Chương 34 (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nơi thần bí mà Hoàng Đế nói đến ấy thực chất là một gian phòng khuất phía sau Noãn các. Vẻ ngoài của nó hoàn toàn bình thường hệt như mọi gian phòng khác. Điểm đặc biệt duy nhất có lẽ là chiếc biển gỗ sơn son treo trên cửa chẳng có lấy một nét chữ nào. Gian phòng này không có tên, như vậy nghĩa là nó cũng không tồn tại trong sự quản lý của Nội Thị giám.

Nơi này có lẽ là thế giới riêng của Hoàng Đế chăng?

"Tự vào đi!"

Hoàng Đế đẩy ta đến trước hai cánh cửa đóng kín bằng một bộ dạng vô cùng khoái chí, thậm chí còn đôi phần háo hức của một đứa trẻ đang khoe khoang món đồ chơi yêu thích.

Ta lấm lét đặt tay lên cửa, khẽ đẩy một cái, thầm cầu mong cho trong này đừng xuất hiện một con hổ hay một con mãnh thú gì đó. Tính cách Hoàng Đế cổ quái như vậy, ai biết được thứ đồ chơi yêu thích của hắn sẽ là cái gì.

Cánh cửa gỗ nặng nề hé mở.

Trái với lo sợ của ta, bên trong cũng chỉ là một căn phòng thông thường, tạm thời chưa có gì cái nguy hiểm nhảy ra cả.

Ta đưa mắt nhìn Hoàng Đế, thấy hắn vui vẻ gật đầu mới dám chậm chạp tiến vào.

Gian phòng rộng rãi thoáng đãng, ngay chính giữa bày một lò hương lớn, khói từ lò hương lan tỏa trong không khí mang mùi hoa dạ lan. Bởi vì căn phòng được đóng kín cho nên mùi dạ lan vốn nồng ấm càng thêm đậm lại. Ta không hiểu sao Hoàng Đế lại thích loại hương nồng như vậy. Có hai chiếc bàn hình chữ nhật bày dọc theo chiều dài gian phòng, bên trên bàn ngổn ngang đủ loại đồ gỗ, cỡ lớn có tượng quan âm, la hán; cỡ nhỏ có tượng thỏ, mèo, gà...; thậm chí có cả những món như trâm, lược... Cùng với đó là vô số dao, cưa, đục đủ mọi kích thước, trong góc phòng còn chất mấy khối gỗ chưa xẻ, trông hệt như một xưởng mộc đích thực.

Cảnh tượng này làm ta vô cùng kinh ngạc. Con người nóng nảy như Hoàng Đế mà lại có sở thích khắc gỗ, lại còn làm ra được những thứ tỉ mỉ như vậy. Bước đến bên cạnh bàn, ta thấy có đến hơn mười cây trâm gỗ kích thước, kiểu dáng giống như đúc, đều khắc một đóa sen nở rộ. Nhưng đến khi cầm lên nhìn kĩ lại mới rõ, những cây trâm này hẳn đều là bản khắc bị lỗi, bởi độ dài ngắn của những cánh hoa không tương đồng. Chỉ hơi sai lệch một chút, dù cho không xấu cũng vẫn bỏ đi làm lại từ đầu.

Hoàng Đế thì ra là người cầu toàn như vậy.

"Thấy thế nào?"

Hoàng Đế không biết đã đến cạnh ta tự lúc nào.

"Thần thiếp thực bất ngờ."

Ta mỉm cười, dời mắt nhìn bao quát những phần còn lại của gian phòng. Phía bên trong còn có một giá sách lớn và một thư án ngay ngắn gọn gàng. Cạnh đó là một chiếc sạp gỗ nhỏ và một bàn trà xinh xắn. Ở phần vách tường giữa thư án và sạp gỗ treo một bức tranh lớn.

Từ thời khắc ta nhìn thấy bức tranh kia, ánh mắt ta dường như bị nó hút lấy không sao dứt ra được. Từng bước tiến đến gần, đường nét trên bức tranh dần trở nên sắc sảo. Trái tim ta trong phút chốc lỗi một nhịp.

Mỹ nhân trong tranh đứng giữa bạt ngàn phù dung như mây hồng. Nàng không đứng nhìn chính diện về phía trước mà hơi nghiêng người, đầu hơi ngoảnh lại, nụ cười trên môi như ẩn như hiện, khiến người ta không rượu cũng phải say. Nhìn nàng, ta bất giác nghĩ tới Liên Nhạc. Lại nhớ lời Ngọc Thủy nói, Liên Nhạc vì có vài phần giống Lê Hiền phi cho nên mới được sủng ái. Lòng ta chấn động, nói như vậy mỹ nhân trong tranh này có lẽ chính là vị Lê Hiền phi, Lê Khiết đó.

Nhìn kỹ, quả thật Liên Nhạc cũng chỉ giống Lê Khiết được vài phần mà thôi. Ở hai người có một điểm tương đồng lớn chính là khí chất thanh tao, đường nét ưu nhã hiếm thấy. Nhưng Liên Nhạc lại quá mức rụt rè, quá mức mong manh. Ánh mắt của Liên Nhạc không có được thần thái ung dung tự tại như Lê Khiết. Dáng vẻ của Liên Nhạc cũng không có sự phóng khoáng mà tự nhiên của Lê Khiết. Trước khi nhìn thấy dung mạo Lê Khiết, ta từng cho rằng Liên Nhạc là tuyệt đại mỹ nhân. Nhưng hôm nay tận mắt nhìn thấy Lê Khiết, dù chỉ còn là một bức tranh bất động, thì ta cuối cùng cũng ngộ ra Liên Nhạc rốt cuộc vẫn chỉ như hoa đăng buổi đêm, có đẹp, có sáng, có động lòng người nhưng vĩnh viễn không thể so sánh được với mặt trời chói lọi ban ngày.

Chuyện này cũng không thể trách Liên Nhạc. Nàng xuất thân không cao, chỉ là một ca cơ phiêu dạt chân trời góc bể. Còn Lê Khiết sinh ra trong nhung lụa, xuất thân và giáo dưỡng đã bồi đắp nên một ngạo khí hơn người. Vẻ đẹp của nàng thanh thoát như tiên, rực rỡ như mặt trời. Một cái ngoảnh đầu, một nụ cười hư ảo cũng đủ in sâu vào lòng người, khiến người ta choáng ngợp, giống như người mù lâu năm được phép tiên chữa lành đôi mắt, lần đầu nhìn thấy ánh sáng mặt trời vậy.

Bên góc dưới bức tranh, ở phần đề từ là hai câu thơ:

Hồi đầu nhất tiếu bách mị sinh

Lục cung phấn đại vô nhan sắc. (1)

Nét chữ đầy nội lực, ta vừa nhìn đã nhận ra của Hoàng Đế tự tay viết.

Bất giác, ta nhớ tới một ngày xa xưa khi ta còn rất nhỏ, mẫu thân vẫn chưa bị phụ hoàng ruồng rẫy. Hôm ấy, phụ hoàng xuất cung, mẫu thân và ta không đi theo được. Ta quanh quẩn chơi bên cạnh mẫu thân, thấy người chăm chú vẽ tranh bèn nhấc cái ghế nhỏ đến bên án thư để trèo lên nhìn trộm. Mẫu thân vẽ một người nam tử vô cùng anh tuấn, khí phách hơn người, ta nhìn một lần liền nhớ mãi không quên. Ta nghĩ mẫu thân vẽ phụ hoàng để thỏa lòng mong nhớ, nhưng phụ hoàng của ta bụng to, trán hói, thân mình rất béo, không hề anh tuấn thần võ như người trong tranh. Ta đem thắc mắc này hỏi mẫu thân, người bèn cười nói:

"Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi."

Nhìn nụ cười ngọt ngào, ánh mắt say đắm của mẫu thân khi ấy, ta cho rằng đây là dáng vẻ của phụ hoàng khi người mới gặp mẫu thân. Đó là phụ hoàng ngày xưa khiến mẫu thân rung động. Hóa ra phụ hoàng của ta từng có lúc tuấn tú như vậy.

Ta rất thích tranh mẫu thân vẽ, nhưng đáng tiếc là mẫu thân vẽ xong chỉ nhìn một lát rồi châm lửa đốt ngay. Ta hỏi, mẫu thân chỉ đáp khẽ:

"Người trong lòng, để trong lòng là được."

Thực lòng, ta cảm thấy mẫu thân nói gì cũng đúng cả. Ví như câu "Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi" kia chẳng hạn.

Bức tranh Hoàng Đế tự tay vẽ Lê Khiết này, chỉ cần nhìn vào liền biết người vẽ nó có lòng như thế nào mới có thể vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ sống động đến nhường này. Nếu hắn không thật lòng yêu thích Lê Khiết thì cho dù Lê Khiết có mỹ mạo đến dường nào thì cũng không thể vẽ nên một bức tranh đẹp được.

Nghĩ đến đây, lòng ta bất giác thấy chua xót.

Ta cho rằng bất cứ nữ nhân nào đứng trước người con gái này sẽ đều cảm thấy chua xót như vậy. Bởi vì nàng ấy sinh ra đã cao quý hơn người, dung mạo tựa thiên tiên, lại có được trái tim Hoàng Đế, ai sẽ không ganh tị với một người như vậy?

Hoàng Đế lấy hiệu là Quang Nhật, quả thực chỉ có nữ tử rực rỡ như ánh mặt trời này mới xứng được sánh vai cùng hắn mà đứng trên thiên hạ.

Chỉ đáng tiếc, hồng nhan bạc mệnh. Ai mà ngờ được số phận của người con gái ấy lại thảm thương như vậy, cả nhà bị chém đầu, bản thân lâm bệnh, cuối cùng mệnh đoản. Thật khiến người ta nghĩ đến mà đau xót.

Nữ tử như vậy nếu khi xưa đừng nhập cung, liệu bây giờ sẽ có cuộc sống như thế nào?

Hậu cung này không biết đã từng chôn bao nhiêu đóa hồng nhan?

Vì đâu nên nỗi này?

Những nữ tử tốt đẹp như thế vì sao không thể có cuộc sống tốt đẹp?

Nghĩ phận người lại nhớ phận mình, cuộc sống của ta sau này liệu sẽ ra sao?

Ý nghĩ ấy làm mắt ta nóng lên. Ta không dám nhìn thêm nữa, bần thần quay đầu lại thì đã thấy Hoàng Đế đứng cạnh từ khi nào.

"Nàng ấy rất đẹp, đúng không?"

Hoàng Đế chắp tay sau lưng, hỏi bằng chất giọng nhẹ tênh, như thể đó đã là một câu khẳng định, không cần ai trả lời. Dù vậy, ta vẫn gật gật đầu:

"Dạ phải."

"Nàng biết không, trẫm nghĩ hậu cung này thật sự là một nơi ăn thịt người đấy."

Hoàng Đế vẫn giữ nguyên tư thế đứng, ánh mắt cũng chẳng rời bức tranh trên tường. Ta không biết hắn đột ngột nói vậy là có ý gì nên tạm thời im lặng chưa đáp. Hắn dường như cũng chẳng đợi ta đáp, thản nhiên nói tiếp:

"Nếu không một nha đầu vốn khỏe mạnh, hoạt bát như thế... vì sao vừa đến đây hơn một năm liền hóa thành đau bệnh liên miên, ốm yếu đoản mệnh như vậy?"

Hoàng Đế gọi Lê Khiết là "nha đầu" một cách hết sức bình dị, như thể một nam tử bình thường gọi yêu thanh mai trúc mã. Trong lòng Hoàng Đế... Lê Khiết quan trọng như vậy sao?

Ta ngẩn người, không biết nói gì:

"Hoàng thượng..."

Hoàng Đế vẫn chẳng để tâm đến ta, cứ chầm chậm nói:

"Mỗi ngày trẫm đều đứng ở đây để nhìn nàng ấy... Trẫm luôn luôn lo sợ, đến một ngày nào đó, trẫm sẽ quên mất nàng ấy... quên mất dáng vẻ của nàng ấy... nụ cười của nàng ấy... Như vậy nàng ấy nhất định sẽ rất giận trẫm... Nên mỗi ngày trẫm đều phải nhìn nàng ấy thật kĩ..."

Giọng nói của Hoàng Đế vẫn vậy, nhẹ nhàng, bình thản, thậm chí còn có phần thành thực cùng day dứt...

Thường ngày, bộ dạng của hắn nếu không phải là nổi giận đùng đùng thì là cười cợt buông thả. Ta chưa từng nhìn thấy hắn thành thực như thế cho nên bất giác hoảng hốt.

Hoàng Đế đứng ngay bên cạnh ta, chỉ cần ta hơi nghiêng người qua là có thể chạm vào vai hắn. Thế nhưng không hiểu sao lại có cảm giác xa cách ngàn trùng. Cứ như thể người đang đứng ở đây là một người hoàn toàn xa lạ. Người này rất yếu đuối, rất chân thật, không hề ra vẻ, cũng không diễn trò. Ta muốn nói gì đó với hắn, nhưng lại không biết phải nói gì.

Có lẽ ta đã dao động.

Nhưng dao động ấy chỉ là một khắc ngắn ngủi, lí trí đã kéo ta về lại thực tại. Hắn lạ lùng như vậy, càng khiến ta lo lắng không yên.

Vì sao hắn lại nói với ta những lời này?

Hắn với ta đâu phải tri kỷ, tâm sự này lẽ ra hắn không nên để lộ trước mặt ta. Là một phút yếu mềm buột miệng hay là còn dụng ý gì khác?

Ta vẫn luôn nghĩ Hoàng Đế thực lòng yêu thương Lê Khiết, nhưng những lời tình cờ ban nãy đã làm niềm tin ấy lung lay.

Người ở trong lòng, để trong lòng là đủ.

Giọng mẫu thân lại vang lên bên tai ta.

Phải, người ở trong lòng thì lúc nào cũng sẽ ở trong lòng, làm thế nào có thể quên đi cho được? Nếu trong lòng Hoàng Đế thật có Lê Khiết làm sao phải lo sợ một ngày sẽ quên mất nàng ta?

Lại nói đến bức tranh kia, quả thật từng đường nét đều được vẽ tỉ mỉ bằng cả tấm lòng.

Nhưng... phù dung sớm nở tối tàn.

Ai sẽ lại vẽ loài hoa đẹp mà bạc mệnh ấy lên bức tranh người mình yêu mến?

Cả hai câu thơ đề từ bên dưới...

Hồi đầu nhất tiếu bách mị sinh

Lục cung phấn đại vô nhan sắc.

Đây đúng là hai câu thơ đẹp, nhưng nguồn gốc của nó lại chẳng đẹp chút nào. Tranh vẽ người mình yêu, sao có thể dùng "Trường Hận Ca" làm đề từ?

Hoàng Đế đối với Lê Khiết như vậy... Thực có thể gọi là yêu sao?

______________

(1) Dịch thơ:

Một cười trăm vẻ thiên nhiên

Sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son

(Trích Trường Hận Ca – Bạch Cư Dị)


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net