Chương 218+219

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 218: ĐIỀN TỬ THÀNH

Khoáng Dã Vô Nhân Nguyệt Tự Minh
Hà Lai Mao Ốc Khổ Ngâm Thanh
Tư Thân Chích Tận Thiên Hàng Lệ
Bất Thúc Đồng Hương Lư Thập Huynh

Dịch:

Trăng Rọi Đồng Không Cảnh Vắng Tanh
Khổ Ngâm Đâu Vẳng Phía Nhà Tranh
Nhớ Cha Tuôn Cạn Hai Hàng Lệ
Đâu Hiểu Đồng Hương Lư Thập Huynh

Điền Tử Thành ở huyện Giang Ninh (tỉnh Giang Tô) qua hồ Động Đình, bị đắm thuyền chết. Con là Tiến sĩ Lương Tự cuối thời Minh, lúc ấy còn ẳm ngữa, vợ là Đỗ thị nghe tin uống thuốc độc tự tử. Lương Tự được bà nội thứ nuôi nấng nên người. Sau đi làm quan ở Hồ Bắc, hơn một năm vâng lệnh quan trên đi công vụ tới Hồ Nam. Lương Tự tới hồ Động Đình thì khóc lớn quay về, tự trình là không đủ tài năng, bị giáng làm Huyện thừa huyện Hán Dương, rất không vui bèn chối từ không nhận chức. Các quan trên bắt ép thôi thúc mãi mới chịu đi, nhưng cứ rong chơi trong chốn sông hồ, không vì đang làm quan mà giữ gìn câu nệ. Một đêm ghé thuyền bên bờ sông, nghe thấy tiếng tiêu dìu dặt rất hay, bèn nhân có trăng lên bộ đi khoảng nửa dặm thì thấy giữa bãi đất trống có vài gian nhà tranh lập lòe ánh đèn.

Tới gần nhìn vào cửa sổ thấy ba người đang uống rượu bên trong, ghế trên là một người Tú tài tuổi khoảng ba mươi, ghế dưới là một ông già, ghế bên cạnh chính là người thổi tiêu, trẻ tuổi nhất. Dứt khúc tiêu, ông già vỗ tay khen hay, người Tú tài thì nhìn vào vách trầm tư tựa hồ không hề nghe thấy. Ông già nói:

- Lô Thập huynh ắt đã có thơ hay, xin ngâm lớn lên cho ta được nghe với.

Người Tú tài bèn ngâm:

Mãn giang phong nguyệt lãnh thê thê
Sấu thảo linh hoa hóa tác nê
Thiên lý vân sơn phi bất đáo
Mông hồn dạ dạ Trúc Kiều tê (tây).

Dịch:

(Trăng gió đầy sông lạnh tịch liêu
Hoa rơi cỏ úa cảnh tiêu điều
Quê nhà ngàn dặm bay không tới
Hồn mộng đêm đêm cạnh Trúc Kiều).

Tiếng ngâm rất ai oán, ông già cười nói:

- Lô Thập huynh cứ làm ra vẻ buồn rầu.

Rồi lấy chén lớn rót rượu, nói:

- Lão phu không thể họa thơ, xin hát để đưa cay vậy.

Liền hát bài:

- Rượu ngon Lan Đình~ ...

Lát xong mọi người đều vui vẻ. Thiếu niên đứng lên nói:

- Ta ra xem trăng lặn tới đâu rồi!

Rồi sấn sổ bước ra, nhìn thấy khách vỗ tay nói:

- Ngoài này có người, bọn ta ngông cuồng bị bắt gặp rồi.

Liền kéo khách vào, Lương Tự chào hỏi mọi người xong, ông già bảo ngồi đối diện với thiếu niên. Lương Tự nâng ly rượu nhắp thử thấy lạnh ngắt, từ chối không uống. Thiếu niên biết ý lập tức đứng dậy, vơ cỏ rơm hâm nóng bưng lên, Lương Tự cũng sai người hầu lấy tiền đi mua rượu nhưng họ cố ngăn lại.

*[Rượu ngon Lan Đình..": nguyên văn là "Lan Đình mỹ tửu" tức "Lan Đình mỹ tửu uất kim hương", câu trong bài Khách trung hành của Lý Bạch thời Đường].

Nhân hỏi tên họ quê quán, Lương Tự nói hết về mình, ông già kính cẩn nói:

- Đó là quê cha mẹ ta, ta họ Giang tên Thiếu Quân, sinh trưởng ở đây.

Kế chỉ thiếu niên nói:

- Đây là Đỗ Dã Hầu ở Giang Tây!

Lại chỉ người Tú tài nói:

- Lô Thập huynh đây là đồng hương với ông.

Lô nhìn Lương Tự có vẻ ngạo nghễ vô lễ, Lương Tự nhân hỏi:

- Nhà ông ở làng nào, thi tài như thế mà sao ta không được nghe ai nói?

Tú tài đáp:

- Xa nhà đã lâu, họ hàng cũng không ai biết, nghĩ thật đáng buồn, không muốn nói ra.

Ông già xua tay rối lên nói:

- Gặp được khách quý, không có tửu lệnh thì cứ ăn nói lằng nhằng như thế, nghe chán lắm.

Rồi nâng chén uống một mình, kế nói:

- Ta có một cái lệnh xin mọi người cùng làm theo, ai không làm được sẽ bị phạt. Cứ gieo ba hột xúc xắc, lấy chữ "Tương phùng" làm lệnh, lại phải có một khúc hát cổ phù hợp.

Rồi gieo được ba mặt nhất nhị tam, bèn đọc:

- Tam thêm nhị nhất cũng tương đồng. Xôi nếp ba năm hẹn Phạm công (1) mừng bè bạn tương phùng.

Kế tới thiếu niên gieo được hai mặt nhị một mặt tứ, nói:

- Người không đọc sách thì chỉ hát khúc dân dã, xin chớ cười. Tứ thêm hai nhị cũng tương đồng, Bốn người gặp gỡ ở thành đông (2), mừng huynh đệ tương phùng.

Lô gieo được hai mặt nhất một mặt nhị, đọc:

- Nhị thêm hai nhất cũng tương đồng, Lữ Hướng hai tay ôm lão ông (3), mừng phụ tử tương phùng.

Lương Tự gieo cũng được như Lô, đọc:

- Nhị thêm hai nhất cũng tương đồng, Mao Dung hai chén đãi Lâm Tông (4) mừng chủ khách tương phùng.

(1) Xôi nếp ba năm hẹn Phạm công: lấy tích Trương Thiệu thời Hán vào nhà Thái học, chơi thân với Phạm Thúc. Khi về, Thúc hẹn ba năm sẽ tới làm lễ ra mắt mẹ Thiệu. Gần đến ngày hẹn, Thiệu thưa với mẹ xin giết gà đồ xôi để đợi, mẹ nói "Xa cách ba năm, hẹn nhau ngàn dặm, sao con tin quá thế!". Đến ngày hẹn quả nhiên Thúc tới. Đây ông già có ý nói Lương Tự là bạn quý của mình.

(2) Bốn người gặp gỡ ở thành đông: lấy tích ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi thời Hán thua trận lạc nhau mỗi người một nơi, sau Quan Vũ biết anh còn sống bèn từ giã Tào Tháo di tìm anh, cuối cùng ba người gặp nhau ở Cổ Thành, lại được thêm Triệu Vân. Đây thiếu niên có ý nói Lương Tự là anh em với mình.

(3) Lữ Hướng hai tay ôm lão ông: lấy tích Lữ Hướng thời Tấn có cha đi xa mấy năm không về, sau nghe đồn cha còn sống nhưng Hướng đi tìm kiếm khắp nơi suốt mấy năm không gặp. Sau Hướng thi đỗ làm quan, một hôm từ triều ra gặp một ông già, nhìn kỹ thì đúng là cha mình, vội xuống ngựu ôm chân cha khóc ròng rồi đón về nhà. Đây Lô có ý nói Lương Tự là con mình.

(4) Mao Dung hai chén đãi Lâm Tông: lấy tích Mao Dung thời Hán chơi với Quách Thái tự Lâm Tông, Thái tới nhà Dung chơi ngủ lại, sáng ra thấy Tông giết gà làm cơm, nghĩ rằng là để đãi mình, kế Dung bưng thịt gà lên mời mẹ, còn mình dọn rau ăn chung với Thái, Thái phục là hiền. Đây Lương Tự có ý nói tuy mình với ba người kia là bạn, nhưng còn có phận sự của kẻ làm con nên phải ra về.

Xong lệnh Lương Tự cáo từ ra về, Lô mới đứng lên nói:

- Là người quê cũ, chưa kịp trò chuyện gì nhiều, sao từ biệt sớm thế. Ta còn có chuyện muốn hỏi, xin nán lại thêm một lúc.

Lương Tự bèn ngồi xuống, hỏi chuyện gì, Lô đáp:

- Ta có người bạn già chết đuối ở hồ Động Đình, có họ hàng gì với ông không?

Lương Tự đáp:

- Đó là cha ta, sao ông biết được?

Lô đáp:

- Lúc trẻ chơi thân với nhau, lúc ông ấy chết chỉ có ta nhìn thấy nên đã thu hài cốt chôn ở bờ sông.

Lương Tự rơi lệ quỳ lạy xin chỉ mộ ở đâu, Lô nói:

- Sáng mai tới đây ta sẽ chỉ cho, cũng dễ nhận thôi, cứ ra cách đây mấy quãng, cứ thấy trên mộ có khóm lau rậm gồm mười cây là đúng.

Lươug Tự khóc ròng cáo từ mọi người, về tới thuyền cả đêm không ngủ được. Lại sực nhớ tới lời lẽ thái độ của Lô như đều có duyên do, sốt ruột không chờ được, mờ sáng trở lại chỗ đó thì không thấy nhà cửa gì cả, vô cùng khiếp sợ.

Kế ra chỗ Lô nói tìm quả nhiên thấy một ngôi mộ trên có khóm lau rậm, đếm thì đúng có mười cây, sực hiểu rằng cái tên Lô Thập huynh là có ngụ ý, người mình gặp chính là hồn cha. Hỏi kỹ dân ở đó thì hai mươi năm trước vùng này có ông họ Cao giàu có hay làm điều lành, ai chết đuối đều tìm vớt thây chôn cất cho, nên có mấy ngôi mộ ở đây. Bèn quật mộ thu lượm hài cốt trở lại thuyền, về nói với bà nội, hỏi lại nét mặt tướng mạo thì đều đúng. Đỗ Dã Hầu ở Giang Tây chính là anh con cô con cậu với Lương Tự, năm mười chín tuổi chết đuối trên sông, sau đó người cha tới lưu ngụ ở Giang Tây. Lại chợt nghĩ ra rằng sau khi Đỗ phu nhân chết thì chôn ở phía tây Trúc Kiều, nên trong bài thơ của cha mới có câu cuối như vậy, chỉ không rõ ông già kia là ai mà thôi.

____________________________________

CHƯƠNG 219: VƯƠNG QUẾ AM

Mã Hoa Anh Hạ Trúc Li Tà
Mộng Cảnh Tầm Lai Lộ Bất Xoa
Tái Đắc Mỹ Nhân Giang Thượng Khứ
Cựu Đình Khiêu Xú Lãng Như Hoa

Dịch:

Hoa Mã Anh Bên Giậu Trúc Tà
Lại Tìm Cảnh Mộng Lối Không Xa
Trên Sông Chở Được Luôn Người Đẹp
Chốn Cũ Neo Thuyền Sóng Tựa Hoa

Vương Cao tự Quế Am là con nhà thế gia ở phủ Đại Danh (tỉnh Hà Bắc), đi chơi xuống miền nam, ghé thuyền vào bờ sông. Trong thuyền bên cạnh có cô gái ngồi thêu giày, xinh đẹp tuyệt trần. Vương nhìn chằm chằm hồi lâu mà nàng như vẫn không hay biết. Vương ngâm nga:

- Cô gái Lạc Dương nhà trước cửa.

Cố ý để nàng nghe, cô gái như hiểu là vì mình, khẽ ngẩng đầu liếc qua rồi cúi xuống thêu như cũ. Vương tâm thần càng điên đảo, lấy một thoi vàng từ xa thảy tới trúng vạt áo cô gái, nàng cầm lên ném đi như không biết đó là vàng. Thoi vàng rơi lên bờ, Vương nhặt về rồi lại thảy một cái vòng vàng rơi xuống dưới chân cô gái, nàng vẫn tiếp tục thêu không nhìn tới. Không bao lâu người nhà thuyền trở về, Vương sợ ông ta nhìn thấy cái vòng cân vặn con gái, vô cùng nóng ruột, nhưng cô gái ung dung nhấc đôi hài giẫm lên che đi. Người nhà thuyền cởi dây thuận dòng chèo đi, Vương tâm tình chán nản ngồi ngẩn ra nghĩ vẩn vơ. Lúc ấy Vương vừa cưới vợ thì vợ chết nên hối hận vì không lập tức nghĩ tới việc nhờ người mai mối. Bèn hỏi thăm các thuyền chung quanh nhưng họ đều không biết họ tên cô gái, liền cho quay thuyền đuổi gấp theo, nhìn ngó mỏi mắt mà thuyền kia mất hút không biết đi về đâu. Vương bất đắc dĩ phải cho quay thuyền xuôi nam, việc xong trở ra bắc, dọc đường hỏi thăm hai bên bờ rất kỹ nhưng không hề có tin tức gì, về tới nhà rồi lúc ăn lúc ngủ đều tơ tưởng tới nàng.

*[Cô gái Lạc Dương nhà trước cửa: nguyên văn là "Lạc Dương nữ nhi đối môn cư" câu trong bài Lạc Dương nữ nhi hành của Vương Duy thời Đường].

Qua năm sau Vương lại đi xuống phía nam, mua một chiếc thuyền ở hẳn trên đó, ngày ngày nhìn ngó những thuyền bè qua lại, thuộc cả cánh buồm bánh lái nhưng chiếc thuyền năm xưa vẫn bặt tăm. Được nửa năm hết tiền đành quay về, ra tưởng vào nhớ không buồn làm việc gì cả. Một đêm nằm mơ thấy tới một làng ven sông, đi qua mấy ngõ thấy một căn nhà cánh cổng bằng tre quay về hướng nam, phía trong có giậu trúc thưa, cho là vườn hóng mát liền lần vào. Thấy có một gốc dạ hợp đầy dây tơ hồng phủ kín, nghĩ thầm thật đúng với câu thơ: "Mã anh trước cổng gốc đầy hoa".

Đi thêm vài chặng, thấy giậu tường vi tươi tốt lại lần vào, thấy phía bắc có căn nhà ba gian, hai cánh cửa khép kín, phía nam có gian nhà nhỏ, lá chuối che khuất cửa sổ, thò đầu vào nhìn thấy ngay cửa có cái giá áo trên treo chiếc quần hoa, biết là phòng đàn bà con gái vội vàng lui ra. Nhưng bên trong đã biết, có một người chạy ra nhìn khách, môi son má phấn, chính là cô gái trong thuyền năm xưa.

*[Mã anh trước cổng gốc đầy hoa: nguyên văn là "Môn tiền nhất thụ mã anh hoa", câu trong bài Bàn Đường giang thượng thị nùng gia của Thủy Tiên Thần thời Thanh].

Vương quá mừng rỡ bật kêu lên:

- Cũng còn có lúc gặp nhau sao?

Đang định bước tới ôm lấy thì cha nàng vừa về tới, giật mình tỉnh dậy mới biết là nằm mơ. Nhưng vẫn nhớ rõ ràng cảnh vật đã thấy, giữ kín sợ nói ra cho người khác biết thì hỏng mất giấc mộng đẹp. Hơn năm sau Vương lại tới Trấn Giang, phía nam quận có quan Thái bộc họ Từ vốn là thế giao mời Vương tới uống rượu. Vương phóng ngựa đi, lạc vào một thôn nhỏ, thấy đường sá cảnh vật quen quen như từng tới rồi, trong một cánh cổng cũng có một gốc mã anh sờ sờ, phát hoảng vứt roi xuống ngựa lần vào thì cảnh sắc chung quanh không khác gì trong giấc mơ năm trước. Lại đi vào nữa thì nhà cửa phòng ốc cũng giống hệt, biết giấc mơ đã nghiệm bèn không nghĩ ngợi gì nữa, đi thẳng vào gian nhà phía nam. Cô gái trong thuyền năm xưa quả đang ở đó, vừa nhìn thấy Vương từ xa đã giật mình đứng lên núp sau cánh cửa quát hỏi là đàn ông ở đâu? Vương rụt rè bước tới, vẫn còn ngờ là đang nằm mơ, cô gái nghe tiếng bước chân tới gần liền đóng sầm cửa lại. Vương nói:

- Nàng không nhớ người ném cái vòng sao?

Rồi kể lể nỗi khổ nhớ nhung, thuật lại cả giấc mơ. Cô gái bên trong cánh cửa hỏi vọng ra về gia thế, Vương nói rõ hết. Cô gái nói:

- Đã là dòng dõi nhà quan thì thiếu gì giai nhân, cần gì tới thiếp?

Vương đáp:

- Nếu không vì nàng thì ta đã cưới vợ lâu rồi.

Cô gái nói:

- Nếu đúng như thế thì đủ biết lòng chàng rồi. Nông nỗi này thiếp không thể thưa với cha mẹ, nhưng thật ra cũng đã cãi lời mà chối từ mấy người tới dạm hỏi rồi. Cái vòng vàng vẫn còn đây, vẫn nghĩ nếu là người chung tình ắt sẽ tìm hỏi cho ra tin tức. Hiện nay cha mẹ qua thăm bên ngoại cũng sắp về, chàng cứ về nhờ mai mối tới hỏi, chắc chắn là được. Còn nếu muốn nên đôi lứa trái lễ thì tính sai rồi đấy.

Vương thảng thốt quay ra, cô gái gọi với theo nói:

- Vương lang, thiếp tên Vân Nương, họ Mạnh, cha thiếp tự là Giang Ly.

Vương ghi nhớ rồi đi. Xong tiệc ở nhà Thái bộc, Vương vội quay về xin gặp ông Giang Ly, ông đón vào mời ngồi bên giậu trúc. Vương kể gia thế, kế ngỏ ý rồi đưa ngay ra trăm lượng vàng nộp sính lễ. Ông nói:

- Con ta đã hứa gả rồi!

Vương nói:

- Ta đã hỏi đích xác là chưa nhận lời ai, sao ông cự tuyệt thẳng thừng như vậy?

Ông đáp:

- Vừa nhận lời xong, thật không dám nói dối.

Vương bàng hoàng thẫn thờ chào về, không biết có đúng thế không, đêm ấy cứ trằn trọc, tiếc là không có ai làm mai mối cho. Trước đã định nhờ Thái bộc, nhưng sợ cưới con nhà thuyền bị ông cười, nay việc đã gấp không biết nhờ ai, sáng ra đành tới gặp Thái bộc thưa thật lại chuyện. Thái bộc nói:

- Ông ấy có họ hàng với ta, là cháu đích tôn của bà ngoại ta, sao không nói sớm?

Lúc ấy Vương mới kể rõ ẩn tình, Thái bộc ngờ vực nói:

- Giang Ly tuy nghèo nhưng không làm nghề chèo thuyền để sống, có lầm không đấy?

Bèn sai con trai là Đại lang tới nhà ông Mạnh, ông Mạnh nói:

- Ta tuy nghèo nhưng không phải là kẻ bán con gái. Mới rồi công tử đem vàng tới tự làm mối, có lẽ cho rằng ta thấy lợi sẽ động lòng, nên ta không dám hứa gả. Nay đã có lệnh của tiên sinh, ắt không có chuyện sai quấy ngang trái, nhưng con bé bướng bỉnh nhà ta cậy được nuông chiều, từ chối nhiều nhà giàu sang rồi, phải bàn lại với nó để về sau nó khỏi oán là phải lấy chồng xa.

Rồi đứng dậy vào nhà trong, giây lát trở ra chắp tay xin nhận lời, hẹn ngày cưới rồi chia tay.

Đại lang về báo lại, Vương bèn sửa soạn đồ lễ rất hậu đưa tới nhà Mạnh nộp sính lễ, mượn nhà Thái bộc đón dâu làm lễ cưới. Được ba ngày Vương từ biệt nhạc gia về bắc, đêm ngủ trong thuyền hỏi Vân Nương rằng:

- Trước đây gặp nàng ở chỗ ấy, ta đã ngờ không phải là con nhà thuyền, hôm ấy nàng ngồi thuyền đi đâu?

Vân Nương đáp:

- Nhà chú thiếp ở bờ bắc sông, hôm ấy thiếp chỉ tình cờ mượn thuyền đi ngắm cảnh thôi. Nhà thiếp chỉ tạm đủ ăn nhưng không coi trọng loại tiền bạc đột nhiên mà có, thật đáng cười chàng hai mắt chỉ nhỏ bằng hạt đậu, mấy lần đem vàng ra mong làm người ta xiêu lòng. Khi vừa nghe tiếng ngâm thơ đã biết chàng là bậc văn sĩ phong nhã nhưng cũng còn ngờ là kẻ phóng đãng đi tìm loại đàn bà hư hỏng. Nếu để cho cha thấy cái vòng ấy thì chàng cứ gọi là chết không có đất chôn, lòng thiếp mến tài như thế tha thiết đấy chứ.

Vương cười nói:

- Nàng sâu sắc lắm, nhưng cũng mắc kế của ta rồi.

Vân Nương hỏi là chuyện gì, Vương không đáp, nàng hỏi gặng mãi mới nói:

- Sắp tới nhà rồi, chuyện này không thể giấu được mãi nên nói thật với nàng ta đã có vợ ở nhà, là con gái Thượng thư họ Ngô.

Vân Nương không tin, Vương làm ra vẻ nghiêm trang như thật, nàng biến sắc im lặng hồi lâu rồi chợt vùng dậy lao ra ngoài. Vương lật đật đuổi theo ra thì nàng đã gieo mình xuống sông rồi. Vương la lớn, thuyền bè quanh đó náo động nhưng đêm tối mịt mùng, trên mặt sông chỉ còn toàn là bóng sao lung linh. Vương đau xót khóc lóc suốt đêm, thả thuyền theo ven sông trả tiền thật hậu thuê người tìm kiếm thi hài nhưng không thấy đâu, rầu rĩ về nhà, vừa đau thương vừa buồn tủi. Lại lo cha vợ tới thăm con gái thì không biết ăn nói ra sao, nhân có người anh rể làm quan ở Hà Nam bèn sai đánh xe tới chơi, hơn một năm mới về.

Giữa đường gặp mưa, trú lại trong một nhà dân, thấy phòng xá sạch sẽ, có bà già đang chơi với một đứa nhỏ trong phòng. Đứa nhỏ thấy Vương vào lập tức giơ tay đòi bế, Vương lấy làm lạ nhưng thấy kháu khỉnh dễ thương bèn đặt nó lên đầu gối, bà già gọi mà nó không chịu rời ra. Lát sau tạnh mưa, Vương nhấc đứa nhỏ lên đưa cho bà già, bước ra chuẩn bị lên đường, đứa nhỏ khóc kêu:

- Cha đi mất rồi!

Bà già ngượng ngùng, quát mắng mà nó không chịu nín đành bế xốc đi chỗ khác. Vương đang ngồi chờ sửa soạn xe kiệu, chợt có một cô gái đẹp từ sau bình phong bế đứa nhỏ bước ra, chính là Vân Nương. Vương đang sửng sốt thì Vân Nương mắng:

- Gã bạc tình kia! Để lại một cục thịt này làm gì?

Lúc ấy Vương mới biết đó là con mình, trong lòng chua xót áy náy, chưa hỏi việc nàng vừa qua lưu lạc thế nào, cứ phân trần rằng trước đây chỉ là nói đùa, thề độc để bày tỏ, Vân Nương mới đổi tức giận thành buồn thương, nhìn nhau rơi nước mắt.

Trước là ông Mạc chủ nhà này sáu mươi tuổi mà không có con trai, đưa vợ tới chùa Quan âm cầu tự trở về, trên đường ghé vào bờ sông, vừa gặp lúc Vân Nương bị sóng cuốn chạm vào thuyền. Ông Mạc sai người vớt lên cứu chữa suốt đêm mới tỉnh lại. Hai ông bà thấy nàng xinh đẹp mừng lắm, coi như con ruột, đưa luôn về nhà. Được vài tháng định gả chồng cho nhưng nàng không chịu, qua mười tháng nàng sinh được một con trai đặt tên là Ký Sinh, lúc Vương vào nhà ấy trú mưa thì Ký Sinh mới được đầy năm. Vương lập tức cởi hành lý vào lạy ông bà Mạc, nhận nhau làm cha mẹ vợ và con rể. Ở lại vài ngày Vương mới đưa cả gia đình về, tới nhà thì ông Mạnh tới đợi đã hai tháng. Khi ông mới tới, thấy bọn tôi tớ trong nhà ấp úng sợ sệt rất lạ lùng ngờ vực, gặp con rồi mới vui vẻ khoan khoái, đến khi nghe kể lại mọi việc mới biết sở dĩ họ có vẻ khác lạ là vì như thế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net