CHƯƠNG 30Chế Độ Tập Thể ở Miền NamCảm Tình Của Tôi Với Kháng Chiến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cho tới năm 1974 tôi đã được biết ba xã hội: xã hội nông nghiệp của ông cha chúng ta, xã hội tư bản của Tây phương do ảnh hưởng của Pháp và vài nét xã hội tiêu thụ (Société de consommation) ở thời kì hậu kĩ nghệ (post-industriel) của Mĩ; ba xã hội đó tôi đã phác qua vài nét trong các phần trên.

Từ 1975 tôi lại được biết thêm một xã hội nữa mà người ta gọi là xã hội Xã hội chủ nghĩa (1).

Tôi vốn có cảm tình với Việt minh, với cộng sản; ghét thực đân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ. Tôi phục tinh thần hi sinh, có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp.

Từ năm 1954 tôi đã được đọc nhiều bài Tố cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm; hơn nữa, tôi được nhiều bạn của tôi di cư vô Sài gòn kể cho tôi nghe chính sách điền địa ở Bắc tàn nhẫn tới mức bỏ tù, giết cả những người kháng chiến, có con ở trong kháng chiến, chỉ vì họ có 4-5 mẫu ruộng (chưa đầy hai hecta) và bị liệt vào hạng điền chủ, tư sản bóc lột kẻ nghèo. Chính những bạn tôi đó cũng đã giúp kháng chiến, đều có lòng ái quốc, đều là những người đứng đắn, tốt, mà không thể sống ở ngoài đó được, phải bỏ cả mồ mả tồ tiên, nhà cửa, bà con họ hàng vô đây với hai bàn tay trắng, sống chen chúc trong những khu lao động, can đảm lập lại cuộc đời.

Tôi lại được đọc một số sách Pháp hoặc Nga, Anh... dịch ra tiếng Pháp viết về đời sống ở Nga, Trung cộng như: J'ai Chosi la Liberté của V.A Kravchenko (Self - 1948), Zigzags à Travers la Vie Soviétique của Raymond Henry (Albin Michel - 1947), Un étudiant Africain en Chine của E.J. Hevi, người nước Gana, Phi châu (Edition Internationales - 1965); vài cuốn nữa tôi quên tên kể những vụ đại thanh trừng trong các năm 1935-1938 ở Nga, thời Staline; kể một vụ án hoàn toàn do một chính quyền cộng sản (Hung gia lợi thì phải?) dựng lên từ đầu đến cuối, bắt giam hàng chục người, tra tấn, buộc phải khai những điều họ không hề làm, buộc họ tố cáo một đảng viên quan trọng mà đảng muốn bôi nhọ, thủ tiêu, rốt cuộc chính nhân vật này cũng phải khai những điều mình không làm mà chịu tử hình, hi vọng đảng sẽ giữ lời hứa mà "khoan hồng" với vợ con.

Năm 1968 nghe những tin tức và những hình ảnh về cuộc tàn sát rùng rợn ở Huế trong biến cố Mậu Thân, tôi hoang mang, đau lòng cho đồng bào Huế và lo lắng cho tương lai dân tộc.

Năm 1968 tôi lại được đọc trên báo Pháp những lời chỉ trích chính phủ Nga của hai nhân vật Nga nổi danh khắp thế giới: nhà bác học Sakharov, "cha sinh ra bom H" của Nga, và nhà văn Soljenitsyne, tác giả những cuốn Pavillon des Cancéreux, Premier Cercle, được giải Nobel năm 1970, L'Archipel du Goulag...

Ấy là chưa kể tác phẩm của những văn hào Pháp André Gide, Anh Bertrand Russell... mới đầu có cảm tình với Nga rồi sau chê; của những nhà văn như Koestler, Georghiu, Djilas... mới đầu đã tận tâm hoạt động trong đảng, lãnh những trách nhiệm quan trọng, mà sau phải bỏ đảng, trốn ra nước ngoài, vì chính sách tàn bạo hoặc đường lối sai lầm của đảng.

Đọc trước sau khoảng hai chục cuốn viết về cộng sản Nga, Trung hoa, Đông âu như vậy, tôi tuy ghét, tởm Staline, Mao Trạch Đông... nhưng vẫn tin rằng chế độ cộng sản công bằng hơn chế độ tư bản; nhất là cộng sản Bắc Việt dưới sự lãnh đạo thời kháng chiến của Hồ chủ tịch mà tám chín phần mười người Việt kính mến, khắp thế giới phục thì không thề nào tàn nhẫn như Nga, Trung hoa được, đảng có lỗi lầm thì sửa sai ngay. Đó là tâm lí chung của đa số trí thức Sài gòn, chứ chẳng của riêng tôi.

Hơn nữa, chúng tôi còn phục Bắc Việt là trong cuộc kháng chiến lâu dài, gay go chống Pháp, chống Mĩ mà vẫn kiến thiết về văn hóa, khảo về Nguyễn Du, thơ đời Lí, đời Trần, soạn tự điển, khai quật các di tích vùng đền Hùng (2), sáng tác về ca, nhạc... Chúng tôi nhờ các bạn ở Pháp mua rồi gởi lén về cho sách báo Bắc, truyền tay nhau coi những đồ quốc cấm đó; lại sang một băng nhạc có những bài Bắc Việt trình diễn ở Paris (năm nào tôi quên rồi), say mê nghe những bài Ai đưa con sáo sang sông (Ái Liên ca), Quảng bình quê tôi, Làng tôi (hợp ca tám giọng nữ và đàn tranh)... mà khen anh chị em ngoài đó có tinh thần yêu nước cao.

Khi hội nghị Paris kết thúc năm 1973, chúng tôi mừng rằng chiến tranh sắp chấm dứt sau non ba chục năm dai dẳng, khốc liệt, toàn dân sẽ nắm tay nhau kiến thiết quốc gia. Tôi không được đọc toàn văn Hiệp ước đó, chỉ do báo chí mà biết đại khái rằng Bắc Việt, Mĩ, Mặt trận giải phóng và Chính phủ dân chủ miền Nam thỏa thuận với nhau sẽ có ba thành phần ở miền Nam: người của Mặt trận, người của Chính phủ miền Nam, và một số người ở trong nước và ngoài nước, không theo phe nào (tức thành phần thứ ba) ở giữa dung hòa hai thành phần trên.

Tôi đoán công việc đó khó khăn nhưng có thể thực hiện được nếu những người trong sạch, có tư cách, nhiệt tâm ở miền Nam và ở ngoại quốc về chịu ra đảm đương việc nước, và nếu Mặt trận vẫn tỏ ra vẻ ôn hòa như họ thường tuyên bố. Như vậy, sau bốn năm năm, miền Nam ổn định rồi, có thể thống nhất quốc gia được, Bắc Nam dung hòa nhau, Nam hồng thêm lên một chút, để cùng nhau kiến thiết mà tạo hạnh phúc cho dân. Riêng tôi, tôi sẵn sàng bỏ một ít tự do đi, sống thanh bạch hơn nữa, miễn là hết thấy cái nạn tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, phè phỡn, bóc lột và thấy con người có tư cách hơn. Tôi vẫn thường nói với nhà tôi: cộng sản vào đây thì chỉ nội 48 giờ là hết cái tệ đó

Ngày 30-4-75 - Việt Nam Thống Nhất

Nhưng hiệp định Paris vừa mới kí xong - tất nhiên có chữ kí của Nga, Trung hoa và một số nước khác như Pháp, Anh... - hai bên trao đổi tù binh với nhau xong, Mĩ rút hết quân về rồi thì chiến tranh lại tái diễn. Thế là hiệp định chưa ráo nét mực đã bị xé bỏ. Tôi không hiểu có một sự thỏa thuận ngầm nào giữa các cường quốc nắm vận mạng của Việt nam không, có những uẩn khúc, những bí mật nào không. Theo luật quốc tế, phải 50 năm sau, những bí mật đó mới được công bố, lúc đó những kẻ chịu trách nhiệm chết hết rồi.

Một bên (Bắc) mới thắng được Mĩ về ngoại giao, rất phấn khởi, khí thế đương hăng; một bên (Nam) bị Mĩ chẳng nghĩ gì đến liêm sỉ, nhẫn tâm bỏ rơi, vừa uất ức vừa thất vọng, thì phần thắng về ai, điều đó rất dể hiểu. Quân Bắc tiến tới đâu, dân chúng một phần sợ những vụ chém giết, chôn sống như ở Huế tết Mậu Thân, dắt díu, bồng bế nhau bỏ chạy; một phần ghét Mĩ, ghét chính phủ Thiệu, theo quân đội giải phóng, cho nên cuộc tiến quân của Bắc dễ như chẻ tre, chỉ trong ít tháng chiếm trọn miền cao nguyên và miền Trung Việt, gần tới Biên hòa. Tổng thống Dương văn Minh biết chống cũng vô ích, xin hai bên ngừng chiến để đỡ chết dân và chính quyền miền Nam chờ đợi quân đội miền Bắc vào Sài gòn để giao lại quyền hành, nói tóm lại là xin đầu hàng vô điều kiện; và ngay 12 giờ trưa ngày 30-4 tướng Trần văn Trà của Mặt trận ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Sự thắng lợi đó quả là vẻ vang cho miền Bắc, nhưng xét kĩ thì cũng như sự thắng lợi của quân đội Mao Trạch Đông năm 1949 (cũng chỉ trong có mấy tháng họ tiến từ Nam kinh tới biên giới Bắc Việt); và cũng như sự thắng lợi của Khmer đỏ (ngày 17-4) khiến Lon Nol phải bỏ nước để thoát thân như Nguyễn văn Thiệu, Đại sứ Mĩ phải nhục nhã cuốn cờ bỏ Nam vang mà về nước, và Khmer đỏ vào Nam vang 13 ngày trước cộng sản Bắc Việt vào Sài gòn.

Từ ngày 20-4-75 Sài gòn rất xôn xao. Một ông bạn thân của tôi 65 tuổi, ở gần nhà tôi, đương đau mà gia đình cũng "bốc" lên phi cơ để tị nạn, mới tới Manille thì chết, phải chôn ở đó. Một cô em ruột nhà tôi, cô Trịnh thị Mộng Đơn cũng dắt con lên phi cơ qua với chồng bên Mĩ.

Rồi chính cô em út của tôi, Nguyễn thị Mùi, gần 60 tuổi, cũng theo gia đmh bên chồng qua Mĩ; vợ chồng tôi giữ lại ở với chúng tôi, cô không chịu. Trong số ba người em, tôi mến cô nhất, mà cô cũng quí tôi. Cô làm dâu họ Tô ở Hà nội, có ba người con đều vào hạng học giỏi. Con gái lớn, Tô Lệ Hằng đậu tiến sĩ vật lý, tính tình hợp với tôi, hiện ở Pháp, giúp đỡ tôi được nhiều việc, vợ chồng tôi coi ba cháu đó như con. Cô đi rồi, ở Sài gòn tôi không còn ai ruột thịt cả.

Mấy ngày hạ tuần tháng 4 dương lịch đó tôi vẫn nghĩ tình hình không có gì bi đát lắm đến nỗi phải di cư. Quân Bắc có tiến vào Sài gòn thì Nam Bắc cũng thương thuyết với nhau - trước Bắc chỉ đòi Mĩ rút đi, Thiệu rút đi, thì bây giờ họ rút cả rồi, còn muốn gì nữa? - mà hiệp định Paris còn đó, Bắc phải thi hành chứ. Tôi ngây thơ quá.

Mười một giờ sáng ngày 30-4, ông láng giềng ở phía trong nhà tôi cùng với con lái một chiếc Vespa hớt hơ hớt hải di cư, để lại nhà cửa cho bà cụ thân sinh 77 tuổi và một chị bếp.

Mười hai giờ tôi bắt đài phát thanh, được tin tướng Trần văn Trà vào dinh Độc lập, Đại tướng Dương văn Minh với vài nhân viên trong nội các ra tiếp, bảo:

- Chúng tôi chờ các ông tới để bàn giao.

Trần văn Trà đáp:

- Các ông còn gì trong tay nữa mà bàn giao?

Tin đó làm cho tôi rất buồn: thế là hiệp định Paris đã bị xé bỏ, không còn chuyện ba thành phần trong chính phủ miền Nam nữa, mà chỉ còn có Mặt trận giải phóng, tức cộng sản.

Chiều 30-4 tôi ra đầu ngõ thấy nhiều chiếc Honda cắm cờ đỏ sao vàng vụt qua vụt lại, người ngồi trên xe toàn là thanh niên hớn hở, mỉm cười với dân chúng hai bên đường. Sau này người ta gọi họ là "chiến sĩ 30".

Chiều hôm sau, 1-5, tôi mới lại chợ Trương Minh Giảng. Nhà nào cũng phấp phới cờ đỏ sao vàng, người qua lại tấp nập, hơi có vẻ tưng bừng, nhưng cũng có nhiều bộ mặt đăm chiêu. Chi nhánh ngân hàng Việt nam thương tín ở gần chợ đóng cửa im ỉm. Chợ về chiều đã vắng. Tôi lại nhà bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Cửa sắt đóng kín. Một chị giúp việc cho hay cả gia đình bạn tôi đã di cư tối hôm 28-4 vào giờ chót; vì quyết định trễ cho nên không kịp báo cho tôi biết trước. Tôi sửng sốt: "Mấy hôm trước, bác sĩ còn quyết tâm ở lại kia mà!" Chị giúp việc bảo: "ông bà tôi vì tình con gái, chàng rể và mấy cháu ngoại mà phải đi, nhưng định 5-6 tháng sẽ trở về, cho nên đồ đạc trong nhà còn để lại hết." Nhưng anh bạn tôi không bao giờ trở về nữa, hai năm sau chết ở Paris vì bệnh căng xe máu (leucémie).

Tôi lủi thủi về nhà bảo nhà tôi (bà họ Nguyễn) : "Người thân đi hết rồi, không còn ai nữa, buồn quá".

Khoảng 25-4 phát hành cuốn sách thứ 100 của tôi, nhan đề là Mười Câu Chuyện Văn Chương. Tôi đợi đường hàng không Sài gòn - Paris tái lập để gởi thư và một bản cuốn đó cho vợ con tôi mắc kẹt ở Paris. Tôi không nhớ mấy tháng sau mới nhận được thư của họ, nhận được tôi hồi âm liền; còn cuốn Mười Câu Chuyện Văn Chương thì non hai năm sau chính phủ mới cho phép gởi qua.

Tôi phục quân đội giải phóng rất có kỉ luật: vào Sài gòn mà không gây một vụ đổ máu (trước đó ai cũng ngại có một cuộc "tắm máu" như Huế năm 1968), một vụ cướp bóc nào; còn giúp đỡ dân chúng nữa. Tôi lại tràn trề hi vọng khi chủ tịch Mặt trận giải phóng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tuyên bố miền Nam sẽ theo chính thể đân chủ cộng hòa, sẽ trung lập, giao thiệp vđi Tây phương; về kinh tế sẽ có 5 thành phần từ quốc doanh đến công tư hợp doanh, tư doanh v.v... Như vậy thì rất hợp với sở nguyện của mọi người, quá sở nguyện của giới trí thức nữa.

Nhưng chỉ được non một năm rồi người ta rục rịch thực hiện sự thống nhất Bắc, Nam và cuối năm 1976 thì không còn miền Nam nữa, từ Lạng sơn đến Cà mau là một nước theo chủ nghĩa xã hội như Nga, tiến bộ hơn cả Trung hoa, Đông Đức nữa vì hai nước này vẫn còn là dân chủ cộng hòa.

Từ năm 1975 đến nay, hai vợ chồng tôi ở lại Sài gòn (lâu lâu nhà tôi mới về Long xuyên ít bữa), nương tựa lẫn nhau để làm trọn bổn phận công dân, thích ứng với thời mới, tìm hiểu chế độ mới.

Chế Độ Mới

Ai cũng biết chế độ cộng sản là chế độ độc đảng, chuyên chế của giai cấp vô sản, theo nguyên tắc mà thực tế là của một nhóm "đảng viên cầm quyền tự cho mình là đồng nhất với thợ thuyền, tiếng nói của mình là tiếng nói của thợ thuyền, có bổn phận thay thợ thuyền để cai trị" (Garandy trong L'alternative - Robert Laffont - 1972). Họ nắm hết cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu trong nước có đảng Dân chủ, đảng Xã hội thì những đảng này cũng phải theo đường lối của đảng cộng sản, không thể độc lập, đối lập được.

Các nhà lãnh đạo cộng sản hầu hết xuất thân từ giai cấp bourgeois, có học thức, có tư tưởng tiến bộ, muốn xóa bỏ những bất công trong xã hội, diệt bọn tư bản bóc lột mà bênh vực giai cấp vô sản. Họ định đường lối, kế hoạch, tổ chức xã hội; lựa trong đảng một số người để cho dân bầu (dân chỉ được bầu những người đó thôi) vào Quốc hội và Quốc hội thảo hiến pháp theo đường lối đảng đã ấn định trước; rồi lựa một số người cũng ở trong đảng giao cho nhiệm vụ hành pháp và tư pháp. Bất kì việc lớn nhỏ gì cũng do đảng quyết định hết, cơ quan nào dù lớn, quan trọng tới mấy cũng chỉ có việc thừa hành.

Điều đó ai cũng biết, nhưng muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê gì thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi.

Dưới đây tôi ghi vắn tắt những điều tôi thấy về chế độ cộng sản ở miền Nam. Tôi không chép nhật kí, mà kí tính tôi mấy năm nay suy; tôi lại chỉ sống ở Sài gòn, giao du ít, nên nhận xét của tôi chắc chắn là thiếu sót, có thể sai nữa, sai nhiều nhất là năm, tháng. Tôỉ sẽ rán giữ tinh thần khách quan và trung thực.

I. Hành Chánh (Chỉ xét ở các cấp từ thành phố (3) và tỉnh trở xuống).

A. Tổ chức

Một gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bà con...) ăn chung, ở chung với nhau thì thành một hộ; nếu có một người tuy ở chung một nhà mà có phòng riêng, ăn riêng thì cũng thành một hộ riêng; như vậy cùng một nhà có thể có hai ba hộ. Mỗi hộ có một người chủ hộ.

Ba bốn chục nhà (thường gồm bốn năm chục hộ) họp lại thành một tổ, có một tổ trưởng, một tổ phó do chính quyền chỉ định, hoặc do dân đề cử, chính quyền chấp nhận; tổ trưởng có thể đề cử một người giúp việc giấy tờ cho. Tổ trưởng, tổ phó, thư kí thường ở trong giới bình dân, có cảm tình với cách mạng, hoặc ít nhất không có tiếng xấu, tự nguyện giúp việc không công, theo nguyên tắc chẳng được hưởng quyền lợi gì cả.

Mới đầu gọi là tổ đoàn kết, sau đổi là tổ dân phố. Tổ trưởng là gạch nối giữa chính quyền và nhân dân, loan báo chỉ thị của chính quyền xuống nhân dân, đạo đạt nguyện vọng của nhân dân lên chính quyền, lo việc an ninh, vệ sinh trong tổ, góp tiền của dân để mua nhu yếu phẩm (gạo, nước mắm, đường, hộp quẹt, xà bông, dầu lửa, vải...) do chính quyền phân phối, quyên tiền cho các công tác trong phường (đặt các loa phóng thanh, mở lớp mẫu giáo, mở nhà hộ sinh...). Mỗi tuần, có khi vài ba ngày họp tổ một lần, mỗi hộ phải cử một người tới họp tại một nhà hoặc một khu đất trống, một cái kho bỏ trống nào đó vào buổi chiều hay tối.

Tổ trưởng thường ít học nên hay nói, nói dai, đáng lẽ 15 phút xong thì kéo dài cả giờ, giờ rưỡi, mất thì giờ của dân; do đó ít người muốn đi họp, miễn cưỡng tới dự để khỏi bị ghi tên vắng mặt mà công an để ý. Đại đa số tổ trưởng không làm khó dân, có người còn bênh vực dân nữa vì cùng là "ngụy", hàng xóm với nhau cả, như vậy dĩ nhiên không được công an phường ưa.

Thỉnh thoảng lại có buổi học tập chính trị do cán bộ, thường là công an tới giảng cho 5-6 tổ gồm trên trăm học viên. Đề tài là công của cách mạng, tội của Mĩ ngụy và bổn phận của công dân: kê khai lí lịch (4) (rất kĩ, gồm 4 trang lớn), kê khai tài sản (nhà cửa cho thuê, hoặc hàng hóa còn dự trữ, máy móc...), làm công tác lao động như đi đào kinh, làm nghĩa vụ quân sự, đi trại cải tạo, đập tư bản, đốt sách phản động, đồi trụy...

Trình độ văn hóa của cán bộ chỉ vào hạng có tiểu học, bài học rất chán, mà cũng có một số người vỗ tay khen, có khi chưa hết câu đã vổ tay, khiến cho các học viên miễn cưỡng vỗ tay theo. Trò đó có vẻ lố bịch, sau dân chúng phá bằng cách đáng lẽ chỉ vỗ tay một thì họ vỗ tay hai, kéo dài ra, bọn nịnh kia thấy ngượng phải bỏ. Mới dầu dân còn đưa thắc mắc hoặc đề nghị xây dựng, thấy không ích lợi gì, người ta chán, có thái độ tiêu cực: đàn ông thì làm thinh, cán bộ hỏi ý kiến, họ một mực không đáp, đàn bà thì lấy len ra đan hoặc cho con bú, thì thầm nói chuyện với nhau, nếu không thì gục xuống ngủ, mặc cán bộ nói gì thì nói. Có những bài học kéo dài hai ba buổi học hoặc hai ba ngày.

Tôi còn nhớ một chị cán bộ khoảng ba chục tuổi, người mảnh khảnh, dạy chính trị cho phụ nữ trẻ và trung niên trong khóm tôi. Phòng họp ở một ngôi chùa cách phòng viết của tôi có năm thước, giọng chị ta lại lớn, nên tôi nghe rõ. Lớp học có khoảng bảy tám chục phụ nữ trong 4-5 tổ. Mới sau ngày 30-4-75, nên người ta còn siêng năng đi học.

Chị tới từ 7 giờ sáng và cho tới 11 giờ, suốt bốn giờ liền, tôi chỉ nghe tiếng chị giảng thôi, không có một tiếng nào của học viên. Chị thao thao bất tuyệt, không khi nào ngừng quá một phút, không hề hỏi học viên một câu. Tôi lắng tai nghe, không hiểu chị nói gì. Lời cứ ở trong miệng chị tuôn ra, không mạch lạc, không ý nghĩa gì. Đúng 11 giờ chị ngưng. Lớp học ồn ào ra về.

Một giờ chiều chị lại tới, lại thao thao như sáng, lại độc thoại tới bốn giờ chiều. Tôi không biết trong lớp có người nào ngủ gục không. Mấy ngày liền như vậy rồi không thấy chị trở lại, chắc đã đi dạy lớp khác. Tôi nghĩ bụng: "Chị ta có hiểu chị ta nói gì không; bảo chị tóm tắt lại lời giảng trong một buổi, chị ta làm nổi không?" Y như một cái máy hát và tôi nhớ lời này của một bạn ở Hà nội vào: "Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.".

Nhưng cái nạn học tập chính trị đó còn kém cái nạn nghe loa phóng thanh suốt ngày ở ngay trước nhà mình mà một số dân phố phải chịu. Một ông hàng xóm của tôi nhức óc vì loa, muốn hóa điên, và gọi văn minh xã hội chủ nghĩa là văn minh loa.

Nhiều tổ họp thành một khóm (khóm ở thành phố cũng như ấp trong làng) có một trưởng khóm và vài ba người giúp việc về thông tin, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tài chánh, giấy tờ. Những nhân viên đó đều do chính quyền tuyển, đều là cán bộ nằm vùng hoặc có cha, anh làm cách mạng. Họ được ăn lương 36 hay 38 đồng ngân hàng một tháng, có nhà ở. Dân muốn xin giấy tờ gì - giấy đi đường, giấy chứng nhận chỗ ở, giấy giới thiệu đi khám bệnh, bản sao khai sanh... - phải có khóm trưởng cho ý kiến rồi tự mình đem lại phường, phường mới kí giấy, đóng dấu cho phép. Khóm lo việc phân phối nhu yếu phẩm. Về sau khóm bị bãi bỏ, dân giao thiệp thẳng với phường (tức như làng xã)

Phường có công sở lớn, nhiều phòng: hành chánh, y tế, giáo dục, kinh tế, công an, có nơi có cả đài phát thanh nữa... Phường trưởng mới đầu do chính quyền chỉ định, sau do dân trong phường bầu đại diện, đại diện lại bầu một hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng này là phường trưởng. Cách thức bầu cũng như bầu quốc hội. Đảng lập một danh sách những người đảng cho phép ứng cử, giới thiệu mỗi người vài hàng: tên tuổi, nghề nghiệp, đã có những công tác gì... trên một bích báo. Còn 10 đại biểu nhân dân thì phường giới thiệu 11, 12, có khi đúng 10 người thôi, và dân chỉ được bầu cho những người đó. Chỉ là vấn đề hình thức. Dân đi bầu khắp mặt cho xong việc, không cần biết kết quả ra sao. ứng cử viên chẳng cần ra mắt quốc dân.

Riêng tôi suốt năm năm không thấy mặt ông chủ tịch ủy ban nhân dân phường một lần nào, hai lần xin gặp mặt thì cô thư kí bảo ông ấy đi vắng cả hai. Sự thật phường trưởng rất ít quyền. Công an trưởng mới có quyền và thường tới nhà dân, biết rõ từng nhà một, có khi từng người một nữa.

Trên phường là quận (như huyện ở các tỉnh). Quận có đủ các cơ quan như một tỉnh: hành chánh, thông tin, giáo dục, công an, cảnh sát, tài chánh, kinh tế, nội thương, y tế ngoại thương, vận tải, tòa án, thủy lợi, quân sự, cả hồng thập tự nữa. Tôi không sao biết hết được, vì không bao giờ tới quận.

Trên quận là thành phố, cũng như trên huyện là tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh là kinh đô của miền Nam, trực thuộc trung ương, theo nguyên tắc ở trên tất cả các tỉnh, nhưng quyền hành không lớn hơn tỉnh bao nhiêu vì chính sách địa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net