CHƯƠNG XVTHẾ CHIẾN THỨ NHÌĐỨC MẠNH LÊN - PHÁP THUA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đầu năm 1938, khi nhà tôi có mang được bảy tám tháng, vợ chồng tôi không hiểu sao tin chắc sẽ sinh con trai và bàn tính với nhau đặt tên cho nó là Nhật Đức. Nhật Đức có nghĩa là đức của mặt trời và còn một nghĩa nữa là Nhật và Đức, hai dân tộc có tinh thần quật cường mạnh nhất thời đó.

Nhật chỉ sau 35 năm duy tân đã theo kịp Âu, Mĩ và năm 1905 đã thắng Nga, một nước lớn ở Âu châu, rửa nhục cho các giống da vàng bị giống da trắng ức hiếp, xâm chiếm đất đai, bóc lột; và các quốc gia lớn nhỏ từ Ấn Độ đến Phi Luật Tân có cảm tình ngay với Nhật, hăng hái muốn noi gương Nhật.

Còn Đức thì sau thế chiến thứ nhất, phải ký hiệp ước Versailles rất khắt khe: mất một phần thổ địa, mất hết các thuộc địa; không được phép có không quân; lục quân và hải quân bị rút xuống chỉ còn là lực lượng cảnh bị trong nước; lại phải bồi thường chiến phí rất nặng, tưởng không sao ngóc đầu lên nổi. Vậy mà từ năm 1925, Hitler khéo lợi dụng lòng phẫn uất của dân chúng, táo bạo đưa ra một đường lối cứu quốc để phục hồi địa vị đại cường của Đức ở châu Âu và trên thế giới (trong cuốn Mein Kampf: cuộc chiến đấu của tôi), được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt, do đó nắm được chính quyền, xé bỏ hiệp ước Versailles, tổ chức lại quân đội, vừa tuyên truyền, dọa dẫm, vừa dùng ngoại giao, khiến Đức tới năm 1938, lại có cái khí thế lấn át các nước Trung Âu và cả Pháp ở Tây Âu nữa.

Lỗi ở các nước đồng minh ức hiếp dân tộc Đức quá trong hiệp ước Versailles; ở các nhà cầm quyền Pháp không đoàn kết, nhu nhược, không biết lo xa; nhưng cũng ở các nhà cầm quyền Anh nữa, làm ngơ cho Đức tổ chức lại quân đội, nhất là hải quân vì truyền thống ngoại giao của họ là giữ sự quân bình lực lượng ở lục địa Tây Âu, không muốn cho Đức yếu quá, sợ Pháp sẽ nuốt Đức mà hóa vô địch châu Âu. Anh cũng không muốn cho Đức mạnh quá, nhưng khi đã lỡ cho Đức lập lại quân đội, thì lực lượng, quân số, võ khí của họ tiến rất mau, ngăn họ lại không kịp.

Vậy khi Đức đã chiếm được Áo, muốn nuốt luôn Tiệp Khắc, Anh và Pháp nhượng bộ Đức, bỏ rơi Tiệp, tưởng như vậy Hitler sẽ thỏa mãn mà châu Âu được yên ổn. Không ngờ năm 1939, Đức kí với Nga một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau; rồi đem quân vô chiếm Ba Lan. Lần này Anh Pháp không nhượng bộ nữa, thế chiến thứ nhì nổ (tháng 9 năm 1939).

Hết thảy gia đình bên tôi và bên nhà tôi (mà tôi đoán đa số giới trí thức Việt Nam cũng vậy) thấy Đức mạnh lên thì mừng vì Đức là kẻ thù của Pháp; và khi Anh, Pháp tuyên chiến với Đức thì ai cũng thầm mong cho Đức thắng, nhưng chưa dám chắc vì Đức chỉ có một mình; các cường quốc Nga, Mĩ, Ý, Nhật đều đứng ngoài coi. Chúng tôi còn hơi lo nữa: vật giá đã lần lần tăng lên, đời sống sẽ khó khăn. Tôi còn nhớ, sau khi chiến tranh nổ được độ nửa tháng, một buổi chiều đi lang thang ở chợ cũ, thấy giá các đồ nhập cảng đã tăng lên gấp rưỡi hay gấp hai, tôi mua một con dao nhíp (canif) - trong Nam gọi là con dao con chó – lưỡi thép, vỏ đồng, để gọt bút chì, rọc và xén giấy mà người Huê kiều chủ quán bảo là của Đức. Con dao đó là vật duy nhất tôi còn giữ được, sau bốn chục năm, nay lưỡi đó đã mòn gần hết.

Pháp rất tin rằng chiến lũy Maginot ở phía Bắc ngăn được Đức, nên đưa quân lên đó, không ngờ chờ hoài không thấy gì cả; và thình lình tháng 5-1940, Đức không kể gì đến sự trung lập của Hòa Lan, Bỉ, đi vòng chiến lũy, ồ ạt xâm lấn hai nước trên rồi tiến như vũ như bão vào đất Pháp, chọc thủng Sedan, vượt sông Meuse. Liên quân Anh Pháp không cự nổi, rút lui.

Lúc này chúng tôi mừng rỡ: Pháp sẽ thua. Một hôm viên kĩ sư sở tôi bảo một họa viên phóng lại một bản đồ phía Bắc nước Pháp tới ngang Reims, tôi bảo ông ta: "Cũng một công, sao ông không bảo phóng thêm xuống khởi Paris đi?" Ông ta ngó tôi, đáp: "Chúng không tới Paris được đâu". Tôi nghĩ bụng: "Để coi".

Ngày 14 tháng 6 Paris bỏ ngỏ cho Đức vô. Dân Paris tản cư trong cảnh hỗn độn không thể tả. Chưa bao giờ Pháp thua một cách mau chóng, nhục nhã như vậy. Paul Reynaud từ chức, thống chế Pétain năm đó đã 84 tuổi, đứng ra lập nội các mới, ngày 17-6 xin đình chiến. Nước Pháp bị chia đôi, miền Bắc bị Đức chiếm, miền Nam gọi là "miền tự do" do Pétain làm quốc trưởng, thành lập chính phủ Vichy.

Ngay ngày hôm sau 18 tháng 6, tướng De Gaulle ở Londres hô hào dân Pháp tiếp tục cuộc kháng chiến; và lần lần thành lập được "nước Pháp tự do".

ĐÔNG DƯƠNG TRONG ĐẦU CHIẾN TRANH

Pháp thua, những người Việt yêu nước mừng lắm và hi vọng lần này có thể gỡ ách của Pháp được. Một nhật báo ở Sài Gòn đăng tin không biết có phải là trào phúng không: ở một tỉnh nọ miền Hậu Giang, một buổi tối, vài ba thanh niên lái xe đạp đi chơi, khi xuống một dốc cầu, một thanh niên bỗng la lớn: "Đức thắng rồi, tụi bay ơi!"' Một tên lính gác cầu bắt lại; thanh niên đó ngạc nhiên hỏi: "Tôi làm gì mà bắt tôi?"

- "Tại anh la Đức thắng"

- "Thì thắng của tôi đức đây nè."

Tên lính cúi xuống coi cái thắng (cái "phanh" để hãm xe), thấy nó đứt thật, tẽn (mắc cỡ) lính gác cho thanh niên đó đi. Một ít tay sai của Pháp còn quyến luyến với chủ như chú lính đó.

Ảnh hướng thứ nhất tới Việt Nam là Nhật, ngay từ ngày 19 tháng 6 đã đưa tối hậu thư cho chính quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải đóng cửa biên giới Việt Nam-Trung Hoa, không cho chở xăng và một số dụng cụ bằng đường xe lửa qua Trung Hoa nữa. Lúc đó Nhật đương đánh nhau với Trung Hoa và đã chiếm được gần hết các thành phố lớn ở duyên hải từ Bắc tới Nam Trung Hoa. Tướng Catroux, toàn quyền Đông Dương chịu đóng biên giới nhưng đòi phải có một thỏa hiệp rõ ràng giữa Pháp và Nhật; và trong khi chờ đợi, ông ta vẫn liên lạc với Anh ở Singapour, hi vọng nhận được khí giới của Anh, Mĩ. Chính phủ Vichy cách chức ông, đưa Hải quân Đề đốc Decoux lên thay, và ít bữa sau Pháp kí hoà ước với Nhật.

Hai bên thương thuyết với nhau: Nhật chịu nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, mà Pháp chịu cho Nhật được nhiều dễ dàng về quân sự ở Bắc Việt để Nhật giải quyết cho xong chiến tranh với Trung Hoa. Không đợi kết quả cuộc thương thuyết, quân đội Nhật trong đó có một số nhà yêu nước Việt Nam, đánh phá Lạng sơn và một số đồn ở biên giới. Cả hai bên tổn thất nặng (tháng 9-1940). Hiệp ước Pháp Nhật kí rồi, việc đó êm.

Cũng vào khoảng đó, Thái Lan tấn công để đòi lại vài tỉnh: Battambang, Siemreap... Pháp đưa quân lên chống cự. Thái được Nhật ủng hộ, Pháp phải nhượng cho Thái ba tỉnh ở Miên và hai tỉnh ở Lào[105]. Ở Nam Việt đảng Cộng sản nổi lên nhiều nơi như Tam Bình, Vũng Liêm, Xoài Hột... bị Pháp đàn áp tàn nhẫn.

Tháng 7 năm sau (1941) Nhật lại buộc Pháp phải để cho họ dùng một số sân bay, đổ bộ ở Sài Gòn, Cam Ranh. Pháp phải nhượng bộ nữa. Lúc đó tôi nghỉ phép, đi thăm cảnh Nha Trang - Tuy Hòa - Qui Nhơn, vừa về tới nhà ở Khánh Hội thì được lệnh phải dọn đi ở chỗ khác nội trong 48 giờ, vì gần trọn khu bến tàu ở Khánh Hội để cho quân Nhật đóng. Gia đình tôi phải đi ở nhờ một người bà con một hai ngày mới kiếm được một căn phố chật hẹp ở đường Monceau (sau đổi là Huỳnh Tịnh Của)

Ngày 7-12-1941, Nhật thình lình tấn công PearlHarbour (Trân Châu cảng), ở quần đảo Hawai; Mĩ bị thiệt hại nặng[106]. Ba ngày sau, Nhật lại đánh đắm hai hàng không mẫu hạm lớn nhất của Anh ở ngoài khơi Mã Lai. Tin đó làm cho người Việt nào cũng phấn khởi, ảnh hưởng lớn hơn vụ Nhật thắng hải quân Nga năm 1905 nhiều. Lần này Nhật thắng được hai cường quốc bực nhất Mĩ, Anh; chỉ trong một tháng lần lần chiếm hết các quần đảo lớn nhỏ ở Thái Bình Dương (trừ Úc), Thái Lan, Miến Điện, ngấp nghé cả Ấn Độ nữa. Đông Dương tuy còn thuộc Pháp nhưng đã ở trong tay họ rồi. Chương trình Đại Đông Á của họ đã gần thực hiện được.

Họ đặt nhiều cơ sở ở Việt Nam, nhiều người Việt học tiếng Nhật, làm việc cho họ - hai người anh con bác Ba tôi, Tân Phương và Việt Châu, làm sở Thông tin Domei của họ. Lính họ đi nghênh ngang ngoài đường, lùn tịt mà gươm dài sát đất. Pháp phải cung cấp cho họ đủ thứ: thực phẩm, than đá, xi măng... Và nhân dân thì chịu thiếu đủ thứ, nhất là vải và thuốc men. Năm 1944, một số nông dân ở Rạch Giá phải ở trần, chỉ có mỗi chiếc quần cụt bằng bố tời. Thuốc Tây thì kí ninh cũng thiếu, mà thuốc Bắc thì những vị hoàng cầm, hoàng bá đều là thuốc giả. Giấy báo và giấy viết như tôi đã nói, vừa đen vừa xấu, in sách phải dùng giấy bản làng Bưởi. Miền Nam may mắn có đủ gạo ăn, miền Bắc đầu năm 1945 có hàng triệu người chết đói vì chính sách thu lúa tàn nhẫn của Pháp và Nhật, và vì đường giao thông nghẽn, không chở gạo trong Nam ra cứu đồng bào ngoài đó được.

Năm 1939, một lượng vàng giá khoảng 160 đồng, đầu năm 1945 giá trên 1.000 đồng; đồng bạc bị phá giá gấp 6 lần; đời sống rất khó khăn. Vậy là từ năm 1930 tới năm 1945, trong 15, 16 năm, hết nạn kinh tế khủng hoảng, dân mới dễ thở được độ 5 năm (1935-1939) thì lại bị nạn chiến tranh. Công việc kiến thiết, khai hoang, phát triển công nghiệp, từ 1920 đến 1945 mới bắt đầu thực hiện được trong khoảng 15 năm (từ 1920 đến 1930, từ 1935 đến 1939) đã hai lần bị ngưng trệ, mỗi lần khoảng 5 năm.

NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC – CÁC GIÁO PHÁI Ở NAM

Phải thú thực rằng thời đó chúng tôi cũng như hầu hết mọi người, không biết gì về tình hình thế giới cả. Trong nước có lẽ chỉ các tổ chức cách mạng là có máy thâu thanh, còn thường dân nếu có - số này hiếm lắm, cả sở tôi không người nào có - thì cũng phải nộp cho chính quyền Pháp, hoặc cất giấu đi, không dám dùng, thành thử ai cũng chỉ biết những tin tức mà Nhật và Pháp muốn cho biết thôi. Tất nhiên Nhật chỉ loan những tin lợi cho Nhật, Pháp cũng chỉ thông báo những tin của chính phủ Vichy; tất cả những tin đó đều một chiều, thiếu thốn, nếu không sai.

Vì vậy chúng tôi không biết Hitler tàn sát hằng triệu dân Do Thái ra sao, Mĩ mạnh ra sao và từ cuối 1942, Đức yếu ra sao.

Chúng tôi được nghe nói Nhật rất tàn nhẫn với thuộc địa của họ (Triều Tiên, Mông Cổ, Mãn Châu), chẳng hạn biết ba nhà phải dùng chung một con dao phay (sợ dân thuộc địa dùng dao mà nổi loạn chăng?). Một nhà văn Việt Nam – Nguyễn Vĩ - viết cuốn Kẻ thù là Nhật Bản, nhưng cuốn đó không được phổ biến trong thời chiến tranh, nên nhiều người không được đọc.

Mà chúng tôi cũng không hề tính xa: hết chiến tranh, nếu Nhật Bản, Đức mà thắng thì họ có cho dân tộc mình được chút nào hay không, hay chính sách thực dân của họ còn tàn khốc hơn của Anh, Pháp nữa?

Chúng tôi chỉ biết mỗi một điều là họ thù địch với Pháp nên mong nhờ họ gỡ cho cái ách của Pháp đã, rồi ra sao thì sau sẽ hay. Tôi không làm chính trị, chỉ có lòng yêu nước, không muốn một nước nào chiếm giang sơn của mình, tước hết chủ quyền của mình, bắt mình làm nô lệ:

"Nam quốc sơn hà" thì phải "Nam tộc cư".

Đó là tâm lí của mọi người Việt Nam, trừ một số Việt gian, bất kì trong giới nào. "Dù bị đô hộ một trăm năm, một ngàn năm, dân Việt Nam vẫn còn tinh thần Việt Nam, vẫn không chịu thừa nhận chính quyền ngoại nhân. Chính quyền ngoại nhân bao giờ cũng chỉ như một miếng da "cấy" vào một cơ thế khác, thế nào rồi cũng bị đẩy ra (...). Cứ xét các ông vua triều Nguyễn được Pháp đưa lên thì biết: ông nào có tư cách cũng chỉ ít thăng là chống lại họ, còn ông nào ngồi lâu được thì dân không thèm biết tới". (Cụ Phan và lòng dân – Bài đã dẫn).

Nước nước nào giúp chúng tôi lật đổ Pháp, đuổi Pháp đi là chúng tôi mang ơn, mặc dầu chúng tôi biết rằng nhờ một thực dân đuổi một thực dân thì không khác gì "tiền môn cự hổ, hậu môn tiến lang"[107] (của trước đuổi con cọp mà cửa sau rước con chó sói vào) như cụ Phan Chu Trinh và các cụ trong Đông Kinh nghĩa thục nói; biết rằng trên thế giới không có một chính phủ nào nhân từ cả, chỉ có cá nhân tốt thôi, mà người nào dù tốt mà làm chính trị thì cũng phải bỏ lòng công bằng, nhân ái đi mà chỉ nghĩ cái lợi cho quốc gia. Khi cái lợi của quốc gia bắt buộc thì họ cũng phải nuốt ngay lời hứa mà phản bạn như Nhật tháng 9 năm 1940 sau khi kí hiệp ước với Pháp, được Pháp nhường cho một chút quyền lợi ở Đông Dương rồi, liền để cho Pháp tàn sát các nhà cách mạng Việt Nam đã nghe lời họ, theo họ đánh phá các đồn ở Lạng Sơn.

Chính sách của Nhật lúc đó là cho Pháp tạm nắm chủ quyền ở Đông Dương, miễn Decoux ngoan ngoãn nghe lời, Nhật đòi gì cũng sẵn sàng cung cấp; như vậy Nhật được rảnh tay đối phó với Mĩ, Anh ở Thái Bình Dương. Cho nên khi Pháp thẳng tay đàn áp đảng Cộng sản Đông Dương, họ làm thinh, còn thích là khác nữa.

Đối với Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Phục quốc hội của Cường Để, họ cũng không giúp đỡ gì, và cứ hẹn lần, bắt phải chờ thời. Khi thế chiến phát, ở Nam, hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo cũng nổi lên làm chính trị.

Mới đầu Cao Đài do Lê Văn Trung, một viên Hội đồng quản hạt thành lập, chỉ hoạt động về tôn giáo, thờ chung Phật, Lão, Khổng, Ki tô, thêm cả Lí Bạch, Victor Hugo nữa, chỉ thiếu Mohamad. Họ dùng cách cầu cơ để truyền bá tín ngưỡng, khéo tổ chức, đặt ra các chức sắc, có lễ phục riêng, xây cất được nhiều thánh thất cùng một kiểu kiến trúc. Thánh thất chính ở Tây Ninh. Sau một viên đốc phủ sứ ở Bến Tre lập một giáo phái riêng, gọi là Cao Đài Bến Tre, nhưng không phát triển bằng Cao Đài Tây Ninh.

Năm 1934, Phạm Công Tắc lên thay Lê Văn Trung lúc đó đã chết và hướng về chính trị; tới năm 1939, Cao Đài thành một đảng chính trị mạnh có khoảng nửa triệu tín đồ và mỗi ngày mỗi thân Nhật hơn, ủng hộ Cường Để.

Hòa Hảo xuất hiện sau Cao Đài. Mới đầu Huỳnh Phú Sổ cũng chỉ là một ông "đạo" như người ta thường thấy ở miền Tây, nhưng thông minh hơn, có tư cách hơn. Chỉ là một nông dân học hết lớp ba ở trường làng Hòa Hảo (quận Tân Châu - Châu Đốc) mà năm 1939 (21 tuổi ta) bỗng trị bệnh bằng nước lã, lá cây, được nhiều người tin, lại thêm có tài làm thơ lục bát, giọng rất mộc mạc, ý nghĩa không sâu sắc, nhưng làm rất mau. Bài thơ nào cũng có ý răn dời, khuyên hiếu nghĩa, kính Phật; nhiều người xa lại xem, rất phục. Rồi lại làm những bài "Sấm giảng" có giọng chính trị, tiên tri, báo trước rằng sắp "đổi đời" và sẽ có một vị "vương" toàn đức toàn trí ra đời ở miền Thất Sơn làm vua ở Việt Nam, và đưa dân tộc tới vinh quang. Việt Nam sẽ thành một nước văn minh nhất thế giới. Tiếng tăm của ông lần lần lan khắp các tỉnh miền Tây, nơi mà tín đồ nhiều nhất, rồi tới những tỉnh khác ở Nam, có lẽ cũng đông gần bằng tín đồ Cao Đài. Người ta đoán phỏng được 500.000 người theo hẳn, còn số có cảm tình thì tới cả triệu.

Giáo phái đó trước 1950 không có tổ chức gì cả (sau năm 1964 mới tổ chức mạnh), không có một "thánh thất" như Cao Đài, ai theo thì cứ tu tại nhà, tụng "giảng" của "Thầy" tức những bài thơ lục bát của Huỳnh Phú Sổ, và có thể căng một tấm vải rộng màu nâu, gọi là "trần điều" gần nóc nhà, trên bàn thờ Phật. Họ theo đạo Phật mà giản dị hóa cách tu, tụng niệm, ăn chay, chú trọng đến đạo làm người, nhất là đạo Hiếu, Nghĩa.

Không có chức sắc, chung quanh giáo chủ chỉ có một số tín đồ thân tín, mới đầu là nông dân, sau thêm một số người có học: một luật sư, vài kinh lí, kĩ sư, bác sĩ. Những người này rất phục Huỳnh Phú Sổ mà họ gọi là "Thầy" (Thầy Tư) vì họ tin rằng thầy là hậu thân của Phật Thầy Tây An ở Châu Đốc thời xưa (Phật Thầy có tiên là Đoàn Minh Huyên, hiện còn mộ ở Núi Sam), hoặc được một thần linh nào nhập vào nên không học mà xuất khẩu thành thi.

Nhà thầy ở làng Hòa Hảo, nhưng từ khi nổi danh, thầy thường đi nơi này nơi khác thuyết giáo và được đệ tử đưa đón long trọng, mời về nhà để hầu hạ.

Thầy không có một đường lối, một chương trình chính trị, mà đệ tử cũng không có ai là chính khách, lập nổi một chương trình hoạt động. Không gọi là một tổ chức chính trị được. Nhưng cũng như mọi người có tinh thần quốc gia, thầy muốn đuổi Tây, mà tín đồ của thầy đông, coi thầy như thần thánh, thầy bảo gì cũng nghe, nên người Nhật để ý tới giáo phái Hòa Hảo có phần hơn giáo phái Cao Đài vì giáo phái Hòa Hảo có tính cách nông dân cuồng tín.

Dĩ nhiên chính quyền Pháp thấy hai giáo phái đó có thể gây rối, nên năm 1941, bắt Phạm Công Tắc đày đi quần đảo Comores thuộc Madagascar trên Ấn Độ Dương.

Còn Huỳnh Phú Sổ thì cũng năm đó, họ cho vào nhà thương điên ở Chợ Quán, gọi thầy là "bonze fou" (nhà sư điên), sau đưa xuống an trí ở Bạc Liêu. Ở đây thầy lại có cơ hội thu hút một số đông tín đồ nữa. Năm 1942, Pháp thấy vậy tính đày thầy qua Lào để thầy hết thuyết giáo được vì khác ngôn ngữ, nhưng chưa kịp thi hành thì hiến binh Nhật bắt cóc thầy đem về Sài Gòn, cho thầy ở một biệt thự gần Sở Hiến binh của họ, Pháp phản kháng nhưng vô hiệu.

Nhật cũng cứu vài người khác có tinh thần quốc gia bị Pháp nghi ngờ như Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc ở Bắc, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân ở Nam đưa qua Singapour mà họ gọi là Chiêu Nam đảo, tính sau này có dịp thì sẽ dùng. Còn các nhà cách mạng trong nhóm Đệ tứ quốc tế như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm đã bị nhốt ở Côn Đảo từ đầu thế chiến.

Qua năm 1944, Đức không ngóc đầu lên được nữa; tháng 6 năm 1944 Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie của Pháp, rồi Paris được giải phóng, De Gaulle trở về Pháp.

Tháng 5 năm 1945 Hitler tự tử. Chiến tranh kết liễu ở châu Âu.

Ở Thái Bình Dương, Nhật rất lúng túng, lo lắng. Chính phủ Vichy đã không còn, Pháp tự do đã đứng về phe thắng, Anh, Mĩ đã tấn công lấy lại các đảo trên Thái Bình Dương, cả Phi Luật Tân nữa, thế nào Đồng minh cũng đổ bộ lên Đông Dương, và người Pháp ở Đông Dương cũng đương tổ chức kháng chiến để tiếp ứng quân Đồng minh. Nhật thấy tình thế nguy kịch rồi, phải lật Decoux, đánh Pháp để nắm hết quyền ở Đông Dương mà chống cự với Đồng Minh, do đó có cuộc đảo chính chớp nhoáng đêm mùng 9 tháng 3 năm 1945.

NHẬT LẬT ĐỔ PHÁP ĐÊM 9-3-1945

Ở Sài Gòn, biến cố xảy ra thật đột ngột, chính người Pháp cũng không ngờ. Tối hôm đó, đường tôi ở cũng yên tĩnh như mọi ngày; sáng hôm sau dậy, trên đường lại sở, không thấy có gì khác - hoặc giả có mà không quan trọng, lâu quá, tôi quên rồi chăng - tới sở mới biết là Nhật đã đảo chánh. Ai cũng ngạc nhiên, nở nụ cười, nhưng vui tưng bừng thì hình như không. Tại cuộc đảo chánh đó đợi lâu quá rồi, bây giờ đã quá trễ? Tôi đoán được tình hình Nhật đã nguy mà mình sẽ bị họ lôi cuốn vào chiến tranh lúc gần tàn rồi chăng? Ai cũng tự hỏi tương lai sẽ ra sao?

Báo chí cho hay 8 giờ tối hôm 9-3, đại sứ Nhật ở Sài Gòn đưa tối hậu thư cho Decoux buộc Pháp phải đặt lực lượng quân sự Pháp ở Đông Dương dưới sự chỉ huy của họ; Decoux trả lời có ý "hoãn binh", Nhật ra tay liền. Nhờ tổ chức tỉ mỉ từ trước, họ làm chủ tình hình Nam Kì rất mau. Ô Huế, Hà Nội, Pháp chống cự được vài giờ rồi cũng phải đầu hàng. Ở Lạng Sơn, họ chống cự được mấy ngày, sau bị Nhật tàn sát.

Tóm lại, chỉ trong không đầy 24 giờ, phần lớn quân đội Pháp bị loại, các tướng bị bắt làm tù binh. Ở Nam và Trung có một ít quân Pháp trốn được qua Lào, ở Bắc vài ngàn quân Pháp rút được qua Trung Hoa. Thường dân Pháp được yên ổn. Nhật muốn gây xáo trộn càng ít càng tốt, vì họ đương gặp nhiều khó khăn ở Thái Bình Dương, nên cho phép các nhà chuyên môn Pháp được tiếp tục làm việc, nhưng công chức Việt không muốn. Cả sở Thủy lợi của chúng tôi không còn người Pháp nào; một viên kĩ sư Nhật tạm nói được tiếng Pháp tới điều khiển sở, nhưng công việc ở trong tay chúng tôi hết, ông ta chỉ biết kí tên. Vả lại công việc cũng chẳng có gì.

Một vài kĩ sư Pháp mon men tới sớ, bị đánh. Tôi thấy trong cả khu công chánh gồm nhiều sở ở đường Pellerin[108], nơi tôi làm việc, chỉ có hai trường hợp hành hung công chức Pháp. Một kĩ sư có tiếng là gắt gao bị một nhân viên – hình như theo đạo Cao Đài - quất bằng gân bò, té, gãy xương sườn; và viên kĩ sư coi cả miền Nam từ phòng giấy xuống cầu thang, bị khoảng hai chục nhân viên chặn ở chân cầu thang; vài người nhảy tới thoi vào đầu, vào ngực; hắn can đảm, giữ được bình tĩnh, không chống đỡ, lách ra cửa, và anh em chúng tôi thấy vậy không nỡ đánh nữa. Nếu hắn chống cự lại, chắc bị đòn nặng hơn nhiều.

Còn ở ngoài đường thì tôi chỉ thấy mỗi một người Pháp già bị một thanh niên đánh, té nhào xuống đường. Tôi hơi thương hại.

Sau tôi nghe nói một số người Pháp ở miền Tây trốn vào bưng, không bị dân chúng đánh đập, giam giữ, tố cáo; có người còn giúp đỡ lương thực cho họ nữa. Ở

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net