duyenma

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Duyên ma

Hôm ấy trời mưa như trút nước. Cơn mưa nặng hạt kéo dài từ rạng sáng mà đến xế chiều vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tạnh. Mây đen càng lúc càng nhiều khiến bầu trời càng thêm u ám và cảnh vật đằng xa như đã bị phủ chụp nhạt nhòe trong làn nước. Vinh đã mấy lần định lội mưa về nhà, nhưng cái gió lạnh cộng thêm làn mưa tạt tới tấp khiến chàng đã phải hai ba lần chùn bước. Nơi Vinh đang đứng trú mưa là một quán lá bên đường, nhìn thái độ nôn nóng và đứng ở một chỗ không yên, nên bà chủ quán lên tiếng bảo:

- Cậu đừng ngại, cứ ngồi xuống ghế mà nghỉ. Cơn mưa này chắc cả tiếng nữa mới tạnh, ráng chờ đi, thế nào cũng có xe ôm đi ngang để rước cậu về...

Vinh khoanh tay trước ngực và rụt cổ lại vì luồng gió lạnh thổi thốc vào quán, rồi lên tiếng:

- Nhà cháu cũng gần đây, nếu tạnh mưa đi bộ về cũng được...

Rồi Vinh kể cho bà lão trong quán biết là chàng ở Saigòn về thăm nhà, vừa bước xuống xe đò là gặp trận mưa lớn khiến chàng phải chạy ngay vào quán nước để trú ẩn. Bà lão cũng kể cho Vinh nghe là bà đang chờ đứa cháu gái đi học sắp về, và nó là người phụ bà trông nom hàng quán lúc buổi chiều.

Vinh nhìn quanh quán lá nghèo nàn, trên sạp gỗ là một ấm nước trà và mấy cái ly cối cáu bẩn, phía trên treo lủng lẳng mấy buồng chuối chín vàng trên các sợi dây thép căng ngang. Cách chiếc ghế đẩu nơi Vinh ngồi là một quầy dừa xiêm đỏ ối dựa vào vách, với mấy cái vỏ dừa nằm lăn lóc dưới nền đất ẩm thấp. Bên trong nơi bà cụ đang ngồi bó gối là một cái giường ọp ẹp trải chiếu đã rách bươm nhiều chỗ, với một mớ chăn mùng hỗn độn quấn để đầu giường.

Gần lối đi ra đằng sau là một chiếc khung nghiêng lệch đính mấy tấm hình treo trên vách. Tò mò, Vinh đứng lên và bước bên vào trong thêm vài bước để nhìn cho rõ. Đó là tấm hình chụp cô gái mặc áo dài trắng ôm cặp trước ngực, miệng nở nụ cười tươi tắn, và tấm kia là một em bé đứng giữa cặp vợ chồng trẻ. Cả hai tấm hình đều đã ố vàng, bởi tấm kiếng che phủ gió bụi của khung đã bị vỡ mất.

Thấy Vinh chăm chú nhìn mấy tấm hình, bà cụ chủ quán nói:

- Con Phượng đó cậu, chút xíu nữa nó về tới là cậu nhận ra nó liền. Nó học trung học trên phố cách xa đây cả mấy cây số, đạp đi đạp về tội nghiệp lắm. Thấy nó ham học mà còn học giỏi nữa, nhưng nhà nghèo quá nên chẳng biết mai này rồi... ra sao nữa!

Thấy bà cụ vui vẻ kể chuyện nên chàng hỏi tới:

- Vậy bố mẹ cô ấy đâu?

Bà cụ chép miệng thở dài:

- Cái hình bên cạnh là bố mẹ con Phượng đó, nhưng cả hai đều chết sớm hết cả rồi!

Nói xong bà cụ đưa tay lên dụi mắt ra vẻ buồn rầu khi có người khơi gợi lại dĩ vãng buồn. Rồi cả hai chợt rơi vào trong im ắng vì một người không muốn kể thêm, và người kia lại không dám hỏi tới.

Được một lúc, Vinh ngó mông ra cửa, chàng thấy cơn mưa đang tạnh dần, chỉ còn tiếng nước tí tách từ mái tranh nhỏ xuống các vũng nước chung quanh nhà. Vinh mừng rỡ đứng dậy, với tay lấy cái cặp da đem theo và nói:

- Cảm ơn bà đã cho trú mưa, mưa đã tạnh cháu phải về nhà ngay kẻo cả nhà tưởng có chuyện chi lại kéo nhau đi tìm...

Bà cụ ngẩng đầu lên nhìn Vinh, lắc đầu ái ngại:

- Giá mà cậu chờ con Phượng về tới, rồi mượn nó chiếc xe đạp mà về thì tốt hơn.

Vinh nói đùa cho bà cụ vui:

- Bà biết cháu là ai mà dám cho mượn xe? Nhỡ mai cháu không mang ra trả rồi cô Phượng lấy gì mà đi đến trường?

Bà cụ cười nhẹ:

- Tôi biết gia đình cậu mà... Nhưng hồi đó cậu còn nhỏ quá nên không biết tôi là ai thôi. Có phải cậu là cậu Vinh con ông Tuyến trưởng ấp không?

Vinh rất ngạc nghiên khi nghe bà cụ nhắc đến tên bố mình và chức vụ ngày xưa bố chàng đã từng đảm nhận. Vinh tươi cười nói:

- Để cháu về hỏi, thế nào bố mẹ cháu cũng biết bà là ai. Xin phép bà cháu về...

Nói xong Vinh vội vã bước ra khỏi quán, hai tay cầm cái cặp che lên đầu để tránh những hạt mưa bụi. Ngồi trong quán nên Vinh không rõ, cho nên khi bước ra đường lộ chàng đã bị nước ngập sũng hết cả đôi giầy, và nếu không phải cầm cái cặp che đầu thì chàng đã dùng cả hai tay để vén ống quần lên cho khỏi ướt.

Lội bì bõm một quãng, Vinh nhìn thấy từ xa một bóng trắng đang gò lưng trên chiếc xe đạp. Cô gái di chuyển chiếc xe thật khó khăn vì dòng nước đang thoát đi chan hòa trên mặt lộ. Chàng đoán đây có thể là cô gái tên Phượng mà bà cụ trong quán đang trông chờ trở về từ trường học. Ngay lúc ấy, một chiếc xe đò chạy ngược chiều phóng tới với tốc độ khá nhanh, khiến Vinh bị nước tạt vào mình đến tối tăm cả mặt mũi và suýt té nhào, Vinh vội đưa tay lên vuốt nước trên mặt và khi mở mắt ra thì chàng hoảng hốt muốn la lên cầu cứu khi thấy chiếc xe đạp cong queo nằm giữa lộ, và người mặc áo dài trắng bị hất văng nằm úp mặt nơi vũng nước bên mé đường đối diện... còn chiếc xe đò đã gần như mất dạng ở phía xa.

Vinh vứt bỏ chiếc cặp đang cầm trên tay, phóng như bay về phía người bị xe đụng. Tới nơi, Vinh ngồi thụp ngay xuống, nâng ngửa người cô gái lên. Tim chàng như thắt lại vì thấy một dòng máu nóng từ sau gáy của cô gái đang chãy xuống chan hòa nơi tay chàng. Không biết làm gì hơn, Vinh vội cởi ngay chiếc áo sơ mi đang mặc trên người để buộc lên đầu cô gái, với hy vọng vết thương sẽ ngưng chãy máu!

Nhìn làn môi của người thiếu nữ đang thâm tím và khuôn mặt ngày càng trắng bệch vì máu đã chãy ra gần hết từ các vết thương, Vinh biết cô gái đã chết ngay khi bị chiếc xe đò đụng phải với vận tốc cao và hất văng vào mé lộ! Đang khi bối rối chưa biết tính sao thì có một người lái xe Honda đi tới thấy người bị nạn vội thắng xe dừng lại. Vinh mừng rỡ nói lắp bắp:

- Nhờ ông chạy tới quán nước đằng kia... báo cho bà cụ ở đó biết cô Phượng bị xe đụng...

Ông xe ôm không biết nạn nhân đã chết nên mau mắn đề nghị:

- Cậu ôm cô ấy lên xẹ.. rồi tôi chở tới bệnh viện trên phố...

Vinh buồn bã lắc đầu:

- Cô ấy chết rồi! Ông đi giùm đị..

Nghe thế, người lái xe ôm vội quành xe chạy về quán báo tin, còn Vinh thì lòng dạ thẫn thờ ngồi bệt dưới đường lộ và để đầu nạn nhân gối lên một chân của mình, vì chàng không nỡ thấy cô gái bị dòng nước mưa bùn ngập tràn lên mặt.

Nước mưa ướt sũng đã làm chiếc áo dài trắng mỏng manh quấn chặt vào người nạn nhân và làm nổi bật hết các đường cong trên thân thể của một người thiếu nữ đang xuân. Và dù mặt của Phượng đã trắng bệch, bờ môi tím ngắt vì mưa lạnh, Vinh vẫn tìm thấy ở đó một nét ưa nhìn của một cô gái đoan trang, thùy mị. Đang phân vân suy nghĩ thì Vinh đã nghe thấy tiếng khóc uất nghẹn của bà cụ chủ quán từ đằng xa vọng tới. Bà nhào lại đẩy Vinh ra và ôm chầm lấy Phượng lay qua lay lại:

-Tỉnh dậy ới con ơi... là con... Sao con bỏ bà mà đi đau khổ như thế này... Ới con ơi là con...

Lúc ấy trời bỗng dưng mưa trở lại, những hạt mưa quất rát vào người khiến Vinh sực nhớ là mình đang cởi trần, vì chiếc áo của chàng đã buộc chặt trên đầu Phượng. Vinh tính lấy lại chiếc áo nhưng lại không nỡ vì chàng có linh cảm người chết rất thân quen, và nghĩ nàng đã không đơn lạnh khi có chiếc áo của chàng phủ chụp lên mặt.

Mấy người hàng xóm gần đó cũng chạy ùa đến khi nghe tiếng la khóc của bà cụ. Họ xúm lại khiêng xác Phượng đi ngược trở lại quán, còn Vinh vội ngoắc ông lái xe ôm lại và bảo:

-Nhờ ông chở tôi về xóm Mía, bên dốc cầu đằng kia...

Ông xe ôm mau mắn gỡ cái bọc ny lông gài ở đằng trước xe, đưa cho Vinh:

-Cậu mặc chiếc áo mưa này vào cho đỡ lạnh. Cái áo kia cậu cho cô ấy rồi thì đừng lấy lại... Lấy lại... phiền lắm...

Vinh không hiểu ý ông xe ôm nói gì, nhưng chàng vội mặc ngay chiếc áo mưa vào người, vì quả thật thân thể chàng đang run lên vì lạnh với hai hàm răng đánh vào nhau kêu lập cập...

Vừa bước chân vào sân nhà, Vinh đã thấy mẹ chàng đang đứng chờ trước cửa, bà thảng thốt kêu lên:

-Vinh! Áo sống của con đâu mà cởi trần dầm mưa thế kia? Không sợ bị bệnh à?

Vinh dơ tay chào mẹ và hấp tấp bước nhanh vào nhà lục tìm mấy bộ quần áo cũ mà mẹ chàng vẫn xếp ngay ngắn trong tủ để chàng mặc mỗi khi về thăm nhà. Thay quần áo xong, Vinh đi ngay xuống bếp tìm hơi ấm, vì chàng biết chắc mẹ đang nấu nướng bữa ăn chiều cho cả nhà. Ngồi bên nồi canh đang sôi sùng sục, và bên dưới là những cục than hồng rực sáng, Vinh kể cho mẹ nghe về tai nạn chết người chàng tình cờ chứng kiến. Nghe xong mẹ chàng chép miệng thở dài:

- Không ngờ cái gia đình ấy bị họa "ma da" mãi đến mấy đời mà vẫn chưa xong!

Vinh tò mò hỏi lại:

- Họa "ma da" là gì vậy mẹ?

Mẹ Vinh không nhìn chàng, tay cầm muỗng hớt bọt nổi trên nồi canh rồi nhẹ nhàng nói:

- Con đừng kể với bố về chuyện cởi áo cột lên đầu cô ấy nhé! Đáng lẽ con không nên làm chuyện ấy mới phải!

Vinh tưởng chuyện "anh hùng" và nhân ái của mình sẽ được mẹ khen ngợi, ai ngờ lại bị chê trách khiến chàng phân vân không hiểu:

- Tại sao thế mẹ? Chiếc áo ấy có gì quý giá đâu? Với lại lúc ấy con thấy máu trên đầu của cô ta chãy ra nhiều quá nên con phải làm thế thôi.

Mẹ chàng âu yếm bảo:

- Con có thấy ai chôn khăn tang bao giờ không? Còn con lại buộc áo trắng lên đầu cô ấy, có khác nào cô ấy để tang con?

Vinh chống chế:

- Cái ông lái xe ôm lại nói khác! Ông ấy bảo với con là đừng lấy lại cái áo, cho rồi thì đừng nhận lại...

- Tại họ không biết gia cảnh của nhà cô ấy nên nói thế... Chứ thực ra là chuyện không nên... vì "ách giữa đàng đừng quàng vào cổ" con à...

Thấy Vinh có vẻ khó chịu, mẹ chàng đành phải kể thêm về lai lịch nhà cô Phượng để chàng thôi cắng đắng.

Gia đình ông nội của Phượng là bạn thân với bố chàng, trong một lần đi nhậu về ông Bảng té từ cầu tre xuống sông chết đuối, xác của ông tìm mãi không ra bởi hôm ấy trời mưa lũ và nước sông chãy xiết. Bà vợ của ông vì thương chồng cứ khóc mãi khiến đôi mắt sưng vù và chỉ mấy ngày sau lại ngã chúi đầu vào lu nước mưa để ở sau nhà, lúc bà lần mò đi múc nước rửa mặt. Khi người nhà tìm thấy thì bà đã chết cứng chổng hai chân lên trời.

Từ đó nhà ông Bảng liên tiếp xảy ra nhiều cái chết đều liên quan đến nước, mà đau thương nhất là vợ chồng Hải (bố mẹ của Phượng) đi vớt cá ở ao nhà, vợ bị chuột rút khi đang ở giữa ao, chồng thấy thế vội nhãy xuống cứu vợ, ai ngờ bà vợ vì quá hoảng hốt kéo chồng chết theo. Nay đến lượt Phượng, đứa con gái duy nhất còn lại của dòng họ này mới bị xe đò tông chết úp mặt xuống vũng nước mưa!

Mẹ Vinh nói rằng đó là họa "ma da" truyền kiếp, vì nghe đâu ông bố của ông Bảng cũng chết đuối vì đắm thuyền, và bà sợ cái họa ấy nay truyền sang Vinh, vì cô Phượng chưa lấy chồng mà chàng lại chít khăn tang lên đầu nàng bằng cái áo sơ mi đang mặc, thì có khác nào đã nhận người chết ấy là vợ!

Vinh không tin vào chuyện kể của mẹ, nhưng cũng thoáng rùng mình khi nghĩ lại lúc chàng ôm chặt thân thể của Phượng vào lòng lúc nàng bị nạn. Lúc ấy, bản tính con người, nhất lại là một thanh niên mới lớn, khiến lòng chàng chộn rộn và bối rối khi nhìn thấy thân thể của Phượng như bị lột trần dưới làn nước mưa, và chàng đã phải mấy lần tắc lưỡi thương cảm cho một đóa hoa vắn số. Vinh thầm nghĩ nếu không có chiếc xe đò gây ra tai nạn, nếu Phượng đạp xe về nhà nhanh hơn mấy phút, rồi chàng mượn xe của cô ấy..v.v. thì chắc là hai đứa rồi cũng sẽ quen nhau, và biết đâu...

Vinh thừ người không dám nghĩ tiếp, vì càng nghĩ chàng lại càng cảm thấy giữa hai người hình như đã có một sợi dây vô hình ràng buộc.

Sau khi ăn cơm xong và "trình báo" đủ mọi chuyện ăn học ở Saigòn với bố và mẹ thì đã quá nửa khuya, Vinh cầm cái đèn dầu trở về phòng và đặt lên giữa bàn, và khi chàng định đi tới để sập lại cái mái lá che khung cửa sổ, thì Vinh nhìn thấy một bóng trắng lướt qua và một luồng gió lạnh cuốn theo. Vinh hết hồn đưa tay lên chặn lấy ngực, vì chàng đã nhận ra ngay đó chính là Phượng, cô gái chết oan lúc ban chiều!

Đêm ấy chàng không tài nào ngủ được, và dù cố nhắm mắt, kéo chăn đắp lên tận đầu để dỗ giấc ngủ mà cũng không xong, Vinh liền chồm dậy kiếm một cuốn truyện cũ để đọc. Đang khi lục lọi ở tủ sách, Vinh có cảm giác như có ai đang đứng sau lưng mình, chàng quay phắt lại và sững sờ khi nhìn thấy Phượng mình mẩy ướt sũng đang đứng ở phía cuối giường!

Bóng ma khoanh tay, co người và run rẩy như đang bị lên cơn sốt lạnh. Vinh thấy thương cảm quá nhưng vì sợ, cứ ấp úng mãi không nói nên lời. Nhắm nghiền mắt, Vinh thu hết can đảm hỏi:

- Cô đến đây... làm gì?

Hồn ma yên lặng một lúc rồi mới nói nhẹ như hơi thở:

- Bộ anh... không nhớ gì... đến em sao?

Quả thật Vinh có rất nhiều điều để nhớ về cô gái vừa chết trên tay chàng, và điều làm chàng băn khoăn nhất là câu chuyện mà mẹ chàng đã kể về những cái chết bất thường trong dòng họ nàng. Nghĩ thế nên Vinh làm gan ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào hồn ma và nói:

- Tôi nhớ chứ... Ủa mà sao... chiếc áo của tôi đâu?

Hồn ma đưa tay lên gỡ mớ tóc rối bời lòa xòa trước mặt rồi trả lời:

- Em đang muốn hỏi anh điều đó. Anh có bằng lòng để tang cho em không?

Vinh bối rối:

- Tại sao phải như thế? Tôi với cô có gì quen biết đâu?

Giọng hồn ma bỗng rung lên như xúc cảm:

- Tại vì em không muốn làm ma... mà lại là một hồn ma đơn lạnh... không chồng!

Vinh tìm cách thối thoát:

- Chuyện ấy khó lắm... vì cô đã... chết rồi... tôi...

Hồn ma đưa hai tay lên bụm mặt rồi khóc lên rưng rức. Rồi nàng kể là hồi nhỏ vì nhà gần nhau nên Vinh và Phượng thường qua lại chơi đùa. Sau này lớn lên Vinh được bố mẹ gửi lên Saigòn ăn học vì dưới quê đã hết lớp, và quên dần cô bạn gái thuở nhỏ. Hồn ma kể lể:

- Tại anh không nhớ em, chứ em làm sao mà quên được.

Ngày xưa lúc nào anh cũng bênh vực và che chở cho em mỗi khi em bị tụi hàng xóm bắt nạt. Tụi mình còn chơi trò vợ chồng nữa, anh làm chú rể còn em làm cô dâu... anh không nhớ sao?

Dĩ vãng trở về tràn ngập trong tâm trí Vinh, chàng nhớ ra rồi, Phượng chính là cô bé hàng xóm đã thường qua nhà nhờ chàng chỉ bảo bài vở. Hồi ấy chàng rất ngây thơ, nên không để ý đến những thay đổi ngày một rõ nét nơi con bé Phượng, và mối tình đầu chớm nở trong lòng người thiếu nữ đến tuổi dậy thì.

Chỉ mấy năm xa cách, bây giờ Phượng đã là một đóa hoa hàm tiếu và chắc chắn đã được nhiều chàng thư sinh trong lớp để ý tán tỉnh, thế mà nàng vẫn nhớ và dành mối tình trong trắng đầu đời này cho Vinh. Nghe xong chuyện kể, lòng Vinh rối bời vì không biết phải xử trí ra sao, bởi mẹ chàng đã căn dặn là không nên ràng buộc với người cõi âm, nhất là gia đình Phượng đang bị họa "ma da" truyền kiếp!

Vinh đem chuyện lo ngại này ra nói thẳng với hồn ma, hy vọng Phượng sẽ thôi không năn nỉ chàng "kết ước" bằng cách phải đeo tang. Nhưng hồn ma lại nói với Vinh rằng, nàng muốn đi đầu thai sớm nên mới nhờ chàng làm chồng, và những trinh nữ chết oan như nàng sẽ rất dễ trở thành những hồn ma phá phách và báo oán!

Nói xong, Phượng buồn bã cúi đầu:

-Anh đừng sợ... hãy giúp em... và giúp em chỉ một lần này thôi...

Vinh phân vân lưỡng lự:

-Bố mẹ anh không cho anh để tang đâu! Chắc em biết anh là con trai độc nhất trong nhà mà?

Thấy không thuyết phục được Vinh, hồn ma lặng lẽ quay mặt và từ từ biến mất xuyên qua bức vách gỗ.

Vinh nằm thừ người vắt tay lên trán. Chàng nghĩ lại mình có vẻ đã quá khắt khe đối với người đã chết, nhưng giữa Vinh và Phượng đã là hai thế giới khác, âm dương cách trở, trong khi chàng còn có bổn phận phải nối dõi tông đường.

Lăn qua lộn lại một hồi, Vinh căng mắt mong chờ trời sáng, nhưng vì quá mệt với những chuyện vừa xảy ra nên Vinh đã chìm vào trong giấc ngủ.

Đêm ấy Vinh mơ một giấc mơ thật thần tiên và đáng nhớ. Vinh rủ một cô bạn học ở trên Saigòn về quê nghỉ hè, và khi hai đứa đang câu cá thì cô bạn trượt chân ngã xuống con rạch nhỏ ở sau nhà. Vinh nhãy xuống kéo nàng lên, và thấy nàng nhắm nghiền mắt, tay chân xụi lợ Vinh làm gan đưa miệng chàng vào môi nàng để làm hô hấp nhân tạo, ai ngờ môi vừa kề môi thì nàng đã mở mắt nhoẻn miệng cười. Tâm hồn chàng đắm đuối say mê vì tay kia của chàng đang vô tình đặt lên trên gò ngực thanh tân của người bạn gái, thế là hai đứa cuộn lấy nhau trong hương tình chất ngất.

Và khi Vinh lên đến tận đỉnh ngọt ngào của ái ân, chàng đã bất ngờ cắn mạnh một cái vào bên ngực trái của người tình khiến cô ta đau quá phải ưỡn người lên hất văng chàng sang một bên...

Cú hất ấy đã làm cho Vinh giật mình tỉnh ngủ. Chàng đưa tay quờ sang bên cạnh thì đụng phải suối tóc của một người con gái. Chàng hoảng hồn mở mắt, nhổm người dậy thì chỉ kịp nhìn thấy bóng dáng lõa lồ của Phượng vụt bay lên đưa tay vẫy chào chàng trước khi biḀ¿n mất!

Vinh biết chàng vừa bị hồn ma của Phượng "đè", và người trong mộng mà chàng "phá tân" lại là cô bạn học ở trên Saigòn chứ không phải Phượng khiến chàng có chút yên tâm. Nhưng khi nhớ lại từng chi tiết thì chàng thấy có nhiều điều trùng hợp với cái chết hôm qua của Phượng. Cũng là người mặc chiếc áo trắng học trò, cũng bị ướt sũng vì nước... và khi tỉnh giấc thì người nằm bên chàng lại chính là Phượng chứ không phải người trong mộng! Vinh run sợ, vì chàng biết Phượng đã ràng buộc chàng bằng một sợi dây vợ chồng, với một lần làm tình dù trong mộng nhưng thật đáng nhớ, vì chàng là người chủ động, là người đã chiếm đoạt sự trắng trong của một người con gái. Đúng lúc ấy nhiều tiếng gà gáy vang từ xa vọng lại, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Vinh chưa kịp bước ra khỏi phòng, đã nghe thấy tiếng mẹ chàng nói vọng sang:

- Không biết thằng Vinh làm gì mà lục đục cả đêm! Gần sáng nó lại còn nằm mơ kêu la ú ớ...

Biết bố mẹ đã thức dậy sớm, Vinh cũng lục tục xếp lại chăn gối và bước ra sau vườn để hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai. Đi ra đi vào và đắn đo suy tính mãi, cuối cùng Vinh cũng trở vào kể cho bố mẹ nghe chuyện mộng mị lúc gần sáng. Nghe xong mẹ chàng ưu tư bảo:

- Con bé ấy chết linh! Chuyện đã đến nước này thì không thể thối thác được nữa. Thôi để mẹ dẫn con đến nói chuyện với bà ngoại nó.

Bố chàng là người trầm ngâm ít nói nhưng cũng đề nghị:

- Bà nhớ lại nhà ông Thầy Ba, nói khó để ông ấy giúp cho.

Trưa hôm ấy, khi xác của Phượng chưa được liệm vì còn chờ cảnh sát đến điều tra, Vinh và mẹ đã đến gặp bà cụ chủ quán nước. Xác của Phượng đặt nằm ngay ngắn trên giường và phủ tấm vải trắng ngang mặt, mới nhìn Vinh tưởng là chiếc áo sơ-mi của mình nhưng nhìn kỹ lại thì không phải. Bà cụ ngoại của Phượng nói đó là mảnh vải trắng mà Phượng đã mua từ lâu mà chưa có tiền may, nay bà đem ra phủ xác và sẽ chôn theo vì Phượng rất thích miếng vải lụa trắng này.

Nghe chuyện mẹ Vinh kể xong, bà cụ rưng rưng nước mắt:

- Âu cũng là định mệnh! Cậu Vinh về đúng lúc nó chết, mà lại còn chết trên tay cậu ấy nữa! Ngày xưa tụi nó cũng quen biết nhau, thôi thì bà tính sao cũng được, chứ đối với tôi thì chỉ mong sao linh hồn nó sớm được yên nghỉ...

Mẹ Vinh nhìn về phía thi hài của Phượng:

- Bà cụ đã cho phép, con tới đốt cho Phượng một nén nhang...

Vinh tiến lại rút ra 3 cây nhang từ bó nhang để sẵn ở cuối giường, mồi lửa từ cây nến đã đốt sẵn. Khi đầu nhang bén lửa, lửa từ cây nhang bỗng bừng cháy lên phừng phực như các cây nhang có nhúng xăng dầu. Vinh vội vàng quất qua quất lại để lửa ngưng cháy, nhưng nó vẫn bốc lên hai ba lần nữa rồi mới chịu tắt. Chàng vội chắp nhang lên trước mặt vái vái mấy cái rồi thầm nói:

- Phượng em, sống khôn thác thiêng... Xin em hãy yên nghỉ, mẹ anh đã bằng lòng cho anh để tang em rồi... Ngày mai anh sẽ đến chịu tang em... Anh cầu mong em sớm được siêu thoát...

Khi Vinh ngẩng đầu lên, chàng thấy tấm vải trắng phủ trên mặt Phượng bỗng lộ ra một dòng máu đỏ. Chàng chỉ tay về phía xác chết và hốt hoảng gọi:

- Mẹ ơi... Phượng...

Bà cụ chủ quán cùng mẹ Vinh đều đứng bật dậy, nhìn về phía xác chết. Bà ngoại của Phượng òa lên khóc nức nở:

- Cháu tôi chết oan... Cháu tôi không muốn chết... Các ông bà ơi... cháu tôi không muốn chết...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net