2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại Dân chẳng hiểu sao đã sắp sang đông mà trời còn làm mưa mãi. Nào phải mưa rào, cứ lâm râm chẳng đủ ướt áo, trắng xóa một góc trời.

Y tựa người ngồi bên đình, sách giữ trong lòng, hết nhìn nước loang loang trên mặt hồ lại trông mây trĩu nặng phía xa.

Tại Dân không thể gột sách bóng hình người ấy khỏi tâm trí, dù y không gặp Tam hoàng tử thêm lần nào và rời Thư lâu ngót tháng, nhưng dường như từng điệu bộ cử chỉ, từng câu nói điệu cười của hắn vẫn vẹn nguyên. Tay phải y siết chặt cuốn sách thêm một chút, tay trái lạnh buốt đặt hờ lên vạt áo, hai mắt muốn díu lại đến nơi nhưng vẫn cố hé, không muốn ngủ li bì thêm.

Rõ ràng người ấy trông quen mắt là thế, khiến Tại Dân có cảm giác đau lòng là thế, nhưng y chẳng tài nào nhớ được mình đã từng gặp Tam hoàng tử ở đâu.

Kì lạ thay, trong những cơn sốt mụ người, hình ảnh Tam thái tử hiện lên rõ ràng, sống động tới mức Tại Dân ngỡ mình từng cùng Đế Nỗ đi qua năm tháng. Đế Nỗ đứng trong Thượng uyển, màu áo xanh như sắc trời tiết lập hạ. Đế Nỗ vận võ phục mận chín, tay cầm kiếm dài. Đế Nỗ mặc giáp đen, uy dũng cưỡi trên lưng ngựa giương cung bắn hình nhân bên bìa rừng.

Nơi mộng mị ấy, tóc Đế Nỗ vẫn búi cao trên đỉnh đầu, khóe môi vẫn cong cong nhu hòa, nốt ruồi lệ vẫn nằm bên đuôi mắt, không ủy mị mà mênh mang.

Tại Dân nghĩ, chắc mình ốm lâu quá nên gặp ảo giác không chừng.

Về La phủ chưa được bao lâu, Tại Dân đã đổ bệnh. Có thể vì thói quen thích ra ngồi chỗ lộng gió, cũng có thể vì mấy năm này y chỉ luẩn quẩn bên sách vở, không ra ngoài nhiều. Không như mọi lần, năm nay Tại Hiền không dẫn Tại Dân sang Sử quán soạn sách, còn dặn y nếu qua tháng mà chưa thấy thư thì không cần về lại Thư lâu.

Khi Tại Hiền nói câu này, Tại Dân đang xếp lại mấy món đồ ít ỏi của mình vào vuông vải con con, trong đầu mông lung nghĩ chắc sang Sử quán chỉ là vẽ cớ. Từ hôm Tam hoàng tử tới, y thấy sư phụ trầm tĩnh hơn hẳn. Người vẫn xem sách, thi thoảng bình thơ, nhưng có những ngày giật mình tỉnh giấc giữa cơn mê, y phát hiện người ngồi một mình trơ trọi giữa sân sau, đâu đó còn thoang thoảng hương rượu nồng.

Tuy Tại Dân không hiểu nhiều chuyện bên ngoài, song y cũng mơ hồ đoán được rằng đâu đó trong chốn cung đình sâu hơn lòng bể này, chiến tranh lại sắp diễn ra rồi.

.

- Tại Hiền thực sự chấp nhận sao?

La đại nhân không giấu nổi vẻ hốt hoảng sau động tác rót trà, ánh mắt khẽ dao động, nhìn người đối diện đang thưởng thức thứ nước đăng đắng nơi đầu lưỡi.

Tam hoàng tử xoa đáy ly lên lòng bàn tay, gật đầu.

- Còn đại hoàng tử?

- Đại ca tạm thời chưa biết chuyện này, vẫn nghĩ Trịnh Tại Hiền đang ở Sử quán.

- Vậy nhị hoàng tử?

Khóe môi Đế Nỗ hơi nhếch, xưa nay Mân Hưởng không phải là mối bận tâm quá lớn của hắn. Trong ba hoàng tử, Mân Hưởng là người được cắt đất và phong vương sớm nhất. Sau khi trở thành Hoài vương, Mân Hưởng chuyên tâm vào việc xây dựng đê điều ở phương Nam, đã lâu không trở về kinh thành.

Quan trọng nhất, Đế Nỗ cảm thấy cuộc đời hắn ta chỉ cần mình Đông Hách, vương vị quyền tước gì đó Mân Hưởng không quan tâm nhiều.

- Không lo. Chuyện đó tra ra chưa?

La đại nhân đằng hắng, nhìn bóng tì nữ đang chờ sai bảo ngoài cửa lui đi mới rút từ tay áo ra một ống gỗ bằng đầu ngón trỏ bịt kín hai đầu. Đế Nỗ chậm rãi đưa trà nhấp môi, La đại nhân biết ý, mở ống rồi đưa cuộn giấy mảnh cho hắn.

Tam hoàng tử khẽ nhíu mày, thả lại cuộn giấy vào ống gỗ, yên lặng suốt hồi lâu.

Mãi đến khi La đại nhân định lên tiếng hỏi ý, hắn mới cất lời:

- Tại Dân đâu?

La đại nhân không nghĩ Đế Nỗ sẽ hỏi đến Tại Dân vào lúc này, nhưng vẫn cung kính đáp:

- Công tử sốt mấy hôm, đang nghỉ ở phòng sau vườn.

- Dẫn ta đi.

Nhưng chưa cần tới sau vườn, Đế Nỗ đã nhìn thấy Tại Dân tựa mình vào cột lớn trong đình, thiếp đi miên man. Hắn đánh mắt về phía La đại nhân, cau mày rảo bước thật nhanh về phía y. Đế Nỗ cúi đầu, đập vào mắt hắn là bờ môi y tái nhợt không chút thần sắc. La đại nhân gọi tì nữ hầu bên Tại Dân hàng ngày mới biết Tại Dân ở trong phòng mãi thấy ngột ngạt nên ra đây ngồi, có nói thế nào cũng không nghe.

Đế Nỗ gấp cuốn sách trong lòng Tại Dân lại, đưa cho tì nữ đứng bên rồi không nói không rằng bế thốc y lên, đi thẳng tới hướng phòng sau vườn. Hắn cẩn thận nép đầu người kia vào ngực mình, sợ làn mưa mỏng bên ngoài làm y thêm ốm bệnh.

La đại nhân không rõ Tam hoàng tử gặp Tại Dân khi nào, vì sao lại quen nhau mà hắn lại quan tâm tới mức sai ông nhận đứa cháu họ xa tới mức chính ông cũng không biết tới sự tồn tại của y, gợi ý ông gửi y tới chỗ Tại Hiền học.

Phải tới khi Tam hoàng tử đặt Tại Dân lên giường, dém hết bốn góc chăn gọn gàng, hắn mới vừa vuốt mấy lọn tóc lòa xòa của ý trước trán, vừa nói:

- Mười ngày nữa ta tới đón Tại Dân.

Quả thật, mười ngày sau, ngay buổi sớm trước tiết lập đông một hôm, Đế Nỗ một tay che dù, một tay vén rèm kiệu, đưa Tại Dân về biệt phủ.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC