Nữ Nhi Hồng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đoản: Nữ Nhi Hồng

Năm Liễu Tịch sáu tuổi.

Liễu Tịch cùng phụ thân ngồi dưới tán cây hoa đào trước cửa. Năm nay hoa nở muộn, chỉ còn hai ngày nữa là đến giao thừa, nhưng trên cành chỉ toàn là nụ còn xanh. Liễu Tịch ngước lên nhìn phụ thân đang nhâm nhi ly trà nóng, ông cũng nhìn nàng rồi mỉm cười. Dường như nhớ ra điều gì đó, ông bế nàng lên đặt lên đùi, rồi chỉ vào gốc cây đào hỏi:

"Tịch nhi, con có biết dưới gốc cây đó chôn gì không?"

Liễu Tịch lắc đầu. Ông ôm nàng sát thêm một chút, giọng nói trở nên mềm mại:

"Ngày con sinh ra, ta đã chôn dưới đó một vò nữ nhi hồng. Đến khi con thành thân, cũng là lúc đào nó lên để phu thê các con uống rượu hợp cẩn..."

Nàng mở đôi mắt tròn xoe nhìn phụ thân:

"Rượu hợp cẩn là gì ạ?"

"Khi lớn lên con sẽ biết."

Năm Liễu Tịch bảy tuổi.

Hôm nay là mồng một Tết, tiếng pháo nổ khắp thôn, người người nhà nhà nôn nao đi chúc Tết. Liễu Tứ một tay xách hai vò rượu, một tay dắt Liễu Tịch quần áo dày cộm ra cửa.

"Phụ thân, chúng ta sẽ đi đâu vậy?"

Ông xoa đầu nàng:

"Chúng ta đến nhà Diệp bá bá chúc Tết!"

Con đường mà mỗi ngày Liễu Tịch cùng mẫu thân đi dạo vào buổi chiều hôm nay nhộn nhịp hẳn, người người chen nhau mặc cho tiết trời lạnh giá cười nói rộn ràng. Liễu Tịch ngước đầu ngắm nhìn khắp nơi, đến khi nàng phát hiện một người bán kẹo hồ lô thì mắt không rời được. Kẹo hồ lô không phải hiếm, nhưng ngày thường mẫu thân chẳng bao giờ mua cho nàng ăn, ăn nhiều răng sẽ đau. Liễu Tứ phát hiện ánh mắt chăm chú của nữ nhi nhà mình, liền không nghĩ ngợi mua cho nàng một xâu. Nàng sung sướng cầm nó trên tay, ngắm nghía mãi mới cho một viên vào miệng. Vị ngọt bao quanh quả sơn trà chua chua khiến nàng thích thú không thôi.

Diệp gia cũng không phải đại hộ, mà chỉ mở một quán ăn nhỏ trong trấn, ngày Tết quán không kinh doanh, trước cửa treo thêm hai câu đối đỏ đầy hỉ khí. Liễu Tứ dắt Liễu Tịch bước vào, ông cùng Diệp lão trò chuyện chúc Tết, Diệp lão vui vẻ bảo nàng cứ ra sân sau nhà chơi.

Sân nhà Diệp lão trồng đầy hoa mai, tiết xuân lạnh lẽo, tuyết hôm nay đã bắt đầu rơi đọng lại trên từng cánh hoa đỏ rực rỡ. Liễu Tịch đưa tay lên chạm vào phiến hoa mỏng kia thì sau lưng nàng phát ra tiếng gọi:

"Ngươi làm gì đấy?"

Nàng giật mình quay đầu lại, suýt chút nữa thì rơi xâu kẹo hồ lô trên tay. Trước mặt nàng là một thiếu niên tầm mười tuổi, khuôn mặt hắn tuy vẫn còn non nớt nhưng đã toát ra vẻ anh tuấn hơn người. Trên tay hắn là một quyển sách, mặt mày hắn khó chịu nhìn nàng. Nàng run run trả lời:

"Muội... muội chỉ sờ vào hoa..."

"Ngươi rõ ràng là định bẻ cành mai nhà ta!" Hắn nói giọng chắc nịch.

"Muội không có!"

"Ngươi có!"

Liễu Tịch bị dọa đến run lên, nàng bắt đầu òa khóc:

"Hu hu, ca ca, muội không có thật mà..."

Nam nhi dù lớn hay nhỏ, sợ nhất vẫn là nước mắt nữ nhân. Vì thế hắn cuồng quýt chạy đến lấy tay áo chùi nước mắt cho nàng rồi dỗ:

"Được rồi, ta biết rồi, ngươi không có bẻ."

Vậy mà nàng lại chẳng chịu dừng khiến hắn càng hoảng:

"Được rồi ca ca xin lỗi ngươi, ca ca có lỗi, muốn ta đền không?"

Liễu Tịch bớt khóc, ngẩng đầu lên nhìn hắn, rồi nàng lắc đầu ý bảo không cần đền. Hắn dẫn nàng vào nhà, khẽ phủi hết tuyết trên vai nàng. Liễu Tịch nãy giờ vẫn im lặng nhìn hắn, bỗng nàng nói:

"Ca ca, huynh tên là gì?"

"Ta là Diệp Thanh Thành"

"Ca ca ăn kẹo hồ lô không?" Nàng chìa xâu kẹo ra trước mặt hắn.

Diệp Thanh Thành nhìn xâu kẹo mấy cái, nuốt một ngụm nước bọt rồi nói:

"Phụ thân dặn nam tử không ăn đồ ăn vặt của nữ nhi!"

Liễu Tịch suy tư một chút, rồi nàng lấy tay cầm một viên kẹo hồ lô đưa lên miệng hắn:

"Cái này coi như ta ép huynh ăn, vậy là huynh không có cãi lời phụ thân rồi!"

Diệp Thanh Thành suy nghĩ một chút rồi ngậm viên kẹo hồ lô, môi hắn vô tình sượt qua ngón tay của nha đầu bảy tuổi đó. Vị kẹo hồ lô ngọt ngọt chua chua cùng xúc cảm mềm mại từ môi truyền đến khiến hắn đỏ mặt, Liễu Tịch nhìn hắn ăn kẹo thì khẽ mỉm cười.

Năm Liễu Tịch mười bốn tuổi.

Nàng trên tay cầm một hộp điểm tâm, đứng bên cửa sổ nhà Tô tiên sinh nhìn vào, Diệp Thanh Thành đang ngồi trong đó cùng các đồng học ê a đọc chữ. Ở quê nàng, nữ nhi không được đi học, nên nàng chỉ có thể ở ngoài. Lát sau hết giờ, Diệp Thanh Thành bước ra, nàng thấy hắn thì vội chạy đến, dúi hộp điểm tâm vào tay hắn.

"Thanh Thành ca ca, bánh hoa quế muội mới làm đó!"

Diệp Thanh Thành gật đầu rồi nói cảm ơn, sau đó tạm biệt nàng rồi hòa vào đám đông đồng học tiếp tục trao đổi bài vở.

Hầu như ngày nào cũng thế, chỉ cần khi tan học, mọi người đều có thể thấy Liễu Tịch cầm trên tay một hộp điểm tâm đưa cho Diệp Thanh Thành. Cả trấn ai cũng bảo hai đứa nhỏ sẽ nên duyên.

Năm Liễu Tịch mười sáu tuổi.

Diệp lão đến nhà cầu thân, Liễu Tứ vui mừng chấp thuận. Hai bên bàn chuyện cưới hỏi, ai nấy cũng vui mừng. Liễu Tịch nấp sau màn, lòng nôn nao khó tả.

Nhưng hôm đó lại thiếu mặt Diệp Thanh Thành.

Phong tục trấn Linh Hàm, con gái lấy chồng phải tự may lấy giá y, nên nàng ngày ngày ở nhà, cặm cụi bên vải đỏ.

Ba tháng sau, giữa chiến tranh ở chiến trường, trấn Linh Hàm ngày ngày bình yên có tiếng pháo nổ mừng thông gia hai nhà Diệp Liễu. Liễu Tịch ngồi trên kiệu hoa đơn sơ, nghe tiếng pháo, tiếng kèn hòa lẫn tiếng người chúc mừng.

"Tịch nhi đúng là tốt số, thằng bé A Thành vừa giỏi văn lại được mẹ ngày xưa là người trong võ đường dạy võ cho, văn võ song toàn sánh duyên cùng nó đúng là chuyện tốt!"

"Liễu Tịch vừa xinh đẹp lại ngoan hiền, A Thành lấy được nó mới là diễm phúc!"

Tiếng bàn tán ngày càng xa, đến cửa nhà họ Diệp, nàng bước xuống kiệu hoa, được bà mối dẫn vào bái đường. Sảnh đường đông đúc, tân nương một thân áo đỏ đứng đó, nhưng mãi chẳng thấy tân lang đâu. Người làm quán cơm nhà họ Diệp bỗng từ đâu chạy ra, đưa lên một tờ giấy rồi lớn tiếng hô:

"Lão gia, công tử hôm qua nghe tuyển binh liền ghi danh rồi đi theo quân đội rồi!"

Mọi người hốt hoảng nhìn nhau, không ai hiểu lý do vì sao hắn lại bỏ đi như vậy. Liễu Tịch cả người như đông cứng, nàng cố níu lấy vạt áo, ngăn cho nước mắt không rơi.

Trong bức thư hắn để lại, chỉ có mấy chữ dành cho nàng:

"Liễu Tịch, ta xin lỗi."

Năm Liễu Tịch hai mươi tuổi.

Nàng cúi người giặt áo bên bờ sông, ta ở kế bên, không kìm được mà hỏi:

"Tịch Tịch, sao ngươi vẫn chưa lấy chồng đi, đợi hắn làm gì?"

Nàng lấy tay quệt mồ hôi, mỉm cười:

"An Hiên, ta đã là con dâu nhà họ Diệp rồi, sao có thể lại xuất giá?"

"Nhưng ngươi còn chưa bái đường mà?"

"Ta đã bước vào cửa rồi!"

Ta vẫn không hiểu sao, nha đầu này qua bốn năm rồi vẫn kiên quyết ở lại nhà họ Diệp chăm sóc vợ chồng Diệp lão, giúp họ làm việc nhà như một đứa con dâu, trong khi ngày hôm ấy nàng có thể quay về nhà mẹ để tìm một nhân duyên mới.

Ta lại hỏi nàng:

"Ngươi dựa vào đâu mà cho rằng tên kia sẽ về với ngươi chứ?"

"Chàng ấy xin lỗi ta, vì chàng ấy phải lên đường vì nước, vậy thì khi hết chiến tranh, chàng sẽ trở về."

Ta chỉ biết lắc đầu.

Năm Liễu Tịch hai mươi chín tuổi.

Phụ mẫu nàng qua đời, còn sức khỏe cha mẹ chồng nàng cũng ngày một yếu đi.

Nàng về lo hậu sự cho phụ mẫu, dặn dò đệ đệ phải chuyên chí làm ăn rồi quay về Diệp gia.

Năm Liễu Tịch ba mươi hai tuổi.

Diệp lão phu nhân hơi thở nặng nhọc nằm trên giường, nắm lấy bàn tay đã chai sạn của nàng, bà rơi nước mắt nói:

"Con dâu tốt, xin lỗi, đứa con bất hiếu của ta làm khổ con..."

Rồi bà cũng ra đi.

Năm ấy, cha mẹ chồng nàng chết, Diệp Thanh Thành vẫn chưa về.

Năm Liễu Tịch ba mươi tám tuổi.

Nàng hỏi ta:

"An Hiên, ta bây giò có phải rất xấu không, chàng ấy có phải sẽ chê ta không?"

Ta lắc đầu:

"Không, ngươi vẫn còn xinh đẹp lắm!"

Chiến tranh đã kết thúc hơn hai tháng, Diệp Thanh Thành vẫn chưa về.

Năm Liễu Tịch sáu mươi tám tuổi.

Đôi tay nàng đã nhăn nheo, không còn mềm mại như đôi tay nha đầu năm xưa đút cho thiếu niên một viên kẹo hồ lô chua chua ngọt ngọt, mắt nàng đã mờ dần, khó có thể may vá thêu thùa.

Tuổi già nhàn hạ, Liễu Tịch chiều nào cũng ra bờ sông kế cổng trấn nhìn ra cổng, mong sẽ thấy được hắn trở về. Chờ qua từng ngày, từng ngày, bất chấp cơn ho từ bệnh cũ hành hạ, nàng vẫn ngày ngày ra bờ sông đợi hắn.

Cuối cùng nàng cũng đợi được.

Đoàn xe ngựa đông đúc, tiếng chiêng trống tưng bừng chào đón Diệp lão tướng quân về thăm quê cũ. Thì ra hắn lập chiến công lớn ở chiến trường, được phong làm tướng quân, phong quang vô hạn. Nàng vui vẻ về nhà đón hắn, hắn đang ở từ đường, quỳ gối trước bài vị tổ tiên, kế bên hắn là con cháu đầy đàn. Một tiểu hài tử bước đến trước mặt hắn, vui vẻ ôm cổ hắn kêu ông ngoại. Diệp Thanh Thành cùng nó cười ôn nhu, xoa đầu nó, khen ngoan.

Nước mắt trong hốc mắt khô cằn của Liễu Tịch rơi xuống, nàng suốt bao năm nhịn không dám khóc, sợ khóc thì hắn ở chiến trường sẽ gặp xui xẻo, nàng là đợi hắn về, để hắn ôm nàng vào lòng, cho nàng khóc trong hạnh phúc.

Nhưng không phải, tất cả đều là nàng tự ảo tưởng, tự mơ mộng suốt mấy chục năm dài.

Liễu Tịch dùng hết sức bình sinh chạy về nhà mẹ, hũ rượu chôn dưới gốc cây đào ngày ấy vẫn còn, nàng dùng tay cố đào nó lên, đến khi bàn tay nhuốm máu. Liễu Tịch ôm hũ rượu thất thểu ra ngoài bờ sông, nàng ngửa cổ tu từng ngụm. Rượu loang khắp người nàng, thấm ướt vạt áo sẫm màu già nua, làm lạnh thêm trái tim nàng đã đông cứng. Cơn bệnh cũ lại đến, nàng ho một trân tê tâm liệt phế, rượu hòa lẫn máu từ trong miệng nàng chảy ra. Nhưng nàng vẫn cứ uống, càng ho lớn nàng càng uống. Rượu hòa máu chảy xuống sông, nhuốm đỏ một khoảng sông, như màu hoa mai đỏ năm ấy trong sân nhà thiếu niên kia.

"Ca ca, huynh tên là gì?"

"Ta là Diệp Thanh Thành."

Ở trấn Linh Hàm có một phong tục, nhà nào nếu sinh nữ nhi, người cha sẽ chôn dưới gốc cây trước sân một vò rượu, đến ngày nàng xuất giá mới đào lên uống chúc mừng.

Rượu đó gọi là Nữ Nhi Hồng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net