CHƯƠNG 69: CÔNG PHU HỘ TRÌ SÁU CĂN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một hôm đi khất thực với thầy Ananda, thầy Vangisa thú thật với thầy Ananda rằng tâm thầy không được an tịnh và thầy khẩn cầu thầy Ananda hóa giải giùm. Hỏi ra, thầy Ananda biết được rằng tâm của thầy Vangisa còn đang xao xuyến vì nhan sắc của một số các vị tiểu thư thường đến cúng dường tại tu viện. Thầy Ananda hiểu rằng thầy Vangisa là một nghệ sĩ, tâm hồn dễ rung động bởi những cái đẹp và vì vậy thầy Ananda đã lấy cái sắc đẹp của chính giáo pháp và của giác ngộ để giúp thầy Vangisa vượt thoát cái đẹp mong manh, vô thường và có thể gây tai họa của nữ sắc. Thầy đã dạy thầy Vangisa chiếu rọi ánh sáng vào đối tượng quán niệm để thấy tính cách bất tịnh và chóng tàn hoại của các pháp. Thầy Vangisa đã thực tập theo lời giáo huấn của thầy Ananda, đã thực tập hộ trì sáu căn và đã làm một bài thi kệ tự tính mà nhiều thầy biết đến. Bài kệ ấy như sau:
Đã khoác áo cà sa,
Tham dục còn đuổi theo
Như trâu nhớ lúa người
Quả thật là hổ thẹn!

Con của nhà đại tướng
Tài giỏi nghề cung tên
Ngàn người bắn tứ phía
Vẫn phá được vòng vây

Nay giai nhân có đến,
Đông hơn là quân tràn,
An trú nơi chánh pháp
Ta quyết cũng không sờn

Ta đã theo Thế Tôn
Của dòng họ Mặt Trời
Trên  đường về thong dong
Tình ta đã trọn gởi

Do hộ trì sáu căn
Ta ung dung tiến bước

Não phiền vô lượng
Nào lay chuyển được ta?

Thầy Vangisa là người thông minh và tài giỏi, vì vậy đã có lần vướng vào tâm trạng tự hào và âm thầm có ý khinh miệt một số các thầy khác, nhưng may mắn thay, nhờ tu tập chánh niệm, thầy đã thấy được niềm kiêu mạn khởi ra trong tâm thầy, và thầy bất giác cảm thấy hổ thẹn. Thầy đã làm ra bài kệ sau đây để tự tỉnh:

Đệ tử Gotama,
Hãy đoạn trừ kiêu mạn!
Con đường kiêu mạn này
Chỉ đưa về khổ thủ!

Kẻ kiêu mạn ngấm ngầm
Cũng đi về địa ngục
Huống chi là những kẻ
Vênh váo nhìn cuộc đời!

Học  đạo thấy đường ngay,
Tâm  hồn được an lạc
Niềm vui đó rất cao
Ta phải mong đạt tới

Hãy tập phép chánh niệm
Để đạt phép tam minh,
Kiêu mạn đoạn trừ xong
Mới thành công thật sự.

   Nhờ có cảnh giác cao cho nên thầy Vangisa đã vượt được rất nhiều chướng ngại và đã bước những bước thật lớn trên con đường chuyển hóa. Thầy đã đạt tới quả vị Bất Sinh, và điều này đã được trưởng lão Sariputta xác nhận. Ngày tâm tư bừng mở, thầy Vangisa đã làm một bài thi kệ để tỏ lòng biết ơn Bụt. Bài thi kệ ấy như sau:

Ngày xưa say thơ mộng
Ta phiêu bồng khắp nơi

Cảnh chợ rồi cảnh quê
Cuối cùng được gặp Bụt!

Thế Tôn đã thương xót
Dạy cho ta phép mầu
Nghe xong khởi niềm tin
Khoác áo người khất sĩ

An trú trong chánh pháp
Kiên cố ta một lòng
Nay chứng được tam minh
Đền ơn bậc tỉnh thức

Hạt giống của mặt trời
Thế Tôn đã gieo rắc
Vì chúng sanh u tối
Người khai mở lối ra

Bốn sự thật nhiệm mầu
Con đường tám nẻo chánh
An lạc và tự do
Nghĩa lời cùng vi diệu

Phạm hạnh đã cao siêu
Độ sinh càng khéo léo
Niết bàn cứu muôn loài
Ơn sâu người chỉ dạy!

Thầy Sariputta trong một buổi giảng cho các vị khất sĩ trẻ có đem trường hợp của thầy Vangisa ra để làm gương. Thầy bảo: Thầy Vangisa trong bước đầu tu học cũng đã từng có những tình cảm và những tâm trạng yếu đuối, nhưng sau đó nhờ tu học tinh chuyên đã vượt thắng được mọi phiền não và chứng ngộ được diệu pháp. Biết vậy, người tu không nên có mặc cảm, dù là mặc cảm tự tôn hay là mặc cảm tự ti. Tu tập chánh niệm, ta sẽ ý thức được những gì đang xảy ra trong nội tâm và ta sẽ không bị lôi cuốn theo những gì đang xảy ra. Hộ trì sáu căn vì vậy là phương pháp rất mầu nhiệm để vững tiến trên đường đạo.

Nghe thầy Rahula kể về thầy Vangisa, thầy Svastika hình dung lại được vị khất sĩ tài hoa này. Tuy thầy đã từng được gặp thầy Vangisa nhưng chưa bao giờ có dịp trò chuyện. Thầy định bụng hôm nào sẽ xin đến làm quen và học hỏi kinh nghiệm tu đạo của thầy Vangisa. Thầy nhớ có một hôm Bụt dùng hình ảnh về biển cả để dạy đại chúng về công phu hộ trì sáu căn. Người nói:

– Này các vị khất sĩ, mắt là một đại dương sâu, trong ấy có đầy những loài thủy quái, có đầy những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm rất nguy hiểm. Nếu không đi trong chánh niệm, chiếc thuyền của quý vị sẽ bị những loài thủy quái, những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm ấy làm cho đắm chìm trong biển sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý của quý vị cũng là những đại dương sâu, trong ấy có đầy những loài thủy quái...

Nhớ tới những lời dạy ấy của Bụt, thầy Svastika thấy sâu sắc vô cùng. Quả thật sáu giác quan của thầy là những đại dương sâu, và những đợt sóng ngầm có thể nổi dậy bất cứ lúc nào và làm cho thầy chìm đắm. Thầy Rahula nói rất phải: thầy rất không nên khinh thường và phải thực tập rất nghiêm chỉnh lời Bụt dạy.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net