15Giờ sao?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi có một ông bạn vong niên người Anh sống rất thực tế, khác hẳn với cái con bé tôi đầu óc lúc nào cũng chơi vơi "ở trển". Lúc rỗi việc gặp nhau, tôi xả phanh ầm ầm, nói mình khát khao được làm cái này, thèm được làm cái nọ, muốn nhân tiện làm cả cái kia. Lúc tôi dừng lại để thở, ông thường buông nhõn một câu: "Giờ sao?"

Trở về Hà Lan phờ phạc sau chuyến đi gần năm trời ròng rã vào một ngày cuối tháng 8 năm 2012, ông bạn quý đón tôi ở sân bay, chưa kịp để tôi há mỏ ra luyên thuyên, phán một câu tỉnh rụi: "Giờ sao?"

Như mọi khi, tôi vẫn thường không biết sẽ bắt đầu từ đâu. Bình thường thì tôi vẫn viết, như một cách để ngòi bút khỏi cùn, để khỏi quên tiếng mẹ đẻ, và để bơm chút đỉnh vào cái hầu bao lúc nào cũng rỗng đến mức nhìn cả thấy đáy. Nhưng mỗi lần lên facebook tôi lại thấy nhụt chí, vì nhận ra rằng những câu chữ của mình chẳng ăn thua vào đâu so với cơn cuồng nộ của thông tin ăn xổi. Tôi muốn nói với cái đám đông đang hăng máu rỉa róc những mẩu tin đẫm máu từ Trung Đông rằng vùng đất khổng lồ mà họ đang nói đến trải dài qua ba châu lục mênh mang. Trên cái diện tích lãnh thổ từ địa đầu châu Phi sang đến trung tâm của châu Á ấy, những quốc gia nghèo thiếu ăn nằm cạnh những đất nước mà bữa ăn tối bình thường mắc tiền hơn cả Amsterdam, những thành phố nơi gần như 100% phụ nữ che khăn kín mặt ở cách nơi váy siêu ngắn và cổ áo siêu trễ chỉ non một giờ bay. Trung Đông đối với tôi như một trò ú òa, mỗi buổi sáng thức dậy mở mắt ra là có một bất ngờ mới. Ấy là nơi một tối party nhảy nhót vui tươi điên cuồng trong khi đất nước nội chiến lửa cháy ngút trời là điều có thể, ấy là nơi các nhà độc tài được người dân yêu quý và luyến tiếc là điều có thể, ấy là nơi một cô gái mơn mởn xuân thì bỗng dưng muốn che chắn kín bưng mặt mũi chân tay là điều có thể, ấy là nơi phẫu thuật chuyển giới tính bằng tiền trợ cấp của chính phủ cũng là điều có thể. Bất kể một định kiến gì về Trung Đông đều có thể bị đập tan bởi những câu chuyện hoàn toàn đối lập.

Tôi vừa thích vừa sợ facebook và các mạng xã hội. Tất cả những gì quan trọng nhất không phải thông tin mà là tốc độ của thông tin. Báo chí bị cuốn theo cơn lốc cạnh tranh với mục tiêu duy nhất là làm thế nào để thông tin đến tay của tất cả mọi người và chẳng cần làm cho bất kỳ một ai thông thái hơn. Thế giới phức tạp, tươi đẹp và hỗn loạn khi bị post và twit lên internet trở thành những lát cắt ngắn ngủn và giản đơn. Tại sao? Vì chúng ta hình như chỉ đủ thời gian để tiêu hóa những gì giản đơn và ngắn ngủn. Trung Đông với những cách nhìn phức tạp, các câu chuyện đối chọi và lịch sử ngàn năm giằng chéo với hiện tại sẽ bị lọc qua mạng xã hội và hệ thống báo chí chỉ để lại những chi tiết sốc nhất, những con chữ có tính chất "đập một nhát vào mặt", và những hình ảnh đạt tiêu chuẩn "không cần đọc lời bình vẫn có thể đưa ra kết luận".

Chiến tranh Việt Nam, 1963. (Ảnh: Larry Burrows)

Sau đây là một ví dụ điển hình:

Một buổi chiều trở về nhà sau ngày dài làm việc, tôi tức ức ói máu khi nhìn thấy tấm ảnh này trên tường facebook nhà mình với cái tiêu đề to tướng: "Người Hồi bị đàn áp ở Việt Nam". Đăng lên mạng ngày 23-8-2013, mới chỉ vài hôm đã có gần 4000 người chia sẻ, và có lẽ hàng triệu người trên thế giới này đang đinh ninh rằng người Hồi ở Việt Nam bị trói chằng tay vào nhau, bắt quỳ xuống đất với dao găm kề vào cổ.

Mới đầu, tôi đơn giản chỉ cho rằng kẻ đăng bức ảnh này là một trong muôn vàn những tín đồ Hồi giáo bình thường cảm thấy bị oan ức khi người Hồi bị xua đuổi và áp bức ở Myanmar, rồi trong cơn ngu dại lôi cả Việt Nam vào mà không thèm suy nghĩ. Sau khi vào tận trang chủ, đọc thêm hàng loạt post, truy cứu nguồn gốc và tổ chức tài trợ, tôi mới phát hiện ra rằng đây là một forum của Islamism tuyên truyền và kích động thánh chiến. Phương pháp của forum là tìm mọi cách mô tả Islam như một tôn giáo đang lâm nguy, Muslim là một cộng đồng đang bị trù dập, và cả thế giới này đang tìm cách để tiêu diệt Hồi giáo, thậm chí kể cả ở một đất nước xa xôi như Việt Nam. Chính vì thế, việc đưa một bức ảnh tù binh chiến tranh ở Việt Nam bị trói chân trói tay lên và lu loa rằng người Hồi ở đây bị đàn áp không chỉ đơn thuần là một sai sót. Đó là chủ ý. Và thế là tất cả nhao nhao lên. Và thế là tất cả sôi máu lên. Và thế là tất cả sẵn sàng lăn vào, xả thân cứu anh em bằng hữu. Chỉ có vài comment lẻ tẻ yếu ớt hô lên rằng hình như đây là cuộc chiến Việt Nam từ ngày xửa ngày xưa. Nhưng vô dụng. Thịt đè người, số lượng like và share đè chết sự thật. Chưa bao giờ người hại người lại dễ dàng đến thế.

Mạng xã hội khiến bất kỳ một gã vô danh tiểu tốt nào cũng cảm thấy như mình là một nhà báo quyền lực vô song. Kể cả khi nhà báo ấy ngu dốt, quan điểm sai lạc, hay như những kẻ đã like và share cái ảnh này, chỉ nhăm nhăm muốn gào lên cho cả thế gian này biết người Hồi đang bị hãm hại, còn thời gian đâu mà suy nghĩ, mà truy tìm tư liệu. Rồi thì trong cơn phẫn uất, bạ ai cũng lên án, vô tình biến cả bạn bè thành kẻ thù. Ai bảo chỉ có mấy thằng khủng bố mới làm cho người ta trở nên dị ứng với đạo Hồi?

Phải thú thật là tôi thường chỉ hào hứng với các cuộc tranh luận khi người đối ẩm là các học giả về Hồi giáo. Không đơn giản là sự học cao hiểu sâu mà là khả năng họ có thể bước ra khỏi vầng hào quang tôn giáo của chính mình, rồi cùng nắm tay tôi "bay" lên, thoát xác, lơ lửng phía trên những thực thể tôn giáo và văn hóa ấy, nhìn ngắm chúng, thảo luận, tranh cãi như thể nói về một thực thể khoa học mà không sợ bị phạm húy, không sợ vô tình xúc phạm, tổn thương lẫn nhau. Để làm điều này với những người khác thật là khó, bởi sự nhạy cảm quá mức của một tôn giáo đang bị cả thế giới hiểu lầm, những tín đồ Hồi thường có hệ thống tự bảo vệ luôn ở chế độ mẫn cảm cực độ, bất kể câu nói gì cũng có thể dễ dàng được họ dịch ra thành ý đồ của một cuộc tấn công vào đức tin của chính mình.

Tôi cảm thấy lo lắng vì mình đang sống trong một thế giới mà tốc độ thông tin quá nhanh khiến người thường không mấy ai đủ thời gian để thích nghi. Một bức ảnh bây giờ không chỉ còn có sức mạnh hơn một nghìn con chữ nữa mà còn có thể biến một nghìn kẻ ngu xuẩn thành một nghìn kẻ sẵn sàng phanh ngực áo thành quân cảm tử. Ở thế hệ Facebook và You Tube này, chẳng mấy ai còn có thì giờ để đọc, để cân nhắc, chưa nói đến để suy ngẫm. Đập vào mặt một cái ảnh hay một cái clip thì lập tức tình cảm dồn lên đè bẹp tư duy, chân tay như bị chập điện rùng rùng trở thành vũ khí cho anh hùng bàn phím. Ai cũng có thể ngồi xuống để viết, dù có thể chưa bao giờ dám đứng lên để sống [62].

Nhưng mà rồi tôi vẫn chọn cách viết, vì không còn gì khổ sở hơn là phải giữ khư khư một câu chuyện luôn cựa quậy đòi được ra đời. Nhất là những câu chuyện ấy dường như chỉ đợi giây phút mổ vỏ trứng chui ra là có thể ngay lập tức tự đứng lên, tay chống nạnh, mặt hất hàm thách thức những thông điệp chỉ toàn chiến tranh, khủng bố và chém giết từ Trung Đông. Nói đi cũng phải nói lại, một cách thực lòng, vùng đất rộng lớn này không phải là thiên đường của nàng thơ. Và tôi dù đọc nhiều cách mấy, viết nhiều cách mấy cũng không thể có câu trả lời cho cái mớ bòng bong rối rắm này. Nhưng có hề gì, nhà thơ người Mỹ Maya Angelou có nói một câu rất đỉnh: "Con chim cất tiếng hót không phải vì nó đã tìm ra được giải pháp cho cuộc đời. Nó hót đơn giản bởi vì nó có một bài hát thôi".

Trong cuốn sách này tôi xin được nhận là con chim. Hót váng lên một chặp. Có khi chối tai, chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng ít nhất nó cũng cố gắng hoàn thành sứ mệnh của mình. Đã là chim thì phải hót.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net