Luat mua ban hang hoa QT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

LUậT MUA BÁN HÀNG HÓA QUốC Tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hình thức pháp lý của quan hệ thương mại quốc tế, chính vì vậy nó bị sự điều chỉnh bởi nguồn luật thương mại quốc tế, bao gồm các điều ước về mua bán hàng hóa quốc tế, các tập quán quốc tế về thương mại, tiền lệ pháp và pháp luật quốc gia.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến nay, các quan hệ thương mại quốc tế giữa thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài được thiết lập ngày càng nhiều và tỷ lệ thuận với nó là số lượng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, một thực tế là còn khá nhiều thương nhân trong nước tỏ ra lúng túng khi tham gia đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, điều này xuất phát từ việc chưa nắm và hiểu rõ các vấn đề liên quan đến luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Chính vì vậy, "Luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế" sẽ là một trong những vấn đề mà doanh nhân phải tìm hiểu.

Điều ước quốc tế về thương mại là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể của luật quốc tế, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thương mại quốc tế. Căn cứ vào chủ thể, điều ước quốc tế được phân thành hai loại là điều ước quốc tế song phương và điều ước quốc tế đa phương. Hiện nay, một số điều ước sau được áp dụng cho việc mua bán hàng hóa quốc tế là: Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (còn gọi là Công ước CISG - United Nations Convention on Contracts for the International Sales of Goods) được ký ngày 11/4/1980 tại Viên, cho đến nay đã có hơn 60 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia công ước Viên 1980, nên về nguyên tắc Công ước không có hiệu lực ràng buộc đối với các chủ thể là thương nhân Việt Nam trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài; Công ước Lahay ngày 15/6/1955 về luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo Công ước này, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải tuân thủ theo luật mà các bên lựa chọn. Nếu không có sự thỏa thuận thống nhất của các bên về luật áp dụng thì luật của nước nơi người bán thường trú sẽ được áp dụng trừ một số trường hợp ngoại lệ; Công ước Rome ngày 19/6/1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Công ước này được ký kết bởi 9 nước thành viên châu Âu, sau đó có sự tham gia của 6 nước châu Âu khác. Các quy định của Công ước được áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng liên quan đến trường hợp lựa chọn luật của các nước khác nhau; Các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước mà điển hình là Hiệp định về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ ngày 16/10/2001. Hiệp định buôn bán hàng dệt may Việt Nam - EU và gần 100 hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã ký với các nước khác.

Tập quán thương mại (lex mercatoria) là các thói quen thương mại được hình thành từ lâu đời, có nội dung rõ ràng, được áp dụng liên tục trong thương mại quốc tế, được chấp nhận có giá trị pháp lý bắt buộc. Thông thường, tập quán, tập quán thương mại quốc tế trở thành luật áp dụng chung đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi các bên lựa chọn. Một trong những tập quán thông dụng trong thương mại quốc tế hiện nay là các điều kiện thương mại quốc tế - Incoterms (International Commercial Terms) do Phòng thương mại quốc tế - ICC ban hành năm 1936, được sửa đổi bổ sung năm 1953, 1967, 1980, 1990 và gần đây nhất là năm 2000; Quy tắc chung về tập quán và thực hành tín dụng chứng từ (UCP 500); Bộ nguyên tắc của UNIDROIT; Luật mẫu của trọng tài UNCITRAL ban hành năm 1985; Công ước New York năm 1958...

Tiền lệ pháp (án lệ) về thương mại là các quy tắc pháp luật hình thành từ thực tiễn xét xử của Tòa án được gọi là tiền lệ pháp và chủ yếu được áp dụng tại các nước theo hệ thống luật Anh - Mỹ (Anglo Saxon), tại đây các Tòa án thường sử dụng một hoặc một số phán quyết của Tòa án đã được công bố để làm khuôn mẫu áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp tương tự.

Pháp luật quốc gia với tư cách là nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa của quốc gia đó. Luật quốc gia trở thành luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong các trường hợp sau: Khi các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận trong điều khoản luật áp dụng của hợp đồng về việc chọn luật của một bên hoặc bên thứ ba để điều chỉnh hợp đồng; Khi điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan, luật quốc gia đương nhiên trở thành luật áp dụng; Khi có quy định của pháp luật quốc gia. Theo pháp luật Việt Nam thì tư cách pháp lý của mỗi bên tham gia hợp đồng và hình thức của hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự 2005 (BLDS) và Luật thương mại 2005 (LTM).

Trong quá trình đàm phán ký hết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các chủ thể có quyền tự do lựa chọn luật áp dụng để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng (lex voluntaties). Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong việc chọn luật để điều chỉnh phù hợp với ý chí của mình khi có tranh chấp xảy ra. Đây là nguyên tắc lựa chọn luật áp dụng được luật quốc tế và luật của nhiều quốc gia thừa nhận. Trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc tự do xác định luật được áp dụng tại Điều 759 BLDS và Khoản 2 Điều 5 LTM. Bên cạnh đó, nguyên tắc xác định luật áp dụng trên cơ sở mối quan hệ gắn bó cũng được sử dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo đó, nguyên tắc này được áp dụng khi các bên không có sự thỏa thuận chọn luật áp dụng khi ký kết hợp đồng (trong hợp đồng không có điều khoản hay nội dung nào về việc chọn luật áp dụng).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xác định luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định tại BLDS; LTM; Bộ luật hàng hải năm 2005 (BLHH); Luật hàng không dân dụng Việt Nam 1992 (LHKDD), được sửa đổi, bổ sung năm 1995; Pháp lệnh trọng tài Thương mại 2003 (PLTTTM). Theo đó, Điều 758 BLDS quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam, nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. Điều 4 và Điều 5 LTM quy định về các loại nguồn pháp luật có thể áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều 3 BLHH quy định về pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng hàng hải trong thương mại. Điều 4 LHKDD quy định tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể thỏa thuận với tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc áp dụng pháp luật nước ngoài khi ký kết hợp đồng vận chuyển, dịch vụ hàng không với điều kiện không vi phạm điều cấm của pháp luật và phong tục tập quán Việt Nam. Điều 5 quy định về việc xác định pháp luật áp dụng khi có xung đột pháp luật. Điều 7 PLTTTM quy định các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại có quyền tự do thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng và cơ quan trọng tài sẽ áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Tuy nhiên, quyền tự do lựa chọn luật của các bên bị hạn chế. Ngoài ra, khoản 5 Điều 49 của PLTTTM còn quy định ngoài quyền tự do lựa chọn và áp dụng pháp luật nước ngoài, các bên còn có quyền thỏa thuận chọn tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh quan hệ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#lmbhhqt