B7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cô Therese Weichbrodt lưng gù, chỉ cao hơn cái bàn một chút.

Năm nay, cô bốn mốt tuổi, xưa nay không hề chú ý đến việc trang điểm người mình, ăn mặc như bà già sáu, bảy mươi. Trên mái tóc xoắn tít màu tro, quấn từng lớp, chụp chiếc mũ mềm, cái nơ màu xanh lá cây thắt trên mũ rủ xuống đôi vai bé nhỏ như vai trẻ con. Ngoài chiếc kim cài ngực mặt sứ hình bầu dục to tướng, có vẽ ảnh mẹ ra, xưa nay trên cổ áo vét màu đen lạnh lẽo của cô chưa hề có thêm món trang sức nào khác.

Đôi mắt cô màu nâu, thông minh sắc sảo, cái mày hơi quặp xuống; khi cô mím chặt đôi môi mỏng dính lại, trông thật cứng rắn và quả quyết... Dáng người thấp lùn, cử chỉ dứt khoát, tuy thấy không khỏi buồn cười nhưng cũng làm cho người ta phải kính nể. Điều này chắc phần lớn là do cách ăn nói của cô. Lúc nói chuyện, cái cằm dưới của cô đưa đi đưa lại, đầu cô lắc lia lịa để hỗ trợ cho giọng nói. Cô không hề nói lẫn tiếng địa phương nào, phát âm rõ ràng, chính xác, hết sức nhấn mạnh từng âm tiết. Nhưng các nguyên âm thì cô thường cố ý đọc thật mạnh, ví dụ như “butter” đọc thành “botter”, thậm chí còn đọc là “batter”. Làm như cô thường gọi con chó con suốt ngày kêu oăng oăng của mình là “Bobby”, chứ không gọi là “Babby”. Có lúc cô nói với một em học sinh nội trú: “Em không nên ngóc như vậy!”. Cô vừa nói vừa quắp ngón tay trỏ lại, gõ xuống bàn hai cái, cóc cóc. Ấn tượng cô để lại cho người khác là như thế, hầu như không hề thay đổi. Những khi Popinet, người Pháp, uống cà phê bỏ quá nhiều đường thì cô Weichbrodt nhìn lên trần nhà, gõ ngón tay xuống bàn, lẩm bẩm:

“Nếu là tôi thì tôi sẽ lấy cả liễn đường!”, làm Popinet đỏ cả mặt.

Hồi nhỏ, - trời ơi, hồi nhỏ chắc người cô bé tí tị! - Cô Therese Weichbrodt thường thích người ta gọi mình là “Sesemi”, cho đến nay cô vẫn giữ cái tên đó. Cô bảo những học sinh ngoan nhất, chăm học nhất, ngoại trú hay nội trú cũng vậy, gọi cô như thế.

— Gọi cô là cô Sesemi, em nhé! - Hôm đầu tiên, cô nói với Tony Buddenbrook như vậy, rồi hôn một cái chút lên trán Tony - Cô thích người khác gọi cô như thế.

Cô còn có một người chị, bà Kethelsen, tên thường gọi là Nelly.

Bà Kethelsen khoảng bốn tám tuổi, chồng chết, không để lại một đồng xu nào, bèn đến ở một căn phòng nhỏ bé, sơ sài, trên gác nhà em, và thường ăn cùng mâm với học sinh. Bà cũng ăn mặc như em, nhưng vóc người to lớn khác thường. Cổ tay gầy guộc của bà lúc nào cũng đeo một cái dãy đen. Bà không phải là nhà giáo, không biết làm ra vẻ oai nghiêm. Bà đối xử với mọi người rất tốt, lúc nào cũng dịu dàng. Nếu học sinh nào của cô Weichbrodt gây ra tai tiếng gì, bà thường cười sặc sụa, rất ngây thơ, thậm chí có khi còn cười khản cả tiếng, khiến cô Sesemi phải gõ bàn nói to: “Chị Nelly!” - Cô gọi Nelly mà nghe như là Nally - Lúc đó, bà Kethelsen mới thôi không cười nữa.

Bà Kethelsen bị em gái mắng như một đứa bé, không dám làm trái ý em bao giờ. Thực tế thì cô Sesemi rất coi thường chị. Cô Weichbrodt đọc rất nhiều sách, có thể nói cô là người học rộng. Cô có những niềm tin rất ấu trĩ, và dốc lòng theo đạo. Cô tin rằng cuộc sống cơ cực khô khan của cô hiện nay nhất định có ngày sẽ được bù đắp. Cô chẳng phải vật lộn đấu tranh gì với bản thân mình mới giữ được lòng tin đó. Nhưng bà Kethelsen thì lại không được hưởng một nền giáo dục nào nên tâm tư hết sức đơn thuần.

— Chị Nelly của tôi ấy à? - Cô Sesemi nói - Trời ơi, chị ấy như trẻ con! Xưa nay không hề có mâu thuẫn gì trong lòng, thật là sung sướng!

Câu nói đó bao hàm ý khinh miệt, mà cũng tỏ ra ghen tị; đó là khuyết điểm của cô Sesemi, mặc dù khuyết điểm ấy vẫn có thể bỏ qua được.

Ngôi nhà gạch đỏ chói ở vùng ngoại ô này, xung quanh có vườn hoa sạch sẽ, gọn gàng bao bọc. Nền nhà rất cao, tầng dưới làm lớp học và nhà ăn, tầng hai và tầng trên cùng làm phòng ngủ. Học sinh của cô Weichbrodt không đông lắm, bởi vì ở đây chỉ nhận học sinh lớn ở nội trú mà thôi. Tính cả học sinh ngoại trú, tất cả chỉ có ba lớp trung học. Với lại cô Sesemi cũng rất chặt chẽ khi nhận học sinh vào; cô chỉ nhận con gái các nhà giàu sang. Tony Buddenbrook được tiếp đón niềm nở như chúng tôi đã nói ở trên. Thậm chí trong bữa cơm tối, cô Sesemi còn đặc cách cất một loại rượu ngọt hỗn hợp màu đỏ, gọi là “bischof” để nguội mới uống được. Cất thứ rượu này là tài riêng của cô...

— Uống thêm một cốc “beschaf” nữa đi!

Cô thân mật gật đầu mời. Câu mời đó làm cho người nghe muốn uống thêm, ai mà từ chối được.

Cô Weichbrodt ngồi phía đầu cái bàn ăn hình chữ nhật, dưới người lót hai cái đệm ghế xô-pha, chăm chú nhìn mọi người ăn; với ai cô cũng chăm sóc chu đáo. Cô cố uốn thật thẳng cái lưng còng còng bé nhỏ của mình, thỉnh thoảng gõ xuống bàn cảnh cáo, hết gọi “Nally” lại gọi “Babby” hoặc nhìn Popinet chằm chằm, khi cô học sinh này định trút hết thịt bò vào đĩa. Tony ngồi giữa hai cô học sinh nội trú, một bên là Amgard von Schilling, tóc vàng nhạt, người khỏe mạnh, con gái một điền chủ ở Mecklenburg, một bên nữa là Gerda Arnoldsen, nhà ở Amsterdam; cô này là một thiếu nữ xinh đẹp, có những nét rất độc đáo, mái tóc màu đỏ sẫm và hai con mắt màu nâu hơi gần nhau, mặt trắng nõn, đẹp lắm, nên có vẻ kiêu kỳ. Ngồi trước mặt Tony là một thiếu nữ Pháp, thích tặc lưỡi, trông giống người da đen, đeo đôi khuyên vàng to tướng. Cuối bàn là Brown, một cô gái người Anh, môi khô đét, lúc nào cũng có cái cười đau khổ. Cô ta cũng ở nội trú.

Có rượu bischof do cô Sesemi cất, mọi người làm quen với nhau rất chóng. Popinet đêm qua nằm mê rất khủng khiếp, cô ta nói... “Eo ôi! Sợ quá!”. Mỗi khi nằm mê như thế, cô ta la ầm lên. “Cứu tôi với, cứu tôi với! Cướp! Cướp!” làm cho mọi người giật mình, nhảy nhót dậy! Sau đó thì đủ thứ chuyện: nào là Gerda Arnoldsen không thích đánh piano như người khác mà chỉ thích kéo violon thôi. Bố cô - mẹ cô mất rồi - hứa sẽ mua cho một cây violon chính tay Stradivari làm. Tony không có năng khiếu âm nhạc, ở nhà thờ Sankt Marien hát bài gì, cô cũng không phân biệt được. Ôi, cái đại phong cầm trong Nhà thờ mới[66] ở Amsterdam tiếng như tiếng người, hùng tráng làm sao!

Armgard von Schilling thì nói đến những con bò nhà cô nuôi.

Gặp Armgard lần đầu, Tony có ấn tượng rất sâu sắc. Cô là người con gái quý tộc đầu tiên Tony có dịp tiếp xúc. Được lấy họ von Schilling, quả là hạnh phúc biết chừng nào! Bố mẹ Tony có tòa nhà đẹp nhất thành phố, ông bà cũng là người giàu sang nhất, nhưng chẳng qua chỉ đơn giản là họ Buddenbrook hay họ Kröger mà thôi! Đó là điều rất đáng ân hận. Cô cháu ngoại cụ Lebrecht Kröger vô cùng sùng bái dòng máu quý tộc của Armgard. Cô thường nghĩ bụng: chữ “von” sang trọng, đài các để ở trước tên mình thì hợp bao nhiêu! Thế mà, trời ơi! Armgard không biết trân trọng số phận may mắn đó của mình. Bím tóc cô ta rất thô, đôi mắt xanh biếc dịu hiền, nói giọng Mecklenburg. Cô ta suốt ngày chạy nhảy khắp nơi chứ không bao giờ nghĩ đến điều ấy cả. Xem ra thì cô ta chẳng có gì là cao quý, xưa nay cô ta cũng không hề khoe khoang về dòng họ cao quý của mình. Mà sự thực thì cô ta cũng không hiểu thế nào là cao quý nữa! Chữ “cao quý” dính chặt vào đầu óc nhỏ bé của Tony. Cô đinh ninh rằng Gerda Arnoldsen rất xứng đáng với chữ đó.

Gerda khác các cô kia ở chỗ cô có cái nét độc đáo của người nước ngoài. Mặc cho cô Sesemi quở mắng, lúc nào cô cũng thích chải mái tóc đỏ, xinh đẹp của mình theo kiểu rất lạ. Ngoài ra, nhiều người cho cô kéo violon rất chi là “ngốc” - Ở đây cũng cần nói rõ, “ngốc” là một từ dùng để chê bai rất đau. - Mặc dù vậy, hầu hết các cô ở đây vẫn cho ý kiến của Tony là đúng, họ đều công nhận Gerda Arnoldsen là một cô gái cao quý. Từ thân hình nở nang đầy đặn - ấy là kể theo tuổi tác - cho đến mỗi một cử chỉ của cô, hoặc cả đồ dùng lặt vặt nữa, đều làm nổi bật nguồn gốc cao quý của cô. Ví dụ đồ dùng lặt vặt, cô có bộ đồ trang điểm bằng ngà voi, mua tận Paris, Tony rất mê, cho là giá trị lắm! Bởi vì nhà Tony cũng có các thứ đồ dùng đắt tiền, bố và ông nội mua ở Paris về.

Ba cô gái này rất chóng thân nhau, lúc nào cũng xoắn suýt lấy nhau. Không những cả ba cùng học một lớp mà cùng ở trong căn phòng lớn nhất trên gác. Sau mười giờ là giờ nghỉ, các cô vừa cởi quần áo, vừa tán chuyện gẫu, thú vị vô cùng! Tất nhiên là chỉ có thể nói rất khẽ bởi vì Popinet ở phòng bên cạnh đã nằm mê thấy cướp rồi! Cùng phòng với Popinet là Eva Ewers, người Hamburg, bố cô ta rất mê nghệ thuật, thích sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, hiện giờ ở Munich.

Màn cửa sổ màu nâu kẻ sọc buông xuống, trên bàn thắp ngọn đèn đế thấp, có cái chụp màu đỏ, trong phòng thoang thoảng mùi thơm của hoa vi-ô-lét và mùi quần áo vừa hồ xong. Một cảm giác yên tĩnh, thoải mái, đầy mơ mộng nhưng uể oải và lười biếng bao trùm các cô.

— Trời ơi! - Armgard ngồi trên thành giường, cởi quần áo, nói - Ông tiến sĩ Neumann có tài nói quá! Ông ta vừa vào lớp, đứng cạnh cái bàn trên bục giảng đã thao thao bất tuyệt...

Dưới ánh sáng của ngọn nến, Gerda đứng trước cái gương treo giữa hai cửa sổ, vừa chải đầu vừa nói:

— Trán ông ta cao, trông rất đẹp!

Armgard vội nói theo:

— Phải đấy!

— Cậu nói đến ông ta là vì cậu nghe tớ vừa nói chứ gì! Armgard này!

Đôi mắt xanh của cậu cứ nhìn ông ấy chằm chằm, hình như...

— Cậu yêu ông ta đấy à? - Tony hỏi - Dây giày của mình không cởi ra được, Gerda hộ mình một tay... Thế... thế... được rồi. Cậu yêu ông ta, phải không Armgard? Cưới nhau đi thôi! Hai anh chị xứng đôi lắm đấy, sau này ông ấy sẽ dạy ở trường cao đẳng.

— Trời ơi, hai đứa chúng mày! Ghét quá! Tao chẳng yêu ông ấy tí nào cả. Tao không bao giờ lấy thầy giáo đâu! Tao sẽ lấy một anh...

— Một anh chàng quý tộc à? - Bất giác, đôi tất trong tay Tony rơi xuống, cô lặng lẽ ngắm khuôn mặt Armgard.

— Tao không biết, nhưng nhất định anh ta phải có một cái đồn điền rất lớn... À! Bọn nhóc con chúng mày bây giờ nói đến chuyện ấy đã thích mê rồi! Hằng ngày, tao sẽ ngủ dậy vào lúc năm giờ sáng, trông coi việc nhà... - Cô ta lấy chăn đắp lên người, nhìn lên trần nhà, mơ mơ màng màng.

— Chắc linh hồn cậu đã nhìn thấy năm trăm con bò rồi! - Gerda nhìn bóng bạn trong gương, nói.

Tony chưa cởi xong quần áo nhưng đã ngả đầu xuống gối, hai tay để dưới gáy, cũng chăm chú nhìn trần nhà, nói:

— Nhất định tớ sẽ lấy một anh làm nghề buôn, chắc chắn anh ta có rất nhiều tiền. Bọn tớ sẽ sống thật đầy đủ, thật sang trọng. Tớ nghĩ, gia đình tớ và công ty nhà tớ như thế thì thế nào tớ cũng được như ý muốn - Cô trịnh trọng nói thêm một câu - Phải rồi, các cậu cứ chờ mà xem! Thế nào tớ cũng làm được như thế.

Trước khi ngủ, Gerda chải đầu thật cẩn thận. Lúc ấy, một tay cô cầm cái gương cán bằng ngà voi, tay kia thì đánh hàm răng trắng và to.

— Có lẽ không bao giờ tớ lấy chồng - Giọng Gerda không được tự nhiên lắm, bọt thuốc đánh răng bạc hà đang đầy miệng - Tớ không hiểu tại sao lại cứ phải lấy chồng! Tớ không thích lấy chồng tí nào. Tớ sẽ về Amsterdam chơi đàn tay đôi với ba tớ, về sau nữa thì đến ở với bà chị tớ, đã đi lấy chồng...

— Tiếc nhỉ! - Tony liền nói to - Tiếc nhỉ! Chớ chớ, Gerda ạ! Cậu phải lấy chồng ở đây và ở đây mãi mãi... Nghe lời tớ, hay là cậu lấy anh trai tớ vậy!

— Lấy anh chàng có cái mũi to tướng ấy à? - Gerda hỏi. Cô vươn mình ngáp một cái rồi khẽ thở dài uể oải, tiện tay đưa cái gương lên che miệng.

— Lấy anh kia cũng được, cái đó không hề gì... Trời ơi, hai anh chị sẽ ở một ngôi nhà thật đẹp! Nhất định phải nhờ họa sĩ Jakob chuyên trang trí nhà cửa, giúp cho. Nhờ ông ta trang trí cho ngôi nhà ở phố Hàng cá. Ông ta có con mắt thẩm mỹ cừ lắm! Nhất định ngày nào mình cũng đến thăm nhà anh chị...

Vừa nói đến đây, Popinet ở phòng bên cạnh bỗng hét to:

— Này! Các bà ơi! Các bà ngủ đi thôi! Van các bà! Đêm nay các bà chưa lấy chồng được đâu!

Chủ nhật và ngày nghỉ, Tony về phố Meng hoặc đến chơi nhà ông bà ngoại ở ngoại ô. Ngày lễ Phục sinh, trời tạnh ráo thì đi tìm thỏ nặn bằng trứng gà với đường trong vườn hoa rộng bao la của nhà cụ Kröger, thích thú biết bao nhiêu! Mùa hè, đi ra bờ biển nghỉ mát, ngủ khách sạn, ăn cơm khách, tắm biển, cưỡi lừa, cũng thích thú lắm! Có mấy năm ông tham buôn bán phát tài to, gia đình Buddenbrook còn đi chơi ở những nơi xa hơn nữa. Ngoài ra, ngày Noel cũng đáng được nhắc tới. Nhất là hôm ấy, có thể có những ba món quà tặng: ở nhà bố mẹ, ở nhà ông bà ngoại, và ở trường cô Sesemi. Hôm ấy, ở chỗ cô Sesemi uống mãi không hết rượu bischof... Nhưng ăn Noel ở nhà là linh đình nhất, bởi vì xưa nay ông tham vẫn chủ trương ngày lễ thiêng liêng đó phải tổ chức thật trang nghiêm, long trọng, cho ra ngày lễ. Tối hôm ấy, những người thuộc dòng họ Buddenbrook tụ tập ở phòng phong cảnh, nghiêm túc; còn đầy tớ, họ hàng nghèo ở xa tới, trẻ mồ côi, ông già bà cả không nơi nương tựa, thì chen chúc nhau trong gian phòng lớn cột tròn. Theo lệ thường, ông tham lần lượt bắt tay những người khách đó, những bàn tay rét tím bầm. Chờ mọi người đến đông đủ thì tiếng hát đồng thanh của bốn em bé trong tốp ca của nhà thờ Sankt Marien từ ngoài cửa vọng vào. Tất cả những cái đó long trọng lắm, làm cho trái tim cứ đập thình thịch. Lúc đó mùi thơm của cây Noel từ khe hở của cánh cửa cao to, sơn màu trắng, bay vào. Bà tham giở quyển Kinh thánh gia truyền, cổ kính, chữ rất to, thong thả đọc phần nói về Đức Chúa Jesus giáng sinh. Khi tốp ca ở bên ngoài hát thêm bài tán tụng nữa thì mọi người hát bài Ôi! Cây Noel và sắp hàng rất nghiêm túc, đi từ gian phòng cột tròn sang phòng ăn. Phòng ăn rộng lớn, bốn bức tường treo những tấm thảm dệt có tượng nổi, cây Noel trang trí bằng hoa bách hợp trắng, sáng lấp lánh, cao tận trần nhà, thỉnh thoảng tỏa mùi thơm ngào ngạt. Quà tặng xếp trên chiếc bàn dài từ cửa sổ ra đến cửa lớn. Bên ngoài, trên các đường phố giá lạnh, những người Ý đang biểu diễn đàn accordéon. Tiếng ồn ào trong đêm Noel từ trung tâm thành phố thấp thoáng vọng đến. Hôm ấy, trừ bé Klara, bọn trẻ con đều dự bữa tiệc khuya tổ chức ở phòng ăn. Cá chép và gà quay nhồi, tha hồi ăn không hết...

Ở đây cần phải nhắc đến chuyện Tony hai lần đến chơi ở đồn điền tại Mecklenburg. Năm ấy, vào dịp nghỉ hè, cô cùng bạn gái là Armgard đến đồn điền ông von Schilling chơi mấy tuần lễ. Đồn điền này ở cạnh một eo sông, đối diện với Travemünde. Lại có một lần, cô cùng em họ là Thilda đến chỗ ông Bernhard Buddenbrook kinh doanh. Người ta gọi đồn điền ấy là “Đồn điền bạc bẽo”, vì không thu được đồng xu nào nhưng làm nơi nghỉ mát thì không thể chê vào đâu được.

Năm tháng cứ thế trôi qua. Tóm lại, thời còn trẻ, Tony đã sống những ngày vô cùng hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net