CHƯƠNG 56 -PHÉP QUÁN NIỆM HƠI THỞ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hơi thở thứ nhất: Thở vào một hơi dài, ta biết ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, ta biết ta đang thở ra một hơi dài.

Hơi thở thứ hai: Thở vào một hơi ngắn, ta biết ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, ta biết ta đang thở ra một hơi ngắn.

Hai hơi thở này nhằm mục đích cắt ngang những thất niệm và suy tư vẩn vơ vô ích, đồng thời làm phát khởi chánh niệm và tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại. Thất niệm là sự quên lãng, là sự vắng mặt của chánh niệm. Hơi thở có ý thức đưa ta trở về với ta và với sự sống.

Hơi thở thứ ba: Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta.

Hơi thở này là để quán niệm về thân thể và để tiếp xúc với thân thể của chính mình. Ý thức về thân thể như một tổng thể và ý thức về các bộ phận trong cơ thể để thấy được những mầu nhiệm về sự có mặt và về quá trình sinh diệt của thân thể.

Hơi thở thứ tư: Ta đang thở vào và làm cho toàn thân ta an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân ta an tịnh.

Hơi thở này là để thực hiện sự an tịnh trong cơ thể và cũng là để đạt tới trạng thái thân tâm nhất như trong đó thân tâm và hơi thở trở nên một hợp thể mầu nhiệm.

Hơi thở thứ năm: Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui.

Hơi thở thứ sáu: Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc.

Với hai hơi thở này hành giả đi sang lãnh vực cảm thọ. Hai hơi thở này tạo ra sự an lạc cho thân tâm để nuôi dưỡng thân tâm. Nhờ chấm dứt vọng tưởng và quên lãng, hành giả trở về với bản thân, tỉnh thức trong giây phút hiện tại, cho nên niềm vui mừng và sự an lạc phát sinh. Hành giả an trú trong sự sống mầu nhiệm và sự tịnh lạc của chánh niệm. Nhờ tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, hành giả biến những cảm thọ không khổ không vui (gọi là xả thọ) thành những lạc thọ. Hai hơi thở này đem tới những lạc thọ ấy.

Hơi thở thứ bảy: Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh.

Hơi thở thứ tám: Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh.

Hai hơi thở này là để quán chiếu tất cả những cảm thọ đang xảy ra trong ta, dù đó là lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ; và để làm cho an tịnh những cảm thọ ấy.

Những hoạt động tâm ý tức là những cảm thọ.

Có ý thức về những cảm thọ và quán chiếu về gốc rễ và bản chất của những cảm thọ ấy, ta điều phục được chúng và làm cho chúng trở nên an tịnh, dù đó là những khổ thọ từ tham dục, giận hờn và ganh ghét phát sinh.

Hơi thở thứ chín: Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta.

Hơi thở thứ mười: Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc.

Hơi thở thứ mười một: Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ta vào định.

Hơi thở thứ mười hai: Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do.

Với bốn hơi thở này hành giả đi sang lãnh vực thứ ba là tâm ý. Hơi thở thứ chín nhằm nhận diện tất cả những hoạt động của tâm ý như tri giác, tư duy, phân biệt, vui, buồn, nghi kỵ v.v... Nhận diện để thấy được sự vận hành của những hoạt động tâm ý, và khi đã nhận diện rồi, hành giả thu nhiếp tâm ý, làm cho tâm ý lắng lại và cảm thấy an lạc trong trạng thái tâm ý lắng đọng này. Đó là tác dụng của hơi thở thứ mười và thứ mười một. Hơi thở thứ mười hai nhằm tháo gỡ những chỗ kẹt của tâm ý. Nhờ quán chiếu mà ta thấy được nguồn gốc của tâm ý và do đó ta tháo gỡ được những chỗ kẹt ấy.

Hơi thở thứ mười ba: Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp.

Hơi thở thứ mười bốn: Ta đang thở vào và quán chiếu tính tàn hoại của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính tàn hoại của vạn pháp.

Hơi thở thứ mười lăm: Ta đang thở vào và quán chiếu về giải thoát. Ta đang thở ra và quán chiếu về giải thoát.

Hơi thở thứ mười sáu: Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ.

Với bốn hơi thở này, người hành giả bước sang lãnh vực đối tượng của tâm thức, và chú tâm quán sát thực tướng của vạn pháp. Trước hết là quán về tự tính vô thường của vạn pháp. Vì vô thường cho nên tất cả sẽ đi đến tàn hoại. Biết rõ tướng trạng vô thường là tàn hoại của vạn pháp, hành giả không còn bị những sinh diệt thành hoại của vạn pháp trói buộc nữa, do đó hành giả có thể buông bỏ và đi đến giải thoát. Buông bỏ không có nghĩa là ghét bỏ và chạy trốn. Buông bỏ có nghĩa là buông bỏ sự vướng mắc và đam mê, không bị ràng buộc và khổ đau vì sanh diệt thành hoại của các pháp nữa. Một khi đạt được giải thoát và buông bỏ, hành giả sống an lạc trong cuộc đời mà không có gì trong cuộc đời có thể ràng buộc hành giả.

Phật đã dạy phép hành trì mười sáu hơi thở trong quá trình quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý.

Người còn dạy áp dụng mười sáu hơi thở này trong công phu tu tập bảy yếu tố giác ngộ là chánh niệm, quyết trạch về vạn pháp, tinh tiến, hỷ lạc, khinh an, định và hành xả. Bảy pháp này được gọi là Thất Giác Chi.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net