3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cốc! Cốc! Cốc! 

- Qua phòng tao mà nằm!

Giọng Lý Đông Hách vang lên qua khe cửa. Người bên trong như thể trông chờ khoảnh khắc này rất lâu, không đợi cậu nói hết câu, La Tại Dân vồ ra khỏi phòng bám lên người cậu. Mới bị phụ thân đại nhân mắng một trận xong, tâm trạng của Đông Hách trở nên ỉu xìu, không thèm quát tháo mà cứ mặc kệ đứa bạn xem mình như móc treo áo đến tận phòng.

- Mày tắm rửa gì chưa đấy!

- Rồi! Thời gian mày với bác tâm sự đủ để tao tắm cả chục lần.

- Thế thì đợi tao! Tắm xong mình chơi game.

- Không học bài à! Mai có bài kiểm tra đấy.

Thở dài ngao ngán, Lý Đông Hách làm sao quên được lý do hôm nay cậu bị mắng.

- Thôi thì học xong mình chơi.

Tiếng nước chảy róc rách trong phòng tắm, La Tại Dân chẳng muốn làm gì bỗng nổi lên máu chọc ghẹo. Cậu lục lọi mọi ngóc ngách trong phòng cố tìm cho ra tấm hình Lý Đông Hách giả gái hồi cấp hai. Hồi đó hai đứa vẫn dính với nhau như keo dán sắt, trường tổ chức hội thi kịch, cả lớp đều bầu La Tại Dân vào vai hoàng tử, nhưng tên này nào có chịu, nhìn nguyên tắc thế thôi chứ nó thích mấy thứ kỳ quái. Thà kêu nó đóng vai chú lùn còn hơn là hoàng tử chỉ được cái đẹp mã chứ chẳng có tí chiều sâu nào. Đa số thắng thiểu số, huống chi cái thiểu số chỉ có một mình nó. Yếu thế, La Tại Dân đưa ra tuyệt chiêu cuối cùng, nó tuyên bố sẽ vào vai hoàng tử nếu Lý Đông Hách chịu làm công chúa Bạch Tuyết của nó. Phải biết Đông Hách hồi đó đáng yêu cỡ nào, răng trắng mắt xinh, trông chẳng khác gì cục bông di động, nhìn là muốn nhào lại ôm hôn mãi thôi. So với Bạch Tuyết xinh đẹp mỹ miều thì chẳng hợp tí nào, nghĩ thế nên nó mới kêu đứa bạn thân ra làm lá chắn.

Bây giờ nhớ lại, La Tại Dân thầm trách sao mình lúc trẻ ngu thế, dù bây giờ nó cũng không được xem là già. Khi không lại đem một đứa hiền khô ai nói gì cũng nghe như Lý Đông Hách ra làm bia đỡ đạn, thành ra cả lớp không chỉ không có mống nào phản đối mà giống như uống thêm liều thuốc xổ, hùa nhau ủng hộ ý kiến điên rồ của nó. Thậm chí còn đòi cảnh hôn phải diễn thật để khán giả bất ngờ chơi. Dù sao kịch bản gốc tụi nó cũng xé thành nát bét rồi nên chẳng thèm quan tâm đến ý kiến của nhà trường, mấu chốt là làm sao cho đám học sinh có một đêm hội không thể nào quên.

- Mày đang làm gì thế? Tính phá nhà bố à? - Nhìn Lý Đông Hách hùng hổ đóng của phòng tắm, La Tại Dân không thể nào liên kết được với cục bông trong quá khứ. Dù cậu ta bây giờ nhìn cũng tròn cũng mềm, nhưng cái tính dễ thương ngày xưa đã bị chó gặm sạch sẽ.

- Cái tấm hình hồi xưa tao với mày diễn kịch mày để đâu rồi? - La Tại Dân miệng hỏi nhưng tay vẫn không ngừng tìm kiếm.

- Mày tìm cái đó làm gì? - Lý Đông Hách cảm thấy không ổn.

- Muốn ôn kỷ niệm lại một chút đó mà. Với lại... - La Tại Dân vô tình nhìn sang người vừa tắm xong kia một lần rồi rơi vào trầm tư.

Bỗng dưng, nó hét lên như một đứa ăn mày đánh mất số tiền cả ngày đi xin mới có được "Mày đứng yên đó!" rồi vọt thẳng lên giường lấy điện thoại khiến Đông Hách giật mình sửng sốt, sợ bạn mình lại lên cơn điên.

Tách!

Tiếng điện thoại vang lên. Lưu lại khoảnh khắc chết người của Đông Hách. Tóc ướt đẫm, mắt đỏ long lanh, còn có xíu gì đó trông hoảng sợ. Trên người mặc áo sơ mi kèm với cái quần thun rộng.Nếu để người có ý nhìn thấy thì chỉ còn nước nhốt cậu nhà không cho ai tới gần.

La Tại Dân thầm cảm thán. Quá khứ là quá khứ, hiện tại vẫn ngon hơn nhiều.

- Bạn à! Bạn có biết bạn đẹp lắm không?

- Thằng khùng! - Ném khăn ướt lên mặt La Tại Dân, Lý Đông Hách đi tìm máy sấy tóc.

Ngẫm nghĩ một hồi, mặc dù kế hoạch ban đầu thất bại, nhưng tấm hình mới vừa chụp được lại là tuyệt tác có một không hai, La Tại Dân quyết định đăng tải khoảnh khắc đó lên vòng bạn bè kèm dòng trạng thái tình tứ.

"Không ngờ cục bông hiền lành ngày ấy của tôi lại có thể trở nên quyến rũ như vậy!"

- Học bài đi nào! Nhanh lên còn chơi! - Lý Đông Hách cứu bạn mình ra khỏi cái màn hình điện thoại.

Nghe thế La Tại Dân cũng lật mình ngồi dậy, hai đứa bắt đầu chìm đắm trong đống chữ nghĩa. Lý Đông Hách không phải là một đứa học tệ, nếu không cậu đã không bị ông Lý dặn dò vài câu rồi thả về. La Tại Dân cũng vậy, huống hồ mẹ nó là chủ tịch hội phụ huynh học sinh. Học tệ là do tụi nó muốn xem thử xem liệu điểm bản thân muốn với điểm lúc phát ra có khớp nhau không. Nói chung cũng chỉ là trò chơi của hai thằng nhóc rảnh rỗi.

Tính tới giờ, cả hai làm bạn với nhau tầm đâu đó mười một năm, tính từ lúc vô học tiểu học. Gia thế hai bên tương xứng, đều thuộc dòng dõi có thế lực, luôn đặt lễ nghĩa lên hàng đầu, cho nên từ nhỏ đến giờ vẫn luôn được nhận được một nền giáo dục vượt trội nhưng không tách rời với xã hội. Ví dụ rõ ràng là học tại một trường công lập, nhưng tiện nghi vật chất lại tốt vô cùng. Chỉ nhìn như thế cũng đủ thấy phụ huynh hai nhà có tư duy giống nhau như thế nào.

- Mai điền phiếu nguyện vọng, mày tính đăng ký học trường nào thế? - Chợt nhớ đến lời dặn dò của giáo viên chủ nhiệm sáng nay, La Tại Dân gợi chuyện khi hai đứa nằm thẳng cẳng trên giường. Học hành mệt mỏi, chẳng còn sức nào để chơi game.

- Đại học Quốc gia.

- Chung trường với ông Hưởng! Chẳng lẽ mày ...

- Không phải, ba tao muốn tao vào đó. - Không để bạn nói hết, Lý Đông Hách cắt ngang. - Còn mày?

- Tao muốn học báo chí, nhưng chưa biết chọn trường nào. - Dừng một lát, nó lên tiếng - Thôi thì tao đi chung với mày, Đại học Quốc Gia có khoa báo.

- Vậy thì tốt. Học chung như thế thì mày có cơ hội bảo vệ tao!

- Ai rỗi hơi lại đi bảo vệ một thằng lớn xác như mày?

- Xác tao không cần mày lo, nhưng tao cần người kéo tao ra khỏi đống lùm xùm. Mà chuyện này, với một đứa có mối quan hệ rộng như mày, đổi đen thay trắng là một việc quá dễ dàng. Huống hồ, điều mày làm chỉ là trả lại sự thật cho mọi người.

- Bạn à! Bạn nói thẳng ra luôn được không? Xưa giờ có vụ nào mà mày không xử lý được đâu chứ, khi không lại nhờ tao?

- Tao mới nhận được tin từ anh họ của cô ả kia, người này giống như kẻ thừa trong dòng tộc. Báo rằng nhà họ Tuệ đã phá sản, không còn đủ tiền chu cấp cho việc học của ả ở nước ngoài.

- Nghĩa là ả rắn kia sẽ về? - La Tại Dân bắt đầu nhận ra điều gì đó.

- Ừ! Hoàn thành chương trình cấp ba bên đó sẽ về.

- Và mày đang nghi ả sẽ vào chung trường đại học với mày...và cả ông Hưởng.

- Tám phần chắc chắn là thế!

- Vậy thì ông đây phải hạ xá mà bảo vệ mày thôi! Với cái xướng như mày, mười cái đầu cũng chẳng đấu nổi ả ta.

Im lặng một hồi, La Tại Dân như chợt nhớ ra điều gì đó:

- Vậy ông Hưởng? Ông Hưởng thì sao?

- Tất nhiên tao cũng nhờ mày rồi. Dù tao có muốn cho anh ta một bài học đầy đau đớn, nhưng nhớ đến những ân nghĩa ngày xưa thì lại chẳng thể làm gì. Có trách cũng chỉ có thể trách mẹ tao dạy tao làm người quá tốt, hoặc là, quá yếu đuối.

Một người tâm cơ như Tuệ Nhi, ngày còn là cành vàng lá ngọc đã có thể cúi mình chấp nhận Lý Minh Hưởng thì làm sao một Tuệ Nhi khi đã sa cơ lại không thể cố chấp mà bám lấy anh ta, nhất là khi người này là cọng rơm cứu mạng duy nhất của ả. Nếu không nắm chặt Lý Minh Hưởng, đảm bảo ả cũng sẽ rơi vào tay của một kẻ quyền lực nào đó để cứu tộc họ Tuệ khỏi vũng bùn. Đây là trách nhiệm của ả, vì đã sinh ra với chiếc muỗng nạm ngọc.

- Mày nghĩ ông Hưởng có thể thay đổi tình thế nhà họ không? - Như đọc được suy nghĩ của nhau, La Tại Dân ngắc ngứ lên tiếng hỏi về vấn đề mà mình không chắc cho lắm.

- Có thể! Nhà tao đã cho anh ta rất nhiều quyền lực trong tay, đúng ra là cha của hắn. Nhưng thân là đứa con trai duy nhất, mọi quyền lực đều sẽ trôi cả vào tay của người này. Huống hồ, cha anh ta cũng xem như đã nửa kín nửa hở thông báo cho mọi người trong giới về vấn đề này rồi.

- Nhưng có vẻ có muốn cứu cũng mất khá nhiều thời gian. So với quyền lực từng có của Tuệ gia, anh ta hiện tại cũng chỉ hơn được vài phần.

- Ít ra sự lựa chọn này vẫn an toàn hơn là nhắm mắt chờ đợi không biết bản thân sẽ rơi vào kẻ quyền thế nào. Vả lại, như mày mới nói, sức lực một mình của anh ta bây giờ đã hơn đỉnh cao thời hoàng kim của gia tộc nhà họ. Chỉ có kẻ ngốc mới không chịu bám vào.

Muốn cứu một gia tộc đang sa cơ thất thế không phải là một chuyện quá khó, với một gia tộc khác to hơn gấp nhiều lần là mọi việc sẽ thay đổi trong chớp mắt. Lý Minh Hưởng quyền thế hơn Tuệ gia là thật, nhưng chưa đủ to để cứu họ ra khỏi cảnh đói khổ chỉ trong chốc lát. Lý Đông Hách biết anh sẽ trở thành con cờ mà Tuệ Nhi nhắm vào để chiếm một chân trong công ty nhà cậu, mà những chiêu ả chơi, cậu chẳng thể nào lường trước được. Không biết sắp tới đây sẽ xảy ra chuyện gì, đành phải trông chờ vào La Tại Dân giải quyết giúp. Phần mình, trách nhiệm của cậu là phải làm cho cả Lý thị và La thị trở thành hai gia tộc phát triển nhanh nhất và mạnh nhất, để khi La Tại Dân cần dùng để giải quyết công việc thì sẽ luôn có nguồn tài nguyên dồi dào để ra tay xả láng.

- Tiểu La, Tiểu Hách đâu rồi sao không xuống ăn sáng?

- Bác biết cậu ấy lề mề cỡ nào mà! Con kêu rát cổ họng mới chịu dậy đó. - Tranh thủ không có Đông Hách ở đây, La Tại Dân âm thầm ngáp ngắn ngáp dài đâm bạn mình một dao.

- Cháu cũng tử tế quá cơ! Ước gì ngày trẻ bác cũng có một người bạn thân như cháu. Chứ ngày nhỏ ấy à, bác toàn phải lo cho mẹ cháu không đấy.

- Ba cháu mà nghe bác nói thế kiểu gì cũng hiểu lầm cho mà xem.

- Ha ha - Ba Lý bật cười - Cháu nghĩ ai dám lấy sư tử Hà Đông như mẹ cháu làm vợ ngoài ba cháu chứ.

- Hai người nói gì mà vui thế? - Lý Đông Hách ngáp muốn rớt cằm bước tới gần bàn ăn.

- Tiểu La bảo ba ngày xưa thích mẹ nó đấy Tiểu Hách à? - Ba Lý chuyển mũi dao sang La Tại Dân.

Đông Hách trợn trừng mắt như không tin vào những gì mình vừa nghe.

- Mày đừng bảo mày không biết tình sử ba mẹ tao hồi xưa oanh tạc thế nào! Ba mẹ mày hồi đó còn đẩy thuyền cho nhà tao, hận không lắp được tên lửa để trôi cho thật nhanh thôi đấy.

- Ai mà không biết! Mẹ tao kể nghe muốn nát cả não. Cô Lý bây giờ mà còn sống, đảm bảo hạnh phúc không ai sánh lại.

- Dù có mất sớm, thì cô ấy cũng là người hạnh phúc nhất đời này rồi Tiểu La! - Ba Lý nói với nụ cười còn vương nơi khóe mắt. Mỗi lần nhắc về người vợ quá cố, ông đều thấy ấm áp trong tim.

Thu mọi khung cảnh từ nhà ăn vào trong mắt, Lý Minh Hưởng đứng từ xa cúi đầu không biết là đang suy nghĩ điều gì.

Trong câu chuyện xưa của nhiều chục năm về trước, khi phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy vẫn còn in đậm trong suy nghĩ của mỗi người, ba mẹ Lý đã được đặt duyên phận cho nhau từ lúc mới vừa sinh ra. Cứ ngỡ nhân duyên được tạo nên từ mục đích kinh tế sẽ chẳng đâu vào đâu, giả sử có đi tới đám cưới thì cũng gãy gánh giữa đường. Nhưng không, ba mẹ Lý dù không dính nhau từ nhỏ tới lớn như những cặp thanh mai trúc mã khác nhưng tình cảm vô cùng mặn nồng. Bên ngoại Lý Đông Hách là gia đình có truyền thống nghệ thuật rất lớn, dù tài sản không nhiều như bên nội nhưng sức ảnh hưởng trong giới thượng lưu lại không hề kém cạnh. Vì được nuôi trong môi trường nghệ thuật, mọi thứ đều yêu cầu sự cao quý lẫn thuần khiết nên mẹ Lý bị xem như một cái gai trong mắt đối với những cô gái cùng thời khác. Cái sạch sẽ thuần túy từ mẹ khiến họ chán ghét, xem mọi việc mẹ làm đều nhắm lấy sự thương hại từ con trai của các gia tộc thương nhân. Tồi tệ hơn nữa, chính mẹ lớn lên lại chẳng khác gì một đóa hoa xinh đẹp chẳng có sức phản kháng. Gia tộc to lớn để làm gì trong khi chính mẹ lại quá yếu đuối.

Hồi nhỏ ba Lý hay nói với Lý Đông Hách câu này, con giống mẹ con lắm. Chỉ sợ đời này của con không thể nào được như mẹ, tìm được người bất chấp mọi thứ để bảo vệ mẹ như ba. Vì bảo vệ đóa hoa mỏng manh ấy, ba Lý buộc phải trưởng thành thật nhanh, trở thành một cây đại thụ to lớn che chở cho người mình yêu.

Sợ nắng gắt làm hoa mất nước, có cây ở đây giang rộng tán lá.

Sợ mưa lớn làm hoa dập nát, cây nhờ chàng tiều phu chặt cành làm chỗ che chắn cho nàng.

Sợ hoa một mình cô đơn, cây nhờ chim mang theo những hạt giống mới đến tặng nàng.

Sợ thân hoa mỏng manh ốm yếu, cây thả lá xuống làm phân chăm bón chăm hoa lớn lên.

Dường như mọi sự đau khổ đều được cây chặn lại hết, để dành mọi sự tốt đẹp cho hoa. Chỉ tiếc là, dù cố gắng đến mấy thì nàng cũng không đủ sức để đi hết kiếp sống này. Tính ra, tuổi thọ của hoa và cây cũng đã khác nhau rất nhiều rồi. Trăm năm đằng đẵng, chỉ mong mười năm bình yên bên người.

Nhưng, Lý Đông Hách chẳng phải hoa cũng chẳng phải cây đại thụ, cậu là ánh mặt trời. Là hạt sáng kết nối giữa hoa và cây, cậu vui vẻ kéo hai người họ bên nhau. Âm dương cách biệt, nỗi nhớ lạnh thấu xương cũng nhờ vào những giọt nắng đó mà cả hoa lẫn cây đều có thể nhìn thấy mình trong đối phương.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, hai cậu nhóc nhà Lý cùng nhà La đã chính thức trở thành học sinh cuối cấp, lấy sách làm cơm lấy mặt bàn làm giường để ngủ. Trong năm vừa qua, Lý Đông Hách đã giành vô số giải thưởng từ cấp thành phố cho đến quốc gia lẫn quốc tế các môn tự nhiên, nhà họ Lý do đó mà cũng mở tiệc khoe khoang liên tục. Với ba Lý, dù tương lai cậu có trở thành chủ tịch đứng trên ngàn người, trong tay nắm quyền lực kinh tế vô cùng to lớn thì với cương vị là một học sinh, việc học chính là quan trọng hơn tất thảy, bởi từng tấm giấy khen, từng sợi huy chương cậu đem về cho ông đều có thể chứng tỏ được khả năng của cậu.

La Tại Dân cũng không hề kém cạnh, nó nhận được không biết là bao nhiêu bằng khen lẫn huân chương từ chính phủ bởi những đóng góp của mình cho xã hội dù mới chỉ là học sinh cấp 3. Có một khoảng thời gian dài, La Tại Dân liên tục từ chối mọi lời rủ rê đi chơi đến từ Lý Đông Hách. Đôi khi Đông Hách còn phát hiện hình như suốt đêm qua La Tại Dân chẳng hề về nhà, vì chiếc áo đồng phục trên người nó vẫn còn lưu giữ vết mực hôm qua cậu cố ý quệt lên. Thậm chí, khi xem bản tin thời sự buổi tối, dù thấy gương mặt của thằng bạn chí cốt chiếm hết nửa khung hình, cậu vẫn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tại sao thằng khùng này lại được đích thân Thủ tướng trao bằng khen? Tại sao khi được một người tuyệt vời như thế khen thưởng, nó lại chỉ có thể cười đù như thế?

- Ngòi bút cũng mang sức mạnh không thua gì nắm đấm hay vũ khí hạng nặng. - La Tại Dân luôn nói như thế mỗi khi cậu gặng hỏi lý do nó được trao thưởng. Tuy nhiên, cứ nhằm những lúc cậu sắp được khai sáng mọi chuyện, mồm nó lại kín như bưng. 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#markhyuck