Quá Linh Đinh dương - Văn Thiên Tường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyên tác chữ Hán:

過零丁洋

辛苦遭逢起一經,
干戈寥落四周星。
山河破碎風飄絮,
身世浮沉雨打萍。
惶恐灘頭說惶恐,
零丁洋裏嘆零丁。
人生自古誰無死,
留取丹心照汗清。

Phiên âm Hán Việt:

Quá Linh Đinh dương

Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh,
Can qua liêu lạc tứ chu tinh.
Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,
Thân thế phù trầm vũ đả bình.
Hoàng Khủng than đầu thuyết hoàng khủng,
Linh Đinh dương lý thán linh đinh.
Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Dịch thơ:

Qua biển Linh Đinh

Cay đắng làm nên bởi học hành,
Bốn năm dầu dãi việc đao binh.
Tơi bời bông gió thương tình nước,
Chìm nổi bèo mưa cảm nỗi mình.
Hoàng Khủng ghềnh kia chuyện hoàng khủng,
Linh Đinh sông nọ nỗi lênh đênh.
Đời người sau trước ai không chết,
Cốt để lòng son rạng sử xanh.

----------

Văn Thiên Tường (1236 - 1283) người huyện Cát An, tỉnh Giang Tây. Văn Thiên Tường chăm học, đọc nhiều sách, đến năm 1255 thì thi đỗ Trạng nguyên. Chủ khảo là Vương Ứng Lân thán phục quyển văn của ông, khen Văn Thiên Tường "tâm can trung nghĩa như sắt đá".

Vào lúc này nước Mông Cổ ở phương Bắc đang ngày càng cường thịnh, lần lượt tiêu diệt các quốc gia lân cận: Tây Hạ (1227), Kim (1234), Cao Ly (1247), Đại Lý, Thổ Phồn (1253). Vó ngựa Mông Cổ phía đông vươn tới bờ biển Nhật Bản, phía Tây càn quét châu Âu, phía nam xâm lược Đại Việt và Chiêm Thành, phía bắc đánh hạ các tiểu quốc Nga. Nước Nam Tống bấy giờ ngày càng suy yếu, vua Tống Độ Tông u mê tửu sắc, tín nhiệm đám gian thần, giao phó quyền hành cho Giả Tự Đạo.

Năm 1273, thành Tương Dương thất thủ sau 6 năm cầm cự. Độ Tông nghe tin quân Mông Cổ công phá Tương - Phàn, nhất thời khóc lóc bất tỉnh, càng ngày càng ủ rũ, mượn rượu quên sầu, một năm sau thì mắc bệnh qua đời. Tình thế Nam Tống thời bấy giờ như ngọn đèn lay lắt trước gió.

Đầu năm 1275, thủy quân Nguyên xuôi dòng Hán Thủy đánh vỡ phòng tuyến Trường Giang, đến cuối năm ấy thì Thường Châu, Bình Giang cũng mất. Văn Thiên Tường ở Giang Tây lấy hết gia tài tạo dựng một đội quân 3 vạn nghĩa binh, hành quân gấp tới Lâm An nhưng vẫn không thể địch lại. Tạ thái hậu bổ nhiệm Văn Thiên Tường làm hữu thừa tướng, khu mật sứ, đô đốc thống quản quân mã, cử ông đến đại bản doanh tể tướng triều Nguyên là Bá Nhan đàm phán cầu hòa.

Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt thấy Văn Thiên Tường là người có tài và có khí tiết, định giam giữ dụ theo nhà Nguyên. Khi Bá Nhan lấy cái chết đe doạ, ông đã khẳng khái từ chối:

"Tôi hiện đang là thừa tướng triều Tống, chỉ lấy cái chết để đền nợ nước, nếu lấy gươm đao dọa nạt chẳng làm gì được đâu."

Ngày 4/2/1276, quân Nguyên công hãm Lâm An, vua Tống Cung Đế cùng Tạ thái hậu đầu hàng, nhà Tống kéo dài 316 năm, trải qua 16 đời hoàng đế coi như mất từ ấy.

Nhà Tống mất, đại thần Lục Tú Phu cùng với Trương Thế Kiệt liền đưa hai hoàng tử con vua Tống Độ Tông là Ích vương Triệu Thị 7 tuổi và Vệ vương Triệu Bính 5 tuổi chạy xuống phía nam. Ngày 14/6/1276, triều thần tôn Triệu Thị lên ngôi tại Phúc Châu, sử gọi là Tống Đoan Tông.

Nghe tin hai vương trốn thoát, Bá Nhan lệnh cho Phạm Văn Hổ lập tức đuổi gấp, quyết bắt cho bằng được hai vương mới thôi. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm đó, các tướng Nguyên là Toa Đô, A Truật lần lượt chiếm Quảng Châu, Kiếm Châu và Dương Châu. Từ lúc đó một dải Hoài Đông đã không còn là của nhà Tống. Thừa thắng, quân Nguyên tiếp tục đánh sang Chân Châu, Minh Châu, Xử Châu, phủ Kiến Ninh, Thiệu Vũ quân.

Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt hoảng hốt đem Tống Đoan Tông cùng triều đình lưu vong giong buồm chạy ra biển, bấy giờ quân nhân 17 vạn, dân binh 3 vạn, tổng cộng còn 20 vạn.

Cuối năm 1276, quân Nguyên đánh chiếm Hưng Hóa quân, hạ Trùng Khánh rồi vào Quảng Tây, chiếm Ấp Châu và Ung Châu, các quận ở Quảng Đông cũng gần như mất sạch.

Ngày 8 tháng 5 năm 1278, Tống Đoan Tông qua đời trên đảo Lạn Đầu. Để duy trì nhà Tống, các đại thần lập vị vương cuối cùng là Triệu Bính mới 7 tuổi lên ngôi, sử gọi là Tống đế Bính. Ở vào thế đường cùng, Trương Thế Kiệt quyết định dừng đoàn thuyền tại Nhai Môn để đối đầu với lực lượng truy đuổi của quân Nguyên.

Chiều ngày năm 18/3/1379, tướng Nguyên Trương Hoằng Phạm bắt đầu lập kế hoạch tấn công. Trương Hoằng Phạm chia quân Nguyên ra làm bốn thê đội trong khi quân Tống tập trung thành hạm đội lớn hòng bảo vệ thuyền của hoàng đế ở trung quân.

Hạm đội Tống do Trương Thế Kiệt chỉ huy tuy đông nhưng rất ô hợp, kỷ luật và sĩ khí đều kém, lại không phải là thủy quân. Khoảng hơn 2 vạn truy binh quân Nguyên do Trương Hoằng Phạm chỉ huy đã nhanh chóng đánh tan tác quân Tống đông gấp gần 10 lần.

Trong tình thế tuyệt vọng, Lục Tú Phu cõng vua Tống đế Bính nhảy xuống biển tự vẫn. Một số ít lính Tống cùng tướng Trương Thế Kiệt đào thoát khỏi trận địa và chạy trốn. Số đông người Tống trong đoàn quân ấy thì nhảy xuống biển tự sát theo vị hoàng đế cuối cùng. Bảy ngày sau trận hải chiến Nhai Môn, có đến hơn 10 vạn xác người Tống nổi lên dày đặc khắp một vùng biển. Thất bại ở Nhai Môn cùng cái chết của Tống đế Bính đã đánh dấu chấm hết cho nỗ lực cuối cùng hòng khôi phục lại giang sơn nước Tống, Trung Quốc từ đây chính thức nằm hoàn toàn dưới quyền cai trị của nhà Nguyên.

Chiến tranh kết thúc, quân Nguyên bày yến tiệc để mừng công, Văn Thiên Tường cũng được mời đến. Trương Hoằng Phạm nói với ông:

"Hiện nay triều Tống đã mất, trung hiếu của ông cũng hết rồi. Thừa tướng có thể thay đổi ý kiến được không? Làm việc cho triều Nguyên, mà tể tướng triều Nguyên không phải là ông thì ai vào đó?"

Ông khẳng khái trả lời:

"Nước mất không thể cứu được, làm quan đại thần thì tội quả đáng chết, lẽ nào còn tham sống sợ chết, phản bội quốc gia được?"

Biết không thể lung lay ý chí của ông, Hốt Tất Liệt đành phải ban cho ông cái chết vào năm 1283. Văn Thiên Tường tuy chết nhưng phẩm chất đạo đức cao thượng của ông mãi mãi được người đời sau ngưỡng mộ. Ông cùng với Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt được lịch sử gọi là "Tống vong tam kiệt" (ba bậc hào kiệt lúc nhà Tống mất).

Văn Thiên Tường là bậc anh hùng hào kiệt, bởi sinh vào thời mạt kiếp, nhân tâm xiêu lạc, nên ông đã dùng cả sinh mệnh của mình trình diễn ra nội hàm của chữ "Chính" cho hậu nhân. Hai câu thơ cuối cùng trong bài "Quá Linh Đinh dương" của Văn Thiên Tường đã trở thành nguồn sức mạnh bất diệt cho những con người xả thân vì chính nghĩa muôn vạn đời sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net