Due: Cánh chim của sự khởi nguồn hay là Icarus.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Due: Cánh chim của sự khởi nguồn hay là Icarus.

Tháng 6, không khí oi nóng thiêu đốt thủ đô, chẳng khác gì sự sốt sắng của bố mẹ tôi khi chọn trường đại học tương lai. Tôi không thích thú lắm với mùa hè, ngoại trừ việc hoàng hôn của mùa hè đẹp và thơ ra thì tôi cũng chẳng có ấn tượng gì với sự nóng bức ngột ngạt của mùa hạ cả. Trong khi nhiều đứa bạn tôi đang rối rít ôn tập, thi cử rồi chọn trường vì thời điểm tốt nghiệp cấp 3 cũng sắp đến, tôi vẫn rất ung dung, phần vì tôi có dự định đi du học (đúng hơn là dự định của ba mẹ tôi). Giải ba trong kì thi Olympic Vật Lý thế giới giống như cái chìa khóa mở toang cánh cửa đại học vậy. Tôi thấy những công thức khô khan này dễ đến nực cười, nó chẳng cho tôi chút thú vị nào khi giải xong một bài toán hay chứng minh xong một công thức. Nhưng kì lạ thay là tôi lại có năng khiếu trong lĩnh vực này, dù chẳng có lấy chút gì đam mê. Dĩ nhiên bố mẹ nào có một đứa con thiên tài thì cũng tìm cách hậu thuẫn hết mực, tôi rất biết ơn họ, song đến chính tôi cũng chẳng biết mình nên bước đi tiếp ở đâu, hướng nào, với ai. Tại nơi ngã rẽ quan trọng của cuộc đời, đi về đâu tôi cũng không rõ. Bố tôi sốt ruột:

- Con xem nên apply hồ sơ vào trường nào đi chứ, cả MIT và Yale đều gửi thư tài trợ học bổng rồi đấy!

Bố tôi là người thực dụng, có lẽ sự thực dụng đấy khiến ông trở thành con quái vật trên thương trường. Với đầu óc của một người kinh doanh, ông đề cao danh tiếng và bề dày truyền thống; và những lời mời từ Yale hay MIT không khác gì một sự khẳng định cho những tiêu chuẩn của ông. Môi trường ở đấy chắc chắn là phù hợp để tôi phát triển vượt bậc. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn gì, thì ông lại chưa hỏi con trai mình.

- Vâng. – Tôi đáp cụt lủn rồi rời khỏi nhà.

Gần khu chung cư tôi sống có một khu tập thể cũ, nó như bức tranh đối lập hoàn toàn với sự hiện đại tiện nghi của nơi tôi ở. Từng dãy nhà xập xệ với màu sơn ngả vàng loang lổ những màu xanh của rêu, hay màu xám của mảnh tường vỡ. Nét cũ kỹ đấy lại lôi cuốn tôi ghê gớm, tôi gần như chẳng tách mình ra khỏi cái bụi bặm đấy được. Bấm chuông phòng 403, một bóng dáng hiền hậu bước ra:

- Cháu trai của bà đấy à!

- Cháu chào bà ạ!

Tôi thích sang nhà bà chơi lắm, thích Leo và Tigre – hai chú mèo dễ thương, thích những cuốn sách viết bằng tiếng Ý mà tôi mấy lần được bà đọc cho nghe, thích cả món mì Ý trứ danh của bà nữa. Đúng vậy, bà ngoại tôi yêu nước Ý bằng cả trái tim! Một nghệ sĩ Opera mê đắm từng vở nhạc kịch của Turandot, giọng hát của Pavarotti, rồi đến vẻ lãng tử của Caruso, Andrea Bocelli. Ở tuổi bảy mươi, bà vẫn giữ cho bản thân sự tươi trẻ; đặc biệt, bà truyền tình yêu với trái bóng tròn cho tôi. Giây phút mà hai bà cháu xem trận tứ kết EURO 2012, suốt 120 phút không có bàn thắng nào được ghi, không khí lúc đấy như nén lại, căng như dây đàn. Tuyển Ý bước vào loạt sút luân lưu đối mặt đội tuyển Anh, mọi chuyện đang rất suôn sẻ rồi đến cú đá hỏng ăn của Montolivo, sự hồi hộp được đẩy lên tột độ. Rồi đến lượt của Andrea Pirlo, chàng lãng tử người Ý với khuôn mặt lạnh như băng, đặt trái bóng lên chấm trắng, rồi nhấc chân. PANENKA! Một tình huống đầy thanh lịch và không thể nào bất ngờ hơn. Tôi vẫn nhớ như in lời bà nói với tôi:

- Cháu yêu à! Người Ý hôm nay nhất định sẽ thắng, thắng bằng sự tinh tế và quyến rũ chết người.

Hôm đó Ý thắng thật.

Tôi của lúc mười tuổi như bị thôi miên trước dáng vẻ đấy, dáng vẻ đầy duyên dáng và tao nhã. Rồi tình yêu nước Ý, cứ thế mà lớn dần lên. Bà mang cho tôi một cốc trà hoa cúc, rồi ngồi xuống chiếc sofa cũ kỹ, nhấp nhẹ tách cafe:

- Lại có điều gì phiền lòng hả cháu yêu?

- Cháu không biết nữa bà ạ, cháu không biết mình muốn gì nữa!

Bà tôi mỉm cười:

- Dũng, cháu là đứa trẻ thông minh và mạnh mẽ, bà tin vậy. Nhưng thử nghe theo trái tim của mình lần này cháu nhé! Nghe xem tâm can của mình thì thầm những gì rồi để bộ não làm nốt phần việc của mình. Còn bà chỉ biết ủng hộ cháu thôi, cố lên nhé!

Bà tôi vẫn vậy, bà chưa bao giờ đánh mất được sự phiêu lưu của mình. Một nghệ sĩ opera từng đi sang Ý để lưu diễn, rồi chót đem lòng yêu một người đàn ông nơi xứ người. Bà chẳng bao giờ giấu diếm chút nào về câu chuyện đấy, mà thi thoảng vẫn kể cho tôi nghe: "Tình yêu làm mù quáng con người, cháu yêu của bà ạ, nhưng chẳng sao cả, ta còn trẻ thì cứ sống mà khao khát"

Bị lừa dối, bà trở về Việt Nam và lập gia đình với một quân nhân và hệ quả là giờ tôi đang ngồi đây. Tôi ngưỡng mộ bà vô cùng và luôn tin rằng sâu thẳm trong tâm hồn mình vẫn có chút gì đấy nghệ sĩ của người phụ nữ tóc bạc trắng kia.

Tôi chào bà rồi ra về, trong túi tôi vẫn đầy ắp bánh kẹo được bà dúi vào, có lẽ trong mắt bà tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ hay chăng? Cái nắng oi bức lúc nào cũng dịu dần đi, bầu trời thì ngả sang màu hồng êm dịu. Tôi trèo lên nóc của dãy tập thể. Bụi bặm cũng những gạch đá rơi vãi khắp nơi chẳng thể làm lu mờ được khung cảnh này: Bầu trời.

Bầu trời của ngày hôm đấy chia thành ba phần, tôi cũng đến choáng ngợp trước thiên nhiên, chỉ với ánh sáng và những đám mây, cớ sao lại đẹp đến vậy! Phía tay phải là màu hồng tím thơ mộng, phần trung tâm xanh thẳm, tay trái lại rực rỡ ánh vàng. Tôi hướng mắt lên, chăm chú.

Cả cái khoảng không vô định chiếm đoạt lấy tâm hồn tôi, phản chiếu hiện tại, quá khứ cả tương lai. Nếu màu hồng như tượng trưng cho những tháng ngày tuổi thơ đầy hồn nhiên, mơ mộng; thì sắc xanh lại cho tôi bâng khuâng trước những ngã rẽ cuộc đời, một hiện tại đầy ảm đạm. Và một tương lai đầy rực rỡ đang chờ tôi chăng?. Hôm đó thời gian chắc hẳn trôi chậm đi một chút nếu nó lắng nghe được tâm tư của tôi. Trên đường về nhà, bước chân tôi cứ nặng trịch như thể tâm trí không muốn bị trói buộc trong căn nhà đầy bí bách. Còn vài ngày nữa thôi, mười hai năm đèn sách của tôi sẽ đến hồi kết: Bế giảng.

Tôi học một trường chuyên có tiếng ở Hà Nội, một nơi mà đủ các con cháu của những ông to bà lớn, có những người làm trong giới kinh doanh, có cả chính trị. Rồi đến những đứa não to thực sự với khả năng vượt trội. Ở trong một môi trường như vậy, tôi giống như một hạt cát giữa sa mạc, nhưng...

Lớp 6 là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Vật Lý, một môn học tôi thấy vô cùng khô khan, song những con số cứ nảy lên, rồi biến mất như chưa có chuyện gì xảy ra. Kết quả cứ vậy mà xuất hiện. Và tôi đi thi giải cấp Quận, Thành phố, Quốc gia rồi đến Olympic. Vật lý chưa bao giờ mang lại cho tôi sự hứng thú, nhưng nó khiến thành nét chấm phá mà không ai có thể phủ nhận được, Tất nhiên bố mẹ tôi vô cùng hãnh diễn khi có một đứa con trai như tôi. Gia đình mà có sự khá giả sung túc sợ nhất một điều là con cái hư hỏng. Bố tôi cũng vậy, ông luôn đưa tôi vào khuôn khổ với sự nghiêm khắc của mình. Tôi thì thấy khuôn khổ của ông ngột ngạt, khó chịu. Nhưng lựa chọn của tôi lại là khép mình, rồi thỏa hiệp. Để rồi khi nhận ra 12 năm đèn sách trôi qua, những gì tôi để lại chỉ là những tấm huy chương vô hồn được cất trong tủ kính trang trọng, vài người bạn giả tạo và một con người đánh mất đi bản ngã. Tôi không luyến tiếc 12 năm đấy, bới chẳng có lấy một kỉ niệm khiến tôi vương vấn đến rung động trái tim, suốt quãng thời gian khoác lên màu áo trắng.

Tại vì sao lại nói mất đi bản ngã, chính tôi cũng chẳng thế trả lời câu hỏi đấy. Bị gắn cho cái mác thiên tài, tôi có lúc cũng ngộ nhận về khả năng của mình, rằng bản thân là trung tâm của mọi thứ. Nhưng không, càng như vậy, tôi càng khép mình. Đi chơi ít hơn, gặp gỡ cũng ít, đến trường thì cũng chỉ biết cắm mặt vào sách, chẳng nói với ai câu gì. Quãng thời gian đấy nó cứ tẻ nhạt dần, đã có thời điểm tôi nghĩ: "Sao không bỏ buông hết đi mà tìm kiếm tự do?" Nhưng bố mẹ tôi cứ thúc ép, kèm cặp. "Mày sau này phải giỏi hơn tao vạn lần!" – Câu nói của bố tôi khắc sâu vào trong tâm trí. Giỏi? Giỏi là giỏi cái gì? Tôi với ông có điểm gì chung đâu ngoài dòng máu đang chảy trong huyết quản. Tôi cũng chẳng biết cái tiêu chuẩn của ông ấy là sao, là nổi danh toàn thế giới, hay giàu có sung túc đến cuối đời. Mơ hồ vậy, tôi cũng chỉ biết vâng dạ, đấy có phải đánh mất cái tôi của mình không?

*

*       *

Rồi ngày bế giảng cũng tới, trường tôi tổ chức một buổi lễ trang trọng giống như bao trường khác. Thầy hiệu trưởng vẫn với bài diễn văn quen thuộc đọc đi đọc lại năm này qua năm khác, vẫn là khóc lóc ỉ ôi như không bao giờ gặp lại nhau nữa. Cô trò chụp chung với nhau đôi bức ảnh kỉ niệm, những cặp đôi yêu nhau thì ôm nhau thắm thiết. Rồi đến những chiếc áo đầy áp chữ ký, những dòng lưu bút dành cho nhau với tình cảm chân thành nhất. Một bầu không khí tốt nghiệp đặc trưng, tôi đứng trước nó với một vẻ lặng thinh pha lẫn với chút bồi hồi. Không phải vì luyến tiếc nơi này, mà là vì chẳng biết rời khỏi đây rồi mình sẽ là ai, là người như nào. Suốt những năm tháng trước đấy mà còn chẳng tìm được mình là ai, liệu có ổn không khi bước ra đời và đối mặt với tất thảy, với phong ba giông bão của tuổi trẻ, của tình yêu mà tôi chưa từng được nếm trải.

Đứng một góc trên sân thượng, tôi trầm ngầm nhìn lại trường một lần cuối, rồi chực ra về, đột nhiên có một cái vỗ vai:

- Lại mò lên đây rồi, cái thằng này!

- Thầy Long! Sao thầy biết em trên này.

Cái áo sơ mi cùng chiếc cà vạt chẳng có vẻ gì là hợp với thầy cả, thường ngày thì cái lão ấy bận áo phông với quần jeans, nếu không để ý có khi còn nhầm với học sinh trong trường. Tính lão cũng tưng tửng, thích thì dạy không thích thì thôi, có lẽ chính vì vậy mà tôi hợp với lão chăng? Còn nhớ lúc tôi thấy mệt mỏi nhất, thì lão xuất hiện, một cách bất ngờ, không hề báo trước và kéo tôi khỏi sự mê muội. Tôi vẫn nhớ như in câu nói hôm đấy của lão:

- Đã không muốn học, thì tao không bắt mày học, nhưng mà mày phải xuất sắc, xuất sắc bậc nhất, không thua một thằng nào hết, thì mày muốn cái gì tao cũng chiều!

Tôi học không được tốt cho lắm, đúng hơn là tôi không muốn học. Hứng thú là điều tôi chẳng bao giờ tìm thấy ở con chữ, số, nguyên hàm, tích phân, logarit, hóa trị,... Nhưng, một chữ NHƯNG to đùng, tôi học được Vật Lý. Trùng hợp thay, lão Long lại là thầy dạy vật lý của tôi. Tôi vẫn ấn tượng cái hôm mà lão ấy xin cho tôi trên Ban giám hiệu. Tôi bị học lại 5 môn, thành tích trong lớp thì tệ hại và tất nhiên nhà trường ra quyết định đình chỉ tôi và gọi điện về cho phụ huynh. Song đúng lúc cái trát đấy sắp đổ xuống đầu tôi thì lão Long xuất hiện. Bước vào phòng Hiệu trưởng, hiên ngang, rồi sau đấy cúi gằm mặt, chịu bao lời sỉ vả và tôi an toàn. Bước ra khỏi cửa, tôi nghĩ lão chửi tôi thậm tệ. Lão chẳng nói một câu, chỉ liếc tôi rồi đi.

Không có lấy một câu trách móc, nhưng cột sống tôi ớn lạnh, lúc sau là hối hận. Hối hận vì mình chưa làm được gì cho lão mà để lão chỉu biết bao nhiêu sỉ vả. Một tuần sau cái sự kiện đấy, tôi được giải Nhất cuộc thi Vật lý của thành phố. Lão Long biết tôi có giải, lão chỉ nhắc nhẹ với tôi:

- Tao còn tưởng tao "luộc" mày rồi con ạ, mấy tháng nữa là thi Quốc gia tuyển quân Olimpic đấy, liệu liệu mà chuẩn bị đi.

Một thái độ chẳng lấy gì là giống một thầy giáo cả, nhưng lão Long khi kèm cặp tôi lại lột xác với những giáo án, những phương pháp độc đáo. Như một con quái thú, thầy dạy vật lý của tôi đã biến tôi từ một thằng giỏi thành một cỗ máy không có lấy một chút sai số. Thầy trò đi với nhau một, hai rồi ba năm, đắng cay, tủi hổ có; vinh quang tột đỉnh là chiếc huy chương đồng Olympic cũng có. Nét chấm phá cứ đan xen nhau, nâng bước, sóng vai và phát triển. Nếu không có "thầy", có lẽ bây giờ tôi đã ở một vị thế hoàn toác khác.

Hai thầy trò đứng một lúc, lão hỏi tôi:

- Thế tốt nghiệp xong thì định làm gì?

Một câu hỏi lạ phải không? Bản thân tôi thấy rất lạ, với tôi, câu hỏi lẽ ra nên xuất hiện ở đây là "thi vào đại học nào", "có định đi du học không",... đúng với một mô típ quen thuộc. Thầy tôi khác, khác ở chỗ lão hỏi tôi muốn làm gì, bản thân tôi mưu cầu cái gì, quyết định cái gì cho chính cuộc sống của mình?

Câu hỏi vừa khiến tôi vui, mà vừa khiến tôi buồn. Chỉ biết lặng thinh, không trả lời lấy một câu với người thầy của mình, tôi cũng thấy mình có lỗi. Thầy không trách tôi, trước khi rời đi ông để lại một câu:

- Ai cũng có tiềm năng của riêng họ, mày cũng thế. Có được cái bộ não đấy là may mắn đấy con, cố gắng mà tìm cho mình một nơi nào đấy, một ai đấy, một cái gì đấy mà mày thực sự thích, đừng tự bó buộc mình nữa.

Nói xong rồi thầy bước đi, dáng vẻ lững thững cùng với hai tay đút túi quần, đến khi chia tay rồi tôi vẫn chẳng thể nuốt nổi cái vẻ vô lo đấy của lão. Tôi bất chợt mở miệng:

- Thầy ơi!

- Hử? Vẫn vương vấn gì tao à ! (Lão lại nở nụ cười nhếch mép)

Tôi không biết nói gì cả, nhưng trong đầu tôi lại ra lệnh cho khuôn miệng phải cất lời. Bối rối, tôi cúi người xuống thật thấp:

- Em cảm ơn thầy ạ!

Lão vẫn chỉ cười, nhưng là một nụ cười chân thành:

- May mắn nhé, Dũng!

Rồi trời đổ mưa, mưa nặng hạt, tưởng như nó cuốn trôi được hết mọi sự vất vả, mệt mỏi mà ở đâu đấy trong lòng tôi vẫn luôn cư ngụ. Hôm nay bố tôi có việc bận nên ông nhắn tôi bắt xe buýt về, trời thì cứ mưa không ngớt còn tôi thì chẳng đem theo ô. Thế nên tôi cứ đứng nhìn mưa, từng dòng người nối đuôi nhau ra về, trường cũng vắng lặng hẳn. Tôi cứ chờ mãi nhưng mưa không ngớt, mà còn thêm nặng hạt. Bỗng có tiếng nói chợt vang lên bên tai:

- Chưa về à mà còn đứng đây làm gì?

Tôi quay ra đằng sau thì thấy Thanh đứng đó, cô ấy học khác lớp tôi nhưng chung đội tuyển Vật Lý nên cũng có quen biết. Tôi bất ngờ:

- Cậu cũng chưa về à, hơi muộn rồi đấy!

- Tôi đang đợi bạn trai, anh đang tập bóng rổ hình như chưa xong.

Tôi thấy hơi gợn trong lòng, vì mặc dù không có hứng thú với trường lớp, tôi vẫn là con người, vẫn có trái tim biết rung động. Và trái tim đấy từng run lên khi đứng trước cô gái đó. Tôi không được lòng bọn con gái, bởi vì cái tính khép kín và cũng có phần nhút nhát của tôi. Nhưng Thanh là một cô gái gì đấy có nét đặc biệt, tôi nghĩ vậy. Cô ấy xinh đẹp và hào nhoáng, hút hồn những đứa con trai nào bắt gặp. Tôi cũng chẳng phải ngoại lệ, cũng mê Thanh như điếu đổ. Cực chẳng đã, tôi cũng quyết tán nàng bằng được, nhưng một thằng lúc nào cũng u ám như tôi như chẳng bao giờ có cửa thắng trong trò chơi này. Thế rồi với những câu bông đùa nhàm chán, quà cáp biếu xén và vài lần làm bài tập hộ nàng, tôi lọt luôn vào danh sách đen (chắc bạn cũng đoán trước được rồi).

Chuyện gì đến cũng phải đến, tôi thổ lộ. Hôm đấy trời cũng mưa to như hôm nay. Cũng may là tôi không mặt dày mà chày cối sau khi bị Thanh từ chối. Tôi nhớ là nhỏ nói đúng một câu:

- Cậu đến gặp tôi có chuyện gì?

- Không có gì hết – Tôi cười nhẹ.

Đứng cạnh cô ấy là một anh chàng mặc quần áo bóng rổ trong đội tuyển trường, cao hơn tôi một cái đầu. Vạm vỡ, đồ sộ và điển trai, cậu ta trong mắt tôi như một pho tượng được điêu khắc tỉ mỉ vậy.

- Bạn của em à?

Thanh đáp lại:

- Không phải đâu anh, quen sương sương thôi – Thanh cười.

Rồi một bàn tay chợt đưa ra, cùng với một nụ cười rạng rỡ:

- Tôi là Trung, bạn trai của Thanh, rất vui được làm quen.

Vẫn biết đấy chỉ là phép tắc xã giao bình thường, nhưng tôi vẫn thấy bất ngờ. Những tưởng mình lại gặp phải những thằng vai u thịt bắp giỏi thể thao như trong mô típ của biết bao phim học đường khác: luôn cộc cằn thô lỗ với mấy đứa mọt sách và được một lũ con gái vây quanh. Kỳ lạ là trước mặt tôi lại là một người lịch thiệp và thân thiện đến không ngờ (tôi cũng không chắc đó có phải thực lòng cậu ta không, các bạn có thể trách tôi đa nghi nếu muốn)

Tôi nắm lấy bàn tay đấy, một bàn tay chai sạn, sần sùi; chắc hẳn cậu đấy đã ném không biết bao nhiêu quả bóng, tập luyện không ngừng nghỉ. Một con người tuyệt vời, tôi nghĩ vậy.

- Rất vui được gặp cậu – tôi nở một nụ cười thật tươi như để thể hiện sự tôn trọng.

- Nếu không có việc gì thì tôi với Thanh đi trước đây.

Hai người dắt tay nhau rời khỏi sân bóng. Còn tôi nán lại một lúc lâu, trong lòng lại ngổn ngang, vừa vui vì người con gái mình thích gặp được người tốt, vừa buồn vì bản thân mình sao lại thua kém nhiều vậy để rồi chẳng có lấy một cơ hội với người mình thầm thương trộm nhớ. Nếu cái vui kia là một phần, thì nỗi buồn phải chín, mười phần. Chút cảm xúc nhỏ nhen đấy hòa lẫn một dư vị của sự ấm ức, của lòng quyết tâm thay đổi, dù chỉ như đốm lửa nhỏ.

Trở lại với thực tại, gặp được Thanh ở những giây phút cuối cùng còn khoác lên màu áo nhà trường, đốm lửa đấy lại được nhen nhóm lên phần nào. Phần vì chút kỉ niệm kia được gợi mở lại, phần vì tôi sắp rời khỏi nơi đây, rời khỏi đất nước này đến một nơi xa xăm nào đó trên quả địa cầu này.

- Cậu với Trung dạo này như nào rồi?

- Tôi với anh ấy vẫn ổn, nhưng sắp có giải đấu lớn nên tôi thấy Trung có vẻ hơi căng thẳng.

Vừa dứt câu thì có một cái bóng cao lớn bước ra, vẫn bản mặt đấy, vẫn nụ cười đấy, chẳng lẫn đi đâu được.

- Dũng đấy à, lâu lắm rồi mới thấy cậu.

Tôi tôn trọng cậu ta ở điểm đấy, mặc dù gặp nhau đã lâu, song Trung vẫn nhớ tên tôi. Mặc dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt, tôi vẫn trân trọng nó.

- Cậu sắp có giải đấu lớn à, chúc may mắn nhé!

- Cảm ơn nhé!

Bố tôi gọi điện cho tôi, chắc xe đã đợi ngoài cổng trường, tôi chưa kịp chào họ câu cuối cùng, chỉ ngoái lại rồi vẫy tay, rồi chạy thật nhanh xuống xe. Giờ tan tầm, đường phố lúc nào cũng đông đúc cả nên tôi phải khẩn trương. Bố không hay đón tôi, thường thì tôi phải tự đi về, phải chăng ngày cuối cùng nên có chút đặc cách nào cho tôi chăng?

Bên trong chiếc xe ô tô là hai con người, bên ngoài kia là biết bao nhiêu con người tất tả ngược xuôi trong trời mưa tầm tã. Khung cảnh rất đỗi thân quen này, rồi tôi sẽ ngăm nhìn nó được bao lâu nữa, rồi cái gì thay thế nó đây.

- Về nhà rồi phản hồi email của các trường đại học đi, tháng sau là con phải bay đấy mà bây giờ vẫn chưa chốt được trường, nhanh nhẹn lên chứ !?

Tôi vẫn trả lời cụt lủn như mọi khi. Tôi vẫn nặng nề như vậy, vẫn chẳng biết được hướng đi của mình sẽ như nào. Về đến nhà, mở email lên là thư ngỏ của biết bao trường đại học nổi tiếng trên thế giới, những nơi mà có mơ một người bình thường sẽ không vào được. Nhưng ở đây học lại mời tôi theo học, với những đề nghị học bổng rất giá trị và khô khan. Cũng phải, với chiếc huy chương của kỳ thi Olympic vật lý, một học sinh như tôi chắc chắn sẽ làm hình ảnh của trường trở nên rực rỡ hơn. Từng dòng chữ cứ đi ngang qua mắt tôi rồi lại chợt vụt mất. Tôi cứ bỏ qua hết từng bức thư một, rồi chợt nhận ra đã đến cái cuối cùng, tới từ Unifi (!?) Sự tò mò lại xuất hiện, tôi bấm vào xem. "Università degli Studi di Firenze", ngôi trường với cái tên kì lạ này ở đâu vậy? Thời gian ở với bà lúc này lại phát huy tác dụng, tôi nhận ra đây là tiếng Ý, và không đâu khác ngoài Firenze ở vùng Toscany. Càng đào sâu tìm hiểu, tôi lại càng thấy cuốn hút về ngôi trường hơn 700 năm tuổi. Với một bề dày lịch sử đồ sộ, đa dạng ngành học, tôi càng muốn đi sâu vào chân trời mới này. Đốm lửa nhen nhóm kia giờ lại vụt lên thành ngọn lửa sáng lòa, sôi sục. Ham thích cái mới lạ, đột phá như đẩy tôi tới mọi giới hạn. Và cả tình yêu với bà nữa, một người phụ nữ say mê nước Ý, chắc hẳn bà đã chuốc say tôi bằng vang Ý và món pasta trứ danh mất rồi.

Chẳng tốn lấy một giây phút do dự nào nữa, tôi apply hồ sơ cho Unifi. Bất ngờ không? Không! Hơn ai khác, ngay lúc này, tôi chắc chắn về quyết định của bản thân.

Lâu rồi tôi mới vui đến thế, có lẽ cảm xúc này đã ẩn chứa lâu quá rồi. Giống như chiếc lò xo được nén lâu ngày chỉ chờ được bung tỏa, tôi cởi bỏ mọi sự ràng buộc khó chịu.

Hôm nay, bà của tôi đến nhà dùng bữa. Và tuyệt vời làm sao khi tôi có cơ hội được thưởng thức món pasta trứ danh của bà cơ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net