44

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rời Hà Lan về Ý với cơn nhưng nhức trong ổ bụng, Armida nghiến răng dằn cơn đau mỗi khi nó tái phát. Bác sỹ nói ả cần một tháng để hồi phục nên ả nhân lúc này về quê nghỉ mát, tránh xa đấu đá. Ả còn ức việc mình không thể giết được Anastasia van Lawick nhưng ả phải tịnh tâm, cơn xúc động sẽ làm vết thương ả nặng hơn.

Quê Armida ở Manarola, một làng chài ven biển xinh xắn được xây trên vách đá cách mặt biển 70m. Ban đầu nhà Parrino của ả chỉ trồng nho, olive, làm rượu, đôi lúc đánh cá làm kế sinh nhai. Từ thập niên 30-40, những người nhà Parrino bắt đầu gom góp của cải đi di cư dần sang Mỹ để tránh cuộc nội chiến, và chính tại Mỹ họ nhận được một bài học lớn: hợp pháp thì không giàu được.

Thời gian đầu ở Mỹ, nhà Parrino bán rượu được làm bằng công thức nhà làm nhưng cũng chỉ đủ ăn, sẵn mới xây được một quán rượu, họ bắt đầu kinh doanh thêm cờ bạc, chừng vài năm sau khá khẩm hơn thì lấn sang môi giới mại dâm cho các em sinh viên, người mẫu, diễn viên, vũ công,... Đó là cách nhà Parrino len lỏi được vào Hollywood và cưới được những con người xinh đẹp để gia tăng nhan sắc cho con cháu sau này. Đỉnh cao thời vận của dòng họ này là vào năm 60, phong trào hippie nổ ra, nhà Parrino ngồi trên núi bạc nhờ bán ma túy. Không sai khi nói nhà Parrino giàu lên và gia nhập tầng lớp thượng lưu Mỹ nhờ "tứ đổ tường."

Khi có tiền, có thế, nhà Parrino lập tức nhận ra sự cần thiết phải một tấm bằng đại học thuộc một trường trong hệ thống Ivy League. Bố của Armida là người đầu tiên trong dòng họ lấy được bằng Harvard, chuyên ngành Xã hội học. Theo gương ông, những người trẻ của dòng họ chú ý vào học vấn hơn và hầu hết đều vào được những trường có tiếng để họ có nhiều lựa chọn hơn cho tương lai mình.

Bố của Armida, sau mấy năm đi làm ở các tổ chức phi lợi nhuận, năm 30 tuổi ông ra làm riêng, lập vài quỹ từ thiện để rửa tiền và trốn thuế. Một lần về Ý thăm quê sau trận cãi nhau với bố, ông gặp một cô sinh viên mới bị đuổi học vì tổ chức biểu tình trong trường. Anh bị ấn tượng trước nhan sắc và trí thông minh của cô, còn cô thì đổ trước áo vest Zegna, bằng Harvard và tinh thần dân chủ kiểu Mỹ của anh. Họ sống những ngày tháng hạnh phúc với nhau ở Manarola này và sinh ra ả.

Thời gian ả bên mẹ không kéo dài lâu. Nó là phần ký ức đầu đời chập chờn trong những hồi tưởng quá khứ như một giấc mơ thực hư lẫn lộn. Mẹ ả đã qua đời trên bàn đẻ khi đang sinh đứa thứ hai. Đứa bé chỉ sống được vài ngày rồi hơi thở yếu dần... Sau đám tang vợ con, bố ả lặng lẽ đưa ả về Mỹ đoàn tụ với họ hàng Parrino.

"Nó là đứa Ý nhất trong nhà này." Ông nội ả thốt lên khi bế xốc ả lên quay vài vòng trong sung sướng. Ông nội ả khi đó đã 70, nhưng hẵng còn tráng kiện, minh mẫn, điều hành công việc gia đình đâu ra đó. Sau này ả mới biết, ông nội muốn bố ả kế nghiệp mình nhưng bố ả đã từ chối cho tới khi bố đưa ả về Mỹ với sự quy thuận ông nội hoàn toàn. Nỗi đau mất vợ và đứa con mới sinh đánh gục ông, và ông nhận ra mình cần bố mình ở giai đoạn này. Ông nội cô nói rằng, Parrino là gia đình của mày, luôn thế. Tao không thích việc mày tự tiện bỏ về Ý rồi cưới vợ mà không đếm xỉa gì đến tao và mẹ mày, nhưng mày là con tao và mày mang về thế hệ nối tiếp của dòng họ.

Dù ông nội còn giận bố ả nhưng điều đó không ngăn Armida trở thành đứa cháu cưng nhất của ông vì ả Ý nhất nhà. Thời đi học ả phải đi qua đi lại giữa Mỹ, Ý, Anh và Pháp vì tính chất công việc của bố ả. Thế nên ả may mắn được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất của phương Tây.

Cho đến một mùa hè ở Mỹ năm Armida 15 tuổi, nó trở thành mùa hè đáng nhớ nhất đời ả, vì khi đó ả lần đầu gặp Larissa Knightley. Sự kiện mùa hè năm ấy đã khởi đầu rất nhiều thứ, kể cả tình bạn đắng ngắt nhưng không thể thiếu giữa ả và Larissa.

Mùa hè năm ấy đã tạo nên Larissa. Một mùa hè khó quên.

Nhắc tới Larissa, ả đã mời nàng tới Manarola để nghỉ mát cùng ả. Nàng đáp sẽ tới trong hôm nay.

Người phục vụ phòng mang hành lý ả lên phòng ả đã đặt trước. Ả gật gù nhìn căn phòng có cửa sổ hướng ra biển với sự hài lòng. Ả không cầu kỳ như Larissa, chỉ cần sạch sẽ, không có mùi khó chịu, có internet là ổn với ả. Tuy nhiên...

Ả quay đầu ra sau hỏi người phục vụ phòng:

"Gái đâu?"

-----

Larissa đến Manarola tầm chiều tối. Nàng lên phòng khách sạn đã được Armida đặt trước để cất hành lý, xong tới nhà hàng ăn tối với Armida. Armida đã ở đó cùng với một cô gái khác chờ nàng. Cô này khá xinh. Đó là cô gái mà người phục vụ phòng đã tìm được cho Armida theo những tiêu chuẩn ả đề ra: đã thành niên, dáng người cân đối, sạch sẽ, và phải ưa nhìn, ngoan, biết điều.

Người bồi phòng hỏi lại: "Ý cô là sinh viên hả?"

Ả búng tay chỉ vào anh: "Là anh nói đấy nhé."

Vài tiếng sau, anh ta gọi báo với ả đã tìm được cô gái như ả yêu cầu. Ả kêu anh ta dẫn lên phòng mình. "Không tệ," ả thầm nhận xét trong đầu khi nhìn lướt qua cô gái. Cô gái tóc đen, mắt nâu, da rám nắng đúng chất những người sống ven biển. Cô đeo sau lưng một cái guitar. Tên cô là Ida, sinh viên năm cuối ngành âm nhạc, hiện đang làm ca sỹ tại quán bar của khách sạn. Trước khi đóng cửa phòng, ả boa cho anh bồi phòng 100 EUR. Đi đâu ả đều muốn có gái trên giường, không cần phải làm tình nhưng phải nằm cạnh ả, ả không thích ngủ một mình. Trong những ngày ngắn ngủi ở Manarola, Armida yêu cầu cô gái phải sống với mình như tình nhân (tức là bao gồm cả việc phải nghe lời ả và chung thủy) tới hết tháng 11, khi ả rời đi Mỹ. Ả không còn cảm thấy an toàn ở châu Âu.

"Nếu cô cần người ở cùng thì sao cô không đi tán ai đó ở quầy bar? Cô như thế này mà, sẽ rất được ưa thích." Ida hỏi sau khi nghe những điều kiện của ả.

"Tôi không muốn vướng bận mối quan hệ bởi những hy vọng, ảo tưởng. Như tôi và em thì em có thể thấy chúng ta từ đầu đã rất rõ ràng với nhau đây chỉ là mối quan hệ tình tiền, không ràng buộc gì," ả hôn má cô nhưng chắc ả chưa làm tình với cô ngay được, ít nhất trong tuần này, theo khuyến cáo của bác sỹ.

Thấy Larissa ăn uống uể oải, ả hỏi:

"Vẫn còn bị ám ảnh bởi Jamie à?"

"Nếu không phải vì cậu cô ấy vẫn ở bên tớ chứ không phải là lên giường với con mụ người Pháp kia!" Larissa buông nĩa xuống trách móc ả. Đây là lý do họ ít gặp nhau khi Larissa ở Pháp, vì lần nào gặp Larissa cũng nhắc lại chuyện Jamie và hằn học với ả. Armida tảng lờ đi, dù lần này chính ả gợi chuyện về Jamie trước:

"Con mụ người Pháp đó là Ngoại trưởng và nhìn như Eva Green nên tớ không thấy điều đó tệ lắm đối với Jamie. Hồi thiếu niên tớ từng muốn được mất trinh cho Eva Green đấy."

"Jamie là của tớ!" Larissa giận dữ đáp lại.

Sau một khoảng lặng, Armida mới đáp:

"Tội nghiệp Jamie."

"Tớ rất muốn giết cậu!"

Ả cười phá lên khi nghe nàng đòi giết mình, "Larissa bạn thân yêu, giết tớ rồi thì còn ai trên đời này hiểu cậu nữa?"

"Nhưng này, tạm quên Jamie và tha cho con bé tội nghiệp đó đi. Cậu yêu đéo gì nó mà cứ phải hành hạ bản thân khổ sở như vậy."

"Tại sao cậu cứ liên tục nói tớ không yêu Jamie?"

"Sự thật là vậy mà, Larissa. Cả hai ta đều biết rất rõ." lúc này Armida đổi sang tông giọng nghiêm túc, "Đừng quên tình bạn của chúng ta được xây dựng trên điều gì."

Larissa vẫn nhớ. Giả như một lúc nào nàng quên thì Armida đã chết dưới tay nàng, hoặc ngược lại nàng chết dưới tay ả.

Những tình bạn thông thường được vun đắp trên những chia sẻ sở thích, tình cảm, thậm chí là sự căm ghét. Riêng Larissa và Armida không hề chia sẻ với nhau bất cứ điều gì trong những thứ đó.

Họ làm bạn với nhau vì cả hai cùng chia sẻ những tội lỗi. Vì thế tình bạn của họ mới đắng ngắt.

"Tớ không bao giờ quên," Larissa hạ giọng, "Tớ xin lỗi đã gắt với cậu," nàng cúi đầu nhìn ly vang xoay trong tay nhớ lại lần cuối nàng gặp Jamie trong văn phòng mình và lời hứa của nàng sẽ không tìm em nữa.

"Trước sau gì, Jamie cũng sẽ quay về tìm tớ."

----

Trời hửng sáng, Mireille hôn vai Jamie rồi ngồi dậy mặc đồ chuẩn bị rời đi. Lần nào ở gần cô gái này cô đều không kiểm soát được ham muốn của mình. Trên đường tới đây cô đã nghĩ có khi nào cuộc nói chuyện ngày hôm nay sẽ kết thúc trên giường, quả y như là... Có khi đó là lý do vì sao Armida "tuyển mộ" em hay Bella, bởi cả hai đều có chung khả năng khơi dậy ham muốn ở người khác một cách vô thức và không cần phải cố gắng. 

Trường hợp Jamie còn nguy hiểm hơn Bella: vì em khiến người khác muốn chiếm đoạt mình dù em không hề cố ý. Mireille nhìn ra vấn đề đó ở ngay lần đầu tiên hôn em. Thoạt đầu khi hai người còn xa lạ nhau, Mireille không để tâm đến điều đó, nhưng khi đã gần nhau hơn thì nó làm cô lo lắng cho em. Cô hiểu vì sao Larissa bị ám ảnh và bám theo em tới giờ, hiểu rằng nỗi thèm khát cô đang phải chế ngự và điều Larissa ủ trong mình khi tới Paris là một, dù nàng nói gì nàng sẽ không từ bỏ em. 

Cả Larissa và cô đều có thể không yêu em nhưng đều muốn có em. 

Mireille định đặt lên bàn tiền cho Jamie tháng này thì bị em liền ngăn lại:

"Chị cất đi. Em không muốn nhận tiền từ chị nữa."

Cô nhìn em hẵng còn nằm đắp chăn trên giường với những dấu vết cô để lại trên làn da em. Tuy còn bối rối, song cô vẫn cất tiền đi, vì nếu để lại sẽ là hành động coi thường em.

"Giờ em là nhân tình của chị, chị không phải cho em cái gì hết."

Như thế không ổn lắm, Mireille cảm thấy vậy, bởi cô không đáp lại cho Jamie điều gì, nhất là khi em đang yêu đơn phương cô và sẵn sàng phục vụ cô nếu cô muốn. Thật khó nghĩ.

Cũng ở trên chiếc bàn đó cô thấy tờ giấy giới thiệu trường bèn cầm lên xem, nhận thấy ngành học khoa học máy tính được khoanh tròn, Jamie muốn học ở đây sao?

"Trường UPMC này khá tốt," cô nhận xét. 

"Vâng. Em đang làm hồ sơ. Giá mà em quen được một học giả nào để nhờ viết cho em một thư giới thiệu thì tốt quá." Jamie ngáp một hơi dài và ngồi dậy. Đột nhiên Mireille hỏi:

"Em có tờ giấy trắng không?"

"Để làm gì ạ?"

"Viết thư."

Thư? Ý cô ấy là thư giới thiệu ư?

Jamie nghĩ mình còn mớ ngủ hoặc hiểu nhầm ý cô, nhưng đôi mắt xanh lá đang kiên định nhìn em khẳng định cô thực sự sắp làm điều đó.

"Nhưng... nhưng mà..."

Mireille nhướng một bên lông mày, "Tôi cũng là một học giả mà."

"Không, ý em là, nó... Chị không cần phải làm thế." Thực sự điều này nằm ngoài mong đợi của em.

Cô ngồi lên giường đưa tay áp lên má em, "Nghe này, tôi cần em phải vào đại học. Em hiểu không?"

Jamie khẽ gật đầu, nước mắt chực rơi.

"Em có giấy trắng không?"

Jamie nhớ ra còn vài tờ giấy trắng A4 trong ngăn kéo bàn, thứ của người thuê trước đó để lại., bèn lấy ra đưa cho Mireille. Cầm lên áng chừng độ dày của tờ giấy, cô quyết định giấy này viết được.

Cô kéo ghế ngồi xuống bàn, lấy ra một chiếc hộp trong túi xách của mình, mở ra lấy cây bút máy, một trong những vật dụng bất ly thân của cô. Chắc cô là người duy nhất trong Nội các chỉ kí tên bằng bút máy.

"Chị viết tay à?" Trước sự ngạc nhiên của Jamie, cô gật đầu. Jamie sửng sốt vì tưởng Mireille sẽ đánh máy, thời này còn ai viết thư tay?

Cô bắt đầu viết cho Jamie một lá thư giới thiệu. Jamie là người học việc theo cô được một năm nay, cô tin tưởng và đạo đức và khả năng của em, rằng với môi trường đào tạo có tiếng tăm của quý vị sẽ giúp ích cho em rất nhiều. Cô biết ngành của mình và của em không liên quan đến nhau nên nhấn mạnh phần khen ngợi đạo đức của em. Cuối thư cô ký tên: "Thạc sỹ luật học Mireille Heather". Điều làm Jamie thán phục là Mireille viết tay liền một mạch, không ngưng, không lỗi chính tả, đã thế chữ nét thanh nét đậm, nắn nót, tròn trịa hoàn hảo hơn cả đánh máy. Viết chữ là hoạt động ưa thích của Mireille mỗi khi cô cần tĩnh tâm.

Đợi mực khô, Mireille gấp lá thư đưa cho Jamie, "Cuộc đời tôi tính tới nay chỉ viết thư giới thiệu cho 4 người, em là người thứ 5 và là người duy nhất không phải là sinh viên luật."

"Em... em cám ơn." Jamie lắp bắp khi nhận thư từ cô. Món quà này đối với Jamie là vô cùng quý giá. Nó có thể mở cho em tương lai mới xán lạn hơn và tự do hơn. Một học bạ đẹp chưa chắc gây ấn tượng bằng một lá thư giới thiệu từ Mireille Heather, đương kim Ngoại trưởng Pháp.

"Phần còn lại tùy ở em, hãy ráng hết sức và học đàng hoàng. Nhưng trước hết em lo học tiếng Pháp đi." 

Jamie gật gật đầu rồi cúi xuống ôm hôn cô. Mireille cảm thấy vị mặn ở đầu lưỡi.

Đây là điều tốt nhất tôi có thể làm cho em.

Mireille giống Armida ở tính sòng phẳng. Cô cảm thấy không phải khi cứ thản nhiên nhận lấy tình yêu của Jamie mà không đáp lại điều gì cho em. Cô muốn giúp em thoát khỏi móng vuốt của Armida nhưng nhìn vào trường hợp của Anastasia van Lawick khiến cô chùn bước. Ana đã cưới người đàn bà của ả và Ana phải trả giá bằng tất cả những gì mình đang có.

Đại học là con đường tốt nhất dành cho Jamie tự cứu lấy mình lúc này.

Trước khi bỏ lá thư vào trong bìa hồ sơ, Jamie mở ra đọc lần nữa, cảm thấy thân thương và xúc động. Bỗng dưng em muốn giữ lại bức thư và không gửi cho trường, nhưng nghĩ sau này em có thể nhờ Mireille viết một lá thư khác cho mình nên em mới quyết định bỏ lại vào trong.

----------

Chap cuối cùng trong năm nay. Cám ơn các bạn đã theo Citadel đến giờ phút này.

Các bạn hãy ủng hộ chúng mình qua:

patreon.com/masochisbian

Chúc các bạn năm 2018 an lành.

Masochisbian.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net