CHƯƠNG 3: CHUẨN BỊ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cuộc sống không có sự chuẩn bị hoàn hảo"

Có bao giờ bạn muốn tham gia một kì thi nào đó, một câu lạc bộ nào đó hay muốn học thêm một kỹ năng nào đó mới nhưng bạn lại tự nói với chính mình "Bây giờ vẫn chưa phải là lúc thích hợp! Đợi tôi chuẩn bị xong cái đã" nhưng rồi cuối cùng cái đợi một lúc đó lại là không bao giờ thực hiện? Tôi tin chắc rằng chúng ta ai cũng đều có những lần mơ hồ, sơ hãi hay hoài nghi về năng lực của chính mình nên chúng ta lựa chọn cứ như thế mà chuẩn bị cái này, chuẩn bị cái nọ mà đợi đến khi chuẩn bị xong xuôi thì cơ hội cũng bay biến mất hết rồi.

Như khi chúng ta hứa với bản thân sẽ tự học thêm ngoại ngữ ở nhà trong hè thì cũng có khâu "Để tôi chuẩn bị tinh thần cái đã" mà chuẩn bị tinh thần một phát là hết luôn 3 tháng hè mất tiêu rồi. Hay là bạn muốn tạo thói quen đọc sách thì cũng có thể bảo "Đợi tôi dành dụm đủ tiền mua sách cái đã" rồi đến lúc tập thể dục thì chúng ta lại viện cớ "Haizzz..Thật ra tôi cũng muốn lắm chứ nhưng dạo này bận quá...Chắc cỡ hè tôi mới đủ rảnh để tập quá".

Kết quả ra sao ư? Tôi cá là bạn và tôi ai cũng tự biết rõ rồi nên không cần nói ra làm gì cho nản lòng nhụt chí đâu nhỉ. Tôi đùa tí thôi nhưng vấn đề chính ở đây mà tôi muốn nhắc đến là chúng ta rất hay dùng lí do "chuẩn bị" để che đậy đi lớp màng sự thật "trì hoãn" ở bên dưới đó. Vậy làm sao bây giờ? Không lẽ không chuẩn bị gì luôn ư? Chắc chắn là không rồi. Chuyện mà chúng ta nên làm nhất chính là đặt thời hẹn cho sự chuẩn bị.

Như nhà khoa học Louis Pasteur - người được mệnh danh là cha đẻ của vaccine có câu nói nổi tiếng "Chance favors only the prepared mind" - "Cơ hội chỉ đến với những người đã có chuẩn bị" đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng đến mức không thể thiếu của sự chuẩn bị. Nếu như muốn vô được một trường đại học danh tiếng mà không ôn luyện cho đàng hoàng, cẩn thận thì có bao nhiêu cơ hội hay may mắn chúng ta cũng có nước tạch lách mà thôi.

Nhưng lật ngược vấn đề lại và nếu cứ bảo "Ôn như vậy vẫn chưa đủ, để tôi ôn kỹ hơn đã" thì lại chẳng biết ôn bao lâu mới hoàn thành xong cái được gọi là 'kỹ hơn' đó. Vì thế mà hãy cho bản thân một hạn định và nhất mực tuân thủ. Hai điều trên quan trọng như nhau hết đấy. Tôi lấy ví dụ như bạn muốn tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh hay tâm lí học thì hãy cho mình thời gian tìm hiểu kỹ càng về cách thức vận hành của câu lạc bộ đó: 

Họ tuyển người như thế nào? Cần những tiêu chí gì? Có những vị trí nào hợp với mình? Yêu cầu của vị trí đó là gì? MÌnh cần trang bị thêm kiến thức gì? Sau khi đã tìm hiểu kỹ về các tiêu chí trên thì bạn hãy đặt ra thời hạn chuẩn bị những kiến thức đó là 1 tháng và mỗi ngày sẽ dành ra 1 tiếng để tìm hiểu. Vậy là sau đúng 1 tháng dù cho bạn có cảm giác mình chưa đủ sẵn sàng thì mặc kệ cái cảm giác đang muốn trì hoãn, delay bên trong mình mà vẫn tham gia ứng tuyển.

Đặt ra hạn định cho sự chuẩn bị đồng nghĩa với việc đặt ra lời hứa cho bản thân rằng sau X ngày mình sẽ hoàn thành bước chuẩn bị và bắt tay vào làm. Chắc chắn rồi, điều quan trọng nhất ở đây là hãy tuân thủ thời hạn mà bạn đã tự đặt ra đó chứ nếu đặt ra mà bạn vứt chúng qua một bên thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cho lắm. 

Cho nên tôi khuyến khích chúng ta mỗi khi đã đặt ra cho bản thân một thời hạn nào đó hay một cái thời gian biểu thì hãy dán chúng ở nơi dễ nhìn thấy nhất và bắt mắt nhất như trên bàn học của bạn hay trên tấm gương trong nhà vệ sinh hay là trước bàn ăn hay trên ghế ngồi cũng đều ổn cả vì mục tiêu chính ở đây là để chúng ta nhìn thấy chúng rồi có thêm động lực để theo đuổi những mục tiêu mà mình đã đề ra chứ không phải cứ hứa hẹn cho qua ngày.

Và một tin tức tuyệt vời là cách này cũng có thể ứng dụng khi bạn đang gặp phải khó khăn bằng nguyên tắc 15 phút. Nguyên tắc này có nghĩa là khi bạn gặp một vấn đề phức tạp, hack não nào đó thì bạn hãy dành 15 phút kế tiếp cho vấn đề đó và suy nghĩ nguyên nhân và cách giải quyết cũng như thử áp dụng tất cả những gì mà bạn đã nghĩ đến để thử giải quyết vấn đề. Sau 15 phút nếu vẫn không thể nào giải quyết được vấn đề thì chúng ta sẽ nhờ đến sự trợ giúp của những người xung quanh.

Ơ tại sao phải cần 15 phút làm như vậy? Nguyên nhân là bởi vì mỗi khi gặp một vấn đề khó khăn nào đó thì nguyên tắc này sẽ rèn luyện cho chúng ta nghĩ đến bản thân đầu tiên thay vì mới thấy khó khăn là nghĩ đến việc tìm ai giúp đỡ bây giờ. Điều đó sẽ lấy mất đi cơ hội tự tư duy tìm tòi hay cũng chính là khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập của chúng ta. 

Mà tồi tệ hơn thế là khi chưa kịp nghĩ gì mà đã hỏi người khác thì hơn 90% là người được yêu cầu giúp đỡ sẽ cảm thấy phiền toái nếu bạn nhờ giúp đến lần thứ 3 và mặt khác thì não bộ chúng ta cũng sẽ lười tư duy hơn vì các bộ phận trên cơ thể con người đều tuân theo một nguyên tắc "Use it or lose it" - "Dùng chúng hoặc là bạn sẽ mất chúng". 

Các cơ của bạn nếu không được tập luyện thường xuyên thì có săn chắc dẻo dai được không? Chắc chắn là không rồi và bộ não của chúng ta cũng thế đó: Nếu chúng ta lười suy nghĩ thì lâu dần bộ óc của chúng ta sẽ nhanh chóng bị thoái hóa và mất sự nhạy bén và ngược lại, nếu chúng ta chăm chỉ suy nghĩ thì bộ óc sẽ minh mẫn và phát triển như các nhà khoa học cũng đã chứng minh.

Việc tự bản thân mình suy nghĩ là cần thiết như thế thì sao lại chỉ dành có 15 phút thôi? À chỉ đơn giản là vì tự bản thân suy nghĩ là rất cần thiết thật nhưng quỹ thời gian của mỗi người cũng là có hạn và chúng ta cũng có quyền nhờ đến sự giúp đỡ của người khác và một điều chắc chắn là người khác sẽ sẵn lòng chỉ dẫn hay giúp đỡ những người đã có chịu tìm hiểu và suy nghĩ thay vì những người cứ đụng độ khó khăn là đã vội đi hỏi người khác cách giải quyết.

Bạn thử nghĩ lại thì sẽ thấy điều đó rất đúng đấy. Có bao giờ có bạn gặp tình huống mà người khác nhờ bạn giảng bài cho họ chưa? Và giữa một người hỏi một bài cố định và một người chẳng biết gì cả thì bạn sẽ chọn giảng cho ai? Quá rõ rồi phải không bạn thân mến. Tôi cũng từng quen một đàn em - tạm gọi B nhé. B học các môn đều rất khá duy chỉ trừ môn Anh thì nát lên nát xuống dù cho cô giáo dạy rất hiền và cho điểm cũng rất hiền hậu tốt bụng nhưng điểm của B thì quả là không nỡ nhìn thẳng.

B rất hay hỏi tôi về tips học tiếng Anh và còn nhờ tôi giảng lại cho cô ấy cái môn khiến cô ấy mất gốc đó. Nhưng mỗi tội là cái đoạn chat của chúng tôi quả là dở khóc dở cười. Lúc đó, B nhắn rằng:

"Chị ơi! Khi nào chị rảnh chị giảng tiếng Anh cho em nha. Huhu cái môn đó khó chết mất"

Tôi nhiệt tình đáp lại:

"Ok em, giờ chị rảnh nè. Mà em vỡ tiếng Anh ở chỗ nào vậy?"

Cô ấy soạn tin nhắn hồi lâu sau mới đáp lại:

"Là sao ạ?"

Tôi bên kia há hốc mồm. Ủa bây giờ đến lượt tôi không hiểu ý cô ấy rồi. Tôi nhắn:

"Thì ý là em cần chị giảng cho phần nào ấy. Vì trong tiếng Anh cũng phần ra các phần như ngữ pháp, từ vựng và phát âm và mỗi cái lại bao hàm nhiều thứ khác nhau như ngữ pháp thì có 13 thì, reported speech hay passive voice còn từ vựng thì chia theo các điểm chủ đề chính,..."

Lần này thì cô ấy im lặng hồi lâu mới gửi một tin nhắn:

"Ờm...thật ra em không biết gì hết chị dạy em cái gì cũng được...Chị cứ lấy đại cái nào đi dạy đi!"

Lúc ấy thì tôi cảm giác vừa tức giận vừa buồn cười không biết nhắn gì hơn luôn và quả thật tôi cũng chẳng còn hứng thú giảng bài cho cô ấy nữa. Tôi đáp:

"Chính em còn không biết học cái gì thì làm sao chị biết dạy cái gì được. Thôi em lên Youtube search xem cho nó lẹ đi. Vậy nha!"

Tôi qua loa tìm đại trên Youtbe một cái video học tiếng Anh dành cho người mất gốc của Khánh Vy rồi quẳng qua cho cô ấy rồi thôi luôn. 

Như chúng ta thấy đấy, nếu cứ đụng đâu cũng hỏi người khác thì mọi người chỉ cảm thấy phiền toái thôi chứ còn giúp đỡ gì nữa vì vấn đề là chúng ta yêu cầu sự giúp đỡ ngay cả khi chưa từng cố gắng! Vậy nên 15 phút này là thời gian quý báu cho chúng ta đối diện và suy ngẫm vấn đề cùng tìm ra hướng giải quyết. Và sau đó nếu chưa tìm ra thì khi hỏi người khác chúng ta cũng có đủ cơ sở để biết mình muốn hỏi cái gì, mình muốn có được thông tin nào hay mình còn lấn cấn chỗ nào. 

Và bingo! Nhẹ mình nhẹ người là như thế đấy chứ nếu khi yêu cầu giúp đỡ, đặc biệt là giảng bài mà chúng ta phán một câu chung chung như kiểu "Giảng đại cho tôi bài nào cũng được. Tôi mất gốc rồi." thì hơn 90% là sẽ chẳng nhận được câu trả lời ngoại trừ một ánh mắt lườm nguýt đầy sắc sảo cùng một câu chất vấn không hề thương tiếc "Học hành bao lâu mà bảo mất gốc thì là lỗi của ai đây? Với cả giảng đại là như thế nào?  Sao cậu chẳng chịu đi mà học hành nghiêm túc mấy bài thầy cô 'giảng đại' đấy chứ nói với tôi làm gì?"

Tóm lại, hãy nhớ rằng chuẩn bị ở một mức độ cần thiết mới là khôn ngoan nhé! 



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net