Lo Lắng- Thảnh Thơi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lo Lắng
Muốn nắm bắt được sự sống, ta phải luyện cho mình có khả năng đặt nỗi lo lắng trong một khuôn khổ thích hợp.
Ngày sau sẽ ra sao?
Do bản năng sinh tồn mà hầu hết các loài động vật đều có khả năng suy đoán những tình huống có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống hay cả tính mạng của mình. Như loài thiên nga phải lo tranh thủ cùng bầy di cư về miền Nam trước khi mùa đông đến. Nếu vô tình bị bỏ lại thì nó không thể nào một mình vượt nổi đoạn đường hàng nghìn dặm để về miền ấm áp, và có thể chết vì không thể tìm thấy thức ăn dưới những lớp tuyết dày. Loài tắc kè hoa cũng khẩn trương chuyển đổi màu da cho kịp thích hợp với màu vỏ cây hay màu lá khi thời tiết giao mùa. Tuy nhiên, lúc nào chúng cũng nơm nớp lo sợ những loài chim có cặp mắt tinh anh phát hiện ra sự ngụy trang của chúng. Vì thế, khả năng quan sát của tắc kè hoa cực kỳ nhạy bén, sự di chuyển cũng hết sức nhẹ nhàng và cẩn trọng.
Loài người cũng vậy. Tổ tiên ta từ thuở xa xưa cũng vì lo nghĩ đến tương lai mà học cách quan sát thời tiết, chinh phục thú dữ, cất giữ hạt giống kỹ càng để chuẩn bị tốt cho mùa vụ sau. Cứ thế, sự lo lắng ăn sâu vào huyết mạch con người. Ngày hôm nay ta cũng không khỏi tiếp nối và phát huy thứ vũ khí sinh tồn lợi hại ấy. Xã hội dù văn minh tới đâu cũng không thể nào dự phòng hết những khó khăn hay hiểm họa bất ngờ. Cho nên ai biết chuẩn bị từ xa một cách chu đáo thì được xem là mẫu người khôn ngoan, chín chắn. Thương gia thì luôn lo sợ mất khách hàng, thị trường biến động, làm ăn lỗ lã. Công nhân thì cứ mong muốn được tăng lương, hay lo sợ bị đuổi việc. Học sinh luôn quan tâm đến các kỳ thi, sợ không trúng tuyển vào những ngôi trường danh tiếng. Người bán hàng rong rầu rĩ khi thấy trời đổ mưa. Gã ăn mày cũng lo âu khi chiều tàn mà chiếc lon vẫn trống rỗng.
Tuy nhiên, không phải bất cứ sự lo lắng nào cũng thuộc về bản năng sinh tồn. Có những mục tiêu chỉ nhằm thăng hoa sự hưởng thụ, không đạt được nó thì ta vẫn bình yên và sống tốt. Nhưng nhận thức

của con người khá kỳ lạ, cứ nghĩ rằng càng có nhiều điều kiện tiện nghi từ vật chất hay tinh thần (danh dự) thì sẽ càng an toàn và hạnh phúc nên cả đời không ngừng tích góp. Nhưng càng ra sức tích góp thì ta càng lo lắng. Dù cho đã đạt được nguyện vọng rồi ta vẫn cứ lo lắng. Ta sợ thành quả đang có sẽ bị hư hoại, hay thấy mình vẫn còn thua sút kẻ khác. Tệ hơn nữa, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi là ta bỗng thấy những gì đạt được không còn hấp dẫn. Nên ta lại vắt kiệt sức ra để tìm kiếm thêm, rồi lại lo lắng. Nỗi lo lắng của con người vì thế mà nhiều khôn xiết. Có lẽ, đến khi nhắm mắt lìa đời thì họa chăng mới chấm dứt được. Tất cả nỗi lo ấy đều phát sinh từ nhận thức sai lầm và từ nội lực yếu kém của ta. Đó cũng là một bệnh trạng tâm lý cần phải chữa trị sớm.
Bắt đầu từ sự lo lắng về một vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm trong một thời gian ấn định. Nhưng vì chưa có giải pháp nên não bộ cứ liên tục nhắc nhở vấn đề khiến ta phải nhớ. Rồi lại lo lắng vì chưa tìm được giải pháp. Rồi lại nhớ vấn đề. Rồi lại nôn nóng giải quyết nhưng chưa được. Rồi lại lo lắng Mỗi vòng lặp lại như vậy sẽ làm
cho mức độ cảm xúc xấu tăng dần, nếu bị dồn nén liên tục thì cảm xúc sẽ bị nghẽn mạch. Trường hợp đó là vấn đề quan trọng thì chắc chắn sự thôi thúc của ý chí sẽ càng lớn, cường độ sẽ càng mạnh và khả năng bùng vỡ cảm xúc sẽ càng dễ xảy ra. Lẽ dĩ nhiên, vấn đề quan trọng mà không được giải quyết thì ta phải chịu tổn thất nặng nề. Nhưng sự tổn thất ấy sẽ không làm cho ta phải đau đầu hay khổ sở, nếu ta có khả năng chấp nhận nó như một sự thật ngoài ý muốn - điều vẫn thường xảy ra trong cuộc sống vốn không ngừng biến động này.
Ít khi ta làm được như thế. Trong thực tế, chuỗi phản ứng tâm lý sợ hãi, lo lắng và căng thẳng cứ không ngừng xảy ra để bảo vệ quyền lợi mà ta đang có. Chuỗi tâm lý ấy là những cảm xúc rất tai hại. Một khi tâm lý bế tắc liên tục, sẽ khiến cho cảm xúc xấu dồn nén cao độ. Đây là cơ hội thuận lợi cho các nội tiết tố độc hại như epinephrine tiết xuất ồ ạt trong não bộ, khiến các hoạt động trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn. Y học đã xác nhận sự rối loạn đó tác động mạnh mẽ đến sự hình thành bệnh tim mạch, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, giảm trí nhớ, trợ lực cho các tế bào ung thư phát triển. Ngoài ra nó còn khiến ta trở nên mệt mỏi, chán nản, khó tính và làm việc mất năng suất.
Tưởng tượng là tác nhân quan trọng tạo nên sự lo lắng đến mức

căng thẳng và khủng hoảng. Nhưng trước khi trí tưởng tượng phóng đại lên những hình ảnh hoàn toàn không có thật thì nó thường bị kích động bởi tâm sợ hãi. Tâm sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu niềm tin vào kiến thức và kinh nghiệm đối ứng của mình trong việc giải quyết vấn đề, thiếu bản lĩnh để chấp nhận mọi tình huống xảy ra mà không sợ mình mất giá trị hay tổn thương.
Các nhà tâm lý học cho rằng cơ chế tâm lý của phái nữ nhạy cảm về những điều sắp xảy ra hơn phái nam, vì khả năng tưởng tượng của phái nữ cực kỳ phong phú. Nhưng ngược lại, khả năng ứng phó và chịu đựng cảm xúc xấu của phái nữ lại kém hơn phái nam nên khối lượng lo lắng của họ luôn khổng lồ. Nhiều thống kê cho thấy, hầu hết phái nam khi lạc đường khoảng nửa giờ hay một giờ sau mới chịu lên tiếng hỏi đường, còn phái nữ thì chỉ sau năm phút. Tất nhiên, trong số phái nam đó cũng có vài người vì sĩ diện nên không muốn lên tiếng. Nhưng cũng chính vì thế mà họ chịu khó vận dụng hết khả năng tiềm tàng và cố gắng đương đầu với những rủi ro bất trắc. Quả thật, sự lo lắng của phái nữ dường như không bao giờ ngừng nghỉ, ngay cả khi mọi thứ đã giải quyết đâu vào đấy. Có lẽ do phái nữ thường quá quan trọng đến nhiều chi tiết xung quanh, mà hầu hết những lo lắng ấy đều dư thừa. Điều đó lý giải vì sao phái nữ thường khổ tâm hơn phái nam.

Phút hiện tại nhiệm mầu
Người xưa có nói: "Không lo xa ắt có buồn gần". Đó là lời nhắc nhở ta đừng sống phóng túng, dễ dãi, không ý thức hậu quả của mọi hành vi thì chắc chắn sẽ sớm ân hận hối tiếc, chứ không phải khuyên ta hãy lo lắng càng nhiều là càng tốt. Dĩ nhiên, làm việc gì cũng đều suy tính cẩn thận trước thì ta sẽ dễ dàng đạt kết quả cao. Nhưng thực tế cho thấy không phải bao giờ ta cũng tiên đoán chính xác. Có những lo lắng không cần thiết và sai lệch trầm trọng, nhưng ít khi được ta xem xét lại hay buông bỏ bớt. Dù biết rằng thái độ lo lắng sẽ thúc đẩy ta siêng năng vận động và tập trung năng lực để giải quyết rốt ráo vấn đề, nhưng hậu quả trước mắt của sự lo lắng là khiến ta không thể có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại để tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm xung quanh. Tâm trí ta lúc nào cũng bị chiếm đóng bởi vô số hình ảnh và âm thanh hỗn độn, thì làm sao ta còn đủ tinh thần để ghi nhận và quan sát? Tình trạng đánh mất mình cũng bắt

nguồn từ đó.
Khi ta cầm một cốc nước trên tay và đưa lên cao, trong vài phút đầu ta thấy không có vấn đề gì. Nhưng chừng nửa giờ hay một giờ sau cánh tay ta sẽ tê cứng và đau nhức. Nếu cứ giữ như thế suốt một ngày thì chắc chắn toàn bộ cơ thể ta sẽ tê liệt. Tâm ta cũng vậy. Nếu phải gánh chịu sự lo lắng trong một thời gian dài thì nó sẽ bị tê liệt, không còn mạnh mẽ và sáng suốt để nhận diện hay giải quyết được vấn đề gì cả. Dù vấn đề sắp giải quyết rất quan trọng, nhưng nếu ta cứ mãi hy sinh những nguồn lực quý giá trong tâm hồn để có được sự hưởng thụ xa xỉ, thì ta có thật sự khôn ngoan không?
Muốn nắm bắt được sự sống, ta phải luyện cho mình có khả năng đặt nỗi lo lắng trong một khuôn khổ thích hợp. Nhưng với điều kiện là ta phải có đủ năng lực và tinh thần sáng suốt, để kịp thời quan sát tiến trình lo lắng diễn ra. Đừng để lo lắng đeo bám ta ở bất cứ nơi đâu và hình thành như một hoạt động tự nhiên. Năng lực lo lắng rất độc hại. Nó không chỉ khiến ta luôn nhăn nhó, khô cằn, mau chóng già cỗi, mà còn khiến cho những người xung quanh cảm thấy tê liệt và mệt mỏi. Nên nhớ, lo lắng cũng có tính di truyền. Ta đã lỡ mang trong mình khối lo lắng quá lớn từ thế hệ trước truyền xuống, thì hãy cố gắng chuyển hóa dứt điểm ngay từ bây giờ, để con cháu ta nhẹ nhàng bước tới tương lai.
Một trong những bí quyết giúp ta giảm bớt sự lo lắng là thái độ sẵn sàng chấp nhận kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra. Điều này còn tùy thuộc vào hiểu biết và bản lĩnh của mỗi người. Đối với người từng trải, họ sẽ ưu tiên việc giữ gìn tâm hồn bình thản hơn là hy sinh chúng để có thêm sự hưởng thụ. Bởi sự hưởng thụ nào cũng chỉ có giá trị nhất thời, còn những xáo trộn tâm hồn sẽ chi phối đời sống ta mãi. Thật ra, chỉ tại ta quá lo lắng đó thôi. Còn thiếu gì lý do để ta thấy đời sống của mình có giá trị. Dù ta có phải chuốc lấy sự thất bại, thì đó cũng là bài tập quan trọng để ta kiểm chứng lại thái độ sống bám víu, hay để ta phát huy khả năng chịu đựng của mình. Khi ta đã chấp nhận được mức tổn thất tồi tệ nhất thì ta không còn lý do gì để lo lắng nữa, dù ta vẫn tiếp tục dồn năng lực giải quyết để giảm bớt hậu quả phải gánh chịu. Chính thái độ không quá quan trọng việc thành bại sẽ giúp cho ta có đủ sự bình tĩnh, sáng suốt và tự tin để tìm ra những giải pháp đúng đắn nhất.
Dĩ nhiên không phải lúc nào ta cũng có thể "mặc kệ" mọi vấn đề

xảy ra, vì nó còn tùy vào mỗi vấn đề và cả trình độ của ta ngay lúc ấy. Vậy nên, ta cũng cần thiết lập một nguyên tắc thích hợp để giải quyết nhanh gọn các vấn đề mà không mất quá nhiều năng lượng. Bước một, ta nên viết ra những điều đang lo lắng. Bước hai, ta cần ngồi lại tập trung tư tưởng để suy nghĩ cách giải quyết vấn đề đang lo lắng, tức là tránh tình trạng nghĩ ngợi lung tung ở mọi lúc mọi nơi. Bước ba, ta viết ra cách giải quyết vấn đề một cách chi tiết. Bước bốn, ta dồn hết năng lượng để giải quyết vấn đề đang lo lắng, nếu thấy thật sự cần thiết. Bước năm, ta loại bỏ những điều lo lắng ngoài khả năng hiện tại. Bước sáu, ta dứt khoát không bận lòng suy nghĩ đến những điều lo lắng không giải quyết được. Điều nên lưu ý là trong sáu bước giải quyết vấn đề đều cần có sự thoải mái, bình tĩnh và không tự ép buộc mình phải làm cho bằng được. Phải can đảm dừng lại ngay khi ta thấy mình đang rất căng thẳng và mệt mỏi. Dịp khác tỉnh táo hơn, ta sẽ giải quyết tiếp.
Nuôi dưỡng năng lực chú ý và quan sát thường trực đối với những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta cũng chính là phương pháp rất kỳ diệu giúp ta dừng lại những suy tưởng mông lung và hồi phục năng lực. Bất cứ hoạt động nào trong đời sống thường nhật như nấu ăn, quét dọn, nói chuyện điện thoại, tiếp xúc khách hàng, lên kế hoạch hay quyết định công việc quan trọng cũng đều cần được chú ý và quan sát thật tinh tường. Điều quan trọng nhất là phải thấy rõ những phản ứng của ta đi kèm theo đó. Bước ra ngoài trời đi bộ để tập trung tâm ý vào bước chân và hơi thở cũng là giải pháp cắt cơn lo lắng rất hữu hiệu. Năng lượng thiên nhiên sẽ góp phần làm cho ta tươi tỉnh và yên ổn trở lại.
Nếu quá căng thẳng thì ta hãy nằm xuống thư giãn. Hãy nằm ngửa thoải mái trên sàn nhà hay trên giường, thả lỏng hai tay theo chiều cơ thể, hai bàn chân ngả ra ngoài, hai mắt nhắm lại và nở nụ cười nhẹ nhàng cho các cơ mặt được thư giãn. Tiếp theo đó, ta hãy theo dõi sự phình xẹp của bụng để ý thức hơi thở đang vào ra. Chừng năm phút sau, ta lại đem sự chú tâm đặt vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể bằng sự cảm nhận trực tiếp, chứ không cần phải dựa vào hơi thở nữa. Nếu trong cơ thể có vùng nào đang bị bệnh hay đau nhức, ta hãy hướng sự chú ý vào đó lâu hơn, đồng thời gửi kèm theo đó ý niệm thương yêu. Thực tập vài lần ta sẽ cảm nhận được vùng đau nhức được xoa dịu và chữa trị từ năng lượng của những vùng lành mạnh khác. Trong khi thư giãn có thể ta sẽ chìm sâu vào giấc ngủ. Cơ thể và tâm thần bấy giờ đã mềm mại vì chúng rũ bỏ được những căng thẳng,

lo âu. Nửa giờ thư giãn trong tư thế nằm như thế sẽ giúp ta sớm lấy lại sự tươi mát và an ổn.
Từ lâu sự bận rộn đã khiến ta đánh mất thói quen nghỉ ngơi. Khi thân thể mệt mỏi thì tinh thần cũng không thể nào sáng suốt. Nếu ta cứ mãi vắt kiệt năng lực của thân tâm để phục dịch cho những tham vọng của mình, thì một ngày không xa ta sẽ phải ân hận vì sự suy sụp không thể cứu vãn của chúng. Đừng mải mê lao theo những sự hấp dẫn bên ngoài mà quên mất mục đích chính của đời người là được sống. Sống là để hạnh phúc và thương yêu nhau. Trải qua bao đợt thăng trầm, chắc ta cũng đã thấm thía rằng không có sự mất mát và khổ đau nào lớn hơn sự chia lìa. Tài sản hay danh dự đầy ắp để làm gì khi xung quanh ta không còn một ai để chia sẻ và cảm thông? Chính những nỗi lo toan quá lớn đã tách ta ra khỏi thực tại, khiến ta không còn nhìn thấy giá trị mầu nhiệm của những người thân yêu. Ngày mai sẽ ra sao, làm sao ta biết được. Hãy quay về nắm giữ những điều rất thật đang xảy ra hôm nay. Sống sâu sắc với hôm nay chính là bớt lo lắng cho ngày mai.
Ngày mai sẽ ra sao
Bây giờ ai biết được Phút hiện tại nhiệm mầu Hết lòng với nhau trước.

Thảnh Thơi

Không có con đường nào đưa tới sự thảnh thơi mà bản thân nó không phải là thảnh thơi.
Phương tiện cũng là mục đích
Người Việt Nam nào cũng đều quen thuộc với câu ca dao: "Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu". Chữ "phong lưu" nghĩa là sung sướng, thoải mái, không phải lo toan gì nữa. Do ta thấy mình còn thiếu thốn nhiều thứ, với bấy nhiêu tiện nghi đang sở hữu vẫn chưa đủ để hạnh phúc, vì vậy mà ta luôn cố gắng và nhắc nhở nhau ráng "cày bừa" để tích góp thêm. Bây giờ ráng chịu cực chịu khổ rồi ngày mai sẽ hưởng. Nhưng ngày mai ta sẽ hưởng cái gì? Có kho thóc vàng thì ta sẽ ăn sung mặc sướng thật, nhưng liệu nó có đủ trang trải hết những nhu cầu về hạnh phúc của con người không? Nó có giải quyết được những nỗi cô đơn, buồn tủi, phản bội hay tuyệt vọng không? Đó là chưa nói khi no ấm rồi ta thường dễ sanh tật, đua đòi, hay mơ mộng đến những thứ hạnh phúc xa xôi hơn nữa. Cho nên, "kho thóc vàng" không hẳn sẽ giúp ta được "phong lưu".
Có biết bao kẻ đang đầy ắp tài sản mà chẳng biết "phong lưu" là gì cả. Lúc nào họ cũng bận rộn, căng thẳng và đầy sợ hãi. Đôi khi ta thấy những đứa bé đang thả diều trên đồng, cô thôn nữ hái sen dưới đêm trăng, hay bác nông phu chài lưới trên sông lại có thể tận hưởng từng khoảnh khắc đang trôi qua. Họ mới đích thực là những kẻ "phong lưu". Có lẽ là vì họ luôn chấp nhận những gì mình đang có. Dù vẫn phấn đấu để có cái ăn cái mặc, nhưng họ không bao giờ để cho công việc lấn át sự sống quý giá hiện tại của họ. Thời gian và năng lực của họ chủ yếu là để sống thật sâu sắc, sống hài hòa và yêu thương nhau.
Vì vậy, chỉ khi nào ta có nhu cầu quá lớn về tiện nghi vật chất thì ta mới cho rằng "kho thóc vàng" là mục đích chính của cuộc đời mình. Còn khi ta đã thấm thía nỗi đau của sự mất mát chia lìa thì ta sẽ thấy rằng giây phút đầm ấm bên nhau mới thật sự là lẽ sống. Như hai câu ca dao sau đã khắc họa: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày,

vợ cấy, con trâu đi bừa". Có chồng, có vợ, và cả con trâu như người bạn thân thiết luôn kề vai sát cánh bên nhau trong từng ngày gian khó, như thế đã là điều kiện của hạnh phúc rồi. Với họ, mỗi ngày trôi qua hay mỗi việc làm đều là hạnh phúc, đều là lý do để sống. Họ không coi thường bất cứ điều gì mà họ đang có để đuổi theo những thứ khác, nhất là những thứ mà họ chưa biết chắc. Có thể họ đã tin rằng phương tiện sống cũng là mục đích sống.
Còn ta luôn luôn có nhiều mục đích để đeo đuổi. Khi xem cái kia là mục đích ta lại quay lưng ngay với cái này, hoặc xem nó chỉ đóng vai trò phương tiện tạm thời để phục vụ cho mục đích lớn lao kia. Cũng như khi ta cần đi về một điểm B để làm một việc gì đó thì điểm B trở thành đích tới của ta. Bấy giờ chỉ có B mới là quan trọng. Nhưng nếu ta đang cần được thư giãn, cần tập đi sau một tai nạn giao thông, hoặc chỉ đơn giản muốn được đi như một thực tại sinh động, thì động tác bước đi chính là mục đích của tiến trình di chuyển ấy. Đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới. Không cần tới vì ta đang thưởng thức từng bước chân mầu nhiệm của mình. Ngày mai, có thể ta sẽ không đi được nữa.
Được đi chẳng phải là hạnh phúc lắm sao? Dường như ta chưa bao giờ thấy mình đang đi cả. Ta chưa từng cảm nhận giá trị sâu sắc của một người còn có thể sử dụng được đôi chân khỏe mạnh của mình. Ta vẫn luôn đi trong thái độ hấp tấp vội vàng như bị ma đuổi, như để nắm bắt thứ gì đó cực kỳ quan trọng mà nếu không có nó thì ta không thể sống được. Những gì có thể thực hiện ở điểm B tuy quan trọng, nhưng không vì thế mà ta phải bỏ lỡ quãng đường đi tới B. Quãng đường tới B cũng quan trọng không kém gì B. Vì cả hai đều có thể mang tới giá trị hạnh phúc. Cả hai đều vừa là phương tiện vừa là mục đích.
Thảnh thơi bây giờ hoặc không bao giờ
Người ta vẫn thường nói với nhau: "An cư lạc nghiệp". Tức là cần phải có cơ ngơi ổn định, tiện nghi vật chất kha khá thì mới có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc. Quan niệm này đã gạt gẫm không biết bao nhiêu lớp người rồi mà ta vẫn còn rất mực tin tưởng. Nhìn lại mà xem. Ai ai cũng tranh thủ tích góp với hy vọng đời sống sẽ sung túc hơn, nhưng thật kỳ lạ là càng có đầy đủ vật chất hơn thì người ta

lại càng thấy thiếu thốn hơn. Vất vả lắm mới mua được căn nhà như ý nhưng ta lại phải ở ngoài đường hay trong công sở suốt ngày. Thức ăn chất đầy tủ lạnh nhưng ngày nào ta cũng ăn cơm tiệm. Áo quần không nhớ hết bao nhiêu bộ nhưng ta vẫn hối hả tìm kiếm thêm khắp các cửa hiệu. Đó là chưa kể khi có vài biến cố xảy ra như bệnh tật, con cái hư hỏng, gia đình xào xáo, kẻ xấu quấy phá thì tất cả những gì
gọi là "lạc nghiệp" kia bỗng chốc biến thành vô nghĩa.
Không tìm thấy thảnh thơi trong hiện tại, ta lại gửi niềm tin về tương lai. Nhiều người lại cho rằng phải đợi đến khi về hưu, dù không muốn thảnh thơi cũng phải thảnh thơi. Với họ, thảnh thơi tức là không có việc để làm. Nhưng sự thật, người nào đã bỏ lỡ cơ hội sống sâu sắc ở hiện tại thì tương lai cũng chỉ là chuỗi ngày ngồi luyến tiếc quá khứ mà thôi. Không có những việc lớn để làm, họ lại cố gắng làm những việc vặt vãnh để thấy mình vẫn đang còn đó. Họ rất sợ phải ngồi không. Cho nên, chỉ có người nào chấp nhận thực tại một cách tuyệt đối, không còn mong cầu thì mới có thể sống thảnh thơi ở mọi nơi.
Cách đây chỉ vài thập niên thôi, người ta còn cho rằng biết sống thảnh thơi là cả một nghệ thuật sống. Bây giờ nếu ta nói mình đang tận hưởng từng giây phút của hiện tại, không có gì quan trọng phải làm thì chắc chắn mọi người sẽ nhìn ta bằng ánh mắt rất kinh ngạc. Phải luôn nói rằng ta rất bận rộn thì ta mới là kẻ biết sống, mới có giá trị. Ở Mỹ, người ta không nói công ty đắt khách hàng mà họ nói công ty rất bận rộn (busy). Người trẻ còn muốn tăng thêm mức bận rộn, họ tự hào là mình đang rất điên cuồng (crazy) với công việc ở công ty. Theo họ, nếu không điên cuồng tức là đang ế ẩm. Thà điên cuồng mà có tiền xài thì cũng không sao. Chính vì nhận thức sai lầm giữa sự thỏa mãn cảm xúc với giá trị hạnh phúc chân thật nên họ đã làm đảo lộn giữa phương tiện và mục đích sống. Họ biến tất cả những giá trị mầu nhiệm của sự sống thành thứ phương tiện tầm thường để phục vụ cho những tham vọng to tát. Mà tham vọng thì có bao giờ đủ. Cho nên, có thể nói thảnh thơi bây giờ hoặc không bao giờ. Bởi nó không phải là vấn đề của thời gian, của không gian hay của những yếu tố bên ngoài. Nó thuộc về chính ta, và chỉ có ta mà thôi.
Trong một số truyền thống tâm linh, người ta luôn hướng tới sự "tự do" hoặc "giải thoát". Nghĩa là, ta phải tìm mọi cách để vượt khỏi sự khống chế ràng buộc của một đối tượng hay hoàn cảnh nào đó. Có khi phải lìa xa hẳn thế giới này mới được tự do hay giải thoát. Cho

nên, dù đã chọn đời sống tinh thần nhưng họ cũng không thể sống thoải mái, nhẹ nhàng và an ổn hơn bao nhiêu so với những người còn tranh đấu với cuộc sống. Trong tâm họ vẫn còn đầy rẫy những khắc khoải mong cầu, vẫn còn những bận rộn lo toan, vẫn còn những bức xúc trước nghịch cảnh. Họ nhân danh lý tưởng cao cả mà vẫn chưa thật sự dừng lại để chấp nhận hiện tại một cách tuyệt đối thì làm sao có thể dẫn dắt kẻ khác đạt được bình yên ngay trong đời sống. Không thành công trong hiện tại, họ vẽ đặt ra tương lai bằng những viễn cảnh cực kỳ hấp dẫn để dẫn dụ những kẻ non dạ yếu lòng. Vì lẽ đó mà chủ trương đi tìm thế

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net