1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Quốc, cha mày chết rồi. Cha mày chết không thấy xác, người ta chỉ thấy một ngón tay của ông ấy lẫn trong đất rừng thôi."

Rừng hoang ngập trong sương muối, đêm động lá, rừng động hoa. Tiếng gió lộng từng đợt vào hang sâu, làm lay mi mắt của chàng lính trẻ. Cậu lại gặp ác mộng nữa, mộng về cái ngày ông trưởng thôn hớt hải chạy đến nhà cậu, rồi tiếc thương báo tin xác cha cậu đã mục rữa đâu đó trên cái chiến trường miền Bắc này.

Nén một tiếng thở dài và lau đi mồ hôi đang lấm tấm trên trán, Chính Quốc đưa mắt nhìn ra ngoài cửa hang. Giờ có lẽ chỉ mới quá nửa mười hai giờ đêm một chút thôi, trăng còn vanh vảnh ánh ngoài kia, ấp ôm từng tán lá rừng, chập chờn theo gió như những hồn ma cheo leo vắt vưởng trên những cành cây già nua tanh mùi máu đỏ nơi chiến trận.

Đã có bao nhiêu người phải vùi xác vào đất đá nơi đây, chết vì lý tưởng, chết vì những đời em thơ, những kiếp mẹ già, những hồn vợ trẻ? Cha cậu chết khi tuổi đời của Chính Quốc chỉ mới lên mười hai, và mẹ thì còn quá trẻ để có thể chấp nhận một sự thật rằng mình đã trở thành một thân đàn bà góa chồng.

Rồi vào một cái đêm chập chờn ánh đèn cầy, tiếng máy bay làm cho cả một vùng quê vốn yên tĩnh trở nên náo động. Dân làng giục nhau bỏ nhà mà chạy xuống hầm trú bom, căn hầm hẹp nóng nực, có sự run rẩy của mấy chục người lớn nhỏ. Họ thở, họ rên, và họ khóc.

Mẹ ôm lấy Chính Quốc, để cho mảnh đời bé con ấy bám víu vào vạt áo cũ rách chắp vá đôi ba chỗ của mình. Đôi mắt mẹ ngập ngụa đớn đau.

Mẹ run run bờ môi nứt nẻ, nói với cậu rằng, mẹ không thấy anh trai Chính Quốc đâu hết.

Trận bom dữ dội ấy qua đi, rời khỏi hầm, cũng là lúc mặt trời uể oải treo nắng lên trên đầu ngọn tre cháy rụi. Nhà cửa tan hoang, ruộng đồng cũng tàn lụi, còn lại gì sau mỗi trận bom rơi?

Còn gì ngoài xác người cháy đen vì trúng bom, còn gì ngoài tiếng gào khóc đau đớn vì phải bỏng, vì bị mảnh bom ghim vào da thịt, còn gì ngoài những con tim với sự đau khổ tột cùng khi phải tận mắt nhìn thấy xác người thân không còn nguyên vẹn nằm trên nền đất bẩn.

Còn gì cho hai mẹ con Chính Quốc, ngoài sự điên cuồng của mẹ khi bà thấy người ta khiêng xác đứa con trai cả của mình ra hố chôn tập thể rồi vùi đất xuống.

Bà ôm lấy Chính Quốc nức nở hằng đêm, sau mỗi buổi lặn lội kiếm cơm cho một mẹ góa, một con côi, bà lại ôm lấy đứa con nhỏ dại của mình mà mân mê từng lọn tóc, khóc òa lên tủi khổ vì ôi chao, cớ sao con bà có đôi mắt thật giống với người bà yêu thương quá.

"Chỉ còn con, còn con là nắng mai đời mẹ..."

---

Chính Quốc đứng dậy, cậu hướng đến con sông ngay cạnh hang mà bước. Ánh trăng rừng sáng tỏ lối đi, như vờn, như đùa vui trên sống mũi cao thẳng của người lính can trường. Trăng cũng rọi tỏ những vết thương lớn nhỏ trên cơ thể trai tráng ấy, có một vết cắt lớn chạy dài từ bắp tay xuống cổ tay vẫn chưa kịp khép miệng, máu vẫn rỉ ra từng tí một, thấm đỏ lên miếng băng gạc màu trắng toát, có lẽ là từ một lần đánh giáp lá cà với bọn Cộng hòa gần đây, Chính Quốc cũng chẳng buồn nhớ nữa.

Đâu người lính nào ghi nhật ký cho những vết sẹo trên cơ thể họ đâu. Mà nếu có, thì tốn biết bao giấy mực để có thể ghi đủ đây?

Bờ sông hiện ra ngay trước mắt, có tiếng gió khẽ than thầm trong từng tán lá ngả vàng, ngả đỏ vì lửa bom, vì độc súng. Mùi đất ẩm trộn chung với xương trắng, với thịt rữa, với áo lính ai ngã xuống bởi họng lạnh súng đạn. Chính Quốc khẽ nhắm mắt, bật ra tiếng thở dài não nề. Đáy mắt cậu u buồn nhìn quanh đây, vẫn nhớ ngày đầu làm lính, vậy mà đã là ba năm rồi cậu gắn đời mình với khu rừng Cách mạng này.

Con sông đục màu bùn yên ả ôm trọn ánh trăng trắng bạc. Có chiếc lá nào rụng xuống, vô tình làm nát mảnh trăng xanh.

Chọn một bờ cỏ rậm rồi ngồi xuống, Chính Quốc để hồn mình lựa trong kí ức một thước phim màu quay lại cảnh một gia đình nhỏ chung nhau chiếc giường gãy dưới mái ngói đơn sơ cùng tường vôi trắng toát. Tiếng cha dạy anh trai đan giỏ tre, tiếng mẹ dỗ Chính Quốc nín khóc sau những cơn ác mộng ma quỷ ngày xưa cũng theo đó mà ùa về, dội vào tâm can người lính, trực trào lên khóe mi cậu, làm xao động ánh mắt mỏi mệt, đã quen thân với sự cay xè bởi khói thuốc súng.

Chính Quốc nhớ nhà.

Cậu nhớ lắm cái đàn gà mái mẹ nuôi để lấy trứng đỏ lòng, nhớ lắm những ấm nước trà tươi mẹ ủ để cả nhà cùng ăn bánh đậu xanh ngày Tết ấm nồng, nhớ lắm con sông cách nhà mấy bước chân, chiều nào anh trai cũng rủ cậu ra đơm vó, mò ốc và bắt cua. Ngọn đồi xanh mướt cỏ non ngày nào hai anh em tung lên cánh diều làm bằng giấy báo, giờ có còn mởn xanh ngọc như trước không?

Ngước lên nhìn trời đêm, vẫn đẹp đẽ thay một mái tóc đen mượt, điệu đà những ánh lấp lánh trời ghim lên.

Một ánh sao rơi xuống, nhẹ nhàng nấp sau tán lá đẫm sương đêm, rồi bay là là trên mặt đất. Nó nhấp nháy màu xanh lá yếu ớt, đậu lên đầu gối người lính hoài niệm.

Chính Quốc đút hai tay vào túi quần mình, nhìn quanh bên.

Ở cách cậu không xa, có hai người lính tuần tra quanh rừng. Họ đang đứng lại một lúc, có lẽ cũng giống như Chính Quốc. Họ đang hoài niệm, kể nhau nghe về bóng hồng nơi giếng nước đầu làng, về mái nhà đơn sơ vách nứa, về thành thị xa xôi nượp xe đạp qua lại.

Họ đều nhớ nhà.

Sương đọng trên mái tóc xơ rối của Chính Quốc, rồi cậu cất lời ca.

"Rồi anh xa nhà, xa bóng em.

Rồi anh nát xác, thấy người cười."*

Sương cũng đọng lại trên họng súng của hai người lính kia. Họ đứng sát vai nhau, nụ cười lan rộng trên đôi môi nhợt nhạt của họ.


Đầu súng trăng treo... *




*Câu thơ được trích từ bài "Đồng Chí" của thi sĩ Chính Hữu.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net