I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cậu Phán đã chết được ba năm.

Mỗi độ đến ngày giỗ, bà Phán lại sụt sùi khóc thương người con tài hoa nhưng yểu mệnh. Dẫu cậu Phán tạ thế đã lâu, song chức danh hãy còn đó vì chẳng ai nỡ đứng ra yêu cầu xóa bỏ. Thậm chí khách viếng thăm và láng giềng chung quanh vẫn gọi mẹ cậu là "bà Phán", "chị Phán" như thể lối xưng hô này đã trở thành lẽ cố nhiên.

Khi còn sống, cậu Phán làm rạng danh làng Điềm nhờ đức tính cần cù, siêng năng. Sau khi kết thúc việc học ở trường Luật, cậu đã được giữ lại làm quan trên tỉnh. Cậu vừa thạo việc vừa biết yêu thương mẹ già, có của ngon đều mang về cho mẹ, nên người làng luôn kính nể cậu vì thế.

Nhưng chuyện duy nhất trong đời cậu quyết làm trái lời mẹ lại là một chuyện rất hệ trọng. Ấy là cưới vợ.

Cậu Phán, tuổi trẻ đã làm quan, lương bổng tương đối tốt, trong nhà có của ăn của để. Thế nhưng lại nằng nặc xin mẹ cho cưới con gái ông giáo nghèo nhất làng làm vợ.

Ông giáo Chương có tổng cộng ba người con gái. Cô lớn nhất đã theo chồng lên phố huyện, cô bé nhất năm nay chưa tới mười hai. Chỉ còn cô Nga, con thứ, vừa bước sang tuổi mười bảy và cũng là người khiến cậu Phán phải lòng.

Cô Nga trắng trẻo, cặp mắt to tròn, đen láy và lúng liếng sau hàng mi dài mảnh. Mỗi độ đi gánh nước cùng những người chị em, cô lại hóm hỉnh pha trò khiến họ nhoẻn miệng cười đầy vui thích, chính cô cũng vừa khéo để lộ hàm răng đều tăm tắp, duyên dáng vô ngần.

Cậu Phán gặp cô lần đầu trong buổi hội làng. Khi ấy cô đang nghển cổ xem múa võ, thi thoảng đôi mắt sẽ sáng lên, đôi môi đỏ vểnh cao và liên tục vỗ tay cổ vũ theo đám đông đương la hét inh ỏi.

Chợt, cô quay đầu nhìn về phía cậu. Rồi cậu phải lòng cô từ dạo ấy.

Dĩ nhiên bà Phán ra sức phản đối mối lương duyên tréo ngoe này. Bà quen rất nhiều bạn hữu, vớ đại một người cũng có thể tốt hơn mấy đời nhà ông Chương. Nên bà luôn nghĩ chẳng cớ gì con mình phải cưới dòng giống quanh năm không nổi hai bò gạo ấy làm vợ.

Bà Phán buồn rầu, chốc chốc lại nghẹn ngào khuyên con:

- Anh có thương u thì anh cưới cô Mậu con ông Thông, hay là cô Hoa con cụ Lý. Tuy mẹ đẻ cô ấy là lẽ nhưng dẫu gì người ta cũng là con quan. Anh dại lắm, anh phải biết tính đường thăng tiến đường công danh cho mình chứ? Đằng này lại mong lấy con ông giáo, suốt đời chỉ dạy cái lũ để chỏm thì mai này tiến vào đâu?

Cậu Phán gạt đi:

- Thưa u, u chớ bận lòng. Cưới xong con sẽ đưa cô ấy lên tỉnh.

- Thế thì nhà này tan hoang mất. Anh đi xa bao năm trời còn u phải thui thủi ở đây. U mong anh cưới vợ để trong nhà bớt neo người, để anh về thăm u thường xuyên hơn. Chứ anh mà đưa vợ lên tỉnh...

- Nếu vậy u hãy thuê thêm mấy người ở. U cứ chắt bóp từng đồng mãi... mai này xuống kia có mang theo được đâu?

Bà Phán kinh hoàng nhìn con, cặp mắt dần trở nên đẫm lệ, sau đó trịnh trọng thưa:

- Kìa cậu Phán, cậu đang quở u cậu chết đấy chăng?

Cậu Phán vội cắt nghĩa:

- Ý con là u hãy sống làm sao để mình thật sung sướng.

- Anh không nằng nặc đòi lấy con Nga đã là một sự sung sướng bậc nhất đời u rồi.

Cậu Phán trầm ngâm. Thế rồi từ dạo ấy, cậu thường lấy lý do bận bịu để từ chối về quê. Cậu giận người mẹ không tác thành cho mình, giận bà có của cải mà vẫn ham muốn phải được nhiều thêm. Nếu cô Nga mà bằng lòng lấy người khác thì đúng là lỡ dở tình yêu cả đời cậu.

Hai mẹ con hậm hực nhau ngót bốn tháng trời thì bà Phán đành thuận theo ý con. Đám cưới linh đình ngày ấy đã phô trương sự sung túc của nhà bà Phán, đồng thời phơi bày cảnh bần hàn của nhà ông giáo Chương.

Người làng Điềm bấm bụng quên chuyện nhà ông giáo bỗng dưng vớ được vàng. Đua nhau chạy tới khen Nga tốt số, rằng nàng đến thì mà chẳng cần phải nhờ mai mối đã chễm chệ ngay trên ghế mợ Phán, rằng đứa nào sắp sang tuổi cập kê thì cứ chạy lại bắt tay chị Nga để được hưởng phúc.

Đám bạn nàng cũng xúm xít vào trêu:

- Gớm chửa? Mợ Phán.

- Nhỉ? Hôm nay mợ Phán rồi mai kia thành bà Phán. Tôi chào bà Phán, từ rày tôi phải nhờ cậy bà nhiều điều, mong bà đừng quên tôi.

Nga, trong bộ y phục mới mà thầy u phải chạy vạy khắp nơi để lo liệu, cắn môi thẹn thùng. Tâm trí nàng nửa trông ngóng cuộc sống tương lai, nửa thương nhớ thầy u, em nhỏ. Thực ra nàng đã định từ mối này vì thấy mình hãy còn bé dại, chưa báo hiếu được gì cho gia đình. Hơn hết rằng nhà nàng nghèo quá, tiền đâu mà lo liệu chuyện cưới xin, nhất là cưới xin với một nhà giàu?

Tuy nhiên mẹ nàng đã động viên. Bà nắm tay nàng, dịu dàng vỗ về mu bàn tay như thuở nàng còn vô tư lự, thủ thỉ:

- Nhà ta nghèo thật, nhưng không hèn. Thầy con đã dạy bao thế hệ và cũng có cả người làm quan. Cho nên con về đấy cứ ngoan ngoãn, chịu khó làm lụng thì người ta tự khắc thương mến con.

Nga nghẹn ngào đáp:

- Người ta... đã là người ta thì kiểu gì chẳng khác máu tanh lòng hở u?

Trong bóng đêm, tiếng thở dài của bà Chương như tiếng một con vật bị thương, chỉ biết cuộn mình vào một góc và rên rỉ ai oán. Phải rồi, đã gọi là người ta thì rõ ràng là khác máu tanh lòng; chưa kể bà Phán nổi tiếng vì sự gớm ghê. Chính vì gớm ghê nên một người đàn bà góa chồng nhiều năm mới vừa buôn bán vừa nuôi dạy được cậu con trai tài giỏi như thế.

Đoạn, bà Chương lại rủ rỉ dặn con:

- Con cứ ngoan ngoãn, chịu khó làm lụng con ạ. Con nhớ lời u nghe chửa?

- Con xin vâng.

***

Từ ngày về nhà chồng, cuộc sống của Nga chẳng khấm khá hơn khi ở nhà đẻ là mấy. Bà Phán vẫn bắt nàng đi gánh nước, nấu nướng, dọn dẹp dẫu trong nhà có tới ba, bốn người ở. Nàng biết bà ta đang cố tìm cách gây khó dễ vì chồng nàng đã cãi vã mấy trận rất to chỉ để đòi đưa nàng lên tỉnh.

Lần gần đây nhất, bà Phán đã ngã ngửa ra sập gỗ, trợn mắt đe rằng nếu cậu mà đưa vợ đi thì bà ấy sẽ cắn lưỡi chết ngay tức khắc. Cho nên cậu Phán đành trấn an nàng, sau đó cắn răng rời khỏi nhà một mình. Còn nàng tiếp tục ở lại chăm nom mẹ chồng, cố làm tròn bổn phận của bản thân.

Nhưng hạnh phúc chưa lâu thì tai họa đã giáng thẳng xuống đầu. Gần một năm sau ngày cưới, Nga nhận được tin chồng bị người ta đâm chết trên phố. Mà kẻ xấu đâm xong mới phát hiện nhận nhầm.

Hắn ta đã bị xử tử, phải đền mạng do nhẫn tâm cướp mạng của một người vô tội. Thế nhưng chẳng ai có thể trả chồng nàng về được nữa.

Cậu Phán cứ thế chết tức tưởi, và đến nay đã tròn ba năm.

Từ ngày chồng tạ thế, Nga vẫn tiếp tục lo hương hỏa, đồng thời thay chồng báo hiếu mẹ già. Còn người làng Điềm từ ngưỡng mộ đã chuyển sang chép miệng tiếc thương cho cuộc đời cô Nga. Bởi cô chưa được hưởng niềm hạnh phúc bao lâu đã tiếp bước mẹ chồng, trở thành người đàn bà góa bụa, hơn hết rằng căn nhà ấy cũng lâm vào cảnh vắng hẳn đàn ông.

Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi gánh nước, những người đàn bà nhiều chuyện sẽ túm lấy cánh tay nàng, đưa cặp mắt hau háu đến vùng cổ trắng trẻo đương lấm tấm mồ hôi, hỏi:

- Thế bây giờ cô định xử trí ra sao?

Nga ngẩn ngơ trả lời:

- Xử trí cái gì cơ chị?

- Cô còn trẻ như này, cũng chưa từng chửa đẻ. Chỗ nào chỗ nấy cứ mơn mởn ra thì chẳng phải xử ngay à? Hay là bao giờ đoạn tang chồng, chúng tôi tìm mối khác cho cô nhé?

Nàng cau mày gạt phắt đi:

- Các chị đừng ăn nói bậy bạ.

- Cái gì bậy bạ? Này, cô đừng có mà giả vờ thanh cao kẻo mấy hôm nữa ễnh ra thì chẳng biết đấy là tác phẩm của ông nào.

Tức mình, Nga phải đổi giờ đi gánh nước để tránh phải đụng mặt đám đàn bà chua ngoa. Một đám người ghen tuông do thấy chồng mình cứ để tâm mãi chuyện nàng mới trở thành góa, thay vì cảm thông cho số phận nghiệt ngã của nàng.






















---

01.6.2024

---

Chúc mọi người tháng mới hạnh phúc và đọc truyện vui vẻ hehehe 🫶🏻🫶🏻


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net