1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi tên Nhi, năm nay đã hăm bốn rồi. Dòng họ nhà tôi đều ở Trà Vinh cả, nhưng tôi thì lại được sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nhà tôi thuộc dạng khá giả, dư tiền dư của để lo cho tôi ăn học và có một cuộc sống hạnh phúc. Người ta vượt khổ, còn tôi thì lại vượt sướng. Ngộ nghĩnh thật.

Cái tánh của tôi cứng đầu cứng cổ vô cùng, cha má nói một, tôi cãi mười, thiếu điều cãi muốn trôi sông lụt chợ luôn. Nhưng trái ngược với cuộc sống hiện đại, tư tưởng hiện đại của gia đình trên Sài Gòn, dòng họ ngoại của tôi dưới quê lại là một dòng họ nổi tiếng cổ hủ và lạc hậu dữ lắm. Tôi chỉ nghe má tôi kể lại thôi, chớ thật tình thì đã ngót nghét hai mươi năm tôi chẳng thèm về cái chốn khỉ ho cò gáy đó.

Tôi giàu từ trong trứng nước giàu ra, bởi thế mà cô dì chú bác của tôi cũng thuộc dạng có chức có quyền trong tỉnh. Con trai con gái họ không thạc sĩ thì cũng là giảng viên, không giảng viên thì cũng là giáo viên, công an, kĩ sư xây dựng. Chớ không như tôi, một đứa cù bất cù bơ ôm mộng với cây đàn đi khắp các phòng trà mà mỗi đêm chỉ thu về trăm rưỡi là tối đa. May sao, cha má tôi không cấm tôi theo đuổi ước mơ của mình.

Chà, nhiêu đây chắc cũng đủ lắm rồi. Tôi cầm viết và ghi những lời này trong cuốn tập nháp không phải là để giới thiệu bản thân hay khoe mẽ về gia thế, độ giàu có của mình đâu. Bắt đầu vào việc chính thôi, tôi hỏi các bạn này, vì tôi biết sớm muộn gì thì những điều tôi viết cũng sẽ được các bạn xem. Hãy trả lời thật lòng cho tôi biết nhé.

"Các bạn đã bao giờ nghe kể về một chuyện tình giữa đờn bà với đờn bà trong cái thời cụ cố mình chưa?"

Tôi thì rồi. Tôi nhìn điện thoại và xem thời gian, bây giờ đã là mười một giờ đêm...

Tôi còn nhớ hôm đó là lễ mừng thọ của cụ cố tròn một trăm lẻ ba tuổi, cái tuổi mà đúng như theo lẽ thường thì cố đã về với ông bà lâu rồi. Nhưng cố vẫn sống, vẫn vui cười với con cháu dù cho ngoại tôi đã mất cách đây gần mười năm. Cố khoẻ mạnh, sung sức, lâu lâu lại nói bông đùa mấy lời cho cả nhà bớt đi phần nào căng thẳng.

Cố khác với các bà trong dòng họ tôi, cố không nghiêm khắc, không hủ lậu, và càng không cấm cản con cháu bất kì thứ gì nếu việc đó là đúng. Chồng cố mất từ hồi ngoại tôi chưa đẻ, và tất nhiên, ngoại không phải là người máu mủ ruột thịt gì với dòng họ cả, vì ngoại không phải là con cố. Suy cho cùng, tôi cũng đâu có liên quan gì tới nhà họ đâu.

Nhưng tới khi tôi bất đắc dĩ về quê, cố lại tiếp đón tôi như con cháu ruột thịt mà cố yêu quý. Cố gắp gà cho tôi, lại chừa cho tôi phần đùi ngon nhất, mặc cho họ hàng xung quanh thì nhìn cả nhà tôi với ánh mắt xa lánh.

"Này...Nhi, ăn đi con."

Đôi tay cố nhăn nheo, đầy chấm đồi môi run rẩy chuyền một miếng thịt cá đã được dẻ xương qua cho tôi.

Tôi lễ phép đưa chén đón nhận, nhưng sự chú ý của tôi lại va phải đôi mắt cụp mí, xệ xuống của cố. Nhìn tôi ăn ngon lành mẻ cá ấy, cố lại cười hiền nhưng không nói gì cả.

"Trên xì phố mày học hành sao rồi?"

Anh Tín- người anh họ, là con của bác tôi đang rít một điếu thuốc trong miệng lại quay sang hỏi tôi.

Tôi nghe nói anh ta hiện đang là kĩ sư, tốt nghiệp trường đại học với tấm bằng loại giỏi, lương tháng mấy chục triệu, nhà mặc sức mà ăn. Nhưng đối với tôi, tánh anh ta hơi kì cục một xíu.

"Dạ ổn anh à."

Tôi hút ngụm nước ngọt, dùng khăn ướt lau miệng rồi tiếp tục với đống đồ ăn còn dang dở.

"Tao nghe nói mày trên xì phố đi hát phòng trà à? Tệ thật, học hành thì chả đâu vào đâu."

Anh Tín lắc đầu chẹp miệng, rồi anh ta dập cái điếu thuốc vào trong gạt tàn, hơi khói xộc lên bắt đầu toả ra khắp nơi.

"Ở nhà cậu mợ lo cho mày ăn học, học chưa tới đâu mà đòi ra ngoài kiếm tiền à? Mày học ngành nào, tao quên rồi."

Chất giọng khinh khỉnh của Tín càng làm tôi thấy chướng tai gai mắt quá. Tôi bỏ hẳn chén đồ ăn xuống chiếu, nhếch môi cười khẩy rồi đáp.

"Em học làm người, anh à."

Một tiếng loảng xoảng vang lên, tôi chỉ thấy Tín dọng đũa xuống mâm, mắt trừng lên nhìn về tôi.

"Tao là anh mày đấy nhá."

Lập tức, chú bác của tôi đã nhảy vồ đến vuốt lưng cho anh, ý bảo rằng anh hãy hạ hoả. Tôi ngồi im ru giữa các dì và các thím, tim thót lại khi nhìn cậu con trời con Phật mà đấng tối cao đã ban xuống cho dòng họ.

Hổ báo cáo chồn quá, ai mượn anh ta đụng chạm đến cái nghề mà tôi chọn làm gì. Tôi hút thêm một miếng nước nữa, hai chân tôi bắt chéo vào nhau để xem cảnh Tín đang ăn vạ giữa một rừng người đờn ông trong nhà. Đấy, con trai, cháu trai đích tôn của bác tôi và cố tôi đấy.

"Nhi, khoanh tay lại xin lỗi anh mày mau lên."

Bác tôi vừa dỗ dành cậu con trai, vừa nhìn đến tôi mà gắt giọng.

Tôi chống cằm nhìn hai họ đang mắng chửi mình, trong lòng lại thấy lạnh nhạt lạ thường. Mọi người đừng chửi tôi là hỗn láo hay gì nhé, vì còn nhiều chuyện trong cái nhà này mà mọi người chẳng thể chịu nổi đâu.

Má tôi ngồi ngay sau lưng cũng nắm tay ra hiệu tôi cứ hãy bình tĩnh lấy, vì ngày nay là ngày mừng thọ cố, bác ta sẽ chẳng dám làm gì tôi đâu. Không phải nói xấu dòng họ mình, chớ thực ra so với mấy ông quan hay ăn trên đầu trên cổ người khác thì chú bác tôi cũng không khá khẩm hơn là bao.

"Tao nói mày có nghe gì không? Trời ạ con Loan, mày xem con gái mày kìa. Về quê mừng thọ cố mà cứ trưng ra cái bộ mặt thành thị đó thì chết."

Bác vuốt mặt, nhăn nhó rồi lại thốt ra những lời trách cứ má tôi. Với bổn phận, danh phận là em gái không ruột thịt gì với nhà bác thì má tôi cũng làm lơ đặng cho qua chuyện. Cha tôi cũng vậy, mặc dầu ngồi chung mâm với đờn ông nhưng cha vẫn chẳng thèm đụng đến giọt rượu nào. Vì theo cái lẽ "Khác máu tanh lòng" của chú bác nhà tôi, gia đình lạc giống của tôi vẫn chẳng xứng để ngồi chung mâm đâu.

"Chúng mày có thôi đi không?"

Có vẻ như không muốn thấy cảnh tượng con cháu đánh nhau bể đầu trong ngày vui, cố đã bắt đầu đập bàn lớn tiếng. Giọng cố khản đặc, không to nhưng rõ cũng khiến bác và anh Tín có phần bị chững lại.

Bác quay về chỗ mình ngồi ngay ngắn, còn anh Tín thì đã thôi giở cái thói công tử của mình. Dòng họ tôi căng thẳng chờ đợi câu nói tiếp theo từ cố, vì mọi người biết rằng chuyện vừa nãy đã làm cố không vừa mắt lắm. Nhưng cố vẫn điềm nhiên không nói thêm lời nào, trong sự ngờ nghệch, tôi đã thấy cố đứng dậy và rời khỏi chiếc ghế gỗ chạm rồng khắc phượng đặt ở giữa gian nhà.

Sau khi bóng lưng cố đã đi khuất, anh Tín đã lập tức dằn mâm xắn chén ì đùng cả lên. Anh tiến về phía tôi, quát thẳng vào mặt tôi, dù cho tôi chỉ là một đứa con gái.

"Mày xin lỗi tao mau lên. Tao là cháu đích tôn trong cái nhà này đó."

Tôi thở dài một hơi rồi rút dây tai nghe từ trong giỏ xách ra, ghim vào điện thoại rồi vắt lên tai. Nhìn thấy sự láo toét vô bờ bến của tôi, mọi người trong gia đình cũng lấy điều đó mà đâm ra có cớ mắng chửi.

"Sài Gòn mới về đấy. Mất dạy chưa, nhục mặt chưa hả Loan."

"Cha chả, đờn bà con gái về quê mà ăn mặc thế này, rõ là có số làm gái lắm."

"Đó, nên thím mới bảo rằng khác máu thì tanh lòng. Suy cho cùng ngoại nó có phải con cháu trong dòng họ này đâu."

Còn rất nhiều lời ra tiếng vào khác trỏ vào lỗ tai tôi, thông lên tới não tôi nhưng tôi vẫn im lặng làm ngơ. Tôi nhìn vào màn hình điện thoại, kiểm tra tin nhắn, và bên cạnh tôi không ngừng có những câu nói phát ra từ Tín.

"Mày có trả lời tao không thì bảo. Câm à?"

Khi nghe đã chán chường quá, tôi bèn tháo một bên tai nghe và rời khỏi chỗ ngồi. Trước khi ngoảnh mặt ra ngoài sân, tôi vẫn không quên liếc nhìn một lượt những người đang có mặt trong sảnh, những con người đến đây chỉ với tham vọng là được nghe cố tôi truyền lại di chúc thế nào, cho ai, ai được hưởng bao nhiêu và lớn bé ra sao.

Tôi nhún vai, khoác giỏ sách và hướng mắt về phía Tín đang điên tiếc lên, nói.

"Ừ, câm đó."

Chỉ khi nhìn thấy nét mặt tái xanh của anh, tôi mới cười và đi thẳng một mạch xuống sân sau. Những tưởng khi tôi đi rồi thì mọi tiếng xì xầm sẽ không còn nữa, nhưng ai dè đâu mọi người vẫn bu nhau lại nói này nói nọ gia đình tôi vì đã sanh ra một đứa cháu chẳng ra gì. Tôi không cãi lại, vì tôi biết họ còn không ra gì hơn tôi nữa.

Một người mua bằng, một người ăn hối lộ, một người vẫn cố tỏ ra gia đình mình là gia đình gia giáo, gia đình văn hoá với năm năm liên tiếp nhận được bằng khen của xã cấp về. Nhưng đó chỉ là ánh hào quang tạm bợ của họ mà thôi, tiền họ rẻ rúng lắm, họ khinh người khác thì bây giờ tới lượt tôi khinh họ này.

Tôi lựa một cái ghế đá ngay dưới gốc hoa phượng mà ngồi. Tôi chỉ ngồi bâng quơ, nhìn trời nhìn đất nhìn mây, và nhìn luôn cả những loại cây được trồng trong vườn nhà cố. Đã có những cây thuộc vào hàng cổ thụ, chắc cái này bán ra cũng chục tỷ chớ chẳng đùa được đâu. Đặc biệt là cây phượng này, tôi nghe đâu đó thím hai tôi nói là nó đã tồn tại được cách đây tám chục năm hơn rồi. Ghê chưa, sao nghe sợ ma quá!

Mà cũng lâu rồi tôi mới về quê, hồi về gần đây nhất là cũng hai chục năm, lúc đó tôi mới có bốn tuổi thôi. Những kí ức đó cũng chẳng đọng lại trong đầu tôi được một thứ gì cả. Tự dưng tôi thầm cảm ơn vì cái sự đãng trí hay quên của mình, chớ nếu mà còn nhớ thì chắc thái độ của những con người kia sẽ khiến tôi tức hộc máu ra mất.

"Nhi à?"

Tôi giật mình nhìn sang bên phải khi nghe giọng nói ồn ồn của một người già. Hoá ra là cố.

Cố đang đứng bên cạnh tôi, tay cố chắp sau lưng, mà lưng cố đã còng xuống lắm. Người cố ốm tong ốm teo, đen sạm và đầy nếp nhăn trên da thịt. Tôi có hơi ngớ người khi cố xuất hiện ở đây, nhưng dù sao trong nhà này, tôi vẫn kính trọng cố hơn mấy hạng người đang ăn uống no say trong kia.

"Dạ con mời cố ngồi."

Tôi vội vàng đứng dậy và nhường một khoảnh trống cho cố. Cố khó khăn ngồi xuống nhìn tôi, nhìn luôn cả chiếc điện thoại mới mà tôi đang cầm trên tay, cố hỏi.

"Cái đó có chi mày bây nhìn quài vậy?"

Tôi đưa điện thoại lên đặng cho cố nhìn rõ.

"Điện thoại ấy ạ?"

Cố gật đầu.

"Ờ, cố thấy đứa nào cũng cầm. Chắc vui lắm hở con?"

Nghe những lời cố hỏi, không hiểu sao tôi lại thấy chạnh lòng.

Đây là lần đầu tôi với cố nói chuyện với nhau quá ba câu, vì tôi có về quê được mấy lần đâu. Được ngồi gần cố thế này, tôi cảm giác cố hiền và gần gũi quá.

"Dạ, cũng không vui mấy đâu ạ. Trong này toàn công việc của con thôi."

Cố cười, nụ cười không còn cái răng nào nhưng tôi vẫn thấy nó sáng và đẹp đến lạ.

"Sao con không vô đó ngồi đi, ngoài này lát trưa lên nắng lắm."

Tôi ngước mắt nhìn lên trời, đúng thật là trời đã bắt đầu hắt sáng rồi. Nhưng lại nghĩ đến việc vào trong sẽ đụng mặt với hàng tá lời nói chỉ trỏ khác nhau, tôi chẳng còn thiết tha gì nữa.

Dường như nắm thóp được suy nghĩ của tôi, cố đưa tay lên chạm vào vai tôi, hỏi rằng.

"Con không thích bác ba đúng không?"

Hai mắt tôi tròn xoe nhìn cố.

"Con..."

Không nói thì trong lòng không yên, mà nói ra thì lại sợ cố sẽ rầy. Tôi đành bấm bụng siết lấy điện thoại, mắt nhìn xuống sân chớ chẳng dám ngước lên nữa.

"Thôi cố hiểu mà. Ở ngoài này nắng quá, cây phượng kia cũng sắp rụng hết lá rồi. Con vô đây, vô buồng cố, ở trỏng mát lắm."

Nói rồi, cố nắm hờ tay tôi rồi lồm cồm đứng dậy. Tôi đi theo cố, phần vì nghĩ nếu không theo thì thất lễ, phần vì tôi muốn đỡ đần cố vào trong, vì cố cũng bắt đầu đi đứng khó khăn rồi. Đi bên cạnh cố lúc này, trong lòng tôi chợt trống rỗng, tôi không còn nghĩ gì đến những chuyện ban nãy nữa, cũng không thèm cầm điện thoại lướt mạng nữa. Hình như cố cho tôi một cảm giác an toàn gì đó, hay một sự dịu dàng gì đó mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể nhận ra.

Nhà cố tôi không phải nhỏ, đi tới ba phút mới có thể lấn vào được tới dãy hành lang dẫn đến buồng cố. Tôi nhớ rằng hồi nhỏ đã được kể lại là nhà cố lúc xưa giàu lắm, giàu không ai sánh bằng, nhà cất từng tấm từng tấm, trâu bò đi còn mệt chớ huống gì người. Nhưng sau hoà bình, vì muốn mở rộng thêm đất cho dân nên cố mới sai người đập bỏ đi những gian không cần thiết, chỉ chừa một khoảng còn lại đặng tu bổ, sửa sang lại cho tới tận ngày nay.

Trên đường đi, cố không nói với tôi lời nào nữa. Và đến khi mở cửa bước vào buồng, trong trí tưởng tượng của tôi, buồng ngủ của người già là một chỗ ám đầy mùi khó chịu và bày trí tẻ nhạt lắm, nếu không muốn nói là không có thẩm mĩ. Nhưng ở đây thì khác, căn buồng của cố được lót bằng loại gạch hồi xưa, bóng và sạch. Xung quanh bày nào là tượng, nào là hoa và nào là tranh vẽ. Ở chính giữa buồng là một chiếc giường gỗ to tướng với rèm che thưa. Nhìn xung quanh buồng, tôi lại thấy choáng ngợp trước vẻ cổ kính và đồ sộ của nó.

"Cha chả, con cứ đi tham quan đi đa."

Tôi đảo mắt liên tục, chạm vào từng thớ gỗ trên mấy pho tượng nâu và chạm vào luôn từng bức tranh được treo cẩn thận. Có một điều mà tôi đúc kết thế này, là chất liệu của những bức tranh ấy hầu như là giấy xịn chớ không phải loại thường đâu, bởi thế mà nó mới giữ được chì và không làm nhoè đi hình ảnh trên đó. Tôi bất ngờ quá, thú vị quá, đến mức tôi cũng phải giơ điện thoại lên để chụp lại những thứ đó đặng đem về làm tư liệu vẽ tranh tham khảo.

Thấy tôi tỏ ra hứng thú như vậy, chắc cố cũng lấy làm lạ lắm. Cố rót trà ra chum rồi đặt trên bàn, chắp hai tay đi lại và quan sát từng hành động kỳ thú của tôi.

"Lũ trẻ bây giờ thấy mấy cái này là thích lắm."

Tôi bèn bỏ điện thoại xuống.

"Con cứ tưởng..."

"Con lại đây, uống chút trà cho đỡ nóng đi con."

Cố cắt ngang lời tôi nói và mang đến cho tôi chum trà nóng vừa mới rót ban nãy. Nhìn thấy trà, cổ họng tôi nghẹn đắng lại. Tôi không thích uống trà, nói đúng ra tôi sợ uống trà, sợ vị đắng của trà như sợ khổ qua vậy. Nhưng đứng trước lời gọi mời từ cố, tôi chỉ còn biết nuốt nước miếng rồi uống ực một hơi.

Lạ thay, trà này không đắng như tôi tưởng, trái lại nó còn thoảng thoảng đâu đó mùi thơm của một loại thảo dược gì đó.

"Trà ngon lắm đúng không? Nó không đắng."

Tôi mím môi.

"Hồi xưa cố cũng không thích uống trà, nhưng trà này thì khác, con ạ."

Tôi mảy may không để ý đến lời nói của cố mà tiếp tục đi vòng quanh khắp căn buồng đặng chụp hình. Đi tới đâu, máu tò mò của tôi nổi đến đó. Bây giờ mà tìm được những đồ cổ thế này trên Sài Gòn cũng khó lắm à nha, có khi nó còn đáng giá tiền triệu lận.

Đang chú tâm như thế thì tôi bất chợt nhìn vào cái tủ kính dùng để trưng bày ấm trà cổ bên góc trái của buồng. Nó sẽ chỉ là một tủ kính vô cùng bình thường nếu như bên trong nó không để hình của một người con gái. Tôi ngồi xổm xuống nhìn, vì tủ cũng thấp lắm chớ không cao. Nhìn kĩ hơn thì tôi nhận ra đó là một người con gái trẻ, tóc dài xoã và đang mặc một bộ áo dài, có vẻ là màu trắng.

Linh tính mách bảo tôi rằng đó chắc chắn không phải hình bà cố hồi trẻ, vì so với nét đẹp của người này và bà cố bây giờ chẳng có điểm nào tương đồng với nhau hết. Người con gái trong tấm hình cười tươi làm sao, nhưng hình như tấm hình này bị xé đôi rồi thì phải. Đánh bạo, tôi kéo tủ kính, thò tay và lấy cho bằng được tấm hình đó đặng ngắm nghía rõ hơn. Lúc này cố tôi vẫn đang loay hoay đi đi lại lại ngắm lọ hoa lan mới được con cháu nhà dì tư tặng.

Tôi phấn khởi lấy điện thoại chụp lại vài tấm hình, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy có gì đó không đúng, vậy nên tôi bèn cầm tấm hình ấy mà lại gần cố.

"Cố ơi, con thấy tấm hình này trong tủ. Người trong hình là ai vậy cố?"

Cố ngơ ngác nhìn tôi rồi nhìn vào tấm hình.

"Là con riêng của chồng cố. Cô ta đẹp lắm phải không?"

Ánh mắt cố giờ đây chuyển sang âu yếm đến lạ. Bàn tay cố đưa lên vuốt ve tấm hình, như thể người trong hình đã từng là một người rất đặc biệt với cố vậy.

Khi nghe đây chính là con riêng của ông cố, trong đầu tôi lại nảy số ra một người. Tôi hớn hở hỏi lại.

"Đẹp thật cố ạ. Hoá ra đây là bà Thanh mà ngoại con hay nhắc đó sao?"

"Ờ, là Thanh. Đúng rồi, là Thanh..."

Giọng cố vốn đã buồn mà bây giờ còn buồn hơn. Tôi chau mày nhìn vào đôi mắt nhăn nheo như muốn xụp xuống của cố thì lại thấy nước mắt cố lưng tròng.

"Cố ơi, cố không khoẻ ạ?"

Cố ngẩng mặt lên, lắc đầu nhìn tôi rồi đáp.

"Cố không sao, chỉ là cố nhớ người này quá thôi."

Nhớ? Cố nhớ bà Thanh này à? Nhưng đó là con riêng của chồng cố cơ mà? Mọi thứ, mọi điều tôi nghe về cố cũng chỉ là do bà ngoại tôi kể lại, và bà Thanh cũng là một nhận vật không ngoại lệ. Theo như tôi được biết, bà Thanh chính là con đầu của vợ cả của ông cố, tức là bà cố tôi làm lẽ cho nhà ông. Bà Thanh hồi xưa đẹp lắm, bà cố tôi cũng vậy. Nhưng mẹ ghẻ con chồng, bà Thanh ghét bà cố còn hơn tỏi ghét trứng ngỗng. Chẳng biết mọi chuyện lúc đó xảy ra thế nào, bà ngoại tôi được bà cố lụm về và nuôi dưỡng. Ngoại kể rằng ngoài bà cố ra, bà Thanh cũng một phần chăm sóc ngoại, rồi đến khi bà cố được năm mươi tuổi thì bà Thanh mất.

"Cố thương bà Thanh lắm hở?"

Cố nghẹn ngào.

"Ờ, thương lắm."

Ánh mắt cố càng lúc càng đau lòng hơn, tôi cố gắng đặt mình sâu vào trong từng giọt nước mắt của cố, để rồi cảm thấy nỗi nhớ của cố dành cho người này vô bờ bến biết bao.

Nhưng tôi chỉ thấy đó đơn thuần là tình mẹ con thôi, vì theo lí thì mặc dù bà Thanh là con riêng, nhưng bà cố vẫn là mẹ của bà, chỉ tiếc rằng hai người họ không phải mẹ con ruột.

"Hay là cố kể con nghe chuyện hồi xưa đi cố, chuyện của cố, ông cố rồi với bà Thanh á. Con mới nghe ngoại con kể thôi, chớ con chưa được nghe cố kể."

"Được, được..."

Cố đưa tay lau nước mắt rồi kéo tôi ngồi xuống một chiếc ghế gỗ dài phía sau. Tôi đưa cho cố tấm hình của bà Thanh, vì tôi cũng mới biết cố thương bà lắm. Cố chăm chăm cầm lấy tấm hình, môi mấp máy bắt đầu kể.

"Chuyện đó xảy ra vào năm một ngàn...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net