Cơm con

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

          "Cơm vợ thì ngon

         Cơm con thì đắng"

- Cái thân tôi cũng là thân tội ở nhà này. Sao mà nặng quả kiếp thế!

Giọng gằm gằm bứ hơi men của thằng cha cả Anh vang lên trong mấy gian nhà tranh lụp xụp. Không khí nặng nề, u uất hơn. Hắn càng tức bực, càng muốn đập phá, muốn cãi nhau.

- Ông làm tôi không ngóc đầu lên được, mà về đến làng đến nước nữa.

Chiều nào cũng vậy, rượu vào, cả Anh lại cà khịa với cụ nhiêu Móm, ông thân sinh ra hắn. Vợ, hắn quyết là không dám rồi; tuy say hắn cũng hiểu rằng lôi thôi với con mụ la sát ấy là không xong; hôm sau đừng hòng có rượu uống. Con hắn, vợ hắn binh chằm chặp, hắn cũng không dám nốt. Thành ra bao nhiêu nỗi bực tức khi say, cả Anh đổ dồn vào đầu ông bố già nua vô dụng: Thôi thì móm mém, thôi thì cập kèm, đủ các thứ bẩn mắt.

Cả Anh còn nghiệm ra: mỗi lần hắn khới chuyện với bố thì xem chừng con mụ vợ bằng lòng lắm. Và đồ nhắm có phần tươm tất hơn.

Uống một hơi cạn chén rượu, cả Anh thở đánh khà một cái; hắn đưa cặp mắt đỏ lầm lầm nhìn bố. Cụ Nhiêu ngồi ở phản bên bón cơn cho cháu. Bộ mặt hom hem, tái bủng không hề lộ ra một nét giận.

Trông cái bộ dạng biết phận của bố, cả Anh càng thêm khó chịu; hắn dằn đĩa xuống mâm, sẵng giọng:

- Mấy cái mâm của tôi bây giờ ông tính sao?

- ...

- Ô hay! Sao tôi hỏi, ông lại không thèm trả lời?

- Thì rồi tôi khắc bảo vợ chồng nó thu xếp trả anh chị chứ sao.

Cả Anh dề cặp môi ướt bóng, nhại:

- Khắc thu xếp trả anh chị chứ sao!... Ông có biết bao nhiêu tiền năm chiếc mâm ấy của tôi bây giờ không?

Câu chuyện này chiều nào hắn cũng giở ra dằn vặt ông cụ. Hồi xưa, cụ Nhiêu lo vợ cho thằng thứ hai thiếu mất dăm chục bạc. Cụ đành đánh liều cầm mấy chiếc mâm của cả Anh đi. Ai ngờ quá hạn, không chuộc được. Những tưởng chỗ anh em thì làm gì cái vặt ấy. Vả lại bao nhiêu dấn vốn dành dụm được khi trước, cụ đem trút cả cho thằng trưởng; thì dẫu cụ có tiêu lạm dăm chục bạc của hắn để lo công việc cho thằng em, thiết tưởng hắn cũng chẳng thiệt nào. Cụ nghĩ bụng các con cũng như bụng mình.

Cả Anh vẫn lèm bèm nói:

- Thật, tôi có được nhờ ông cái gì không phải.

Cụ Nhiêu vờ đi như không nghe tiếng, thản nhiên xúc một cùi dìa cơm cho cháu:

- Nào! Cháu ông ngoan quá, ăn một lúc cứ là hết ngay ba bát cơm cho mà xem. Chứ chẳng bỏ bứa như anh Kề nhớn đâu.

Kề con thích chí liến láu:

- Ăn hết bát này ông yêu cháu ông nhớ. Ông ẵm chú đi chơi phố nữa nhớ... Hầy, hầy, đếch cho anh Kề nhớn đi, ông nhỉ.

Vợ cả Anh đi qua lườm con, mụ hừ một tiếng. Thằng bé đang vui xịu mặt lại.

Từ ngày già yếu không kiếm được tiền nuôi thân nữa, phải về ăn báo con, thì từ con dâu đến các cháu đứa nào cũng ra ý hách dịch, gây sự với cụ. Cụ thấy cái thân ăn báo nó đắng cay nhục nhã muôn phần. Đã nhiều lần, cụ định về quê ở với thằng hai - nó thì có bụng đấy - khốn, nó nghèo, lại nheo nhóc một đàn con. Nên cụ nghĩ đã chán rồi: "Thà một mình mình chịu khổ còn hơn cả nhà thằng hai nó phải khổ vì mình".

Càng nghĩ, cụ càng giận uất thằng con bạc bẽo. Nó dám mở mồm nói: "Có được nhờ ông cái gì tôi không phải" mà nghĩ cho được.

Nó không nhớ cái hồi mẹ nó chết đi ư? Em nó còn đỏ hỏn; nó mới biết bò. Ai nuôi nó nhớn đến ngày nay? Ai lo lắng vợ con cho nó? Ai gây cửa hàng cửa họ cho nó? Chao ôi, cứ nghĩ đến cái đận gà trống nuôi con ấy mà phát sợ. Một mình cụ tần tảo buôn rau bán hành, buôn đấu bán thúng, thôi thì xoay xỏa đủ vành.

Anh em trong họ khuyên cụ lấy thêm bà hai. Trước nữa là có người đỡ đần công việc, sau là vui thú cảnh già. Nhưng cụ Nhiêu thương con. Biết rằng người ta về nhà mình người ta có thực thương con mình không? Hay lại tan cửa nát nhà. Nên cụ không dám tơ tưởng đến đường vợ lẽ con thêm làm gì nữa.

Vốn là người lo xa như thế, cụ Nhiêu đã tậu hơn mẫu ruộng thượng đẳng điền dưỡng lão. Gớm! Ngày còn ruộng sao mà vợ chồng cả Anh chiều cụ thế. Ngày hai bữa rượu. Bố con thù tạc. Bàn định công ăn việc làm, xem chừng tương đắc lắm. Cả Anh thường ngon ngọt dỗ dành ông cụ: "Thôi thì ông già rồi chẳng kiếm được nữa, ông cứ về ở với chúng con cho vui cửa vui nhà... Có mấy mẫu ruộng đấy. Chả trước thì sau cũng là của chúng con, nhưng ý con muốn ông cứ sang tên ngay cho chúng con thì vẫn hơn. Chứ để cho người ta cấy rẽ phân do, cỏ dả có đâu họ chăm chỉ bằng mình, họ bỏ dài rồi nó rạc cả chân ruộng của mình đi". Nghe những lời thiệt hơn, phải chăng thế, làm gì cụ Nhiêu không ưng thuận.

Sang tên mấy mẫu ruộng ấy cho cả Anh được ít lâu thì vợ chồng hắn ra ý khủng khỉnh với ông cụ ngay.

Nhiều bữa rượu, mụ vợ đã bóng gió, những là: tốn kém với miếng ăn quá khẩu thành tàn.

Thế rồi cụ không được uống rượu nữa. Giá trị cụ trong gia đình này mỗi ngày một kém dần.

- Ông ơi, thịt!

Kề tí vòi ông. Cụ Nhiêu vẫn mãi nghĩ ngợi, không biết nó gào to:

- Thịt! Ông lấy thịt!

Cụ Nhiêu giật mình, vội vã xúc cơm thí cháu. Kề tí hất ra, trỏ về phía mâm rượu của bố:

- Cháu ăn thịt kia, cơ mà.

- Ấy chớ! Bố mày đánh chết.

Thế là thằng bé lăn ra dẫy dụa(*) khóc. Vợ cả Anh, hai chân dậm thình thịch xuống đất, nghiến chồng:

- Có cho thằng bé ăn không, để nó khóc nằng nặc thế kia à?

______________

(*) Trong văn bản gốc viết là rẫy rụa.

Tức thì cả Anh quát bố:

- Khổ lắm! Nó đòi thì cho nó ăn hộ tôi một tí. Giữ làm gì... Rõ cái nợ!

Không nhịn được nữa, cụ nhiêu sa sầm mặt lại, hỏi:

- Anh bảo ai là cái nợ hử?

- A! Ông vặn lí tôi phỏng? Ai là cái nợ!? Ai là cái nợ ông biết đấy!

Chính tâm hắn cũng không bảo ông cụ thật; vả từ xưa đến nay cụ Nhiêu chỉ biết phục tòng. Lần này bị hỏi vặn, hắn cho là bố định gây sự với mình. Hắn tức lồng lộn lên, mặt tím bầm lại, miệng sùi bọt mép, lu loa như đàn bà:

- Sao mà tôi nặng quả kiếp như thế này! Tôi đến chết mất thôi chứ không sao sống được

- Chết đi! Mày chết đi tao xem nào.

- A! Ông rủa tôi chết phỏng? Này chết này! Này chết này!

Mồm nói, tay đập. Bát đĩa, ấm chén vỡ xoang xoảng. Mụ vợ từ nhà dưới lạch bạch chạy lên, mặt tái mét vừa thở vừa kêu:

- Ôi làng nước! Ới giời đất ơi! Ới bố ơi là bố ơi! Khổ quá.

Cả Anh vẫn như đang mê man, mồm gào tay đập. Mụ vợ tiếc của, ôm chồng du ngã xuống giường.

Cụ Nhiêu cuống quá sinh quẩn, lập cập nhặt những mảnh vỡ chắp chắp, nối nối. Mụ nguýt bố chồng:

- Chắp với chả nối...

Biết rằng cãi vả với chúng nó chỉ tổ dại mặt, cụ Nhiêu đành lảng ra chỗ khác.

Chiều đã tàn. Bóng tối nhờ nhờ bao trùm cảnh vật. Cụ Nhiêu ngồi âm thầm ở xó thềm. Gió nhẹ thổi qua kẽ rại(*) kêu vù vù như tiếng thở dài bất tận. Chiều tàn thê lương quá. Thê lương như chuỗi ngày tàn cục của ông già tuổi tác. Những giọt lệ vẫn âm thầm lăn trên gò má răn reo.

Trong khi ấy, ở mãi tận góc nhà, bên ngọn đèn hoa kì vàng kệch, thằng Kề nhớn ra rả học bài luân lí:

- Bổn phận đối với a với a cha mẹ. Bổn ư a phận đối a với a cha mẹ...

Cách ngôn: Cha mẹ nuôi a con bằng a giời bằng bể; con nuôi a cha mẹ con kể từng ngày.

___________________

(*) Rại: Tấm phên liếp che cửa.

1943

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net