Thư của học sinh cuối cấp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kính gửi bác, ngài bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo kính mến !

Trong những ngày qua, có thể bác đã từng ít nhất một lần đọc được bức thư bày tỏ của rất nhiều học sinh, mà đặc biệt là những học sinh cuối cấp như cháu.

Cháu không biết cảm giác của bác ra sao, cháu cũng không biết liệu những lời đơn giản và chân thành ấy có khiến bác để trong lòng, thế nhưng với tâm trạng hoang mang giống như các bạn đồng trang lứa, cháu vẫn muốn viết một bức thư để trải lòng mình.

Thưa bác !

Xã hội ngày càng phát triển, thế giới loài người ngày càng biến đổi một cách khó lường. Đi cùng với sự phát triển ấy, con người cần có tri thức, có cơ sở để tồn tại và tiến về phía trước. Đó là chân lý, và cũng là nền tảng  không ai có thể chối cãi. Việc học ra đời, ấy là cái ích lợi, cái đặc quyền mà những đứa trẻ được hưởng như cháu nhẽ ra phải cảm thấy may mắn. Chúng cháu đến trường, được học hành, được yêu thương, được vui chơi cùng bè bạn. Điều ấy vui lắm, hạnh phúc lắm. Thế nhưng sự hạnh phúc ấy dần dần biến mất, thay vào đó là áp lực, là nỗi lo sợ mỗi khi chuyển cấp cao hơn.

 Cháu vẫn hiểu, để xây dựng lên một tập thể, hay là cả một đất nước, sự chọn lọc kĩ càng là không thể thiếu. Và thế là những kì thi lần lượt ra đời : thi giữa kì, thi cuối kì, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, rồi thi đại học. Chúng cháu vật lộn với bài vở để trải qua các kì thi như hoàn thành một thứ trách nhiệm đè nặng lên mình, chúng cháu không còn nghĩ đó là một thử thách, một cuộc thi đua kịch tính, mà đó là gánh nặng, là sợi dây vô hình luôn luốn siết chặt lấy chúng cháu. Mệt mỏi, áp lực, nhưng chúng cháu vẫn im lặng vượt qua, im lặng chờ đợi cái gọi là "tương lai tốt đẹp" sẽ đến với mình.

Trước đây, cháu luôn không hiểu thế nào là cuối cấp. Thế nhưng hiện tại, cháu lại vô cùng thấm thía 2 chữ ấy.

Cuối cấp chính là học, học, học và học.

Cuối cấp chính là chẳng cần nhìn ước mơ, chỉ cần vồ lấy bất kì cánh cổng trường đại học nào đó.

Cuối cấp chính là bản thân bỏ công sức ra học, thế nhưng tương lai lại phải phụ thuộc vào một tờ công văn khô cứng.

Cháu vẫn còn nhớ vào năm ngoái, cũng tầm này,  cháu còn đang cười nhạo khi các anh chị 96 bức xúc, lo lắng trước những đề án thi của bộ. Ấy vậy mà bây giờ, khi chính mình phải trải qua thứ cảm giác ấy, cháu mới hiểu được nó đáng ghét và phiền phức đến mức nào. Các bác ở trên đó, nhẹ nhàng thoải mái tung ra hàng loạt đề án, không màng tới ở dưới này chúng cháu lo lắng, bất an ra sao. Các bác có lẽ cũng giống như cháu năm ngoái, cũng là những kẻ đứng ngoài, cho nên không thể thấu hiểu được nỗi khổ của người trong cuộc. 12 năm đèn sách ngập ngụa ngột ngạt, chúng cháu chỉ biết học, chỉ biết chọn ra cho mình những môn sở trường nhất để đấu đá nhau giành tấm vé bước vào cổng trường đại học. Nhưng đùng một cái, hôm nay các bác nói muốn thay đổi, ngày mai các bác nói muốn cải cách, việc hệ trọng như thế nhưng chỉ có các bác được quyền lên tiếng, còn chúng cháu - những người trực tiếp bị ảnh hưởng lại chỉ có thể im lặng chờ đợi, im lặng nhận về một đề án xa lạ. Chúng cháu vừa phải đâm đầu vào học, vừa trằn trọc lo lắng không biết phía trước đang đợi mình là thứ gì, thậm chí bạn bè cháu còn hoảng hốt không biết nên đầu tư sức học vào môn nào, hay là bỏ khối nào, thi khối nào, bỏ môn nào, học môn nào. Người xưa thường nói, có rễ rồi mới mong có ngọn có cành. Việc gì cũng vậy, có móng chắc thì nhà mới vững, có nền tảng tốt thì kiến thức mới mong nâng cao. Các bác nói muốn chúng cháu thi bài thi tổng hợp, để phát triển, để đánh giá thực lực một cách chính xác. Vâng, cháu đồng ý, điều ấy thật tốt, nhưng phải là trong hoàn cảnh chúng cháu đã có cơ sở để có thể tự tin thi. Từ tấm bé, lên lớp với chúng cháu chính là hoàn thành bài tập, là trả bài KHÔNG SAI MỘT CHỮ TRONG SÁCH GIÁO KHOA. Học Hóa thì biết có hóa trị, học Toán thì biết có cực trị, hoặc Văn thì biết có giá trị văn bản, môn nào chú trọng lý thuyết môn ấy, chứ làm gì có một ai hướng dẫn chúng cháu phải xâu chuỗi và tổng hợp? Bố mẹ cháu nói "Tập trung học mấy môn khối thi vào", cô giáo cháu nói "mỗi em hãy tự chọn khối học cho mình" ,cớ sao bây giờ các bác lại yêu cầu chúng cháu phải thật hoàn hảo? Các bác nói chúng cháu thụ động, nói chúng cháu không sáng tạo mở rộng, cớ sao lại không tự trách việc dạy và môi trường trường học đã có điều gì để giúp chúng cháu chủ động sáng tạo?

Thưa bác, chắc rằng bác cũng đã từng trải qua một thời học sinh như cháu. Vậy bây giờ, cháu khẩn thiết mong bác hãy thử đặt bản thân vào địa vị chúng cháu, để có thể cảm, có thể hiểu, có thể chia sẻ với chúng cháu những điều bác mong và điều chúng cháu muốn. Cháu có thể thẳng thắn nói, đại học không phải khát khao của cháu, nó quá lý thuyết, quá thực dụng và lãng phí. Mà hiện tại, chính các bác lại khiến cho nó càng trở nên thật nặng nề và mệt mỏi. Xin hãy nhìn mọi thứ với con mắt của một học sinh cuối cấp như cháu, xin hãy để cho 2 chữ "đại học" trở thành con đường nâng đỡ được những ước mơ tuổi tuổi trẻ.Nếu được vậy, cháu tin rằng trong tương lai, đất nước ta sẽ có những bước tiến vượt bậc trong công cuộc giáo dục và đào tạo nhân tài.

Xin trân trọng cảm ơn bác.

                                                                                                                    Người gửi

                                                                                                              Học sinh lớp 12

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net