khách, nhưng người dân phố lớn vẫn chưa được nghỉ lễ sớm như vậy. Như thể phát hiện đường nhìn của tôi, cậu ta liền ngước lên mỉm cười bắt chuyện, "Anh đến Quế Lâm du lịch à?"

Tôi lắc đầu, "Tôi đi có việc."

"Lần đầu tới ư?" Cậu ta rất nhiệt tình, "Nếu có thời gian thì đến tham quan cổ trấn của chúng tôi."

Vốn không phải người giỏi ứng xử, tôi chỉ biết đáp, "Tôi cũng định vậy."

"Tôi có thể làm hướng dẫn viên cho anh, không lấy tiền đâu!" Cậu ta hào hứng nói.

"Hoá ra anh là hướng dẫn viên du lịch à?" Tôi cũng vui vẻ bắt chuyện.

"Không phải, ba tôi mới đúng," Thanh niên nói, "Cơ mà những gì ông ấy biết tôi cũng biết."

"Nói vậy anh là dân địa phương?"

"Đúng thế, tôi sinh ra và lớn lên ở đây!"

"Thế thì chúng ta là đồng hương rồi."

"Gì, thiệt chứ? Tôi chưa từng gặp anh trước đây!"

"Ông nội tôi sớm đã rời khỏi đây, hôm nay là lần đầu tôi về quê cũ."

"Ông nội của anh đâu? Chắc ông tôi quen ông anh đó! Lát nữa tôi dẫn anh tới gặp ông tôi, ông ấy là trưởng thôn."

Những dân làng ngồi gần đấy phì cười, "Thanh Hứa, ông của cậu là cựu trưởng thôn mới phải!"

"Thì cũng là trưởng thôn cả thôi." Thanh niên tên Thanh Hứa xấu hổ nói.

"Quên không giới thiệu, tôi là Tăng Tùng Viễn." Tôi nói sang chuyện khác.

"Thái Thanh Hứa." Cậu ta chủ động chìa tay ra với tôi, "Họ Tăng là một tộc lớn ở Quế Lâm đấy."

Một vài đồng hương cũng họ Tăng hỏi tên ông nội, sau đó còn kể cho tôi nghe dăm ba chuyện về dòng Tăng thị. Đoạn lại bảo ông nội thuộc lớp tên thế hệ là "Tử"(tên thế hệ là tên dùng cho phần tên đệm của người TQ. Gọi là "tên thế hệ" vì bởi các anh em trong cùng thế hệ của gia tộc đó đều được đặt tên đệm giống nhau/theo wiki và baidu), nên hẳn ở Quế Lâm vẫn còn nhiều người lớn tuổi biết đến ông. Nhìn những đồng hương hồ hởi nhiệt tình, tôi cũng nhẹ gánh lo, cảm thấy như được an ủi đôi phần.

Đường tới Quế Lâm xa thật xa, lại quanh co khúc khuỷu. Làn đường rất hẹp, hai cỗ xe du lịch vất vả lắm mới chen nhau mà qua. Nếu xui xe giáp phải xe, bác tài phải vất vả tránh lui. Dân thành phố tôi cuối cùng cũng cảm nhận được thế nào đường thôn lối quê. Xe chạy mãi cũng tới nơi. Điều đáng ngạc nhiên chính là Quế Lâm không quê mùa nghèo nàn như tôi đã nghĩ.

Đầu thôn có một miếu thờ rất to, nằm chếch bên cạnh là đình nghỉ mát mái cong trổ long trổ phượng, ven đường trồng rất nhiều liễu xanh hoa đỏ, cảnh sắc cổ kính, bắt mắt khách ghé thăm. Nếu đứng từ xa trông lại, toà cổ trấn chẳng khác gì một dải kiến trúc xưa cũ nằm xếp lớp lên nhau.

Thái Thanh Hứa dẫn tôi đi vào trong trấn, thôn xóm dần hiện ra dưới hàng giậu xanh um tùm. Đường đá, cầu gỗ, bia xanh, nhà nhà đều là mái cong vòm lượn, suối nước trong veo rầm rì chảy qua. Nơi đây đúng là cổ trấn lâu đời, chẳng khác nào chốn thế ngoại đào viên.

"Khụ," Thái Thanh Hứa hắng giọng khiến tôi chú ý, đoạn lại chỉ tay về phía chiếc cầu đá nằm trước thôn, "Đây là cầu thạch bản (cầu được in chữ thạch bản tức in litô, một phương pháp in ấn trên bề mặt nhẵn/theo wiki). Anh xem, trước hai đầu cầu có dựng hai tấm bia lớn."

Tôi gật đầu, ra ý cho cậu ta nói tiếp.

"Một tấm thì khắc ngày tháng năm sinh, còn một tấm là để ghi lại thời điểm qua đời. Cầu này còn có tên là Sinh Kiều. Con người từ lúc sinh ra tới khi chết đi âu cũng chẳng khác gì bước qua một cây cầu."

Nghe Thái Thanh Hứa nói vậy tôi liền nhíu mày nhìn hai tấm bia sinh tử nọ. Nói thế, lẽ nào ngày mất của ông nội cũng sẽ được khắc lên trên đây? Tôi chợt ngây ra.

"Tùng Viễn?" Thái Thanh Hứa gọi tôi, "Chúng ta vào làng thôi."

Tôi đi theo cậu ta bước qua cây cầu nhân sinh thế sự đó. Ven đường có vài ba gốc hoa quế tuổi đã ngoài trăm năm. Rồi thì miêm man suy tưởng tới cuộc sống ông nội từng trải qua ở nơi đây.

Trong làng rất yên tĩnh, suốt đường đi chẳng có mấy người qua lại. Thái Thanh Hứa nói, đa số thanh niên trong làng đều đi học ở trường phố, người trưởng thành thì ra trấn lớn làm ăn, còn chăng chỉ là những ông cụ bà cụ cùng với cán bộ thôn mà thôi. Từ phía xa, tôi chợt nghe thấy có giọng nói rất to vọng lại, Thái Thanh Hứa cười bảo, là ba tôi đang giới thiệu cho khách tham quan đó.

Cuộc sống như thế cũng tốt, ở một nơi yên tĩnh xinh đẹp, sống cuộc đời nhàn nhã vô ưu.

Ngôi làng nằm trên triền núi, nên đường đi thường là những bậc thang nối dài. Cầu đá bắc qua một cái ao nhỏ nước chảy róc rách, bên dưới cá lội lung tăng, thu hải đường (hay còn gọi là Kim Chính Nhật) nằm rải dọc bờ đê. Tôi mê say thu trọn mọi cảnh sắc vào mắt, buồn vì mình đến tận bây giờ mới quay lại quê xưa.

"Ha ha, cá này là ông nội tôi dùng để dụ khách du lịch đấy." Thái Thanh Hứa nói, "Làm gì có chuyện trong ao lại có cá chép to và đẹp thế này."

Tôi cười một tiếng, "Chắc ai nhìn cũng hiểu thôi."

Muốn đi hết cổ trấn cần rất nhiều thời gian, nhưng tôi mong nhanh chóng được gặp người già trong thôn, vì vậy Thái Thanh Hứa liền dẫn tôi đến miếu tổ gặp ông nội của cậu ta.

Họ Tăng tuy là một tộc lớn ở thôn Quế, nhưng vẫn không qua được họ Thái. Như lời Thái Thanh Hứa nói, họ Thái là một chi lớn ở Quế Lâm, có hẳn một cuốn gia phả đồ sộ, con cháu thế hệ đầu tiên là hậu nhân của Tống triều. Miếu tổ Thái thị nghe đâu được xây dựng vào thời kì Tống Nguyên, trùng tu lúc Càn Long vi hành, nổi danh rực rỡ trong thời gian Khang Hi trị vì, và chỉ có con cháu đậu tiến sĩ mới được tiếp quản từ đường Thái thị.

Miếu tổ Thái gia hiện lên trước mắt tôi là một toà lầu đúc rộng lớn và cũ kĩ. Tôi đã ở đây tới năm mười tuổi mới đi, nên cũng rất quen với kiểu nhà xưa này.

Thái Thanh Hứa nhiệt tình giới thiệu, "Đây là kiểu kiến trúc mái vòm đỉnh cong trần gác gỗ sàn lát gạch hoa. Muốn vào sân trước phải bước qua mười một nấc thang đá ong..." Vẻ hướng dẫn chuyên nghiệp của cậu ta không khỏi làm tôi bật cười.

Đi vào miếu tổ, phía trên chính giữa trần nhà treo đầy các bảng hiệu Tiến sĩ, Cử nhân, Văn khoa, Võ khoa... Không khí trang trọng tới mức khiến người ta phải nghiêm cẩn cúi đầu.

"Thanh Hứa, cháu dẫn bạn tới tham quan đấy à?" Giọng nói của ông cụ cắt ngang tâm sự của tôi.

"Anh ấy tới là vì công việc." Thái Thanh Hứa dẫn tôi đến trước mặt ông nội của cậu ta, cũng chính là trưởng thôn trước ở Quế Lâm.

"Chào ông ạ. Cháu họ Tăng, tên Tăng Tùng Viên. Mấy ngày trước ông nội cháu mất, cháu về là để nhập mồ cho ông. Cha cháu muốn an táng ông nội trong mộ phận Tăng thị, cháu tới chính là vì chuyện này." Tôi khẽ cúi đầu, khách khí thưa gửi.

Thái Thanh Hứa không ngờ tôi về quê xưa là vì tang lễ nên có chút giật mình, "Tùng Viễn, anh... đừng đau buồn quá."

Tôi gật đầu một cái, lại chờ ông cụ lên tiếng.

"Cậu thật có lòng, người già, chết rồi đương nhiên phải an táng trong mộ phần tổ tiên. Dù chỉ là một hũ tro cốt nằm gối đầu cũng tốt..." Ông cụ vỗ vỗ tay tôi, "Tôi sẽ dẫn cậu đi gặp người lớn trong Tăng thị. Chàng trai trẻ, nói tôi biết tên ông cậu là gì nào?"

"Tăng Tử Phồn ạ." Tôi liền đáp, đoạn nhanh chóng bổ sung thêm thông tin nghe được trên xe đò, "Tên thế hệ là Tử."

"Cậu nói cái gì?" Ông cụ túm lấy cánh tay tôi, "Cậu nói ai?"

Lẽ nào ông cụ biết ông tôi? Tôi mừng thầm, chầm chậm nói, "Tăng.Tử.Phồn. Tử của cây Tử (một loại cây lấy gỗ làm đàn), phồn trong phồn thịnh."

"Không thể nào! Không thể nào!" Ông cụ liên tục xua tay lắc đầu, "Anh Tử Phồn đã qua đời cách đây năm mươi năm rồi!"

03/đêm đông

"Không thể nào! Không thể nào!" Ông cụ liên tục xua tay lắc đầu, "Anh Tử Phồn đã qua đời cách đây năm mươi năm rồi!"

Tôi vô cùng ngạc nhiện, "Ông à, liệu ông có nhớ nhầm không?"

Thái Thanh Hứa cũng nói, "Ông nội đừng làm Tùng Viễn sợ chứ, có phải là ông lầm lẫn rồi chăng?"

Ông cụ cũng có vẻ kinh ngạc vô cùng, nhưng lại chắc chắn đáp, "Ông không nhớ lầm đâu, Tăng Tử Phồn là họ hàng với nhà chúng ta! Anh ấy là thầy giáo của làng, thời trẻ từng học trường Tây, còn có tên là Đại Viễn. Ông nhớ rất là kỹ, năm mươi năm trước anh ấy đã mất vì bệnh phong hàn."

"Đại Viễn?" Tôi không hề biết ông nội còn có cái tên này, "Ông ơi, ông nội cháu sinh vào những năm đầu thế kỉ 20 phải không ạ?"

"Đúng vậy, anh ấy lớn hơn tôi 20 tuổi. Nếu anh ấy không phải là anh chồng họ của vợ tôi thì tôi cũng không gọi ảnh là anh đâu, phải là chú cháu mới đúng! Đại Viễn là tên hồi ảnh đi học, anh ấy dạy chữ cho chúng tôi, bọn trẻ trong làng bấy giờ đều gọi là anh Viễn."

Năm sinh giống nhau, nói vậy Tăng thị không thể nào có tới hai Tăng Tử Phồn. Dù sao đây cũng chỉ là một cái thôn nhỏ, chẳng mấy khả năng trùng tên. Bất chợt tôi lại nhớ trong di động có hình chụp của ông nội, bèn vội vàng lấy ra cho ông cụ Thái xem, "Ông ơi, đây là ông nội cháu, ông nhìn ra không?"

Bức ảnh được chụp hồi ở thành phố S, ông nội ngồi bên khung cửa sổ lớn trong viện dưỡng lão, đang cầm kính lúp đọc báo. Ngoài hiên mà mùa xuân cây cối xanh mơn mởn, ánh nắng vàng hanh rọi khắp người ông. Tôi chỉ có duy nhất tấm hình này thôi.

"Ồ, là người biết chữ, anh Viễn đích xác là người biết chữ. Còn bọn chúng tôi già hai thứ tóc rồi, cũng chỉ bập bẹ được vài ba tiếng!" Ông cụ nhíu mày nhìn vào di động, lắc đầu nói.

Tôi lại nhớ đến hai tấm ảnh đen trắng của ông nội, biết đâu chừng lấy ra cho ông cụ Thái xem, ông ấy sẽ nhận ra? Nhưng tiếc rằng tôi lại chẳng mang chúng trong người. Được rồi, vẫn còn chút manh mối.

"Ông còn nhớ ba của cháu không?"

"Nhớ nhớ, là một bé trai, bé trai rất đáng yêu! Tôi nhớ đâu ngày xưa thằng nhỏ bị ốm nặng, phải đưa sang nhà ngoại, sau đó thì không gặp nữa."

"Vậy, nhà bà ngoại cháu ở đâu?" Tôi hỏi.

"Ở trấn trên, cũng là người có học, nhưng vì thai lớn nên sinh thằng bé xong thì mất." Ông cụ thở dài.

Mọi thứ đều trùng khớp, nhưng tại sao lại có tin ông nội tôi đã mất năm mươi năm về trước? Còn người mà tôi gọi là ông nội suốt hơn hai mươi năm qua là ai?

"Tùng Viễn, anh đừng hoảng, chúng ta đến hỏi người trong Tăng thị xem sao." Thái Thanh Hứa nói.

"Thanh Hứa, cậu có thể hỏi thăm những người già trong làng giúm tôi được không? Bây giờ tôi phải quay lại thị trấn, ở đó có hình của ông tôi, ngày mai tôi lại xuống đây." Tôi thấy nghi hoặc vô cùng, hai bức ảnh cũ đó chính là chìa khoá quan trọng.

Từ biệt ông cụ Thái, Thái Thanh Hứa đưa tôi ra đầu làng, "Tôi sẽ hỏi thăm người trong xóm giúp anh, anh cũng gọi điện về hỏi gia đình xem sao."

"Cảm ơn cậu. Chuyện này thật sự là kỳ lạ quá." Tôi cười khổ một tiếng.

Trên xe đò quay lại thị trấn, tôi cứ siết chặt di động trong tay, sau cùng vẫn không gọi về cho ba. Nếu ba đã bảo tôi mang tro cốt của ông nội về quê, hiển nhiên là ba không hề biết chuyện này. Bây giờ mà gọi điện hỏi ba, thể nào ba cũng cằn nhằn than trách ông nội, rồi lại khó chịu trong lòng. Tôi suy nghĩ, trước tiên cứ làm rõ chuyện này, xong xuôi mới báo lại cho ba hay. Có lẽ, chuyện về ông nội và về tôi, mọi thứ đều cách ba tôi quá xa.

Tôi vuốt mặt, nhằm khiến bản thân tỉnh táo, tập trung

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net