VIII

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm ấy không có trăng.
Phố phường Hà Nội đã theo cảnh tượng trời đất biến thành một khối đen sì.
Vũ trụ thu lại vùng ánh sáng của mấy cây đình liệu.
Gió bấc ào ào thổi.
Chín, mười ngọn lửa lớn bằng chín, mười cái bịch hết thảy điên cuồng lồng phách như muốn lia những bó đuốc nứa nhảy vọt lên từng mịt mù.
Quang cảnh trường thi hôm nay rộn ràng hơn mấy hôm trước.
Dưới lớp mái ngói của nhà Thập đạo, mũ áo thấp thoáng hiện trước bóng đèn lồng.
Trong mấy gian chòi canh lơ lửng gác ở lưng trời, trống cái đi đôi với thanh la, chốc chốc lại đưa ra những tiếng oai nghiêm trịnh trọng.
Ngoài dãy phên nứa hùng vĩ như bức tường thành quây kín lấy khu nền tường, đội lính trú phòng rầm rập theo vó ngựa của quan Giám trường để điệu diễu từ mặt nọ đến mặt kia. Tiếng nhong nhong của nhạc ngựa hòa với tiếng dình dình của trống quân, càng giúp cho cuộc tuần phong thêm vẻ cẩn mật.
Trên nếp cổng tiền, một bức hoành biển nghiêng mình nằm ghếch đầu trên đôi đồng trụ, chiều dài thườn thượt không kém một chiếc thuyền thoi. Sóng biển phủ một bức diềm nhiễu điều, chính giữa kết thành một bông hoa sen to bằng cái mâm, hai đầu thì hai trái găng lớn như hai cái thúng lủng lẳng đu ở cạnh cột. Lòng biển, bốn chữ: "Tân hưng thịnh điển" song song đứng ngang một hàng, nét vàng lóng lánh trong nền sơn son như muốn cười với ánh lửa của trời tối.
Từ mặt tiền qua phía tả đến mặt hậu, cũng như từ mặt hậu qua phía hữu đến mặt tiền, bốn cửa của bốn vi Giáp, Ất, Tả, Hữu đều ngỏ thênh thang.
Những cái khung bảng chứa hàng mấy nghìn tên người đều ngoảnh bộ mặt "dán giấy" ra đường, như đương ngóng các thầy sĩ tử.
Mấy chiếc ghế tréo cao chín, mười bậc cùng doãi bốn chân và đứng ngất ngưởng ở ngoài các cửa như đang đợi các ông khảo quan.
Trước hai cửa của hai vi Tả, Hữu, cũng như trước hai cửa của hai vi Giáp, Ất, toàn lính thể sát đo nhau đứng chực ngoài cửa với những dáng bộ rất nghiêm trang. Tấm áo nẹp xanh thân đỏ gọn gàng nấp dưới chiếc nón dấu sơn quang dầu. Những sợi dây tòng của chiếc tay thước khảm trai, bông bênh rủ xuống miếng ban kiên sặc sỡ.
Khoảng đầu canh ba, tiếng ồn ào bắt đầu nổi ở nẻo xa xa. Rồi nó dần dần gần lại. Rồi nó dần dần rõ thêm. Rồi nó dần dần đưa đến những đám đèn đuốc lập lòe như đám ma trơi. Học trò các nơi tấp nập kéo đến cửa trường.
Gió bấc thổi càng dữ.
Những cây đình liệu cháy càng nỏ.
Trên miếng đất giá lạnh của trời đông, bóng người chật như đám hội.
Có người tóc đã bạc phơ. Cũng có người hồng mao còn ngất nghểu trong vành khăn nhiễu. Có người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc so ro trong mảnh áo đơn. Cũng có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sù, hai hàm răng còn run cầm cập. Có người hai vai nặng trĩu, khuỷu tay còn đủ sức thích bên kia gạt bên nọ, len từ ngoài tít vào trong cùng. Cũng có người cất cổ không lên, lều chiếu đều bị lôi sềnh sệch ở mặt đất. Vênh cái mặt dương dương tự đắc, đó là người mới thi lần đầu. Vẻ lo ngại hiện đầy trên bộ trán nhăn nheo ấy là kẻ lảo đảo trường ốc.
Còn nữa, và còn nhiều nữa. Tả không thể hết.
Đêm càng khuya, học trò kéo ra càng nhiều. Ai vào vi nào, lật đật tìm đến cửa vi ấy. Dưới hàng vạn nón chóp lố nhố đứng ở bốn cửa, hàng vạn con người cùng một lối trang sức như nhau: sườn này, cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn kia, thì bó áo tơi và cuộn áo lều, hoặc một đôi chiếu cói; trên ngực, quả bầu be và chiếc ống quyển; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn. Bấy nhiêu đồ vật, nặng có, nhẹ có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thảy xúm lại và đu cả lên cái cổ yếu ớt của các ông thư sinh. Hình như trời cũng bắt tội nhà Nho, trước khi bước lên đường công danh, đều phải tập làm việc của bọn phụ trạo.
Kẻ chen vào người đẩy ra, kẻ du đi, người ấn lại, dưới ánh lửa sáng, đám người dồn dập bị xô đẩy cồn cộn như lớp sóng nước triều. Tiếng gọi nhau, tiếng hỏi nhau, tiếng chào nhau, tiếng mắng nhau, tiếng cãi nhau, tiếng rầm rầm nói chuyện với nhau. Các thứ tiếng ấy hợp lại, làm cho bốn khu cửa trường, ầm ầm như bốn cái chợ.
Sang đầu canh tư, các cây đình liệu đều cháy hết già một nửa. Tàn nứa đỏ ối theo ngọn gió bấc tản mác bay khắp vùng trời. Rồi từ từ, nó rơi xuống đám đầu người, xuống quãng đất không. Xuống những nơi ở tít xa xa, nếu nó không bị tắt ở trong bóng tối.
Thình lình trong nhà Thập đạo, kiểng đồng gióng với trống khẩu, dõng dạc đánh luôn ba hồi. Các bóng đèn lồng nhất tề lay động. Các áo thụng lam, các mũ cánh chuồn đồng thời rộn rịp như sân khấu rạp tuồng. Sau khi bốn ông Ngự sử(1) đã đem chức trách đàn hặc(2) lên bốn chòi canh, các ông khảo quan tức thì cắt nhau mỗi người đi mỗi ngã. Cũng như mọi khoa, hai ông Phân khảo phải coi hai cửa Tả, Hữu, ông Phó chủ khảo được theo chiếc biển "phụng chỉ" ra cửa vi Ất. Còn cửa vi Giáp thuộc quyền ông Chánh chủ khảo và lá cờ "khâm sai" của nhà vua ban.
________________________
(1). Trước ngày thi Hương, căn cứ vào số sĩ tử của từng trường thi, triều đình sẽ cắt cử Khảo quan. Khảo quan chia làm hai ban: Ban Giám khảo phụ trách chấm thi gồm các quan Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo (Nội trường) và Chánh, Phó chủ khảo và Phân khảo (Ngoại trường); Ban Giám sát làm nhiệm canh phòng, giám sát cả quan trường lẫn sĩ tử, thấy điều gì sai phải "đàn hặc", nếu không thì chính bản thân cũng bị tội. Ban Giám sát gồm: Giám sát Ngự sử, các viên Thể sát, Mật sát và lính canh; Ngoài ra còn có Chánh, Phó Đề điệu (quan võ) làm việc biên chép, rọc phách, kháp phách, yết bảng... và các lại phòng giúp việc.
(2). Có trách nhiệm chuyên giám sát sai sót, lầm lỗi của quan lại.

Dứt mấy tiếng yết hậu của trống khẩu và kiểng đồng, hai hàng đèn lồng bắt đầu ở nhà Thập đạo từ từ tiến ra. Rồi đến một đôi lọng vàng cung kính rước lá cờ "khâm sai" đi trước. Rồi đến ông Chánh chủ khảo và bốn chiếc lọng xanh khúm núm theo sau.
Bộ dạng quan Chánh chủ khảo mới oai làm sao! Cái bối tử hình con công, cái xiêm xanh viền chân chỉ hạt bột, và đôi ủng đen có đôi bướm bạc long lanh, bấy nhiêu thứ đó hợp lại với cây hốt ngà cầm ở trước ngực và chiếc mũ gấm xòe hai cánh ra ngoài hai tay, đủ làm cho ngài giống hệt những quan phường chèo nếu ngài có bộ râu dài như họ.
Đám rước ra đến cửa vi, người lính cầm cờ "khâm sai" lễ phép leo lên chiếc ghế tréo và cắm cán cờ vào cái lỗ thủng sau ghế. Quan Chánh chủ khảo tạm giữ cây hốt bằng một tay trái để lấy tay phải vịn vào chân chiếc ghế tréo. Rón rén bước qua mấy bực, và trèo lên ghế, ngài sẽ vén cái vạt sau của tấm phẩm phục, rồi ngồi vào giữa mặt ghế. Cây hốt lại được trở lại phía trước mặt ngài với sự nâng niu của hai bàn tay xúng xính trong đôi tay áo rộng như cái cống. Cả sáu chiếc lọng lần lượt nhô lên trên ghế. Những cái xanh che quan Chủ khảo. Còn những cái vàng thì che lá cờ "khâm sai".
Tiếng ồn ào ở khu cửa trường tự nhiên im bặt. Mấy nghìn con mắt đều đổ dồn vào viên đại thần đứng đầu khảo quan.
Thình lình ở trên lưng trời có tiếng ấm óe:
- Báo oán giả tiên nhập! Báo ân giả thứ nhập! Sĩ tử thứ thứ nhập!(1)
__________________________
(1). Dịch nghĩa: Oan hồn báo oán vào trước. Oan hồn báo ân vào sau. Tiếp đến các thí sinh theo thứ tự mà vào.

Hồi loa dữ dội như muốn phá tan cái bầu tĩnh mịch, làm cho mọi người đều phải ngơ ngác. Dứt tiếng gầm hét, người lính đứng cạnh ghế tréo của ông Chủ khảo, theo miệng một người lại phòng cùng đứng chỗ đó với một cuốn sổ trong tay chìa loa gọi tên một người học trò.
Một tiếng dạ bựt lên trong đám đông.
Một chàng thiếu niên, với cái dáng bộ liều chết, cố lách được qua "vòng vây", để đệ các đồ kềnh càng đến khu đất trước ghế tréo của quan Chủ khảo.
Toán lính thể sát bắt đầu làm việc.
Họ giở bỏ áo tơi và cuốn áo lều. Họ nhòm những cái "cái chõng", chân chõng. Họ ghé vào ống đựng quyển và quả bầu be đựng nước. Họ lần dãi lưng và vuốt các gấu áo, gấu quần của chàng thiếu niên. Họ cởi tung cả bộ gọng lều. Rồi họ lục soát đến cái tráp sơn của chàng ấy đeo ở trước rốn.
Ngoài một hộp mực, vài cái bút, vài cây sáp, một cái dùi vở, một tập giấy bản và mấy cái bánh giầy, mấy cái bánh giò, một nắm cơm, vài miếng chả trâu, vài miếng thịt ran, trong tráp không có vật gì khả nghi.
Chàng thiếu niên được phép lĩnh quyển của người lại phòng, cẩn thận cuốn lại, bỏ vào chiếc ống quyển đeo ở trước ngực, rồi tung tăng đi vào trong trường với các đồ đạc xúc xích bám quanh vai, quanh cổ.
Đến lượt người khác theo tiếng loa gọi tiến vào.
Bọn lính thể sát lại xúm nhau lại làm các công việc như trước. Người này cũng không có sách thạch bản hay là văn cũ chữ "kiến" chi tiết, nhưng mà các đồ lặt vặt thì không đựng bằng tráp mà đựng bằng yên. Trong cái yên, cũng có giấy, mực, dùi, bún, thịt, chả, cơm, bánh như chàng thiếu niên vừa rồi, và còn hơn một bộ đồ hút thuốc phiện.
Bọn lính thể sát bĩu môi:
- Vào thi vẫn còn đèo bòng cái của tội này, thì lúc nào hút, lúc nào làm văn?
Người ấy ngáp một cái dài và trả lời:
- Có hút, văn mới hay! Nếu không hút thì sao ra văn?
Rồi hắn đón lấy quyển của người lại phòng và lểu đểu đi vào trong trường.
Tên lính cầm loa lại gọi đến tên người khác.
Khám trong lều chõng của người này cũng không thấy thứ gì gian lận, nhưng trong cái yên lại có một cái dầm đào cỏ. Bọn lính thể sát ngạc nhiên và hỏi:
- Sao lại đem cái này vào trường?
Người ấy khẽ đáp:
- Thưa cậu tôi mắc bệnh đi kiết!
Bọn lính không hiểu lại hỏi:
- Đi kiết thì dùng cái đó làm gì?
Người ấy ngập ngừng:
- Thưa cậu, để khi làm văn, lỡ ra bị mót đại tiện, thì đào nền lều mà tương nó xuống, rồi lại vùi đi. Chứ làm thế nào? Trong trường, chỗ nào cũng có lều của học trò, "đi" vào đâu được?
Bọn lính thể sát đã hiểu công dụng của cái dầm, họ liền cho phép người ấy vào trường sau khi hắn đã nhận quyển thi bỏ vào ống quyển.
Người lính cầm loa lại bắc loa gọi:
- Đào Vân Hạc! Sơn Tây, Đào Nguyên!
Vân Hạc đứng ở ngoài xa, tuy có nghe thấy tên mình, nhưng không thể nào mà len vào được.
Người lính cầm loa gọi đến ba lần, vẫn không thấy có người thưa, hắn bèn đặt quyển thi của Đào Vân Hạc xuống cạnh chiếc ghế của quan Chủ khảo, rồi gọi đến người tiếp theo.
Một người coi bộ rất khỏe, dạ một tiếng lớn, rồi cố xô đẩy những người chung quanh, hùng dũng đeo lều chiếu vào tận cửa trường.
Bọn lính thể sát xúm lại lục đồ đạc.
Các vật cần dùng của người này, không khác của mấy người trước. Riêng có thứ đồ đựng nước, không phải là quả bầu be, mà là một cái lọ sành rộng miệng. Ngạc nhiên, một người trong bọn liền thò cái que khoắng vào trong lọ, tức thì ở dưới trôn lọ, có vật tròn tròn bềnh lên mặt nước. Cái gì thế nhỉ? Người lính đó, nghiêng cái miệng lọ và móc lấy vật ấy ra. Té ra một mớ giấy bản viết chữ nhỏ như con kiến, người ta vo lại và trát sáp ong ở ngoài cho khỏi thấm nước.
Của phi pháp liền bị tịch thu. Và cái tội "mang sách vào trường" liền tống ông học trò ấy ra khỏi cuộc thi cử.
Tên người khác được nhắc đến trong miệng loa. Và, sau một tiếng dạ gọn gàng, một người đứng tuổi tiến đến trước mặt bọn lính thể sát với một dáng bộ lo sợ. Thấy người này có vẻ đáng ngờ, bọn lính thể sát càng lục kỹ các thứ đồ đạc. Nhưng không bắt được cái gì gian lận, họ đã toan tính cho đi. Thình lình một người trong bọn họ trông thấy phía trong một cái "cái chõng" có một miếng vá, hắn bèn dùng con dao nhọn cậy tung miếng vá ấy ra. Thì ra trong đó có để hai cuốn Hành văn bảo khíp - thứ sách thạch bản, chữ in nhỏ bằng hột cám - Cũng như cái ông vừa rồi, người ấy liền bị trói lại để giải ra dinh Tổng đốc với tất cả đồ vật của mình.
Người lại phòng, người lính cầm loa và bọn lính kiểm soát lại cứ tiếp tục ai làm việc nấy như thường.
Chừng nửa canh năm, sương mù tỏa khắp bầu trời, ngọn lửa ở các cây đình liệu đã lui xuống gần mặt đất. Ánh sáng đã hiện ra sắc úa vàng.
Đám người và đám lều chõng ở ngoài đã chuyển hết ba phần tư vào trường chỉ còn lơ thơ vài trăm học trò. Tiếng ồn ào dần dần nhỏ bớt.
Mặt trời mọc. Các cây đình liệu cũng vừa cháy hết. Vũ trụ đã khôi phục cảnh tượng xinh đẹp và mông mênh của ban ngày.
Mấy nghìn học trò của vi Giáp đã được vào trường gần hết. Bấy giờ người ta mới lại gọi đến những người lúc nãy đã gọi một lần mà chưa thấy vào.
Quyển của Vân Hạc bị đặt ở dưới cuối cùng, cho nên tên chàng phải gọi sau rốt.
Sau khi chàng vào khỏi cửa, cánh cửa vi Giáp liền bị khóa lại. Quan trường và tất cả các người tùy phái đều theo cửa chính vào nhà Thập đạo.
Lúc ấy tất cả học trò vi Giáp đóng lều đã xong. Những chỗ gần nhà Thập đạo đã bị những người vào trước chiếm hết. Chàng toan đem lều ra đóng ở phía ngoài cùng. Nhưng khổ quá, cái khu đất ấy, lúc nãy còn là một cõi biên thùy bỏ hoang các ông vào trước đem bả văn chương tuôn cả ra đó, mùi thối theo ngọn gió đưa ra ngạt ngào, không thể nào mà chịu cho nổi. Chàng lại lếch thếch vác lều và chõng đi lùng khắp các miếng đất phía trong.
Trong một cái lều ở gần vi Hữu bỗng có tiếng gọi:
- Đào Vân Hạc! Anh tìm ai mà lật đật thế?
Nghe rõ tiếng Nguyễn Khắc Mẫn, chàng đáp:
- Tôi đi kiếm một chỗ đóng lều, chứ không tìm ai!
Khắc Mẫn nói lớn:
- Đến đây! Chỗ này còn rộng! Mau lên!
Vân Hạc mừng quá, chàng vội đeo các đồ đạc lại chỗ gần lều Khắc Mẫn. Nhanh nhảu, Khắc Mẫn đỡ bộ lều chõng trên vai Vân Hạc xuống đất. Cởi hết mấy nuộc dây chằng, thày lấy sáu chiếc gọng lều cắm làm hai hàng, để cho Vân Hạc vít những đầu gọng xâu vào các ống ròng rọc. Rồi một người trải áo lều lợp lên, một người đem đôi áo tơi che kín hai đầu. Bốn phía góc lều đã được Khắc Mẫn đóng bốn cái cọc nho nhỏ và neo bốn chiếc gọng lều vào đó, cho khi có gió, lều khỏi lay chuyển. Vân Hạc liền đem cái chõng kê vào trong lều, rồi chàng sang lều Khắc Mẫn, giở bộ đá đánh lửa hút thuốc.
Chiếc lều bên cạnh, bỗng thấy có khói bốc nghi ngút. Vân Hạc tưởng là bị cháy, vội chạy ra coi. Nhưng không phải. Người ta đốt vàng. Ông chủ lều ấy sợ có oan hồn theo vào trường thi báo oán, nên phải dùng thứ lễ ấy tiễn họ. Chàng mỉm cười và quay vào lều của mình.
Một hồi trống cái từ trên chòi canh giật giọng đưa xuống. Trong vi tức thì hiện ra cảnh tượng nhốn nháo. Khắc Mẫn nói với sang lều Vân Hạc:
- Có phải trống "ra đầu bài " đó không?
Vân Hạc gật đầu:
- Chớ còn trống gì bây giờ!
Rồi chàng mở tráp lấy bút và hộp mực đem đến cái nhà lợp cót ở gần nhà Thập đạo.
Hai chiếc lọng xanh và đôi mã tấu sáng quắc vừa rước quan Giám trường, Đề điệu ở nhà Thập đạo đi xuống. Như hai dòng nước chảy sau chiếc thuyền chạy mạnh, đám học trò đương đứng lật đật rẽ sang hai bên để cho mặt đất hở ra một con đường rộng. Bằng dáng bộ hùng dũng, ông Đề điệu đi thẳng đến trước cái nhà lợp cót, trao tờ giấy yết đầu bài cho người lại phòng dán lên khung bảng, rồi ngài dõng dạc quay ra và lại lên nhà Thập đạo để đi coi sóc việc trường.
Hàng nghìn học trò trong vi nhất tề xúm lại trước bảng, kẻ đọc người viết.
Khoa này mới đổi phép thi, kỳ đệ nhất thi bằng Kinh nghĩa.
Hai bài truyện là:
Luận ngữ: Tắc hà dĩ tai?
Mạnh Tử: Vị thiên hạ đắc nhân.
Năm bài Kinh thì:
Kinh Dịch: Bạt mao dĩ kỳ vựng chinh cát.
Kinh Thư: Dụng nhữ tác châu tiếp.
Kinh Thi: Nam sơn hữu Đài.
Kinh Lễ: Tuyển hiền dữ năng.
Kinh Xuân thu: Cập Tề nhân minh vu U.
Vân Hạc không chép, chàng chỉ nhẩm qua một lượt rồi trở về lều. Học trò ở trước nhà bảng dần dần tản mác, ai nấy trở lại chỗ ở của mình với cái dáng bộ lo ngại nhiều hơn vui vẻ.
Trên chiếc chòi canh ở góc vi Giáp, quan Ngự sử giơ chiếc tay áo lùng thùng chỉ xuống dưới vi đưa ra một hồi trọ trẹ không rõ là những tiếng gì. Tức thì người lính áo nẹp kề loa vào miệng và thét:
- Bớ truyền sĩ tử! Ai ở lều nấy, không được nhốn nháo hay chạy đi chạy lại!
Nhưng mà trong vi vẫn cứ nhốn nháo như thường.
Giây lát, học trò vào hết các lều. Bấy giờ cả trường đều im phăng phắc. Vân Hạc lúi húi chép các đầu bài vào một mảnh giấy. Rồi chàng bó gối ngồi nghĩ không biết nên làm tất cả bảy bài hay chỉ nên làm hai bài. Bởi vì theo phép, kỳ Kinh nghĩa tuy những bảy cái đầu đề, nhưng chỉ những người kiêm trị, mới làm tất cả còn ai chuyên kinh thì chỉ phải làm hai bài: một bài Truyện và một bài Kinh trong bảy bài đó, muốn làm bài nào cũng được. Với học trò, chuyên kinh là lối phổ thông, còn kiêm trị thì là một sự đặc biệt. Người nào đại tài, viết hai bài vẫn còn thừa sức, thì học viết cả bảy bài cho oai, người nào viết văn tuy nhanh, nhưng lời văn không được xuất sắc, nếu làm hai bài sợ không đủ phê, thì họ cũng viết bảy bài để trông vào sự rộng rãi của ngòi bút quan trường, là vì những quyển kiêm trị, bao giờ cũng được chấm nới hơn những quyển chuyên kinh một chút. Vân Hạc mọi ngày vẫn chuyên Kinh Thi và một hai khi có làm Kinh Dịch, hôm nay vì thấy mấy bài ở các kinh kia cũng không khó lắm, ý chàng cũng muốn làm cả. Nhưng lại sợ không đủ thời giờ, nên chàng vẫn còn đắn đo. Khắc Mẫn thình lình gọi chàng và hỏi:
- Này anh Hạc! Đầu đề khoa này ra khéo đấy nhỉ? Có phải trong bảy bài đó, trừ bài Xuân Thu, sáu bài kia đều có ý nghĩa về việc "dụng nhân" cả không?
Vân Hạc ngồi ở lều mình nói sang:
- Phải rồi! Tôi cũng nhận thấy như thế. Ừ thì đình nào đám ấy, có thế mới hợp với cảnh thi cử.
- Trong hai bài Truyện, anh làm bài nào?
- Tôi vẫn chưa định.
- Có tài như anh thì nên làm bài Luận Ngữ cho tỏ ra văn đàn anh, chứ tôi thì tôi xin lạy cả nón. Với tôi, bốn chữ "Tắc hà dĩ tai" khó quá đi mất! Viết sao cho được rõ nghĩa chữ "Tắc" chữ "Tai"!
- Nó cũng chưa khó bằng bài Kinh Thi. Tôi tính Kinh Nghĩa mà đến "nam sơn Hữu Đài" thì ác vô hạn.
- Thế thì bài Thi anh làm Kinh Thi hay Kinh Dịch?
- Có lẽ tôi sẽ làm cả.
Khắc Mẫn ra vẻ ngạc nhiên:
- Ái chà! Lại kiêm trị à? Anh định cướp lấy Thủ Khoa sao đây?
Vân Hạc vừa cười vừa đáp:
- Thủ khoa hay không chưa biết, nhưng kỳ này tôi quyết phải lấy bốn chữ "ưu". Còn anh, anh làm bài nào?
Khắc Mẫn nói giọng chua chát:
- Cố nhiên là bài "Tuyển hiền dữ năng", chứ bài nào nữa. Xưa nay tôi vẫn chịu nước văn đàn em, chỉ làm Kinh Lễ mà thôi, không dám đụng đến Kinh Thi, Kinh Dịch như anh. Nhưng theo ý tôi, xấu đều hơn tốt lỏi. Anh quyết phải lấy bốn "ưu", thì tôi chỉ cần bốn cái "thứ muỗi" là được. Vậy mà chưa chắc... chưa chắc thằng bốn "ưu" đỗ hay là thằng bốn "thứ muỗi" sẽ đỗ.
Vân Hạc vội vàng nói lảng đằng khác:
- Thôi đừng nói lắm, viết đi! Kẻo mà đến chiều không xong, trống cái nó thúc vào đít, lại sắp viết liều viết lĩnh.
Ngoài trường, tiếng trống cà rùng mỗi lúc mỗi mau, nhạc ngựa rộn rịp đưa lại. Trên chòi canh cửa vi Tả bỗng có tiếng ấm óe, làm cho hai người đều im câu chuyện để lắng tai nghe. Thì ra bên ấy có người học trò vơ vẩn đứng ngoài lều, bị quan Ngự sử trông thấy, ngài truyền cho lính ra lệnh dọa nạt.
Tan cuộc ồn ào, Vân Hạc bắt đầu làm bài. Cũng như những lúc tập văn ở nhà, chàng không phải giáp, nghĩ đến đâu viết luôn vào quyển đến đấy.
Mặt trời lên khỏi đầu bức phên nứa ở phía đông trường, chàng vừa viết xong hai câu phá thừa của bài Truyện, trên chiếc chòi canh của vi Giáp, vừa có trống báo hiệu "nhật trung"(1). Chờ cho mực ráo, chàng sẽ cuộn quyển văn lại, bỏ vào ống quyển, rồi bảo Khắc Mẫn:
- Đi ra lấy dấu nhật trung chứ anh?
Khắc Mẫn trả lời bằng giọng luống cuống:
- Anh đi trước! Tôi chưa viết được chữ nào cả.
__________________
(1). Dấu nhật trung: Thí sinh chép đề thi xong, làm bài đến khoảng trưa phải đi lấy dấu "nhật trung" để chứng tỏ bài làm được viết trong ngày, ở ngay trường thi. Gặp dấu "nhật trung" phải bỏ trống, không được viết đè lên.

Chàng nói an ủi:
- Được! Còn sớm chán! Anh cứ thong thả. Đừng vội. Hễ vội thì viết hay lầm.
Rồi chàng thu xếp bút mực vào yên và đeo ống quyển đến nhà Thập đạo.
Cạnh bức rào nứa cao đến khỏi rốn, bọn lính phục dịch tấp nập đi lại. Trên chiếc chiếu đàn cạp xanh, mấy người lại phòng to vo ngồi cạnh hòm ấn và cái hộp son. Học trò chưa có ai tới, chàng là người thứ nhất trong cuộc "lấy dấu nhật trung". Nhờ vậy, chàng không phải mất công chờ đợi. Sau khi quyển văn đã đưa qua bức rào nứa, trao tay cho một người lính để hắn đem vào cho người lại phòng giữ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net