Bệnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Viết bởi Wattpad: Quaboxanh

- Tôi tốt nghiệp các cô ạ. Tôi đi kiếm tiền. Huhu!
- Truyện này hơi... ừm... kì lạ một chút, cũng hơi khó hiểu một chút. Tôi biết nó hơi cụt, nhưng tôi bận xỉu, hết thời gian chăm chút luôn.


“Alo?"


Trời đổ mưa. Cái se lạnh hanh hanh của tháng 11 mới chớm về, mưa phùn đã bất chợt ghé thăm.

Mẹ gọi tôi trong một đêm ấy.

Cha tôi mất rồi.

Ông mất giữa đêm mưa tầm tã. Trời chưa tỏ, ông cố đợi tôi về. Nhà anh trai xây nửa còn trống cửa, mà đợi mãi chẳng thấy bóng tôi. Ông đợi thế đã nhiều năm.

Hai giờ, những chuyến tàu đêm đã qua, và rạng sáng chưa kịp đặt vé. Ai cho tôi quá giang về nhà lúc này thì tốt quá, lòng tôi đợi tàu chẳng nổi. Quãng đường ngắn mấy năm tôi chùng chình hẹn hứa, bỗng từ khi nào xa xôi và mênh mông thế.

Tôi không nhớ mình về nhà bằng cách nào.

Khi tôi tỉnh ngộ ra, tôi đã quỳ trước linh cữu ông, tai ong ong những tiếng rên rỉ khóc than của họ hàng, và ôm trong lòng người mẹ gầy gò đã ngất xỉu.

Anh hai tôi lo liệu chu toàn mọi việc. Tôi cho là thế, vì tôi không hiểu nghi lễ. Tôi góp mặt trong đám tang như cho đủ mặt. Tiếng kèn tiếng trống đánh thức tôi từ mộng, tôi cứ ngẩn ra rồi lại giật mình, nhìn qua lớp mờ của khăn xô trắng, thế giới của tôi trở nên mờ ảo và rỗng tuếch. Người đến người đi, đông đúc và vồn vã, còn cha tôi lặng thinh ngồi một mình trên ban lễ.

Từ nghĩa địa trở về, tôi tỉnh hẳn. Chắc cha không trách tôi, an yên nằm cạnh mộ, chẳng theo tôi về nhà nữa.

Mẹ tôi cảm ơn từng người, hàng xóm láng giềng góp tay góp chân giúp đỡ. Bà hồ hởi như thể vui vẻ, ai cũng hiểu. Những đêm cha đau quằn quại, mẹ tôi vẫn chẳng đành.

“Cút đi!”

Tôi chạy vội ra ngoài. Hương trên bàn thờ cha chưa lụi tàn đỏ, tôi đã thấy mẹ chống nạnh cãi nhau với người ta.

Mấy chiếc ghế để ghi lễ ngoài cổng nằm lăn lóc, hoang tàn như bị bão quét qua. Mẹ tôi chỉ tay thẳng mặt người đang co rúm ngồi trên ấy, bà buông những lời ngoa ngoét, những lời mà tôi chưa từng nghĩ bà sẽ nói ra trong đời.

“Mày đến ám đến nguyền nhà người ta phỏng? Mày báo tang chưa đủ, mày đến đây cười vào mặt người khuất đấy như? Sao Vương dưới không linh, kéo mày đi đày trả nghiệp? Sao mày không đi chết quách đi?”.

Tôi ngây ra như phỗng. Người xung quanh dường như đã quen, đứng tồng ngồng ra ngó nghiêng, cũng không phản ứng gì. Tôi thấy trong mắt họ, thứ cay nghiệt của định kiến và mê tín.

Anh hai mạnh tay lôi mẹ vào, anh không nói gì, nhưng mặt đen lại khó coi. Tôi bỗng hiểu anh biết gì đó, nhưng bất lực không chống lại được bóng tối của vòng khốn lũy tre và thất học.

Người tản đi. Tôi thất thần nhìn anh ta. Chàng thanh niên ngồi quây thành một nắm trên bụng ghế chật hẹp. Anh ta như chẳng hiểu gì về những lời người ta chửi mắng, mắt cứ nhìn chăm chăm vào bàn thờ của cha tôi, liến thoắng đảo quanh, rồi lại nhoẻn miệng cười.

Chàng thanh niên đó bị điên.

Chị dâu tôi như sợ tôi nói điều gì không nên, kéo tay tôi thủ thỉ báo chuyện.

Tôi tò mò. Nhưng tôi không dám hỏi thêm, khi nhìn vào đáy mắt tối tăm của hàng xóm và cẳng tay gầy còm bẩn thỉu của chàng trai.

Anh ta sống không bằng chết.

Tôi đoán thế.

Nhà tôi phải mấy tuần vẩn vương hương khói. Nhưng mọi thứ dường như đã quay lại guồng trục của nó, diễn ra bình thản như nó vốn thế. Mẹ tôi đi làm đót cho người ta, vẫn dành thời gian tám nhảm với các bá các dì mấy chuyện vu vơ. Bà Ngoại đã về nhà, anh chị tôi cũng vắng.

Tôi nhìn cha. Ngày viếng cha, tôi không khóc, chiếc khăn tang che đi mắt tôi. Nhưng khi bóng tối phủ rợp, thỉnh thoảng tôi nhớ lại khi tôi còn nhỏ, cha cõng tôi trên lưng, đôi tay đen xạm mua cho tôi một cây kem trắng bóc, tôi lại dúi mình vào chăn lẳng lặng rơi nước mắt.

Tôi biết cha không trách tôi. Nhưng tôi phải tự trách mình. Vì thế cứ nhìn ảnh cha tôi lại muốn khóc.

Tôi quệt vội mắt, lững thững ra khỏi nhà. Đang chịu tang, tôi tránh đi vào nhà người ta, vô định chậm chạp lượn quanh bờ đê mới cắt cỏ. Mùi cỏ chẳng thơm như tôi nhớ, nó ngai ngái, ngây ngây, ảm đạm vị nhựa tràn và chút nắng tàn nửa khô cháy. Gió hất vào mặt tôi một đợt buốt buốt, tôi thấy mình tỉnh táo hẳn, tròng mắt đỏ xót cũng gay lên ứa nước.

“Cút đi. Đồ điên, mau cút đi.”

Tôi giật mình quay lại, trơ như phỗng nhìn đám trẻ ném đá về phía này, từng viên từng viên như muốn lao thẳng vào đầu tôi.

“Đừng ném mà, đau lắm.”

Chàng thanh niên hôm đám lại xuất hiện. Từ ngày giỗ tuần cha tôi, anh ta không đến cổng nhà tôi nữa. Anh ta đang chậm chạp tránh đám nhỏ, cổ chân có một vết rách nhuốm bê bết máu. Tôi thấy anh ta không được ổn lắm, dáng vẻ chật vật và lảo đảo. Anh ta lao đi như cắt, đi về phía hoàng hôn tựa biến mất.

Tôi ngơ ngác nhìn.

Cách qua đó mấy hôm, tôi chở mẹ lên chùa trên để cúng bái. Tôi ghét những nơi hương khói như thế này, nó khiến tôi ngột ngạt khó thở.

Tôi cúi đầu như một thói quen. Nơi này thần ít quỷ nhiều, cả đám giống đỉa trắng bám dính trên cành sứ kia nữa, chúng nhìn tôi bằng đôi tròng mắt ngây dại.

Tôi lại thấy anh ta.

Chàng điên hôm nay ủ dột. Anh ta ngồi im như phỗng ở góc tượng quan âm, gót chân băng một dải gạc trắng. Người cúng người bái nhìn anh ta tò mò.

Ngài trụ trì đứng một bên lẩm bẩm điều gì đó, lắc đầu rồi thở dài. Ông ta xoa cái đầu trọc lốc của mình, lom nhom đến gần cánh cửa gỗ sơn son đỏ, lắp bắp nói với người bên trong.

“Không, nặng lắm thưa ngài.”

Bên trong có vẻ không hài lòng, đấm xuống khung cửa một cái bốp

Thế rồi một đôi bàn tay xông vào tầm mắt tôi, xốc nách chàng thanh niên dậy, thật dịu dàng và nhẹ nhàng vuốt gò má anh.

“Lưu Vũ, về thôi, em đến đón anh về.”

“Về thôi con!”

Hai âm thanh vang lên cùng lúc. Tôi mơ màng theo mẹ về, ngoảnh đầu lại, thấy chàng thanh niên cũng đang nhìn tôi, mỉm cười.

Chẳng ghê rợn, chẳng quái thai.

Trong trẻo và sạch sẽ. Như hương man mát của buổi chiều mưa ngâu, hắt vào lòng nhau đôi ba lời tâm sự.

Anh ta chắc hẳn có điều gì muốn nói.

Đương nhiên, tôi không dừng lại. Sự tò mò của tôi chưa lớn hơn sự sợ hãi, cái thứ bản năng né tránh lời gièm pha vốn đã ăn sâu vào máu tôi.

“Dạo này về chơi đấy à?”

“Dạ. Cháu về để tang cha.”

“Ôi dào ơi! Mày vẽ chuyện. Sớm có hiếu thế thì cha mày đã không chết.”

Tôi lặng thinh. Tôi cố nén mấy lời thô tục vào trong họng. Nhưng đôi mắt chắc không giấu được tức giận và uất ức.

“Sao, có sai không? Ngày mày làm ầm lên với cha mày, tao còn sang bênh đấy. Nghĩ lại vẫn hối, đánh nhẽ tao nên để chả đánh chết quách mày đi.”  

Tôi biết mà. Những người đó cứ bắt đầu như thế đấy.

“Chúng bay lên đó, học đòi toàn những thứ vớ vẩn. Một thằng một bà không thích, lại bày đặt chụm nhau hai cái lỗ l*n. Tưởng thế là hay à?”

“Tao nể mẹ mày tao không chấp. Chứ cái giống ôn dịch như thằng điên kia, với cả mày, tránh xa nhà tao ra, kẻo lây cho con tao.”

“Mà tốt nhất là chúng mày cút hết đi. Dù sao cha mày cũng từ mặt mày, mày không có quan hệ gì với cái làng này nữa.”

Tôi đứng ngẩn ra cho họ chửi, như lúc cha cầm chiếc roi mây chỉ thẳng vào mặt tôi quát. Người ta nhìn tôi bằng ánh mắt lấm lét và soi xét.

À. Cuối cùng họ cũng biết. Chắc con gái mụ khoe cho mụ, bằng giọng điệu ghê tởm và khinh ghét, rồi tôi thành thứ dịch mủ trong mắt mụ. Cứ thế truyền đi, tôi chẳng con là người nữa, rồi tôi cũng sẽ sớm thành loài lây nhiễm trong mắt các mụ như chàng trai kia.

À. Hóa ra chàng trai ấy cũng thế. Tiếc thật, tiếc thương cho một đôi mắt xinh đẹp.

Trần gian ô uế hay tính người dơ bẩn? Không, là tôi nhơ nhuốc.

À, mẹ tôi đã khấn. Chắc vái phật cho tôi một tấm chồng, cố ép buộc tôi theo lẽ thường. Bà không nói, nhưng chắc bà hằn lâu lắm. Kể từ ngày tôi bỏ đi, bà vẫn coi tôi là một con bệnh.

Chở mẹ về nhà, tôi lại lang thang khắp làng. Đôi chân tôi muốn biết gì đó, tự động đưa tôi đến một ngôi nhà nhỏ. Dây thường xuân héo mòn trên rãnh tường.

Nhìn qua ô cửa kính ố vàng, tôi thấy chàng điên. Anh ta ngồi ngoan ngoãn trên chiếc ghế đẩu, đôi mắt ngẩn ngơ về một phương lạ, để chàng trai phía sau nhẹ nhàng chải tóc cho. Buộc được một nhúm nhỏ trên đỉnh đầu, chàng trai phía sau cười mỉm xoa xoa má anh ta, dịu dàng lấy khăn lau một hồi lâu cho khuôn mặt nhỏ.

Ánh nắng hắt qua khe cửa, phủ vào gò má hai người, nom yên bình và ấm áp. Một tiếng chim khuyên thủ thỉ khẽ vang lên, thân mập múp rúc trong rèm cửa cũng lay động.

Chàng thanh niên chẳng phản ứng gì, cứ bận vân vê mép áo, tâm hồn biến trống rỗng nên ánh mắt cũng chợt vô hồn.

Rồi bỗng anh ta giật mình cái thót, khuôn mặt rúm ró rồi bật khóc. Chàng trai phía sau biến sắc, vội chạy vào phòng trong, lôi ra một chiếc dây thừng. Nhưng chẳng kịp, chàng điên ngã ra đất, há miệng ngớp khí rồi gào toáng lên. Tiếng gằn từ cổ phát ra, ư ử cục cằn, lúc to lúc nhỏ, tựa máu từ tim chảy ngược bắn ra, nghe giống tiếng khóc lại giống tiếng giận, khiến ngực tôi hậm hực.

Tôi nhớ tiếng này. Ngày tôi khóc vì cha đánh tôi, tôi cũng gào như thế, tiếng rách gan rách ruột của con người bị chối bỏ, tiếng xé lòng của một nỗi uất không được toại nguyện.

Anh ta điên điên dại dại nắm lấy lọn tóc trên đỉnh đầu, giật xuống như thế ghê tởm chính mình. Rồi anh ta cuộn mình lại, khóc thảm thiết, lồng ngực gầy phập phồng, như muốn vỡ ra mà chết. Người con trai kia cố ôm lấy anh ta, nước mắt đầm đìa cả cổ áo.

“Anh, ngoan, em đưa anh đến bên hắn nhé. Chắc anh mệt rồi.”

Ngôi nhà nhỏ chìm trong tiếng gào khản đặc.

Tôi cứ đứng ngớ ra đấy mà nhìn, cho đến khi tôi chạm phải một ánh mắt ác liệt ngoài cổng, hắn cao lớn, đang đứng dựa vào cửa một chiếc xe hơi để hút thuốc, và cũng dõi vào trong trước khi thấy tôi. Hắn lườm tôi, có chút hằn học và soi xét.

“Cút.”

Tôi hoảng sợ chạy đi. Ánh mắt ấy khiến tôi ngột ngạt, như thể tôi là một kẻ tội lỗi và không bình thường.

Anh hai tôi sợ điểu gì, không dám nói. Chị tôi nom tôi ủ dột, chắc chị cũng phiền mắt, liền kéo tôi tới cái góc tối, thủ thỉ rụt rẻ kể chuyện.

Người yêu anh ta đã chết.

Giá một phép màu có thể thay đổi sự thật, rằng họ cùng giới tính với nhau, thì chàng điên có lẽ đã là một bác sĩ, cùng với người yêu của mình sống một cuộc đời tốt đẹp.

Cha dượng của chàng điên đã chém chết người yêu anh ta.

Chẳng biết chính xác vì lí do gì. Chàng điên nhận được một chiếc thi thể, trong tay vẫn nắm chặt nhẫn kỉ niệm của họ.

Người cha dượng vào tù. Người mẹ nhát không nói được gì. Chàng trai kia mồ côi, chẳng ai đòi được cho anh cái công bằng lí lẽ, chỉ có người yêu nhỏ khóc đến điên dại.

Tôi định rời đi. Tôi chỉ thương anh chị tôi, phải một đôi cáng đáng mọi việc trong nhà, vì có một đứa em gái như không.

Nhưng tôi thấy thân thể mệt mỏi, ốm rề mấy hôm, tôi đành rời lại.

Tôi thấy mình lạ, tự dự cảm có chuyện không hay.

Đêm nay tối căm, mấy ngọn đèn leo lét bị bu dày thiêu thân. Chúng dại thật, biết chạm vào sẽ chết, mà vẫn cứ liểu xô đến.

Tôi không ngủ nổi. Tôi cứ nghĩ đến cha, nghĩ đến chàng điên, rồi trằn trọc không yên.

Xóm làng tĩnh lặng. Tầm rạng, chỉ văng vẳng tiếng chó cắn ma, rì rào những đợt từ lũy tre cao khuất bóng trăng, in thành một vệt đen nhẻm lắc lư giữa nền trời.

Tôi đi ra khỏi nhà. Tôi nghe thấy tiếng ai cười khúc khích, hòa vào màn đêm. Tôi chạy theo tiếng ấy, bóng tối phủ nhòa đôi mắt, nhưng dường như tôi thấy điều chi rọi sáng bước chân mình.

Tôi thấy chàng thanh niên ấy. Anh ta đang cười. Khác với hôm ấy, anh ta xinh đẹp và sáng lạn. Đuôi mắt híp lại lấp lánh ánh nước, đôi môi câu cong và gò má tựa ửng hồng. Anh lả lướt nhảy múa bên một cái bóng trắng, tôi thấy, một thanh niên cao lớn, cười dịu dàng và mềm mại, nâng eo chàng trai trên đôi tay trong suốt. Trên mu bàn tay hắn, có một dấu ấn nhỏ màu vàng kim, phát ra hào quang vô hạn.

Tôi ngẩn ra. À, hóa ra là thế.

Tôi chợt hiểu điều gì. Về cái danh báo tang, về nụ cười vui sướng của chàng điên mỗi lúc đến đám ma nhà người ta. Anh ta chỉ muốn thỏa cái chấp niệm nho nhỏ, sống chết không tan.

Đẹp thật!

Hóa ra khi con người ta vui sướng mãn nguyện, tâm trần gian cũng có thể hóa thần.

Anh ta cứ cười khúc khích, tiếng trong trẻo như chuông đồng, đập vào não tôi nhức nhối. Tôi nhớ lại tờ kết quả xét nghiệm màu hồng hồng hôm ấy, thấy lòng mình nhẹ bẫng, rồi đôi chân không tự chủ bước theo họ.

Tôi giật mình, ngó xuống đôi bàn tay lạnh ngắt, bỗng nhận ra, thân mình nhàn nhạt như một đám sương.

Chàng trai cao lớn ngoảnh lại nhìn tôi, một đôi mắt tràn tình khẽ híp lại. Hắn hôn lên chóp mũi chàng điên một cái, lắng lặng nghe anh ta cười tươi tắn, rồi mới chầm chậm dùng xích vàng dắt tôi đi.

Tôi đã từng thấy hắn. Hắn từng dẫn cha tôi đi về phía ánh sáng, đến khi đôi mắt cha thanh thản và trầm tĩnh.

Nơi đó, không đáng sợ như tôi nghĩ, có lẽ ấm áp hơn lòng người, hơn một lũy tre, hơn sự ghê tởm của đồng loại.

Ngày 28/11/2022
2700

Bơ Xanh


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC