IV

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nga nằm dài ra bàn, vươn tay chạm vào những viên kẹo của Hạnh. Đã mấy hôm kể từ ngày giỗ chồng, nàng cảm tưởng mọi thứ đã yên tĩnh trở lại vì mẹ chồng nàng ở buồng bên đã thôi phát ra những âm thanh rền rĩ.

Có lẽ Hạnh không biết sau khi cô rời xa cổng làng, Nga vẫn đứng im ở nơi cũ dõi theo với sự ngưỡng mộ. Nàng mới được lên Hà Nội một lần cùng chồng, cuộc sống rộn rịp, đông đúc hơn cả phố huyện nơi chị cả sinh sống khiến nàng choáng ngợp. Nàng nghĩ Hạnh thật sung sướng khi được hưởng cuộc đời tự do ở một nơi chẳng thiếu thốn thứ gì, mỗi ngày ung dung dạy vỡ lòng cho trẻ, sau đó đi sắm sửa và tới Bờ Hồ xem chiếu bóng.

Đó là cuộc đời mà bất cứ người đàn bà nào cũng hằng mơ ước.

Nhưng Hạnh cũng không hoàn toàn sung sướng. Nga tự nhủ. Vì chính cô nói lá phổi của mình chẳng hề khỏe mạnh từ khi sinh ra. Cô ho nhiều, tiếng ho cũng rất nặng nề. Thậm chí nàng còn phát hiện thỉnh thoảng cô phải đi chậm lại vì khó thở.

- Lẽ ra cô ta nên tự săn sóc bản thân.

Nga lầm bầm khi nhớ đến ánh mắt cùng giọng nói dịu dàng của Hạnh. Nhất là lúc cô kiên quyết cởi chiếc áo khoác đang mặc trên người để nhường cho mình, và chỉ ngừng lại trong khoảnh khắc nàng bảo sẽ trở vào lấy áo. Sự nhiệt tình ấy làm nàng thấy lạ lẫm. Dẫu xưa kia nàng từng được chồng đối xử một cách ân cần, nhưng lúc gần Hạnh, lúc đứng cạnh bên người đàn bà trẻ rất đỗi xinh đẹp, nàng vẫn thấy lòng rạo rực, bâng khuâng.

Chỉ là biết bao giờ Hạnh mới trở lại đây?

Câu hỏi chợt hiện hữu trong trí óc Nga lần nữa. Phải. Bao giờ Hạnh mới trở lại đây để thăm mẹ chồng nàng, thắp nén hương cho chồng và cho bố chồng nàng? Bao giờ nàng mới được nhìn kỹ cặp mắt sinh động ấy? Hay được bàn tay ấm áp cầm lấy rồi nhét viên kẹo vào trong tay?

Bao giờ?

- Kìa, Nga, mày chớ nên lẩn thẩn. Chớ nên mong ngóng một người chẳng phải bạn hữu của mày? Cô ta mới biết tên mày, mày cũng thế. Chao ôi...

Nga buồn bực nhắc nhở bản thân, sau đó mặc thêm áo rồi đứng dậy ra cửa. Bấy giờ bốn phía đã bị màn đêm nhấn chìm, chỉ còn ánh sáng leo lét tít đàng xa, nơi nàng chẳng biết ở đâu, và đi bao lâu mới có thể tới. Nga thốt nghĩ liệu đó có phải đèn ở Hà Nội không? Nhưng làm sao mà phải được? Hà Nội ở quá xa, có khi cách nàng cả cuộc đời.

- Kìa mợ, sao mợ còn chưa ngủ?

Tiếng cái Dịu chợt vang lên khiến Nga giật nảy mình, đáp:

- Mợ gặp ác mộng.

- Ấy chết, để con lấy ít tỏi và dao cho mợ kê dưới gối.

- Khoan.

Con bé lập tức dừng bước chờ nàng mở lời.

- Thế lý do gì mày lại mò ra đây giờ này?

- Con... con đi giải.

Nga giơ ngọn đèn đương cháy bập bùng đến gần Dịu, đánh mắt qua thân nó một lượt, cười thành tiếng:

- Mày ngụp xuống ao giải ư? Người mày hẵng ướt sũng đây này.

Con bé cúi gằm mặt, hai tay miết vào nhau ra điều băn khoăn. Nàng hiểu ý nó song không muốn lôi thôi, cho nên chỉ xua tay bảo nó mau về thay quần áo kẻo cảm lạnh.

Dịu đi rồi, Nga cũng xách đèn ra giếng rửa mặt. Nước mưa mát lạnh làm trí óc nàng trở nên tỉnh táo. Nàng không còn nghĩ đến Hạnh, người sẽ chẳng bao giờ đứng cùng một chỗ với mình. Nàng tự ví von rằng cô phải trở thành một cơn gió xuân dịu dàng thổi qua và nhanh chóng lẩn khuất vào một rặng cây nào đó, chỉ để lại cho nàng cảm giác khoan khoái chốc lát, nhưng đầy sung sướng và ngọt ngào.

***

Bà Phán kê ghế ngồi trước hiên, thi thoảng liếc qua con dâu đang ngồi băm mấy thứ rau cho lợn rồi se sẽ thở dài:

- Dạo này cứ mưa suốt.

Nga thưa lời mẹ mà chẳng ngơi tay:

- Vâng, chắc là phải thêm mấy hôm u ạ. Sao u không vào nhà ngồi cho ấm? U mới ốm dậy nhưng đã ngồi ở ngoài thế này.

- Vào trong kia, nhìn thấy hai cha con nó u lại buồn rầu.

Nga ngần ngừ một chốc rồi quyết định lân la hỏi chuyện:

- U ơi, thầy con quen ông Đốc thế nào hở u?

Bà Phán chẳng nghi ngờ lý do con dâu đột nhiên thắc mắc, chỉ híp đôi mắt đã có nếp nhăn và trả lời:

- Thầy con với ông Đốc xưa kia là bạn rất thân, chơi với nhau từ khi để chỏm. Nhưng có khoảng thời gian mất liên lạc và mãi tới khi thầy con chết, ông ấy mới tìm được u với thằng Tâm. Khi đó ông ấy vẫn chưa lên làm quan, ấy vậy mà... vẫn giúp đỡ u nuôi thằng bé ăn học đàng hoàng. Ông Đốc có ơn rất nhớn với gia đình ta, con cũng thấy đấy, thầy con chết nhiều năm, chồng con chết ba năm mà đám giỗ nào ông ấy cũng quà cáp đàng hoàng.

Nga gật gù đầy ngưỡng mộ. Và ít lâu sau, bà Phán cũng nhắc tới người nàng đương ngóng đợi.

- Nhưng u vẫn không hiểu lý do gì ông ấy vẫn để cô Hạnh một mình, chẳng chịu chồng con. Hình như cô ta trạc tuổi con, ấy thế mà...

Bà Phán bỏ lửng câu nói, Nga cũng chỉ biết nghe chứ không dám chen thêm tiếng nào. Bầu không khí dần chùng xuống, mẹ chồng tiếp tục ngắm mưa và con dâu tiếp tục băm chặt đều tay.

Nàng mong bà ấy tiếp tục nói về Hạnh, mặc dù chẳng hiểu lý do gì khiến lòng dạ vô cùng bồi hồi khi nghĩ đến cái tên ấy. Rõ ràng nàng đã dặn mình không nên bận tâm đến người đàn bà mới gặp có một lần, song chỉ được một chốc lại nghĩ ngợi vẩn vơ.

- Chị Phán ơi.

Tiếng đàn ông vọng từ cổng tới khiến hai mẹ con đưa mắt nhìn nhau. Thốt nhiên, bà Phán đứng bật dậy, hấp tấp bảo Nga vào lấy cái nón và bước thật nhanh ra ngoài. Nàng sinh nghi nên cũng đội nón chạy theo, chẳng mấy chốc đã đứng sững lại vì trông thấy Hạnh.

Hạnh cũng đưa mắt nhìn Nga và mỉm cười, sau đó quay sang chào bà Phán.

- Thầy tôi quyết phải đến thắp hương cho cha con cậu ấy bác ạ.

Nghe vậy, Nga lập tức khom lưng chào người đàn ông đứng cạnh Hạnh. Ông Đốc nhanh chóng đáp lại nàng, vẻ nghiêm nghị trên khuôn mặt vơi đi hẳn. Sau đó quay sang bảo bà Phán, người đang sửng sốt và chẳng biết phải mở lời thế nào:

- Hôm trước tôi để cháu Hạnh về thăm, nhưng vẫn không yên lòng.

Bà Phán đáp:

- Cậu khách sáo quá, thế này thì u con tôi... biết phải trả ơn ra sao?

- Kìa, sao chị lại nói chuyện ơn nghĩa ở đây? Xưa kia anh Tám đã cứu mạng tôi, nếu không nhờ anh ấy, có lẽ tôi đã chết đuối từ lâu rồi. Phải là tôi chịu ơn anh ấy mới đúng.

- Thôi, cậu với cháu vào trong rồi hẵng nói. Ai lại dầm mưa ướt cả thế này?

Mưa đã thấm ướt vạt áo của hai cha con. Hạnh vừa nghe bà Phán nói liền lùi bước tỏ ý thầy hãy vào trước, sau đó thong thả đi theo. Thấy Nga cúi đầu bèn thưa chuyện:

- Độ này mợ vẫn khỏe chứ?

Nàng ngửng lên nhìn người đã lâu không gặp, đáp:

- Tôi vẫn vậy thôi. Cô thì sao? Thời tiết cứ mưa liên miên, cô còn đang dính nước đây này.

- Tôi... vâng, tôi cũng khỏe.

Bốn người bước vào nhà chính. Bà Phán bảo con sen chạy đi đun nước chè, Nga hiểu ý bèn xuống bếp lánh mặt để mẹ chồng thưa chuyện cùng hai cha con ông Đốc. Bao giờ bà ấy gọi mới được lên.

Nàng đã quen với lối cư xử như vậy nên không hề lấy làm tủi nhục hay ấm ức. Trước đây chồng nàng từng suýt tranh cãi với mẹ vì phát hiện nàng bị coi thường, tuy nhiên nàng đã ôn tồn khuyên hắn không nên thế. Nàng không muốn chồng mâu thuẫn với mẹ và tự sinh sự lôi thôi cho mình. Cậu Phán tuy giận nhưng cuối cùng đành phải nghe.

Hơn hết rằng chung quanh thường khen nàng nấu ăn ngon, pha trà khéo. Đến cô Hạnh, một người mới gặp lần đầu cũng bày tỏ một cách vô cùng chân thành.

- Hôm nay mợ có chuyện gì vui chăng?

Đoan bưng ấm nước đặt xuống bếp lửa, sau đó ngồi xổm xuống cạnh Nga. Nàng lập tức xua tay, đáp:

- Làm gì có hở chị? Nếu chị muốn kể thì tôi sẵn lòng nghe.

- Tôi cũng làm gì có? Tại tôi thấy môi mợ cứ mủm mỉm cười suốt.

Nàng bĩu môi, toan nói thêm thì nó lại rủ rỉ bên tai rằng:

- Mợ biết chuyện mấy đêm trước con Dịu rơi xuống ao chưa?

- Tôi biết rồi.

- Vâng, hôm qua nó lại rơi xuống nước lần nữa. Nó bảo với tôi nó đi giải, nhưng khi về mặt mũi tái mét lại, tôi gặng hỏi nhưng nó không chịu nói. Hay... hay là nó gặp ma?

Nga cau mày phản đối:

- Vớ vẩn, ma ở đâu mà gặp? Chị nói thế đến tai u tôi là chết đấy.

- Thế thì tôi mới nói kín với mợ. Mợ thử nghĩ mà xem, ai đời đêm hôm lại ra ao để mà rơi xuống? Ắt phải bị dẫn rồi bị kéo chân đúng không?

Tuy đã ớn người, nhưng nàng vẫn ra vẻ thản nhiên:

- Chị thôi ngay. Chị nói thế khác nào bảo nhà ta đương chung sống với bọn ma quỷ? Chị còn huyên thuyên, coi chừng tôi... tôi mách u.

- Ấy, mợ mà mách bà thì tôi làm sao dám tâm sự với mợ nữa? Tôi chỉ thấy lạ vì cái Dịu bỗng khác thường. Với lại...

Đoan bỗng trở nên ngập ngừng khiến Nga phải tiếp lời:

- Chị muốn nói thì cứ nói thẳng đi.

- Tôi sợ mợ mách bà.

- Đấy là tôi đe chị thế.

Thị cười khúc khích rồi ngồi bệt xuống bên cạnh, ngoảnh lại nhìn ra cửa, sau khi yên trí rằng không có ai mới thì thầm:

- Với lại đêm đầu tiên con Dịu rơi xuống ao, tôi còn nghe tiếng động ngoài giếng. Nhưng lúc ấy cả bọn đều ngủ rồi. Tôi nhát nên không dám dậy kiểm tra.

Nga đỏ mặt.

- Tiếng động ấy... là do tôi.

Đoan sửng sốt:

- Sao lại là mợ?

- Tôi đi rửa mặt.

- Thế là mợ cũng như con Dịu? Đúng không? Ai đời nửa đêm lại đi rửa mặt?

Nga tìm một lý do:

- Hôm ấy tôi tưởng mình hâm hẩm sốt nên ra ngoài rửa mặt cho mát mẻ. Tôi cũng gặp nó, nhưng trông nó bàng hoàng quá nên tôi bảo nó về thay đồ.

- Nghĩa là mợ cũng thấy nó kỳ lạ?

Nàng toan tiếp lời thì con sen khác chạy lại giục:

- Mợ ơi, bà hỏi mợ pha chè xong chưa?

- Xong ngay đây.

Nàng đáp và quay sang bảo Đoan:

- Chuyện này chị chớ được kể thêm với ai. Từ từ để tôi tính.



















---

5.6.2024


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net