Chương 2: Nỗi đau ở lại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lời khuyên của ba dù sao cũng chỉ là lý thuyết và không dễ để thực hành, nhưng Khánh Vân vẫn vô thức tiếp nhận chúng như thể những lời khuyên ấy chính là liều thuốc tốt nhất dành cho cô sau những biến cố. Trong ký ức của cô, ba luôn là người đàn ông tuyệt vời như vậy. Ông có thể mỗi ngày đều nhắc nhở mẹ cô không cần phải lo lắng về đứa con gái thường xuyên vắng nhà nhưng sau đó lại gọi điện để hỏi thăm cô ở đâu và làm gì? Ông có thể phàn nàn rất nhiều rằng những đôi giày cao gót cô mang ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ như thế nào nhưng vẫn sẵn sàng tặng cô một đôi trong ngày sinh nhật. Ông có thể phớt lờ những buồn vui thường nhật của cô nhưng rồi một lúc nào đó, ông sẽ ngồi lại và cùng cô chia sẻ mọi khó khăn. Có lẽ là trên những chặng đường đã qua, điều làm cô cảm thấy tin tưởng nhất chính là sau lưng mình luôn có một hậu phương vững chắc.

Khánh Vân tỉnh dậy lúc sáu giờ sáng. Vì là mùa đông nên lúc này trời còn khá sớm. Cô mở cửa tính xuống phòng khách dạo một vòng, tình cờ thế nào lại trông thấy anh Bách cũng vừa bước ra từ phòng của anh ấy, một tay cầm vợt cầu lông, tay kia thì rón rén khép cửa. Nhìn dáng vẻ đó của anh, cô khẳng định là anh lại đang trốn chị Lan đi chơi nữa.

– Anh đánh cầu lông mãi mà không thấy chán à?

– Mày nói khẽ thôi kẻo đánh thức mọi người bây giờ.

Anh Bách đưa tay ra hiệu cho Khánh Vân im lặng. Sau đó, kéo cô ra xa phòng của mình vì sợ chị Lan sẽ bất ngờ tỉnh giấc. Chị mới sinh bé Ken được tròn hai tháng. Thằng bé rất kháu khỉnh, ngặt nỗi lại trái tính trái nết, ngày nó ngủ rất nhiều nhưng có khi lại thức suốt cả đêm, kéo theo cả sự mệt mỏi của chị. Nhiều lúc cơn buồn ngủ ập đến, chị không cưỡng lại được, chị mặc kệ để anh Bách trông con. Quỹ thời gian của anh từ ngày có bé Ken lại càng bị thu hẹp lại. Nhưng dù có vậy anh cũng chẳng thể bỏ được cái thói ham chơi của mình. Khánh Vân thở dài khuyên nhủ:

– Anh sợ chị ấy biết anh trốn ra ngoài chơi thì đừng có đi nữa. Ba mẹ mà biết sáng nào anh cũng đi thế này thế nào cũng cho anh một trận.

– Anh xin mày đấy. Mày đừng có lôi ba mẹ ra dọa anh. Anh hứa là anh chỉ chơi nốt buổi hôm nay thôi, mai anh sẽ ngoan ngoãn ở nhà, được chưa?

- Anh hứa với chị Lan ý chứ hứa với em làm gì?

- Được rồi. Anh thề nếu hôm nay không thắng được thằng Hoàng thì anh sẽ không bao giờ động tới cái vợt này nữa. Anh đã mất nó mấy chầu bia rồi, kiểu gì hôm nay anh cũng phải gỡ lại một bữa.

Khánh Vân có chút kinh ngạc, hỏi:

– Cậu ta về rồi à? Khi nào vậy?

–  À, cũng mới thôi. Nó hỏi thăm mày đấy.

– Để làm gì? Mà sao anh không gọi cậu ta đến nhà chơi?

– Rủ rồi mà nó bảo chưa rảnh lắm.

– Không rảnh mà lại có thời gian đi đánh cầu lông với anh à?

– Thì... tao với nó toàn phải trốn khỏi nhà để đi nhậu với nhau thì làm sao nó dám vác mặt đến đây, mày hỏi gì lắm thế? – Anh Bách cuối cùng cũng chịu thú nhận.

- Ra là vậy! Nhưng mà, đến cả cậu ta anh cũng không thắng được thì anh còn làm được trò trống gì nữa?

Bỗng dưng lại bị coi thường, anh Bách tức lắm. Anh quắc mắt giải thích. Anh bảo thằng Hoàng bây giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi. Nó đã không còn là thằng nhóc mà không phải ai thích cũng có thể động vào nữa. Nó bây giờ cái gì cũng vượt trội, từ thể hình cho đến mấy môn thể thao vốn là sở trường của anh như bóng đá, tennis hay thậm chí là cầu lông. Anh chơi với nó kèo nào là y như rằng thua sấp mặt kèo đó. Nhưng anh không phục, vì cầu lông là môn mà anh đã rèn luyện cả chục năm nay rồi, làm sao có thể thua trước một thằng nhóc mới cầm vợt hai năm cơ chứ? Tuy rằng đã thua liên tiếp nhiều ngày liền nhưng anh nhất quyết không chịu thừa nhận bản thân mình kém cỏi, anh chỉ bảo là đã gặp được đối thủ xứng tầm với mình. Nhưng Khánh Vân không nghe nổi mấy cái lý lẽ cứng đầu của anh, còn tạt cho anh một gáo nước lạnh.

– Anh không thắng nổi cậu ta thì cứ thừa nhận đi, dù gì em cũng đâu có cười anh.

– Ê, mày đứng lại đó. Có giỏi thì mày đi đấu với nó đi. Có khi mày còn thua thảm hại hơn cả anh đấy.

Khánh Vân đủng đỉnh bước về phòng, mặc kệ anh Bách ở phía sau bị mỉa móc đến đỏ mặt tía tai. Anh Bách hung hăng muốn đuổi theo hơn thua với cô, nhưng lại sực nhớ ra còn trận đấu phía trước. Vả lại, nếu không chuồn nhanh thì thế nào cũng bị ba tóm được. Thế là anh nhanh chóng ôm cả giày cả vợt chạy ra địa điểm thi đấu. Vừa ra đến nơi, anh đã thấy Hoàng đang hăng say khởi động. Thấy anh đi một mình, cậu có chút thất vọng, nhưng vẫn vênh váo hỏi:

– Sao anh bảo hôm nay sẽ đưa chị Vân ra đấu với em cơ mà? Không phải chị ấy sợ thua nên không đi cùng anh đấy chứ?

– Trong trí nhớ của mày, đã khi nào mày thấy nó sợ mày chưa? Hôm nay chúng ta chơi trận quyết định, tao không tin là cứ thua mày mãi.

Anh Bách cũng đứng ra khởi động, có vẻ như rất quyết tâm, đã vậy anh còn chơi lớn:

– Hôm nay nếu còn thua mày nữa, tao sẽ về quỳ trước bàn thờ tiên tổ, tao thề sẽ giã từ sự nghiệp cầu lông.

– Cần gì căng thẳng tới mức đó hả anh? Thế này nhé, hôm nay nếu anh thắng, anh có thể tùy ý ra điều kiện với em. Còn nếu anh thua thì ngày mai, anh phải dẫn chị Vân ra đấu với em, như vậy được không?

Không một giây nghĩ ngợi, anh Bách liền gật đầu đồng ý. Hai kẻ hiếu thắng nhập cuộc với quyết tâm không thua kém gì nhau. Riêng Hoàng thì lại càng có động lực để vùi dập anh Bách thêm một lần nữa. Anh thua một cách chóng vánh, lần này anh thua tâm phục khẩu phục rồi nên không còn nghĩ gì đến chuyện sẽ báo thù rửa hận. Kết thúc trận đấu, cả hai mệt nhọc nhoài người ra sân. Chiến thắng ngày hôm nay với Hoàng mà nói có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì ngày mai, cậu sẽ được gặp lại Khánh Vân, người mà cậu luôn mơ về trong suốt bốn năm qua. Vì quá phấn khích, cậu đã hào phóng mời anh Bách đi nhậu. Và chuyện chẳng ai ngờ tới đã xảy ra trong chính buổi tối ngày hôm đó. Anh Bách trước giờ chưa từng tự chuốc lấy phiền phức cho mình lại vì bảo vệ một người đi đường mà xảy ra xô xát với một đám thanh niên, hai bên đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Những người chứng kiến vụ việc thấy cuộc xung đột không có dấu hiệu sẽ dừng lại nên mới báo với chính quyền địa phương. Đám người sau đó đều bị áp giải lên phường. Anh Bách vạn bất đắc dĩ mới gọi điện cho ông Quyền để cầu cứu, anh biết rất rõ chỉ cần ba ra mặt là anh sẽ được thả về, nhưng đồng thời anh cũng phải trả một cái giá đắt. Trong ngôi nhà vốn sum họp đầm ấm lại xảy ra một cuộc khẩu chiến giữa hai người đàn ông:

– Có phải anh sợ người ta không biết anh là con trai của Chủ tịch xã nên anh mới phải làm ra cái trò này để cho thiên hạ họ thấy hay không? Nhậu nhẹt rồi đánh nhau, làm rối loạn cả một khu phố, anh xem có chuyện gì mà anh chưa làm thì làm nốt đi để ba anh giải quyết một thể.

– Ba là Chủ tịch xã thì đã sao? Con phạm lỗi một lần ba đã cảm thấy mất mặt thế cơ à? Huống hồ con gặp chuyện bất bình thì ra tay tương trợ. Như vậy cũng là sai sao?

– Không sai! Anh làm rất tốt. Nhưng anh đừng quên đó không phải là trách nhiệm của một mình anh. Nếu hôm nay người mà anh dây vào không phải là một đám thanh niên bình thường mà là một sát nhân máu lạnh thì liệu anh còn giữ được cái mạng của mình không? Nếu anh xảy ra chuyện ngoài ý muốn, mẹ con cái Lan nó phải làm sao?

– Giờ ba đang muốn nói là ba lo cho con đó sao? Vậy con xin phép nói thẳng, con đã lớn rồi, cuộc sống của con con tự chịu trách nhiệm, từ nay không cần ba quản nữa.

Không ai biết tối nay anh Bách lấy đâu ra dũng khí để to tiếng với ba nữa. Có lẽ là trên đường về nhà anh đã bị ba giáo huấn một trận rồi nên mới tỏ ra bất mãn như vậy. Mẹ và chị Lan ở bên không ngừng khuyên anh hãy bình tĩnh lại, không được hỗn với ba. Có điều, anh nghe không lọt tai. Anh giận dữ bỏ về, nhưng khi vừa lên được mấy bậc cầu thang, anh đột nhiên quay lại, nhìn Khánh Vân đang đứng ở bên cạnh ba, mặt anh tràn ngập vẻ khinh bỉ:

– Nếu hôm nay đổi lại là nó phạm lỗi, chắc ba đã cư xử khác thế này rồi. Từ nhỏ đến lớn, ba lúc nào cũng thiên vị nó nhưng lại nghiêm khắc với con, cứ như thể con là cái gai trong mắt ba vậy.

– Mày ...

Ông Quyền thất vọng ngồi sụp xuống ghế. Làm sao ông có thể coi con mình là cái gai trong mắt được chứ? Ông khắt khe với anh Bách chỉ vì ông biết rằng một ngày nào đó anh sẽ phải thay ông gánh vác cả gia đình nếu ông chẳng may có phải đi trước. Ông rèn cho anh bản tính tự lập, muốn anh mạnh mẽ. Ông muốn anh sau này trở thành một người đàn ông có thể không quá giỏi giang nhưng ít nhất phải có trách nhiệm với chính bản thân và gia đình của mình. Ông không phủ nhận việc mình luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho Khánh Vân chỉ vì muốn cô quên đi những nuối tiếc của tuổi trẻ và dũng cảm bước về phía trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu ông dành cho anh Bách bị vơi đi. Có chăng chỉ là ông đã yêu hai đứa con của mình theo những cách khác nhau mà nhất thời chúng chưa thể hiểu được mà thôi. Ông lặng lẽ trở về phòng mình. Bên này, tâm trạng của anh Bách cũng chẳng khá hơn. Chị Lan sát trùng vết thương cho anh, anh cáu. Con khóc, anh cáu. Chị kêu anh sang xin lỗi ba, anh lại càng cáu:

– Em muốn làm anh tức chết có phải không? Không phải cứ là ba anh thì chuyện gì ông ấy cũng đúng. Mấy thằng côn đồ đó chèn ép một người phụ nữ chân yếu tay mềm, nếu không phải bị ngăn cản thì giờ này anh đã đập chết tụi nó rồi.

Phụ nữ? Anh vì một người phụ nữ qua đường mà tranh cãi với ba? Chị Lan không tin lắm vào những gì mà bản thân chị vừa nghe thấy. Chị sống cùng anh bao năm, chưa khi nào chị thấy anh phản ứng quyết liệt như vậy. Nhớ có lần anh chị đi siêu thị, chị cũng bị một thanh niên lạ mặt tiến tới trêu ghẹo, nhưng anh chỉ nói vài lời cảnh cáo rồi cho qua. Anh bảo không muốn gây rắc rối ở chốn đông người. Ấy thế mà hôm nay, anh lại vì bảo vệ một người phụ nữ không quen biết mà động tay động chân, còn làm ba giận tới như vậy. Nói chị không chạnh lòng thì là nói dối. Anh Bách hình như cũng nhận ra vừa rồi mình hơi quá lời nên hạ giọng bảo chị:

– Chỉ là mấy vết thương nhỏ thôi, không sao đâu. Còn về chuyện của ba, đợi mấy hôm nữa ba bình tĩnh lại, anh sẽ nói chuyện với ông ấy.

– Ba dù gì cũng là Chủ tịch xã, đã vậy năm nay còn là năm cuối trong nhiệm kỳ của ba nữa, áp lực với ông ấy cũng đã đủ nhiều rồi, anh lại gây chuyện đúng vào thời điểm này ba không tức sao được?

Chị Lan thản nhiên bày tỏ quan điểm mà không thấy sắc mặt anh Bách đang dần thay đổi. Hình như trong cái nhà này, ngay đến vợ anh cũng không đứng về phía anh nữa rồi. Anh làm cái gì cũng sai. Cả thế giới đều như muốn chống lại anh. Anh đứng phắt dậy, trừng mắt nhìn chị.

– Nếu em thấy anh có tội, em thấy áy náy với ba chồng em quá thì em tự đi mà xin lỗi ông ấy! Bây giờ em qua đó ngay cũng được. Anh không thể chịu được cái kiểu em cứ chống đối anh thế này đâu.

Anh Bách hôm nay lạ lắm. Anh lạ đến mức chẳng ai trong gia đình có thể hiểu nổi cách cư xử của anh. Bị anh trút giận, chị Lan thật sự đã bế con sang phòng ba mẹ chồng, chị nói sẽ thay anh xin lỗi ông bà. Anh giận đến nghiến răng nghiến lợi nhưng cũng không muốn ngăn cản chị làm gì. Mà người khó xử trong chuyện này có lẽ không chỉ có một mình bà Cúc, Khánh Vân nãy giờ cũng đứng ngồi không yên. Cô không muốn đến chỗ ba vì sợ sự hiểu lầm của anh Bách sẽ lại càng tăng thêm. Cô cũng không dám đến gặp anh vì sợ anh sẽ nổi nóng với mình. Còn nếu cô không làm gì thì trong lòng lại bứt rứt không yên. Cuối cùng, cô nghĩ ra một kế. Cô lò dò bước đến phòng anh. Đứng trước cửa, cô gọi:

– Anh Bách!

–  Mày biến đi! Người tao ghét nhất bây giờ chính là mày đấy.

Không thấy có hồi âm, tưởng em gái đã đi rồi nên anh chán nản đổ vật xuống giường. Nhưng chưa quá ba giây, anh lại nghe phía sau cánh cửa có giọng nói yếu ớt:

– Anh, mở cửa cho em đi. Em đau đầu quá!

Anh Bách lập tức bật dậy như một cái lò xo. Anh lao ra mở cửa. Khoảnh khắc nhìn thấy Khánh Vân đứng vịn tay vào tường, lòng anh nóng như lửa đốt. Anh dìu cô vào trong, sốt sắng hỏi:

– Mày lại làm sao? Sao tự nhiên lại đau đầu? Bệnh của mày không phải đã khỏi rồi sao? Đau lâu chưa? Đau từ khi nào?

Thấy bộ dạng quýnh quáng của anh, Khánh Vân buồn cười lắm nhưng cũng cố nhịn. Sau đó vì ý thức được mình đùa dai nên cô thành thật thú nhận với anh. Anh Bách bị doạ một phen hú hồn lại phát hiện ra vừa rồi chỉ là một cú lừa. Anh điên tiết gào lên:

– Mày có bị ngu không? Sức khoẻ là thứ để mày mang ra bỡn cợt đấy à?

– Rõ ràng anh cũng rất thương em mà, phải vậy không?

– Mày là em tao, trong người chúng ta chảy chung một dòng máu. Cái đó chỉ được coi là bản năng thôi, hiểu chưa?

– Bởi vậy ba có làm gì cũng là vì ba thương anh thôi mà.

– Nếu mày sang đây chỉ để bênh vực ông ấy thì tốt nhất là biến khỏi đây trước khi tao nổi nóng.

Bị anh mắng xối xả nhưng Khánh Vân không cảm thấy buồn bực gì cả. Cô liếc qua sắc mặt của anh, bình thản nói:

–  Em nghe bên ngoài người ta hay bảo nhau là ông Chủ tịch xã có thằng con vừa đẹp trai vừa giỏi giang, khéo ăn khéo nói, lịch sự tử tế. Nhưng sao em lại thấy anh chỉ giỏi nói lời thô tục và ngược đãi em là thế nào nhỉ?

– Tao thế đấy thì làm sao? Tao không thể lúc nào cũng ngọt ngào, cũng biết nói lời hay ý đẹp làm người khác vui lòng được như mày. Thế nên trong cái nhà này tao mới chính là đứa con ghẻ đấy.

– Trên đời này sao lại có thằng con ghẻ tốt phúc thế nhỉ? Con ghẻ mà hễ có người hỏi đến là ba lại tự hào không ngớt. Con ghẻ gì mà chẳng may có lỡ lời mắng chửi là sau đó ba lại hối hận ngay. Con ghẻ mà sướng thế thì em cũng muốn làm con ghẻ.

Anh Bách nghe đến đây thì cảm giác đốm lửa trong lòng như được dập tắt hẳn. Nhưng anh đâu dễ dàng thừa nhận sự thật ấy. Bởi nếu anh thừa nhận bản thân đúng là một thằng đàn ông lý tưởng trước mặt con em gái anh thì thế nào nó cũng nghĩ anh là cái loại chỉ ưa nịnh bợ. Anh ký đầu nó, bảo nó mau chóng lấy chồng để anh sớm không phải trông thấy cái bản mặt của nó trong ngôi nhà này nữa. Nhưng chẳng hiểu sao nét cười trên gương mặt nó đột nhiên đông cứng, mãi cũng chẳng nói được lời nào. Không lẽ nó thật sự coi lời nói của anh là thật, rằng anh ghét nó đến mức muốn đuổi nó đi. Anh nôn nóng giải thích:

– Tao tức ba thì tao nói vậy thôi chứ tao không có ý gì khác. Mày đừng nghĩ linh tinh, lúc nào muốn lấy thì lấy chứ không ai ép mày đâu.

Tâm trạng của Khánh Vân vậy mà cũng chẳng khá hơn. Cô nhìn anh Bách, rất muốn kể cho anh nghe mọi chuyện, nhưng nghĩ rồi lại thôi. Nhìn biểu hiện đó của cô, anh Bách cảm thấy có điều bất ổn. Anh dò hỏi:

– Chuyện mày với Hải Nam sao rồi? Hai đứa mày tìm hiểu cái kiểu gì mà hai năm qua đi vẫn chả thấy nhắc chuyện người lớn là sao? Ba thì không nói chứ còn mẹ, suốt ngày hỏi tao là mày có người yêu chưa. Mà tại tao thấy chúng mày cứ im ỉm nên tao cũng chưa dám nói gì với mẹ cả.

– Em cứ phải lấy chồng mới được sao anh?

– Mày bị dở à? Con gái sớm muộn gì rồi cũng phải gả đi. Mày không lấy chồng chẳng lẽ lại muốn cứ thế này lên chức bà cô tổ hay sao?

Anh Bách phá lên cười bởi chính câu hỏi của mình. Bà "cô tổ" nhà anh trước giờ không có kinh nghiệm yêu đương gì nhưng lại dám chủ động tán tính con trai nhà người ta chỉ sau có vài lần chạm mặt. Mà thằng con trai ấy lại chính là bạn học đại học và bây giờ là đồng nghiệp cùng công ty với anh. Mỗi lần hai đứa nó gặp nhau, cái kiểu " tình trong như đã, mặt ngoài còn e" lắm lúc khiến anh sởn gai ốc. Hải Nam thi thoảng sẽ viện cớ công việc để đến nhà anh, nhưng thực chất là để gặp em gái anh. Sau đó, hai đứa nó sẽ trốn ra ngoài hẹn hò. Tụi nó cứ như vậy mà quen biết, tìm hiểu rồi yêu nhau đến giờ. Vì em gái anh là đứa sống có lý trí nên trong chuyện tình cảm cũng đặc biệt cẩn trọng. Chỉ là, anh không thể hiểu được tại sao mỗi khi nhắc đến chuyện đám cưới với Hải Nam, nó lại luôn có ý tránh né?


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net