Chương 2.1: Linh Quang Thấu Thị, Tỏ Rạng Tinh Tường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ai dám nói thời phong kiến hủ lậu nào? Đã tự mình trải nghiệm qua nên Jorani không công nhận điều đó. Tuy đúng là có chút bất tiện và mọi thứ vẫn còn thô sơ so với hiện đại, nhưng quả thật không thua kém gì người hiện đại, huống hồ không khí ở đây quá trong lành, cũng không ô nhiễm vì rác thải và khói bụi của các phương tiện di chuyển.

Tuy mặt trời trên đỉnh đầu có chút gắt gao nhưng chẳng bằng cái nóng bức đến cháy rụi của nắng Sài Gòn năm 2000 mấy mươi bây giờ. Thật may mắn quá khi Jorani tìm mua được cây dù giấy dầu, thì nhờ đó có thể che chắn chút đỉnh. Đáng tiếc không có kem chống nắng, Jorani cảm thấy làn da của bản thân đã sạm hơn một chút, dù cho mỗi khi ở ngoài trời về cô đều dùng lô hội để làm dịu da.

Học hỏi được một chút kinh nghiệm của người xưa thì Jorani có dùng vài dược liệu để làm đẹp trong hoàn cảnh thiếu thốn này, kết hợp với kiến thức y học nghèo nàn của mình thì Jorani đã cho ra một số mỹ phẩm được ứng dụng từ: lá chùm ngây (moringa) để làm sáng da và bảo vệ da khỏi ánh nắng; lá sầu đâu (nimba) kháng viêm; bột nghệ có Curcumin chống viêm và chống oxi hoá; mặt nạ pha chế bằng cam thảo làm da hết xỉn màu; hoặc bột đậu đỏ để làm đều màu da, thêm mật ong rừng càng tốt; tinh dầu thơm thì có hương thảo, và hoa hồng; riêng phần toner thì cô sử dụng nước vo gạo; cùng với dầu dừa cấp ẩm và làm mềm da, cũng như tránh để làn da mình quá thô ráp. Có đều khi bôi dầu dừa lên da có hơi bết rít một tẹo nè!

Dầu dừa cũng có thể làm dầu dưỡng ủ tóc, khiến cho tóc bóng mượt. Nếu kết hợp cùng dầu gội bồ kết nướng để gội đầu và chải nước bưởi thơm thì mái tóc này của cô khiến cho cô khá ưng ý đó!

Cùng với dầu dừa, cô cũng đã thử qua một số liệu pháp dưỡng tóc khác như kết hợp giữa nước cốt dừa và hương nhu, sả hay lá trầu (hỗn hợp này có thể được dùng để ủ tóc, giúp tóc mềm mại, óng ả và giảm gãy rụng); nước cốt dừa với lá chùm ngây, hoặc chùm ngây giã nát đắp lên da đầu giúp tóc chắc khoẻ và bảo vệ hư tổn; hoặc Muk Wan có đun sôi cỏ mần trầu và chắt lọc nước để cho Krah Kaong và cô làm nước gội đầu.

(*) Tất cả các phương pháp, dược liệu,hương liệu, phương thuốc,... trong truyện đều KHÔNG GIÁ TRỊ tham khảo. KHÔNG KHUYẾN KHÍCH áp dụng vào thực tế khi chưa có sự hướng dẫn và ý kiến chuyên môn của chuyên gia hoặc y, bác sĩ.

Thật ra cô cũng muốn thử Thanaka của người Bồ Cam (Pagan), nhưng khi dạo một vòng quanh chợ thì chẳng thấy có thương buôn nào đến từ Miến Điện (Myanmar). Hỏi đám người Trung Quốc thì họ nói chắc hẳn ở Cựu Châu (Châu Sa - Amaravati) mới có, vì dù sao nơi đó cũng được xem là "con đường tơ lụa" nổi tiếng của Chiêm Thành.

Nagara Amaravati là đầu mối kinh tế của Chăm pa, mà hoạt động giao thương diễn ra năng nổ nhất chính là bên bờ Bắc của sông Thu Bồn, cùng với sở hữu cảng-thị sầm uất ở hai cửa biển lớn là Đại Chiêm Hải Khẩu (nay là cửa Đại) và Cửa Hàn.

Kinh tế của Chăm pa thời đại này đúng là cực thịnh, không chỉ giao dịch hàng hoá với Đông Nam Á mà còn lan rộng đến các nước phương Tây, tiêu biểu là Đại Thực (Ả Rập) và Ba Tư. Đối với người Trung Quốc, bọn họ đều nhận xét Cù Lao Chàm - một hòn đảo ngoài cửa sông Thu Bồn là một địa điểm quan trọng đối với các thủy thủ đi biển, bởi vì họ có thể lấy lương thực, nước ngọt, củi gỗ cho những chuyến đi dài ngày. Nếu có cơ hội và thời gian chẳng bị giới hạn, Jorani nhất định sẽ dành ra thời gian để đến Amaravati thăm thú, ít nhiều cũng học hỏi và mở mang tầm nhìn của mình.

Vì vậy có thể xem đất nước Chăm pa này là một quốc gia đa dạng văn hoá giao thoa, cùng với tôn giáo cũng được du nhập ít nhiều, bao gồm: Phật giáo, Hindu giáo và Hồi giáo. Và trong số đó, gia đình của Krah Kaong theo đạo Bà-la-môn (Brahman), còn gọi là Chăm Ahiêr. Và nếu có nhắc đến tôn giáo Bà la môn này, phải kể đến tín ngưỡng phồn thực, mà một lát sau Jorani phải tự mình chiêm ngưỡng.

Trước hết cô và Krah Kaong phải đi bộ một quãng đường dài từ núi Cô Tiên cho đến dọc bờ sông Cái, sông này còn được gọi là sông Ea-Dran (Cù Giang), gần với núi Sạn và đối diện với Cồn Ngọc Thảo, vì tháp Bà Ponagar cũng toạ vị trên ngọn núi thấp tại địa điểm đấy.

"Ài..."

Trên đầu quấn khăn, quanh người choàng vải thổ cẩm, và cái nóng nực cứ làm cho Jorani nhễ nhại mồ hôi, dù cho gió vẫn thổi lồng lộng mang theo hương vị đặc trưng của biển (mặn và có mùi mắm cá). Cô cầm chiếc quạt đan bằng lá buông với cán gỗ, cứ phe phẩy mãi nhưng chẳng thấy khá khẩm hơn tí nào. Krah Kaong ngoái đầu nhìn sang Jorani, thấy cô ấy "vất vả" như vậy liền thầm cười rồi ôn nhu hỏi: "Cần nghỉ ngơi một lát không em? Chị thấy bàn chân em đã phồng rộp rồi đấy, có phải vẫn chưa quen đi chân trần hay không?" Jorani lắc đầu, khoác tay của Krah Kaong kéo đi thật nhanh hơn nữa, cũng tiện thể nép mình dưới bóng râm của mấy hàng cây dọc ven đường.

Mỏi chân cái gì chứ, không hề, không hề!

Lúc này kêu ca thì kì cục quá, trong lòng Jorani chẳng chê bai việc đi chân đất, mà thật ra cô còn thích thú với nó. Thậm chí cô còn cảm thấy việc đi theo Krah Kaong mang cơm đến cho Ong Kri cũng là một cách tập thể dục chứ nào phải cơ cực gì. Muốn khoẻ mạnh thì phải tập thể thao đấy!

Cứ ngồi ù lì một chỗ sẽ mục xương, bụng phệ, lưng còng... Cha cô cứ hay nhắc nhở mẹ, nhưng rốt cuộc mẹ vẫn là "em bé" lười biếng, chỉ cần mè nheo với cha một tiếng thì ông ấy liền vứt hết tất cả mọi sự nghiêm khắc và chiều theo ý bà. Không như cô và hai anh trai của mình nè, quá ư là tự giác!

Đi chân đất thì đúng là đau chân thật, có đôi khi bất cẩn còn bị dẫm phải sỏi đá là cho lòng bàn chân của cô rướm máu, cũng do phần da thịt cô quá non mềm và mỏng manh thôi. Nhưng Jorani nghĩ, đi nhiều rồi thì sẽ quen, dầm dãi sương nắng cho da thịt dày một xíu, con đường chông gai ở tương lai cũng chẳng thể khiến cô rụt rè, tự ti.

Jorani tự khích lệ bản thân, vừa đi vừa ngúng nguẩy, bằng điệu bộ ỏng ẹo của một cô nàng thành thị mới trở về quê xưa. Có hơi điệu hạnh và thiếu đoan trang, nhưng Jorani tự lấy làm trò tiêu khiển đầy thích thú để quên đi lòng bàn chân bị rát bỏng khi bước trên lớp cát đá nóng chảy của xứ thùy hải bạch điền. Krah Kaong nhìn thấy Jorani như vậy liền nguây nguẩy lắc đầu, buồn cười thay bởi vì có những lúc Jorani trông chẳng hề nghiêm túc tí nào.

Giữa đường đi Krah Kaong gặp rất nhiều người quen, tuy thái độ của họ đối với Jorani không mấy thiện cảm nhưng hiện tại cũng chẳng còn xì xầm về chuyện thân thế của cô. Và mỗi lần như thế, Jorani liền đứng thẳng người, lễ độ chào hỏi nhưng cũng chẳng biểu hiện sự nhiệt tình sởi lởi quá mức.

Việc Jorani là người lạ mặt được gia nhập và trở thành thành viên chính thức của làng tất nhiên đều phải vượt qua thử thách, có đạo đức và thực hiện nghĩa vụ tốt mới được công nhận, ngoài việc xác nhận rõ nhân thân của Jorani bởi ông bà Ong Kri và Muk Wan. Bởi vì Luật tục Adat Chăm có nói:

Ia hu halau kayâu hu agha,

An ưk hu amek halun hu Pô.

A nưk hu amek am ư,

Buol hu paley nư gar.

Có nghĩa là: "Nước có nguồn, cây có cội, con có cha mẹ, tớ có chủ, và dân có xóm có làng". Theo người Chăm, thì bộ luật của họ gọi là luật tục Adat do ông bà để lại (Adat cabac muk kay cek wơk), và các người đứng đầu, là cây cao bóng mát che chở (kayâu praun mưbat paley), cũng là chỗ dựa vững chắc cho dân làng chính là các vị: Ong taha (già làng), Po Paley (trưởng làng), Akauk guap (trưởng tộc) và vị cả sư Po Adhia (người đứng đầu cộng đồng Chăm). Bọn họ được xem là người thay mặt tổ tiên hiện diện trong cuộc sống hằng ngày để phụng sự tộc của họ (mukey diep), cũng như cúng tế tổ tiên. Là những người thâm niên, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, luôn vì mọi người và có lòng vị tha. Nếu Jorani đã được bọn họ công nhận, thì người dân trong làng cũng không còn cớ gì để bới móc hay hạch sách cô.

Việc mắng chửi, bới móc, gây gổ cũng chính là phạm tội hỗn láo (praun pabah), làm rối ren gia đình, làng xóm loạn lạc. Không chỉ bị phạt trầu rượu (alak hala) mà còn làm liên lụy, ô uế thanh danh của cha mẹ, tộc họ. Nhẹ nhất là bị Cey (Cậu) quở trách, nặng hơn thì phạt roi (cadan tuan) và ngoan cố nữa thì đành giao cho tộc họ để chịu xử phạt (jamưng havey jaw ka guap). Krah Kaong có nói, hạng người như vậy được ví là: "Miệng to hơn miệng người khác, cổ họng họ giãn ra quá chừng!" (Praun pabah dak tarakaun). Còn mấy người nói xấu người khác (dom baley uran) cũng được xem là có tội và sẽ bị thần linh xử phạt.

Jorani hiểu rõ những điều đấy, dù cho cô có lúc nóng nảy mất kiểm soát nhưng luôn cố gắng chấn chỉnh bản thân tránh tình trạng mất tự chủ gây sự hiềm khích và khiếm nhã.

Tầm khoảng một tuần trà (15 phút), Krah Kaong và Jorani đã tới chòi canh của Ong Kri. Ở góc phải xa tít giữa cánh đồng, trên con đê có một cái chòi nhỏ đơn sơ lấp ló. Nó được dựng từ những thanh tre già, mái lợp bằng cọ khô, trống trải quạnh quẽ nhưng lại vừa đủ che mưa che nắng để làm chỗ trú nghỉ giải lao.

"Con chào cha ạ!" - Krah Kaong nói khẽ, nhỏ nhẹ lên tiếng để đánh thức cha mình.

Ong Kri, người đàn ông đã qua tuổi trung niên, đang tựa lưng vào cột chòi, đôi mắt nhắm hờ, thiu thiu ngủ như tranh thủ chợp mắt sau buổi sáng làm việc mệt nhọc. Ánh nắng len lỏi qua những kẽ lá, tạo nên những vệt sáng nhấp nhô trên gương mặt rám nắng của ông.

"..."

Như cảm được tiếng bước chân cùng giọng nói quen thuộc của con gái mình, thêm một luồng gió nhẹ thoảng qua, ông Ong Kri liền mở mắt ra.

"Con đến rồi à?" - Ông vui vẻ cất lời, ánh mắt trìu mến nhìn con gái của mình, nở ra một nụ cười khỏe khoắn, dường như sự mệt mỏi đã tan biến. - "Còn có cả Jorani nữa sao?"

"Dạ!" - Jorani vui vẻ chấp tay chào ông ấy.

"Cha chờ tụi con có lâu không? Chúng con hôm nay có mang Mưthin ka-ơk (mắm chưng) và rau dớn luộc để ăn cùng cơm ạ!" - Krah Kaong khéo léo bày biện các dĩa thức ăn xuống chiếu rơm, còn rót cho Ong Kri một bát trà cúc mật (cỏ ngọt) mà Jorani đã nấu ở nhà.

Cơm trắng dẻo thơm được gói thành nắm, bọc kĩ càng trong lá chuối nên khi giở ra vẫn không hề nguội ngắt. Mắm chưng cùng với trứng, thêm một chút rau tươi thanh mát ăn vào vừa vặn với khẩu vị của Ong Kri.

"Không lâu đâu, cha cũng vừa chỉ mới lên chòi nghỉ lưng một chút thôi!" - Ong Kri nhận lấy chén cơm từ tay của Jorani rồi dùng muỗng múc ăn một cách ngốn nghiến ngon lành.

Ngoài chòi, cánh đồng mới gieo mạ nằm im lìm dưới cái nắng trưa oi ả, mạ được xếp đều đặn trên những thửa ruộng một cách tăm tắp, tựa bát ngát đến cùng tận nếu chẳng kịp nhìn thấy đường chân trời xa tít.

Từng hàng mạ non nhỏ bé vươn lên khỏi mặt nước, như những mầm sống mới đang nảy nở trong lòng đất mẹ. Đột nhiên có làn gió nhẹ thổi qua, từng đợt sóng nhỏ gợn lên trên mặt nước, làm rung rinh mỗi cây mạ non, cơ hồ khiến chúng giống như đang nhảy múa cùng với mấy câu hát khe khẽ của đất trời.

Lúc này ở bên kia có đám mây trắng xóa khổng lồ bồng bềnh lượn lờ đến, lãng đãng trôi trên nền trời thiên thanh, đôi lúc còn dám che khuất cả mặt trời để mang lại chút bóng râm mát lành, và kết hợp với màu xanh biếc của núi non tạo nên khung cảnh hoà quyện vừa hùng vĩ lại hết sức thơ mộng.

Không khí yên bình và bất chợt tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng thì thầm của gió và tiếng côn trùng kêu râm ran trong những bụi cỏ ven bờ ruộng.

Tựa hồ những ngón tay vô hình gãi ngứa tâm tình, Jorani khẽ đưa mắt ngắm nhìn, lòng ngập tràn cảm giác nhẹ nhàng, như thể mọi lo âu đã tan biến trong cái yên ả mơ màng phảng phất từ thiên nhiên.

"Cũng may đợt vừa Ong Ginôr Ribhuan Jawek (Ginôr Ribhuan - người trông coi mương nước) kịp thời cho nạo vét mương máng, đắp đập kịp thời trước cơn lũ, nhờ vậy mới không bị bồi lắng ách tắc khi phân nước!" - Ông vừa ăn vừa kể.

"Vậy ruộng nhà Srê Rông sẽ được phân nước sau cùng à cha?" - Krah Kaong cầm quạt, phe phẩy quạt cho cha mình.

"Ừ, theo thông lệ năm nay thì ruộng gò ưu tiên phân nước trước, cấy sau. Còn nhà Srê Rông là ruộng trũng sẽ gieo cấy trước, phân nước sau! Sáng nay khi mới ra ruộng, cha đã được Ong Seo Kèng Thang (Seo - người liên lạc) thông báo, nên đành sai đám tá điền (Bâr) cấy mạ trước tiên!"

Jorani mới thắc mắc: "Chị Krah Kaong, tại sao chúng ta lại cấy lúa vào mùa này vậy? Chẳng phải thông thường đều cấy lúa vào vụ lúa mùa hay sao? Theo em biết, nông dân thường bắt đầu tầm tháng 11, 12 Chiêm lịch và thu hoạch vào tháng này..."

"Lúa chúng ta khác với những chỗ khác, còn gọi là lúa Chiêm xuân!" - Krah Kaong bắt đầu giải thích cặn kẽ.

Đó là một loại lúa đặc thù có khả năng trồng ở ruộng trũng. Loại lúa này tận dụng nguồn nước còn sót của vụ mùa lại để sinh trưởng, đồng thời giảm nguy cơ ngập úng vào cuối mùa thu hoạch khi mưa xảy ra sớm. Tuy nhiên, lúa Chiêm cũng có thể gặp khó khăn nếu được gieo cấy quá sớm và gặp gió Lào sớm, dẫn đến hiện tượng mất mùa và thất thu. Nguyên nhân là vì lúa Chiêm, khi cấy sớm hoặc trong điều kiện thuận lợi như năm ấm và nhiệt độ cao, sẽ phát triển nhanh và trổ bông sớm, thường vào khoảng tháng Hai. Nếu vào thời điểm này có gió Lào, lúa Chiêm sẽ chỉ còn lại hạt lép.

Mùa gặt lúa Chiêm thường phải đối mặt với mưa sớm và lũ tiểu mãn, gây ra hiện tượng lúa bị đổ, ngã rạp trên ruộng. Đặc biệt, lúa Chiêm thường được trồng ở ruộng trũng và có chiều cao lớn, thế nên rất dễ bị đổ ngã. Khi lúa bị đổ, việc thu hoạch bằng liềm trở nên khó khăn. Do đó, nông dân phải sử dụng công cụ đặc biệt gọi là cái hái để cắt lấy phần bông lúa, trong khi phần cây còn lại được để lại trên ruộng và sau đó được cày vùi để làm phân.

Krah Koaong giải thích, rồi nhắc đến lễ khai mương đắp đập (Paleh jamưng tăm) vào tháng 4 Chăm lịch. Do vụ lúa Chiêm Xuân thực hiện vào mùa khô, cần phải tưới nước chủ động, vì vậy trên mỗi cánh đồng lớn đều có một đập nước lớn để tưới tiêu, và người quản lí đập nước là Ong Binưk tên là Bari Kên.

Ngoài ra Krah Kaong còn nhắc đến việc cấm khai thác rừng đầu nguồn, khai hoang rừng rẫy ở gần đập nước để tránh hư hại, sụp lỡ đất và bị phạt vạ. Jorani càng nghe càng say mê, cô chỉ ước gì mình đem theo một cuốn sổ duối để ghi chép cặn kẽ hơn, sau này cũng có thể được dùng làm tư liệu học tập. Thực nghiệm vẫn hơn lí thuyết chứ nhỉ?

Nhưng Jorani vẫn muốn trao đổi thêm một ít về thâm canh mạ, ví dụ như chọn giống mạ như thế nào, nên cô đành mạo muội hỏi Ong Kri: "Ong Kri, con có thể hỏi cha về đặc điểm của giống mạ chúng ta dùng được không ạ? Chỉ là con thấy hơi thắc mắc một tí!"

Ong Kri thấy được tinh thần hăng hái học hỏi của Jorani, và sự tập trung hết sức cao độ khi nghe Krah Kaong phiên dịch nên ông cũng không giấu diếm mà thật tình chia sẻ.

Các giống xuân sớm này thường có thời gian sinh trưởng tầm 190 ngày, có thể gieo mạ sớm khi trời ấm, thích hợp cấy ở các chân ruộng trũng. Nên chọn loại mạ ngạnh trê to gan, đanh đảnh có 7 đến 8 lá. Hơn nữa, khi nhổ mạ đó đi cấy thì phải lựa bộ rễ ít bị ổn thương, không bị các loại sâu bệnh như: đục thân, rầy, đạo ôn, khô vằn.

Jorani có hỏi về việc bón phân ở giai đoạn 3 lá, bởi vì cây lúa non có khả năng hút chất dinh dưỡng rất tốt, nhất là khi có lá thật đầu tiên, nó đã hút đạm rất mạnh. Sự tiêu hóa nội nhũ giữa hai phương thức bón và không bón rất khác nhau, nếu bón lót đầy đủ thì có thể tạo ra các lá to hơn và hình thành nhiều rễ hơn. Quy luật này theo Jorani được học thì có thể áp dụng cho cả hai loại lúa thường và lúa lai.

Kể cả việc ngâm ủ mạ cũng rất là quan trọng, phổ biến thì áp dụng phương thức "hai nước - hai cạn", nghĩa là ngâm hạt giống 48 giờ, sau đó ủ tầm 2 ngày đêm. Nhưng cô thấy nó vẫn có nhược điểm riêng của nó, theo Jorani đọc trong sách thì đã tích lũy được một số phương pháp cải tiến khác khi xử lí thóc giống, ngâm và ủ hạt giống của mình, kỳ thực cô chưa dám mạnh dạn để chia sẻ, nên cô chỉ me mé ám chỉ chút đỉnh thôi.

Kỹ thuật thâm canh hiện tại của Ong Kri chính là phương pháp mạ giâm. Tuy nhiên, các phương pháp bón phân cho mạ vẫn còn quá truyền thống, bởi vì ở hiện tại chưa có các loại phân bón tích hợp cho nâng suất cao. Nhưng cũng may thay vì cô cũng có tìm hiểu các cách thức ủ phân tự nhiên, nên cô đã dọ hỏi Ong Kri thử ủ phân ure bằng rơm, lá khô, hoặc bằng phân gia súc. Điều đáng tiếc duy nhất là cô không có cách để chế tạo kali clorua, nếu không có thể đạt năng suất tốt hơn bằng cách bón thúc kết hợp với urê ở giai đoạn đầu.

Jorani lại quay sang Krah Kaong, tiếp tục hỏi lan man đến chuyện nuôi cá ruộng, vì cô biết một số loại cá nước ngọt được sử dụng sử dụng trong Đông y như một loại nguyên dược liệu như: cá trắm, chép, lươn và chuối có tác dụng chữa trị mồ hôi trộm, khí đờm hư, ích khí, tăng tiết sữa và chống mệt mỏi. Thế mà Krah Kaong lại trả lời rằng dân vùng biển thường chỉ thích ăn cá biển hơn, bởi họ cho rằng cá nước ngọt ăn tanh và nhạt hơn, thậm chí thịt cá còn không chắc thớ như thịt cá biển.

Ừm, không phải đâu!

Jorani âm thầm phản bác.

Hầu hết các loài cá đều phát ra mùi tanh, và điều này đặc biệt rõ rệt ở cá biển. Nguyên nhân chính là do sự hiện diện của một tuyến niêm dịch nằm dưới lớp da của cá. Tuyến này tiết ra một hợp chất gọi là trimethylamine (TMA), có công thức hóa học là NH₃(CH₃)₃, chính là nguyên nhân gây ra mùi tanh đặc trưng của cá. Trong điều kiện nhiệt độ bình thường, trimethylamine dễ dàng bay hơi và phát tán vào không khí, làm cho mùi tanh trở nên dễ nhận biết hơn. Do đó, mùi tanh của cá thường được cảm nhận rõ ràng hơn trong môi trường xung quanh. Còn nữa, mỗi loại cá đều có hàm lượng dinh dưỡng riêng biệt, cũng có mùi vị đặc trưng của nó khi biết chế biến đúng cách và nấu nướng bằng các công thức nấu ăn hay ho.

Jorani lại nghĩ rằng nuôi thêm một loại cá nào đó cũng đâu có gì phiền phức, thậm chí chỉ cần tận dụng thức ăn trong ruộng là được, ví dụ như nuôi cá trắm cỏ để ăn rong, ăn cỏ. Mà nơi trú ẩn của cá cũng có sẵn, theo cô quan sát được độ rộng và độ sâu của mấy con mương này cũng rất vừa vặn dành ra một chỗ chuôm. Mặt lợi khác của nuôi kết hợp cá trên ruộng là cá có thể tiêu diệt một số thiên địch hại lúa như các loại sâu; nhờ đó, không phải dùng thuốc bảo vệ lúa, vừa đỡ tốn tiền lại giữ được môi trường sạch sẽ. Áp dụng thêm hình thức nuôi luân canh thì quá hợp lý đối với vụ Chiêm trái mùa, canh tác bấp bênh này.

Với ruộng 1 vụ lúa và 1 vụ cá, sau khi thu hoạch lúa xong, thực vật thủy sinh bậc cao như lúa chết lại có cơ hội phát triển vững vàng, trở thành món ăn ngon lành cho các loài cá ăn thực vật. Đồng thời, lượng mùn bã hữu cơ phong phú từ những cây lúa chết cũng giúp các chú cá có bữa ăn no nê. Theo như cô biết, sức sinh sản của cá trắm cỏ khá "okela" (OK) đấy! Trên những khu ruộng trũng, vốn lúa vào vụ hè thu có phần không ổn định, nếu chuyển sang nuôi cá ruộng và thả một lượng cá trắm cỏ vừa phải, thì sản lượng chung có thể đạt tới hơn 1 tấn mỗi hectare mỗi năm.

Đó là một cách dễ dàng để biến những ruộng lúa có nguy cơ rủi ro thành những bể cá thành công mà thu lợi nhuận nhiều hơn nữa!

"Nhưng Ong Kri ơi, con cũng rất muốn thử món cá nước ngọt từ ruộng làng mình một lần! Chắc hẳn nó sẽ tuyệt vời lắm khi kết hợp với gạo Chiêm và các món Mưthin của chúng ta đấy!" Jorani nheo mắt cười, giọng nói của cô ngọt ngào như mật, đầy chân thành và hào hứng.

"Được thôi!"

Ong Kri cảm thấy ngạc nhiên với khối lượng kiến thức mà Jorani có, tuy ngoài mặt cô bé khiêm tốn không dám thể hiện, nhưng thực chất những biện pháp mà cô bé gợi ý càng hữu ích cho mùa màng vụ lúa hơn. Lúc này Ong Kri hoàn toàn có cái nhìn khác đối với cô ấy, không chỉ ở phương diện ấn tượng phiếm diện.

Ông ấy cũng âm thầm ghi nhớ những câu hỏi bâng quơ của Jorani, và vụ mùa này có năng suất cao hay không thì ông phải bàn bạc với nhà Srê Rông và thử nghiệm mới được.

Sau khi trò chuyện với Jorani, Ong Kri cảm thấy bữa ăn của mình trở nên ngon miệng hơn bao giờ hết, như thể từng miếng thức ăn đều được thêm hương vị của những ý tưởng mới mẻ và hứng khởi.

"Các con ở chơi một lát rồi trở về nhà luôn sao?" - Uống xong chén trà tráng miệng, Ong Kri đưa mắt nhìn hỏi. Krah Kaong mới

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC