CHƯƠNG XXVICÁCH TÔI LÀM VIỆCGIỜ LÀM VIỆC MỖI NGÀY

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi làm việc đều đều mỗi ngày, có giờ nhất định như một công chức, chỉ khác công chức là không có ngày nghỉ nhất định, không có chủ nhật, không có cả ngày lễ, ngày tết. Buồn thì ngày Nguyên đán âm lịch tôi cũng viết. Lúc nào tôi muốn nghỉ hoặc cần phải nghỉ thì nghỉ, thường thường, mỗi khi viết xong một cuốn vài trăm trang tôi nghỉ độ nửa tháng, và cứ vài tháng tôi lại về Long Xuyên nửa tháng, nói là để tĩnh dưỡng nhưng chỉ là để đổi không khí vì vẫn mang theo tài liệu để viết tiếp.

Mệt nhất là công việc khảo cứu về văn học, triết học Trung Hoa, còn việc dịch các tiểu thuyết hay của phương Tây như Chiến tranh và Hoà bình của Léon Tolstoi, Kiếp người của Somerset Maugham thì không mệt mấy, tôi thấy thú, coi như một việc để tiêu khiển. Hồi dịch cuốn Kiếp người tôi đem bản tiếng Anh về Long Xuyên để hẳn ở dưới đó, mỗi lần về tôi lấy ra dịch ba bốn chục trang.

Tôi tự đặt cho tôi một kỉ luật, trừ khi đau ốm, còn thì ngày nào cũng dậy từ sáu giờ hay sáu giờ rưỡi, điểm tâm lúc bảy giờ, rồi nằm đọc sách, chín giờ là lại ngồi vào bàn viết để viết luôn tới mười hai giờ, giờ bữa trưa.

Ăn cơm trưa xong, tôi nằm nghỉ khoảng một giờ, nhắm mắt lại, chợp được độ nửa giờ là nhiều; một giờ rưỡi thức dậy nằm ở giường đọc sách đến ba giờ.

Chiều lại viết từ ba giờ đến năm giờ rưỡi, sáu giờ, tắm xong ăn bữa tối lúc bảy giờ. Cả buổi tối tới mười giờ, tôi chỉ nằm đọc sách, báo. Hồi chưa lên Sài Gòn, tôi còn dạy học ở Long Xuyên, tôi có thể viết cả buổi tối; nhưng sau khi bị loét bao tử và lao phổi, tôi mất ngủ, thường phải uống thuốc an thần thứ nhẹ, nên buổi tối tôi không viết, cũng không đọc những sách cần suy nghĩ nhiều, không tiếp khách mà cũng không đi xem hát, cho rằng không gì quí bằng giấc ngủ. Tôi ngủ mỗi đêm được độ bảy giờ, thẳng một giấc. Bây giờ (1980), mỗi đêm chỉ ngủ được năm giờ và phải thức giấc một lần.

Như vậy mỗi ngày tôi viết nhiều nhất khoảng năm sáu giờ, đọc sách báo, cũng năm sáu giờ, rốt cuộc chỉ làm việc được mười giờ, nhưng còn phải trừ mỗi ngày độ một giờ vào công việc xuất bản (sửa ấn cảo, giao thiệp với nhà in, nhà sách, viết thư cho bạn và độc giả...). Mỗi năm viết cả sách lẫn báo, trung bình được ngàn trang trở lại, mỗi ngày trung bình ba trang.

Nhiều bạn hỏi tôi làm sao có thể viết trong khoảng ba chục năm được 120 nhan đề (100 xuất bản, 20 còn là bản thảo). Tôi đáp: "120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang; chia ba chục năm, mỗi năm chỉ khoảng 900 trang, mỗi ngày trung bình chỉ được 3 trang mà!".

Tôi rán ngày nào cũng viết được ít nhất là một trang, nếu không thì tôi có cảm giác như ở không.

Tuy nói là mỗi ngày làm việc vào khoảng 10 giờ, nhưng sự thực thì trí óc không lúc nào thảnh thơi. Gần như tuần nào cũng phải làm việc cả 7 ngày, mỗi ngày 12 giờ; vì khi đã có một đề tài để viết – mà tôi bao giờ cũng có vài ba đề tài trong đầu – thì cái tiềm thức luôn luôn làm việc, cả trong bữa ăn, giấc ngủ, cả trong lúc đi chơi, tiếp khách hay đọc sách báo để tiêu khiển. Những lúc đó tôi đâu có ý kiếm tài liệu để viết, nhưng gặp một câu, một lời hay thấy một việc gì, một cảnh nào có liên quan xa gần đến đề tài thì tự nhiên tiềm thức của tôi hoạt động mà tôi không hay và bắt tôi suy nghĩ tới, ghi lấy, biết bao đêm thức giấc, sực nảy ra một ý gì, tôi phải vén mùng, sờ soạng mặt tủ nhỏ ở đầu giường lấy cây bút chì – và một cuốn sách đương đọc; rồi – không bật đèn, sợ làm mất giấc ngủ của vợ con – viết nguệch ngoạc ít chữ bất kì trang nào, thường là trang đầu hay trang cuối, có khi là trang bìa, để ghi lại ý đó kẻo quên mất; sau cùng gấp trang đó lại để đánh dấu, sáng dậy sẽ chép lại.

KIẾM TÀI LIỆU – ĐỌC SÁCH BÁO

Làm nhà biên khảo thì việc đầu tiên là phải kiếm tài liệu. Viết về nhiều môn như tôi thì cần phải đọc nhiều sách, báo. Tôi vốn có óc tò mò, cho nên loại sách nào tôi cũng muốn đọc cho biết, chỉ trừ loại "chưởng" của Kim Dung. Một bạn trẻ tặng tôi bộ Cô gái đồ long, mong rằng tôi sẽ nhờ bộ đó mà thần kinh dịu xuống, bớt đau bao tử; tôi rán đọc năm, sáu chục trang, rồi phải bỏ, không thể thích nổi.

Tôi rất ngại đến thư viện để đọc sách, kiếm tài liệu, vả lại thư viện rất ít tài liệu mới; cho nên hầu hết các sách tôi dùng để biên khảo, tôi đều phải mua ở ngoại quốc.

Tôi gởi một số tiền dự trữ (provision) độ 200 quan mới cho nhà Rayonnement du livre français ở Paris. Họ gởi đều đều cho tôi tập Livres du mois, thư mục gần đầy đủ các sách Pháp xuất bản mỗi tháng, sắp thành từng loại: ngôn ngữ học, sử học, xã hội học, chính trị, kinh tế, tiểu thuyết, thơ, kịch v.v..., thấy cuốn nào muốn đọc, tôi bảo họ gởi cho; họ sẵn sàng kiếm cả những sách cũ và những sách ngoại quốc cho tôi nữa. Mỗi năm họ gởi cho tôi khoảng năm sáu chục cuốn.

Ngoài ra tôi mượn sách, nhất là báo định kì của Pháp: Esprit, Express, Paris Mach, Historia, Science et Vie... của vài bạn văn, nhất là của toà soạn tạp chí Bách Khoa.

Sách Trung Hoa thì tôi hỏi thẳng một tiệm sách ở Hương Cảng hoặc nhờ ông Tạ Trọng Hiệp kiếm giùm.

Lựa sách ngoại quốc theo cách dò trong thư mục, chỉ thấy tên sách, tên tác giả, chứ không biết nội dung thì có một số dùng không được; cho nên tôi phải nhờ nhà Rayonnement du livre français giới thiệu cho.

Riêng sách về cổ học Trung Hoa, tôi yêu cầu tiệm sách Hương Cảng tìm cho những bản tốt nhất, chú giải kĩ nhất của một học giả có tiếng và do một nhà xuất bản có tiếng in ra, dùng những bản đó dù giá tiền đắt gấp hai, gấp ba vẫn có lợi hơn là dùng những bản tầm thường, không tin được, chỉ làm mất thì giờ của mình.

Khi đã có một chủ đích, định tìm hiểu hoặc viết về vấn đề nào tôi bắt đầu gom hết các tài liệu (sách, báo) mà tôi có thể kiếm được về vấn đề đó, có khi liên tiếp trong nhiều năm. Như về Kinh dịch, tôi gom từ năm 1960 đến 1975, được khoảng 15 – 16 cuốn của Trung Hoa, Việt, Pháp, Anh, Đức (dịch ra tiếng Pháp). Mỗi cuốn, khi mới tới, tôi đọc qua một lượt, xem giá trị ra sao, giúp tôi được gì, đánh dấu những chương quan trọng, rồi để riêng vào một chỗ; năm 1978 – 1979, khi định viết, tôi mới đọc kĩ lại một lượt, so sánh các thuyết, các bản dịch... để định cái hướng nghiên cứu, cách làm việc.

Một cuốn mỏng, gồm toàn những "chuyện sống" (histoires vécues, tức những chuyện thực xảy ra) ghi một tình cảm đẹp, gợi một ý cao thượng, mà tôi đã để ra non hai chục năm để gom góp lần lần trong các sách, báo Pháp. Trong việc đó không tốn thì giờ gì cả; thấy truyện nào đáng lựa, tôi đánh dấu, rồi sắp vào một chỗ riêng, khi đã được vài ba chục truyện, thành một cuốn dày vài trăm trang, tôi đem ra dịch một hai tháng là xong.

Trước năm 1963, tôi không bao giờ có ý viết về kinh tế, và cho môn kinh tế học dạy trong các trường luật là không sát thực tế, chỉ gây thêm hoang mang cho tôi thôi; nhất là những thuyết về tiền tệ, giá cả, về thặng dư giá trị không làm cho tôi tin được.

Chẳng hạn, người ta bảo rằng thặng dư giá trị của một sản phẩm do sức lao động của thợ thuyền cả, phải chia hết cho họ, tư sản không có công gì trong đó, mà ngay những người quản lí xí nghiệp cũng không có công vì họ không sản xuất; nếu không chia hết cho thợ thuyền thì là bóc lột họ.

Nhưng cùng một xí nghiệp mà người này quản lí thì lỗ, người khác quản lí lại lời thì giải thích ra sao? Ai tạo nên thặng dư giá trị?

Lại như trường hợp sáu nhân viên điều khiển một nhà máy lọc dầu tối tân, vốn cả trăm triệu đô la. Thặng dư giá trị rất lớn thì số thặng dư đó phải chia hết cho sáu nhân viên đó ư? Chỉ họ mới có công ư? Hay còn là công của các nhà khoa học đã tìm ra cách lọc dầu, các kĩ thuật gia đã cải thiện phương pháp lọc dầu, các kĩ sư đã chế tạo ra máy lọc dầu, tổ chức công việc trong xưởng, của người bỏ vốn ra mua máy móc, của nhân viên coi về quảng cáo, thương mãi, tìm thị trường v.v...

Rồi một hôm (năm 1962-63) ngẫu nhiên tôi đọc một cuốn rất mỏng (trong loại Que sais-je?) của Jean Fourastié, cuốn La civilisation de 1975[166], tôi bắt đầu để ý tới ông, tìm thêm những tác phẩm khác của ông để đọc, càng đọc càng ham, tới những cuốn Le grande espoir du 20è siècle, Machinisme et bien être, Pourqoi nous travaillons, thì những thành kiến trước kia về môn kinh tế tiêu tan hết. Từ đó gặp cuốn nào của Fourastié tôi cũng mua, rồi lại tìm đọc thêm mươi cuốn của mấy nhà khác về kinh tế, xã hội, nhất là về vấn đề kém phát triển trên thế giới, do đó tôi nảy ra ý viết cuốn Một niềm tin, Thế giới trong tương lai, Việt Nam trong hiện tại. Cuốn đó do ngẫu nhiên mà viết, chứ hoàn toàn không có trong chương trình hoạt động của tôi.

Sự ngẫu nhiên đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp một nhà văn, tôi sẽ trở lại điểm đó trong một chương sau.

Có lần một độc giả trẻ tuổi hỏi tôi nghĩ sao về lời Erskine Caldwell trả lời một nhà báo như sau: "Có những người đọc, có những người viết, có những người vừa đọc vừa viết. Tôi chỉ viết cho những người khác đọc thôi, chứ không đọc sách của ai cả".

Tôi đáp :

- Tiểu thuyết gia của Mĩ đó là một anh chàng ngông. Ông ta có một bút pháp khá độc đáo, nhưng tôi biết những người có tài hơn ông nhiều, viết nhiều gấp mấy ông mà đọc sách rất nhiều, như Tolstoi, Proust, Anatole France.

Viết văn thì phải theo dõi văn trào và thời sự trong nước, trên thế giới; cho nên dù bận việc tôi cũng rán đọc một số nhật báo, tạp chí và những tác phẩm Việt quan trọng xuất bản trong năm, để kịp thời góp ý kiến với đồng bào về những việc xảy ra, và để cuối năm tổng kết tình hình xuất bản. Những báo, tạp chí, sách đó, một số do tôi mua, một số do bạn văn tặng, một số mượn của toà soạn Bách Khoa.

Vì vậy mà thi sĩ Quách Tấn bảo nội việc tôi đọc sách cũng đã khó có người bì kịp, chứ đừng nói đến chuyện đọc rồi còn viết.

Nhưng tôi tự xét, so với một số nhà văn Pháp thì số sách tôi đọc kém họ xa. Họ có những tủ sách năm ngàn, mười ngàn cuốn, tủ sách của tôi chưa được ba ngàn cuốn. Ngay ở Sài Gòn cũng có vài học giả có một tủ sách phong phú hơn tôi nhiều.

Đọc sách thì bao giờ tôi cũng có một cây bút chì và một cục gôm bên cạnh. Trong nhà có hai chỗ tôi thường nằm để đọc sách, tại hai chỗ đó bao giờ tôi cũng để sẵn hai vật đó. Hễ thấy có đoạn nào đáng đọc lại, có ý gì đáng ghi thì tôi làm dấu bằng bút chì ngay ở ngoài liền; rồi ghi số trang, tóm tắt đại ý ở trang đầu bỏ trắng của sách[167].

LẬP BỐ CỤC

Sau khi đọc và ghi tất cả tài liệu kiếm được về một vấn đề, tôi bỏ ra một thời gian để suy nghĩ về vấn đề đó – thời gian này có thể là một tuần hay nửa tháng – rồi mới lập một bố cục sơ sài cho tác phẩm định viết. Tôi chia làm mấy phần, mấy chương, tạm đặt nhan đề cho mỗi phần, mỗi chương. Tôi nói tạm vì sau khi viết xong cả tác phẩm, tôi mới đặt lại nhan đề cho sát với nội dung.

Rồi tôi bắt đầu từ chương I. Tôi ghi lại vắn tắt trên những tờ giấy rời tất cả những ý và tài liệu tôi định đặt vào chương đó. Thường phải vài trang giấy lớn mới ghi được đủ.

Ghi đủ rồi, tôi đánh dấu ý nào, tài liệu nào cho vào đoạn đầu, đoạn hai, đoạn ba v.v... Đó là công việc chia thành đoạn.

Trong mỗi đoạn, tôi sắp lại ý nào trước, ý nào sau; tôi rất coi trọng công việc này vì tôi muốn các ý nối tiếp nhau một cách tự nhiên.

Công việc lập bố cục cho từng chương đó, luôn luôn tôi phải làm hai hay ba lần.

Hồi mới viết, từ khoảng 1955 trở về trước, tôi lập bố cục cho từng chương, lập xong chỉ theo bố cục mà viết, rất ít khi phải sửa đổi, thêm bớt. Về sau tôi thấy không cần phải chặt chẽ quá như vậy: chỉ có một bố cục đại khái thôi, rồi trong khi viết, có thể ý nọ gợi ý kia, nảy ra ý mới, hoặc thấy nên đảo một vài ý trong bố cục, nhất là có thể bỏ một ý nào đó đi, thêm vào một ý khác; tóm lại là có thể xáo trộn bố cục ít nhiều, như vậy có lợi là ý đột ngột hơn, văn tươi tắn hơn, viết thú hơn, chứ không có hại gì cả; và tôi giữ lối viết đó cho tới ngày nay.

VIẾT

Khi đã bắt đầu viết, tôi không thể nhởn nha được, ít nhất phải viết cho hết chương, chứ không bao giờ bỏ dở để làm một công việc khác. Nếu có công việc khác gấp thì tôi cũng phải diễn tất cả các ý trong chương, dù là vội vàng, rồi sau sẽ sửa lại.

Thường thường một cuốn độ hai trăm trang mà dễ viết – loại Học làm người chẳng hạn – thì tôi viết một hai tháng là xong; rồi tôi nghỉ một tuần hay nửa tháng trước khi bắt tay qua cuốn sau. Thời gian nghỉ đó là thời gian tôi tha hồ đọc sách báo vừa để tiêu khiển, vừa để kiếm tài liệu.

Gặp những cuốn khó viết, loại văn học, triết học Trung Quốc, phải chín mười tháng, một năm mới xong, tôi chia làm từng chặng, từng đợt hai ba tháng một.

Văn Chiến Quốc sách rất cổ, rất khó hiểu mà tôi lại không kiếm ra được một bản chú giải nào vừa ý, nên phải so sánh ba bốn bản, dùng cả bản bạch thoại, lại phải tra hai bộ từ điển Trung Hoa, có khi mất cả một ngày mới dịch được một trang. Trong khi dịch bộ đó, tôi đau bao tử liên miên, phải vừa xoa bụng vừa viết, đau quá thì nằm nghỉ một chút rồi ngồi lên viết tiếp.[168] Bộ đó tôi phải dựa vào ba chặng, nghỉ nửa tháng.

Cuốn Văn học Trung Quốc hiện đại cũng tốn sức tôi rất nhiều, năm 1953, tôi đã viết bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc để tìm hiểu tự học; in bộ đó rồi, tôi tự hẹn sẽ tìm hiểu kĩ hơn về Văn học hiện đại của Trung Quốc để bổ túc, và từ khoảng 1960, tôi nhờ vài người bạn thân kiếm cho một số sách báo ngoại quốc viết về văn học Trung Quốc từ cuối Thanh đến nay, nhưng chỉ có mỗi một ông bạn, ông Tạ Trọng Hiệp ở Paris kiếm cho được cuốn History of Modern Chinese fiction của C.T Hsia. Rốt cuộc trong năm sáu năm, tôi chỉ thu thập được sáu, bảy cuốn, một số của cộng sản, một số của Mĩ và Pháp, tuyệt nhiên không có cuốn nào của vùng Quốc gia Đài Loan cả. Thành thử tài liệu về thơ và kịch hiện đại, tôi gần như không có gì, nên không thể giới thiệu hai loại đó cũng tương đối kĩ như giới thiệu loại tiểu thuyết được. Khuyết điểm đó rất nặng; nhưng tôi cũng miễn cưỡng soạn cho xong. Miễn cưỡng chứ không phải cẩu thả; trái lại là khác, mỗi chương, nhất là trong cuốn II, tôi tốn nhiều công, viết xong thấy rất mệt, có cảm giác như leo một ngọn núi. Và trước sau tôi cũng phải nghỉ hai ba lần sau mỗi chặng đường. Độc giả làm sao biết được nỗi khó khăn đó của tôi.

Viết xong cuốn nào tôi sửa lại liền. Khi sắp in, có thể là năm sáu tháng sau hoặc mười năm sau tôi mới sửa lại một lần nữa.

Nhiều nhà văn phải đợi có hứng rồi mới viết được. Họ gợi hứng bằng nhiều cách: uống cà phê, trà đậm, hút thuốc hết điếu này đến điếu khác; có người nghe một bản nhạc hoặc đọc vài trang trong một cuốn mà họ thích, rồi mới bắt đầu viết. André Maurois có hồi đọc Tolstoi, Tourguéniev để lấy hứng.

Tôi thì dù không có hứng cũng cứ đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa vài trang, nửa trang rồi hứng tự nhiên tới.

Khi đã mải mê viết thì tôi không để ý tới những tiếng động ở chung quanh, quên hết mọi sự; tuy nhiên tôi vẫn thích làm việc ở một chỗ tĩnh mịch, và luôn một hơi hai ba giờ liền mà không bị quấy rầy.

BÚT PHÁP CỦA TÔI: TỰ NHIÊN THÀNH THỰC

Có một số rất ít nhà văn tự tạo cho mình một bút pháp (style) đặc biệt không giống một nhà văn nào khác, ở Pháp ta có thể kể La Bruyère (thế kỷ XVII), văn cô động, linh động, dùng những câu rất ngắn, gần như châm ngôn; Marcel Proust trái lại, dùng những câu rất dài xen nhiều mệnh đề phụ để phân tích tỉ mỉ tâm lí con người, mô tả mọi nét đặc biệt của một cảnh vật. Ở nước ta, khoảng năm 1930, có Hoàng Tích Chu, tạo một lối văn viết báo gồm những câu cụt ngủn, trái với lối viết nặng nề của Phạm Quỳnh. Gần đây có Hư Chu và Mai Thảo.

Hư Chu chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa, thường dùng chữ cổ, những câu ngắn, có những vế nhỏ đối nhau, và rất chú trọng đến nhạc, đọc lên ta thấy cứ một vế, hoặc một câu bổng thì lại tới một vế, một câu trầm, giọng văn cứ đều đều lên xuống. Ví dụ: "Nguỵ lại nghèo lắm. Cơm không đủ hai bữa, áo chỉ độc một manh. Nhà cửa thì vách đất giường tre; cả gia sản duy chỉ có một bụng chữ thánh hiền là đặng giá. Người vợ Nguỵ vì không chịu được nỗi cơ hàn đã phải bỏ chồng mà đi mất. Những là chê chồng chẳng đẹp tốt bằng người, huống chi còn lấy sự hỏng thi của Nguỵ làm điều xấu hổ. Nhưng chàng cũng không buồn. Đêm ngày vẫn khổ công học tập, sinh nhai về nghề vẽ tranh, viết trướng kiếm ăn". (Nam Hải truyền kỳ, tr. 161).

Mai Thảo đặc biệt hơn, bỏ cả ngữ pháp để có một lối viết mà người ta cho là "làm duyên, làm dáng":

"Chỉ một câu hò mái đẩy ai oán đã dư thừa làm hứng cho Phạm Duy nhạc và Lưu Trọng Lư thơ" (Căn nhà vùng nước mặn, tr. 127).

Nhạc và thơ ở đây dùng làm động từ.

"Yêu chùa Hương /cách một con suối, /ngăn một triền núi/ cao một mênh mông, / thấp một thăm thẳm/". (Căn nhà vùng nước mặn, tr. 141).

Hai tiếng một sau dùng rất cầu kì, không có nghĩa gì cả, chỉ để thành hai vế, mỗi vế 4 tiếng như hai vế trên.

Một số nhà văn khác chịu ảnh hưởng rất đậm của một bực thầy, và theo đúng bút pháp của thầy, như nữ sĩ Mộng Tuyết với thi sĩ Đông Hồ; nữ sĩ Nguyễn Thị Vịnh với tiểu thuyết gia Nhất Linh. Hạng này nhiều hơn hạng trên.

Nhiều nhất là hạng thứ ba: có một bút pháp tự nhiên. Tôi thuộc vào hạng này. Tôi nhận thấy trong số các bạn văn của tôi người nào to lớn bệ vệ thì văn cũng nặng nề; người nào nhanh nhẹn, nóng nảy thì văn cũng nhẹ nhàng, sắc bén; người nào hóm hỉnh thì văn tươi, người nào kiểu cách thì văn bóng bảy mà đa xảo... Tóm lại, cá tính ra sao thì bút pháp như vậy.[169] Cá tính nào cũng có điểm dễ thương, không bao giờ hoàn toàn xấu thì bút pháp cũng có thể có ưu điểm, miễn là thành thực.

Trong bài Bút pháp và cá tính (Giữ thơm quê mẹ - số 7, năm 1965, sau in vô cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa –Tao Đàn – 1967), tôi đã viết: "Chính cá tính quyết định bút pháp. Mà cá tính thì do bẩm sinh và tuỳ thể chất một phần lớn, một phần nữa thì chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, của sự tôi luyện. Cho nên tôi có thể nói rằng bút pháp của ta đã định trước từ khi ta chưa tập viết, chưa biết viết: nó là vóc người, là dáng đi, là nhịp điệu của hơi thở, là sự tuần hoàn trong huyết quản, là sự tác động của các hạch nội tiết. Tất nhiên càng sống thì tư tưởng có thể càng tiến, kỹ thuật có thể càng già, nhân sinh quan có thể thay đổi, nhưng giọng văn, lối viết thì không thay đổi mấy, vẫn nhận ra được. Thơ của Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương chẳng hạn, ngày nay vẫn giữ được những nét riêng của mỗi nhà thơ từ thời trước; mà những nét riêng trong thơ ấy chính là những nét riêng trong tính tình, thể chất của mỗi nhà...[170].

Đứng về phương diện khoa học, không có cá tính nào là xấu, mà đứng về phương diện nghệ thuật cũng không có bút pháp nào là bản nhiên dở. Uỷ mị có cái đẹp của nó, hùng hồn có cái hay của nó; đẽo gọt là một nghệ thuật mà tự nhiên cũng là một nghệ thuật; (...) tất cả vấn đề là diễn được đúng những cái mà chúng ta muốn diễn và gây được trong lòng độc giả những cảm xúc như chính ta cảm xúc.

Hiểu được như vậy rồi thì (...) ta sẽ can đảm nhận cá tính của ta, dùng bút pháp nó đã lựa, định cho ta, (...) đừng ngại sẽ không bằng nhà này hay nhà khác (...), cần thiết là phải dám là ta, phải thành thực với ta đã. Có thành thực mới cảm được người. Có thành thực mới đáng cầm cây viết (...)".

Thành thực có hai nghĩa.

Nghĩa thứ nhất: không cảm xúc thì đừng viết. Những bài văn mà tôi đắc ý và được bạn văn cùng độc giả thích, hầu hết là những bài tôi rất thành thật với tôi, nghĩ sao viết vậy, cảm xúc ra sao thì viết ra như vậy, như những hồi kí, tạp bút: Làm con nên nhớ, Cháu bà nội, tội bà ngoại, Con đường hoà bình, Hoa đào năm trước (Lá Bối in trong loại Bông hồng cài áo), Cụ Phan và lòng dân (Trình bày – 1967), Ý nghĩa cái chết của giáo sư Trần Vinh Anh. (Bách Khoa – số 254, ngày 1.8.67)...

Nghĩa thứ nhì là khi viết, phải quên hết danh sĩ cổ kim, quên hết mọi kĩ thuật làm văn, mà chỉ theo cá tính của mình thôi. Phải như anh em họ Viên trong phái Công An đời Minh, "để cho miệng và tay tự nhiên", hơn nữa phải như Hoàng Sơn Cốc đời Bắc Tống, "để cho chương cú ngẫu nhiên thành như đường do sâu đục trong khúc cây" thì văn mới thực là cảm mạnh và thú vị; đôi khi còn nên, như Jules Renard đã khuyên, cứ phóng bút mà viết, đừng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net