dao mo but ki

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đạo mộ bút ký – Phần 2 chương 1

Chương 1: Xà mi đồng ngư

Editor: Tiểu Phong Hoa

Beta: Thanh Du

*****

Nắp hộp chầm chậm mở ra, bên trong là khoảng trống to cỡ ngón tay út, đặt một con cá đồng nho nhỏ. Con cá thoạt nhìn rất bình thường, nhưng chế tác rất khéo léo, đặc biệt bên trên mi mắt cá còn có một hình rắn cực kỳ sống động. Tôi vô cùng kinh ngạc, rốt cuộc vật này quan trọng đến nhường nào mà được cất giữ kỹ càng như vậy?

Chú Ba lúc đó vừa bước vào, trên tay cầm một chiếc đèn xì, thấy hộp đã mở ra thì không nén nổi sửng sốt: “Làm sao mở ra được? Cháu mở kiểu gì thế?”

Tôi kể cho chú chuyện về dãy số kia, chú nhíu mày nói: “Càng ngày càng rối như mớ bòng bong, xem ra đám người Mỹ kia không chỉ đơn giản là đến đổ đấu đâu.”

Chú cầm con cá đồng lên, đột nhiên sắc mặt biến đổi hẳn, a một tiếng: “Đây chẳng phải là xà mi đồng ngư (1) sao?”

Thấy dường như chú biết điều gì đó, tôi vội hỏi, chú bèn lôi từ trong túi ra một vật đưa cho tôi. Thoạt nhìn tôi đã lập tức nhận ra đây cũng là một con cá đồng tinh xảo, chỉ nhỏ cỡ ngón tay út, trên mi mắt là hai con rắn biển được chế tác rất công phu, tỉ mỉ đến từng cái vảy, hẳn là cùng một nguồn gốc với con cá trong hộp. Chỉ có một điều làm nó không hoàn mỹ, chính là những cáu bẩn màu trắng đục như vôi dính rất chắc ở các rãnh vảy trên mình cá. Tôi vừa nhìn đã hiểu, liền nói: “Đây là hải hóa?”

Chú Ba gật đầu. Tôi giật mình, hải hóa chính là đồ cổ đào dưới biển lên, bình thường chỉ là vài món gốm sứ Thanh Hoa. Vớt đồ dưới biển dễ hơn đào trên mặt đất nhiều, vì đa phần đồ cổ đều nằm lộ ra ở đáy biển, nhưng dưới đó đầy vi sinh vật, đồ vớt lên thứ nào cũng lấm tấm thứ chất bẩn màu trắng này, tẩy đi không phải chuyện dễ nên giá trị cũng giảm đi nhiều.

Tôi ngẩn người, theo tôi biết thì chú Ba làm quái gì có hứng thú với mấy thứ rẻ tiền này, mới hỏi: “Chẳng lẽ chú cũng từng ra biển đổ đấu?”

Chú Ba gật đầu nói: “Chỉ duy nhất một lần thôi, chú thực sự hối hận chết đi được. Nếu hồi đó chú chịu ở lại, không đi lội vào cái vùng nước chết đó, có lẽ giờ đã con đàn cháu đống chứ chẳng chơi.”

Chuyện của chú Ba, tôi cũng biết được chút ít. Chú Ba trước kia có yêu một cô, cũng thuộc hàng anh thư nữ kiệt, nghe nói hai người bọn họ quen nhau dưới đấu. Cô gái kia tên Văn Cẩm, thoạt nhìn dịu dàng yểu điệu, không giống dân mò vàng thuộc Bắc phái. Chú Ba yêu cô ấy được năm năm, trong năm năm ấy nàng thì dùng tầm long điểm huyệt, chàng thì dùng tham huyệt định vị, cả hai được xưng là một đôi “Thần điêu hiệp lữ” trong giới đào mộ, nhưng về sau cô bỗng dưng mất tích. Tôi chỉ nghe nói trong lúc vào đấu thì biến mất, một cô gái mà làm nghề này quả đúng là không thích hợp. Mọi người trong nhà đều vô cùng thương tiếc, nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ con, chưa hiểu được nhiều chuyện đến vậy. Chú Ba thẫn thờ như tượng gỗ mất hơn một tuần, trông rất thương tâm, may mà dần dần cũng đỡ. Chuyện cũ tôi nhớ không được rõ ràng, giờ nhìn thái độ chú hình như đang muốn kể, tuy trong lòng nôn nóng vô cùng nhưng cũng không nên tỏ ra quá háo hức, chỉ hỏi: “Chuyện xảy ra khi đó, phải chăng là ở cái đấu trên biển?”

Chú Ba thở dài: “Hồi đó, bọn chú đều còn trẻ, cô ấy có mấy người bạn học là một đội khảo cổ. Họ đã loáng thoáng đoán được chú làm nghề gì, chú cũng nghĩ chẳng có gì phải giấu giếm vì họ đều là người tốt. Về sau, họ đi Tây Sa (2) nghiên cứu một con thuyền đắm, chú đi theo, không ngờ…” Chú ngừng một chút như không muốn nhớ đến điều đã xảy ra “…không ngờ thứ chìm xuống đáy nước lại lớn như vậy.”

Chuyện tình mười mấy năm trước của chú xem ra cũng lắm nhiêu khê. Chú Ba kỳ thực chẳng có tí kinh nghiệm nào đối với đổ đấu ngoài biển, nhưng bị ái tình làm mờ mắt, trước mặt cô Văn Cẩm kia ba hoa khoác lác tự tâng mình lên tận trời xanh, vì thế mới theo đội khảo cổ ra biển. Họ bao nguyên một con thuyền của ngư dân, mò mẫm liền hai ngày thì tới được rặng đá ngầm ở phía tây. Nơi đó vốn là một trong những đoạn hung hiểm nhất của con đường tơ lụa trên biển thời cổ đại, thuyền chìm vô số. Chú Ba vừa đặt chân xuống liền đờ ra, đáy biển nơi nơi đều là đồ sứ Thanh Hoa vỡ nát, nhiều đến không ngờ.

Văn Cẩm giải thích cho chú rằng, những thứ này đều là đồ đạc trên thuyền đắm bị nước biển cuốn ra đây. Trước kia, ngư dân chỉ cần quăng một mẻ lưới là kéo lên được bốn năm thứ đồ gốm dễ như trở bàn tay, nhưng bọn họ đều cho rằng đây là vùng nước của Hải Long vương, những đồ vớt lên đều đem trả lại cả.

Đáng tiếc là đồ đều đã vỡ nát hết, chẳng còn thứ nào nguyên vẹn, mà cho dù có tìm được thì bên trên cũng chi chít sinh vật biển kí sinh, rất khó tẩy sạch. Bạn học của Văn Cẩm nhìn ra giá trị khảo cổ to lớn của đống đồ sứ, vô cùng hưng phấn, chú Ba cảm thấy trước mắt một mảng trống rỗng, đau lòng muốn chết, nghĩ bụng mẹ kiếp, sao ta không sinh ra vào cái lúc chìm thuyền cơ chứ. Chú không nghĩ ra, thời đó thì sứ Thanh Hoa đã chẳng phải là đồ cổ.

Họ quanh quẩn dưới đó có hai ba ngày thôi mà đã tìm được rất nhiều sọt đồ sứ. Chú Ba được thể thị uy, đối với đồ sứ thì chú nắm rõ như lòng bàn tay, cầm bừa một thứ lên là có thể thao thao bất tuyệt đến nửa ngày, nhanh chóng trở thành thủ lĩnh tinh thần của cả nhóm khảo cổ. Chú họ Ngô, tên Tam Tỉnh, những người trẻ hơn đều gọi chú một tiếng anh Tam Tỉnh. Chú nghe mà lâng lâng, đúng là tự đem mình đặt lên đầu người khác.

Đến ngày thứ tư thì xảy ra chuyện. Có một người trong nhóm bơi xuồng cao su đi nhưng đến hoàng hôn vẫn chưa trở về. Mọi người vô cùng sốt ruột, liền nhổ neo thuyền lớn đi tìm, ra đến núi đá ngầm cách rặng đá chừng hai kilômét mới tìm được con thuyền mắc cạn ở đó, người thì tuyệt không thấy bóng dáng.

Chú Ba thấy gay go, nghĩ thầm có thể người đó xuống nước mò tìm thứ gì đó, không may xảy ra chuyện, vội đem theo trang bị lặn xuống tìm kiếm ngay trong đêm. Mò mẫm đến nửa đêm cuối cùng cũng tìm ra thi thể của người đó chân kẹt ở dãy san hô, đã ngấm nước đến trương phình. Họ kéo thi thể lên, chú Ba thấy trong tay anh ta còn nắm chặt một vật, cạy mở ra thì thấy con xà mi đồng ngư. Tuy mất mất một người, mọi người rất đau khổ nhưng chú Ba vẫn tỉnh táo nhận định rằng dưới đáy nước có thể có gì đó, bằng không đêm hôm người kia cũng không liều lĩnh tới nơi này.

Chú Ba đoán rằng ban ngày khi tìm kiếm (cột mình vào bên dưới thuyền để lặn), anh ta đã nhìn thấy gì đó nhưng không nói ra, đến đêm lén lút quay lại xem xét mới gặp chuyện không may. Đương nhiên chú không hề nói ra ý nghĩ của mình, người giờ đây cũng đã chết rồi, nói ra cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thế nhưng xà mi đồng ngư đang nắm trong tay này chắc chắn là một gợi ý.

Hôm sau, chú Ba đem chuyện của anh ta ra kể, đương nhiên là chỉ nói: Đồng chí A vì sự nghiệp khảo cổ, cố gắng làm thêm giờ ca đêm, nào ngờ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Nhưng nhìn vào thành quả lao động mà anh cầm trong tay, có thể kết luận hẳn là đồng chí này đã phát hiện được điều gì đó dưới đáy biển. Anh đã đem sinh mệnh của bản thân đổi lấy xà mi đồng ngư này, cho nên chúng ta không thể phụ tấm lòng anh, vân vân và vân vân. Động viên một thôi một hồi, mọi người đều khôi phục tinh thần, vì vậy mới đến vùng biển xảy ra tai nạn, xuống nước tìm tòi may ra thì được manh mối nào đó.

Bọn họ tìm thấy dưới mặt biển hơn bốn mươi tảng đá neo thuyền rất lớn (một bộ phận trên neo thuyền cổ), kiểu dáng kích thước giống y như nhau, bên trên có khắc chữ nhưng đã mờ đi gần hết. Chú Ba đoán, bốn mươi tảng đá này nếu không thả xuống từ bốn mươi chiếc thuyền kiểu cách giống nhau như đúc thì cũng từ cùng một chiếc thuyền. Tưởng tượng cũng đủ biết, bốn mươi con thuyền chiến không thể đồng thời chìm nghỉm một lượt nên dưới này chắc chắc có một chiếc thuyền khổng lồ, lớn đến độ phải dùng bốn mươi mỏ neo mới cố định nổi.

Chú Ba đã quá thông thuộc lịch sử, vừa nhìn quang cảnh này trong lòng liền nảy ra một giả thiết bạo gan. Chú ngoi lên mặt nước rồi nói với Văn Cẩm: “Đây có lẽ là mộ thuyền táng dưới đáy biển.”

Chương 2: Hai tầng tường mộ

Editor: Biển

Beta: Thanh Du

~oOo~

Hoàn cảnh của chú Ba và Văn Cẩm hoàn toàn khác nhau, chú Ba là thổ phu tử, nếu không sinh ra trong một gia đình có nghề gia truyền là đổ đấu thì hẳn đã trở thành thổ phỉ rồi, bất cứ việc gì cũng nghĩ đến chữ lợi trước tiên, nhìn người tất nhiên cũng xuất phát từ chữ lợi. Văn Cẩm lại không giống thế, cô là người đi du học về, tư tưởng có phần tiến bộ hơn, đi đổ đấu chủ yếu là do cảm thấy thích thú, hơn nữa vừa đổ đấu lại vừa có thể làm khảo cổ, cho nên ngay khi nghe chú Ba nói vậy, cô lập tức nghĩ đến giá trị khảo cổ của ngôi cổ mộ này. Lúc đó cô liền đem suy nghĩ của mình nói với bạn học.

Mộ thuyền táng dưới đáy biển vô cùng hiếm hoi, trong truyền thuyết dùng phương thức chôn cất giống như thế này có lẽ chỉ có con trai của Thẩm Vạn Tam, vậy nên suy nghĩ của Văn Cẩm hẳn là vô cùng lương thiện. Tuy thế chú Ba lại có chút khó xử, bởi chú vừa nghĩ tới chuyện những thứ vớt được đều phải đem sung hết vào công quỹ thì rất lúng túng. Nhưng Văn Cẩm quả thực biết cách xử lý, một nụ cười mỉm, tiếp đó là một cái hôn liền biến chú Ba từ một lục lâm hảo hán thành một nhà nghiên cứu khảo cổ cấp quốc gia, hơn nữa lại còn làm việc hết mình.

Hôm đó chú Ba cân nhắc cả một đêm, từ trước đến giờ chú vẫn chưa đổ đấu dưới biển lần nào cả, lại vừa ba hoa thổi phồng trước mặt người khác, ngày mai không thể hiện một chút thì không xong. Chú nghĩ, dưới biển không thể hạ xẻng được, thứ nhất là không thể ra sức, đóng xẻng không xuống nổi, thứ hai coi như đào ra được đi, thì bùn đất dưới biển với trên mặt đất hoàn toàn khác nhau, nói thẳng ra là kinh nghiệm hoàn toàn không có tác dụng trong chuyến này. Chú nhớ đến bản bút ký ông nội đã ghi lại, ông nội tôi quả thật đã từng đổ đấu dưới biển vài lần, nhưng ngoài việc xem xét địa hình là chủ yếu ra cũng không còn có phương pháp đặc biệt nào khác.

Thuyền mộ táng dưới đáy biển, chính là xây dựng lăng mộ trên một con thuyền, sau đó tìm một thung lũng hoặc rãnh biển, đục thủng thuyền, làm cho mộ chìm xuống, sau đó phủ kín đất lên, thật ra thì cũng giống như trên đất liền, chỉ là đem đổi xuống dưới biển mà thôi. Theo chú Ba phỏng đoán, nơi bọn họ đang lưu lại ban đầu chắc chắn là một khe biển nhỏ, sau này bị lấp bằng. Lúc thuyền chìm xuống, bốn phía tất nhiên cần rất nhiều neo để cố định, như vậy vị trí chôn cất chắc chắn nằm trong khu vực trung tâm của những cái neo còn sót lại hoặc lệch sang một chút.

Chú Ba càng nghĩ càng thấy có lý, tức khắc lòng tràn đầy tự tin. Ngày hôm sau,thời tiết cũng thuận lợi, chú cùng những người kia xuống nước, dùng dây thừng nối những hòn đá neo lại rồi đánh dấu điểm trung tâm. Chú hạ xẻng xuống vài chỗ trong khu vực đó, quả nhiên phát hiện bên dưới vị trí hơi lệch về phía đông của trung tâm có vài mẩu gỗ vụn.

Tiếp theo, bọn họ sử dụng phương pháp định vị truyền thống, không ngờ lại xác định được một địa cung cực lớn xây theo hình chữ “Thổ” (土), do hai phòng phụ, hai phòng bên đối xứng, một hành lang chạy giữa cùng một gian hậu điện tạo thành, diện tích ước chừng hơn một nghìn mét vuông. Trong đó lớn nhất là hậu điện, chiều dài hơn 30 mét, chiều rộng khoảng hơn 10 mét, xem ra đó chính là nơi đặt quan tài.

Chú Ba ngẩn người, thầm nói ai da, trong cái đấu này là nhân vật cỡ nào, coi bộ thật không đơn giản. Quy mô như thế này có thể đem so sánh với cả Hoàng lăng.

Buổi tối hôm đó, mọi người phấn chấn đến độ không ngủ được, cả nhóm ngồi vây lại một chỗ,vừa ăn canh đầu cá với hải sản tươi sống, vừa thảo luận tìm cách vào bên trong ngôi mộ. Chú Ba phân tích cho bọn họ kết cấu của mộ thuyền táng, mồ mả sợ nhất là nước, không biết hiện tại minh điện phía dưới có bị nước vào hay không, nếu đã bị nước vào, chỉ cần đục tường chui qua để vào là được rồi, họ đều có đồ lặn, hẳn sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu mộ thất bên dưới vẫn còn kín thì quả là khó xử lý, bởi vì một khi bị đục thủng, nước tràn vào có thể gây nên tai nạn khó lường. Dựa theo mảnh gỗ lấy lên từ xẻng thăm dò, xem ra bên dưới vẫn còn có không khí. Khu mộ này vô cùng rộng lớn, rất dễ hình thành kết cấu mao dẫn, nhiều khả năng bên dưới có mấy căn phòng vẫn chứa đầy không khí.

(Kết cấu mao dẫn: kết cấu lợi dụng áp suất không khí để ngăn nước tràn vào. Cả ngôi mộ chia làm nhiều căn phòng hẹp và cao, bên trên bưng kín giữ không khí, dù nước tràn vào một số phòng trong mộ thì những phòng còn lại cũng không bị ảnh hưởng.)

Những lý luận này chú Ba rút ra từ kinh nghiệm nhiều năm đi trộm mộ của bản thân, chú nói xong, mấy con mọt sách sững sờ ngồi ngẩn cả ra. Cuối cùng, chú tổng kết lại vấn đề khó khăn nhất bây giờ là làm sao để mở một lối vào. Dưới đáy nước toàn là cát, không thể định hình được, lại rất dễ bị lún, đào động không phải chuyện chơi, ở dưới nước mà bị đè ép căn bản chỉ có một con đường chết.Bàn bạc tới lui một hồi, cuối cùng họ quyết định dùng cách như trên mặt đất, trên thuyền có thuốc nổ ngư dân dùng để đánh cá, đầu tiên dùng thuốc nổ tạo hố đất ở một bên, đồng thời thổi bay luôn lượng cát dễ gây sụt lún trên mặt, sau đó tại mặt đáy rắn chắc hơn mở một đường dốc xuống dưới, khối lượng công việc tuy lớn nhưng mọi người đều bừng bừng phấn chấn. Theo chú Ba dự đoán, có lẽ sẽ mất khoảng một tuần, vấn đề là cái xác kia vẫn còn ở trên thuyền, nếu không mau đưa về sẽ bốc mùi lên mất.

Cuối cùng họ nghĩ ra một cách vẹn cả đôi đường, để thuyền lớn đem thi thể kia về trước,  còn họ làm việc trên thuyền nhỏ, vì mấy ngày nay thời tiết rất tốt nên mọi người không hề có chút lo lắng nào. Họ kết ba chiếc thuyền nhỏ lại với nhau, sau đó đem toàn bộ những trang thiết bị cần dùng đặt lên một khối đá ngầm.

Ngày hôm sau thuyền lớn trở về, chú Ba cảm thấy có chút bất an. Thuyền lớn đi rồi thì ở lại trên biển thật không an toàn chút nào, nhưng lúc ấy bọn họ bị ngôi mộ lớn kia làm cho mê muội, nghĩ được một chút lại vùi đầu vào công việc. Lối vào mở ra khá thuận lợi, nhanh hơn nhiều so với tính toán của chú. Đúng bốn ngày sau, đến khi bọn họ đào được đến vách tường của ngôi mộ, chiếc thuyền kia vẫn chưa quay lại, cả nhóm bắt đầu lo lắng. Chú Ba biết lúc này chỉ có cách cho tiếp tục công việc mới có thể duy trì được trật tự ổn định, nếu không sợ rằng mọi người sẽ hoang mang, liền an ủi cả nhóm, hoặc thỉnh thoảng nói vài lời cổ vũ khích lệ để dời đi sự chú ý của mọi người.

Bọn họ kiểm tra một khối tường mộ trong động, chú Ba gõ thử, thì ra những viên gạch đó đều rỗng ruột, có lẽ là để giảm bớt trọng lượng của cả mộ huyệt, nếu không dù thuyền có lớn đến mấy, đáy thuyền cũng không trụ nổi. Chú thấy cứ cách ra năm thước lại xuất hiện một lỗ nhỏ có đường kính bằng chiếc bút máy ở trên tường, xem ra từ lúc thiết kế, ngôi mộ này đã lấy nước để niêm phong, bên trong hẳn là ngập đầy nước. Bọn họ hạ quyết tâm, bắt đầu dỡ gạch.

Trước khi vào mộ chú Ba đã từng nghĩ, ở trong nước như thế này, cơ quan ám khí gì cũng vô dụng, bởi vì sức cản của nước biển quá lớn, nếu như có nỏ ngầm, cho dù chưa mục nát thì tốc độ mũi tên bắn ra cũng rất chậm. Cạm bẫy cũng không thể có, chưa nói đến chuyện bẫy không sập xuống được, mà cho dù bẫy có sập xuống chăng nữa thì vẫn có thể bơi lên. Còn các loại cạm bẫy kiểu đá rơi hay tương tự thế đều dùng thủy ngân để kích hoạt, ở trong nước hoàn toàn không linh nghiệm, vì thủy ngân trong nước chảy rất chậm, hơn nữa còn dễ bị lan ra. Thật ra thì nước vốn tự nó đã là một cơ quan trí mạng rồi, thời xưa không có những trang bị dưỡng khí như bây giờ, hoàn toàn không thể đi đổ đấu dưới biển, cho nên khả năng có cơ quan trong ngôi mộ này vô cùng nhỏ.

Họ dỡ tường mộ xuống, bên trong là một mảng đen kịt trống huơ trống hoác, chú Ba biếtkhông trông chờ gì được vào mấy người này, liền ra hiệu bọn họ đừng hành động gì vội rồi tự mình mở đèn đi vào kiểm tra, chỉ thấy phía trước một mét lại có một vách tường. Mặt vách tường này dùng loại gạch lớn hơn nhiều so với lớp tường ngoài, hơn nữa giữa các khe đều được trát kín bằng đất sét trắng. Chú Ba ở giữa hai vách tường soi đèn quan sát xung quanh một chút, phát hiện trên đỉnh của bức tường thứ hai có một cái cửa mộ hình vuông rộng chừng nửa mét. Chú Ba hiểu được đại khái, cái mộ này xem ra không thể đào đường mà vào được.

Sau khi ngoi lên mặt nước, cả nhóm tập hợp lại trên tảng đá ngầm để bàn bạc, chú Ba nói: “Ngôi mộ này có hai tầng tường mộ, giữa hai lớp tường chứa đầy nước biển, sau đó trên lớp tường thứ hai làm một lối đi vào bên trong hướng lên trên để ngăn nước vào, thiết kế như vậy hẳn là không gian bên trong không có nước, lợi dụng nguyên lý khí áp để giữ lại một phần không khí trong mộ thất. Giờ chưa biết đường vào mộ kia dài bao nhiêu, ngày mai ba người trong chúng ta sẽ xuống đó, mỗi người mang theo bốn bình dưỡng khí, thử xem có thể cầm cự được đến nơi không.”

Bọn họ ngồi đó bàn bạc tới lui mấy lần, chú Ba thì nhất định phải xuống rồi, hai người còn lại phải lựa chọn kỹ càng, bởi lẽ nếu bên trong không có nước, tình hình rõ ràng phức tạp hơn nhiều, có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Sau đó, đột nhiên Văn Cẩm la hoảng lên, cả bọn sợ hết hồn, thì ra không biết từ khi nào, tảng đá ngầm bọn họ đang ngồi đột nhiên cao lên. Chú Ba nhìn xuống dưới, chỗ họ ban đầu cách mặt biển chưa tới nửa thước, bây giờ đã thành hơn năm thước.

Chú Ba cảm thấy có gì đó không ổn, ngẩng đầu nhìn lên thì thấy ở phía xa trên đường chân trời có một luồng đen đang tiến tới gần. Trong số bọn họ có một nam học sinh tên là Lý Tứ Địa, cha mẹ cậu ta là ngư dân, vừa nhìn thấy tình cảnh này liền sợ đến tái mặt, nói: “Bão lớn sắp tới rồi!”

Chương 3: Bão lớn

Edit: Popochan

Beta: Thanh Du

˜˜º˜˜

Kỹ năng bơi lội của Lý Tứ Địa rất tốt, những việc cần làm dưới nước đều do cậu ta phụ trách. Cậu ta nói: “Trong vòng một giờ ở đây chắc chắn sẽ có một cơn bão lớn, nước biển rút xuống nhiều như vậy chính là bằng chứng. không bao lâu nữa nước biển sẽ bị áp suất thấp hút tới đây tạo thành một cơn sóng thần cỡ nhỏ, chúng ta chỉ có ba chiếc xuồng cao su bé tẹo, e là tình hình không được lạc quan cho lắm.”

Cậu ta đã nói hết sức khéo léo, nhưng chú Ba nhìn nét mặt cậu ta cũng hiểu đợt này bọn họ chết chắc rồi. Những người ở đây đều chưa trải sự đời nên cả đám đều sợ đến tái mặt, có mấy nữ sinh đã bật khóc.

Chú Ba nắm lấy tay Văn Cẩm, phát hiện lòng bàn tay cô đã ướt đẫm mồ hôi, hẳn là cực kì sợ hãi. Khi đó chú Ba cũng chưa từng trải qua chuyện tương tự, nhưng nghề của chú chính là đổ đấu nên đã có sẵn tố chất cực kỳ tốt. Chú liền nhắc nhở bản thân không được hoảng loạn, nếu hoảng loạn thì thực sự không còn chút cơ hội nào!

Chú kiểm tra lại nhân số, lúc mới đến đây nhóm khảo sát có tất cả mười người, giờ một người đã chết, một người theo thuyền lớn trở về để báo cáo với cấp trên sự cố và phát hiện dưới biển. Bây giờ chỉ còn có tám người, chú Ba hỏi Lý Tứ Địa: “Cơn bão đó sẽ kéo dài bao lâu?”

Lý Tứ Địa nói: “Bão mùa hạ thường diễn ra rất nhanh, đại khái khoảng mấy chục phút là xong, nhưng lúc đó nước biển tối thiểu sẽ dâng lên năm sáu mét, đến lúc ấy toàn bộ đoạn đá ngầm này đều bị ngập.” Cậu ta lắc lắc đầu, “Dù chỉ kéo dài mấy chục phút cũng không phải là chuyện đùa, bị sóng đánh nếu không đụng phải đá ngầm thì cũng bị cuốn chìm xuống biển, không phải tôi hù dọa anh mà chuyện này thật sự là rắc rối lớn.”

Đầu óc chú Ba rất nhanh nhạy, nháy mắt đã đưa ra vài phương án rồi lại lập tức bác bỏ. Lên xuồng chèo về? Không được, có chèo mau đến mấy cũng không thoát được cơn bão. Dùng bình dưỡng khí lặn xuống dưới nước? Đáy biển xung quanh mỏm đá ngầm này, chỗ sâu nhất cũng chỉ có hơn bảy mét, căn bản không khả thi.

Chú Ba thấy đáy biển lúc này đã có thể dùng mắt thường nhìn thấu, đột nhiên một kế hoạch vô cùng mạo hiểm hiện ra trong đầu chú như tia sáng lóe lên trong bóng tối. Tình cảnh lúc ấy căn bản không cho phép cân nhắc kĩ càng về tính khả thi của nó, chú nói với những người kia: “Chúng ta cũng không cần nghĩ nhiều như vậy, mọi người tập trung bình dưỡng khí lại xem còn bao nhiêu oxi, chúng ta xuống dưới cổ mộ tránh đi một lúc!”

Chú Ba đã

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net