50

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bẵng đi một thời gian cho đến vài ngày trước, quân thám thính chạy về cấp báo giặc Nguyên đem năm mươi vạn binh mã, khí thế như nước lũ tràn sang các cửa quan Khâu Ôn, Khâu Cấp, Động Bàn... Tướng Bolqadar (Bột la cáp đáp nhĩ) dẫn theo hơn một vạn quân binh đang tiến về cửa ải Lão Thử chỉ hai ngày nữa sẽ đến chân thành. Phạm tướng nghe xong trầm ngâm vài giây rồi truyền lệnh cho quân sĩ chuẩn bị ứng phó giặc. Lòng quân vốn đã rèn sĩ khí từ lâu chỉ chờ đến ngày này để giết được nhiều giặc nên khi được lệnh, ai ai cũng háo hức gấp rút công việc còn dang dở, sẵn sàng ứng chiến.

Hai ngày sau, quả nhiên Bột la cáp đáp nhĩ đã tới, đứng từ trên tường thành nhìn ra trông giặc trùng trùng điệp điệp, đông như kiến, đi tới đâu cỏ cây đều bị dập nát, bụi tung mù mịt không khác một cơn lốc xoáy cấp mười ba. Tiếng vó ngựa rầm rập như sấm vang rền, cảm giác rung chuyển cả mặt đất nhưng điều đó đâu khiến quân ta nhụt chí mà ngược lại càng vững tâm một lòng giết giặc. Giặc Nguyên tới cách chân thành khoảng bốn trăm mét thì dừng lại dàn quân, khi ấy mới trông rõ tên tướng như thế nào. Gã là một kẻ có gương mặt dữ tợn, thân hình đô con, mặc bộ giáp chói lóa có hình đầu mãnh hổ phía trước ngực, gã cưỡi một con hắc mã được trang bị đầy đủ giáp bảo vệ. Trông khá giống mây diễn viên phim cổ trang.

Vài giây sau, Bột La Cáp Đáp Nhĩ cất tiếng Đại Hưng còn lớ ngớ như hổ gầm, giọng nói đầy ngạo mạn.

"Các ngươi còn không mau mở cửa thành đón quân thiên triều!"

"Quốc vương ta có lệnh không cho phép bất kỳ kẻ ngoại quốc nào sang đất Đại Hưng. Thân là một tướng quân, ta đâu dám trái lệnh vua." Giọng nói Phạm tướng đối lại viên tướng kia cũng đầy uy nghiêm không kém.

"Ha ha ha. Vậy thì ta sẽ không khách khí đâu đấy."

Nói đoạn, Bột La Cáp Đáp Nhĩ giơ tay ra hiệu công thành. Đoàn quân Nguyên được thế hô hào vang trời, chiêng trống ầm ầm, phi ngựa lên rầm rập tiến lên. Ở phía trên thành, Phạm tướng cũng ra lệnh cho cung thủ phóng tên. Hàng trăm mũi tên bay như mưa lao về phía giặc, người và ngựa trúng tên ngã đổ xuống đất, xác chết như ngả rạ. Quân Nguyên không vì thế mà nao núng, chúng giẫm đạp lên xác chết mà lao về phía chân thành. Phía sau hậu quân, viên tướng Nguyên cũng hạ lệnh phóng tên, tên bay từ dưới lên lại ở khoáng cách xa không phải là thế tốt nên nhiều tên bị lạc, hiệu quả sát thương không cao.

Hai bên giao chiến với nhau đến tận chiều mà giặc vẫn chưa phá được thành, viên tướng Nguyên đành hạ lệnh rút quân về trại. Quân ta vui mừng khôn xiết, trận đánh đầu này xem ra càng làm tăng khí thế cho binh sĩ trong doanh trại nhưng không vì thế mà coi thường địch. Trận đánh ấy, tổng kết lại giặc Nguyên bị chết khá nhiều, quân ta cũng tổn thất vài người chết, người bị thương cũng không ít. Tối đó, tôi cùng các lang y tra thuốc, băng bó cho thương binh đến tận đêm mới xong.

Bước ra khỏi trướng, người tôi uể oải, miệng ngáp ngắn ngáp dài. Nghe lời ông Vũ lang y, tôi định trở về lều của mình làm một giấc. Khi đi ngang qua đống lửa trại, tôi thấy Thuận ngồi bần thần nhìn vào đống lửa, sắc mặt không mấy tốt. Dừng bước, tôi tiến lại gần hỏi han:

"Cậu không ngủ để mai còn có sức đánh giặc hả?"

Thuận ngước nhìn tôi, khẽ thở dài não nề. Tôi ngồi xuống bên cạnh cậu, định hỏi có điều phiền lòng nếu giúp được tôi sẽ giúp thì cậu ta đã lên tiếng:

"Tôi không ngủ được, trong lòng cứ có cảm giác bất an."

"Bất an? Tại sao lại bất an?" Tôi hỏi dồn, đôi lông mày hơi nhíu lại.

"Tôi không biết nữa. Mắt trái của tôi cứ nháy liên tục, nhớ hồi trước có nghe bà thầy mo già ở làng bảo mắt mà tự dưng nháy liên tục ắt sắp có điều chẳng lành. Tôi thấy hơi sợ."

Nghe Thuận kể, tôi cười vì không ngờ cậu ta lại mê tín đến vậy. Nhưng cũng không hẳn là không đúng, có thể cái dự cảm của cậu đang báo hiệu một điều chẳng lành. Phải! Chiến tranh mà, ngày hôm sống sót đâu thể biết được ngày mai ra sao? Thuận lo lắng cũng đúng thôi, ngay cả tôi cũng bất an thay cho cậu. Tôi chợt thở dài, đáy mắt cũng ngập tràn ánh lửa bập bùng. Lâu sau, Thuận mới lên tiếng:

"Tôi có thể nhờ anh một việc được không?"

"Cậu nói thử xem."

Thuận nhìn tôi tin tưởng rồi rút từ túi áo ra một chiếc vòng gỗ, đưa ra trước mặt tôi. Tôi nhìn chiếc vòng chợt hiểu ý rồi đỡ lấy, lại đưa mắt khó hiểu nhìn cậu. Thuận nói tiếp:

"Đây là vật đinh tình của tôi và Tô Thị. Nếu như, tôi chỉ nói nếu như tôi không may hy sinh trên chiến trận thì nhờ anh hãy mang vật này trả lại cho cô ấy và nói rằng tôi đã phụ tình nàng, mong nàng hãy quên tôi đi và tìm cho mình một bến đỗ khác." Nói đoạn, tôi nghe như trong lời nói có tiếng nghẹn ngào, đôi mắt ấy dường như đã rơm rớm.

Tôi lặng người đi. Ai đó đã từng nói rằng "Yêu một người là hy sinh tất cả cho người mình yêu được hạnh phúc". Có lẽ Thuận đang làm được điều đó, cậu ấy thật cao thượng. Nghĩ lại nếu là tôi, tôi không chắc mình có thể làm được hay không? Tôi gật đầu đồng ý với Thuận mặc dù cũng không biết số phận của mình ở thế giới này ra sao, nhưng tôi còn biết làm gì hơn để an ủi cậu? Chi bằng cứ nhận lời để Thuận an tâm hơn trên con đường bảo vệ tổ quốc. Còn ngày mai như thế nào thì hãy để cho số phận quyết định. Tôi thở dài, đứng lên vỗ vỗ vào vai Thuận khuyên nhủ:

"Cũng khuya rồi, cậu nên đi nghỉ sớm còn giữ sức."

"Anh cứ đi nghỉ đi, tôi muốn ngồi đây thêm lúc nữa."

Thuận nói nhưng không nhìn vào tôi, tôi khẽ gật đầu lặng lẽ đi về hướng căn lều của lang y phía góc trái của doanh trại. Chợt nghe có tiếng người động lạ, tôi liền nhìn sang trướng chủ tướng thì thấy tướng quân đang bật người lên cao, vung kiếm chém từng nhát sắc bén lên không trung. Lại nữa, từng đường kiếm lóe sáng trong đêm đen một cách chuẩn xác. Khuya như vậy rồi mà đại ca vẫn còn luyện kiếm ư? Tôi tiến gần vài bước thì nghe có tiếng đọc thơ lẫn vào tiếng vù vù xé gió của đường kiếm. Thơ rằng:

"Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu."

Thuật hoài? Tôi nhớ rất rõ bài thơ này đã được học từ hồi cấp ba, dạo ấy cô giáo ra đề thi vào bài này khó quá nên tôi đã bị điểm kém, kết quả là về nhà bị mẹ mắng cho một trận. Từ đó tôi mới có quyết tâm học thật tốt môn văn. Giờ nghe bài này lại nhớ về ngày xưa, tôi lẩm bẩm đọc theo bài thơ và cả phần dịch nghĩa. "Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu/ Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu"(2). Bài thơ này thể hiện niềm tự hào về chí nam nhi và khát vọng chiến công của người anh hùng Phạm Ngũ Lão khi Tổ quốc bị xâm lăng. Tôi gật gù, thật đáng noi theo.

Tôi đứng đó nhìn theo từng động tác mạnh mẽ, dứt khoát của tướng quân mà trong lòng cảm thấy hào hứng. Chợt, đường kiếm lóe sáng xoẹt qua mặt tôi, tôi giật thót tim, hai mắt hoang mang nhìn tướng quân. Tướng quân cười cười, nói:

"Hôm nay ta muốn xem kiếm thuật của em thế nào?"

"Được!"


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net