Đuổi tà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông tự Năm ngồi xếp bằng, hai tay ôm chiếc ấm bì thu vào lòng cho hơi ấm nước mới pha chuyền sang cơ thể. Vẻ mặt tư lự như đang ruổi theo một ý nghĩ gì lung lắm. Nhưng thực ra ông chẳng nghĩ ngợi gì cả. Trong cái đêm trừ tịch dài dằng dặc và lạnh lẽo này, ông chỉ thấy trí mình sáng suốt và lòng lâng lâng thanh thản. Và thính giác rất tinh tường lắng sâu vào trong đêm tối. Trong cái vô cùng tĩnh mịch của đêm cuối năm, ông tưởng chừng như nghĩ được thấy cả cái chuyển vần lặng lẽ của năm cũ ra đi, năm mới đang đến.
Cẩn trọng rót một chén trà, ông tự Năm khoan thai nâng lên miệng uống từng hụm nhỏ. Hương trà bốc lên thơm phức và làn khói trắng mỏng mảnh tỏa lên mặt ấm áp dễ chịu. Trong cái đêm cuối năm khuya khoắt lạnh lẽo này, uống một chén trà nóng, ông tự Năm thấy tâm hồn sảng khoái lạ thường. Ông rung đùi cất tiếng ngâm thơ cổ:
Sử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kì sinh.
Giọng ông vang lên trong tịch mịch tôn nghiêm có thoang thoảng hương trầm của gian tam bảo. Những pho tượng âm thầm trong ánh đèn dầu vàng vọt, bóng run run trên vách bởi ngọn gió lọt vào tưởng như đang ngồi ngây ngất thẩm âm.
Sử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kì sinh.
Ông tự Năm nhắc lại một lần nữa. Ừ, cuộc đời nào khác chi giấc mộng lớn, việc gì mà phải gian lao, lật đật. Ông tự chạnh nhớ đến mấy năm gian lao vất vả trước.
Vốn là một thầy khoá lỗi thời, đã bao nhiêu năm ông tự lang thang chốn này chốn khác, có phen phiêu bạt lên cả rừng xanh nước độc, mong đem đạo thánh hiền để đổi lấy miếng ăn. Nhưng ông không ngồi dạy học được ở đâu lấy ba tháng. Là vì, vào cái thời này họ theo Tây học cả. Rồi ông xoay nghề lang thuốc, nhưng ông trời vẫn trớ trêu con người có chữ, mấy năm liền hàng họ ế ẩm. Cái cảnh mạng nhện mắc dao cầu chẳng bao lâu mà hết lưng vốn. Thế rồi ông lại lang thang; con người dài lưng tốn vải ấy không quen với việc gồng thuê gánh mướn. Với chiếc khăn vải tây đỏ thắt chéo buộc chặt lấy chiếc tráp sơn đen, trong đựng một chiếc địa bàn với mươi lá số, ông tìm đất, tìm cát, xem bói xem toán độ thân.
Cái nghề lí số này cũng không dung ông lâu. Cuộc sống gắt gao hàng ngày đã sa thải nhà nho lỡ vận thành một anh thày cúng làm bạn với tiu, cảnh mà lại hoá ra thanh nhàn, ông tự Năm làm tự chùa Vân Điềm này kể đã hơn ba năm. Nhờ trời đất cũng mát mặt chứ không đến nỗi lận đận như hồi mấy năm về trước...
- Thưa ông, rót xong rồi đấy ạ.
Một cậu bé đứng ngoài cửa bỗng nói chỏ vào. Ông tự Năm quay ra nhẹ nhõm bảo:
- Đem cả lên trên này nhá... À, mà bảo các cậu ấy lên tất cả trên này mà làm cho vui.
- Vâng ạ.
Một lát sau, bốn cậu nhỏ mặt mũi khôi ngô, mình mặc áo lụa đỏ có in dấu nhà Phật. Đầu mới cạo nhẵn bóng, có chiếc hồng mao đen nhánh rủ xuống lưng như những cậu tiểu đồng. Mỗi cậu mang một thứ, nhanh nhẹn bước vào. Đó là những cậu nhà oản của thầy tự, theo lệ dân ở làng này, con trai cứ đến mười lăm tuổi thì dân chọn lấy bốn cậu nhanh nhẹn xinh xắn cắt ra giúp việc ông tự trong việc đuổi tà ngày tết.

Các cậu lặng lẽ bầy các thứ xuống chiếu dưới một mâm gạo trắng, một đĩa muối, hai đĩa xôi, một con gà sống luộc chín vàng ửng uốn theo hình con phượng, ở mỏ có cắm một chiếc hoa hồng, và một thúng toàn những thanh tre vót sẵn.
- Đủ cả đấy chứ?
- Đủ cả đấy ạ.
- Một cậu mài cho tôi một đĩa mực. Một cậu mài cho tôi một đĩa son nhé.
- Vâng.
- Còn chỗ gạo, hai cậu đổ lẫn muối vào trộn cho đều rồi xúc ra bốn cái đĩa con.
Cắt việc xong, ông tự lại lặng lẽ ngồi uống nước, óc như còn đang mãi suy tưởng những chuyện đâu đâu. Trong khi ấy, bốn cậu cắm cúi làm việc. Tiếng mài mực rí rí, tiếng mài son lạch cạch bật lên trong yên tĩnh, đúng với câu: "Mài mực ru con, mài son đánh giặc". Còn hai cậu kia vừa trộn gạo với muối vừa thì thầm nói chuyện với nhau. Số gạo đó do ông tự Năm và bốn cậu nhà oản đi quyên khắp mọi nhà trong làng suốt cả buổi chiều hôm ba mươi tết. Vốn là cái tục cố hữu của dân, năm thầy trò ông tự đến nhà ai cũng chỉ nói dăm ba câu chuyện suông về tết nhất, là nhà ấy xúc một bát gạo, một chén muối ra cúng nhà chùa ngay. Dẫu là nhà giàu hay nhà nghèo, ai cũng cúng một cách vui vẻ, coi như bổn phận. Là vì số gạo cúng đấu không phải vì tư lợi mà ông tự đi quyên. Nó sẽ dùng vào việc đuổi tà đầu năm, có ảnh hưởng đến sự thịnh đạt, suy vi của cả dân làng sang năm mới tới đây.
Hai cậu nhà oản mài son, mực đưa cho ông tự.
- Thưa xong rồi đây ạ.
Rồi một cậu nhanh nhẹn đem thúng đựng những thanh tre lại gần. Ông tự Năm rút chiếc kính lão đeo lòng thòng trước ngực khoan thai đeo lên mắt. Đoạn ông nhấc cây đèn lại gần, nhoi con bấc cao thêm cho sáng. Ông lấy một thanh tre lớn đặt lên tráp, lăn ngòi bút lông vào nghiên mực mấy lần rồi nắn nót viết lên trong lòng thanh tre những chữ lớn, chữ nhỏ, nét đậm và sắc. Viết xong, ông lại vẽ ngoằn ngoèo đè lên, lớp mực rồi lớp son theo cái đạo viết rồi lại xoá của Lão Tử thành một đạo bùa. Ông viết luôn một lúc xong bốn đạo "bùa cái" trên bốn thanh tre lớn. Ông lại viết lên những đạo "bùa con" trên những thanh tre nhỏ. Bọn các cậu nhà oản đã hết việc, đứng xem ngấp nghé sau lưng ông tự Năm.
Ông tự Năm chăm chỉ, kiên trì ngồi vẽ hết đạo bùa này sang đạo bùa khác. Đôi lúc lại ngừng tay uống một chén nước hoặc rít một hơi thuốc Lào cho đỡ mỏi.
Đêm đã khuya, trời càng thêm lạnh lẽo. Cảnh vật cũng chìm lặng, tĩnh mạc hơn. Theo tiếng gió gửi vào, có tiếng vịt kêu thất thanh và tiếng khánh ơn bốn đạo bùa khua thầm trong đêm tối.
Mấy cậu nhà oản đã ngủ ngả ngốn cả dưới chiếu: có cậu dựa cả vào cột mà ngủ. Tiếng ngáy đều đều của tuổi đang sức ăn sức ngủ. Ông tự vẫn hí hoáy vẽ.
Khi đã vẽ đủ một trăm linh tám đạo "bùa con" thì cũng đã đến gần giờ giao thừa. Ông tự Năm thu xếp đồ đạc. Bịt chiếc khăn lụa đỏ lên đầu che kín cả hai tai và kéo thẳng đôi bít tất vàng xoăn xeo dưới chân cho ấm. Rồi ông ngại ngùng đứng dậy, đánh thức mấy cậu nhà oản:
- Dậy! Dậy! Dậy ra đền mau.
Mấy cậu nhà oản oằn oại mới dậy được. Họ ngồi thừ ra, vẻ mặt mệt nhọc vì giấc ngủ dở dang.
- Các cậu uống nước đi rồi ra đền bây giờ kẻo muộn.
Uống nước xong, nghe trong người đã tỉnh táo, mấy cậu nhà oản vui vẻ với cái tuổi vô lo vô lự của họ. Ai nấy lại nhanh nhảu. Cậu đội thúng bùa tre, cậu đội mâm gạo muối, theo ông tự ra khỏi chùa.
Gió hun hút vào trong con đường tối tăm, cỏ tre mọc hai bên. Ánh đèn dầu lạc ở tay ông tự chỉ đủ tỏa ra một vùng sáng nhỏ hẹp, yếu ớt. Làng xóm đều yên lặng. Bóng tối thì dày đặc mênh mông như một biển mực. Mấy thầy trò ông tự đi sát vào nhau cho ấm. Từ lâu, những tiếng chửi bới réo công nợ ba mươi tết tắt hẳn, mọi người như yên lặng, kính cẩn đón chờ cái năm mới rỡ ràng.
Đến đền, ông tự Năm trao chiếc đèn cho cậu nhà oản, rồi sấn bước tiến lên trước. Một tay cầm kiếm gỗ, một tay cầm cây gậy tầm xích, mắt nhìn thăm thẳm về phía trước như soi mói trong khoảng không những hình ảnh vô hình... Ông tự xăm xăm tiến vào trong đền, cắm cây gậy tầm xích vào chiếc giá đặt trước hương án. Ông tự Năm tay bắt quyết, miệng hô như quát tháo, ông chạy sầm sầm đủ bốn góc đền. Trong khi ấy, bốn cậu nhà oản chia ra bốn nơi ném gạo muối tứ tung. Và ông từ đã chờ sẵn từ trước, khua chiêng trống ầm ầm. Bỗng ông tự Năm sầm sầm chạy ra ngoài sân đền. Bốn cậu nhà oản chạy theo ném gạo muối.
Ông tự miệng quát tháo, tay bắt quyết và giơ nắm hương thư phù lên nền trời. Đốm lửa đỏ vạch những nét ngoằn ngoèo trong bóng tối. Bốn cậu nhà oản chia nhau dựng bốn chiếc bùa bên bốn cột cái nhà tiền tế.
Xong công việc, ông tự Năm mới đổi nét mặt nghiêm nghị ra vui vẻ, thong thả lên đền. Ông từ đã đón sẵn trên thềm. Lúc bấy giờ hai người mới vui vẻ chào nhau chúc mừng năm mới.
Ông từ trịnh trọng đốt một bánh pháo giao thừa. Tiếng pháo đốt vang lên, ánh điện quang loạn xạ trong bóng tối. Đoạn ông từ vào hạ cỗ lễ thờ, cùng ông tự uống chén rượu mừng xuân, nói đến chuyện về thời tiết năm mới. Gió đưa khói pháo tạt vào thơm phức. Trong lúc bên ngoài tối tăm lạnh lẽo, ngồi uống chén rượu đêm ấm áp, có mùi hương trầm và khói pháo, họ thấy ngây ngất như có chất men xuân phừng phừng trong huyết quản. Tiếng pháo của các tư gia cũng bắt đầu kế tiếp nhau nổ ran trong đêm tối. Tất cả nhân gian như đang ngủ mê màn bỗng đều sực thức dậy tưng bừng đón xuân.
Trời đã bớt lạnh, gió cũng hiền từ hơn.
Ánh sáng lọc qua lần mây loãng nhờ nhờ trắng như màn bạc cũ. Tiết trời ấm áp dễ chịu. Vừa độ cho hạng người nghèo khó không lo áo rét, mà người giàu cũng có thể lượt là mền kép được. Cảnh vật như thấm nhuần một nguồn sống mới mẻ. Mấy cây đa hai bên hồi đền vừa đổi lá. Những búp non hồng hào mẫm mạp vươn lên hớp lấy ánh sáng, lấy khí trời. Trẻ con hớn hở trong áo mới, sự sung sướng bồng bột, hồn nhiên trên nét mặt ngây thơ. Tiếng chúng nó vang vang trong gió. Đôi lúc những xác pháo hồng bay tung lên như muôn nghìn bông hoa đỏ quấn quýt cả vào những tà áo mới. Hạng lớn hớn hở hơn thì túm năm tụm ba mê mẩn với quân bài. Những cô gái đến thì e lệ trong áo mới theo mẹ ra đền lễ thờ với một niềm vui kín đáo. Những cậu trai mới lớn hãnh diện với điếu thuốc lá phận phè trên môi. Các bô lão mặt đỏ gay hể hả được ngày say luý tuý. Ai ai cũng vui. Tất cả những vẻ đăm chiêu vì cuộc sống hàng ngày không còn vương trên mặt họ lúc này. Một bầu không khí đề huề mà thân mến. Chủ nợ gặp người vay, họ đã thành thật quên hết cả những tị hiềm trước thành thật vồ vập nhau, thành thật chúc tụng nhau muôn nghìn sự tốt đẹp. Vả lại, người nhà quê với tâm hồn chất phác hễ cứ có rượu, có thịt là vui. Vui cho thỏa thuê cả năm tháng cần cù vất vả.
Ông tự Năm cũng vui cái nhịp vui của mọi người. Ông lăng xăng chăm sóc đến việc lập đàn đuổi tà đầu năm. Đàn thiết lập ngay giữa sân đền, cũng không khác đàn cúng quan ôn ngày hè mấy. Trên chiếc hương án sơn son thếp vàng, đặt những mũ giấy lớn có, nhỏ có. Hai bên cây vàng cây bạc bằng giấy trang kim sáng chói, một mâm gạo muối, một mâm bùa tre và những đồ lễ chay khác. Trước hương án cắm một cành phan là một cành tre để cả lá, có dán một đạo bùa giấy vàng đóng dấu son đỏ choé. Hai bên đàn đặt hai chiếc thuyền mã có những người hình nhân bé nhỏ cầm lái. Người làng Vân Điềm này gọi là hai cái chài. Tiếng trống bắt đầu dạo vạc cùng tiếng chũm choẹ. Rồi một lúc một mau một rộn rã thêm. Bọn trẻ đã bỏ chơi đổ xô lại xem. Chúng đứng xung quanh bàn tán, nhiều lúc đột nhiên cười rộ lên.
Ông tự Năm không để ta gì đến bên ngoài. Tay gõ trống, miệng ê a tụng niệm. Cái vẻ hớn hở ban nãy đã mất trên mặt người tự bất đắc chí ấy. Nét mặt dầu dầu và uể oải. Cái việc ông đang làm đây không ngoài nghĩa áo cơm, chẳng hứng thú gì.
Bốn cậu nhà oản túc trực ngay bên hương án, săn sóc đèn nhang. Mấy ông kì hào trong dân lễ chiếu lệ rồi ra nói chuyện gẫu. Dăm bà sùng đạo cũng đem vàng hương ra cúng, ngồi cả chiếu dưới, nhai trầu bỏm bẻm bàn việc trảy hội hàng năm. Ở vẻ mặt, ở giọng nói ẩn một niềm tin tín ngưỡng và đá chút hãnh diện sự mát mặt của mình. Đây phần nhiều là những bà lí, bà chánh.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Làn máy trắng đục khi nãy dãn mỏng ra, ánh nắng vàng phơn phớt tỏa xuống, hơi oi ả. Nhưng lại có những làn gió lành lạnh dễ chịu. Tiếng pháo trong làng đã thưa thớt hơn ban sáng. Ngày tết ai cũng rỗi rãi, nên xung quanh đàn, người đổ đến xem rất đông. Ông tự Năm đứng dậy, buộc chõng trên đầu một chiếc khăn mỏ rìu. Tay bắt quyết, chân dậm thình thịch xuống đất, miệng quát tháo ầm ĩ, mắt trợn trừng trợn trạc một cách dữ tợn như nạt ai. Trẻ con giạt về một phía reo váng lên. Mấy anh đàn ông trên đền cũng dừng những câu chuyện phiếm thong dong trở ra. Các bà cũng đứng dậy vái lia cái lịa.
Ném bó hương xuống đất, ông tự lặng lẽ trao bốn đạo bùa cái cho bốn cậu nhà oản, còn những bùa con, ông ném tung ra bốn phía. Người xem xô lại tranh cướp hỗn loạn, kêu oai oái.
Xong cái lễ "trịch tướng", ông tự Năm nhổ bật cành phan lên. Đồng thời mấy bác tuần đứng chờ sẵn bên ngoài cũng sấn lại trút mâm gạo muối vào chiếc rổ con mang theo, cầm lăm lăm ở tay. Hét to lên mấy tiếng nữa, ông tự cầm cành phan chạy ra ngoài đường cái. Bốn cậu nhà oản với bốn chiếc "bùa cái" cũng lẽo đẽo theo sau. Mấy bác tuần vừa quát vừa ném gạo muối đuổi. Trẻ con, người nhớn à à theo sau reo hò ầm ĩ. Có người lượm đất, gạch ném theo nữa. Họ tin như thế là đã trục xuất ma đói ma khát ra khỏi làng, năm mới đây dân làng làm ăn mới thịnh đạt.
Đám người rùng rùng xô đuổi nhau trên con đường nhỏ hẹp, gồ ghề bậc thang, rườm rà những tre pheo, bụi rậm. Họ ồn ào, hỗn loạn như đuổi giặc.
Những người đi lễ tế, đi hái lộc, đi lễ chùa gặp bọn đuổi tà này đều đứng nép ra rìa đường cho họ đi.
Đến mỗi cổng làng ông tự Năm lại giằng lấy một thanh "bùa cái" trên tay một cậu nhà oản, cắm xuống đất. Người ta vội tìm một viên gạch đập cho sâu xuống.
Chạy hết một vòng quanh làng, cắm đủ bốn đạo bùa trước bốn cổng chính, ông tự Năm trở về đền, vào thẳng ngay chiếc cửa võng lễ thánh xong mới ra lễ tạ triệt đàn. Lúc ấy đã xế chiều, gió lạnh hơn. Sương trắng còn vương trong bụi rậm.
Ở ngõ xóm Tây, mấy bà lên chùa đứng lại nói chuyện vãn với bà lí trong khi bà này bế cậu con quý tử chỉ trỏ vào hai bức tranh loè loẹt, ông tiến tài và ông tiến lộc dán trên cánh cổng rêu mốc, thì cậu con ăn cơm. Một bà mân mê chiếc bùa tre đeo lủng lẳng lẻ ngực cậu bé như bài ngà:
- Ồ cậu Khôi có cái bùa đẹp nhỉ, cho chị xin nào.
Cậu bé ưỡn ngực ra đằng sau nhè mồm ra khóc. Một bà khác nhanh mồm chỉ cây nêu cao vút gần cổng có nắm lông gà phe phẩy trên nền trời xám đục, dỗ:
- Kìa! Kìa! Cây nêu nhà ta đẹp chửa, cậu Khôi kìa!
Bà lí mắng yêu con:
- Nín đi, con trai con đứa gì mà lại xấu thói thế. Năm mới đã khóc, rông cả năm thôi.
Một bà nhổ cốt trầu đặc sệt xuống đất và đưa hai ngón tay khoanh vòng trên môi một lượt. Rồi, bằng một giọng tín ngưỡng, bà thì thầm:
- Này, đeo bùa nghiệm đáo để đấy bà ạ. Ma chê quỷ hờn đấy! Mà trẻ mỏ, nói dại, nhỡ có sài đẹn, mài ra cho uống nghiệm đáo để.
Mấy bà từ giã bà lí lên chùa. Bên đường vô số trẻ con đeo bùa trước ngực.
Một bà phàn nàn:
- Năm nay, nhà tôi chúng nó lại không cướp được chiếc nào, tiếc quá.
1945


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net