dong song phang lang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

DÒNG SÔNG PHẲNG LẶNG
TÔ NHUẬN VỸ

    Đây là một trong những dự án chế bản ebook mà các thành viên của TVE muốn gửi tới tất cả các bạn yêu thích sách. Món quà này chúng tôi muốn gửi đến các bạn trong dịp Tết Tân Mão 2011. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện dự án và chế bản ebook Dòng sông phẳng lặng tập 2. Trong quá trình thực hiện ebook, không thể tránh khỏi một số lỗi. Nếu có sai sót, rất mong được các bạn góp ý để đội thực hiện dự án dòng sông phẳng lặng rút kinh nghiệm và sửa chữa trong những dự án sau.
   
    Ebook được thực hiện bởi các thành viên TVE:
    Chụp ảnh: trang111111
    Đánh máy: trang111111, meomatlon, Ella_mEn, piyemingo, chiili, gillian_dh, saccauvong, matamun, to_you, thuthaokt8x và một số thành viên TVE khác.
    Soát lỗi chính tả: meomatlon
    Chế bản ebook: meomatlon
    Ngày hoàn thành: 28/ 01/2011

Mục lục
1
2
3
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21

TÔ NHUẬN VỸ

DÒNG SÔNG PHẲNG LẶNG

Tiểu thuyết
(Tập 1)


1

Mưa tầm tã mấy ngày rồi. Mùa mưa này có những trận mưa dai não ruột. Cả vùng giải phóng bên này phá Tam Giang sũng nước. Vùng dưới, mưa ít, khô ráo hơn nhưng chỉ lật nhát đất nước đã đùn lên. Vùng trên thì nước đầy đồng. Miệt giáp Hương Thuỷ, bước ra khỏi nhà là phải chèo ghe. Gió lạnh lùa giật những lùm tre toe tướp vì bom trong những trận càn trước, làm cho chúng thêm tã tượi, hiu hắt. Cây cối cũng lạnh cóng lại. Và thế, đồng nước càng mênh mông hơn. Không gian mưa càng lạ lùng, xa lạ. Trên đồng không một bóng người. Giá yên hàn thì dù mù trời mù đất vì mưa, cũng có từng đoàn ghe câu bủa lưới, từng tốp nơm cá gáy ngoài bàu lách vào ruộng. Và đêm đến, chấp chới ánh đèn dọc các ruồng tre, bờ mương. Người ta đi bắt ếch cụ cõng nhau. Một loáng được cả chục đôi. Vài đôi thịt ra cũng bằng con gà.

Nhưng lúc này, chỉ đây đó trong các lùm cây là có bóng người. Họ ướt mèm, và nòng súng hướng về làng bên kia cũng đang bì bụp. Nòng súng cũng lạnh, run run. Du kích bố phòng.

Đang giữa một trận càn của địch.

Địch đánh hơi thấy chủ lực ta lên núi. Chúng sục khắp. Lực lượng càn là mấy tiểu đoàn sư Một. Bọn Mỹ phối hợp phi pháo. Pháo Phú Bài từng chập bắn qua. Pháo hạm đội cả bầy câu vào. Pháo quận Phú Thứ giọt tứ phía, rời rạc. Cả hai khẩu trăm linh năm ở đồn Quảng Xuyên chết tiệt cũng ùm ùm ủm ủm vài quả đây đó, nghe phát tức. Cái đồn sống giữa ruột vùng giải phóng Phú Vang. Ngày thường nó bị du kích Ba Lăng, Quảng Xuyên rọ lại. Mấy ngày nay có chủ lực về, nó nống ra với bọn Phú Thứ ti toe chọc lên, phối hợp với mấy mũi của sư Một từ Huế ào xuống.

Có lúc pháo các nơi cùng dậy lên. Đó là lúc một mũi của chúng xáp du kích. Có khi chỉ vấp một quả lựu đạn gài đầu xóm. Trời nắng, tiếng đại bác vang xa. Trời mưa, giữa trận mưa dai dẳng, tưởng tiếng đại bác nhỏ đi, nhưng lại cứ oành oành tức tức. Trời nắng thì sức vang của đại bác cũng bị bốc hơi chăng. Còn mưa, tiếng đại bác cứ trần trụi đấm thẳng vào tai mọi người. Đại bác dừng, lại bì bụp súng nhỏ.

Trên trời, những chiếc trực thăng UH.1H chở quân, lấy xác rè rè rền rền. Từng đoàn từng tốp cứ đáp xuống tưng lên. Những chiếc UH.1B phành phạch, loay hoay ở tầng trên. Lời lãi của tụi Tếch-xtơn bội thu trong từng tiếng phành phạch.

Hèn gì chúng hung hăng như những con chó chạy quanh người lạ, chực người ta sơ ý là nhào vô đớp. Trực thăng quần đâu, bộ binh địch tới đó. Đầy không gian vùng giải phóng phía Nam Huế là tiếng mưa, tiếng gió, tiếng pháo hạng nặng và tiếng tàu bay trực thăng rè rè phạch phạch.

Không phải chỉ chủ lực lên núi. Một số đơn vị địa phương nữa. Không ít cán bộ băn khoăn. Sao lại rút hết sạch vậy? Có bao giờ thế! Để cho chúng hoành hành xăm hết cơ sở vùng này sao? Băn khoăn. Thắc mắc. Có vài tiếng kêu:

- Trên bỏ mặc cán bộ vùng này à?

- Đồng chí nói ai bỏ? Ai bỏ!

Tất nhiên, kể cả đồng chí nói, cũng hiểu rằng, trên không bao giờ quên, dù một phút một giờ cái vùng ăn chịu, cái vùng đau thương mà quật cường bao năm trời này.

Trận càn đã đánh một đòn vào lực lượng cán bộ phía Nam. Mùa mưa là mùa “vớt cá nổi” của địch. Nước ngập hầm ngập hố, nhiều anh em chạy khan. Chạy đâu dấu chân đó. Tin tức hầm bí mật bị lật cứ liên tiếp truyền đi, làm ảm đạm thêm không khí mùa mưa. Nghe tin địch lập tuyến chữ nhất Phú Thứ - Quảng Xuyên – doi múi Hà, cắt đôi vùng giải phóng Phú Vang. Ở vùng trên nữa, chúng ting Biệt chính, Nghĩa quân, Bảo an đánh phá An – Bích – Thiên và Ân – Tài –Thiện.

Địch hung hăng. Chúng âm mưu không cạn, không ai không biết. Nhưng một điều khác, rõ như ban ngày, là: chúng sợ ta vượt qua “tuyến chữ nhất”, tấn công Huế.

***

Chị Hạnh trải nắm đậu xanh lên cái thớt gỗ đã sứt sẹo. Chị dóng tai nghe loạt đại bác vừa dập xuống đâu phía Lương Viện. Rồi vuốt cái chai lít cho hết bụi, chị ngồi xổm, lăn. Mưa đã tạnh. Trong nhà chỉ có tiếng lắc cắc của đậu xanh vỡ. Anh Thất ngồi ở mé phản, quần vẫn xắn, thò ra đôi ống chân gầy gò. Anh châm điếu thuốc đã tắt tự lúc nào. Tiếng đậu xanh vỡ như kéo anh ra khỏi một dòng suy nghĩ. Chị Hạnh ngừng tay xây lại:


- Thì anh cởi nịt súng ra mà nghỉ chút đã.

- Chị Hạnh này...

- Chi anh?

Anh Thất gỡ một miếng bùn gần khô ở đầu gối. Anh nhìn ra khoảng tối ngoài sân, và như đón nghe cả loạt đại bác Phú Bài vừa chuyển làn xuống Mộc Trụ, Trường Hà.

- Chuyện gạo tới mô rồi?

Chị Hạnh để chai vào rá, phủi phủi tay và thở dài

- Gay quá anh nờ... Mà trận càn này sao dai – Nhìn anh Thất, chị Hạnh biết anh sắp nói một chuyện khác chứ không phải chuyện gạo. Chuyện gạo anh ấy bàn với Đảng uỷ rồi và Đảng uỷ xã cũng đã nói với chị. Nhưng chị vẫn trả lời điều anh Thất vừa hỏi – Gay lắm. Địch càn tứ tung, ở Quận chúng nó lại cấm mua nhiều.

Anh Thất coi cả mấy vùng. Nhưng chuyện gạo thì xã chị là một trong những nơi phải gánh nặng, nên anh ấy hỏi tần mần mãi.

Còn anh Thất, anh rẽ vào nhà Chị Hạnh tối nay đúng là vì một chuyện khác. Anh hỏi, giọng vẫn trầm trầm và ít ỏi:

- Còn chuyện con Cúc?

Chuyện đó rồi... Chị Hạnh nhìn ngọn đèn dầu phụng.

- Tui chỉ lo hắn còn dại đờ dại đệt...

Anh Thất cười tủm. Vậy là ổn rồi. Giọng anh vui vui:

- Chỉ có chị kêu hắn dại. Hai mươi rồi hè?

- Cháu mới mười chín hơn. Hắn sương nặng gánh đầy(2) thì giỏi, còn công chuyện hệ trọng đó tui lo lắm anh à.

Anh Thất lại cười tủm. Nụ cười khiến khuôn mặt anh thêm gầy. Chỉ có đôi mắt là trẻ.

- Vậy cho nó ở nhà nghe?

Chị Hạnh bửng lửng:

- Dạ... không phải! Là tui nói... Giao cháu cho Đảng, cho anh tui yên lòng rồi. Mà o hắn cũng thương cháu, lại ở một mình.

Anh Thất không cười nữa. Mắt anh chớp chớp. Anh thong thả nói với chị Hạnh:

- Cháu nó không dại mô. Mà đâu phải chỉ có mình nó. Chị học nghị quyết rồi đó.

- Dạ.

- Giai đoạn thong thả qua rồi chị Hạnh à. Ăn nhau là lúc này đây.

- Dạ tui biết. Chi bộ có học.

- Cháu nó đã là đồng chí... – ngừng một lát, anh lại nói bằng giọng nhỏ hẳn – Anh em tin mới giao. Chị động viên cháu.

Bỗng một tiếng oà làm hai người giật mình. Nơi cửa, một cô gái đỏ bừng mặt, bụm miệng cười. Và sau cô, một anh chàng độ bê-rê cười khắc khắc bày cả hàm răng hơi hô ra – cha mày! – Chị Hạnh mắng yêu.

Anh Thất cũng lây niềm vui của cô gái. Anh đùa:

- Nghe trộm hết chuyện của tau rồi phải không Cúc? Thằng Ba nữa.

Cúc chạy tới quàng lấy vai và dụi đầu vào ngực mẹ. Rồi giành lấy cái chai lít.

- Mạ cà đậu xanh nấu xôi à? Mạ “giỏi” quá!   

Anh chàng có tên Ba – mà ở đây người ta gọi là Ba-hô-răng – thì gỡ khẩu cạc-bin M.2 trên vai xuống ranh mãnh nhìn anh Thất:

- Không cần nghe trộm, tui cũng biết chú nói chuyện chi rồi.

- Chuyện chi nói coi? – Anh Thất vặn.

- Chuyện chú đồng ý cho tui đi phía trước!

Anh Thất phì cười. Nhưng Ba-hô-răng bỗng nhỏ giọng:

- Hay cứ cho tui đi, chú?

- Bây giờ thì cho đi đó!

Thấy anh Thất cười tủm tỉm, Ba-hô-răng quay nhìn Cúc, tay gạt bê-rê chụp gần xuống mắt, lè lưỡi. Chị Hạnh và Cúc cùng bật cười, Ba-hô-răng nói vậy, thích thì nói vậy, chớ biết rồi.

Trước, nghe xì xầm cấp trên lấy một số đi công tác vùng xương xóc nhất, ai cũng náo nức. Ba-hô-răng đã nhiều lần xin anh Thất. Chú đó phụ trách cả cánh Nam, quyết định chi mà không được. Nhưng anh Thất không trả lời ngay. Để mọi người học nghị quyết xong, anh Thất mới hỏi: “Có ai xin đi nữa không?” Ai mà dám đòi đi nữa! Đi hết thì lấy ai gánh vác công việc bề bôn, rất “phía trước” ở ngay phía sau này?

Bây giờ, anh chậm rãi:

- Kế hoạnh gạo, vũ khí đến mô rồi? Không dễ mô. Địch sẽ bắn phá ác liệt nữa đó.

Ngừng một lúc để quấn lại điếu thuốc khác, anh nói:

- Kế hoạch mua thêm gạo gặp khó khăn đầu tiên rồi. Bàn cách vượt đi.

- Cháu với anh Ba vừa lên Lương Viện về - Cúc nói góp – Tụi hắn đóng ở vạt Lò Rèn. Sáu xe. Chắc mai tụi hắn về mình.

- Chú đã dặn cháu không đi mô hết lúc nầy – anh Thất gắt – Ai cho cháu đi nắm địch?

Cúc hơi hoảng. Ba-hô-răng cũng luống cuống, biết là lỗi cả ở mình. Con Cúc sắp đi làm chuyện hệ trọng mà... Chị Hạnh không biết có nên mắng góp một câu để đỡ cho con không, chị đâm ra bối rối. Nhưng anh Thất đã đứng dậy, hỏi Cúc như một chuyện sực nhớ:

- Cháu có biết ăn đậu hũ(3) thế nào thì ngon không?

Mọi người ngơ ngác.

- Hỏi lại mạ cháu nghe. Mai lên vùng trên gặp chú.

Chị Hạnh hỏi:

- Anh không đợi chú Điều à?

- Cậu ấy đợi đầu xóm. Để xôi phần tui cho thằng Trung. Tí nữa nó tạt qua đó.

Nghe nói, Cúc đỏ bừng mặt. Còn Ba-hô-răng thì khuỳnh tay, nhìn vào tận mặt Cúc, giọng đãi ra:

- Thủ trưởng tâm lý quá!

Cúc véo một cái làm Ba-hô-răng nhảy dựng lên. Chị Hạnh năn nỉ:

- Thì anh ở lại ăn với cháu chén xôi đậu xanh đã.
   
Anh Thất lắc đầu:

- Việc gấp quá. Chú đi nghe, hai đứa.

Ba-hô-răng khoác súng chạy theo.

- Tui cũng lên xóm trên.

- Thôi đi, đừng vờ vĩnh – Anh Thất gạt – Bảo vệ hả? Thằng Điều ở đầu xóm đây rồi.

Ba-hô-răng cũng cứ phớt:

- Tui đi lên xóm trên, thiệt mà!

Chị Hạnh nhìn theo thân hình cao gầy và dáng đi tất bật của anh Thất. Một hình bóng bất chợt, từ đâu xa lắm, đột nhiên hiẹn lên trước mắt chị. Vẫn cái dáng đi năm nào, dáng đi vất vả.

***

Ít khi chị Hạnh đi ngủ sớm vậy. Nhưng nào ngủ được. Chị nằm nghĩ về mình, về con. Những hột mưa lai rai lại lộp bộp trên những tàu lá chuối sau vườn. Tiếng mưa uể oải, lầm rầm kéo dài đêm tối và lạnh. Tiếng mưa bắt chi dừng lại ở từng suy nghĩ. Kiểu nầy, mai lại mưa dầm. Chị lại lo cho con. Mai nó lên vùng trên rồi. Mấy thước ni lông chị mua cho con kỳ lên núi giờ đã xơ hết cả. Tính qua Hà Thanh mua cho nó mấy thước thì lại gặp trận càn thất nhơn nầy. Hải thuyền giăng đầy phá. Lấy chi mai cho nó đi. Mưa tháng nầy, cứ dầm dề thối đất. Còn nó thì nói, đi một đoạn từ đây lên phố, cần chi áo mưa với áo nắng. Chao là con với cái! Vậy thì sao chị không lo cho được. Cái tuổi nó còn ăn chưa no lo chưa tới. Tiếng cái tác đã ngồng như vậy nhưng cái tuổi đã là bao. Tới bữa nay vị chi là mười chín năm với một tháng hăm lăm ngày chớ mấy. Như người ta thì chị đã có cháu ngoại để bồng. Còn nó, mãi rồi mà chuyện với thằng Trung vẫn chưa ra môn ra khoai chi cả. Chúng nó để ý nhau từ hồi nào? Cái thằng tội nghiệp. Chừng đó tuổi đầu mà không biết mô cha mô mẹ. Nghĩ tới hai đứa, chị Hạnh mỉm cười buồn rầu, nhớ lại những ngày son trẻ của mình. Chị cũng như con bây giờ, dễ thương và sáng sủa, nhiều chàng trai để mắt. Chị lắc đầu, ấp ấp tay lên trán, cố xua đi những ý nghĩ trở về xa xưa.

Mưa đã mau hột. Tiếng mưa chảy dài trên vườn chuối. Hồi hôm anh Thất lại nói chuyện vào phố của Cúc. Chuyện phải nói thì anh nói thôi. Chứ anh còn lạ gì lòng dạ chị. Cảnh cây một quả, chị cưng con như nưng trứng gà so. Mười chín, hai chục tuổi đầu mà đêm nằm còn đeo lấy mẹ. Nóng nảy lạnh lẽo chị cứ phải ôm lấy mẹ mới ngủ được. Ba tháng con lên núi, chị nhớ quay quắt. Nói học y tá về nhưng khi chị đau bụng, nó lại chạy kêu y tá. Lạ quá, chị hỏi:

- Sao con không tiêm cho mạ coi tí, Cúc?

Cúc nhăn mũi, lắc đầu quầy quậy:

- Tiêm cho mạ, con tội lắm!

Chị mát cả ruột. Cho tới khi học nghị quyết, có chuyện cử người tiếp viện cho các đồng chí trong phố. Thấy các anh và Cúc cứ vận động, nài nỉ, chị bỗng mơ hồ thấy việc con đi học ba tháng trên rừng liên quan tới cả chuyện nầy. Đâu có lớp có lang cả rồi. Chị linh tính thấy thế. Linh tính của một người mẹ quen đoán lòng con qua từng hơi thở, từng câu nói. Ăn nhau là lúc nầy đây. Chị cũng biết vậy. Rộn cả chi bộ lên khi nghe lần này làm nhiệm vụ lịch sử đối với Trị - Thiên – Huế. Lịch sử với nhiệm vụ lịch sử cái chi chi, chị không rõ. Nhưng linh tính của một cô du kích thời đánh Tây, linh tính của một đảng viên khiến chị đoán sắp có chuyện động trời. Mà chuyện động trời đó ai cũng phải xê một vai vào. Đúng như chị đoán, chuyện động tới ngay hòn ngọc của chị. Lúc mới nghe anh Thất nói, chị giật mình. Chao ơi, nơi rắn rết đó! Mà con chị còn dại đờ dại đệt. Nhưng chị hiểu, các anh biết hoàn cảnh nhà chị mà chấm vậy là Đảng đã xét kỹ rồi. Chị bỗng ước chi mình được thay con. Nhưng anh em trong phố lại đương cần con chị. Ăn nhau là lúc nầy đây? Chị xốn xang trong lòng. Chị cứ như tự thuyết phục mình. Nó lớn rồi mà, đồng chí rồi... ồi, cái nơi củi khô chen lộn với trầm đó...

Mưa vẫn đều đều thả hột xuống vườn chuối...

***

Đội công tác khu phố Sáu bàn việc chuẩn bị nhận một bộ phận võ trang vào.

Một giọng nói tự ti buông ra giữa cuộc họp:

- Ăn chưa no, làm sao lo cho kẻ khác?

Mọi người biết, câu hỏi đó đặt ra với anh Thất. Hôm nay đồng chí Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ kiêm Chính uỷ mặt trận Nam Huế cùng về dự. Người vừa hỏi câu đó mặt nhăn lại, rít một hơi thuốc. Xong, anh vung tàn qua cửa sổ và phù khói um nhà. Anh nhìn ngọn đèn nhỏ nơi anh Thất ngồi. Mặt anh đăm chiêu, khắc khổ. Hình như anh băn khoăn với chính câu hỏi của mình. Anh khoảng bốn mươi tuổi mà tóc đã bạc quá nửa. Cái lại ở khuôn mặt anh là đôi mắt. Đôi mắt hơi lồi, như luôn muốn sụp xuống. Sụp xuống cả lúc nó ngước lên. Bộ râu quanh miệng cũng chảy xuống. Nhìn con người anh, ta có một ấn tượng thật lạ: như đang nghe nốt trầm nhất của âm thanh.

Đó là Lâm, quyền đội trưởng một công tác khu phố Sáu. Địa bàn hoạt động Đội là một vùng hiểm yếu. Nó sát cụm khách sạn Mỹ, trại nghĩa quân thành phố, sân vận động, đài rađa... Nếu đưa được lực lượng võ trang vào đây thì một tổ bằng đại đội, đại đội ngang trung đoàn. Nhưng nó xa vùng giải phóng.

Lâm biết kỳ này sẽ làm lớn. Nhưng việc bám bàn đạp này vẫn chưa giải quyết xong, nói gì tới đưa lực lượng khác vào. Đêm cứ thọc sâu vào gặp cơ sở rồi lại rút ra. Đi về đã rộc người, đã sáng bạch ra, còn nói gì làm. Kiểu ăn xổi ở thì đó chưa có dấu hiệu gì khắc phục được cả. Vậy mà công việc mới với những chỉ tiêu nặng nề lại ập đến với Lâm.

- Ăn chưa no, làm sao lo cho kẻ khác?

Khi nghe Lâm hỏi, anh Thất chợt nhớ lại cuộc họp cán bộ ở khu uỷ vừa rồi. Đồng chí bí thư Khu uỷ đã hỏi anh:

- Cánh Nam thế nào anh Thất?

Giọng đồng chí bí thư chân tình. Anh đã trả lời đúng suy nghĩ của mình trong những ngày học nghị quyết của Trung ương.

- Báo cáo anh, việc nhỏ khó nhỏ, việc lớn khó lớn. Mà nhiệm vụ lịch sử thì khó khăn cũng “lịch sử”.

Đồng chí bí thư cười tán thành, nói:

- Khu cũng có quyết tâm “lịch sử” để chi viện cho cánh Nam. Nhưng cánh Nam ở xa hơn các mũi khác, nêm càng phải phát huy tinh thần tự động giải quyết khó khăn. Khó khăn của các anh sẽ tăng thêm đấy anh Thất ạ. Phải có quyết tâm “làm” thì từ đó mới cso cách làm.

Anh đã truyền đạt tinh thần đó cho cán bộ, chiến sĩ cánh Nam, tinh thần nhìn thẳng về phía trước, nhìn thẳng vào khó khăn mà khắc phục. Người cho nội thành. Bàn đạp vùng ven. Gạo ngoài kế hoạch, Rồi vũ khí, vũ khí... Người – bàn đạp – gạo – vũ khí, vũ khí – gạo – bàn đạp – người... Mấy chữ thôi, nhưng đang xoay cả cánh Nam của anh, đang xoay hết tâm trí của anh. Công việc ở các mũi còn rì rì. Nghe câu hỏi của Lâm, dù anh đã lường trước và anh về đây, suy cho cùng, cũng là để giải quyết câu hỏi đó, anh vẫn thấy nôn nao trong lòng. Thật lạ.

- Học nghị quyết rồi, bây giờ lại nghe các đồng chí đặc công sắp vô, anh em mừng lắm – một anh thanh niên tóc húi cua lên tiếng – Chưa lần mô nghe nhiệm vụ mà sướng như lần này. Nhưng – anh thở dài – báo cáo anh, chớ anh em làm hết sức mà cứ lúi búi mãi.

Lâm đế theo:

- Nửa đêm gà gáy còn hụp mưa, còn chui bụi lủi bờ.

- Chuyện đó thì kể chi! – Anh Tóc-cua nhẹ nhàng gạt.

- Không phải à? – Lâm vặc – Anh cho phép tui nói thẳng. Vấn đề thứ nhứt, đội chưa bám được. Chưa biết khi mô mới dám nói với trên là ngồi ấm chỗ. Vậy mà lo cho cả đặc công, có phiêu không? Tui không kể tổ trinh sát của đồng chí Trung. Làm không được mà nói bừa làm được là có tội với Đảng. Vấn đề thứ hai, đi mô cũng gặp địch. Đi một bước là gặp phục kích...

- Có phải đi một bước là gặp địch không? – Anh Thất ngắt lời vì thấy cái chính Lâm đã nói xong.

Anh Tóc-cua lại trả lời ngang:

- Cũng có lúc không gặp.

Lâm không để ý câu trả lời của anh Tóc-cua. Lâm tiếp tục trình bày khó khăn. Lâm nó không cần  giữ ý tứ, cứ tuệch ra.

Mình sẽ nói gì đây? Anh Thất nghĩ. Họ không cần ở anh sự giải thích và những câu lên lớp. Anh em đã quá vất vả trong những chuyến vào ra. Lâm nêu lên hai vấn đề? Bám chưa được... và địch... không, chỉ một vấn đề thôi. Đi một bước đã gặp địch. Bám không được cũng vì đi đâu cũng gặp địch. Anh hiểu, có phần do anh em bí phương pháp, lúi búi cách làm. Nhưng có phải chỉ vậy không? Có phải chỉ là chuyện ở nổi, ở chìm không? Có phải là đường thẳng, đường vòng không? Mà sao lại đi vòng? Cái gì đây? Đi một bước đã gặp địch? Địch bao nhiêu mà đi một bước đã gặp? Ở Thủy Phú có... ở Phú Hương có... Thằng địch có khi xuất hiện ở cả nơi nó không có mặt. Nơi nào công việc chậm rì đều có câu này. Các cậu ấy lao xao cái gì thế? À... cháo đêm?...

Nồi cháo gà bổ dưỡng vừa chín, chị chủ nhà bưng lên, hô anh em dẹp tạm, ăn cái đã. Anh Thất cười, lắc đầu nhìn chị chủ nhà trực tính và rất thương anh em. Chi cười, bày cả hàm răng đen đổi màu:

- “Có thực mới vực được đạo” đã, mấy chú! Nghỉ đã, nghỉ mươi phút đã. Họp từ tối đến giờ rồi.

Bây giờ anh Thất mới biết sống lưng mình như đốt mía, thẳng cứng. Mỏi quá.

Mọi người quây chung quanh nồi cháo gà, xì xụp. Vừa ăn vừa trò chuyện tứ tung, như bất cứ một cuộc có mặt đông người nào. Như không ai nhớ đến quãng căng thẳng vừa rồi. Mọi người khen nức nở chị chủ nhà có tài nấu ăn.

- Hòa bình rồi tui đề bạt thím làm tổng chủ nhiệm khách sạn nấu ăn đa thím! – Anh Tóc-cua vừa nhai xương gà rau ráu vừa hếch một mắt nói với chị chủ nhà.

- Yên yên mà nghe đại bác tề. Vĩnh Lưu à?

- Mưa nầy các “cha” ngụy được bữa ấm.

- Ở cái đập Giang Trung đó, ngày trước...

- Mấy hè?

- Một nghìn chín trăm năm mươi hai, sau lụt.

Ăn xong, mọi người ngồi quanh cái phản, xỉa răng uống nước. Tợp một ngụm nước trà, anh Thất vui vẻ hỏi:

- Đố các cậu thanh niên, hồi đánh Tây đơn vị mô hoạt động ở đây?

Tiếng cãi nhau, hùng hổ nhưng vô tư, át cả tiếng đại bác xa gần. Mấy anh trẻ không

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net