24/1/2023. TẾT VÀ CHUYỆN MỪNG TUỔI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện lì xì.

"Con không làm ra tiền thì cũng đừng có lì xì, chừng nào đi làm có tiền đi rồi hẳn lì xì".

Thật sự là mình khá ngại khi phải nghe câu này từ mẹ mình, cũng chẳng biết sao. Ngày Tết, thứ mà mọi người mong chờ nhất chắc là lì xì, có lẽ thế nhưng câu chuyện về thay đổi nhận thức của đồng tiền còn nhiều hơn thế.

Mình nghĩ đây là lần đầu tiên mình lì xì nên có nhiều cái không biết. Mỗi bao đỏ mình bỏ 50k, chắc cũng nhiều. Thấy thiếu thiếu, vài hôm trước ra ngoài cây ATM rút thêm 200k (chắc cũng nhiều) định bụng bữa nào mua cái gì đó có tiền lẻ rồi bỏ vào. Vì là lần đầu nên có hơi thiếu thiếu, mùng 2 Tết ngồi tâm sự với nhỏ em họ sau khi lì xì cho đứa cháu hơn 1 tuổi, mình mới nói với nó.

"Chắc năm sau chị lì xì ít lại, có gì năm sau không phải 50k thì em thông cảm cho chị nha".

"Có gì đâu chị, bao nhiêu có quan trọng đâu".

"Chắc chị phải thay đổi suy nghĩ về tiền. Em có thấy bây giờ chuyện lì xì bị vật chất hóa không? Nghĩa là bây giờ người ta chỉ chú ý đến trong cái bao nó có bao nhiêu chứ đâu phải là tấm lòng hay lộc đầu năm như hồi trước đâu.

Mà trẻ con bây giờ nếu không có nhận thức đúng đắn về tiền bạc, sau này dễ sử dụng phung phí và sinh hư. Vì vậy, chị không muốn bị nói là ' nó không có đi làm mà sao nó có tiền nó lì xì' vậy thì dễ sinh nghi ngờ cũng như là mấy đứa nhỏ có khi năm sau nó cũng hỏi 'ủa năm trước cô lì xì 50k mà, sao năm nay có 20k vậy cô', hỏi vậy biết trả lời như nào".

Nói về mình, mình không phải là đứa đã được bố mẹ cho sử dụng tiền từ nhỏ vì sợ sử dụng phung phí, cũng như là hồi đó mình hiền lắm, không biết gì nên sợ bị dụ dỗ, và bố mẹ cũng đi làm suốt nên cũng không có thời gian dạy mình về tiền và cách sử dụng nó.

Thật ra, mình thấy câu nói của mẹ cũng có phần đúng nhưng bản thân mình lại nghĩ khác. Cũng có nhiều người như bố mẹ mình sợ mình không biết sử dụng tiền như lý do ở trên nhưng bây giờ mình nghĩ:

"Giờ khác rồi, mình phải có ý thức sử dụng đồng tiền dù là mình làm ra hay ai đó cho vì thương mình đúng lúc đúng chỗ. Thử nghĩ xem, nếu bây giờ mình không có nhận thức đúng về tiền bạc, sử dụng phung phí và không có kiến thức về nó thì chắc chắn sau này không chỉ mình, mà con mình trong tương lai cũng sẽ như vậy. Suy nghĩ lệch lạc, cứ nghĩ tiền làm ra là dễ lắm, rồi nó không chịu nỗ lực, lỡ vi phạm pháp luật thì sao?".

Từ đó, mình mới biết về việc này, nhưng để hiểu thì còn rất xa. Để nghĩ về điều đó, có vài lý do.

1. Thấy ý nghĩa của sự cho và nhận.

Có đôi lần, mình thấy vài thiếu sót của chính bố mẹ mình khi nuôi dạy mình và em trai, đến giờ mình mới có thể cảm nhận được điều đó. Từ nhỏ đến giờ, mình và em trai được nhận mọi thứ của bố mẹ mà không nói gì vì mình là con của bố mẹ mình, điều đó chứng tỏ không chỉ tiền bạc mà những thứ khác tốt nhất thì bố mẹ cho hai chị em mình vô điều kiện vì bố mẹ yêu thương hai đứa như nhau.

Điều này không sai nhưng đến một lúc nào đó, mình lại cảm thấy mình không muốn chia sẻ những thứ mình có cho bất kỳ vì mình sợ những thứ đó không còn nữa, nó thật sự ... quá ích kỷ.

Viết ra những dòng này mình cảm thấy có hơi tự ái và miễn cưỡng vì mình còn thiếu sót nhiều quá. Khi còn bé, mình và các em nhỏ tuổi và lớn hơn những em bé khác thì đều được dạy: người lớn phải nhường cho người nhỏ hơn.

Điều này không sai nhưng nó cũng không hẳn là đúng. Xét về mặt tâm lý, chúng ta luôn muốn có những thứ mà mình muốn, và khi bất giác nhường lại những thứ đó cho những người khác, chúng ta sẽ có cảm giác bị mất đi thứ mình mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu tại sao khi đó bố mẹ hay những người thân lại muốn chúng ta làm như vậy, chỉ biết là lớn phải nhường nhỏ.

Khi lớn lên, dù có hơi ít trải nghiệm, cũng chưa có nhiều suy nghĩ chín chắn nhưng đâu đó, mình nhận thức được rằng là mọi thứ mà bố mẹ hay những người khác cho mình, chỉ là vì thương và mình cũng không có quyền phải đòi hỏi quá nhiều.

Chính bản thân mình cũng mâu thuẫn lắm, không biết phải nghĩ làm sao dù mình cảm thấy việc mình làm cũng không có gì là sai, chỉ đơn giản là mình muốn mừng tuổi cho mấy đứa nhỏ hơn mình, cũng xem như là phần cho đi, và tiền thì cũng có đầu ra và đầu vô.

Nói tới đây thì cũng thấy ngại vì mình dễ tự ái. Rõ ràng, cũng có đôi lúc mình đòi hỏi quá nhiều ở một ai đó chứ không chỉ riêng bố mẹ mình. Mình từng nghĩ: "sau này nhất định phải sống bằng chính sức mình, đi học và ăn ở cũng phải từ tiền của mình mà ra, không được ỷ lại vào người khác".

À thì ... nó cũng đúng ấy nhưng chưa đủ. Ỷ lại khác với giúp đỡ, ỷ lại có nghĩa là dựa dẫm, và giúp đỡ chính là mình nhờ ai đó hỗ trợ khi mình thật sự cần.

Mình cảm thấy có một sự mâu thuẫn lớn giữa chính mình khi còn nhỏ và lúc lớn lên. Có lẽ, mình cũng chưa bao giờ tự hỏi: "tại sao là anh chị phải nhường nhịn trẻ nhỏ?".

Bản thân mình lúc nhỏ cũng không nghĩ đó là thiên vị, nhưng càng lớn lại càng thấy có những lúc mình nhận thức và có những lời nói sai lệch về đồng tiền. Cứ mỗi lần Tết về, lì xì xong là lại hỏi: lì xì được bao nhiêu?

Càng lớn, mình muốn có ý thức giữ chuyện riêng tư, nhất là liên quan đến chuyện tiền bạc, dù ít dù nhiều chắc cũng sẽ không nói. Điều mình sợ nhất trong chuyện tiền bạc chính là không chỉ hỏi bao nhiêu, mà còn là ... sợ chính mình không biết cho đi.

2. Trong tương lai, mình muốn dạy con về tiền bạc.

Khi nghĩ về điều này, mình cũng tự hổ thẹn với bản thân vì không biết gì về tiền, không biết chi tiêu ra sao cho hợp lý và thống kê chúng như thế nào. Tuổi 23 nhưng nhận thức của mình chỉ bằng 1 đứa trẻ 10 tuổi, đồng thời khi ở vị trí của 1 người con, lại nhìn thấy thiếu sót của bố mẹ, đồng thời nếu ở vị trí của 1 người mẹ lại không biết về tài chính cá nhân khiến mình cũng chẳng biết rằng sau này mình có dạy con tốt được hay không?

Mình cũng nhận thức được việc dạy trẻ con về tiền bạc quan trọng như thế nào. Lý do khi còn nhỏ bố mẹ mình không cho mình sử dụng tiền thì mình có nói ở trên, một phần khác là nói đến vấn đề tiền bạc đôi khi nó cũng rất nhạy cảm, không nên nói và có đôi lúc, đến tận bây giờ thì vẫn hỏi: "mày để dành được bao nhiêu, tài khoản có bao nhiêu tiền".

Mình biết bố mẹ lo cho mình, sự lo lắng ấy có một phần chính đáng, nhưng đâu đó ở vị trí của bố mẹ, nếu mình hỏi về chuyện con mình có bao nhiêu tiền thì chẳng phải giống như lúc đi học là mình luôn hỏi con mình được bao nhiêu điểm hay sao?

Ở vị trí của 1 người con, thứ mà mình quan tâm nhất chính là cảm nhận của bản thân. Mình không có ý kiến gì về câu hỏi của bố mẹ mình về chuyện tiền bạc, nhưng mình cảm thấy đâu đó vẫn không có sự tinh tế, cũng như là khi lớn rồi mà lại để bố mẹ hỏi như vậy cũng là 1 phần lỗi khi chưa chịu trách nhiệm được về chuyện tiền bạc.

Nếu sau này, ở vị trí của 1 người mẹ, chuyện tiền bạc sẽ là 1 câu chuyện hoàn toàn khác. Mình không muốn giấu con mình hay không cho con mình sử dụng tiền như cách bố mẹ mình dạy mình khi còn nhỏ vì sẽ thật nguy hiểm và vô nghĩa nếu trẻ con không biết gì về tiền bạc. Và mình nghĩ, việc thay đổi suy nghĩ về đồng tiền là điều không sớm thì muộn, nhưng không muộn thì cũng sớm.

3. Giảm tiền lì xì, nhưng vẫn đảm bảo đồng đều.

Thay vì năm nay mình lì xì cho mấy em 50k, thì từ năm nay mình rút kinh nghiệm để năm sau giảm tiền lì xì xuống mức có thể xem là phù hợp với bản thân. Tuy mức này có thể thấp, nhưng nếu ở một phương diện nào đó người ta có thể cảm thấy vui vì người ta được nhận cái "lộc" của mình chứ không phải là mình lì xì bao nhiêu.

Hơn nữa, tiền lì xì đang mất đi những ý nghĩa của nó khi người ta chỉ quan tâm đến việc là mình được nhận bao nhiêu chứ không quan tâm đến việc nhận lộc đầu năm như khi xưa. Thậm chí, bây giờ trẻ nhỏ còn mở cả phong bao xem là được lì xì bao nhiêu. Nếu mà rơi vào hoàn cảnh đó, mình cũng cảm thấy hơi chột dạ cho mấy đứa nhỏ vì cách giáo dục của bố mẹ và ý thức chung của mỗi người (viết đến đây thấy mình còn quá trẻ để nghĩ về những chuyện này).

Mình rất sợ chính bản thân mình lại phân biệt mấy đứa em trong nhà vì lì xì không đồng đều, tuy nhiên năm nay là năm đầu mình làm việc đó nhưng mình nghĩ mình đã rút được kinh nghiệm cho việc này. Tuy tài chính có hạn, nhưng mình muốn làm sao để cho nó đồng đều nhất chứ không phải chưa làm ra tiền, chưa đi làm thì không được lì xì.

Mình mong muốn, sau này chính bản thân mình và hơn hết là con mình đều nhận thấy ý nghĩa của việc cho và nhận, giúp đỡ và cảm thông trong cuộc sống. Tuy mình có chút nhạy cảm và tự ái cao vì cái tôi của mình lớn, nhưng mình hiểu việc này hoàn toàn cần thiết và nó ảnh hưởng đến chính mình sau này.

4. Đưa lì xì về đúng với bản chất của nó.

Lì xì là 1 nét đẹp của ngày Tết, mình nhớ năm mình 6 tuổi là đưa hết số tiền đó cho mẹ giữ để để giành tiền đóng tiền học. Những lúc đi học, thấy bạn bè có tiền mua đồ ăn hay đồ chơi mình cũng muốn mua nhưng nhìn lại là thấy: "mình đâu có tiền đâu mà mua", lúc đó cũng có hơi tủi thân một chút.

Nhưng đó không phải là lý do quá chính đáng, cũng chẳng thể dùng nó để bao biện. Vậy, mình mong muốn điều gì thông qua việc lì xì?

Thứ 1, chỉ là lấy lộc đầu năm

Nói chung là lấy may mắn, không quan tâm chuyện tiền bạc trong năm cũ.

Thứ 2, nhớ về chuyện lì xì như là mừng thêm 1 tuổi mới và như là 1 tập tục của Tết, sau đó là mừng tuổi các em nhỏ tuổi hơn.

Thứ 3, lì xì đồng đều, không phân biệt lớn nhỏ.

Thứ 4, lì xì như 1 khoản cho đi và biết đâu nhận lại được nhiều hơn thì sao.

Thứ 5, học cách quản lý đồng tiền nói chung và tài chính cá nhân nói riêng (về khoản tài chính thì mình sẽ đọc thêm sách và tham gia worksop vào ngày 9/2/2022).

Thứ 6, thay đổi nhận thức về tiền, sử dụng tiền cho hợp lý.







Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net