Dịch thủy ca - Kinh Kha

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyên tác chữ Hán:

易水歌

風蕭蕭兮,易水寒,
壯士一去兮,不復還。

Phiên âm Hán Việt:

Dịch thủy ca

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.

Dịch thơ:

Bài ca sông Dịch

Gió hiu hiu thổi, sông Dịch lạnh ghê,
Tráng sĩ một đi, không bao giờ về.

----------

Kinh Kha là một trong những thích khách nổi tiếng sống vào cuối thời Chiến Quốc và là môn khách của thái tử Cơ Đan nước Yên. Thuở nhỏ, thái tử Đan chơi rất thân với Doanh Chính (tức Tần vương Chính hay Tần Thủy Hoàng sau này), khi cả hai còn là con tin tại nước Triệu. Năm 250 TCN, Doanh Chính được trở về Tần, ba năm sau thì nối ngôi, trở thành Tần vương.

Tần vương Chính là người có chí lớn, ôm hoài bão quét sạch chư hầu, nhất thống thiên hạ. Năm 230 TCN, Tần diệt Hàn, hai năm sau lại chiếm gần hết nước Triệu. Quân Tần nhanh chóng áp sát biên giới nước Yên và chiếm của Yên một số thành trì. Thái tử Đan rất căm thù nước Tần, quyết báo thù cho nước Yên. Nhưng ông không rèn luyện binh mã, cũng chẳng nghĩ tới việc liên kết với các quốc gia còn lại để cùng chống Tần mà lại gửi gắm vận mệnh nước Yên vào hành động ám sát Tần vương. Thái tử Đan đem hết của cải để tìm cho được người có thể hành thích Tần vương và Kinh Kha là người được chọn.

Năm 227 TCN, Kinh Kha từ nước Yên lên đường đi Hàm Dương. Thái tử Đan và một số tân khách mặc quần áo tang, đội khăn trắng tiễn Kinh Kha bên sông bờ Dịch. Tại đây, người bạn thân Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc và Kinh Kha khẳng khái hát lên bài Dịch thủy ca.

Kinh Kha cùng cậu bé trợ thủ Tần Vũ Dương đến kinh đô Hàm Dương của nước Tần, mang theo đầu phản tướng Phàn Ư Kỳ và bản đồ vùng Đốc Kháng dâng lên Tần vương. Tần vương mở hộp lễ vật, quả nhiên là đầu Phàn Ư Kỳ, lại sai Kinh Kha mở bản đồ vùng Đốc Kháng cho xem. Kinh Kha từ từ mở tấm bản đồ, đến khi mở hết thì lộ ra bên trong một thanh chủy thủ (dao găm) tẩm thuốc độc cực sắc. 

Tần vương nhìn thấy, giật mình nhảy thót lên. Kinh Kha vội cầm dao găm, tay trái níu chặt tay áo Tần vương, tay phải nhắm ngực Tần vương đâm tới. Tần vương đánh mạnh về phía sau, làm đứt ống tay áo rồi bỏ chạy về phía bình phong toan thoát ra ngoài. Kinh Kha xông lên đuổi, Tần vương thấy chạy không thoát liền chạy vòng quanh chiếc cột đồng trên điện. Kinh Kha đuổi theo sau, hai người chạy vòng quanh như đèn kéo quân. Xung quanh Tần vương có rất nhiều quan hầu nhưng tay không tấc sắt, thị vệ đứng dưới thềm tuy có vũ khí nhưng theo pháp luật của nước Tần, không có lệnh của Tần vương thì không được lên điện. Tần vương trong cơn hoảng hốt lại không kịp lên tiếng gọi võ sĩ. Trong số quan hầu cận có một thầy thuốc nhanh trí, lấy túi thuốc ném mạnh vào Kinh Kha. Kinh Kha dùng tay gạt túi thuốc đó bay sang một bên. Trong giây lát đó, Tần vương Chính xoay mình rút được bảo kiếm, chém đứt chân trái của Kinh Kha. Kinh Kha ngã xuống, cầm dao găm phóng về phía Tần vương. Tần vương né tránh, con dao bay vụt qua tai, trúng vào cột đồng, tóe lửa. Tần vương thấy trong tay Kinh Kha không còn vũ khí liền tiến lên, chém thêm mấy nhát. Kinh Kha bị tám vết thương, biết sự việc đã hỏng, liền cười đau đớn nói: "Ta không sớm hạ thủ ngay là vì muốn bức ngươi phải trả lại đất đai cho nước Yên". Lúc đó, võ sĩ đã ùa lên điện, giết chết Kinh Kha, Tần Vũ Dương ở dưới thềm cũng chịu chung số phận.

Tần vương giết chết Kinh Kha, lập tức lệnh cho tướng Vương Tiễn gấp rút đánh nước Yên. Thái tử Đan dẫn quân chống lại, nhanh chóng bị quân Tần đè bẹp. Yên vương Hỷ và thái tử Đan phải chạy tới Liêu Đông. Tần vương phái truy binh đuổi gấp, quyết đánh cho tới khi bắt được thái tử Đan mới thôi. Yên vương Hỷ không còn cách nào, đành giết con để xin hoà. Tuy vậy, hành động ấy cũng không đủ để cản tiến độ bành trướng của quân Tần. Năm 225 TCN, Tần diệt Ngụy, hai năm sau thì diệt Sở, năm tiếp theo diệt Yên và cuối cùng diệt Tề vào năm 221 TCN, hoàn thành công cuộc thống nhất Trung Hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net