Chương 3.2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Rồi tôi nhún mình. Ngài Lilly khịt mũi, nhìn chằm chằm vào tôi qua cặp kính xanh. Maud cài chặt găng tay, và chúng tôi quay đi, để ông ấy ở lại.
"Làm cho nó nhẹ nhàng hơn đi, Maud," ông nói khi cô kéo cánh cửa phía sau.
"Vâng, thưa bác," cô nói khẽ.
Bây giờ lối đi trông tối hơn bao giờ hết. Cô ấy dẫn tôi vòng qua phòng trưng bày, qua thang lên tầng hai, nơi có các phòng của cô ấy. Tại đó đã có bữa trưa bày sẵn, cà phê đựng trong một ấm bạc khác. Nhưng khi trông thấy các thứ Cook cho mang lên, cô ấy nhăn mặt.

"Trứng," cô nói. "Nấu mềm, tựa như cách phải cư xử. Cô nghĩ gì về bác của tôi, Susan?"
Tôi nói, "Tôi dám chắc ngài rất thông minh, thưa cô."
"Đúng vậy."
"Và hình như, ngài đang viết một quyển từ điển?"
Cô ấy chớp mắt, rồi gật đầu. "Một quyển từ điển, đúng. Công sức lao động mệt nhọc trong suốt nhiều năm. Hiện tại chúng tôi đã đến vần F."
Cô ấy nhìn vào mắt tôi, như để xem tôi nghĩ gì về điều đó.
"Thật đáng ngạc nhiên," tôi nói.
Cô ấy lại chớp mắt, rồi đặt một chiếc muỗng ở cạnh quả trứng đầu tiên, lấy phần chóp ra. Cô nhìn vào mớ vàng – trắng bên trong, lại nhăn mặt, đẩy ra xa. "Cô phải ăn cái này cho tôi," cô ấy nói. "Cô phải ăn tất cả chỗ này. Tôi sẽ ăn bánh mì bơ."
Ở đó có ba quả trứng. Tôi không biết cô ấy thấy cái gì nơi chúng, mà lại kén cá chọn canh như vậy. Cô ấy đưa chúng cho tôi, và trong lúc tôi ăn, cô ấy vừa quan sát tôi, vừa cắn từng miếng bánh mì, nhấm nháp cà phê, và một lần chà xát suốt cả phút nơi một vết trên găng tay, nói, "Một giọt lòng đỏ trứng, xem này, nó rơi lên ngón tay tôi rồi. Chà, màu vàng với kinh khiếp làm sao, khi nằm cùng màu trắng!"
Rồi tôi thấy cô ấy cau mặt với vết bẩn, cho tới lúc bữa ăn hoàn tất. Khi Margaret đến để mang khay đi, cô ấy đứng dậy đi vào phòng ngủ. Khi trở lại, găng tay đã trắng tinh – cô ấy đến ngăn tủ thay một đôi khác. Đôi cũ, về sau tôi tìm thấy lúc cho than vào lò lửa trong phòng ngủ của cô ấy. Cô ấy để chúng ở đó, phía sau vỉ lò. Lửa đã làm chỗ da co lại, chúng trông như găng tay cho búp bê vậy.
Cô ấy chắc chắn thuộc kiểu người mà bạn gọi là lập dị. Nhưng liệu cô ấy có điên, hay chỉ nửa ngơ ngẩn, như Gentleman đã nói ở phố Lant? Tôi thì, không cho là vậy. Tôi nghĩ cô ấy chỉ quá cô đơn, quá sách vở và buồn chán – ai lại không như vậy, nếu phải sống trong căn nhà kiểu đó? Khi xong bữa trưa, cô ấy đi đến bên cửa sổ. Bầu trời màu xám, nhăm nhe đổ mưa, nhưng cô ấy nói có hứng thú ra ngoài đi dạo. Cô ấy nói, "Nào, tôi nên mặc gì đây?" Chúng tôi đứng trước cửa chiếc tủ áo nhỏ màu đen của cô ấy, nhìn qua những áo khoác, mũ bê-rê, giày bốt. Việc đó mất béng gần một giờ. Tôi nghĩ đó là lý do cô ấy làm điều này. Khi tôi còn đang lóng ngóng buộc giày, cô ấy đặt tay lên tay tôi, nói,
"Chậm lại đi. Tại sao chúng ta phải vội vàng chứ? Chẳng có ai chờ để phải vội vàng, đúng không?"
Cô ấy mỉm cười, nhưng đôi mắt buồn bã. Tôi nói,
"Vâng, thưa cô."
Cuối cùng, cô ấy mặc một chiếc áo choàng xám nhạt, đeo găng hở ngón bên ngoài găng tay. Cô ấy đã có một chiếc túi da chuẩn bị sẵn sàng, bên trong có khăn tay, một chai nước, và kéo – cô ấy bắt tôi mang theo, không nói dùng để làm gì – tôi đoán cô ấy định cắt hoa. Cô ấy dẫn tôi xuống thang lớn, đến cửa. Ông Way nghe tiếng chúng tôi, bèn chạy đến kéo mở then cài.
"Cô khoẻ không ạ, cô Maud?" Ông cúi người chào, rồi nói, "Còn cô, cô Smith?" Sảnh rất tối. Khi đi ra ngoài, chúng tôi đứng đó chớp mắt, tay che mắt khỏi bầu trời và mặt trời bạc thếch.

Căn nhà trông khá hung hiểm ở lần đầu tiên tôi trông thấy, vào ban đêm, trong sương mù. Phải nói rằng khi nhìn nó dưới ánh sáng ban ngày, nó trông có vẻ bớt hung hiểm hơn, nhưng dường như tồi tệ hơn. Tôi đoán một thời nó từng khá uy nghi, nhưng bây giờ các ống khói nghiêng ngả như say rượu, mái xanh rì bởi rêu cùng tổ chim. Nó bị phủ đầy bởi một thứ cây leo chết, hoặc những vết bẩn ở các nơi lúc xưa cây leo từng mọc. Khắp quanh chân tường là những gốc thường xuân đã bị chặt đứt. Cửa trước rất lớn, tách ra ở giữa, nhưng mưa đã làm gỗ trương lên, nên chỉ luôn mở được phân nửa. Maud phải ấn dẹt cái váy phồng, bước ngang, cuối cùng mới có thể rời khỏi nhà. Thật kỳ cục khi trông thấy cô ấy bước ra khỏi nơi u ám đó, hệt viên ngọc trai rời khỏi con sò.

Và còn kỳ cục hơn khi nhìn cô ấy quay trở vào, trông thấy vỏ sò mở ra, rồi đóng lại sau lưng cô ấy.

Nhưng bên ngoài công viên, cũng chẳng có gì nhiều để nán lại. Một đại lộ trồng cây hai bên, dẫn tới ngôi nhà. Khu đất rải sỏi mà căn nhà toạ lạc. Có một nơi họ gọi là vườn thuốc, chủ yếu mọc toàn tầm ma. Cùng một khu rừng cực rậm với các con đường bị bít lối. Ở bìa rừng có một căn nhà bằng đá nhỏ, không cửa sổ, Maud nói đó là hầm nước đá. "Chúng ta cứ qua cửa, nhìn bên trong xem sao," cô ấy nói, rồi đứng nhìn những khối băng đến khi run lên. Phía sau căn nhà chứa nước đá, có một đầu của con đường lầy lội, dẫn tới một cái nhà nguyện màu đỏ cũ kỹ đã đóng cửa, bị bao phủ bởi cây thuỷ tùng. Đây là nơi kỳ quặc nhất, tĩnh lặng nhất tôi từng thấy. Ở đó không hề nghe được tiếng một con chim hót. Tôi không thích đến đó, nhưng Maud đi vào chỗ đó khá thường xuyên. Bởi vì tại nhà nguyện có các mộ của cả dòng họ Lilly, những người đi trước cô ấy. Một trong số đó là nấm mộ đá giản dị, mộ của mẹ cô ấy.

Cô ấy có thể ngồi nhìn nó cả giờ liền, gần như không chớp mắt. Chiếc kéo, không phải được dùng để cắt hoa, mà để xén cỏ mọc xung quanh. Cô ấy chà xát chiếc khăn tay ướt lên chỗ khắc tên viết tắt của mẹ để chùi sạch những vệt bẩn.

Cô ấy chùi đến khi tay run lên, hơi thở gấp gáp. Không bao giờ để tôi giúp. Ngày đầu tiên đó, khi tôi cố gắng đề nghị, cô ấy nói,

"Nghĩa vụ của một đứa con gái, là phải coi sóc mộ của mẹ mình. Cô đi ra xa một chút, đừng nhìn tôi."

Vậy là tôi để cô ấy lại, đi thơ thẩn giữa các nấm mồ. Đất cứng như thép, giày của tôi khiến nó kêu lộp cộp. Tôi bước đi, nghĩ đến mẹ của mình. Bà không có mộ. Người ta không xây mộ cho những kẻ sát nhân. Họ để thi thể của bà vào vôi sống.

Bạn đã bao giờ đổ muối lên lưng một con sên chưa? John Vroom từng làm vậy, rồi phá ra cười khi trông thấy con sên kêu xì xì. Nó từng nói với tôi,

"Mẹ của chị xì hơi thế đấy. Bà ta xì hơi, và cả chục người đàn ông chết vì ngửi cái mùi đó!"

Nó không bao giờ nói điều đó lần nữa. Tôi đã cầm một cặp kéo lớn làm bếp đưa lên cổ nó. Tôi nói, "Máu xấu được di truyền đó. Và nó sẽ thể hiện ra." Vẻ mặt nó thật ấn tượng!

Không biết Maud sẽ trông ra sao, nếu cô ấy biết dòng máu xấu xa nào chảy trong người tôi.

Nhưng cô ấy chẳng bao giờ nghĩ đến để mà hỏi. Cô ấy chỉ ngồi, nhìn chằm chằm vào tên mẹ, trong lúc tôi đi lòng vòng, giậm chân. Rồi cuối cùng cô ấy thở dài, nhìn quanh, đưa tay lên mắt, và đội nón trùm lên.

"Đây là một nơi u sầu," cô ấy nói. "Chúng ta vào sâu chút nữa."

Cô ấy dẫn tôi khỏi vòng cây thuỷ tùng, trở lại lối đi giữa các bờ giậu, rồi ra khỏi rừng và hầm chứa nước đá, đến rìa công viên. Ở đây, nếu đi theo con đường chạy dọc một bức tường, bạn sẽ đến một cái cổng. Cô ấy có chìa để mở. Đường dẫn đến bờ sông. Từ căn nhà, không thể thấy con sông. Ở đó có một bến tàu cổ, đã mục nát hết phân nửa, cùng một cái thuyền đáy bằng bị úp ngược. Con sông khá hẹp, nước rất lặng, nhiều bùn, đầy cá lao vun vút. Dọc khắp con sông, là những cây bấc. Chúng mọc cao, dày. Maud bước chậm rãi cạnh chúng, nhìn một cách lo lắng vào bóng tối chúng tạo nên khi che xuống nước. Tôi đoán cô ấy sợ rắn. Rồi cô ấy bứt một cành sậy, bẻ ra, ngồi áp đầu ngọn sậy trên đôi môi đầy đặn.

Tôi ngồi cạnh cô ấy. Ngày hôm đó không gió, nhưng lạnh, và yên lặng đến nỗi đau cả tai. Không khí dường như loãng.

"Dòng nước đẹp quá," tôi nói, vì phép lịch sự.

Một chiếc xà lan đi ngang. Người đàn ông nhìn thấy chúng tôi, bèn chạm tay lên mũ. Tôi vẫy tay.

"Đến London đấy," Maud nói, nhìn theo họ.

"London?"

Cô ấy gật đầu. Lúc đó tôi không biết – vì, ai mà đoán ra chứ? – rằng dải nước tầm thường đó là sông Thames. Tôi ngỡ cô ấy muốn nói chiếc thuyền về sau sẽ đi vào một con sông lớn hơn. Tuy nhiên, cái ý nghĩ nó sẽ đến thành phố – có lẽ sẽ lướt dưới cầu London – khiến tôi thở dài. Tôi ngoái nhìn nó men theo một khúc rẽ của dòng nước, rồi rời khỏi tầm mắt. Tiếng động cơ nhạt dần, khói từ ống khói thuyền hoà vào màu xám của bầu trời, tan mất. Không khí lại loãng đi. Maud vẫn ngồi với đầu nhánh sậy gãy nơi môi, ánh nhìn rất mông lung. Tôi nhặt những hòn đá, bắt đầu ném xuống nước. Cô ấy nhìn tôi làm việc đó, chớp mắt trước mỗi tiếng bõm. Rồi cô ấy dẫn tôi trở về căn nhà.

Chúng tôi trở vào phòng cô ấy. Cô ấy lấy ra vài món đồ khâu – một thứ không màu, không rõ hình dạng, tôi cũng chẳng biết có phải nó được dùng làm khăn trải bàn hay cái gì khác. Tôi chưa bao giờ trông thấy cô ấy làm bất kỳ cái gì khác. Cô ấy khâu mà vẫn mang găng, rất tệ – tạo những mũi khâu vẹo vọ, rồi bứt đứt phân nửa. Điều đó khiến tôi lo lắng. Chúng tôi ngồi cùng nhau trước ngọn lửa cháy lèo xèo, trò chuyện một cách yếu ớt – tôi đã quên mất là nói về chuyện gì – rồi thì trời chuyển tối, một cô hầu gái mang đèn lên. Gió thổi mạnh hơn, các cánh cửa sổ bắt đầu rung cồm cộp tệ hơn bao giờ hết. Tôi nói với chính mình, "Lạy Chúa, xin cho Gentleman đến sớm! Con nghĩ một tuần thế này thì con chết mất." Và tôi ngáp. Maud nhìn vào mắt tôi. Rồi cô ấy cũng ngáp. Việc đó làm tôi ngáp to hơn. Cuối cùng, cô ấy đặt đồ sang bên, xếp chân lên, ngả đầu xuống tay ghế sô pha, dường như thiếp ngủ.

Đó là tất cả những gì để làm ở đây, cho đến khi đồng hồ báo bảy giờ. Nghe thấy tiếng chuông, cô ấy ngáp một cái rõ dài, đưa tay lên mắt, đứng dậy. Bảy giờ là lúc cô ấy phải thay áo lần nữa – và thay găng tay, đeo một cặp bằng lụa – để dùng bữa tối với bác.

Cô ấy ở với ông hai giờ. Hẳn nhiên, là tôi chẳng thấy gì về việc đó, tôi đi nhận bữa tối ở nhà bếp cùng những người giúp việc khác. Họ nói với tôi, sau khi đã ăn xong, rằng ngài Lilly thích cháu gái ngồi đọc cho ông nghe trong phòng vẽ. Đó là ý tưởng để giải khuây của ông bác, tôi đoán vậy, vì họ nói ngài hiếm khi có khách, và nếu có thì cũng luôn là những quý ông ham sách vở, từ Oxford hoặc Luân Đôn. Những lúc đó, ngài rất thích thú khi có Maud đọc sách cho tất cả cùng nghe. "Cô gái đáng thương, cô ta chẳng làm gì khác ngoài đọc sao?" Tôi hỏi.

"Bác cô ấy không cho phép đâu," một cô hầu bàn nói. "Ông chỉ đánh giá cô ấy như thế thôi. Khó lòng cho cô ấy ra ngoài – sợ rằng cô ấy sẽ bị vùi dập thảm hại. Chính ông ấy, cô biết không, bắt cô chủ luôn luôn phải đeo găng."

"Đủ rồi!" Bà Stiles nói. "Cô Maud sẽ nói gì đây chứ?"

Thế là cô hầu bàn im lặng. Tôi ngồi đó nghĩ tới ông Lilly, với chiếc nón đỏ và cái đồng hồ nhắc giờ vàng, cặp mắt đeo kính xanh, chiếc lưỡi cùng ngón tay đen, rồi nghĩ tới Maud – cau mày vì món trứng, chà xát mộ của mẹ. Có vẻ như đó là một cách đánh giá kỳ quặc, khiến một cô gái như cô ấy, thành ra như thế.

Tôi ngỡ mình biết tất cả về cô ấy. Hẳn nhiên, là tôi chẳng biết gì cả. Tôi dùng bữa tối, nghe những người giúp việc trò chuyện, không nói gì nhiều. Rồi bà Stiles hỏi tôi, rằng có muốn đến nhận put-đing cùng bà và ông Way ở buồng của bà hay không? Tôi nghĩ cũng nên làm vậy. Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào bức tranh được làm toàn bằng tóc. Ông Way đọc cho chúng tôi nghe vài đoạn từ báo Maidenhead, và ở mỗi câu chuyện – toàn bộ đều về việc bò phá vỡ rào chắn hoặc mục sư giảng những bài thuyết pháp tuyệt diệu ở nhà thờ – bà Stiles lại lắc đầu nói, "Chà, mọi người có từng nghe vụ nào giống vậy chưa?" Ông Way sẽ chỉ cười khẩy, "Cô sẽ thấy, cô Smith, rằng chúng tôi cũng ngang ngửa với London đấy, văn hoá thông tin mà!"

Bên trên giọng nói của ông, vọng đến tiếng cười và tiếng cạo ghế, đó là Cook cùng mấy cô hầu rửa bát đĩa và William Inker, cậu nhóc mài dao, đang giải khuây trong bếp.

Rồi đồng hồ lớn của căn nhà điểm giờ. Ngay tức thì sau đó là tiếng chuông dành cho người hầu, có nghĩa ngài Lilly đã sẵn sàng để được ông Way đưa vào giường. Cũng có nghĩa Maud đã sẵn sàng để được tôi đưa vào giường của cô ấy.

Trên đường quay trở lên, tôi lại suýt lạc đường. Nhưng dù có như vậy, thì khi gặp tôi, cô ấy nói,

"Cô đó à, Susan? Cô nhanh hơn Agnes đấy." Cô ấy mỉm cười. "Tôi nghĩ cô cũng đẹp hơn nữa. Tôi không nghĩ một cô gái lại có thể đẹp với mái tóc đỏ, cô có nghĩ vậy không? Với tóc nhạt màu cũng vậy. Tôi thích tóc sẫm màu, Susan!"

Cho bữa tối, cô ấy uống rượu vang, còn tôi uống bia. Có thể nói cả hai chúng tôi, theo cách riêng, đều khá chuếnh choáng. Cô ấy đứng cạnh tôi tại tấm gương bạc lớn bên trên lò lửa, kéo đầu tôi về phía đầu cô ấy, để so sánh màu tóc. "Của cô sẫm hơn," cô ấy nói.

Rồi cô ấy bước xa khỏi ngọn lửa, để tôi mặc áo ngủ cho.

Rốt cuộc, không giống mấy với việc cởi phục trang cho cái ghế trong căn bếp cũ của chúng tôi. Cô ấy đứng run, nói, "Nhanh lên! Tôi đông cứng mất! Ôi, lạy trời!" – vì phòng ngủ của cô ấy cũng đầy gió như mọi phòng khác, các ngón tay của tôi thì lạnh, khiến cô ấy giật mình thon thót. Nhưng sau một phút, chúng ấm lên. Cởi áo cho một quý cô là việc làm nặng nhọc. Áo nịt của cô ấy dài, có một gọng bằng thép. Eo của cô ấy, như tôi nghĩ đã nói rồi, thon thả: kiểu eo mà các bác sĩ sẽ phản đối, cho rằng chúng gây bệnh cho các cô. Váy phồng của cô ấy làm bằng những vòng lò xo. Tóc, bên trong chiếc lưới, được ghim bằng nửa pound ghim cùng một chiếc lược bạc. Áo đệm và áo lót làm bằng vải in hoa. Tuy nhiên, bên dưới tất cả những thứ đó, cô ấy mềm, mịn hệt như bơ. Tôi nghĩ, là quá mềm. Cứ thử hình dung cô ấy bị bầm xem. Tựa một con tôm hùm mất vỏ. Cô ấy đứng trong đôi vớ, chờ tôi đi lấy áo đầm ngủ, hai cánh tay phía trên đầu, mắt nhắm chặt. Trong một giây, tôi xoay người, nhìn cô ấy. Ánh nhìn đó chẳng là gì với cô ấy. Tôi thấy ngực, mông, lông của cô ấy, mọi thứ, và – ngoại trừ phần lông màu nâu như lông vịt – cô ấy trắng hệt một bức tượng trên cột trong công viên. Trắng đến nỗi, trông cô ấy như đang phát sáng.

Nhưng, đó là một kiểu trắng khiến người ta âu lo, và tôi rất mừng được che chắn cô ấy lại. Tôi đặt gọn váy của cô ấy trở vào tủ, đóng sập cửa tủ lại. Cô ấy vừa ngồi chờ, vừa ngáp, chờ tôi đến chải tóc cho.

Tóc cô ấy đẹp, được xoã ra rất dài. Tôi chải, cầm món tóc trong tay, nghĩ đến việc nó ấy sẽ đáng giá bao nhiêu.

"Cô đang nghĩ gì vậy?" Mắt cô ấy nhìn vào mắt tôi trong gương. "Về cô chủ cũ của cô à? Tóc cô ấy có đẹp hơn không?"

"Tóc cô ấy rất xấu," tôi nói. Rồi lại cảm thấy tiếc cho cô Alice. "Nhưng cô ấy bước đi khá đẹp."

"Tôi đi có đẹp không?"

"Có, thưa cô."

Đích thực là vậy. Chân cô ấy nhỏ, cổ chân cũng mảnh dẻ như cổ tay. Cô ấy mỉm cười. Rồi cũng giống như đã làm với tóc, cô ấy bắt tôi đưa chân lại gần chân cô ấy, để so sánh.

"Chân cô cũng khá đẹp," cô ấy nói một cách ôn hoà.

Cô ấy nằm vào giường, nói rằng không thích nằm trong bóng tối. Cô ấy có một cây nến lõi bấc đặt trong cái chụp đèn bằng thiếc cạnh bên gối, loại những kẻ già khọm keo kiệt dùng. Cô ấy nói tôi thắp nó từ lửa trên cây nến của tôi, không cho phép tôi phủ màn quanh giường, nhưng để tôi kéo chúng xuống một chút, để cô ấy có thể nhìn vào khoảng trống bên trên.

"Mà, cô sẽ không đóng chặt cửa chứ, phải không?" Cô ấy nói. "Agnes không bao giờ làm vậy. Tôi không thích để Margaret ngồi ở ghế, lúc cô chưa đến ấy. Tôi sợ mình sẽ mơ và phải gọi cô ta. Khi chạm vào, Margaret làm tôi đau. Tay của cô, Susan, cũng cứng giống tay cô ấy, nhưng chạm vào lại rất dịu dàng."

Trong lúc nói điều đó, cô ấy vươn ngón tay đặt nhanh lên ngón tay tôi. Tôi hơi rùng mình, cảm giác làn da như em bé trên tay mình – cô ấy đã thay đôi găng lụa ra, chỉ để đeo vào một đôi khác màu trắng. Rồi cô ấy lấy tay ra, rúc vào bên dưới chăn. Tôi kéo chiếc chăn mịn hoàn hảo, hỏi,

"Đã ổn hết chưa, thưa cô?"

"Ừ, Susan," cô ấy trả lời, di chuyển chiếc má trên gối. Cô ấy không thích bị tóc châm vào cổ, nên đã đặt hết ra sau. Nó nằm ngoằn ngoèo trong bóng tối, thẳng, đen, mảnh như một sợi dây thừng.

Khi tôi lấy chiếc nến đi, bóng đen trải ra hệt làn sóng trên người cô ấy. Căn phòng có đèn thắp sáng mờ, nhưng chiếc giường chìm trong màn tối. Tôi khép hờ cửa sang phòng mình, nghe tiếng cô ấy ngẩng đầu. "Mở rộng thêm chút nữa," cô ấy gọi khẽ, thế là tôi mở cửa rộng thêm. Rồi đứng xoa mặt. Tôi chỉ mới ở Briar một ngày, nhưng đây là ngày dài nhất cuộc đời tôi. Hai tay đau nhức vì phải kéo các dây buộc. Khi nhắm mắt, tôi trông thấy những cái móc. Tự cởi đồ của mình chẳng có gì vui thú, khi giờ đây tôi đã cởi áo cho cô ấy.

Sau rốt, tôi ngồi xuống, thổi tắt nến. Có tiếng cô ấy cựa mình. Căn nhà chẳng có một âm thanh. Tôi nghe được cô ấy, rất rõ ràng, nhỏm khỏi gối, trằn trọc trên giường. Với tay lấy chìa khoá, tra vào chiếc hộp gỗ. Nghe tiếng click của ổ khoá, tôi ngồi dậy. Tôi nghĩ, "Chà, tôi có thể yên lặng, nếu cô không thể. Tôi nhẹ nhàng hơn cô lẫn ông bác cô biết đấy," rồi đi đến khe hở nơi cửa, nhìn lỏm sang. Cô ấy đã nhoài người khỏi chiếc giường được buông màn, cầm bức ảnh quý cô xinh đẹp – mẹ cô ấy – trong tay. Trong khi tôi quan sát, thì cô ấy đưa bức ảnh lên miệng, hôn nó, nói những lời dịu dàng, buồn bã với nó. Rồi cô ấy đặt nó xuống, kèm một tiếng thở dài. Chiếc chìa được giữ trong một quyển sách cạnh giường. Tôi đã không nghĩ đến việc tìm ở đó. Chiếc hộp được khoá lại, đặt gọn gàng trên bàn – chạm vào một lần, hai lần – rồi cô ấy di chuyển trở vào sau tấm màn, nằm yên.

Tôi đã quá mệt để quan sát cô ấy, bèn cũng trở vào phòng mình. Tối om như mực. Tôi giơ tay, tìm thấy chiếc chăn và những tấm trải, kéo chúng xuống. Tôi trườn xuống, nằm trơ như khúc gỗ trong chiếc giường hẹp của một cô hầu gái.

Chẳng biết được tôi đã ngủ bao lâu. Khi tỉnh dậy, tôi không hề biết thứ âm thanh kinh khủng nào đã đánh thức mình. Trong một hai phút, tôi còn không biết mắt mình nhắm hay mở. Bóng tối quá dày đặc, chẳng có sự khác biệt nào cả. Chỉ khi nhìn đến cánh cửa vào phòng Maud, trông thấy ánh sáng mờ nhạt ở đó, tôi mới biết mình đã tỉnh, không phải đang mơ. Âm thanh đã nghe, tôi nghĩ, là tiếng va đập hay đổ vỡ gì đó, khá lớn, và sau đó có lẽ là một tiếng kêu. Bây giờ, vào khoảnh khắc tôi mở mắt, có một khoảng yên lặng. Nhưng khi tôi nghểnh đầu, cảm thấy tim đập dữ dội, thì tiếng kêu lại vọng đến. Là Maud, đang gọi bằng một giọng cao, hoảng sợ. Cô ấy đang gọi người hầu gái của mình: "Agnes! Ôi! Ôi! Agnes!"

Không biết tôi sẽ trông thấy gì khi vào phòng cô ấy – có lẽ là một ô cửa sổ bị cạy cùng một tên cướp đang kéo đầu cô ấy, cắt phăng mái tóc. Nhưng cửa sổ, dù vẫn đang rung lắc, khó lòng bị phá. Cũng chẳng có ai ở đó với cô ấy. Cô ấy đã nằm vào khoảng trống giữa giường, màn che với tất cả chăn mền bị kéo thành nùi dưới cằm, tóc xoã tung, che hết nửa khuôn mặt. Khuôn mặt cô ấy trắng nhợt, lạ lẫm. Mắt, tôi biết chỉ có màu nâu, trông như đen. Đen, như tóc của Polly Perkins, như hạt lê. Cô ấy lại gọi,

"Agnes!"

Tôi nói, "Là Sue, thưa cô."

Cô ấy nói, "Agnes, cô nghe tiếng đó chứ? Cửa có đóng không?"

"Cửa ạ?" Cửa đã đóng. "Có ai ở đó à?"

"Một người đàn ông?" Cô ấy nói.

"Một người đàn ông? Một tên cướp?"

"Ở cửa ấy? Đừng đi, Agnes! Ông ta sẽ làm hại cô mất!"

Cô ấy đang sợ. Rất hoảng hốt, và bắt đầu làm tôi hoảng. Tôi nói, "Tôi không nghĩ là có ai đâu, thưa cô." Rồi, "Để tôi thử thắp nến xem."

Nhưng bạn có bao giờ thử thắp một cây nến lõi bấc trong đồ chụp bằng thiếc? Tôi không tài nào khiến cái bấc cháy được, còn cô ấy thì cứ thế, khóc lóc, gọi tôi là Agnes, đến khi tay tôi run lẩy bẩy không thể cầm cây nến được thăng bằng nữa.

Tôi nói, "Cô phải yên lặng, thưa cô. Không có ai hết. Nếu có, thì tôi sẽ gọi ông Way lên bắt người đó."

Tôi cầm chiếc đèn lõi bấc. "Đừng lấy đèn đi!" Cô ấy lập tức kêu lên. "Tôi van cô, đừng!"

Tôi nói mình chỉ đem lại cửa thôi, để cô ấy thấy là ở đó chẳng có ai. Trong lúc cô ấy khóc, nắm lấy áo ngủ, tôi cầm đèn ra cửa vào phòng khách của cô ấy và – bằng tất cả sự nao núng ngại ngần – tôi kéo nó

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net