đêm thứ hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm thứ hai
Mười một giờ kém.



Hãy nói một chút về Nguyên.


Xét cho cùng, nếu không có cậu ta, An Dao chẳng có người yêu nào mà chia tay. Mà An Dao không chia tay ai thì tôi cũng chẳng mất ngủ.


Tôi là điểm cuối cùng trong chuỗi sự kiện còn Nguyên là khởi đầu. Cho nên, phải nhìn lại cậu ta, ngay từ lúc xuất hiện. Bề ngoài tôi trông như một thằng bất cần, cái gì qua thì cứ để qua đi cho rồi. Nhưng có vài chuyện tôi lại từ mình lần mò lại nguồn gốc, trong suy tưởng hoặc bằng các kiểm chứng đơn phương không ai hay biết. Để hiểu rõ, dù biết kết cục là đã rồi. Những nỗ lực đó thật vô nghĩa.



Lật giở một cuốn sổ bìa đen, tôi bắt đầu viết ra các suy nghĩ của mình. Nhìn lại thì giống một câu chuyện siêu thực hoang đường. Và tôi mừng là, với cách viết liên tục, dùng những đoạn dài và ít dấu chấm lửng, những quãng lặng của dằn vặt đã được giấu đi. Hãy dùng những câu vô cảm để liệt kê. Đừng chấm hỏi, đừng chấm than, đừng ta thán, đừng chao ơi thảng thốt. Duy trì một giọng văn khô khan, ít tiết tấu. Loại văn công sở. Cảm xúc không nên để lộ ra ngoài. Sự hoang mang phải là một bí mật. Khao khát giữ lại cho chính mình còn lớn hơn mong muốn có ai thấu hiểu.


Xét cho cùng, tôi vẫn đang làm những điều phi lý.



-



Nguyên là một thằng bé đẹp trai. Cậu ta sở hữu một gương mặt nhìn vào có thể gây ra những xúc cảm trái chiều, bao gồm yêu đương, ám ảnh, và căm ghét. Say mê và ghen tị. Nếu liệt kê hết các tính từ để mô tả thì sẽ thấy các cặp từ trái nhau đáng ngạc nhiên. Và từ cuối cùng để tổng kết là "nguy hiểm". Nguyên là một thằng bé nguy hiểm.



Nguyên gặp An Dao lần đầu tiên vào năm cuối đại học. Đâu như tháng hai. Một buổi tiệc. Đúng. Là ngày Chín tháng Hai, buổi tiệc trưởng thành. Chiều đó An Dao mua Mở Rộng Phạm Vi Đấu Tranh của Michel Houellebecq tặng tôi. An Dao có thói quen ghi ngày mua ở trang đầu sách, sách tặng cũng ghi. Mở Rộng Phạm Vi Đấu Tranh đang nằm trong một xó trên kệ sách, bị Tư Bản của Marx và Kafka Bên Bờ Biển của Murakami chèn ép.



Hãy trở lại buổi tiệc, và với Nguyên. Tôi không có mặt ở đó. Tất cả là An Dao kể lại.


An Dao đứng uống một cốc vang đỏ. Loại vang bình thường, không có gì đặc sắc, giá trước thuế khoảng 8 đô la một chai. Thực ra An Dao uống rất kém. Một cốc cũng đủ làm mặt đỏ lựng lên. Nhưng vẫn cứ uống. Không phải gương mặt đỏ hồng khiến An Dao thấy mình xinh đẹp hơn, cũng không phải là nghiện. Đó là một thói quen, dù An Dao có hững hờ với nó. An Dao đến nhà tôi luôn hỏi có rượu không. Chính vì vậy mà dù không uống, tôi vẫn mua vang định kỳ. Nhờ đó, tôi biết khá rõ biểu thuế với các loại rượu và lộ trình giảm thuế của chúng.


-




Một thanh niên đến trước mặt An Dao. Một thanh niên ăn mặc chỉn chu, có phần thái quá, đang nhìn An Dao với ánh mắt tò mò lộ liễu đến nỗi An Dao phải ngẩng lên cau mày. An Dao kể - "em không thở được, con người đó quá sắc bén, nhưng đồng thời cũng khiêm tốn vô cùng. Người anh ta đầy hiểm họa của sự soi mói, nhưng đồng thời cũng dịu dàng quá mức. Em đánh rơi cốc vang. Là một cái cốc martini. Lẽ ra uống vang không nên dùng nó. Ban tổ chức thật kém cỏi, chẳng hiểu chúng học một lớp nghiệp vụ lễ tân để làm gì. Cốc martini quá mỏng mảnh cho một thứ đầy tràn như vang. Nó vỡ trên sàn. Vang đỏ trượt xuống váy em, từ ngực áo đến gấu váy, một mảng dài. Em chỉ muốn bỏ đi ngay lúc ấy. Thật mất mặt. Nhưng Nguyên nắm lấy tay em và kéo vội em đi, thậm chí trước khi em kịp phản ứng bất cứ gì. Em bị lôi ra khỏi buổi tiệc trưởng thành, đến sảnh trước của nhà hàng. Nguyên không xin lỗi, buông tay em ra. Anh ấy vẫy một chiếc taxi bất chấp em bảo em đi xe máy. Chúng em lên taxi. Nguyên bắt em nói ra em ở đâu. Suốt chuyến đi, Nguyên không nói một lời. Em cũng không nói gì. Có một chút say men trong hơi thở của em, nên có lẽ em đã nhìn Nguyên thiện cảm quá mức. Thậm chí em còn biết ơn sau những cử chỉ thô bạo của anh ấy. Đó dường như là quan tâm. Em về đến nhà, Nguyên đưa đến tận bậc thềm. Anh ấy muốn vào, nhưng em vẫn còn đủ tỉnh táo để ngăn lại. Cám ơn anh, em nói. Nguyên gật đầu. Em tránh ánh mắt của anh ta. Trước khi em quay lại, Nguyên lên taxi đi mất."



Ba giờ mười



...Hai ngày sau, An Dao nhận được một cú điện thoại, từ Nguyên. Cậu ta mời An Dao uống café, như một lời xin lỗi. – Hôm đó tôi quá lúng túng, không biết làm gì khác hơn – cậu ta nói. An Dao nhận lời. Những gì diễn ra ở quán café là một bí mật. An Dao không kể. Tôi biết mấu chốt của chuyện này nằm ở đó. Sau đó sự thân mật giữa hai người tiến triển nhanh chóng : nhiều chuyến đi riêng, nhiều bí mật bị che giấu và chỉ được kể ra thật lâu về sau, những ánh mắt, những va chạm nhỏ. Tôi quan sát tất cả, không bải vì tôi là một người tinh tế. Lúc đó tôi đang thất nghiệp, nên chẳng còn chuyện gì để làm ngoài quan sát người khác.


Thực ra, quan sát trong im lặng là một thú vui. Nhẹ nhàng, không tốn công, vừa biết được thông tin vừa không phải bận tâm đánh giá rồi bị người khác đánh giá ngược lại nhận định của mình. Cuộc sống này vốn đã đủ phức tạp. Bàng quan một chút, xã giao một chút có khi lại đỡ mang những gánh nặng không đáng phải vơ vào mình.


Ừ đúng, tôi là một kẻ vị kỷ, suốt ngày chỉ nghĩ đến làm sao để mình được yên thân.

-

Tôi đã nói, Nguyên là một kẻ nguy hiểm. Những nhận xét này viết ra không phải để gây xấu hình ảnh của Nguyên, hay bởi tôi ghét Nguyên. Những hiểm họa của Nguyên là một phần của con người cậu ấy. Nếu biết Nguyên thì phải chấp nhận những gì bất trắc mà cậu ta mang lại. Nguyên hẳn cũng không chủ đích gây ra những điều xấu cho người khác. Chỉ bởi đó là bản năng của cậu ấy, một loại số mệnh. Điều đáng phiền lòng là An Dao bị kéo vào số mệnh đó, và tôi phải là người quan sát chuyện đó xảy ra như thế nào.



Lúc mới quen An Dao, Nguyên là một sinh viên thực tập cho một văn phòng luật. Khi cậu ta gặp tôi trong một cuộc hẹn hiếm hoi có cả ba người, Nguyên bảo : - À, chỉ bưng bê trà nước thôi.


Nguyên mỉm cười, gương mặt thanh tú như một cậu con trai nhà giàu được dạy dỗ nghiêm khắc theo các chuẩn mực xưa. Lúc đó hình như tôi đã nghĩ đến từ "phong kiến". Nguyên nói tiếp:



-Rồi có lẽ mình sẽ ráng tìm một việc làm khác khá hơn sau khi đã hết hạn thực tập. Nhà vẫn chu cấp đủ, nhưng có sự nghiệp riêng tư vẫn tốt hơn nhiều. Anh cũng rành mấy việc này chứ. Một cái CV với các bằng cấp quốc tế dù không xịn nhất, và một loạt các kinh nghiệm làm cho những nơi khá – như một văn phòng luật chẳng hạn – dù anh chỉ là thằng bưng trà và lau tủ hổ sơ – cũng đủ cho anh khởi đầu tốt đẹp ở một nơi mới toanh – nơi mà chẳng ai biết rằng mình thực ra chả có cái gì là kinh nghiệm xử lý các vấn đề thực tiễn cả. Lúc đó hãy lao vào, dấn thân, đổi chác, cũng chưa muộn.



-Sao anh lại nói như thế được – An Dao hỏi.
-Gì cơ?
-Em biết là đúng, nhưng sao anh lại nghĩ đến chuyện đổi chác sớm như vậy?
-Anh nghĩ là tất nhiên thôi, em không đổi một cái gì đó của chính em, em sẽ không bao giờ có được cái mình muốn.
-Có những thứ không nên đổi – An Dao lắc đầu.
-Ý anh thế nào? – Nguyên quay sang tôi.


Ngẫm nghĩ một lúc, tôi đã chậm rãi trả lời :

-Chuyện đổi hay không đổi nhiều khi không tự mình quyết định được. Còn cả chuyện dấn thân nữa. Thực ra ngay lúc này, ai cũng đang dấn thân rồi. Đi gặp một người, dù quen hay không, cũng đã đòi hỏi nhiều công sức. Nhưng gặp thì gặp thôi. Dấn thân cho một cuộc gặp, đổi lại là vui hay buồn, không phải do mình quyết mà được. Còn tùy đối tượng có chịu dấn thân và đổi chác hay không nữa. Rồi còn cả duyên. Nhưng tôi đồng ý là phải bỏ cái gì đó ra thì mới có được một thứ khác, và có cả quả báo cho việc làm của mình nữa.


-Anh theo đạo Phật à? – An Dao hỏi
-Không, anh chỉ tin vào các lý thuyết trò chơi và luật nhân quả.
-Mình cũng vậy – Nguyên nói, một cách khiêm nhường. Cậu ta lại cười mỉm và cuộc tranh luận kết thúc ở đó.


Thực ra khi đó tôi không muốn nói gì cả. Nguyên chân thành và thẳng thẳn. Nhưng cái cách mà cậu ta nghĩ gây cho An Dao nhiều bất an. Tôi quan sát nét mặt em cả buổi hôm đó. An Dao giấu đi. Nhưng tệ một điều là An Dao không giỏi làm bộ làm tịch. Điều này đáng trân trọng, nhưng luôn khiến em bối rối khủng khiếp mỗi khi phải gò mình theo một ai đó. Em không vui, tôi biết rõ như vậy. Còn về lý do em không vui, thì có lẽ cái chính nhất là em quan tâm đến Nguyên. Con người ta, chẳng ai lại rộng lòng đến nỗi lo lắng cho một kẻ mình chẳng có tí cảm tình gì. Thế gian hẹp hòi, hay chính là tôi hẹp hòi khi nghĩ về người khác. Sao cũng được, tôi vẫn tin là An Dao bất an vì Nguyên. Nếu không yêu thương thì sẽ không bao giờ như thế.



Bốn giờ hai lăm


Có lẽ sáng nay tôi sẽ ra khỏi nhà.



Con phố tôi ở luôn vắng vào buổi sáng. Toàn cán bộ viên chức, nên các cặp vợ chồng cùng con cái thường chỉ dậy từ sáu giờ trở đi. Nếu tôi ra ngoài lúc năm giờ, có thể chỉ có tôi và lũ mèo lang thang cả đêm dài giờ đang nằm co trên các bậc thềm. Hai bên phố trồng bằng lăng. Tàn lá xanh đậm và hoa màu tím. Một buổi sáng mà các màu sắc không rõ ràng, sự vật là các hình khối khô khan đậm nét nhưng thiếu sức sống. Mặt trời đâu đó phía sau đại dương, còn sương thì chán ngắt không thèm buông xuống.


Tôi sẽ mặc thêm áo phông, loại áo phi công trong các bộ phim Mỹ làm những năm 80. Còn không thì là loại áo Michael Jackson mặc trong video Beat It. Mặc loại đó mà ra đường vào buổi sáng thì tuyệt. Lúc đó tôi hơi hơi hoang tưởng rằng mình cũng có một khí chất nào đó của tụi quái xế, bọn cuồng rock hay là bọn cô đơn bệnh hoạn. Có kính đen to nữa thì đúng chất nhất. Thật là tuyệt khi bạn cô đơn chết bỏ và bạn dám công khai với thế giới rằng : Ừ đấy, tao là một thằng cô độc và tao thích thế. Hét to vào, trên con phố vắng tanh, cho lũ mèo nghe. Cứ hy vọng là đồng bọn sẽ cưỡi mô-tô đến, rồ máy rồi vứt bạn ra sau xe. Kiểu nào thì hét to lên cũng là một chuyện hết sức tuyệt vời. Nhưng chỉ là tôi hoang tưởng vậy. Thực ra tôi là một thằng chẳng màng đến chuyện mình trông ra sao nữa, với lại cũng có cảm giác ngần ngại xã hội, nên làm cái gì cũng cứ thích để riêng tư thì hơn.


Thực tế hơn một chút, tôi sẽ mặc áo khoác jean bình thường, để đầu trần rồi xỏ dép lào ra phố. Làm vậy không phải để thành nghệ sĩ, cho một tay phó nháy của một tờ báo địa phương ít người đọc nào đó cầm một cái Canon chụp hình gương mặt phờ phạc nhìn giống có vẻ đăm chiêu của mình. Hay một đứa a ma tơ thích ảnh ót điên rồ xách Sony kỹ thuật số ra đường lúc mặt trời chưa mọc để săn ảnh đắt . Ăn mặc xuềnh xoàng ra phố lúc năm giờ sáng chủ yếu là để đi bộ hết phố. Dép lào mà đi trên đường nhựa mới quét xong sẽ cho chân cảm giác tiếp xúc tuyệt vời với mặt đường. Cảm nhận thứ âm thanh sạch sẽ đó cho một ngày mới. Rồi đến ngã rẽ đằng kia, nơi có ông chú già bán café lề đường. Đen, sữa, nóng, đá, bạc-sỉu gì cũng 6 ngàn một ly. Ngồi xuống ghế nhựa thì thấy mình hòa nhập ngay vào cộng đồng các chú xe ôm ở đó. Vừa uống vừa bàn chuyện bóng đá tối qua, chuyện báo chí, chuyện khủng hoảng kinh tế. Giống như thấy mình hợp rơ xã hội mà không cần dấn thân hay đổi chác gì. Uống xong thở khà ra còn được tặng thêm trà đá. Vừa đó thì mặt trời lên, xe cộ bắt đầu đổ ra đường. Dù cho hôm đó tôi có nghĩ tất cả những người đi trên phố đều gây ra cảm giác rõ ràng về sự vô nghĩa, thì buổi sáng với café sáu ngàn đó - trong lúc bầu trời còn mang một vẻ thanh thản - là một điểm sáng duy nhất cứu vãn lấy chuỗi thời gian khô khốc tiếp sau.

-


...Nhạc trong laptop đã tắt. Tôi thậm chí không nhớ nổi mình đã nghe cái gì.

Tôi sẽ ra ngoài vào buổi sớm. Một ngày nào đó, trước bình minh. Nhưng chắc là không phải hôm nay. Nói thực ra là, tôi không còn đôi dép lào nào lành lặn. Chắc khi chuyện này qua đi tôi sẽ mua dép mới, rồi kiểm tra áo jean các thứ, rồi mới tính chuyện ra ngoài tinh mơ mà hòa nhập cộng đồng được. Dĩ nhiên không phải hôm nay rồi. Làm sao mà giữa cơn mất ngủ này tôi còn đủ sức mà đi nữa. Bây giờ tôi chỉ có thể suy nghĩ mà thôi. Suy nghĩ, viết ra, nhưng không tóm gọn được cái gì cả. Tôi không định biến các kế hoạch của mình thành một loại ẩn dụ, hay xây dựng một câu chuyện đặc thù trong xã hội, hay xạo hơn nữa là khái quát thành một loại triết lý. Chuyện đó để bọn nhà văn làm. Không, suy nghĩ là suy nghĩ. Đó là chuyện hoàn toàn cá nhân. Suy nghĩ vào những đêm mất ngủ càng là chuyện cá nhân nữa. Đối diện với bóng tối, chỉ có tôi và những gì xảy ra cho đầu óc tôi. Có vậy thôi. Và mặc dù đầu óc tôi có nghĩ đến một buổi sáng chết tiệt nào đó chăng nữa, thì chắc chắn không phải là sáng nay. Chuyện muốn làm khác với chuyện chắc chắn làm, dù cả hai đều ở thì tương lai đi chăng nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net